________________
Trong di sản âm nhạc gồm trên 200 ca khúc của
nhạc sĩ Dương Thiệu Tước (1915-1995), nếu nhắc tới 10 bài tiêu biểu, hầu như
không ai là không nhắc tới "Bóng chiều xưa". Và trong số 10 bài tiêu
biểu ấy, có thể mỗi người thích một kiểu và có cách xếp hạng khác nhau, song nếu
nói ca khúc nào mà chỉ cần nhắc tới một đôi ca từ thôi là khán thính giả
"nhận ra ngay", hẳn đó vẫn là "Bóng chiều xưa". Nói vậy để
thấy "Bóng chiều xưa" gắn bó với tên tuổi Dương Thiệu Tước mật thiết
tới chừng nào...
Dương
Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc Việt Nam.
Ông sinh năm 1915, trong một dòng tộc thuộc diện khoa bảng ở làng Vân Đình, huyện
Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây cũ (nay là Hà Nội). Ông nội Dương Thiệu Tước là cụ nghè
Dương Khuê, nguyên Đốc học tỉnh Nam Định (cụ Dương Khuê được bạn yêu
văn học biết nhiều qua bài thơ "Khóc Dương Khuê" của nhà thơ Nguyễn
Khuyến). Thân phụ Dương Thiệu Tước là cụ Dương Tự Nhu, từng giữ chức Bố chánh tỉnh
Hưng Yên.
Thuở
nhỏ, Dương Thiệu Tước học ở Hà Nội. Cụ Dương Tự Nhu là người quý trọng chữ
nghĩa, yêu nghệ thuật nên cậu bé Dương Thiệu Tước đã may mắn được tiếp xúc với
âm nhạc từ rất sớm. 7 tuổi, cậu đã được cha mua cho cây đàn nguyệt. Từ đàn nguyệt,
cậu lân la "làm quen" với đàn tranh. Tới năm 14 tuổi, cậu bắt đầu chú
ý tới âm nhạc Tây phương và được cha đồng ý cho chuyển qua học đàn piano với một
ông thầy người Pháp. Tới năm 16 tuổi, Dương Thiệu Tước học thêm đàn guitar và
đây chính là loại nhạc cụ gắn bó bền bỉ, lâu dài với người nhạc sĩ cho tới mãi
những năm về sau…
Theo
hồi ức của nhạc sĩ Phạm Duy thì Dương Thiệu Tước là người đánh đàn guitar rất
giỏi. Những năm đầu thập niên bốn mươi (của thế kỷ trước), ông là chủ của
một cửa hiệu bán đàn ở phố Hàng Gai, Hà Nội và tại đây, ông còn mở lớp dạy đàn.
Để phục vụ cho những phút giây tụ họp vui vẻ với bạn bè, Dương Thiệu Tước đã
sáng tác một số bài hát bằng tiếng Pháp mà phần ca từ là do Thẩm Bích (anh ruột
của nhạc sĩ Thẩm Oánh) soạn.
Cũng
theo nhạc sĩ Phạm Duy, có lẽ vì coi mình đã nắm chắc được kiến thức âm nhạc Tây
phương nên khi được phỏng vấn về cách soạn nhạc Việt Nam, Dương Thiệu Tước đã tự
tin nói: "Nếu đã có nhà văn Việt Nam viết văn bằng tiếng Pháp thì nhà soạn
nhạc Việt Nam cũng có thể viết được những bản nhạc có âm điệu Tây phương".
Minh chứng cho điều này là sự xuất hiện (vào năm 1938) một loạt ca khúc mang âm
hưởng Tây phương đứng tên Dương Thiệu Tước như "Tâm hồn anh tìm em",
"Một ngày mà thôi", "Bên cây lục huyền cầm", "Dập dìu
ong bướm". Và hơn chục năm sau là "Bóng chiều xưa", một ca khúc
từng được giới mộ điệu nhận xét là "mang tiết điệu châu Âu". Các điệu
nhạc Tây phương mà Dương Thiệu Tước vận dụng một cách sáng tạo, thành công
trong sáng tác của mình đã làm cho giới yêu nhạc thời đó rất phấn khích.
