Links

Tuesday, June 27, 2017

Lòng người

Tác giả và diễn đọc: Hai Hùng SG





                        
"Dò sông dò biển dễ dò.
Nào ai lấy thước mà đo lòng người"
                                   (Ca dao)
                             ---

  Từ hôm ông Phát thôi không còn đi làm như mọi ngày nữa, do vướng vô mấy "phi vụ"  làm ăn Riêng lẻ nên ông bị cấp trên cảnh cáo bắt nộp lại tiền bạc rồi cho "về vườn", tuy không còn những ngày "Lên xe xuống ngựa" và đã qua rồi  cái cảnh "Nhất hô bá ứng" của ông, nhưng ông cũng chẳng lấy gì làm buồn, vì trước khi về vườn thì ông cũng đủ thời gian "thủ cẳng" cho mình một số vốn kha khá để sống cho qua những ngày tháng còn lại.


  Đàn em dưới trướng nhiều đứa tỏ vẻ là người có trước có sau, ngày nào cũng có vài ba thằng đến nhà, họ mang theo rượu bia và mồi nhậu đến để giải khuây cùng ông, khỏi phải nói ông và bà Phát thấy được cái ân tình kỷ niệm của đám đệ tử ruột đối với mình không hề suy suyển nên trong một hôm ngà ngà say ông vỗ vai thằng Dũng ( một đàn em thân tính và nịnh ông rất khéo), ông Phát nói :


  - Thiệt tình mà nói nghe Dũng, trong đám anh em mình bấy lâu nay đến giờ anh mới thấy chú mầy là đứa có tình có nghĩa với anh, chẳng bù những đứa ngày trước anh nâng đỡ nhiều mà giờ chẳng thấy nó vác cái mặt đến để an ủi anh, chắc bọn nó nói anh "hưu" rồi nên không còn "xơ múi" gì được nữa nên "hô biến" luôn, giá mà biết vậy ngày xưa anh chẳng cho thằng Nam làm sếp của Dũng, anh đưa Dũng lên luôn giờ có phải vui không.

   Nói xong câu này ông Phát đưa mấy nhìn thằng Dũng dò xét xem thái độ nó như thế nào, nó có cảm động với câu nói ông vừa thốt ra không, phần thằng Dũng trong bụng nó nỗi Sùng khi nghe ông Phát nhắc lại việc này, vì có thời gian nó chắc mẽm chức trưởng phòng tài vụ phải nằm trong tay mình, thằng Nam so với thành tích "Điếu đóm" cho sếp làm sao qua nó cho được, rồi Dũng âm thầm chờ đợi đến phiên họp nghe công bố quyết định, khi nghe cô trưởng phòng quản trị nhân sự xướng danh tân trưởng phòng tài vụ trong buổi họp, chức danh này đã lọt vào tay của Nam khiến mọi người trong buổi họp ngỡ ngàng vì trước buổi họp đã có cái "Ti dô" thằng Dũng sẽ là trưởng Phòng, vậy mà kết quả ngoài ý muốn của Dũng khiến nó thầm oán " ông thầy" của mình đá giò láy mình một cách đau điếng, vì trước đây trong những lần đi tiếp khách làm ăn với đơn vị, ông Phát thường hay đề cao khả năng của thằng Dũng, rồi cũng từ những buổi nhậu này Dũng bắt đầu o bế nịnh nọt ông Phát ra mặt để ngõ hầu vớ cho bằng được chức trưởng phòng cho mát mặt mát mày với vợ con và với cả những người dòng họ bên vợ, vậy mà mọi chuyện xãy ra thật bẽ bàng, rồi hôm nay nghe câu nói của ông Phát tuy còn giận ông nhưng Dũng làm bộ ra chiều thông cảm với cái quyết định kia của ông Phát,( Dũng đâu có biết rằng sếp của mình bị sếp lớn hơn nên cất nhắc thằng  Nam vì Nam là người thân thích của sếp lớn nọ), Dũng nói :

   - Thôi chuyện cũ qua rồi anh Ba (Cách gọi của đám đàn em thân tính dành cho ông Phát) em thấy mình cũng chưa "đủ lông đủ cánh" để làm chức trưởng phòng đâu, có khi anh thương tình đưa em lên quá sức của em thì nhiều khi hại em không bằng, anh em mình thế này là được rồi, anh nghỉ việc nhưng tụi em vẫn quý anh như thường anh Ba ơi !

  Nghe thằng đệ tử ruột cho "uống nước đường" ông Phát hả dạ vô cùng, trong bụng ông thầm nghĩ:

  "Mấy tay tướng số mình nhờ xem phán trật lất hết, nhất là thầy Năm, ổng Phán thằng Dũng này có cái tướng phản phúc không đáng tin dùng, vì trước hay sau gì cũng sẽ bị nó hãm hại, mình nghĩ việc rồi mà thằng Dũng này nó không bỏ mình, đã vậy nó ăn nói thật có tình có nghĩa trước sau như một, tiếc thật phải chi.."

  Đang theo đuổi cái suy nghĩ của mình thì tiếng thằng Dũng lại oang oang lên làm cắt ngang luồng suy nghĩ của ông Phát :

  -Thôi anh Ba ơi, ngày trước anh chưa kịp nâng đỡ em út thì anh phải về "vui thú điền viên" rồi (nó tránh xài chữ về vườn để ông Phát khỏi phải  chạm tự ái) đúng là có thiệt thòi cho em quá, nhưng không sao  vì ông Tám sếp tụi em bây giờ lại là "lính lác" của anh Ba mà, nếu... nếu ...

