Links

Sunday, October 2, 2016

Móc ngoặc 48 & 49 & Kết thúc

____________



Hai chiếc ghe lưới của ông Tư Đồ khá lớn nó có chiều dài trên 20 chục thước nhưng hơi cũ không biết chúng đã sống trên đại dương bao nhiêu năm rồi. Cái hầm máy lớn lắm nhưng Long chỉ biết các loại máy đuôi tôm chạy dưới sông mà thôi còn máy tàu, máy xe thì bù trất. 
Hai chiếc tàu đánh cá nầy đang thả neo cách xa đầu kinh Thứ 11 cả cây số, muốn ra tàu phải đi bằng vỏ máy và phải chạy ngang qua trạm biên phòng. 
Thằng Thanh rể thứ hai của ông Tư Đồ hôm đó chạy máy chở ông già vợ và Long ra ghe. Khi đi ngang qua trạm kiểm soát nó cũng không thèm bớt ga mà cứ chạy phây phây coi như không có cái trạm gác mắc toi đó đang nằm chình ình án ngữ trên bờ. Hai thằng công an biên phòng từ trong trạm chạy ra xem nhưng chúng thấy 3 người quen nên không nói gì mà trở vô trạm. 
Lên ghe Thanh liền đem dĩa mực đã làm sạch ra luột dấm. Ba người uống lai rai một hồi thì thằng Thanh nói:
- Tía với thầy giáo ở đây làm tiếp đi nghen tui phải chở vô lấy dĩa mực nhồi thịt gồi mua thêm lít đế nữa sẵn tiện kéo thằng Cáo ga làm quen với thầy giáo luôn thể.
Ông Tư Đồ trả lời:
- Ừ! Dzị cũng được, ấy mầy kêu luôn thằng ba ga chơi chung cho vui. Thầy giáo với chồng Út Mận quen mặt gồi khỏi kêu nó làm gì.
Chắc là ông Tư Đồ đã bàn tính với 2 thằng rể của ông rồi nên nó mới làm bộ kiếm chuyện lánh mặt để ông Tư Đồ dể dàng bàn chuyện bán ghe với Long. 
Thanh vừa xuống vỏ máy chạy đi thì chú Tư Đồ lên tiếng nhắc lại:
- Thầy giáo thấy cái tàu của tui thể nào? Nhắm bán cho người đi vượt biên được không?
Thiệt tình mà nói Long không có một chút kiến thức nào về ghe biển cả. Chuyện đi sông đi rạch thì anh rành rẻ, còn đi biển thì cũng như mù đi đêm cho nên nghe ông Tư Đồ hỏi anh chỉ cười cười mà trả lời:
- Chú hỏi tui chuyện nầy cũng như hỏi mấy anh mù đi xem voi vậy thôi, tui có biết khỉ gì đâu mà trả lời cho chú. Nhưng mà tui biết có người rành vụ nầy lắm người ta nhờ tui dọ thử xem coi có chổ nào bán tàu đánh cá lớn, dài chừng 20 mét trở lên thì chỉ cho họ. Còn họ mua để làm gì thì tui thiệt tình không biết. Nếu chú muốn bán ghe thì tui dẫn họ xuống đây coi thử, còn giá cả hay mọi vấn đề khác thì hai bên bàn tính với nhau, tui không có ý kiến và cũng không muốn biết tới chuyện đó. Nếu chú đồng ý thì tôi sẻ cho họ hay rồi 2 bên giáp mặt trực tiếp bàn chuyện với nhau.

Trước ngày đám cưới Út Mận ông ba Thạch cho thằng con trai xuống coi tàu nhưng anh nầy cũng không khá hơn Long bao nhiêu, thấy cái máy tàu hơi cũ anh ta sợ nên chưa có quyết định gì, anh ta bèn trở lại Sài Gòn để hội ý với gia đình. 
Ông Ba Thạch lại gởi một anh thợ máy nguyên là lính trong Hải Quân Công Xưởng theo Long xuống tàu để chạy thử máy. Vì thế cho nên Long phải dành hết thời gian để chuẩn bị cho cái móc nầy. 
Anh bàn với Út Nhứt:
- Năm nay chú tha cho tui khỏi đi học được không dzậy? Tui có mối chở mật ong lên Sài Gòn bán nếu hổng làm thì người khác lấy mất là năm tới mình đói nhăn răng luôn đó nghen. 
Út Nhứt với thằng Mạnh cùng ngạc nhiên hỏi:
- Mật ong mầy làm sao chở lên Sài Gòn được?
Long cười hì hì:
-Bí Mật. Tui mà đi lọt một chuyến khi về thì tui sẻ kể lại cho mọi người nghe còn nếu bị bắt thì tui nín luôn. Mà năm nay phòng mình có thêm nhiều cán bộ cũng như hiệu trưởng mới chắc là tui hổng đi học cũng đâu có sao. Thiếu gì đứa mới muốn đi học. 

