Ông
bạn mới đi chơi Việt Nam về, hớn hở khoe:
– Lần
này ghé Huế, được ăn cơm vua. Vui quá! Ông ăn cơm vua chưa?
–
Thuở bé, ăn đến phát ngấy rồi! Cơm vua thời đổi mới thì chưa
ăn.
Ông
bạn cười tôi lẩm cẩm, lẫn lộn ngày xưa với ngày nay!
Năm
1948, 49 gia đình tôi ở phố Lê Lợi (Bà Triệu bây giờ), giữa nhà thương
chữa mắt (Viện Mắt) và chùa Chân Tiên. Chiều tối, trẻ con tràn ra vỉa
hè vui đùa, hò hét inh ỏi. Chơi bi, đánh đáo,kéo cưa…
Kéo
cưa lừa xẻ
Thợ
khoẻ cơm vua
Thợ
thua cơm làng
Thợ
nào dở dang
Hầu
như ngày nào lũ quỷ sứ cũng rủ nhau ăn cơm vua vỉa hè.
Bài
hát ngộ nghĩnh. Cơm vua, cơm làng nấu nướng, ăn uống
ra sao là chuyện của người lớn. Trẻ con không cần biết. Cứ chơi cho sướng.
Tình
cờ nghe bạn hỏi mới sực tỉnh. Mới… thắc mắc. Ừ nhỉ, cơm vua, cơm
làng có gì đặc biệt?
Cơm vua…
Xưa
kia, các sinh hoạt hàng ngày trong Hoàng cung, Tử cấm thành của vua chúa nước
ta không được sử thần nào ghi chép. Phải nhờ… sách báo của tây ghi chép hộ một
trang sử đen tối…
Đêm
ngày 5 tháng 7 năm 1885 quân ta tấn công quân Pháp đóng tại đồn Mang Cá trong
kinh thành Huế. Rạng sáng hôm sau quân Pháp phản công.
7 giờ,
ngày 6 tháng 7 năm 1885, lá cờ trên kì đài bị bắn hạ.
Quân
ta thua, bỏ chạy. Vua Hàm Nghi cùng đoàn hộ tống chạy thoát qua cửa thành hướng
tây.
Pháp
chiếm toàn bộ kinh thành của triều đình Huế. Lính Pháp tiến vào Hoàng cung, Tử
cấm thành, vơ vét được nhiều vàng bạc và báu vật.
Phía
Pháp có 2 đại uý, 3 trung uý và 15 lính bị chết, gần 50 lính bị thương. Phía Việt
Nam có khoảng 15 ngàn lính tham chiến, bị chết hơn 800 người.
Kinh
thành Huế và vùng phụ cận bị tàn phá nặng nề. Mười ngày sau vẫn còn mùi xác chết,
mùi khói cay. Đường phố vắng bóng người. Súc vật đi hoang, bới tìm thức
ăn… (1).
Tháng
9 năm 1885, tướng De Courcy “đặt” Đồng Khánh lên ngai vàng.
Từ
nay, các quan lớn Pháp tự do ra vào Hoàng cung. Vua Đồng Khánh phải ra cửa đón
tiếp. Tết đến (4 tháng 2 năm 1886), Đồng Khánh được tướng Prudhomme “rủ” đi dạo
phố để cho dân chúng được ngắm “long nhan”, được thấy uy quyền của Pháp.
Các
tổ chức và nhân sự của triều đình Việt Nam bị Pháp tuỳ ý áp đặt, thay đổi, thậm
chí xoá bỏ.
Tháng
10 năm 1885, Pháp cho phép triều đình Huế được giữ lại 4000 lính và 400 nhân
viên dân sự. (Trước ngày bị Pháp chiếm, trong kinh thành Huế có khoảng 3 vạn
lính của triều đình).
Ngày
17 tháng 1 năm 1886, bác sĩ Hocquard nhờ tướng Prudhomme làm trung gian xin được
phép vào thăm kinh thành Huế. Ngày 20, Hocquard được cha Hoàng hướng dẫn thăm
Hoàng cung.
