Links

Thursday, June 16, 2016

Góc của Phan: Tấm ảnh cũ…



____________

Phan


Tôi đâu biết sửa chữa hay bảo trì computer. Chỉ biết xài và xài mỗi ngày nên khi hỏng hóc gì đó, tôi thường gọi những người bạn hiểu biết về computer để họ chỉ tôi làm một chút việc gì đó! Nếu cái laptop của tôi trở lại bình thường được thì mừng, công việc sẽ không bị trễ nải. Bằng không phải nhờ bạn bè sửa dùm thì mượn máy của họ về xài đỡ vài ngày.
Nhưng một anh bạn còn dở về computer hơn tôi nữa. Tôi phải đến nhà anh với mấy cáisoftwarebảo trì và một ít kinh nghiệm về computer đã học hỏi được từ bạn bè.

Ngồi xem qua cái laptop của một ông bạn trong sạch. Người xài không đi lạc vào xa lộ thông cảm, thông đồng nào hết, nhưng chỉ tại cái máy đã quá xưa cũ nên chạy không nổi nữa. Anh bạn tôi chỉ đọc báo mạng và viết thư điện tử qua lại với bạn bè. Thế là tôi chỉ cần delete hếthistory của internet anh dùng, bỏ bớt những trang mạng được bookmark nhưng chả bao giờ xem lại… là lỗi tại tôi đã chỉ anh cách bookmark lại những trang mạng mà mình muốn xem lại. Cái máy chạy nhanh hơn thấy rõ. Hết bị đứng màn hình là anh bạn tôi mãn nguyện lắm rồi. Anh cũng hiểu nhu cầu và khả năng của anh chỉ cần có vậy!
Vừa lúc chị nhà có con gái lớn đến đón. Hai mẹ con đi việc riêng thì đàn ông hỏi làm gì chuyện đàn bà! Tôi chỉ cảm ơn chị nhà đã xào cho hai anh em tôi dĩa mực xào với cà chua, dưa leo, cần tàu, củ hành trắng… thơm phức; chén nước tương có ớt đỏ xắt lát thật hấp dẫn.
Anh em tôi dọn bàn ra patio cho thoải mái. Anh bạn cứ say mê cái laptop bây giờ chạy nhanh thật, hết bị đứng màn hình, mà anh thì chỉ biết tắt nút powerrồi khởi động lại một cách nguy hiểm cho computer.
Cù cưa hết chai vang. Tôi kiếu bạn ra về, nhưng anh có chuyện gì đó cứ úp úp mở mở! Nhất là câu lưỡng lự tràn trề: “tôi muốn nhờ anh một việc… nhưng ngại quá!”
“Nếu ngại thì để dành tốt hơn. Vì nói ra, chả biết tôi có giúp anh được không? Hay chỉ báo hại anh tốn thêm chai rượu nữa…” Tôi nói xong, đứng lên khỏi bàn. Chào tạm biệt anh bạn già để ra về…
“Thôi thì sẵn hôm nay không có nhà tôi ở nhà, cũng chẳng con cái nào ở nhà.Tôi nhờ anh một việc… khó nói quá!”
“Tôi đã bảo là để dành đi. Đã ngại, rồi bây giờ khó nói… thì để dành cho mất ngủ. Khi chẳng còn sức khoẻ để hoang đàng thì hoang đàng nốt phần sức khoẻ còn lại cho người thân, bạn bè có cơ hội bày tỏ tình cảm…”
“Anh lúc nào cũng thế! Chuyện gì anh cũng đùa được!”
“Ngại, rồi khó nói. Bây giờ thêm giận nữa… càng đáng để dành!”
“Thôi thì ngồi xuống đi. Để tôi lấy ra cho xem…”
Thế là tôi ngồi nán lại để chờ một chuyện khó nói vì ngại, rồi giận. Nhưng lại tiếc cơ hội vợ vắng nhà, con cái đi hết!Lòng tôi hoang mang với người bạn hiền lành, tốt bụng. Thế mà cũng có chuyện bí mật!
Và hình như là một người khác từ trong nhà bước ra patio chứ không phải là ông bạn thân quen của tôi nữa. Một người già hơn lúc bước vô nhà lấy thêm chai rượu rất nhiều, vì ông đem theo ra một tấm ảnh cũ! Tấm ảnh trắng đen đã ố vàng, khổ 4×6; còn cả một phần tư cái dấu mộc màu đỏ chiếm hết một góc ảnh. Tôi phải nhìn thật kỹ mới dám nói ra, “tấm ảnh này có đã nửa thế kỷ và hình như được xé ra từ thẻ học sinh…?”