Mùa hè 1978 là một mùa hè Long không thể nào quên được. 
Nhà ông Ba Thạch có chiếc xe Peugeot 404 mua không biết hồi năm nào nhưng nhìn còn mới tinh. Để che mắt cho chuyện tổ chức vượt biên và cũng để tiện việc đi lên đi xuống tuyến đường Sài Gòn - Rạch Giá ông ta bàn với Long tổ chức buôn lậu bằng xe du lịch 4 bánh. 
Thời buổi đó các trạm kiểm soát kinh tế chỉ chận xét xe đò, xe tải mà thôi, xe nhỏ để du lịch thì chúng chưa đụng tới. Bởi vì rất đơn giản xe nhỏ không chở được bao nhiêu hàng hóa mà xăng chợ đen thì mắc thấu xương buôn lậu bằng xe du lịch đâu có lời lóm gì bao nhiêu hổng chừng còn lổ thấu xương nữa là đằng khác, ai mà đi làm chuyện rùi bu như vậy bao giờ. 
Nhưng mục đích chính của ông Ba Thạch là mua ghe vượt biên cho nên ông rủ Long theo buôn lậu, lời thì anh hưởng mà lở có bị bắt hay lổ lả thì ông chịu cho. Còn chi phí đi đường ông ta cũng chịu chia đôi. Miễn sao người của ông có chổ ăn chở ở để liên lạc với chủ tàu cá là được rồi. 
Thiệt là trên đời hổng có cuộc hùn hạp nào mà ngon ăn như vậy. 
Lúc đầu Long không đồng ý vì Sài Gòn đối với anh rất xa lạ. Xa lạ đủ mọi mặt từ đường xá cảnh vật ngay cả con người cái gì cũng lạ, thì làm sao mà bán buôn, hơn nữa lại là buôn hàng lậu. Nhưng mục đích của ông Ba Thạch là hướng về chuyện vượt biên còn bán buôn là cái bình phong bên ngoài vì vậy ông ta giới thiệu Long với anh Sáu Cường một người chuyên môn đi giao hàng trong chợ lớn cho bạn ông trước năm 75. Anh Sáu ra giá hàng anh sẻ thu vô để giao lại cho khách quen, nhiệm vụ của Long là cung cấp hàng tại nhà anh ta ở đường Hậu Giang. Hai mặt hàng lúc đầu là mật ong và tôm khô. Lượt về Long mua theo thuốc Sài Gòn giải phóng về Rạch Giá để phân phối lại cho các tủ thuốc lá lẻ mà anh quen.
Người thợ máy mà ông Ba Thạch đưa xuống thì Long giao cho anh Khải chăm lo sau khi giới thiệu anh ta là cán bộ bổ túc văn hóa ở ty đưa xuống để tham khảo học tập phong trào xóa dốt mà Đông Hưng đã dẫn đầu toàn tỉnh. Long đem anh ta lại nhà Sáu Bảnh để gởi nhờ, nhưng Sáu Bảnh vốn dốt đặt năm rồi cũng là báo cáo ma mà qua truôn nay lại phải chứa cán bộ ty GD trong nhà thế nào cúng lòi cái dốt của mình ra nên ông ta từ chối:
- Thầy giáo muốn hại tui sao mà đem cha nầy tới đây gởi. Ở chung nhà gủi thằng chả biết tui dốt gồi làm sao. Hay là tìm nhà nào có người biết chữ gởi nhờ vài bửa đi.
Long làm ra vẻ đâm chiêu trả lời:
- Nhưng mà xứ mình có nhà nào biết chữ đâu? Chỉ mình chú là có thể qua mặt thằng chả được thôi. Hể y ta có ọ ẹ chú cứ lấy rượu đế đổ cho y ngủm củ tỏi thì còn tham khảo tham khiết gì nổi nữa mà lo. 
Sáu Bảnh cười lớn:
- Đổ gụ người ta chưa nằm, coi chừng tui lại xì ga chiện mình dốt chước, như vậy có khi hư bột hư đường hết hông chừng. Tui tính gì nghen. Thầy đem lại nhà anh sui của tui mà gởi nhờ. Thằng chả hay chữ số một ở đây nên người ta mới tôn là thầy đồ mà ảnh thứ tư nên gọi tắt là Tư Đồ.

Chuyện ông Tư Đồ với anh thợ máy hay ông Ba Thạch đi tới đâu khúc đường nào Long không có thì giờ hỏi tới cũng chưa muốn dính dáng nhiều vô việc đó. 
Mỗi ngày anh chở tôm khô từ chợ Rạch Gía lên Sài Gòn giao cho anh Sáu Cường rồi mua lại chừng chục cây thuốc Sài Gòn giải phóng mang về Rạch Giá bỏ mối. 
Chiều về thì đi chơi với 2 cô giáo Hoa và Thúy tối ngủ nhờ nhà đó đến sáng hôm sau đi ăn sáng với Út Nhứt và mấy đứa bạn để trả nợ quỷ thần. 
Còn anh hai Khiêm tài xế của ông Ba Thạch thì buổi chiều anh về nhà bạn của ông Ba Thạch ngủ đêm ở đó, có bàn tính chuyện rủ người vượt biên hay là dọ đường tìm bãi đáp Long cũng không tò mò tìm hiểu làm gì, chỉ biết  hơn tám giờ sáng hôm sau là anh đến quán ăn đã hẹn trước để rước Long rồi họ bắt đầu cho một chuyến hàng mới. 
Cái chu kỳ như vậy cứ lập đi lập lại, có khi Long cũng đổi qua chở mật ong
Cuộc đời đang ngon lành sướng như tiên. Một hôm xe từ Sài Gòn xuống gần tới Mỹ Thuận thì anh anh hai Khiêm kêu Long chỉ:
- Chú coi kìa tụi công an nó xét xe du lịch rồi đó. Vụ nầy coi bộ khó à nghen. Chiếc Peugeot nầy có tí tẹo mình chở tôm khô hay mật ong gì tụi nó nhìn vô cũng thấy hết. Nếu nó kêu lợi là chết chắc. Làm thế nào đổi được cái bảng số xe ra màu xanh đây?
Thời đó xe du lịch có 2 loại biển số. Nền trắng chữ đen và nền trắng chữ xanh. Chữ đen là xe dân sự, còn chữ xanh là xe cơ quan. Mà là cơ quan cở cấp tỉnh hay thành phố. Ở huyện dù là huyện ủy cũng chưa có xe du lịch. Họ chỉ có những chiệc GMC cũ để lại, hay ngon lành hơn thì có vài chiếc Jeep của quân đội ngày xưa mà thôi. 
Vì vậy xe biển số màu xanh tụi công an kinh tế thấy là quíu rồi bọn họ tránh xa cả chục thước chứ làm sao mà dám lết cái bản mặt hảm tài lại gần.
Long cười cười trả lời:
- Biển số xanh làm sao mà tìm được anh, điệu nầy chỉ có nước xách xe không mà chạy chứ đâu có chở cái gì được nữa mà mong. 
Thôi đành giả từ tôm khô củ kiệu trước khi bị chúng tóm cổ lấy hàng giữ xe. 
Không chở hàng cho nên Long cũng không theo xe nữa. Từ hôm đó gia đình ông Ba Thạch một mình lên xuống để liên lạc chuyện vượt biên.
Lúc đầu nghe nói "giới thiệu để bán ghe ăn tiền huê hồng" tưởng là dể dàng như uống ky cà phê sáng. Nhưng thiệt không ngờ nó rắc rối nhiều khê nhiều ngỏ ngách. Ông Hai Thiên cũng chỉ là người đứng trung gian, còn ông Ba Thạch cũng không phải là người có đủ tiền mua ghe một mình mà ông ta lại cũng là người đứng ra kêu gọi mời mọc bạn bè để góp thêm vàng mua ghe. 
Ông Tư Đồ cũng không phải là người dể tin tưởng người khác. Nói chung ai cũng thủ chắc phần mình nên cuộc thương lượng vẫn còn kéo dài. Đã  hơn tháng mà vẫn chưa ngã ngũ. 
Chuyện vượt biên do số trời định, dể hay khó không ai mà biết trước được.
Cái móc tàu vẫn còn dằn co, khóa học chấm dứt rồi mà vẫn chưa có kết quả. Long phải trở về phòng GD cho nên chiếc tàu đó không biết đi về đâu.

