____________
Trần Như Xuyên
(Kính tặng hương hồn cố Trung Úy Lê Đình Long, K21 Võ Bị Đà Lạt )
Vầng trăng từ độ lên ngôi
Năm năm bến cũ em ngồi quay tơ
( Huy Cận )
( Huy Cận )
Nguyện bước xuống xe, trời đã về chiều, Đà Lạt đang giữa mùa đông, chưa tối mà thành phố đã mơ màng như sương khói phủ, Nguyện co ro cài lại chiếc áo len mà từ lúc xe ra khỏi Blao nàng chỉ khoác hờ trên vai, bến xe hơi vắng, có lẽ chuyến xe của mình là chuyến cuối cùng từ Sài Gòn ra, nàng sách chiếc va li lững thững bước đi.
Nguyện cũng không hiểu sao giờ này mình lại ở đây, mới mấy ngày trước thôi, dù những khẩn khoản của Long mời nàng lên dự lễ mãn khóa của chàng, Nguyện vẫn giữ ý định là sẽ không đi, Nguyện ngại vì chưa bao giờ nàng đi xa một mình. Vậy mà…chả là tuần trước buổi chiều đi làm về, nàng có thói quen ngày nào cũng vậy, thả bộ dọc theo đường Tự Do đầy lá me, đúng là con đường có hàng cây lá xanh gần với nhau. Nguyện thích con đường này từ hồi còn đi học, giờ, từ ngân hàng nơi nàng làm việc, Nguyện đi bộ dọc suốt con đường, tới Bưu điện, nàng chờ xe bus để về Đa Kao
Nguyện cúi nhặt một chiếc lá trên lối đi, mình cũng lãng mạn đấy thôi, hay là tại Long, hay mình đang nghĩ tới chàng? Mấy hạt mưa bắt đầu rơi, Nguyện bước vào một mái hiên đứng núp, ngắm nhìn những hạt mưa trên lá me, Nguyện nghe trong lòng như có tiếng hát:” em bước chân qua thềm, mưa vẫn rơi êm đềm…”nàng nghĩ thầm: lòng mình cũng êm đềm quá chứ phải không, vậy sao mình không lên thăm Long và dự lễ mãn khóa của chàng! một quyết định bất chợt như cơn mưa bất chợt ùa đến.
Đâu phải tại cơn mưa- Nguyện đỏ mặt- nếu không là tình yêu!
Long quen Nguyện trong một dịp tình cờ, hôm về Sài Gòn diễn hành Quốc Khánh cuối năm thứ nhất, ghé thăm người anh thì gặp Nguyện ở đó, Long đi với Như, một người bạn thân cùng khóa. Nguyện làm chung sở với người chị dâu, hôm đó nàng tới để tập hát cho buổi liên hoan tất niên.
Long, Như ngồi nói chuyện với người anh, Nguyện và người chị hát nho nhỏ: vầng trăng từ độ lên ngôi, năm năm bến cũ em ngồi quay tơ, em ngồi quay tơ….
Chị đang hát chợt ngừng lại:
– Long, chú thấy tụi này hát có đúng không?
Long cười:
– Em biết gì về hát với hò, chị hỏi thằng Như này này, nó là trưởng ban văn nghệ của trường đó.
Chị quay sang Như:
– Vậy hả, sao, Như thấy thế nào? tụi này chỉ hát thôi, còn đám khác múa, không biết có ra gì không..
Như đáp:
– Nếu thế chị phải phối hợp với mấy người múa nữa chứ, lời hát và động tác múa phải ăn khớp với nhau, còn bài hát thì chị và cô Nguyện phải luyến láy cho rõ thì mới thấy được cái guồng tơ đang quay.
Như với lấy chiếc guitar để cạnh đó:
– Nào, chị và cô Nguyện hát đi, tôi chỉ thêm cho.
Đấy, Long gặp Nguyện trong trường hợp như thế, thực ra từ lâu, anh chị cũng muốn giới thiệu Long với Nguyện nhưng chưa có dịp. Nguyện còn trẻ, dáng dấp như một nữ sinh hơn là một người đi làm, mái tóc xõa dài, làn da trắng mịn là điểm nổi bật nơi Nguyện. Hôm sau, anh chị mời Long và Như tới nhà ăn cơm và dĩ nhiên có cả Nguyện, lúc ngồi uống nước, người chị kéo Như ra một chỗ làm như có điều gì hỏi, để mặc Long cùng Nguyện, sự sắp xếp như thế dù có vẻ như vô tình nhưng cũng đủ cho Nguyện hiểu. Nguyện hồn nhiên hỏi Long:
– Sao Nguyện thấy các anh ăn mặc khác với các người lính khác vậy, ở Sài Gòn này, Nguyện chỉ toàn thấy các ông lính mặc quần áo xanh hoặc rằn ri thôi, đằng này mầu kaki, áo bốn túi, lại có cầu vai mầu đỏ nữa.
