"Má tui"được viết bởi Trần Hàng Ngươn -một cựu học sinh NTT Kien Giang-
Thành thật cám ơn Hồ Lý Ngọc đã chuyển bài đến Tha Hương.
Xin trân trong giới thiệu tác giả đến cùng bạn đọc.
HTTL
****************
Trần Hàng Ngươn
Chúng tôi vừa ở viện dưỡng lão Mê Kông ra. Ngoài trời lạnh buốt da, kèm theo cái gió khắc nghiệt của xứ Meo Bền Căn Gờ Ru. Vợ chồng tui vô xe rồ máy vọt lẹ như là để trốn chạy cái lạnh. Hôm nay thật khác lạ, tui thấy thương má nhiều qua những lời đối đáp giữa chúng tôi với bà. Mấy tuần nay, vợ tui với kinh nghiệm mười mấy năm trong nghề, hằng ngày tiếp cận và chăm sóc cho những người già, nói tui không tin: “ má bị dementia nhẹ anh có biết không? “. Tui cũng thấy dường như vậy mà chưa tin lắm, hôm nay tui mới tin vợ tui nói đúng. Nhìn thấy bà tỉnh táo, nói chuyện đối đáp bình thường không có gì lạ.
Mới đây lúc 7:30pm là cử ăn nhẹ hoặc cho uống sữa nóng trước khi ngũ, mấy anh em tui có ở đó, bà chọn món cháo đậu đỏ, chén nhỏ và ít. Bà ăn rất ngon, rồi từ phòng ăn chúng tôi và bà trở về phòng. Chúng tôi trò chuyện, chụp hình cùng bà rất vui. Vợ tui làm cái test nhẹ cho mọi người thấy. “Hồi nảy vú (tụi tui kêu má bằng vú) ăn gì?” Bà nói : Tao mới ăn cháo với thịt kho, cắt nhỏ nhỏ. Mọi người đều nhìn nhau rất đổi ngạc nhiên, mới đó chưa đầy nửa tiếng mà bà đã quên mình ăn gì! Thôi rồi vú mình quên rồi, hèn chi mình thường hay trách lầm, vú mình hay chối. Bà nói gì bà có nhớ đâu mà chối. Tụi con trách lầm vú rồi vú ơi! Tui sắp sửa khóc đây! Cám ơn bà xã tui hơn hai tuần nay là người gần gũi má nhiều nhất, có khi ở chơi với bà cả ngày, nếu ngày đó không đi làm. Ngày nào tui cũng vô thăm cho bà vui, hỏi thăm và nói chuyện đủ thứ, có những chuyện mà từ nhỏ đến giờ tui chưa từng nghe bà nói. Bà kể đủ thứ, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện hơn 70 năm bà vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua, thế mới lạ. Bà nói, lúc bà mới mười sáu, mười bảy tuổi . . . từ quê Hòa Hưng, Giồng Riềng ra Rạch Giá, trong lúc loạn lạc, giặc giả, người ta đói rách khắp nơi. Bà bị bà chị thứ bảy gả cho ông Tàu, là ba tui đó! Má tui lúc đó đẹp lắm . . .
Mới đây lúc 7:30pm là cử ăn nhẹ hoặc cho uống sữa nóng trước khi ngũ, mấy anh em tui có ở đó, bà chọn món cháo đậu đỏ, chén nhỏ và ít. Bà ăn rất ngon, rồi từ phòng ăn chúng tôi và bà trở về phòng. Chúng tôi trò chuyện, chụp hình cùng bà rất vui. Vợ tui làm cái test nhẹ cho mọi người thấy. “Hồi nảy vú (tụi tui kêu má bằng vú) ăn gì?” Bà nói : Tao mới ăn cháo với thịt kho, cắt nhỏ nhỏ. Mọi người đều nhìn nhau rất đổi ngạc nhiên, mới đó chưa đầy nửa tiếng mà bà đã quên mình ăn gì! Thôi rồi vú mình quên rồi, hèn chi mình thường hay trách lầm, vú mình hay chối. Bà nói gì bà có nhớ đâu mà chối. Tụi con trách lầm vú rồi vú ơi! Tui sắp sửa khóc đây! Cám ơn bà xã tui hơn hai tuần nay là người gần gũi má nhiều nhất, có khi ở chơi với bà cả ngày, nếu ngày đó không đi làm. Ngày nào tui cũng vô thăm cho bà vui, hỏi thăm và nói chuyện đủ thứ, có những chuyện mà từ nhỏ đến giờ tui chưa từng nghe bà nói. Bà kể đủ thứ, chuyện xưa, chuyện nay, chuyện hơn 70 năm bà vẫn còn nhớ như mới xảy ra ngày hôm qua, thế mới lạ. Bà nói, lúc bà mới mười sáu, mười bảy tuổi . . . từ quê Hòa Hưng, Giồng Riềng ra Rạch Giá, trong lúc loạn lạc, giặc giả, người ta đói rách khắp nơi. Bà bị bà chị thứ bảy gả cho ông Tàu, là ba tui đó! Má tui lúc đó đẹp lắm . . .
