________
Nhật Đạo
Chủ nhật nầy là
ngày giỗ Mẹ.
Hôm nay soạn lại
đống thơ cũ, tình cờ gặp bài “Tình Mẹ”, lòng buồn man mác,
bâng khuâng nhớ về quá khứ xa xôi khi còn ấu thơ, bé bỏng mà nay đã già, gần
đất xa trời, tóc đã bạc màu.
TÌNH MẸ
Năm nào cũng vậy, dù
tổ chức lễ Vu Lan ở tu viện Bảo Pháp hay ở chùa Diệu
Pháp, đồng bào Phật tử đến tham dự rất đông, khoảng trên
dưới ba ngàn người, không ngoài mục đích là để tưởng nhớ công ơn sâu dầy của
các đấng sanh thành mà hình
ảnh đức Mục kiền Liên, một trong những đại đệ tử của Đức Phật, là tấm gương sáng ngời cho chúng ta noi theo.
Tất cả chúng ta ai ai cũng mong
muốn cha mẹ mình sống bình an và ở mãi
bên cạnh chúng ta. Nhưng không phải ai cũng có diễm phúc đó,
mà có người phải ngậm ngùi cho vết thương lòng mỗi độ
Vu Lan về. Trong lúc cài hoa hồng, tôi
nhận thấy có những người già, mặt
vui mừng hớn hở với bông hồng màu đỏ thắm cài trên ngực áo, trong khi một số bạn trẻ, đôi mắt đỏ hoe với dòng lệ chảy, cúi đầu đón nhận đoá hoa màu trắng. Tôi chợt nhớ đến bài thơ của Xuân Tâm:
Năm xưa tôi còn bé
Mẹ tôi đã qua đời
Lần đầu tiên tôi hiểu
Thân phận kẻ mồ côi
Quanh tôi ai cũng khóc
Im lặng tôi sầu thôi
Mặc dòng nước mắt chảy
Là bớt khổ đi rồi
Độ nhỏ tôi không tin
Người thân yêu sẽ mất
Hôm ấy tôi sửng sờ
Và nghi ngờ trời đất
Từ nay tôi hết thấy
Trên trán, mẹ hôn con
Những khi tôi phải la (?)
Đau lòng mẹ la lại
Kìa nhà ai bên cạnh
Mẹ con vỗ về nhau
Tìm mẹ tôi không thấy
Lúc buồn biết trốn đâu
Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ rơi rơi
Tôi biết tôi mất mẹ
Là mất cả bầu trời
Trong số người không may đang
khóc đó, có bản thân tôi, âm thầm,
xót xa, buồn tủi vì không còn mẹ và ân hận vì đã làm khổ
mẹ.
Theo như lời kể thì
ngày xưa cha mẹ tôi nghèo lắm, đến nổi không có căn nhà để che nắng đục mưa, mà phải
sinh sống ở trên ghe và đã di chuyển từ đồng ruộng vùng U Minh thượng, xã Thủy Liễu,
quân Gò Quau ra tỉnh Rạch Giá để mưu sinh. Là đứa con trai đầu lòng,
tôi luôn bịnh hoạn kể từ khi mới chào đời. Nhiều khi
tôi ho, cơ thể khó chịu khóc suốt đêm, cha mẹ lo âu,
huếnh hoán chạy tới bồng ẩm,
cho uống thuốc và thức trắng đêm để dỗ dành cho
tôi ngủ yên:
Con ho lòng (cha) mẹ tan tành
Con khóc
lòng (cha) mẹ như bình nước sôi
Ít
lâu sau, nhờ bà con thương tình cho dựng căn nhà trên mãnh đất của tổ tiên.
Cột bằng cây tràm khẳn khiu, vách và mái bằng lá
dột trước dột sau; nền bằng đất nên trơn trợt khi trời mưa. Hai năm sau mẹ sanh
thêm một em gái. Cha đi làm ăn xa, mẹ ở nhà tảo tần buôn bán nuôi dưỡng hai anh
em chúng tôi. Lúc đó mẹ bán gạo, sáng sớm tinh sương đã thức dậy, mẹ sửa
soạn gồng gánh, tay dắt tay bồng đưa anh em chúng tôi ra chợ bán gạo. Chiều
về, mỗi đứa ngồị một đầu trong thúng để mẹ gánh về. Thắm thoát tôi đến tuổi
đi học:
“Từng trái bắp, cũ khoai mẹ đưa con đi học …“
Sáng sớm tinh sương mẹ dắt đến trường
Con chỉ biết nô đùa vui cùng chúng bạn
Quên mẹ mình tảo tần khổ cực, dãi nắng dầm mưa
Vậy mà con nào có thương có hiểu,
lại còn ngỗ nghịch, không vâng lời.
Có lần mê banh đá ham chơi .
