Ở MỘT NƠI AI CŨNG QUEN NHAU !
Để tôi kể em nghe về một ngôi trường rất nhỏ nhưng đã để lại trong lòng tôi một cái bóng rất lớn.
Nó nhỏ tới độ không nghe ai nói tới. Người ta còn bận bịu với những tên tuổi quen thuộc đã một thời làm nức lòng nhiều thế hệ học trò. Em thấy đó, cứ hở ra là nghe tấm tắc nào là trường trung học Pétrus Ký, trường nữ trung học Gia Long, rồi là Chu Văn An, Trưng Vương. Xa hơn một chút là Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, trường Quốc Học Huế. Em có nghe ai nhắc tới ngôi trường trung học nhỏ của em đâu. Mà lỡ có khi nghe tới, đôi khi người ta còn phải hỏi đon hỏi đả coi nó ở đâu, nó nằm ở tỉnh nào. Làm như thưở đó cả miền Nam chỉ có mấy ngôi trường đồ sộ đó thôi. Làm như trường của em nó nằm tít mù ở một bản thôn nào vậy. Tuy nhiên em đừng buồn. Em đừng bận tâm vì cái vẻ háo hức pha một chút kiêu hãnh khi họ nhắc tới ngôi trường cũ của họ. Ai cũng có quyền hãnh diện về nơi chốn còn cất giấu một phần tuổi trẻ và những mộng đời mới lớn của mình. Em cũng vậy. Em cũng thấy ít nhiều xao xuyến mỗi lần có dịp nghe nhắc đến một cái tên đã quá đỗi xa xôi. Có một lấp lánh nào đó ở cuối đuôi mắt đã sắp sửa lười biếng và trong đáy cùng của con tim vừa chớm lặng lẽ vẫn có một lọn máu nhỏ bỗng dưng rạo rực. Phải không? Và ngược lại, em có thấy chút gì là cảm động khi bất chợt nghe ai đó kể lể về một ngôi trường dù rất nổi tiếng nhưng với em có dính líu gì đâu ? Tôi sẽ thay em để nói về ngôi trường của em đây. Ngôi trường mà giữa em và tôi có một điểm rất giống nhau, cả hai đều hết lòng thương mến.
Mà tại sao tôi lại nhắc đến ngôi trường trung học của em. Em cũng như nhiều người khác nữa, đã đi qua nhiều cấp lớp khác nhau, từ tiểu học đến đại học. Từ thưở bé mới theo mẹ tới trường lần đầu miệng cứ mếu máo đòi về đến những năm đôi mươi thỏng thượt qua lại hành lang đại học, em đã phải trải qua bao nhiêu là cấp lớp. Bao nhiêu lần giận hờn, nghịch chơi, ngún nguẩy, làm bộ làm tịch, bao nhiêu màn đánh chuyền, bao nhiêu trò chơi cút- bắt, nhảy dây, nhảy tràm .. kể làm sao hết. Bao nhiêu rộn rịp, bao nhiêu háo hức, bao nhiêu lo lắng, bao nhiêu hy vọng cũng như thất vọng. Bao nhiêu đêm thức trắng ôn bài, bao nhiêu ly cà-phê đắng nghét. Rồi thi cử, tam cá nguyệt, lục cá nguyệt, đậu, rớt .. Ôi thôi bao nhiêu hồi hộp, lo lắng, cặp mắt trắng dờ, khuôn mặt xanh mét, hột mụn vô duyên, sách vở rối beng .. Rồi mơ mộng, rồi những lá thư nhét vội giữa tập sách cho mượn. Những hẹn hò lén lút, những mắt nhìn vụng trộm. Kể làm sao cho hết, những năm đã quá dài và ứ tràn kỹ niệm. Như vậy tại sao lại chỉ nhắc tới ngôi trường đó thôi, ngôi trường trung học của em ?