“Anh tài thật…”
“Muốn tôi phục hồi lại tấm ảnh này là chuyện hối hận đó! Tôi báo trước.”
“Anh nói rõ hơn cho tôi hiểu được không?”
“Đơn giản là tôi biết photoshop. Tôi sẽ chụp lại bằng máy ảnh digital bây giờ, hoặc scan tấm ảnh này để có file thì mới đưa vô computer mà photoshop được. Nhưng, một là phẩm chất của tấm ảnh từ khi chụp đã không có độ rõ cao để phóng lớn ra được. Hai là sự hủy hoại của thời gian đã quá nặng. Nếu tôi cố tẩy xoá những hoen ố, bồi đắp những bong tróc… cho dù khéo đến đâu cũng làm mất đi cái hồn của tấm ảnh. Đó là điều tôi nói với anh từ đầu là hối hận. Kinh nghiệm bản thân tôi rất khó tha thứ cho mình. Hồi tôi đi Mỹ, tôi về lục tìm trong căn phòng cũ của tôi ở nhà cha mẹ vì tôi đã lập gia đình và ở nhà riêng. Tôi tìm được tấm ảnh mà tôi đã cất giấu từ hồi còn đi học. Đó là tấm ảnh mẹ tôi mặc áo dài, chụp hình bên hồ Hoàn Kiếm ở Hà nội – thời mẹ tôi còn đi học, chưa lấy chồng. Tôi yêu thích tấm ảnh đó tới cất giấu làm của riêng.
Rồi sang Mỹ mới học hỏi về photoshop. Tôi tự hào đã phục hồi lại được tấm ảnh của mẹ tôi đã hoen ố thời gian. Nhưng đến hôm hay tin mẹ mất. Tôi chỉ lục tìm ra được tấm ảnh của mẹ thời con gái dưới dạng file trong computer. Tấm ảnh gốc, tôi tin là đã kẹp vào quyển sách nào đó. Tôi lục hết các kệ sách nhưng … không có ra. Lòng tôi đau khổ như mẹ mất vì tấm ảnh photoshop (sau nhiều năm nhìn lại) không phải là mẹ tôi. Tôi biết ra muộn màng là cái hồn của tấm ảnh đã chết từ khi tôi rê chuột computer làm photoshop…”
“Nhưng…”
Anh bạntôi chỉ nói chữ “nhưng” rồi nốc cạn nửa ly vang làm tôi chưng hửng vì lão nào giờ không uống rượu hàm hồ như thế! Lão xúc động mạnh. Tôi tin như thế hơn.
“Anh nói có lý, tôi không biết gì về việc phục hồi lại một tấm ảnh cũ. Nghe anh nói mới hiểu ra nhưng tôi không muốn mất đi tấm ảnh này, trong khi tôi tin không lâu nữa tấm ảnh chỉ còn là mảnh giấy cũ…”
“Bây giờ tôi hỏi anh. Nói về người trong tấm ảnh mà anh đã cất giữ mấy mươi năm, anh nhớ nụ cười, ánh mắt của người ấy rõ hơn gấp ngàn lần tấm ảnh. Có đúng không?”
“Biết là thế…!”
“Như vậy, anh phục hồi lại tấm ảnh này chỉ để sinh ra chuyện không hay trong quan hệ vợ chồng, gia đình! Về nghệ thuật, tấm ảnh cũ có giá trị thời gian qua sự hoen ố là điều thiêng liêng nhất của một tấm ảnh cũ. Không nên phục chế, phục hồi gì hết! Thậm chí cả nỗi nhớ cũng nên quên đi để sống trọn vẹn với hiện tại là cái trong tầm tay. Biết là rất khó nhưng anh nên suy nghĩ kỹ hơn để không lạc mất những thứ đang có chỉ vì một chuyện viễn vông; một quá khứ không ai trở lại được đâu…”
Một người xa lạ nào đó đã nói với tôi bằng giọng trầm trầm của ông bạn thân quen vì anh ấy đã biến mất vào kỷ niệm…
“… Tôi không biết vì sao tôi cứ giữ tấm ảnh này trong nỗi ray rứt thầm lặng đã nhiều năm. Đã nhiều lần bật quẹt để đốt đi như những lời anh vừa nói thì tôi cũng đã từng nghĩ như thế nhiều lần. Nhưng không làm được cái việc lý trí biết là đúng, nhưng ta chỉ nghe theo tiếng lòng mình…”