– Thế Nguyện thấy xấu hay đẹp?
– Dĩ nhiên là đẹp rồi, không phải nịnh đâu, trông các anh có vẻ thư sinh hơn, không dữ dằn như mấy ông kia.
– Đây là bộ dạo phố mùa hè, tụi anh nhiều quần áo lắm, càng nhiều càng khổ, còn dữ dằn thì làm gì có lính nào dữ dằn.
– Thật đấy, trước kia Nguyện cứ thấy mấy ông lính là Nguyện thấy thế nào ấy, không hiểu vì sao.
– Nguyện nói trước kia thì như vậy, thế còn giờ thì sao?
– Anh khéo cài người ta, thôi được cũng cứ nói, nhưng một lần nữa, không phải nịnh đâu, các anh nói chuyện hay hơn, có vẻ hiền hơn, và – Nguyện cười khúc khích – bảnh bao hơn.
Long nói như mời:
– Vậy thì mấy ngày nữa, anh đi diễn hành, Nguyện đi coi đi, sẽ thấy tụi anh còn bảnh bao hơn thế này nhiều.
– Nguyện biết chỗ nào đâu mà coi.
– Nguyện tới đây đi với anh chị Thanh, anh chị ấy cũng đi coi, chắc Nguyện sẽ không nhận ra tụi này đâu vì trông ai cũng giống ai, khó mà nhận ra.
Nguyện chỉ có hai chị em gái, không biết tí gì về lính tráng, bố là công chức bộ tài chánh. Sau ngày diễn hành, Long chỉ còn có bốn ngày nữa phải trở về Đà Lạt, chưa có gì là rõ ràng cả nhưng bốn ngày còn lại đó, họ gặp nhau thường hơn, Long đưa Nguyện đi chơi để có dịp tìm hiểu hơn về nhau, có những điều không cần phải nói, cả hai cùng nghĩ như vậy, nhưng buổi cuối cùng, khi Long nhắc
– Mai anh phải về Đà Lạt rồi.
Mắt Nguyện chợt thăm thẳm, bàng hoàng, Nguyện không muốn Long cho mình là vội vàng, dù quen biết nhau chưa được bao lâu nhưng những lần nói chuyện, Nguyện mơ hồ thấy nhen nhúm trong mình một tình cảm nào đó, rất nhẹ nhàng, nàng thấy vui những lúc có Long, ánh mắt nhìn nhau mà họ hiểu chẳng cần phải nói nhiều.
Long hỏi như một lời ướm:
– Chắc chỉ sau ngày mai thôi, Nguyện sẽ quên tụi này ngay mà, dù sao thì cũng cám ơn Nguyện đã cho anh những ngày thật vui, về lại Đà Lạt, anh sẽ đem theo biết bao kỷ niệm đẹp.
Trong một cử chỉ bất ngờ dù nhủ lòng đừng để Long hiểu lầm mình là người quá vội, Nguyện cầm tay Long áp lên má mình, một điều đó thôi, không cần phải nói gì cả mà như là đã nói rất nhiều, có phải thế không anh – Nguyện nói thầm – mưa vẫn rơi êm đềm, và lòng em cũng rất êm đềm.
Tết năm đó, Long được về phép 15 ngày, giờ thì không còn gì gọi là quá vội để bầy tỏ tình cảm cho nhau. trong những lần đi chơi, Long thường dẫn Nguyện vào Givral:
– Hồi còn đi học, anh cùng bạn bè hay ngồi ở đây ngắm các cô làm ở ngân hàng về, tà áo dài đồng phục làm mát cả đường phố.
– Hóa ra anh đã để ý đến em từ hồi nào, đùa vậy chứ lúc đó em vẫn còn ở mãi đâu đâu, em thì chiều nào làm về cũng ngang qua đây, đi suốt con đường Tự Do này để nhớ đến anh, có lần chị Thanh trông thấy em gọi mà em cũng chẳng nghe thấy, hôm sau vào, chị trêu quá trời.
Long nhìn Nguyện nồng nàn và nàng cũng vậy.
– Chừng nào anh mãn khóa?
– Tháng 11, cuối năm.
– Rồi anh ra mặt trận?
– Anh ra đơn vị chứ không phải ra mặt trận.
– Anh ạ, em mới đọc cuốn “Đêm nghe tiếng đại bác” của Nhã Ca, em sợ quá, sao lại có chiến tranh để làm gì nhỉ?
– Có gì đâu em, đâu phải ai cũng vậy, đừng nghĩ vẩn vơ, tôi đứng lên, mình dạo phố một lát.