Ờ mà tại sao tôi không nhắc tới buổi tựu trường đầu đời của em,"cái buổi mai đầy sương thu và giá lạnh", nói theo kiểu Thanh Tịnh trong bài bút ký tuyệt vời của ông . Lúc đó em đâu chừng năm sáu tuổi chớ gì. Còn nhớ không? Mẹ đã sắm sửa cho em bộ vận từ mấy ngày trước. Cái gì cũng mới. Bộ quần áo trắng tinh mẹ ủi thẳng nếp. Đôi guốc vông cong cong xinh xắn như cặp hài. Cái cặp da có sợi dây đeo vai. Bình mực tím có quai xách. Cây viết gắn ngòi bút lá tre còn bóng nước thép. Và nhất là mấy cuốn tập giấy trắng tinh ba đã cẩn thận bao bìa bằng loại giấy dầu thật tốt. Thích nhất là mẹ đã sắm riêng cho con gái cưng chiếc kẹp tóc có hình con bươm bướm đỏ để dành cho buổi tựu trường. Vậy mà buổi sáng đó khi mẹ vào giường kêu dậy, cô bé vẫn còn ngái ngủ ậm ừ không chịu thức. Mẹ phải năn nỉ vỗ về mấy lần mới dựng dậy được cô học trò mới. Rồi mẹ phải mấy phen ỉ ôi đôi khi cả dọa dẫm mới đưa được tới trường giao tận tay bà giáo có cái búi tóc và cặp kính lão đeo trễ xuống sóng mũi. Vậy mà khi mẹ vừa quay lưng thì không biết nước mắt ở đâu đã đầy trong cặp mắt nai. Tới phiên bà giáo phải vỗ về và như vậy em bắt đầu năm học đầu tiên trong tiếng sụt sịt không thôi. Rồi em quen đi, em có nhiều người bạn mới với nhiều trò chơi mới. Suốt những năm tiểu học, em có những thầy cô rất nghiêm nghị nhưng cũng rất nhân từ, chiếc thước bảng gõ nhịp cho em học vần, bàn tay cứng cáp nhưng khéo léo uốn nắn em đồ chữ, những phép tính cộng trừ nhân chia, bài toán đố hóc búa, và nhất là những bài tập đọc, nhớ không em những bài học thuộc lòng vốn dĩ là những bài thơ tuyệt tác. Tôi thấy thầy tôi mắt đã mờ. Mà còn dạy dỗ trẻ con thơ. Mà còn cặm cụi hơn năm trước. Với số quá đông đám học trò. Con nhớ ở đây cũng lúc này. Con còn bập bẹ ít vần tây. Một lần thầy bảo chung trong lớp. Ráng sức mai sau sẽ có ngày .. Thầy ơi thầy khổ đã bao lần. Mái tóc sương pha đã mấy phần. Có những chiều tà mưa phủ trắng. Thầy cười tha thứ kẻ vong ân .. Những bài học thuộc lòng đó đã để lại trong lòng em cái dư âm dịu dàng của tiếng mẹ đẻ, cũng như đã nuôi em lớn lên trong tình nặng nghĩa sâu của dân tộc. Nhiều năm sau nữa, những bài học đầu đời đó vẫn là cái vốn liếng quí báu mà thế hệ thầy cô già đã chẳng nệ công lao để lại cho em. Tôi chắc em đâu quên. Tôi biết em còn nhớ, nhưng mà là một nỗi nhớ rất đỗi mong manh, tuổi em còn non quá chưa đủ sâu để xếp thành những nếp gấp. Nhưng tại sao tôi sẽ nhắc với em về ngôi trường trung học ? Tại sao tôi cũng sẽ không nói đến những tháng năm em vào đại học ? Những phân khoa với cả ngàn sinh viên chen chúc trong những giảng đường chật nứt. Những ông thầy đến và đi vội vàng như minh tinh màn ảnh, những đồng môn lạ hoắc lạ huơ không kịp biết tên nhau. Góc thư viện lạnh tanh, dãy hành lang dài vô tận, xấp bài in ronéo dầy cộm, những sổ tay ghi chép dối trá, những lớp học vô tình như chính cái cuộc đời lạnh lùng ở bên ngoài. Không, tôi sẽ không nói tới những năm học ấy bởi vì rồi ra cùng với một tuổi đời đã khá chững chạc, con tim em đã quen với ít nhiều sóng gió nên đã biết lọc lừa, đâu còn nhiều điều làm em lưu luyến nữa, phải không ? Tôi sẽ nhắc lại cái thời trung học của em thôi bởi vì ở thời khắc đó khí hậu mới mượt mà, ngôi trường đó là khu vườn đang độ mà em là trái cây đúng lứa nên mỗi mỗi xao động của mùa màng đều giữ lại trong em những dấu vết không phai.