Khóa học chánh trị ở huyện An Biên vẫn diễn ra như mọi năm nhưng không khí có phần ngột ngạt hơn nhiều. Các học viên lớp thì đang lo suy nghĩ làm cái gì để sống còn trong thời buổi hiện tại, lớp thì nghe ngóng xem có ai định tổ chức vướt biên để mình đi ké theo.
Ngày lại ngày qua mọi người uể oải, lê lết vào hội trường nghe nhai đi nhai lại mấy bài học cũ rít những đề tài mà 3 lần học rồi chỉ có xào đi nấu lại thêm mắm dậm muối để cho người ta tưởng lầm là mới nhưng thực chất thì cũ xì.

Một tháng về phòng GD. Không còn phòng nào riêng để ở, Long cũng chẵng muốn ở ké Tường, Mạnh hay 7 Hài, mà nhà tập thể của 7 Bữu cũng quá đông nên anh về ở trên gác nhà của vợ chồng Tòng.
Cô Hoa vẫn học chưa xong cách tổ chức cũng như điều hành nghành mẫu giáo cho huyện An Biên. 
Ngưu Lang Chức Nữ bị chia cách đôi đường...
Gần đến ngày mãn khóa học thì lại có một hiệu trưởng ở trường Tây Yên C mất tích. 
Út Nhứt xem xét lý lịch GV toàn trường tính tới tính lui sợ đưa lầm người về đó dể tạo điều kiện cho GV vượt biên vì trường Tây Yên C ở ngay phía ven biển mà lại giáp ranh với các chợ Rạch Giá, Rạch Sỏi, Tà Niên. Tất cả các nơi đó chỉ cần qua sông Cái Lớn là tới xã Tây Yên rồi. 
Cuối cùng ông ta chọn cô Hà Kim Hoàng giáo viên khóa ba sư phạm cấp tốc có lý lịch tốt và là đoàn viên ĐTNCS từ khi còn học ở trong trường. 
Ông ta gọi Long đến rồi dặn:
- Mầy về chường Tây Yên C hướng dẫn cho con Hoàng chừng vài ba tháng, tới khi nó vững gồi thì chở lại phòng được hông dzị?
Nghe được trở về trường thoát khỏi phòng GD là Long mừng rồi mặc dù tới Tây Yên là nơi hoàn toàn mới nhưng mà mọi thứ đều có sẵn hết cho nên anh hăng hái trả lời:
- Sao lại không chú? Trường nào mà không được. Dzậy chú muốn chừng nào thì cho tui xuất hành lên xe hoa đây?
Thằng Mạnh cười lớn:
- Mầy làm gì mà gấp dữ dậy? Nghe làm việc chung với con gái là tươm tướp rồi. Mầy có biết mặt Hà Kim Hoàng chưa mà ham dữ dzậy???