Những ngày phép qua nhanh, họ có nói với nhau về tương lai, tuy chỉ mơ hồ. Long nói với Nguyện là sau ngày ra trường, nếu chúng ta còn nghĩ đến nhau, chúng ta sẽ chính thức sống chung, Long thấy Nguyện run lên trong tay mình.
Ba người ngồi trong một quán cà phê nhỏ cuối dốc Duy Tân, Long rối rít:
– Sao em lên mà không cho anh hay, anh cứ nghĩ lễ mãn khóa này anh sẽ chán chết, thằng Như còn có bà cụ nó lên nữa là.
– Vậy hả, cụ đâu rồi Như?
– Bà đang trong nhà người quen, mấy hôm nay thằng Long cứ đòi đưa cụ đi chơi, giờ thì chắc thôi rồi phải không Long!
– Em, tụi anh lúc này rất bận, vừa tập lễ mãn khóa, vừa tập vở kịch, sẵn có người quen của thằng Như ở đây, anh nhờ họ dẫn em đi chơi, tuần sau mãn khóa thì anh hoàn toàn thong thả.
– Eo ơi, trông các anh sao mà đen thế, hết đẹp trai rồi, sao em lại quen với mấy ông chà và này nhỉ.
– Tụi này mới ở Dục Mỹ về chưa được bao lâu, đó là trung tâm tàn phá sắc đẹp mà Nguyện, không sao, tháng sau lại đẹp trai như thường, lúc đó ai cần ai không biết.
– Ông Như, Nguyện lên đây mà có thấy ai mừng vì tóc Nguyện bay đâu, ông chỉ khéo làm thơ, nghe Long nói ông biết làm thơ nữa hả, hôm nào làm cho Nguyện bài thơ đi.
– Long nó ngâm thơ cho Nguyện nghe nhiều rồi, cô còn cần thơ ai nữa.
Nguyện vỗ vỗ tay Long:
-Em nghe nói trên này có cà phê Tùng ngon lắm phải không? cho em lại đó đi.
– Không được đâu, chỗ đó toàn tụi anh không hà, em vào đó chẳng khác nào hoa lạc giữa rừng gươm.
Nguyện cười:
– Thì cứ cho em lại đó, các ông đen thui như thế này thì ai nhìn thấy ai, thế nào trước khi về Sài Gòn, anh phải dẫn em lại đấy đấy.
Hôm mãn khóa, Nguyện đi cùng với mẹ Như vào trường Võ Bị, buổi lễ rất trang trọng và đông thân nhân tham dự, mẹ Như hỏi Nguyện:
– Cô có thấy thằng Như nó đứng chỗ nào không?
– Con cũng không biết nữa, trông người nào cũng như người nào, cả Long con cũng chẳng thấy đâu nữa.
Buổi lễ xong, Như đưa mẹ Như và Nguyện ra lại Đà Lạt, tối dạ vũ ở Palace, Nguyện theo Long và Như, líu ríu như cô gái nhỏ, tối nay, Nguyện mặc chiếc áo dài mầu vàng, khoác cái manteau mầu chocolat đậm, Nguyện cứ nhắc đi, nhắc lại:
– Nhớ nhé, em nhẩy không giỏi đâu đấy, đừng có mà "phăng" lung tung làm em té lăn quay ra là chết, bạn bè nó dậy em mới lơ tơ mơ thôi.
Lúc Long mời nàng, Long mới thấy Nguyện thực không nhẩy giỏi, chứng tỏ Nguyện cũng không đi chơi nhiều.
Rời Palace, đêm mát lạnh, Nguyện đi giữa Long và Như, gió khuya thổi bay tóc Nguyện, Như nói:
– Giờ thì Nguyện có thấy nhiều người mừng vì tóc Nguyện bay chưa?
– Có thấy gì đâu Như!
-Nguyện không thấy mấy đứa bạn tụi anh ngắm Nguyện quá chừng à, không có anh và Long thì phải biết.
Long đỡ lưng Nguyện:
-Em có đói bụng không, mình kiếm cái gì ăn nghe, tối nay em là "la plus belle pour aller manger" đấy.
– Ừ, em cũng thấy đói rồi, em đề nghị thế này, mình về thay quần áo, xuống phố đi ăn bụi ngoài đường một bữa, cứ ăn tiệm mãi phát chán.
Cả ba thay quần áo, lang thang ngoài phố ăn cháo khuya, hột vịt lộn…xong lại kéo nhau về cái quán cà phê dưới con dốc Duy Tân. Hai ngày sau, Đà Lạt vắng hẳn bóng dáng các Sĩ quan vừa mãn khóa, mọi người háo hức về với gia đình. Như đưa mẹ ra bến xe về lại Sài Gòn, còn chàng phải đi máy bay vì vấn đề an ninh. Long và Nguyện cứ giữ Như ở lại chơi với họ ít ngày nữa nhưng Như từ chối, để họ được tự do.