(Hi`nh cu?a HS) |
Nhớ không em năm em lên trung học. Chắc em mười một mười hai tuổi gì đó. Tóc đã thôi cắt bum bê và bắt đầu có những lúc săm soi trước kiếng. Sợi tóc dài mới lưng lửng đầu vai, đôi khi chợt ngúng nguẩy như sửa soạn làm điệu. Đôi mắt có lúc thoáng buồn vớ vẩn và nhiều khi chớp chớp như muốn thẹn thùng. Bãi trường năm đó sao em thấy màu bông điệp làm như có một cái gì xao xuyến lắm. Em từ giã thầy cô bạn bè chính là em từ giã cái tuổi ngây thơ vô tư lự của em đó. Em đã bớt chạy nhảy bởi vì trong cơ thể em như có một cái gì vừa lớn lên lại kéo trì tay chân em chậm lại, bắt em đi đứng khoan thai hơn, dịu dàng hơn. Phải rồi cái cảm giác đó dường như phát xuất từ lúc em biết mình sắp sửa chuyển sang trường lớn khi năm học mới bắt đầu. Trời buổi đó mới đổi mùa hay có những cơn mưa rào bất chợt về chiều. Và lòng em thay tuổi cũng thường có những lúc vui buồn không đâu. Bầy chim trốn lạnh đã kéo bay ngang thành phố.Và em, em cũng đang sửa soạn cho một chuyến đi xa. Niên học mới em vào trung học.
Cả tháng trước mẹ đã dắt em tới tiệm ngoài phố lấy ni tấc đặt may cho em chiếc áo dài đầu tiên. Chiếc áo trắng bằng hàng nội hóa cắt may suông đuột, hai cái vạt dài lượt bượt, vướng víu cứ làm khó chịu. Lần mặc thử nhìn mình trong gương em đã thấy tức cười. Rồi áo cánh áo lót thấy mà phát mệt. Nhưng đâu thể làm khác hơn. Bên đó trường lớn, người ta bắt mặc đồng phục, áo dài trắng quần đen. Vả lại em đã học lớp lớn, đâu còn bé bỏng gì mà áo xanh áo đỏ như mấy cô bé hàng xóm lê la ở sân trường tiểu học. Có phải cái áo dài trắng đó bỗng nhiên làm em lớn lên một lượt mấy tuổi. Em thấy em chững chạc và thấy thương hại đám con nít chạy nhảy lu bu. Em có cảm giác mình như con chim vàng anh nhỏ sắp sửa xổ lồng.
Buổi sáng ngày khai giảng, không đợi mẹ kêu, em đã tự mình thức dậy. Một mình em sửa soạn. Một mình em chải tóc, mặc quần áo, một mình em tự lo ăn sáng rồi chào cha mẹ ra khỏi nhà. Em sẽ đi một mình tới ngôi trường lớn ở bên kia sông, không cần ai đưa dắt. Có một cái gì lạ lắm hớn hở trong lòng em. Rõ ràng em đã lớn. Em đi ra khỏi nhà với cảm giác tự tin pha một chút lo lắng. Ban nãy mẹ nhắc chừng cái cặp khi thấy em đi tay không khác mọi năm. Em lắc đầu với một chút tự hào. Em đã đem theo tờ giấy trắng và cây bút chì. Ở đó có nhiều thầy nhiều cô dạy nhiều môn khác nhau đâu biết ra sao mà đem theo cặp vở. Chỉ cần tờ giấy với viết chì là đủ ghi chép mấy điều dặn dò đầu năm. Vả lại bộ mẹ không thấy em đã lớn sao, em đã vào đệ thất, đâu còn ở tiểu học nữa mà đeo cặp tòn teng.
Khi ra tới đầu ngõ, đứa con trai lối xóm cùng tuổi, ngượng nghịu trong bộ đồng phục mới, áo trắng dài tay bỏ trong quần dài xanh đậm, đầu tóc chải bảy ba thẳng thớm, dường như lấp ló đâu sẵn đợi em. Phải như mọi hôm chắc em đã réo nó chạy đua, nhưng mà sáng hôm nay sao em thấy em đã lớn, đâu thể cặp kè trửng giỡn với con trai ngoài đường lộ cho nên em bỗng nghiêm mặt rồi cúi đầu đi thẳng. Thằng bạn nhỏ coi bộ cũng ngượng ngập hơn thường khi, thấy vậy cũng rụt rè bỏ đi một nước. Ngang nhà lồng chợ học trò đi tựu trường dập dìu, nói năng líu lo như sáo. Sao em có cảm giác như ai cũng nhìn em hết. Hai vạt áo dài thì cứ đong đưa như còn vẫy gọi thêm. Em càng luống cuống thì vạt áo càng vướng vít. Con đường hông chợ sáng nay sao dài ghê.