(Xin mời các bạn xem kỳ 49)
Niên học 1978-1979  sắp được khai giảng trong bối cảnh đất nước rối bời. Đời sống dân chúng vô cùng khó khăn, dân thành phố thì ăn cơm độn với bobo sống vất vưởng qua ngày. Dân quê ngồi thắp thổm trên đóng lúa của mình. Họ hồi hộp lo sợ không biết giờ nào đất đai tài sản của mình bị cướp đi. 
Các GV thì nhu yếu phẩm lại tiếp tục bị cắt bớt, vật giá leo thang phi mã còn đồng lương vẫn đứng dậm chân tại chổ. 
Nhiều GV gia đình  có con nhỏ không thể nào nuôi con nổi, họ phải bán dần tài sản đã tích lũy từ lúc trước, khi bán hết đồ đạc rồi thì họ lại tiếp tục bán cả máu của mình. 
Người vượt biên càng lúc càng đông, tiếng đồn xấu càng ngày càng nhiều kể cả chuyện người Thổ dậy "cáp duuồn" người Việt ở Kiên Lương, Hà Tiên.
Một xã hội bất an vô trật tự và vô phương sống. 
Chỉ có cán bộ CS thì ung dung hưởng thụ nhất là bọn công an.
Thằng Thắng cứ mỗi lần tàu về bến là nó cho người qua rủ Long xuống tàu nhậu. Nhậu nhiều lần mà nó vẫn chưa nói gì làm Long hoảng, đâm lo không biết thằng quỷ nầy định giở trò gì. Bởi vì mỗi lần qua nó nhậu Long chỉ đi mình không, không mồi, không rượu, thuốc hút cũng không. Vậy thì bọn nó đâu có được lợi lộc gì, vậy sao nó cứ theo mời mình hoài dzậy cà. 
Sáng hôm đó tụi công an biên phòng bên Kinh Dài thuộc xã Tây Yên vừa thộp cổ mấy chục mạng người vượt biên. Bọn thằng Thắng lấy khẩu cung từ sáng sớm đến quá trưa mới xong, vậy mà tụi nó còn qua rủ Long xuống ghe nhậu tiếp.
Uống đả một hồi Long không chịu nổi sự tò mò nên hỏi nó :
- Sao ông rủ tui nhậu hoài dzị? Lúc nầy tui "bèo như con mèo té nước". Nghèo muốn sặc máu chứ đâu có cháo có cơm như hồi ở Đông Hưng để hùn vô đâu mà rủ rê nhậu mãi dzậy? 
Thằng Thắng cười hì hì:
- Bạn nhậu mà, lúc dzì, lúc khác chứ anh. Hơi sức đâu mà anh tính cho mệt? Có gụ có mồi thì cứ làm tới đi, chiện đời gác bỏ qua một bên.
Long làm bộ giả say ngã nghiêng ngã ngửa lựa nhựa hỏi lại nó:
- Phải dzị hông đó cha nội. Hay là ông muốn hỏi tui làm cách nào để làm giàu hơn tụi "Kinh Tế"
Thắng cười giòn:
- Thì cũng có chiện nhỏ muốn nhờ anh nhưng hông phải cái chiện mần giàu đâu.
Út Đen trưởng trạm biên phòng bên Kinh Dài cười nghiêng ngửa:
- Anh Thắng giàu gồi thì khỏi cần hỏi còn tui thì chưa nên muốn nghe nè. Anh Long nói thử nghe coi. 
- Nhậu thì phải có chuyện nói chơi cho vui, chứ tui mà nói thiệt mấy cha còng đầu tui rồi gởi xuống kinh làng Thứ Bảy hổng được nhậu nữa mà phải đi trồng tràm với mấy thằng ở trong phòng hỏi cung hồi sáng thì tàn đời luôn.
Cả đám cười rộ lên:
- Sao cha nhát dữ dzậy? Ở đây có ai mà hổng biết cha vốn là cục cưng của chú Năm, tuy chú được gút  về tỉnh gồi nhưng mà uy tín ổng còn y nguyên. 
- Nói Sao? Tui là cục gì? Cục kít thì có chứ cục cưng nổi gì mà bị đá cù bơ cù bất. Mà nói nghe nè. Mấy cha thiệt tình thua mấy thằng bên kinh tế sao? Chứ theo tui thấy biên phòng đã hơn kinh tế nhiều lắm à nghe. Tụi kinh tế lụm bạc cắc thôi chứ biên phòng mà hốt thì hốt cả đống chứ hổng chơi đâu.
Út Đen bước qua chen vào ngồi sát bên Long nói nhỏ:
- Nói thiệt với anh, bên anh Thắng thì hổng biết sao chứ tụi tui có được con mẹ gì nhiều đâu. Mấy lần đầu bắt được người vượt biên còn tịch thu được một ít vàng. Khi giải họ lên huyện mấy chú lập biên bản lấy khẩu cung gồi cho vô kinh làng thứ 7 cải taọ. Tuy tụi tui có được thưởng nhưng mà có chút xíu hè xài vài ngày là hết bà nó gồi. Như dzậy làm sao mà so với tụi kinh tế cho được. Hơn nữa mấy người vượt biên sau nầy hết vàng gồi hay là lúc bị mình gượt họ dấu lại hổng chừng mấy đợt sau nầy xét họ hổng có gì hết chơn. Bắt họ mất công đem về đây chớ có lợi ích gì đâu, nhưng mà nhiệm vụ mình phải mần thôi.
Long cười cười:
- Bây giờ muốn dụ khị tui để đưa đi kinh làng hay là muốn vấn kế tui đây?
Út Đen gãi đầu:
- Tụi em biết anh quen nhiều, lại hay đi đó đi đây chắc là cũng nghe cũng biết cách thiên hạ kiếm tiền sao cho lẹ, dzậy chỉ lại dùm tụi em đi. Chứ ai mà hại anh cho được. Mà hại anh thì có lợi lộc gì đâu?
Ba bốn đứa đều rót rượu mời kêu dzô dzô um trời đất cho nên Long hứng chí nói:
- Cái nầy tui giả bộ nói chơi thôi nghen. Nếu tui là mấy ông, khi đi rượt bắt người vượt biên tui hổng có la lớn. "Đứng lại. Đứng lại". Làm cái gì cho mất công. Nếu bắt được họ thì tui sẻ hỏi nhỏ:
- Có vàng hông dzị?
Đương nhiên là họ sẻ trả lời không. Và rồi tui sẻ hỏi tiếp:
- Ê!  Có tiền không vậy? 
Chắc chắn họ cũng trả lời không. Vì họ sợ mà.
- Dzậy thì cũng như không có được cái gì đâu.
Long cười hì hì:
- Được chứ. Tui sẻ nói nhỏ cho người đó nghe. Câu nầy "Có vàng, hay có tiền thì đưa tui một ít, tui sẻ thả cho mà đi, còn như hổng có gì hết thì theo tui về huyện"...
Mà nè vài hôm nữa là tui về trường Tây Yên C công tác rồi nghen, tới lúc đó thấy tui đừng có làm lơ à.
Út Đen reo lên:
- Dzị là hết xẩy gồi có tay nhậu mới dzị mình dzô chước một cái đi nghen...