Hocquard
phải thốt lên rằng bên Âu châu cũng chưa hề có vua nào có nhiều người phục dịch
chuyện ăn uống như vua An Nam!
Hocquard
kể rằng đội bếp của nhà vua gồm 100 người. Mỗi ngày, mỗi người được phát 30
quan tiền kẽm để đi chợ mua đồ nấu một món ăn. Người bán hàng chẳng ai niềm nở
với các cậu bếp vì nhiều cậu có thói quen mua chịu rồi quỵt luôn.
Ngoài
đội nấu ăn ra, còn có thêm 500 người săn thú vật, 50 người bắn chim. Vùng biển
có một đội đánh cá 50 người. Vùng hải đảo có một đội bắt tổ yến 50 người. 50
người chuyên pha chế nước trà.
Tổng
cộng, số người phục dịch chuyện ăn uống của nhà vua lên đến 800 người.
Gạo
vua dùng phải thật trắng. Được lựa từng hạt. Hạt nào cũng phải còn nguyên vẹn,
không bị sứt mẻ. Gạo được nấu bằng nồi đất, dùng một lần rồi đập bỏ.
Vua
Tự Đức là người rất thận trọng nhưng nhút nhát, hay sợ sệt. Ngài không ăn những
món chưa được ngự y nếm trước. Nhà vua dùng đũa tre. Mỗi bữa đều thay đũa mới.
Vua không dùng đũa ngà của giới thượng lưu vì đũa ngà nặng quá. Vua chỉ uống nước
đã được chưng cất cẩn thận hoặc uống một loại rượu hạt sen ướp hương liệu.
Lượng
gạo vua dùng mỗi bữa được cân đúng lượng. Bữa nào vua ăn không ngon miệng thì
ngài gọi ngự y vào. Ngự y pha thuốc và uống thử trước mặt vua trước khi đưa cho
vua dùng (2).
Đầu
tháng 5 năm 1886, Frédéric Baille cùng Khâm sứ Vial vào Hoàng cung chào mẹ vua
Đồng Khánh. Chuyến thăm viếng được Baille kể lại trong sách Les
Annamites (1898).
Có
đoạn nói về chuyện ăn uống của nhà vua:
“Thường
nhật, vua Đồng Khánh dùng (cơm) ba lần : sáu giờ sáng, mười một giờ trưa và năm
giờ chiều. Mỗi bữa ăn có 50 món khác nhau, do 50 đầu bếp nấu nướng cho Hoàng
cung. (Vua Khải Định chỉ dùng 35 món ăn). Mỗi người lo nấu một món riêng của
mình và khi chuông đổ thì trao cho đám thị vệ đưa qua đoàn Thái giám. Các ông
này chuyển đến năm cung nữ và chỉ có mấy nàng mới được hân hạnh quỳ gối hầu cơm
đức vua.
(…)
Gạo đức vua dùng phải thật trắng và chọn lựa từng hạt, nấu trong nồi đất, mỗi lần
nấu xong thì đập bỏ. Đũa vua dùng vót bằng tre vừa mới trổ đủ lá và thay đổi
hàng ngày. Loại đũa ngà không tiện dụng vì hơi nặng đối với tay nhà vua. Số lượng
gạo phải được xem kỹ và nấu thật đúng, không bao giờ nhiều hay ít hơn, nếu đức
vua không ăn như ngày thường, nếu ngài thấy không ngon miệng thì ngài gọi các
viên ngự y đến xem mạch bốc thuốc. Ngài bắt các y sĩ uống trước mặt ngài” (3).
Tháng
1 năm 1886, Hocquard nói đội đầu bếp của vua có 100 người. Tháng 5, Baille nói
có 50 người. Ai đúng ai sai ? Có thể cả hai cùng lầm vì nghe “hướng dẫn viên du
lịch” người Việt giải thích.
Orband
cho biết ngay sau khi chiếm được Huế, Pháp đã tổ chức lại tất cả các sinh hoạt
trong kinh thành.
