Links

Sunday, May 7, 2017

CẤM CHỈ

________

CHÂN DIỆN MỤC


Nghe hai tiếng Cấm Chỉ người ta nghĩ ngay tới lệnh cấm. Cấm đây là cấm đoán chứ không phải khôi hài như ông vua kia gặp một cô gái câm bèn gọi nơi đó là Cấm Thị, gập một cô gái cười bèn gọi nơi đó là Hòe Thị.

Ngõ Cấm Chỉ đích thị là nơi lưu niệm một ông vua bố láo, nợ đầy mình, nợ lút đầu! Cái ông chúa chổm này vi hành bị người ta đón đường chỉ mặt đòi nợ. Vua liền hạ lệnh: Cấm chỉ! Thế là nơi đó chết danh Ngõ Cấm Chỉ !!!   Dân chúng coi đó là chuyện thường chứ không nhục thay cho vua!


Bây giờ người ta nợ hàng trăm, ngàn tỷ, có ai chỉ mặt đâu mà cấm chỉ! Các nhà kinh tế học chia đều món nợ đó cho dân… trả trăm năm không hết. Nhưng chủ nợ hoặc vô hình, hoặc ở một nước xa xôi… nên dân không bị chỉ mặt!  Dân không trả nổi bèn chỉ mặt con cháu mà dặn rằng: sau này các con các cháu hãy ráng làm mà trả nợ dù không bị ai chỉ mặt!!!

Nợ chồng nợ chéo, nợ khó đòi… nhưng người ta vẫn huênh hoang, phè phưỡn… bởi chuyện mai sau là chuyện mơ hồ, vô hình (?). Mà đặc biệt là người ta huênh hoang, phè phưỡn… bới chuyện ra nhậu ở đình làng cho nó thiêng, hãnh diện là làng ta có thuần phong mỹ tục. Mặc cho dân làng bán vợ đợ con để trả nợ!

Đặc biệt là các ông lớn chỉ nhổ nước bọt rồi xoa tay ngồi cao! Chẳng ông nào có cổ phần trong cái hội duy trì và phát triển thuần phong mỹ tục này!

Các Mác dạy (!) làm theo sở năng, hưởng theo nhu cầu! Nhưng có ai hỏi: khả năng anh hạng bét mà sao nhu cầu anh nhiều thế… thì không trả lời. Các quan im lặng làm lơ có ai thèm trả lời những câu hỏi không thông minh, không thông suốt đường lối và không được trên thông qua!

Tôi đi qua đường xưa lối cũ thì không còn thấy dấu vết của ngõ Cấm Chỉ! Tôi đâm ra nghi ngờ: Người ta đã nợ quá nhiều, những món nợ quá lớn, ai mà đi qua lối cũ để bị đòi, bị chỉ!

Con người thật là chóng quên! Lại càng chóng quên những ân nghĩa mà mình đã thụ. Ngày nay các bà lớn về thăm quê. Giầy cao gót làm sao qua cầu khỉ để thăm một người mà mình đã thụ ơn!

Các Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng đã từng nuôi các ông lớn hồi xưa ăn dầm nằm dề ở nhà mẹ! Nhưng ngày nay người ta hô hào nhân dân góp tiền, xây nhà… cho mẹ!
Chẳng có ông lớn nào đón mẹ về nhà phụng dưỡng mẹ cho bõ công lao bú mớm! Tôi nghĩ thăm nom thường cũng hiếm nữa, trừ phi… quay phim… quảng cáo tấm lòng hiếu thảo!
Nếu có mẹ nào chỉ mặt nói: Thằng chó, nhờ có hồi đó tao nuôi kỹ nên mày mới có ngày nay!!!  E rằng khúc phim đó sẽ bị cắt!!!

Thế mới hay, chỉ một ngón tay ra, đâu… có dễ ! Bà cố nội có sống dậy bảo chỉ… cũng … không có ai dám!!!

C.D.M.


No comments:

Post a Comment