Long và Như chọn cùng Sư Đoàn 25, mấy ngày phép còn lại, Long và Nguyện quấn quýt bên nhau, Nguyện đưa Long về giới thiệu với Ba, Má. Cùng tình yêu say đắm nhưng không làm chùn bước người sĩ quan trẻ mới ra trường, Long mang tình yêu đó ra đơn vị, những bỡ ngỡ ban đầu qua đi rất nhanh, Long dần vững vàng trong vai trò của một sĩ quan chỉ huy đơn vị tác chiến. Sau 6 tháng vừa là Trung đội Trưởng vừa là Đại Đội Phó, như đa số K21 ra BB lúc đó, đều nắm Đại Đội Trưởng. Năm 1967, Long An VC chưa nhiều, SĐ 25 nhận trách nhiệm bình định đúng với trên của khóa là ” Chiến thắng nông thôn”.
Long ngồi trên bờ ruộng, nheo mắt nhìn vào hàng dừa nước trước mặt rồi nhìn vào bản đồ để xác định mục tiêu, chỗ này, theo tin tình báo, địch tập trung tới cấp Đại Đội, hồi nãy đi ngang xóm nhà phía ngoài, Long thấy dân chúng hớt hải bồng bế nhau chạy ra phía đường lộ, chẳng cần phải hỏi chàng cũng biết tình hình như thế nào rồi.
Đám lá cao ngất rước mặt, che kín cả một vùng sông rạch, Long càu nhàu:
– Mẹ nó, xứ gì mà chỗ nào cũng là lá với lá, hôm nay có chuyện lớn đây.
Chàng gọi máy nói chuyện cùng Tiểu đoàn Trưởng, bộ chỉ huy TĐ đặt ngoài con lộ:
– Đại bàng có thấy dân họ chạy ra ngoài đó không, chắc tụi nó khá đông đấy.
– Tôi thấy rồi, xử dụng pháo thật nhiều rồi hãy cho con cái vào, tôi đã xin cả phi cơ cho anh.
Long quay sang sĩ quan "đề lô" đứng cạnh:
– Cậu kêu tất cả các khẩu pháo của Cần Giuộc, Cần Đước, Rạch Kiến ưu tiên cho mình, đọc tọa độ cho họ đi, hôm nay là em khô cổ đó em.
Long biết, nếu cho quân từ ruộng trống như thế này mà vào thì chỉ tổ làm bia cho địch bắn, còn tạt trái mà men theo rạch thì tiến rất chậm, còn bị mìn bẫy nữa.
Chàng gọi Đoàn, Trung đội Trưởng trực chính hôm nay, Chuẩn úy ra trường gần một năm, đánh giặc cũng ngon lành, bị thương mới về lại đơn vị;
– Cậu có thấy đám lá trước mặt đó không, tụi nó ở trong đó đó, tôi sẽ kêu pháo bắn rồi cậu cho mấy đứa nhấp thử xem sao.
Pháo từ Cần Đước bắn vào mục tiêu, từng loạt đạn nổ vang rền, khi pháo ngưng, năm người lính thuộc Trung đội Đoàn chạy băng lên phía trước, nước lấp xấp tung tóe dưới chân họ, khi còn cách đám lá khoảng 50 thước, họ đồng loạt khai hỏa, ngay lúc ấy, từ trong đám dừa lá, đạn VC bắn ra như mưa, cả năm người lính mất hút sau một bờ ruộng, không biết ai trúng đạn, ai không.
Tiểu Đoàn cho lệnh Long ngừng lại, sĩ quan ban ba gọi Long trên máy:
– Thẩm quyền chờ cho pháo bắn thêm nữa, sẽ có phi tuần lên cho mình.
Lúc sau, pháo từ ba, bốn phía bắn dồn dập vào mục tiêu, những thân cây dừa nước bị mảnh pháo chém bay tung lên trời, đám lá đã quang đi được một ít, đất bụi mù mịt, Long không biết có phá được nhiều hầm không nhưng chắc chắn là chúng có thiệt hại. Không chờ phi cơ, Long nói với TĐT cho mình lên thử, chàng gọi Đoàn cho Trung đội tiến lên, Đại Đội sẽ theo ngay sau. Đoàn dẫn Trung đội chạy ngang qua thửa ruộng, khôn khéo hơi chếch về phía trái một chút, mấy người lính đầu tiên đã bám được bờ rạch, không thấy địch phản ứng, Long cầm bản đồ, phất ĐĐ theo ngay sau Đoàn, khi Long còn cách con rạch khoảng 15 thước, một loạt AK tứ trong đám lá bắn ra, đang chạy, Long thấy như có một sức thật mạnh đẩy chàng bật ngược trở lại, Long vật xuống bờ ruộng, người lính mang máy chạy sau Long hốt hoảng la to:
– Y tá đâu, y tá đâu, thẩm quyền bị thương rồi!