“…”
“Năm cuối trung học. Tôi liều lĩnh mời cô bạn chung lớp ghé uống ước ở quán ven đường. Tôi chỉ dám nói vài câu vô nghĩa, nhưng bạn tôi hiểu hết tiếng lòng tôi. Cô ấy hiểu tôi từ lần đầu cô ấy bước chân vào lớp; thầy giáo giới thiệu là một học sinh mới chuyển trường, thầy mong cả lớp hoan nghênh cô ta. Cô ta bình thường mọi mặt nên mau chóng hoà nhập với bạn bè chung lớp chỉ trừ tôi cứ lén nhìn… để đôi lần bắt gặp chính cô ta cũng lén nhìn tôi.
Hơn hai năm trời cho tới những ngày cuối cùng của bậc trung học tôi mới dám đạp xe đạp theo cô ở một đoạn đã xa trường cho bạn bè đừng biết và mời ghé uống nước. Chỉ uống được hai ly nước với nhau ở ven đường, tôi muốn nắm bàn tay thay cho hết những lời tôi muốn nói. Nhưng ngại ngùng quá nên sai lời: “Em cho anh xin một tấm ảnh của em được không? Vì anh biết chắc là vài hôm nữa, chúng ta đã hết cơ hội gặp nhau mỗi ngày…”
Cô ấy đỏ mặt hay tôi hoa mắt cũng chẳng biết, chỉ nhớ câu trách hờn: “Giữa đường xin ảnh. Anh nghĩ em là ai mà sẵn ảnh để cho…”
Nhưng ra khỏi quán nước. Cô ấy biết tôi phải quay ngược đường về vì đã qua nhà tôi dù chưa tới nhà cô ấy. Tôi xin đưa em về tới nhà một lần cũng không được mà lại được cô dúi vào tay tôi bức ảnh xé ra từ thẻ học sinh, đúng như anh đoán.
Tôi giữ tấm ảnh ấy từ đó cho tới hôm nay vì không bao giờ gặp lại được cô ấy nữa! Chuyện dài dòng theo hoàn cảnh cá nhân chúng tôi, ảnh hưởng chiến tranh, hậu quả hoà bình… Nỗi nhớ, lòng thương theo thời gian chỉ còn lại sự lo lắng; rồi lại biến thành mong cầu cho cô ấy bình an khi tự biết mình đã hoàn toàn bất lực, vô vọng trong kiếm tìm. Chỉ có mặc cảm tội lỗi với vợ là thực tế. Tôi nghĩ ngược lại nếu tôi biết nhà tôi cất giữ một bức ảnh của người bạn trai nào đó nhiều năm như tôi, tôi sẽ nghĩ gì? Vậy sao tôi lại làm chuyện đó!
Bao nhiêu lần tôi bật que diêm, rồi tới lửa nến, tới quẹt xăng zippo, rồi tới quẹt ga… tới bỏ thuốc lá là hết lửa thì tấm ảnh vẫn còn.”
“…”
Không gian trầm xuống mấy chậu kiểng. Tôi vốn thích những chuyện tình lặng lẽ bởi không có sự va chạm của đời sống thì tình cảm mới không sứt mẻ. Nhìn sang ông bạn già lại thấy anh trẻ ra với cái thơi thới của một người vừa tâm sự ra được một chuyện lòng ấp ủ muôn năm vì thời gian còn lại của anh đâu đáng kể nữa…
Đường về tôi chỉ nghĩ được, chiến tranh nào không mất mát. Nhưng mất mát nhà cửa có thể xây dựng lại; rừng cháy bom mọc lại; đất sẹo vết giày sault mưa nắngcũng xoá nhoà… chỉ tình yêu thời tao loạn là vô vọng,để lại những vết thương lòng cho con người không có bác sĩ và thuốc men. Nhưng khả năng tự chữa trị cho mình thì con người ta lại quá yêu đuối. Hầu như ai cũng có những kỷ vật vô giá, nhưng nhìn ở một góc cạnh khác thì sự vô giá đó là nỗi khổ riêng của mỗi người. Nhưng mấy người đủ can đảm vứt bỏ nỗi khổ vì khổ là vốn liếng đáng kể nhất của con người. Bởi một người hoàn toàn không có khổ thì bơ vơ đến chết trong nhân quần đau khổ mới là bình thường.
Phan

No comments:

Post a Comment