Links

Monday, January 9, 2017

Tri âm, tri kỷ đời nay




“Tương thức mãn thiên hạ,
tri tâm năng kỷ nhân?” (Cổ thư).
“Quen khắp thiên hạ gần xa,
Hiểu mình, tri kỷ cùng ta mấy người?” (HP)
Bá Nha đời Xuân Thu là một danh cầm. Chung Tử Kỳ là người biết thẩm âm. Khi Bá Nha ngồi gảy đàn, lòng nghĩ đến cảnh núi non, thì Chung Tử Kỳ khen: “Tiếng đàn chót vót như núi cao!” Lúc Bá Nha đánh đàn, lòng nghĩ về sông nước, thì Chung Tử Kỳ nói: “Tiếng đàn cuồn cuộn như dòng nước chảỵ!”

Sau khi Chung Tử Kỳ chết, Bá Nha cho rằng, trong thiên hạ không còn ai hiểu được tiếng đàn của mình nữa, toàn là những thứ tai trâu, không còn thiết tha với việc chơi đàn nữa, nên đập vỡ cây đàn đi. Người đời sau, gọi Tử Kỳ là kẻ tri âm của Bá Nha.
Chuyện ngày xưa kể có một phú ông rất thích thú uống trà và gặp được người tri kỷ, là một vị hành khất, cũng hiểu được trà ngon và vui thú được đồng ẩm với ông. Phú ông gặp được tri kỷ, bằng lòng đổi sự nghiệp để lấy một ấm trà “tử sa” quý, và hằng ngày hai người vẫn thường đối ẩm với nhau. Khi người hành khất qua đời, xem như phú ông là người duy nhất sở hữu bình trà quý, nhưng đã mất người tri kỷ, nay chỉ ngồi độc ẩm, không còn thấy vui thú gì, người phú ông bèn đập vỡ bình trà.
Người đời cho rằng tri âm dễ kiếm nhưng tri kỷ khó tìm. Tri âm là người cùng sở thích với mình trong một lãnh vực hay chuyên môn nào đó, nhiều khi tối nay muốn đi nghe nhạc, nhưng không có tri âm nên không biết rủ ai đi, nhưng tri kỷ cao hơn một bậc, là người bạn gần gũi, hiểu rõ được lòng nhau! Phải hiểu rõ mình thì mới nhận ra ai là người hợp với mình để cùng nhau san sẻ nỗi lòng cũng như tâm sự.
Người xưa có nói: “Trong nghĩa vua tôi ít khi có tình tri kỷ, trong đạo vợ chồng tri kỷ đã là khó, chỉ may ra có được tình tri kỷ trong bạn bè.” Nghĩa vua tôi mà tìm được người tri kỷ, thì cả ngai vàng hay giang sơn cũng không tiếc. Tri kỷ trong tình vợ chồng gọi là hồng nhan tri kỷ, đó không phải là vợ, cũng không phải người tình. Người ta định nghĩa “hồng nhan tri kỷ” là đối tượng mà người đàn ông có thể bày tỏ mọi bí mật, mà họ không thể nói được với vợ hay người tình. Quả là hiếm hoi trên đời này, gặp được một người vừa là vợ, chồng, vừa là người tình, vừa là tri kỷ.
Suốt đời chúng ta giao tiếp, quen biết, kết thân với nhiều người trong thiên hạ, có bao nhiêu là thứ bạn: bạn thời niên thiếu bắt dế, đá banh; bạn học cùng trường lớp (biết rõ tính nhau), bạn hàng xóm; khi ra đời có bạn đồng nghiệp (nhưng đồng hành tương kỵ – đồng nghiệp tương tranh); bạn nhậu (chí thiết với nhau, nhưng thường rượu nói hơn là lời nói từ trong lòng); bạn cờ bạc (sẵn sàng tháu cáy, lừa nhau miễn là dành phần thắng); bạn nhà binh (nhân tình nhà thổ); bạn tù, bạn văn chương (văn nhân tương khinh), bạn đồng đảng (đồng chí giết nhau chẳng gớm tay),… nhưng được mấy người có thể hiểu rõ tâm ý mình, có để trở thành một người bạn gọi là tri kỷ.
Trong đời này, đôi khi ta tự hỏi ai là người tri kỷ với mình, thì chỉ buồn bâng khuâng thôi, nhưng cuối cùng nhìn trong thiên hạ, không ai là người tri kỷ với mình, mới là nỗi hận nghìn đời. Ông Khổng Tử đã nói:
-“Thiên hạ thuỳ nhân tri kỷ? Hận nhất dạ! Thiên hạ vô nhân tri kỷ. Hận thiên thu!”
Xin phỏng dịch:
“Trong thiên hạ biết ai người tri kỷ
Dù mang buồn cũng chỉ một đêm thôi.
Trong thiên hạ không ai người tri kỷ
Mối hận ta mang theo hết một đời.” (HP)
Người vô tâm, vô tính, thường không có hay không có nhu cầu tìm bạn tri kỷ. Lại cũng có người hạnh phúc có bạn tri kỷ, để có thể lắng nghe, hiểu, cảm thông và chia sẻ với ta tất cả những niềm vui, nỗi buồn của chúng ta. Cũng không phải vì chiều lòng hay thương bạn, mà họ sẵn sàng san sẻ nỗi vui buồn với bạn, mà chính họ giống nhau trên quan điểm, sở thích, cùng thương, cùng ghét. Bạn tri kỷ, thương ai họ cùng thương và ghét cũng cùng ghét, nên lúc nào cũng thấu hiểu lòng nhau, như hiểu chính lòng mình.
Trong suốt 15 năm lưu lạc, vò võ phương trời, cuối cùng Thuý Kiều cũng không ai là người tri kỷ. Thúc Sinh là tay chơi, cũng có thể là người yêu, là người ơn của nàng, “khi hương sớm khi trà trưa,” chẳng qua trăng gió mà ra đá vàng thôi, may ra chỉ là tri âm hay là kẻ tương tri, nhưng không phải là người tri kỷ của nàng?
Khi gặp Từ Hải, từ một cô gái giang hồ, Kiều trở thành một bậc phu nhân lừng lẫy, cũng xem Từ Hải như một người thi ân, chứ chưa gặp được người tri kỷ. Trong khi đó, Từ Hải gặp gỡ Thuý Kiều, tưởng là đến nay, trong chốn giang hồ vùng vẫy, gặp được kẻ tri kỷ:
“Từ rằng: Quốc sỹ xưa nay
Chọn người tri kỷ một ngày được chăng?”
Nhưng không, một Thuý Kiều trẻ người non dạ, không bao giờ có thể là tri kỷ của Từ Hải. Nếu đã là tri kỷ, Kiều đã không dụ Từ ra hàng vì của đút lót, vì mong được sống yên ổn, vinh hiển từ nay. Vì nghĩ Kiều, một người đàn bà hèn mọn, là tri kỷ của mình, Từ Hải đã để thân sa cơ giữ trận tiền, oan khuất đến đỗi “ra cơ sự này!”
Cuối cùng trong hồi tái ngộ, Thuý Kiều nghĩ Kim Trọng là người tri kỷ của mình, nhưng không, tri kỷ đâu để cho nhau nát cả đời hoa, “mười lăm năm trôi giạt, đem thân cho thiên hạ mua cười!”
Suốt đời Thuý Kiều vẫn băn khoăn, canh cánh bên lòng, “ai tri âm đó mặn mà với ai?” Tri âm còn chưa có, nói gì đến tri kỷ?
Còn bạn, đến cuối đời rồi, đã ai là tri âm, tri kỷ chưa?

No comments:

Post a Comment