Không, anh ta lầm, Long không bị thương, chàng đã không kịp nghe người lính gọi y tá, không cả kịp kêu lên hai tiếng đáng kêu nhất: Nguyện ơi. Khi người lính mang máy chạy tới ôm lấy chàng, một dòng máu từ thái dương thấm ướt cả áo anh ta, anh ta kêu lên:
– Trời ơi, ông thầy ơi!
Sài Gòn, ngày…tháng…năm…
Như thân mến, vậy là Long chết rồi, chết thật rồi, Như có hiểu nỗi đau của Nguyện như thế nào không. Nguyện giờ là chiếc bóng của chính mình, em sợ quá, biết thế em không thèm đọc cuốn đêm nghe tiếng đại bác làm gì, nó đã ứng nghiệm vào em, biết thế cũng đừng quen Long để giờ em khỏi phải đau khổ, sao định mệnh khắc nghiệt quá. Như có biết không, gió đâu còn mừng vì tóc em bay nữa vì em đã cột tóc mình lại, cột cả trái tim mình lại. Như ơi, sẽ chẳng còn ai mừng vì tóc em bay nữa đâu.
Nguyện vẫn mỗi chiều đi lại con đường cũ, hàng me vẫn vậy, công viên vẫn vậy, chỉ có lòng em thay đổi vì chẳng còn gì làm em tha thiết cả, em giờ đây như rừng thu. Ngày xưa mỗi bước chân em còn quấn quýt với hình bóng của Long, giờ mất hết rồi, ngày xưa những chiếc lá me lăn tròn chia vui dưới chân em, giờ chúng lặng lẽ u sầu, em cũng lặng lẽ u sầu. Em nghĩ lại cũng chẳng hối tiếc gì sao lại gặp Long, anh ấy đã cho em bao là êm đẹp, hai mươi tuổi đầu em mới thấu hiểu thế nào là đau thương, trời bắt em đau thương quá sớm, Long mới ra trường chưa được bao lâu, em mới ngụp lặn trong tình yêu chưa được bao lâu.
Em không còn viết nổi nữa, chẳng lẽ than van với anh mãi sao, em sẽ cầu nguyện cho anh đừng bị như Long, em thấy thương những người như anh, như Long, thương tất cả những người ngày đêm cận kề với cái chết mà vẫn bình thản, chẳng hề than vãn, các anh thật lạ lùng, chưa bao giờ thấy các anh nói về những hiểm nguy mà các anh phải chịu đựng, các anh sợ những người thân lo âu chăng, các anh đã lựa chọn một cuộc sống, trời ơi, một cuộc sống mà cái chết có thể đến bất cứ lúc nào và Long đã bình thản đi vào nơi đó. Như ơi, em lại khóc nữa rồi, thôi em ngưng đây.
Ba tháng sau ngày Long chết, Như mới có dịp về phép, chàng tới thăm Nguyện, khi ngồi nói chuyện, nàng nhìn Như đăm đăm như cố tìm lại một hình bóng nào.
– Anh có vẻ ốm đi, chắc hành quân nhiều lắm phải không?
– Cũng vậy thôi, ngày nào cũng là ngày hành quân cả, ngay cả lúc nghỉ dưỡng quân, ai nghỉ chứ anh có nghỉ đâu mà mập nổi.
– Anh khác hẳn ngày trước, ý em muốn nói lúc hãy còn trong trường Đà Lạt, mặc quần áo trận vào cộng với sự gian khổ trông có vẻ dầy dạn hơn, dạo còn sống Long về thăm em, em cũng thấy như vậy, các anh lạ lùng quá, không sợ chết à?
– Nói không sợ cũng không đúng, nhưng ngày nào cũng như ngày nấy riết rồi nó quen đi, rồi lại thấy vui nữa là đằng khác, em nhớ tụi anh là sĩ quan hiện dịch mà.
– Anh đưa em ra phố đi, lâu rồi, em chẳng đi đâu cả.
Như đưa Nguyện ra phố, nàng mặc lại cái áo vàng ngày nào ở Palace, lúc nói chuyện vẫn phảng phất nụ cười nhưng không còn tươi tắn như ngày xưa. Nguyện đòi Như đưa nàng vào Givral, nàng chọn cái bàn gần nơi cửa kính:
– Long và em vẫn thường ngồi ở đây.
Trầm ngâm một lúc, chợt Nguyện nói một câu rất mơ hồ:
– Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ, buồn quá hả anh.
Bên cạnh Như, Nguyện thấy thật gần gũi, nàng cảm tưởng như có Long bên cạnh, hai người là bạn thân, cuộc tình của Nguyện và Long, Như tham dự nhiều trong đó, Nguyện chợt giật mình, nàng thấy hai người như là một.