Trốn nhà đi xem cho đến khi chiều tối.
Mẹ lo lắng đi khắp nơi tìm kiếm.
Gặp mặt rồi mẹ la rầy bắt đánh nhiều roi,
cho bỏ cái tật ham vui làm buồn khổ mẹ
Lần đó tôi bị cảm nắng, trong người nóng sốt,
nằm liệt trên giường. Mẹ lo lắng, cạo gió, cho uống thuốc,
nấu cháo cho ăn… Ôi! Tình mẹ thật tuyệt vời bao la như biển
rộng sông dài, như bầu sửa ngọt, như dòng suối mát mà không bút mực nào có thể diển tả hết được như bài thơ đã
dọc ở đâu đó:
Ngôn ngữ trần gian như túi rách
Chứa sao đầy hai tiếng mẹ yêu
Với tay con níu
thời gian
Thời gian lặng lẻ bay vào hư vô
Một lạy nầy... con
xin tạ lỗi
Ngày xưa con bất hiếu
Đã từng làm mẹ khóc
như mưa
Từng làm cho mẹ khổ ngày xưa
Trăm ngàn lạy cũng chưa vừa ơn mẹ
Thời
gian thấm thoát thoi đưa, từ miếng ăn giấc ngủ, từ manh quần tấm áo,
từ cây bút quyển vở, từ đôi giầy chiếc vớ, nhất nhất
đều do cha mẹ chăm lo và mỗi mỗi dính liền với tình thương yêu của cha mẹ. Tôi đã
lớn dần lên qua những năm ở tiểu học, trung học và cuối cùng là đại học mà cha mẹ
đã tốn biết bao công sức và tiền bạc những mong cho tôi nên người, công thành danh
đạt. Để khỏi phụ lòng yêu thương và công lao trời biển, tôi đã hết sức cố gắng,
thức khuya dậy sớm dùi mài đèn sách, nhưng
Không ăn ớt, thế mà cay
Ai mang vỏ chuối bỏ ngay trên đường
Hay là khói lửa quê hương
Học hành dang dở giữa đường tùng chinh.
Thế
là tôi gia nhập vào quân đội VNCH đầu năm 1969, góp sức bảo vệ miền Nam trước sự
xâm lăng tàn bạo và sắc máu của Cộng Sản Bắc Việt.
Sau
hơn 6 năm phục vụ, vận nước không may, Sài Gòn sụp đổ, tôi cùng chung số phận với
quân cán chính VNCH, bị tập trung vào trại cải tạo. Cha mẹ tôi đã lặn lội dò tìm
đến tận Trảng Lớn Tây Ninh, nơi tôi bị giam giữ nhưng không được vào nên đành phải
trở về trong nổi uất ức, buồn khổ và thương cho đứa con trong cảnh cá chậu chim
lồng, lo sợ biết có ngày trở về không hay bị tàn tật bởi đi gở mìm hoặc ngã gục
trong lòng đất mẹ, làm
tôi nhớ lời thơ của ai đó:
Con đi đâu, con về đâu
Cuộc đời của (cha) mẹ là câu trả lời
Cho con nổi nhớ không rời
Cho con ôm cả chân trời nắng lên
Ngày về tóc mẹ bạc thêm
Mong con chân cứng đá mềm phương xa...
Mỗi
chiều nhìn vầng dương khuất lặn về cuối chân trời, vầng mây trôi lặng lẻ,
lòng chạnh buồn thương nhớ cha mẹ ở phương trời xa:
...
Đôi
khi nhìn ráng chiều tà
Hình như thấp thoáng quê nhà nhớ thương
Nhớ thương xin được hát thầm
Lời ru của mẹ ngàn năm vẫn còn
Cuối
năm 1978 tôi may mắn được phóng thích về quê cũ, sống trong tình trạng quản chế.