Nhạc
sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang thời trẻ.
|
Như
trên đã nói, "Bóng chiều xưa" là một tuyệt phẩm được nhắc đến nhiều của
Dương Thiệu Tước. Nó cũng là ca khúc đầu tiên của Dương Thiệu Tước khi in ra (tại
Nhà xuất bản Tinh Hoa, năm 1951) được ghi danh hai người là "Nhạc và lời:
Dương Thiệu Tước - Minh Trang". Việc này có liên quan đến mối tình nhuốm
màu huyền thoại của hai nhân vật thuộc dòng dõi trâm anh thế phiệt ở Việt Nam.
Trước
tiên, xin giới thiệu lại toàn văn ca khúc nói trên:
Một
chiều ái ân
Say hồn ta bao lần
Một trời đắm duyên thơ
Cho đời bao phút ơ thờ.
Ngạt
ngào sắc hương
Tay cầm tay luyến thương
Ðôi mắt em nhìn càng say đắm mơ màng
Nào thấy đâu sầu vương.
Một
chiều bên nhau
Một chiều vui sống, quên phút tang bồng
Anh ơi nhớ chăng, xa anh em hát
Khúc ca nhớ mong.
Một
chiều gió mưa
Em về thăm chốn xưa
Non nước u buồn nào đâu bóng cố nhân
Lòng xót xa tình xưa.
Lâng
lâng chiều mơ
Một chiều bâng khuâng đâu nguồn thơ
Mây vương sầu lan
Gió ơi đưa hồn về làng cũ
Nhắn thầm lời nguyện ước trong
chiều xưa.
Thương
nhau làm chi
Âm thầm lệ vương khi biệt ly
Xa xôi làm chi
Vô tình em nhớ duyên hờ
Tình như mây khói
Bóng ai xa mờ.
Thời
điểm bài hát ra đời cũng là thời điểm nhạc sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh
Trang yêu nhau và nên duyên chồng vợ. Bởi vậy, đã có không ít người đặt câu hỏi,
hai người là đồng tác giả thực sự hay Dương Thiệu Tước muốn ghi kèm tên vợ để
lưu dấu một kỷ niệm đặc biệt nào đó trong đời mình, như chuyện nhạc sĩ Đoàn Chuẩn
và ông bạn Từ Linh? Chỉ biết rằng, từ cuộc tình của đôi trai tài gái sắc này mà
nền âm nhạc Việt Nam có thêm hai tình khúc bất hủ, đó là "Bóng
chiều xưa" và "Ngọc Lan".
Trước
khi đến với nhau, cả Dương Thiệu Tước và Minh Trang đều đã có gia đình. Người vợ
đầu của Dương Thiệu Tước là bà Lương Thị Thuần, cũng xuất thân từ một dòng họ
khoa bảng. Khi cưới bà Thuần, ông Tước mới 19 tuổi và trải qua hơn chục năm
chung sống, họ có với nhau cả thảy 5 mặt con. Người chồng đầu của Minh Trang là
ông Ưng Quả, cháu nội của Tuy Lý Vương. Ông Ưng Quả từng là Giám đốc Nha Học
chính Trung Phần. Ông Ưng Quả mất khi Minh Trang chưa đầy ba mươi tuổi, để lại
cho bà hai người con, một trai một gái, trong đó có ca sĩ Quỳnh Giao (tên thật
là Đoan Trang). Nghệ danh Minh Trang là do bà ghép từ tên của hai người con với
ông Ưng Quả, chứ tên thật của bà là Nguyễn Thị Ngọc Trâm.
Cũng
giống như Dương Thiệu Tước, Minh Trang thuộc diện "lá ngọc cành vàng"
(thân phụ của Minh Trang là quan Tổng đốc Bình Định Nguyễn Hy; bà ngoại Minh
Trang là Bà Chúa Nhứt - chị ruột của vua Thành Thái). Minh Trang chào đời tại một
nhà hộ sinh trên Bến Ngự - Huế. Không biết có phải vì cái duyên ấy mà sau này,
bà rất mê đắm ca khúc "Đêm tàn Bến Ngự" của Dương Thiệu Tước. Bà có
thể hát đi hát lại bài hát này và ngỡ nó được viết riêng, dành riêng cho những
người đa sầu đa cảm như mình.