Buổi tối, Như đưa Nguyện vào vũ trường Tự Do, vũ trường này, cả ba đã từng vào đây nhẩy mấy lần hồi mới ra trường. Như kéo ghế, rót nước cho nàng, trong bóng tối, mắt Nguyện vẫn long lanh như đêm nào ở Palace, khi Lệ Thu xuất hiện:” ta ngắt đi một cụm hoa thạch thảo, em nhớ cho, mùa thu đã chết rồi ” thì Nguyện chợt nắm tay Như, Như hiểu, không phải Nguyện cố ý, nàng đang xúc động, một cái nắm tay vô thức, Nguyện đang nhớ tới một kỷ niệm nào đó, khi bài hát hết, Nguyện hỏi Như:
– Sao anh không mời em nhẩy bản này
– Lệ Thu hát hay quá, ngồi nghe thôi, nhẩy nó phí đi.
Trong bóng tối, khi hai người đang dìu nhau giữa piste, Nguyện đã nép vào Như:
– Anh và Long thân nhau nên khi ở cạnh anh, em thấy có sự êm ấm lạ thường, may sao mất Long, còn anh như một chỗ dựa tinh thần cho em.
Nguyện định nói gì thêm nhưng nàng ngưng lại, có tiếng thở dài, Như thấy ươn ướt ở ngực áo, Nguyện đã khóc tự hồi nào.
Năm 1970, đang tham dự cuộc hành quân vượt biên ở Kampuchia thì Như nhận được thư Nguyện:
…………....anh vẫn khỏe chứ, sao lâu quá anh không về thăm em làm chẳng có ai đưa em đi chơi cả, vậy chứ coi chừng có ngày anh về sẽ chẳng còn em để đi chơi nữa đâu, đừng giật mình, em nói thật đấy, đừng có cười. Để em kể anh nghe chuyện này, hôm nọ tới thăm mẹ anh, có lúc cụ nắm tay em nói: ước gì con là con dâu của bác, em thấy lòng xốn xang, đừng cười em nghe, em có xốn xang thì có gì là không phải đâu, em đã nói rồi mà, chẳng lẽ em cứ ngồi đếm thời gian để mà quay tơ mãi sao. Cụ bảo thằng Như cũng đã đến lúc cần có người bên cạnh. Anh có cần ai ở cạnh không hay cứ mãi ôm mộng công hầu khanh tướng. Tối ngủ nghe tiếng đại bác từ xa vọng về, cụ nói chỗ đó chắc là chỗ thằng Như đóng quân, em phải gạt ngang: không phải đâu mẹ, đấy là tiếng đại bác anh Long con vẫn còn tiếp tục gọi bắn lên đầu quân thù đó, anh Như thì chắc chẳng nghĩ gì tới ai đâu mẹ ạ. Em gọi mẹ là mẹ đấy, kệ, dù cho anh có không bằng lòng. Em nghe tin tức thấy tình hình chiến sự có vẻ nặng lắm, ráng giữ gìn sức khỏe, em vẫn hàng đêm cầu nguyện cho anh, nhớ về thăm em.
Chiến sự trở nên sôi động khi Tướng Minh thay Tướng Trí bị tử nạn máy bay, đang từ chủ động, ta trở thành bị động, cứ lui dần, lui dần. Trận đầu tay của Tướng Minh là trận Dambe của TĐ 11 Dù, Dũng, K22A chết trong trận đánh này. TĐ Như vừa rút về gần Thiện Ngôn được hai ngày, chưa kịp nghỉ ngơi, chỉnh đốn thì được lệnh lên giải tỏa căn cứ Krek do TĐ 30 BĐQ đóng giữ đang bị bao vây, Th/Tá Thủy, K19 là TĐT bị tử thương, bạn cùng khóa với Như, Hoàng kim Truy(H21) là ban ba của TĐ này. Tại sao ta cứ co dần không còn như thời còn Tướng Trí, Thiện Ngôn bị cắt đứt, Dù đổ vào hành quân ở đây để khai thông quốc lộ 22 từ Tây Ninh lên, một NT khóa 20 của Lữ đoàn Dù bay trên CNC trúng đạn VC từ dưới bắn lên bị tử thương.
Đang lúc quay cuồng như thế, Như nhận được thư của Nguyện trong chuyến trực thăng tiếp tế, kèm theo một thiệp cưới.
Sài Gòn, ngày…tháng…năm 1971.