Vậy đó rồi em đi tới trường. Ngôi trường trung học Nguyễn Trung Trực mà em đã nghe mấy anh chị lớn nói tới từ lâu, mà em tưởng chừng như sẽ không bao giờ lên tới đó được. Sáng nay em đã đường hoàng đi tới với một chút lo âu mà em cố giữ kín trong lòng. Sao em thấy ai nấy đều có vẻ tự tin, mắt sáng, môi tươi và nhất là cái dáng kiêu hãnh của những nụ tầm xuân biết mình đang độ. Có lúc em chợt thấy mình bé bỏng nhưng lại không thấy lạc lõng chút nào. Em có một cảm giác gần gũi, quen thuộc, như những người qua lại đó là anh là chị của em và sẽ sẵn sàng tha thứ khi em lầm lỗi. Còn ngôi trường mới nữa, nó to lớn uy nghiêm nhưng sao không có vẻ kiêu kỳ chút nào. Nó toát ra một vẻ đàn anh, kẻ cả nhưng cũng tỏ vẻ rộng lượng, bao dung. Em e dè đi từng bước nhỏ qua cổng, lòng bỗng vui như khi thấy trở lại nhà. Ngôi nhà mới của em, ngôi nhà thứ hai mà em sẽ sống suốt bảy năm trong một sự đùm bọc rất lạ. Bạn bè mới, thầy cô ở xứ xa, đã không hẹn mà về. Cuộc gặp gỡ tình cờ đâu ai chọn lựa vậy mà đã kết cho em những hoa trái ngọt ngào còn thơm phức lòng em cho đến nay. Ở đó bạn em đến từ những làng xa, những thôn vắng mà em chưa từng nghe tên nay bỗng nhiên trở nên gần gũi. Rõ ràng chỉ trong phút giây lòng em nở lớn ra trăm chiều. Em cho đi và em nhận lại. Đời sống bao la và phong phú biết bao. Em lớn thêm từng ngày, hồn dậy thì từng phút. Những môn học mới mở ra cho em những chân trời mới. Những bài giảng lạ đưa em vào cơn mộng lạ. Phải không ? Chính ở một góc bàn trong một lớp học nào đó, đã có một lần em để hồn lơ đãng ra ngoài cửa sổ dõi theo một áng mây bay. Đã có một lần tự dưng em thấy lòng lắng xuống, nao nao, khi chợt nghe ai đó đọc nhỏ mấy câu thơ vừa học được. Chiều nay trời nhẹ lên cao. Tôi buồn không biết vì sao tôi buồn. Lần đầu tiên em nghe người ta muốn gọi tên một nỗi buồn. Và cũng chính từ đó lòng em bắt đầu có những nỗi buồn không tên. Em đã thực sự lớn lên rồi bằng những cơn buồn vu vơ đó. Và bằng những cơn buồn vu vơ đó em khởi đi những bước e ấp rất nhẹ vào đời. Phút giây đó quan trọng lắm em bởi vì nó mở đầu cho cuộc đời thiếu nữ của em đi men theo một thời trung học.
(Hi`nh cu?a Thâ`y VO~ TRUNG HIÊ`N) |
Chính ở đó, chớ không ở một nơi nào khác, em đã đón nhận những giá trị tuyệt vời của lớp người đi trước, những khổ công của tiền nhân, những tài hoa của dân tộc để làm giàu cho em thêm nhân ái, làm đẹp thêm cho em mỹ cảm, làm tha thiết thêm cho em một tấm lòng son sắt với quê hương. Ở đó, em đã khóc cười theo mệnh nước, đã mơ theo nẻo mộng chinh phụ, đã sầu theo bước lỡ Thúy Kiều. Em học làm vợ làm mẹ theo Nguyễn Trãi, học nét đài các của Bà Huyện Thanh Quan, bắt chước cái tinh quái của Hồ Xuân Hương, học làm con hiếu đạo, học làm bạn chân thành, học làm người tình chung thủy. Ở đó , những công thức phương trình, những phản ứng định luật làm chìa khóa cho em mở cửa một thế giới tiến bộ, văn minh và nhân đạo. Ở đó em đã được kê lên "vai một người khổng lồ" để nhìn ngó ra tới cõi mênh mông ở bên ngoài cõi thực. Em lớn lên nhiều lắm đó em.