Long uống cạn ly rồi quay sang Thắng hỏi:
- Hồi nảy ông nói có chuyện nhờ tui vậy chớ là chuyện gì dzậy? Đừng nói cái chuyện rượt bắt được ghe đang vượt biên rồi hổng biết nên kéo họ về đây hay là phải làm cái gì khác hơn à nghen. Nói dzị chứ chuyện đó căng lắm nếu ra gần hải phận quốc tế rồi thì chỉ cần mời cha chủ tàu qua hỏi:
- Ghe ông có bao nhiêu người? 
Sau khi ông ta trả lời thì hỏi tiếp:
- Muốn đi hay muốn trở vô bờ? Đi thì nộp vàng mà hết vàng thì trở vô bờ chơi, chứ đi vượt biên làm chi cho khổ thân sau nầy.
Nói xong long cười giòn tiếp:
- Mà nè có đòi người ta thì đòi ít ít thôi để đức lại cho con cháu chứ còn như kéo ghe họ về đây chỉ tốn cơm tốn gạo mất công coi chừng thôi chứ lợi ít gì đâu mà làm.
Thằng Thắng bẻn lẻn:
- Tui hổng phải hỏi anh chiện đó. Tui muốn nhờ anh việc khác.
Long giật mình tưởng mình nghe lộn. Nó có chuyện gì mà nhờ mình kìa. 
Anh thắc mắc nhìn Thắng ngạc nhiên hỏi lại:
- Thiệt hông đó? Ông mà nhờ tui sao? Mà nhờ chuyện gì nói luôn ra cho anh em nghe đi rồi mọi người hợp sức lại giúp cho.
- Mấy thằng nầy phá thì giỏi chứ làm sao mà giúp. Người duy nhất giúp được tui chắc chỉ có mình anh.
Thằng Thắng càng nói càng đưa Long vào mê hồn trận, anh càng thắc mắc thêm hổng biết nó muốn mình làm cái gì cho nó. Thiệt đúng là rượu chùa của công an không dể uống chút nào. Long nóng nảy hối nó:
- Mượn làm cái gì nói mẹ nó ra cho rồi, úp úp mở mở hoài cả tháng nay mà chưa chịu nói.
Thằng Thắng xề qua ngồi sát bên Long hỏi nhỏ:
- Anh với thầy Bữu quen nhau thân lắm phải không?
- Bữu què hả? Nếu là nó thì quen nhau lâu rồi qua 2 trào lận. Mà bồ có chuyện gì với nó ?
Thằng Thắng cười tươi:
- Đâu có gì, chỉ muốn rủ nhậu thôi. Nghe tiếng Thầy Bữu một cây gụ đế, đứng đầu bên ngành GD nên muốn làm quen chơi vậy mà.
Long cười ngất:
- Thôi đừng có xạo quá đi cha nội. Chấm cô giáo nào ở Thị Trấn rồi phải hông muốn nhờ Bảy Bữu làm mai cho chứ gì.
Thắng cười cầu tài:
- Thiệt hổng có cái gì qua mặt được anh. Dzậy sao anh hổng vô ngành công an mà làm, đi bên GD chi uổng dzậy? 
Long chép miệng :
- Chấm đúng cô nào thì nói đại đi, hổng nói thì tui dzìa bây giờ, hổng ai quởn đâu mà ở đây nghe ông làm bộ khen.
Thằng Thắng nhỏ giọng:
- Anh biết cô giáo Ngân hông dzị? Cái cô nhỏ người có nước da trắng bóc như hột gà luột đang dạy tại chợ Thứ Ba nè.
Cô Kim Ngân là GV chưa tốt nghiệp của trường SPVL dạy ở điểm thị trấn Thứ Ba từ sau 1975. 
Cô là hoa khôi trong ngành GD ở An Biên người đã làm đảo điên biết bao là trái tim của các thầy giáo xa nhà. 
Thằng Thắng là công an nên nó đã điều nghiên kỹ lưởng lý lịch của cô Ngân nó dư biết cô Ngân đang ở trọ nhà cô Định, nguyên là GV từ trường của Long đổi về năm rồi. Thay vì nó trực tiếp nhờ Long dẫn lại nhà cô Định để tìm cách giới thiệu cho nó quen nhưng nó lại làm bộ đánh một đường vòng qua 7 Bữu.
Long nghĩ thầm trong bụng:
- Tốt muốn làm bộ chạy sang Bảy Bữu hả. Dzậy thì mầy gặp xui rồi em ơi. Bảy Bữu ghét công an còn hơn ghét kít. Trận nầy thì cho mầy nhừ tử với Bảy Bữu.
Long sốt sắng trả lời:
- Cô Kim Ngân hả. Người đẹp của ngành GD ai mà hổng biết. Cô ta ở cùng quê với Bảy Bữu đó hai người thân nhau lắm. Vậy có cần tui giới thiệu cho bồ làm quen với Bảy Bữu hông?

Chuyện tình yêu của con người thời nào cũng vậy. Kẻ có tiền, có quyền luôn luôn chiếm ưu thế. Tình cảm chân thật hiếm như những hại kim cương lộn trong cát. 
Thằng Tòng và cô Hương trình độ văn hóa cũng như lối sống có chút chênh lệch nhưng chưa phải là đôi đủa so le. 
Chuyện cán bộ CS dùng mánh khóe, quyền lực hoặc gài bẩy ép bức gái Ngụy xảy ra trong thời đó nhiều vô số kể. 
Nhưng chuyện những cán bộ dại gái xem bác hồ xem đảng còn thua cái "Tù Ti" cũng không phải ít.
Chuyện thằng Thắng sắp theo đuổi cô giáo Kim Ngân đoạn kết ra sao Long không rỏ vì ít ngày sau anh nhận công tác mới qua Tây Yên vài tháng sau đó Long đã tổ chức vượt biên.
Thời gian sống trên đảo tị nạn Long cũng thường nghe người ta kể lại về chuyện ghe của họ bị tàu công an biên phòng chận bắt, mọi người cầm chắc sẻ bị kéo về đất liền, rồi vô nhà đá nằm gở lịch nhưng họ thiệt không ngờ nó chỉ mời chủ tàu qua thương lượng. Đóng cho công an ít vàng sau đó nó còn kè luôn ra hải phận quốc tế.
Không biết có phải là chiếc tàu biên phòng của thằng Thắng không. Hay là bọn công an biên phòng ở đâu cũng vậy.
Cái móc cuối cùng mà Long thiết lập với bọn công an không phải cho riêng mình mà cho tất cả những người vượt biên nào lở bị sao quả tạ chiếu mạng...
Những đoạn đường móc ngoặc của Long, những việc làm sai trái khuất lấp đó cũng chẵng qua là lợi dụng những kẻ hở của chế độ rồi luồng lách sống qua ngày mà thôi.
Xã hội ngày một tiến bộ, thế giới văn minh ngày một tân tiến hơn. Người ta sáng chế ra nhiều kỹ thuật mới để phục vụ nhân loại.
Người CS cũng đâu có thua kém gì. Từ chuyện móc ngoặc của hơn bốn mươi năm về trước họ tiến tới chổ tham nhủng bày ra nhiều dự án vô bổ để cùng nhau rút ruột đem ra chia nhau mà ăn. Chia chưa đủ họ thi nhau bán cả đất đai mồ mã tổ tiên của dân tộc Việt Nam ...
Ôi đau đớn thay cho mẹ Việt Nam, hình hài héo gầy đang bị cấu xé tan tành da thịt...
(Xin Mời Quý Vị Xem Kỳ chót)