Tháng
10 năm 1885, đầu bếp của triều đình được chia thành đội phụng thiện (bếp
của mẹ vua) 20 người, thượng thiện (bếp của vua) 40 người, thượng
trà (pha chế nước trà) 20 người, từ tế ti (tổ chức
cúng tế) 40 người, lý thiện (bếp của các quan) 40 người, ngư
nghệ (đánh cá) 20 người. Tổng cộng 180 người (4).
Năm
1886, Hocquard và Baille vào thăm viếng Hoàng cung.
Hocquard
và Baille đã được nghe hai người hướng dẫn khác nhau kể chuyện.
Người
hướng dẫn Hocquard cho biết vài chi tiết về vua Tự Đức. Người hướng dẫn Baille
lại gán những chi tiết này cho vua Đồng Khánh.
Những
con số (đúng hay sai) được đưa ra là của thời Tự Đức (hay trước nữa?). Vì thế
mà số người làm bếp của nhà vua, Hocquard chép là 100 người, Baille chép là 50
người. Thời Đồng Khánh chỉ có 40 người.
Điều
gì hai người hướng dẫn kể giống nhau thì hai bài viết cũng chép giống nhau.
Văn
học Việt Nam đánh giá vua Tự Đức là ông vua hay chữ, sáng tác nhiều thơ văn nhất
triều Nguyễn. Thế mà nhà vua đã phải hạ bút khen:
Văn
như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi
đáo Tùng, Tuy thất thịnh Đường
Nhà
vua ca tụng văn của Nguyễn Văn Siêu, Cao Bá Quát hay hơn văn thời Hán. Thơ của
Tùng Thiện Vương, Tuy Lý Vương hay hơn thơ thời Đường.
Thơ
Đường có bài cổ phong của Lý Thân, được Tương Như dịch sang tiếng Việt (5):
Ra
công xới lúa giữa trưa,
“Mồ
hôi thánh thót như mưa luống cày.
Ai
ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo
thơm một hột, đắng cay muôn phần”.
Không
ngờ thơ Đường của Lý Thân đã trở thành ca dao Việt Nam. Học trò tiểu học đứa
nào chả thuộc lòng câu:
Ai
ơi bưng bát cơm đầy,
Dẻo
thơm một hột, đắng cay muôn phần.
Vua
Tự Đức ăn uống hơi khó tính. Hạt gạo phải trắng, còn nguyên vẹn. Cân đúng lượng.
Nồi niêu thổi cơm chỉ dùng một lần rồi đập bỏ. Ăn uống như vậy thì chắc là
không biết bài thơ, không biết câu “ca dao Việt Nam” này.
Vua
Tự Đức thích “đập”. Sai người khác đập nồi. Chính tay mình thì…
Đập
cổ kính ra tìm lấy bóng
Xếp
tàn y lại để dành hơi
(Khóc
Thị Bằng, tương truyền của vua Tự Đức)
Đọc
lại mấy tài liệu mới thấy rằng cơm vua của du lịch Huế ngày
nay nói cho đúng thì chỉ là cơm của các quan lớn trong triều. Ngày xưa, vua ngồi
ăn một mình. Có gái hầu. Vua không ăn cùng đám đông như… tây ba-lô hay Việt kiều
bây giờ. Vừa ăn vừa đùa giỡn, miệng bô bô… chống phong kiến!
Thổi
Cơm Thi
Cơm làng…
Ngày
xưa, nhiều làng mở hội, tổ chức thi thổi cơm. Một dịp để các bà, các cô nội trợ
trổ tài tại sân đình, trước mặt đông đủ hàng xóm, láng giềng.
Tất
cả các thứ cần dùng như gạo, nước, củi, nồi (hay niêu), lửa, được ban tổ chức sửa
soạn trước.
Một
hồi trống nổi lên. Các thí sinh sẵn sàng… Dứt tiếng trống, cuộc thi bắt đầu.
Mọi
người tới tấp vo gạo, nhóm bếp, thổi cơm.
Cơm
chín thì bưng lên nộp ban giám khảo. Nồi cơm nào “phạm trường quy” thì bị loại
ngay. Chỉ một hột sống, cháy, hay nát cũng không qua được mắt các cụ. Đàn
bà con gái gì mà thổi nồi cơm cũng không nên…
Ai
thổi được nồi cơm chín dẻo, thơm ngon và nhanh nhất thì thắng giải.