Nhà thờ Giáo xứ Hòa Hưng Giáo hạt Rạch Giá |
Má tui lúc đó đẹp lắm . . . ở cái tuổi cặp kê 17 với Dì Út 15. Gia đình má có 10 anh chị em, má thứ 10. Hai chị em má chạy trốn Tây với Miên thời đó, từ Xã An Hoà, Huyện Giồng Riềng. Nhà má bên ngoại gần nhà thờ Giáo Xứ Hòa Hưng, nghe bà nói nhà thờ nầy được xây cất năm 1923 rất to lớn kiểu Roma, rất mỹ thuật và được nhóm thợ ngoài Bắc gọi là 7 sắc vào làm. Theo bà nói, bà sống đến từng tuổi nầy, từng đi nhiều nước trên thế giới kể cả Châu Âu, và ở Úc được 30 năm, cũng chưa thấy nhà thờ nào to lớn như nhà thờ Giáo Xứ Hòa Hưng, có sức chứa mấy ngàn người.
Thời loạn lạc, đói rách, Tây và Miên hay lùng bắt gái đẹp. Lúc đó người Tàu ở Việt Nam rất có thớ, nhà người Tàu ngoài cửa có treo cờ nên không ai dám đụng. Dì Út với Má tui lúc đó ở Rạch Giá, đường về quê rất khó khăn và nguy hiểm. Dì bảy có chồng người Hoa, có ghe chài chở gạo đi Miên, đi Sài Gòn, có người bạn cũng có ghe chài chở gạo. Thời bấy giờ ai có chồng Tàu thì coi như yên, tụi Tây nó không dám đụng tới, nên Dì Bảy mới gả má cho ông Tàu bạn của chồng bà, là Ba của tui đó. Bà kể lúc đó bà khóc hết nước mắt, lúc đó bà còn quá trẻ, mới 17 tuổi có biết thương yêu gì đâu, Chệt mầy (Ba tui) lớn hơn tao 13 tuổi, lấy tao hơn 3 tháng Chệt mầy đừng hòng đụng được tao, tui cười hì hì . . . vậy mà sao cũng lòi ra 9 đứa vậy há!
Má tuổi Mậu Thìn, con Rồng nên số sướng từ nhỏ. Con đông cũng có cực nhưng không khổ, ba làm cực kiếm tiền, má chỉ ở nhà dạy dỗ con cái . . .
Kkông biết do may mắn hay phước đức ông bà, gia đình chúng tôi 9 anh chị em đều qua Úc, má với 2 đứa em gái út sau cùng cũng vượt biên năm 1986. Anh chị em chúng tôi năm 79, 80 đã đến Úc, ba vì thương nhớ con nên phát bịnh và qua đời năm 1983.Qua Úc năm 1986, má như một Hoàng Thái Hậu mà tui thường hay đùa. Bà chưa từng biết cực khổ là gì, chưa từng đi làm, chưa từng biết kiếm tiền, cũng may bà được định cư tại Úc, một thiên đường ở hạ giới mà bao nhiêu người hằng mơ ước.
Một sự may mắn cuối đời của má là lúc bà già yếu, mà khả năng chăm sóc của con cái đã bị giới hạn, sự an toàn khi sống ở nhà với con cháu không còn nữa, thì vừa đúng lúc viện dưỡng lão Mê Kông của người Việt có chỗ trống. Xin nhấn mạnh một điểm đây là viện dưỡng lão của người Việt đầu tiên trên thế giới, mọi sinh hoạt, ăn uống và phục vụ 100% Việt Nam, kể cả Bác sĩ, Y Tá và Cán Sự Điều Dưỡng cũng là người Việt. Viện dưỡng lão Mekông chỉ có 65 phòng, mà mấy ngàn người cao niên Việt Nam mình lớn tuổi muốn vô ở phải làm đơn và chờ đợi rất lâu. Người hiễu biết chuyện thì nói má thiệt có đại phước. Lúc trước đây tui cũng có thành kiến như những người Việt Nam, đưa cha mẹ già yếu vô viện dưỡng lão là không có hiếu thảo, phải phụng dưỡng và nuôi cha mẹ ở nhà mới là con có hiếu. Nhưng thực tế hoàn toàn trái ngược. Ai có khả năng chăm sóc người già yếu bệnh tật 24 trên 24 tiếng? Những chi phí nầy phải trả 400 đô la một ngày, đều do chính phủ đài thọ. Chất lượng thì như ở khách sạn 5 sao, có người phục vụ ngày đêm, 6 giờ sáng có nhân viên đến tắm rửa, vệ sinh cá nhân, sau đó cho ăn điểm tâm, xong đo áp huyết, cho uống thuốc, rồi cho sinh hoạt tập thể dục, rồi có nhóm đọc kinh theo tôn giáo của mình, ăn 3 bữa chính 3 bữa phụ, tối ngủ bước xuống giường có sensor báo, số phòng hiện lên, là có nhân viên đến giúp, đi vệ sinh . . . vân vân . . . thì còn gì bằng và có gì để than phiền chớ?
Đây thực sự mới là nhà của má tui khi bà đến tuổi già yếu, mà còn có người thay anh chị em chúng tôi chăm sóc. Chúng tôi rảnh sẽ đến thăm vui chơi với bà. Bà sẽ an hưởng và sống vui vẻ tại đây đến cuối đời.
Một nước Úc Đại Lợi giàu có, đã cưu mang chúng tôi, trong đó có má tui. Chúng tôi rất hãnh diện. Một món nợ mà chính bản thân chúng tôi và con cháu chúng tôi của thế hệ sau nầy phải gánh trả.
Tran Hang Nguon
Bài viết rất hay và chân tình , mong được đọc thêm những bài kế tiếp .
ReplyDeleteCô 5 BĐSK
Bài viết cảm động làm tui muốn khóc.
ReplyDeleteMít Ướt
Mến tặng anh THN 1 bông hồng cài trên áo. N.
ReplyDeleteCám ơn quí vị đã khen tặng và khích lệ !
ReplyDeleteNguon