Cái vỏ máy của trường Tây Yên C bị hai tên hiệu trưởng và hiệu phó chôm làm phương tiện đi vượt biên cho nên Long buộc lòng phải đòi lại cái vỏ máy của trường Đông Hưng. Anh đến tìm Út Nhứt trình bày:
- Tây Yên C có 7 điểm trường mà toàn là kinh rạch không hà, không có cái vỏ máy làm sao tui đi tới đi lui được? Hay là chú cho tui lấy lại cái vỏ máy cũ ở Đông Hưng đi nhen. Mà đúng lý ra cái vỏ máy đó không phải là tài sản của trường Đông Hưng đâu nghen chú. Nó là của huyện ủy tặng cho tui lúc trước đó chú nhớ hông?
- Nhưng mà mầy lấy đi gồi tụi nó ở dưới lấy cái gì mà đi? Út Nhứt trả lời.
Long cười cười:
- Dzậy chớ chú định nói với tui ở trên nầy đi tới đi lui bằng cách nào thì chú nói với tụi nó y như vậy đi. Chứ cái vỏ máy đó là công của tui mà. Mà nói thiệt nghen chú cái vỏ máy nầy nó hên dàn trời luôn đó. Làm cái gì mà dùng nó thì lúc nào cũng suông sẻ hết. Mà mình cũng chưa có giao nó lại cho Đông Hưng mà, bất quá chú tìm cho tụi nó cái khác cũng được chớ có sao đâu. Hơn nữa trên hai lá be ở phía trước mủi ghe còn vẻ chữ huyện ủy An Biên chứ có phải vẽ chữ trường Đông Hưng đâu...

Con người ta cái gì cũng do số mạng đã định sẵn. Ông trời đã xếp đặt cho những cuộc gặp gở bất ngờ. Trường Tây Yên C có 32 GV tất cả. Đùng một cái 2 người trưởng phó xách vỏ máy chở người đi vượt biên rồi cùng nhau bỏ trốn theo họ luôn. Long lảnh nhiệm vụ đến đó xây dựng lại niềm tin cho GV và dân chúng. Nhưng mà đến giờ phút đó đâu có còn ai tin tưởng ai mà đi xây dựng. Người người đều muốn ra đi, chỉ là người ta còn dè dặt chưa dám nói với nhau thôi.
Cái người mà phòng GD chọn làm hiệu trưởng mới đó là Cô Hà Kim Hoàng. Cô ta còn trẻ lắm khoảng chừng 19, 20 tuổi là cùng. Năm rồi được bầu làm GV tiên tiến lại có thâm niên là đoàn viên đoàn TNCS từ ở trong trường sư phạm cấp tốc. Cô không đẹp nhưng cũng rất dể nhìn ít nói nhưng rất siêng năng chăm chỉ, không hợp với tánh tình cà rởn của Long. 
Vậy cho nên Long rất thận trọng để tìm hiểu coi cô nàng thuộc về phe nào. 
Mà nghĩ lại cũng ngộ, thời VNCH trong trường sư phạm có dạy môn "Quản Trị Thanh Tra Học Đường" vì vậy những người mới vừa tốt nghiệp từ trường Sư Phạm ra, họ cũng có thể điều hành một trường học ngon lành. 
Thời CS khóa sư phạm cốc tốc chỉ có 3 tháng mà thôi. Thời gian học chánh trị đã chiếm hết 1/3 rồi. Chưa nói đến việc phải học lý thuyết. Còn thời gian thực tập để dạy học sinh không biết được mấy bửa thì nói chi đến việc quản lý hay điều hành một ngôi trường. Vậy mà huyện An Biên lúc đó có không biết bao nhiêu anh chị hiệu trưởng hiệu phó tốt nghiệp từ trường Sư Phạm Cấp Tốc Teresa. Nhưng xét cho cùng họ vẫn còn hơn 2 người hiệu trưởng nguyên là GV "khiến chán" họ chỉ mới vừa học xong lớp nhứt (theo như anh ta khai còn sự thật học tới lớp mấy thì chỉ có mình anh ta là rỏ mà thôi)

Bảy điểm trường của Tây Yên C chỉ có 1 căn nhà tập thể ở tại ngã tư Kinh Dài với Thứ Ba còn lại 6 điểm trường kia GV đều ở nhờ nhà dân chúng. 
Cái căn nhà tập thể đó trước đây anh hiệu trưởng cũ lấy làm văn phòng cho trường Tây Yên C rồi ở luôn trong đó cho tiện. Nay căn nhà đó cô hiệu trưởng mới cũng muốn ra ở riêng với một cô giáo cùng quê Sa-Đéc. Vậy cho nên Long bổng chốc biến thành người vô gia cư.
Căn nhà của chú hai Thời nơi mà 2 cô giáo ở trước đây, trong nhà họ có cô con gái lớn nên Long không muốn xin vào ở. Bởi vì cái gương của Phạm Công Bình còn sờ sờ ra đó. Suy đi tính lại Long quyết định ở tạm trên cái vỏ máy của mình một thời gian trong khi chờ tìm hiểu tình hình thực tế ở nơi đây.