Chính ở đó, chớ không ở một nơi nào khác, cũng là lần đầu tiên em biết thẹn thùng khi tình cờ chợt bắt gặp một tia nhìn " kỳ " lắm. Không phải cái rụt rè của năm lớp tư lớp ba, cũng không phải cái mắc cỡ của năm lớp nhì lớp nhứt. Nó lạ lắm. Chỉ một tia nhìn thôi của một người biết mặt chớ chưa hề biết tên đã làm em luống cuống. Má em đỏ au lên, tay chân em bỗng nhiên thừa thãi. Tia nhìn thoáng qua, có lâu gì đâu vậy mà sao em tưởng chừng như thiên thu sựng lại. Những sợi giây tơ căng sẵn trong lòng em bỗng dưng bật lên một tiếng kêu thầm. Em thấy đâu như con tim mới tinh của em lại vừa đập sai một nhịp. Phải không, chính trên con đường trải sỏi nằm cạnh bờ hồ có hàng cây khuynh diệp trở lá xốn xang mà em đã nhận lá thư tình thứ nhất. Những lá thư tình nhẹ hơn cả một hơi thơ. Những lá thư tình vu vơ như một tia nắng rớt. Những lá thư tình viết nắn nót bằng mực tím trên giấy pelure xanh, hồn nhiên tới độ cho đi mà không chờ nhận lại. Tôi đố em còn tìm được ở đâu, ngoài khung trời đó, những mối tình vị tha như vậy. Có thể chuyện cũng chẳng đi tới đâu, nhưng em thử nghĩ lại coi có phải đó là những phút giây đẹp nhất của một đời người.
Chính ở đó, chớ không ở một nơi nào khác, em đã có một hai người bạn mà em còn khắn khít suốt đời. Cái tình bạn như chỉ có trong truyện đời xưa, mà người ta chỉ gặp và kết hợp một lần trong đời, ngay trong lứa tuổi đó thôi. Người bạn cùng em san xẻ ngọt bùi, cất giấu giùm em kỷ niệm, canh giữ cho em những điều thầm kín nhất. Người bạn mà em thương và thương em như chính mình thương mình vậy. Làm như chỉ trong lúc đó, khi tấm lòng còn tinh khôi, sự hòa hợp mới sít sao và bền bỉ. Người bạn theo em ăn khớp như hình với bóng, như chính một phần của em đã xẻ làm đôi. Cho đến bây giờ em còn tìm được một người bạn như vậy nữa không ? Tôi tin rằng mỗi năm thêm một tuổi lớn, con tim cứ vùng vằng chối bỏ làm như đã ứ, đã no những lắt léo muộn phiền. Tuổi đời dựng đứng quanh ta những bức trường thành còn dài hơn vạn lý và đường vào lòng nhau còn khó hơn đường vào sạn đạo nữa em. Cho nên chắc em cũng thấy, kể từ khi rời khỏi ngôi trường đó em có còn tìm được "người bạn" nào nữa đâu. Không phải tại ta muốn vậy, tại con tim ta lì lợm đó thôi.