Cơm
dự thi được làng dùng để cúng tế. Sau đó đem chia cho dân làng.
Thi
thổi cơm là môt trò chơi. Dần dần thay đổi… Có nơi:
Mỗi
người bắc một cái bếp, một cây tre non, và một con dao, vừa vót tre vừa thổi, lấy
tre ấy mà đun bếp, hễ ai thổi chín trước thì được giải. Lại có nơi vừa ăn mía vừa
thổi cơm, lấy bã mía mà đun bếp (6).
Thi
thổi cơm của làng Chuông, tỉnh Hà Đông rất khó. Có hai giải.
Giải
dành cho gái làng thì người dự thi phải vừa thổi cơm vừa trông một đứa bé con
người khác, vừa phải giữ một con cóc thả trong một vòng tròn.
Ai
thổi nồi cơm chín dẻo, dỗ cho đứa bé không khóc, giữ cho con cóc không nhảy ra
ngoài vòng thì thắng giải.
Giải
dành cho trai làng thì người dự thi phải bơi thuyền từ bờ đầm hay bờ ao bên
này, chở các thứ cần dùng sang bờ bên kia. Bếp lửa phải đặt trên bờ, còn người
thổi cơm thì ngồi dưới thuyền.
Có
làng bắt người dự thi một tay xách con vịt sống, vai gánh đủ các thứ cần thiết.
Nào nồi, nào bếp, gạo, nước, củi. Vừa đi vừa thổi cơm (7).
Làng
Tích Sơn, tỉnh Vĩnh Yên có tục thổi cơm thi đầu năm. Nồi cơm được thổi trước tại
nhà, mang ra đình dự thi.
Nồi
cơm dự thi phải là nồi đất, sạch sẽ. Muốn được như vậy, người ta dùng một cái nồi
đồng đun bằng bếp củi, một cái nồi đất đun bếp than. Gạo vo sẵn, để ráo nước, đổ
vào nồi đất, chờ nước sôi. Đun nước sôi bằng nồi đồng, đổ vào nồi đất, ghế cho
đều, rồi bắc lên bếp than vần cho đến khi cơm chín.
Nồi
đun nước bằng củi bị nhọ nồi bám đen cũng không sao. Miễn là chiếc nồi đất thổi
cơm, được vần trên bếp than, lúc nào cũng sạch sẽ, không có một vết khói.
Cơm
dự thi được làng dùng để cúng tế. Sau đó mời các vị chức sắc, lão làng cùng ăn.
Còn thừa thì chia cho dân làng (8).
Cơm
làng thường là cơm trắng. Dân gian có người, có lúc phải ăn cơm đỏ, cơm độn
khoai sắn. Đói, cơm gì ăn cũng thấy ngon. Trừ cơm đen của… làng
bẹp hay cơm thầy, cơm cô của Vũ Trọng Phụng.
Cơm niêu…
Đã
lâu rồi, có lần được bạn bè kháo về thăm Hà Nội nhớ đi ăn cơm niêu. Ngon
lắm. Tôi chỉ cười. Mấy ông khó tính thế. Được voi đòi tiên. Sống
bên Pháp, ăn gạo Thái Lan, thổi bằng nồi điện Nhật, không ngon à?
Năm
1995, về làng thăm Bác Hai, tôi nói đùa:
–
Cháu mời bác đi ăn cơm niêu…
– Chết
thật! Bây giờ mà vẫn còn người phải ăn cơm niêu à?
Bác
tôi suốt đời sống trong làng Hoàng Mai. Mãi đến năm 1954 vẫn chưa biết điện, nước
máy là cái gì. Bác khổ sở với mấy cái nồi, cái niêu bằng đất. Cái nào cũng ám
khói đen sì. Nhọ nồi đóng thành lớp. Lúc rửa chỉ sợ lỡ tay làm vỡ.
Ôi!
cái thời Ăn xó, mó niêu đen tối. Ai cũng muốn quên.
Tôi
không dám đùa dai với bác. Nói lảng sang chuyện khác.