Ngang cửa điểm trường ở ngả tư Kinh Dài có một trại ghe khá rộng anh đến đó xin đậu nhờ.
Chủ nhà là ông Ba Phan đang làm tài công cho ghe biển cũng ít khi về nhà. Trong nhà còn lại 3 cô con gái nhỏ đứa lớn nhất độ chừng 14 hay 13 tuổi gì đó còn đứa nhỏ nhất 7 hay 8 tuổi là cùng. Nhà còn thêm một đứa con trai lớn 17 tuổi đang theo ghe lưới với ông Ba.
Thật ra xuống Tây Yên C nơi mà tất cả mọi chuyện đã đi vào nề nếp rồi thì tay HT chẵng có việc gì làm cả ngoài cái chuyện ruồi bu đó là đi dự lớp và xét giáo án. Làm HT đã quá nhàn rồi thế cho nên làm cố vấn lại còn nhàn rổi hơn.
Long chỉ cần ít hôm chỉ vẻ lại cho cô Hoàng một vài điều quan trọng mà trước đây mình đã học qua cũng như truyền lại cho cô ta một ít kinh nghiệm của mình và cách thức làm báo cáo...
Vì trường có nhiều biến cố trọng đại nên phòng GD ra lịnh mỗi tuần lễ họp nội bộ và làm báo cáo một lần. Long dùng vỏ máy chở các GV luân phiên mỗi tuần một điểm họp khác nhau vì vậy mà vỏ máy của Long lúc nào cũng đầy ắp người. 
Út Đen trạm biên phòng thắc mắc hỏi:
- Sao anh không chọn một điểm nào đó để làm phòng họp mà cứ xây tua như uống gụ hoài dzị? Bộ hổng thấy mệt sao?
Long cười giòn:
- Thì họp GV cũng chỉ để kiếm chuyện, kiếm bạn nhậu thôi chứ ông tưởng họp để làm cái gì? Ông nhậu hoài một chổ ai mà chịu nổi, dzị cho nên tui phải cho xoay tua lòng vòng cho nó công bằng dzậy mà. Sao? Độ rày có gặp được mối nào chưa mà thấy mặt mày tươi rói dzậy ông bạn ???

Người CS chuyện gì ngu dốt thì không biết chứ chuyện móc ngoặc, tham nhủng, báo cáo dỏm hay bán tài sản công kể cả bán Nước thì thiệt là tài tình. Nghe một biết mười làm một trăm...
Út Đen còn tổ chức bán bãi cho nhà anh Sáu Thìn nhà ở gần đầu Kinh Dài.
Sáu Thìn ra đi để lại căn nhà kê tán rộng thênh thang đồ đạc trong nhà tất cả còn nguyên vẹn. Long vừa hay tin đã tức tốc chạy về ủy ban huyện xin liền căn nhà đó để cho mình ở tạm trong thời gian công tác nơi đây.
Người vượt biên càng lúc càng nhiều, GV bỏ nước càng lúc càng đông không phải chỉ ở An Biên mà toàn tỉnh Kiên Giang toàn miền Nam. Báo cáo chắc chất đầy ở phòng tổ chức nên họ quyết định lập đảng bộ trong trường học để tiện việc kiểm soát GV.

(Tôi đã đọc được rất nhiều bài viết nói về việc kết nạp đoàn TNCS hay kết nạp vào đảng CS rồi. Người ta viết rằng: "rất khó vô đảng". Muốn thành đảng viên cần phải: Nào là phải phấn đấu, phải hy sinh, phải làm gương, phải tiên phong..v..v.
Chuyện họ viết thực hư ra sao tôi không rỏ mà tôi cũng không cần tìm hiểu xem họ nói đúng hay chỉ phịa ra cho thêm ly kỳ. Tôi chỉ ghi lại đây những gì mà Thầy Long đã chứng kiến tận mắt mà thôi...)

Cô Hoa mãn khóa học về lại phòng GD An Biên nhưng cô lại không có đất dụng vỏ. Ngành mẫu giáo cũng chưa bắt đầu nên Út Nhứt giao cho cô phụ trách tổ chức đội thiếu nhi quàng khăn đỏ trong trường Thị Trấn Thứ Ba. 
Mà đội thiếu nhi, đoàn TNCS đều là tiền thân của đảng CS cho nên cô Hoa lại tiếp tục bị đưa đi học khóa dự bị làm đảng viên cùng với 2 cán bộ phòng và 7 người HT khác trong đó có cô Hoàng. 
Có điểm đặc biệt là trong 10 người được đưa ra trường đảng ở Rạch Giá học lần đó không có một người nào là GV lưu dụng của chế độ cũ cả.
Còn lại một mình, Long cũng bỏ trường rồi dù về nhà chơi ít hôm.
Tại nhà anh gặp lại người bạn cũ thời Trung Học, người bạn nầy đến tìm anh để rủ đi vượt biên...
Kế hoạch vượt biên được lập ra rất nhanh chỉ không đầy 2 tháng sau là Long đã sang đến trại tị nạn Poulau Bidong. 
Cô Hoa bị kẹt lại trong chuyến đi đó, nhưng mãi tới 13 năm sau khi gặp lại nhau Long mới biết ngày hôm đó cô không đến điểm hẹn như đã hứa nên không bị bắt. 
Còn cả tốp người của gia đình người mua ghe và con gái  chủ tàu đều bị công an biên phòng tóm gọn. 
Bây giờ gia đình cô cũng là một đại gia miệt ruộng không như thầy Long vẫn còn là kẻ long bong không nhà. Âu cũng là số mạng...
Còn cái ghe của ông Tư Đồ bán cho nhà ông Ba Thạch khi mọi người đến điểm hẹn để xuống "tắc xi" mà đi ra tàu lớn họ cũng bị hốt ổ.
Lần trở về Việt Nam gặp lại bác Ba Thạch. Ông ta than:
- Phải hồi xưa bác tin tưởng mà giao hết mọi chuyện cho cháu thì cả gia đình không chịu cảnh khổ như bây giời...