Đấy, ngôi trường đó đã cho em biết cơ man nào mà kể những phẩm vật trân quý của trần gian. Có lần nào rảnh rỗi em tính lại mà coi. Tôi chắc em được nhiều hơn mất trong suốt bảy năm làm học trò trung học. Khu trường lạ lùng duy nhất có con đường trải nhựa xẹt ngang như một vết cắt phạm vô duyên, mấy dãy lớp lợp tôn nằm song song y hệt như một trại gia binh không lấy gì làm mỹ thuật, cái sân chơi trải đất lem nhem mấy đốm cỏ cháy vàng, ngọn gió nam thổi hiu hiu như giục cơn buồn ngủ .. Dường như nó cũng không khác gì hơn những ngôi trường mà em đã học qua. Cũng những tấm bảng đen với hàng phấn trắng bôi bôi xóa xóa, cũng mấy dãy bàn học đóng dính với cái băng dài khắc ngang khắc dọc những tên tuổi lạ hoắc, cũng cái hộc tủ để cặp vở nhưng lắm khi còn cất giấu những miếng xoài chua, trái cóc, trái ổi ăn không kịp trong giờ ra chơi ngắn ngủi, cũng khung cửa mắt cáo lưng chừng tường để đôi khi lén nhìn ra bắt gặp những cặp mắt kiếm tìm .. Vâng tất cả đều giống y như vậy. Có khác không là khác trong lòng em thôi. Đó đó em, cái mà tôi muốn nói chính là ngôi trường vẫn nằm êm ả trong lòng em từ mấy chục năm nay. Nó nằm ở đó không di dịch, không cũ thêm chút nào dù là đã trải qua không biết mấy độ tang thương. Thấy lại chưa em, ngôi trường trung học Nguyễn Trung Trực mà em đã mang theo từ ngày đi bỏ xứ.
(Hi`nh TRI.NH SO'N LU'O'.NG) |
Vậy đó, mỗi người đều có một ngôi trường cũ tưởng khi vội vã ra đi đã bỏ sót lại. Tưởng đâu người ta đã cướp mất luôn cái nơi chốn thân yêu sau khi đã đuổi mình đi tan tác. Nhưng không, ngôi trường cũ của em đã không bị cướp mất mà còn được nhân lên mấy lần nhiều hơn nữa. Bởi vì cái xác trường thì còn kẹt lại đó, chớ cái hồn trường thì đã theo em và bạn bè đi lưu lạc tứ phương. Bằng chứng là lâu lâu lại nghe tin buổi họp mặt học trò trường Nguyễn Trung Trực ở chỗ này, mai mốt lại nghe họp mặt ở chỗ khác. Hóa ra cái trường Nguyễn Trung Trực đâu còn ở tận cái thị xã xa xôi đó nữa. Nó ở ngay đây, kề bên em đó. Nó ở giữa phố phường đông đúc vùng vịnh biển phía tây nước Mỹ, nó cũng ở tại vùng đồi núi cheo leo phía đông. Nó nằm trên vùng cực bắc lạnh lẽo mà nó cũng có giữa đồng cỏ miền trung tây mênh mông. Nó có ở châu Âu mà cũng có tuốt bên châu Úc. Nó đã hóa thân thành muôn vạn tấm lòng rải ra khắp cùng mặt đất. Đến đỗi chừng như nơi nào có đôi ba học trò cũ là có trường mới dựng lên, hồn nhiên và thành khẩn. Những người học trò cũ đã chắt chiu mang theo từng mảng vụn để rồi dựng lại thành những ngôi trường mới, những nơi chốn mới để cùng trở lại hành hương. Ở đó em gặp lại đủ hết, thầy cô cũ, bạn bè cũ. Có thể còn thiếu sót một số người. Nhưng có sao đâu em, họ đến trễ đó thôi, vẫn còn chỗ để dành riêng cho họ. Ở đó em sẽ thở lại chút hương thời tuổi dại. Em sẽ thấy lại từng mặt người quen, dù sơ hay thân vẫn là cái tình người nồng ấm, cái tình người mà tôi chắc nếu em có bỏ công lặn lội ngàn ngàn cây số để trở về, đứng lại giữa khung lớp cũ em cũng không còn tìm thấy được nữa. Người ta đã thiêu hủy nó lâu rồi. Cái tinh thần tôn sư trọng đạo, cái ý chí của bậc đại nghĩa mà trường mang tên đâu có thể chung đụng với bầy quỹ dữ. Tên tuổi đó bây giờ chỉ là sự ngụy trá chớ còn hồn thiêng cũng đã phưởng phất theo bầy con cháu tha phương. Chính những ngôi trường mới mà đám học trò cũ bằng tinh thần xưa gầy dựng lên ở đâu đây, một hôm nào đó mới là cái nối tiếp liền lạc của nếp văn hóa đã thành truyền thống, mà chúng ta còn hãnh diện mang tên. Tôi vẫn tin rằng, ở nơi chốn cũ, bạn bè và thầy cô, những người đã mang chung cùng em kỷ niệm, dù có lao đao lận đận vẫn gởi lòng sang trong những buổi họp mặt này. Tôi tin em cũng không quên họ. Em đến để gặp lại những người có mặt. Mà em cũng đến để gặp lại những người vắng mặt nữa. Phải không ? Giữa bàn tay siết chặt, trong vòng ôm thân ái ở đây làm gì không có thấp thoáng một dấu vết xa xôi, một lời thăm hỏi ở đây làm gì không có ngậm ngùi một câu nhắn gởi thầm cho người còn ở lại đó. Tôi tin vậy lắm bởi vì chung thủy vẫn là đức tính của người-nguyễn-trung-trực và nghĩa nhân vẫn là bài học thuộc lòng mà chúng ta vì muốn nhớ nên đến nỗi phải bỏ đi.