Anh thân mến, em biết anh cũng chẳng buồn khi nhận được thư này, Như ơi, người con gái của Huy Cận ngồi bên khung cửi để dệt tơ, còn em ngồi mãi với tháng năm để dệt nỗi buồn, thôi, em không thể ngồi mãi, bây giờ em đứng lên đây, ngồi mãi chờ anh mà anh có thèm đưa tay để đỡ em dậy đâu. Anh ạ, em cứ ước ao phải chi người bên cạnh em mãi mãi sẽ là anh, nhưng em biết anh chưa muốn thế, ở anh chưa có biên giới, anh còn lãng đãng như mây trời, em không thể ngắm mây cứ mãi trôi. Giả như anh có tội nghiệp mà nhận em, em biết sẽ làm vướng bận anh thôi, anh còn nhớ cuốn phim Cimaron không, anh là chàng lãng tử Glenn Ford, còn em sẽ là Maria Schell sầu muộn, những lần đi chơi với nhau, nhìn vào mắt anh, em đọc được như thế. Anh còn nhớ tối hôm ở Tự Do không, em đã khóc vì sung sướng khi nghĩ rằng thật may cho em khi mất Long còn có anh, nhưng em đã lầm.
Thôi anh nhé, mừng cho em đi, người em sắp lấy làm chồng cũng ở trong quân đội, ông ấy là Thủy thần mũ xanh, eo ơi, thủy thần gì mà không biết bơi, quăng xuống nước là chìm nghỉm. Em không muốn ông ấy là thần, là thánh gì cả, em chỉ muốn ông ấy đừng bỏ em như Long, đừng vời vợi như anh, trước đây cứ sợ những người lính nhưng giờ lại thật thương họ, mà bây giờ không lấy lính thì lấy ai hả anh, cả nước đi lính mà, không lẽ lấy mấy ông nhà đèn Chợ Quán!
Như nhớ về dự đám cưới em nghe, cho ta được thấy nhau lần cuối.
Nhưng họ không thấy nhau được lần cuối như Nguyện mong muốn, Như không về dự đám cưới Nguyện được, cuộc chiến càng thêm mãnh liệt, cái hòa đàm Paris đổ thêm lửa vào các trận đánh. Mùa hè đỏ lửa, mấy tháng liền lăn lộn từ Bầu Bàng lên Chơn Thành, rồi suối Tầu Ô, khai thông Quốc lộ 13 để giải tỏa Bình Long, lá thư theo chàng cùng năm tháng, đôi lúc có phút rảnh rỗi, Như lại mở ra đọc, lãng mạn như một bài hát tiền chiến, mà là thư cứ dần vàng đi thật, cứ lấy ra, lấy vào mãi, mỗi lần đọc xong, Như lại thừ suy nghĩ: không biết Nguyện giờ như thế nào.
1973, hiệp định Paris được ký két, cứ ngỡ là hòa bình rồi nhưng lúc này đánh nhau còn hăng hơn bao giờ vì những vi phạm liên tục của VC. Ngưng bắn da beo, một từ quái lạ mà đánh nhau lúc này cũng quái lạ, có đụng thì pháo binh chỉ bắn ba trái thôi, hết đạn rồi, bây giờ chiến tranh theo kiểu nhà nghèo.
Như giờ là Tiểu Đoàn Trưởng, sau hiệp định Paris mấy ngày, chàng dẫn TĐ về bảo vệ Dầu Tiếng, một quận nhỏ lẻ loi, chung quanh là mật khu Dương minh Châu, Bời Lời, Tam giác Sắt…Giữa năm 73 Như được cái phép về thăm bà cụ đau nặng, một cái phép hiếm hoi cho một TĐT, thực ra cũng lâu lắm rồi, Như có biết phép tắc là gì đâu, chàng tìm lại Đa Kao thăm Nguyện, nhà đã dọn đi nơi khác, nhớ lá thư Nguyện viết: coi chừng có ngày anh sẽ không gặp lại em nữa đâu, quả thực, mình mất Nguyện thật rồi, sao trong ta nhiều mâu thuẫn quá.
Như vào Givral, ngồi lại cái bàn Nguyện vẫn thích ngồi, buổi chiều nắng đã nhạt, chàng hi vọng Nguyện đi làm về sẽ ngang qua đây, "em biết rằng sẽ không bao giờ giữ được anh", đúng đấy Nguyện, chính anh cũng không hiểu mình muốn gì, anh không ôm mộng công hầu khanh tướng gì cả, cũng chẳng có hoài bão chi lớn lao nhưng cuộc đời lính có nhiều bấp bênh, những bất trắc luôn chờ nơi tụi anh. Có mấy người làm ngân hàng ngang qua, không thấy Nguyện đâu cả.
Như đi dọc theo con đường Tự Do , những chiếc lá me lăn tròn như một điệu nhạc luân vũ, gió vẫn mừng vì tóc em bay đó chứ Nguyện, em vẫn còn trong sáng nơi anh, chỉ có anh là u mê, cái gì mất đi rồi mới tiếc.
Trở lại Givral ngồi nữa, người tài xế thấy tối mà chưa thấy chàng ra, ló cổ vào tìm, Như uể oải đứng dậy.