Sau
khi ông Ưng Quả qua đời, bà Minh Trang đem hai con vào Sài Gòn và kiếm được một
việc làm tại Đài Phát thanh Pháp - Á. Tại đây, bà vừa là xướng ngôn viên vừa
làm biên tập tin tức bằng tiếng Pháp. Sự việc Minh Trang trở thành ca sĩ cũng
là chuyện tình cờ: Trong những lần dịch tin, Minh Trang thường ngẫu hứng cất tiếng
hát mấy ca khúc Việt thịnh hành thời bấy giờ như "Giọt mưa thu",
"Con thuyền không bến" (của Đặng Thế Phong), "Tiếng
xưa", "Đêm tàn Bến Ngự" của Dương Thiệu Tước, "Đêm
đông" (của Nguyễn Văn Thương)... Tưởng là hát chơi vậy thôi, một lần Minh
Trang được lãnh đạo Đài mời hát thử trên sóng phát thanh một bài. Minh Trang bạo
dạn gửi đến quý thính giả ca khúc "Giọt mưa thu" của nhạc sĩ tài hoa
đoản mệnh Đặng Thế Phong. Ngay lập tức, giọng ca "thần sầu" của Minh
Trang đã chinh phục lãnh đạo Đài, đến độ họ quyết định trả cátsê ngay cho bà,
không kể tiền lương...
Từ
đó, theo sóng phát thanh của Đài Pháp - Á, tiếng hát Minh Trang lan tỏa khắp
nơi. Năm 1949, đích thân Thủ hiến Bắc kỳ Nguyễn Hữu Trí gửi giấy mời ca sĩ Minh
Trang tham dự Hội chợ đấu xảo tại Hà Nội. Và mối tơ duyên đã đến khi trong lần
"Bắc tiến" ấy, Minh Trang gặp nhạc sĩ tài tử Dương Thiệu Tước.
Sau
này, ở tuổi 90, ca sĩ Minh Trang nhớ lại: "Mặc cho các bạn Thẩm Oánh, Nguyễn
Thiện Tơ, Dzoãn Mẫn… lăng xăng, líu lo, rối rít, ông ấy (Dương Thiệu Tước) im lặng
từ đầu đến cuối. Chỉ nhìn thôi. Lâu lâu mới mỉm cười. Sự xa cách, lặng lẽ này
khiến tôi càng thêm chú ý. Trước khi gặp gỡ, tôi đã từng hát nhạc của ông ấy
nên tôi cũng rất ao ước được gặp mặt con người tài hoa này".
Tất
nhiên, tâm ý của nữ ca sĩ thì như vậy, song với truyền thống Á đông, bà vẫn chờ
để Dương Thiệu Tước "đánh tiếng" trước. Và Dương Thiệu Tước đã không
ngần ngại thực hiện điều đó: Ít ngày sau khi Minh Trang trở lại Sài Gòn, bà nhận
được thư tỏ tình của tác giả "Đêm tàn Bến Ngự".
Và,
đỉnh điểm của lòng yêu là việc trên một số nhạc phẩm của Dương Thiệu Tước được
xuất bản thời gian này, người ta thấy hai cái tên Dương Thiệu Tước - Minh Trang
song hành bên nhau. Không chỉ có vậy, năm 1953, tuyệt phẩm "Ngọc Lan"
ra đời, với những chữ Ngọc Lan viết hoa (xin nhắc lại: tên thật của Minh Trang
là Ngọc Trâm) đã là món quà vô giá mà người nhạc sĩ tài hoa dành tặng người vợ
thương yêu của mình.
Trải
qua gần ba chục năm chung sống (hai người kết hôn tại Sài Gòn năm 1951), nhạc
sĩ Dương Thiệu Tước và ca sĩ Minh Trang đã có với nhau 5 mặt con
Nguyễn Trọng Mừng
Xin cám ơn người sưu tầm nguồn gốc bài nhạc.
ReplyDeleteTr Thất Tha