Ở ngôi trường mới đó còn bao nhiêu người em chưa hề thấy mặt nhưng tôi tin rồi em sẽ quen biết dễ dàng. Ở đó mọi cấp lớp đã bị xóa đi, mọi giờ khắc sẽ sắp trùng lại. Mọi người chỉ còn một thời dụng biểu duy nhất. Thực tập cái bài học tình thương bị bỏ dở nửa chừng. Những anh, những chị, những em sẽ không còn là những chủng tử lạc loài. Chúng ta đã có cơ may để nhập lại làm một. Một tấm lòng duy nhất. Chúng ta may mắn có ngôi trường cũ rộng mênh mông như biển đủ sức hút về hết mọi nhánh sông con. Giữa lượng biển hải hà có giọt nước nào khác với giọt nước nào đâu, phải không em?
Dường như có lần nhà thơ họ Vũ sau khi thấy hết cảnh núi lở sông bồi đã ngậm ngùi than rằng:"Chúng ta mất hết, chỉ còn nhau". Vâng, đúng rồi em, chúng ta đã mất hết, nước non, tuổi trẻ, danh vọng, tiền tài .. Cái chúng ta còn lại chỉ là một tấm lòng son sắt như chút "của tin" mà Thúy Kiều đã giữ suốt mười lăm năm đòi đoạn để trân trọng giao lại cho người tình. Đoạn trường của chúng ta đã hơn hai mươi lăm năm, chúng ta còn gì để lại cho trường cũ nếu không là chút tình nghĩa tặng cho nhau trong cơn thất tán này.
Và cũng chút xíu tình nghĩa đó thôi để mai kia mốt nọ có lỡ bước trên dặm đường lưu lạc vẫn còn biết có một nơi mà gởi gấm lòng về.
CAO VỊ KHANH
(TRỊNH SƠN LƯỢNG chuyển)
Bài viết thật hay, giọng đọc cuốn hút. Lyhuong.rachgia cũng là "Ở một nơi ai cũng quen nhau".
ReplyDeleteThis comment has been removed by the author.
ReplyDeleteBài nầy đã post năm 2011 song cái Audio ClIp nầy mới toanh, mới thấy mấy ngày nay trên youtube nên mau mau đem về post kèm lại bài cho bạn đọc
ReplyDeleteThầy Cao Vị Khanh là Thầy Võ Trung Hiền cưu giáo sư NTT đó anh Khiêm, anh ấy về NTT cùng khoảng với tôi, lúc anh học thì chưa có Thầy đâu nên có lẽ anh không biết, người Xứ Mộng Lệ An đó anh
anh nói:
Lyhuong.rachgia cũng là "Ở một nơi ai cũng quen nhau"
Hôm nào anh viết một bài ý đó xem sao nha
Cám ơn anh Kh nhiều lắm
TL
Cám ơn nhã ý (làm khó) của chị TL. Tôi không hứa chắc, tuy nhiên cũng thử mày mò xem sao.
ReplyDeleteĐọc xong bài của Võ Trung Hiền,tôi nhớ lại có lần anh Dương Khả Ái hỏi tôi:"Đố anh Hiếu thời nào đẹp nhứt trong đời học sinh ?
ReplyDeleteTôi trả lời:"thời học bậc trung học"
-Tại sao
-Bậc tiểu học thì còn nhỏ quá,ta chưa biết gì.Bậc đại học ta phải phấn phấn đấu,không còn thì giờ mộng mơ.
Chỉ có bậc trung học là cơm cha áo mẹ,không phải lo lắng chi.Tuổi cũng vừa lớn để mộng mơ và có thời gian vui đùa cùng các bạn.Do đó ta có nhiều kỹ niệm đẹp...
CRD