Mười năm đi tù CS, cuối 88, Như vượt biên tới Úc, chàng không đi Mỹ vì có người em ở Úc bảo lãnh, nhờ vậy, như một phép lạ, trong một lần đi phố ở khu người Việt, Như gặp Nguyện, Nguyện sững sờ một lúc mới thốt lên được:
– Như, phải Như đấy không! trời ơi, em thật không ngờ.
Nguyện khác đi nhiều, dĩ nhiên, thấy Như nhìn mình đăm đăm, Nguyện cười:
– Em thay đổi nhiều lắm phải không anh, ba chục năm rồi còn gì.
Tóc Nguyện đã có sợi bạc, mắt vẫn ánh lên nét nghịch ngợm nhưng đã có vài vết nhăn. Nguyện đi cùng với một bé gái khoảng 4,5 tuổi, thấy Như nhìn đứa bé, Nguyện nói:
– Nó là cháu ngoại em đấy.
– Anh ấy đâu rồi Nguyện?
Mắt Nguyện chợt xa xăm:
– Em cũng không biết nữa, trong cuộc lui quân ở Đà Nẵng, không thấy anh ấy trở về, em có ra ngoài đó dò tìm nhưng không có tin gì cả, em có mỗi đứa con gái, đây là con của nó. Còn anh, được mấy cháu rồi, cuối năm 74, em đọc được tin vui của anh trên báo, cũng gan lì nhỉ, mãi tới lúc đó mới chịu lấy vợ, chị đâu?
– Bà ấy ở nhà.
– Hôm nào dẫn chị lại em chơi.
– Vâng, để hôm nào tôi sẽ dẫn bà ấy lại thăm Nguyện, tôi có kể cho nhà tôi nghe về Nguyện.
Nguyện cười:
– Thế anh có kể cho chị ấy nghe chuyện em đã khóc làm ướt áo anh không?
– Giờ Nguyện sống với ai?
– Em ở vậy một mình từ ngày anh ấy mất, giờ thì già rồi, hơn nữa đã hai lần để tang, một lần tang trong lòng, một lần tang trên mái tóc, em không lấy được Long nên Long vẫn nhiều hình ảnh đẹp trong em, em không lấy được anh (cười), anh vẫn đẹp trong em, giá mình mà lấy nhau, giờ biết đâu hai đứa đã chẳng ly dị từ hồi nào rồi (lại cười), tháng sau em sẽ về Việt Nam thăm đứa em gái, Nga đó, anh còn nhớ không? À mải nói chuyện quên mất, cụ như thế nào anh?
– Cụ mất lâu rồi, khi tôi còn trong tù.
Trước ngày Nguyện về Việt Nam, Như tới thăm, chàng đưa Nguyện một bài thơ:
– Gửi Nguyện, Nguyện yêu cầu tôi làm cho Nguyện một bài thơ hôm Nguyện lên dự lễ mãn khóa, còn nhớ không? hơn ba chục năm sau, giờ bài thơ mới làm xong, tặng Nguyện trước khi về Việt Nam.
Nguyện đọc bài thơ rồi ngẩng lên:
– Vâng em sẽ thắp dùm anh nén nhang cho Long, cho những người đã nằm xuống.
Ngày về Việt Nam, Nguyện đáp xe lên Đà Lạt tìm về kỷ niệm cũ, cũng là những ngày của tháng 11, chiếc áo len khoác hờ, lững thững sách chiếc va li, nàng thấy mình một cô Nguyện bé nhỏ của năm 1966, ngày lên dự lễ mãn khóa của Long. Nguyện tìm lại quán cà phê cuối con dốc Duy Tân, quán vẫn còn đó, nàng ngồi xuống gọi ba ly cà phê, người bán hàng ngạc nhiên khi chỉ thấy có mỗi mình Nguyện, nàng khoanh tay lại, nhắm mắt, gió se lạnh, Nguyện thấy như có Long và Như đang ngồi trước mặt mình, bên ly cà phê, như năm nào, họ còn rất trẻ, nụ cười rạng rỡ trên môi với mầu đỏ alfa nơi vai áo.
Úp mặt vào hai bàn tay, giọt nước mắt ứa trên khóe mắt, Nguyện kêu lên nho nhỏ: Đà Lạt ơi!
Trần Như Xuyên
Câu truyện buồn như những người trẻ VN trước 75, chỉ có đau thương, chết chóc và tan vờ, lỡ làng... sao tôi thấy thương người dân Việt của tôi quá đi.
ReplyDeleteCNĐ
Trường Võ Bị Đà Lạt là nơi quy tụ những người trai chọn cung kiếm làm cái nghiệp, đi trên con đường sống chiến đấu trên 4 vùng chiến thuật, thác về với đỉnh Lâm Viên.
ReplyDelete