Chuyến tổ chức vượt biên của thầy Long đã kể trong bài viết  "7 Ngày đêm lênh đênh trên biển" rồi. Quý vị nào muốn biết thì xin mời vào Tha Hương mà xem lại...
Tiếp theo sau đây xin mời quý đọc giả ghé mắt qua câu chuyện  "Khoảnh Khắc Cuộc Đời". Để quý vị có cái nhìn mới về cuộc sống thật sự của một anh giáo làng trên đảo tị nạn cũng như những ngày đầu định cư trên xứ Mỹ như thế nào. 
Chuyện móc ngoặc đến đây xin kết thúc. Xin cám ơn tất cả quý vị đã bỏ công theo dỏi với những comments khích lệ tinh thần cho người viết.
Lanh Nguyễn


8 comments:

  1. Anh Long lại quên em rùi. Giận nghen.
    Người tình không duyên số

    ReplyDelete
  2. Em không oán trách Long đâu
    Tại chời xui khiến nên mình xa nhau
    Không duyên không nợ thì thôi
    Chúc anh hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan.

    Em Hoa

    ReplyDelete
  3. Gởi người xưa (Em Hoa)
    Ngày xuống thuyền em không đành bỏ đảng
    Có phải chăng em chán chuyện hẹn hò
    Để bao người chờ đợi phải lở đò
    Rồi tất cả bị công an hốt ổ

    Em yêu ơi! Sao nở gây cảnh khổ ?
    Để bao người không còn chổ dung thân
    Đêm từng đêm trăn trở biết bao lần
    Anh tự hỏi. Vì đâu ra nông nổi

    Bốn mươi năm qua sao dời vật đổi
    Anh vẫn còn trôi nổi, sống lang thang
    Mừng cho em được cuộc sống giàu sang
    Thương bao kẻ bị nhà tan cửa nát

    Bản tình ca mình không cùng chung hát
    Anh có buồn nhưng không nát con tim
    Gặp nhau rồi anh khỏi phải đi tìm
    Bao nhung nhớ đã chìm trong ký ức...
    Anh Long

    ReplyDelete

  4. Ủa, chuyện Em Hoa hại thầy vượt biên giả có thật sao ? Mấy bữa trước thấy có ai đó nhắc tới chuyện "BỘI NGHĨA, VONG ÂN, PHẢN THẦY" làm em tưởng chỉ là lý lẽ cho vui nào ngờ học trò cũng làm thiệt với thầy ... tệ quá ! Chắc thầy còn ấm ức như trong bài thơ nầy và đã thành thơ được rồi thì thầy đã "CƯỜI THA THỨ KẺ VONG ÂN" phải không thầy Long !???

    Em Phó Điều.

    ReplyDelete
  5. Em Phó Điều!
    Hơi hiểu lầm chuyện móc ngoặc rồi. Thứ nhất Cô Hoa không phải học trò thầy Long. Cô chỉ là đồng nghiệp nhưng không đồng thời. Thứ nhì chuyện vượt biên là tự nguyện với nhau cùng đi. Cô chỉ đổi ý vào giờ chót nên không đến điểm hẹn đúng giờ mà thôi.
    Thứ 3 giữa 2 người hoàn toàn là sự hợp tác tuyệt vời không có chuyện ơn nghĩa với nhau.
    Ở đời ai cũng có quyền chọn hướng đi và lý tưởng của mình. Mỗi người làm giàu một cách.
    Có người móc ngoặc, người khác thì tham ô, kẻ nọ thì bán nước
    Xã hội đã như vậy rồi thì trách ai mà làm gì?
    Hai đường thẳng song song thì bao giờ mới có tụ điểm?
    Thầy Long

    ReplyDelete
  6. Cám ơn Thầy Long;

    Như vậy là em hiểu ngọn ngành rồi ! Vội cám ơn là vì em cũng tức tối bởi hiểu lầm tưởng em Hoa là học trò của thầy Long chứ ! Chuyện vượt biên gạt nhau là thường nhưng mà nếu có chuyện học trò gạt thầy là nhứt định không thể cười tha thư được phải không thầy Long !!! Cũng may là Em Hoa nào đó không phải là học trò cho nên em cũng cảm thấy nhẹ nhõm ngay !!!

    Chúc thầy Long tiếp tục MÓC KHÔNG NGOẶC nhé Thầy;

    Em Phó Điều
    Bến Xe Hà Tiên

    ReplyDelete
  7. Cám ơn bạn hiền đã bỏ nhiều công sức cho loạt bài hồi ký nầy. Câu chuyện đã hơn 40 năm rồi mà sao thấy như mới hôm qua.Những người đã trải qua hai giai đoạn như tụi mình thì thấm thía nhất thôi. Bây giò mà đọc lại hồi ký Khoảnh khắc cuộc đời sẻ càng thấy hấp dẫn hơn.Thanks

    Chì Lưu

    ReplyDelete
  8. Xin cám ơn Sư Thúc. Cô giáo chủ vườn đã cho post xuyên suốt 50 kỳ chuyện Móc Ngoặc. Cám ơn quý đọc giả của Tha Hương, Sư Bá, Sư Huynh Sư Muội, Sư Đệ cùng các bạn cũ đã bỏ công theo dỏi với những comments khích lệ.
    Chuyện Móc Ngoặc của thầy Long đã qua gần 40 năm rồi nhưng xã hội Việt Nam chỉ có tồi tệ hơn chứ không có tiến bộ gì thêm.
    Bây giờ họ không còn móc nữa mà thi nhau bóc hốt và bán mà thôi.
    Thiệt là đau đớn cho những người dân phải gồng mình chịu đựng.

    ReplyDelete