Tôi ngày đêm hồi hộp, lo lắng; phập phòng lo sợ sẽ bị bắt lại một ngày nào. Vì thế
mỗi lần nghe tiếng cho sủa là ngủ không yên. Chẳng có công ăn việc làm, là một gánh
nặng cho cha mẹ, và sợ gia đình bị liên lụy, đưa đi vùng kinh tế mới, tôi xin cắt
hộ khẩu về Gò Quau, quê ngoại làm ruộng lánh nạn đồng thời âm thầm tìm đường vượt
thoát khỏi vòng cương toả của CS. Lần vượt biên đầu tiên thất bại, tôi ra đi lần
thứ hai vào tháng tư 1979 và đã vượt thoát và dù đã trải qua bao hiểm nguy sóng
biển và nhất là bọn hải tặc, tưởng vuì sâu dưới lòng biển lạnh. Tôi đã được định
cư ở Mỹ Quốc đầu năm 1980, chịu ngay mùa tuyết lạnh đầu tiên ở Michigan. Còn đang
chập chửng hoà nhập vào đời sống mới, vừa đi học vừa đi làm. Cuộc sống tuy khổ cực,
nhưng mà vui vì được hưởng không khí tự do. Tôi đã nộp đơn bảo lảnh cha mẹ qua đoàn
tụ để nuôi dưỡng hầu đền đáp phần nào công lao của cha mẹ dù chỉ là hạt cát. Nhưng
một hôm hung tin đưa đến, mẹ đã mất. Lòng tôi chua xót nghẹn ngào, nước mắt dâng
trào:
"Phương trời nầy con ngậm ngùi rơi lệ
Đức cù lao muôn một trả chưa xong
Lá ngô lây lất ở bờ sông
Bờ sông vần gió, người không thấy về
Xin người hãy trở về quê
Một lần cuối, một lần về cuối thôi
Về thương lại bến sông trôi
Về buồn lại đã một thời tóc xanh
Lệ xin giọt cuối để dành
Hương trên mộ mẹ, nương hình bóng cha"
"Mẹ nghĩa là mãi mãi, cho đi không đòi lại bao
giờ
Mẹ nghĩa là duy nhất, một bầu trời, một mặt đất, một
vầng trăng
Mẹ nghĩa là tình yêu, là sự sống, là hạnh phúc
Nhưng chỉ một lần, mẹ không ngăn con khóc
Là khi mẹ không còn lau nước mắt cho con
Là khi nào mẹ không còn hoa hồng đỏ
Từ
đây hoa trắng.
Trắng như đời mẹ và nổi khổ đau của mẹ"
Thái
tử Tất đạt Đa ngày xưa cũng có cha có mẹ, vì tình thương yêu vĩ đại muốn cứu độ
chúng sanh thoát khổ an vui và vì lòng hiếu thảo khôn lường muốn độ cha mẹ về Tây
Phương Cực Lạc mà Thái Tử đã bỏ ngai vàng điện ngọc đi tìm chân lý. Nhờ ý chí mạnh
mẻ đó mà Ngài đã trở thành Phật Thích Ca Mâu Ni. Chúng ta là đệ tử Phật, phải nguyện
theo con đường của Ngài và hiếu hạnh là điều không thể bỏ qua vì:
"Phụ mẫu tại tiền như Phật tại thê
Phận làm con phải giữ cho tròn"
Dù
còn cha mẹ hay không còn cha mẹ thì tình thương yêu của cha mẹ vẫn ngời sáng trong
lòng Phật tử chúng ta nói riêng và tất cả chúng sanh nói chung. Cha mẹ vẫn là bóng
mây che mát và theo dõi chúng ta từng bước để đưa chúng ta vào đời như “gió mùa thu mẹ ru
con ngủ..." ngọt ngào của mẹ ngày xưa.
Nhân
mùa Vu Lan, Kính chúc những ai đang còn cha, còn mẹ hãy sung sướng nhận đóa hoa
hồng đỏ thắm như một hạnh phúc tuyệt vời mà đời đã dâng tặng cho ta.
Và
những ai không còn cha, không còn mẹ hãy cố nén đau thương nhận đoá hoa màu trắng
để tưởng nhớ đến đấng sanh thành.
Tôi không khóc khi cài hoa màu trắng
Vì trong hoa tôi thấy mẹ tôi cười
Nhật Đạo (7/17/08)
Cám ơn Cô chủ vườn đã post bài viết . Nếu CV tình cờ có đọc xin đừng cười làm anh đau bụng . Chỉ góp nhặt những bài thơ của người lắp ráp lại thành của mình
ReplyDeleteLúc đầu tui không biết ông Thầy Nhật Đạo, mà sao tình cảm như vậy, là ai, té ra là anh Q. ở cuối bài.
ReplyDeleteBài viết thật thà, như tên tui, dễ thương. Văn là người thì tác giã Q cũng vậy, dù tui chưa được gặp.
Tr. Thật Thà
Bài viết buồn vời vợi như cuộc đời của tác giả, anh QM cứ thoải mái chọc giận HTX nghen, Ca Nước Đá bảo đảm bạn hiền không giận đâu, vì đã gọi là bạn hiền mà.
ReplyDeleteNgười ta còn Mẹ còn Cha
ReplyDeleteMiệng cười chúm chím; đóa hoa đỏ vời
Thân tôi Cha Mẹ viễn khơi
Nhìn cành Hoa Trắng; lệ rơi tuôn tràn
Giờ đây về chốn thiên đàng
Tha cho Con Trẽ; muôn vàn đớn đau !
Lũ Con trôi giạt nơi nao
Khăn tang còn đó; Con sao chưa về ?
Anh Q. viết bài này có nhiều người đọc xong là muốn khóc trong đó có tui...hic...hic...HTX
ReplyDelete