Tôi
chỉ nghĩ là cơm niêu của Bác Hai không giống cơm niêubây giờ. Nhưng cơm niêu
bây giờ là cái gì thì tôi mù tịt.
Lần
ghé chơi Đà Nẵng, vợ chồng tôi được bạn dẫn đi ăn. Đang ngồi chờ bỗng nghe tiếng
rơi vỡ giòn tan. Tiếp theo là tiếng vỗ tay đôm đốp. Tiếng cười nói ồn ào.
Phía
góc phòng đang có một đoàn quay phim.
Anh
bạn cười:
– Bọn
Nhật đập niêu, quay phim, quảng cáo món cơm niêu của mình. Anh
chị đã thưởng thức món này chưa?
–
Chưa. Chưa biết cái thú đập niêu.
Năm
ngoái lên chơi Đà Lạt lại bị cái bảng hiệu Hương Trà, Cơm niêu, nồi đất,
nóng hổi đập vào mắt. Cái thị xã Đức Trọng còn dáng dấp “nhà quê lên tỉnh”,
nằm trên đường Đà Lạt – Sài Gòn cũng mời khách dùng cơm niêu…
Cơm
niêu có vẻ ăn khách. Được đám người thích “đập phá” hưởng ứng.
Bây
giờ mới biết. Suy cho cùng thì cơm niêu cũng là một loại cơm
vua. Cả hai cùng dùng nồi đất. Dùng xong thì đập. Chỉ khác nhau về số
lượng các món ăn.
Sách Vân
đài loại ngữ của Lê Quý Đôn có đoạn:
“Bài Tân
tự của Lưu Hướng chép:
Điền
Nhiên đáp Ai Công rằng:
– Ăn
cơm thì không đập bát. Núp dưới bóng cây thì không bẻ cành (Thực kỳ thực bất
huỷ kỳ khí. Ấm kỳ thụ giả bất chiết kỳ chi).
Đó
là đường lối ăn ở trung hậu của người xưa” (9).
Vua
chúa Nga có trò uống rượu đập chén. Tướng tá tây rút kiếm chém
chai, tu rượu. Ta có thóiăn cháo đá bát. Nay có thêm mốt mới ăn
cơm đập nồi.
Ăn cơm
vua, cơm niêu kể cũng sướng. Nồi, niêu, đập quách cho khuất mắt. Khỏi
phải ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Nhưng đập mãi cũng nhàm,
cũng chán…
Nước
ta còn một đặc sản khác là cơm chúa. Món này chưa
thấy ngành du lịch giới thiệu. Nghe đồn cơm chúa có khả năng
kích thích năng khiếu… nhảy múa!
Ăn
cơm chúa, múa tối ngày.
Có
người lại nói:
– Ăn cơm
chúa dễ bội thực. Có thể bị… động kinh!
Nguyễn Dư
(Lyon,
6/2016)
(1)– Les
Grands Dossiers de L’Illustration, Le livre de Paris, 1993, tr. 77, 78.
(2)–
Docteur Hocquard, Une campagne au Tonkin, Arléa, 1999, tr. 605-607.
(3)–
Tôn Thất Bình, Đời sống trong Tử Cấm Thành, Đà Nẵng, 2014, tr.16,
17.
(4)–
R. Orband, Le Huế de 1885, in BAVH, 1-1916, tr. 82.
(5)– Thơ
Đường, tập 1, Văn Hoá, 1987, tr. 238.
(6)–
Phan Kế Bính, Việt Nam phong tục, Tổng Hợp Đồng Tháp, 1990, tr.
108.
(7)–
Nhiều tác giả, Trò chơi dân gian Việt Nam, TP Hồ Chí Minh, 1990,
tr. 60.
(8)–
Toan Ánh, Phong lưu đồng ruộng, Xuân Thu, 1990, tr. 82.
(9)–
Lê Quý Đôn, Vân đài loại ngữ, bản dịch của Tạ Quang Phát, tập 2,
Văn Hoá Thông Tin, 1995, tr. 156.
Cám ơn tác giả Nguyễn Dư đã cho một bài viết có nhiều tư liệu qúi giá.
ReplyDelete