  Thằng Dũng nó cố tình  bỏ ngang câu nói trên là cố ý "thả mồi câu" khiến cho ông Phát thắc mắc không hiểu Dũng nhà ta muốn đề cập vấn đề gì, ông bèn vồn vã hỏi ngay  :

  - Dũng nè, em nói nếu là nếu cái gì, sao nửa chừng im re vậy, có phải Dũng muốn nhờ anh ba đây giúp Dũng chuyện gì phải không?

 Chờ có bấy nhiêu, thay vì thằng Dũng chộp ngay cơ hội này, nhằm mượn ông Phát " Bắt cầu" với ông Tám để nâng đỡ cho mình , nhưng sự tinh ranh ma quái là bản chất của những kẻ cơ hội đã mách bảo hắn đừng hấp tấp quá có khi lỡ việc, Dũng thản nhiên nói :

 - Ấy chết, ai dám làm phiền anh Ba đâu, anh nghỉ hưu rồi thì phải cho anh vứt bỏ những vướng bận công việc quan trường hàng ngày để toàn tâm toàn ý sống với chị Ba ở nhà, em dầu có "ba đầu sáu tay" cũng chẳng dám nhờ vậy anh việc gì đâu, thôi vô trăm phần trăm với em đi anh Ba.

  Ông Phát và thằng Dũng cụng ly kêu côm cốp rồi cả hai cùng nốc cạn ly bia một cách ngon ơ, dằn cái ly bia xuống bàn ông Phát vén cái vạc áo thun đang mặc trên người lên làm khăn lau bọt bia bám quanh mép miệng, rồi ông hứng khởi nói với thằng Dũng:

 -Chú em mầy khỏi lo, anh là dân biết chơi biết làm mà, anh hiểu ý thằng em mầy rồi, để anh a lô ( phone) cho thằng Tám giám đốc, kỳ này anh xúi thằng Tám cho chú  em mầy lên Phó giám đốc luôn, mà chú em phụ trách bộ phận của thằng Nam đó nghe, tức là chú em mầy chịu trách nhiệm giữ cái "hầu bao" của đơn vị, chức này quyền sanh sát trong tay nghe chú em, tình nghĩa nên anh mới gửi gắm nhe, bằng không chú em có lo bao nhiêu thì cũng dễ gì thực hiện được đâu.

  Nghe ông Phát nói với cái giọng tha thiết chân tình, lúc này hình như ông Thiện trên vai thằng Dũng đã lấn át được ông ác nên nó cảm động thật sự, nó chồm sang ông Phát dùng hai bàn tay mình bóp chặt bàn tay của ông Phát, có lẽ vì quá hạnh phúc với điều ông Phát vừa nói với mình nên Dũng xiết quá mạnh khiến ông Phát đau điếng la oai oái :

  - Ui cha đau đau anh quá, chú em mầy muốn bẽ lọi tay anh Ba hay sao vậy ?

 Nghe sếp cũ của mình la làng, thằng Dũng buông tay ông Phát ra rồi nó vội vàng phân bua:

 - Ấy chết, em xin lỗi anh Ba, em mừng quá nên quên, thôi để em làm nó giảm đau nhe, "thuốc" này hay lắm anh dán nó vô thì hết đau tức thì.

 Nói vừa dứt lời, thằng Dũng mở khóa chiếc cặp táp mà lúc nào nó cung mang kè kè bên mình, nó lấy ra một bao lì xì loại lớn màu đỏ thắm với lớp ruột dầy cộm phía bên trong, nó "đắp" ngay vô bàn tay ông Phát, nó nhoẻn miệng cười tươi với ông Phát, nó nói:

  -Anh Ba thấy em nói đúng không? Dứt cơn đau ngay thôi mà !

 Phần ông Phát thật bất ngờ với 
" món quà" từ trên trời rơi xuống do thằng đệ tử trao cho mình, với kinh nghiệm "quan trường" bấy lâu nay ông cũng nhẩm tính được giá trị của cái phong bì "nặng nhẹ" cỡ nào, và điều bất ngờ nhất ông Phát  về nghỉ hưu rồi thì cho đến khi từ giã cuộc đòi dễ gì ông còn có cơ hội được đền ơn kiểu này...

 Không hiểu vì lòng tự trọng, hay ông cố tình làm "màu mè"  ông Phát nắm tay thằng Dũng ông trao cái bao lì xì  lại cho nó rồi ông nói:

  - Chú em mầy làm cái kiểu gì vậy, anh Ba đây chưa giúp gì mà chú em mầy làm vầy coi sao được, cất lại đi anh chỉ nói giúp thôi, quà cáp làm gì anh ngại lắm.

  Thấy ông Phát trả lại số tiền đền ơn trước của mình, vì chính ông Phát từng nói với Dũng : 

  "Chú em mầy biết không, thời nào cũng vậy, " đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn", có vậy thì công việc làm ăn mới thuận lợi khỏi sợ khó dễ gì".

  Dũng tái mặt tưởng rằng sếp cũ của mình chê ít, nó lật đật  trao lại cái bao lì xì  cho ông Phát, rồi nó nói lí nhí chỉ vừa đủ hai người nghe:

 - Cái này là tình cảm của em đối với anh bấy lâu nay thôi, chứ có phải lo lót chạy chọt gì đâu mà anh phải ngại,  sau này công việc thuận lợi em sẽ gửi thêm cho anh tiêu xài, chứ tiền hưu bổng thì ít quá anh ạ, còn phần của anh Tám nếu đúng như anh nói thì em cũng phải có chút quà cáp gửi anh Tám cho vui.

  Nghe Dũng nói vậy, mà ông Phát đã đoán chắc thằng lính cũ của mình phải nói câu này thôi, nên ông cất vội cái bao lì xì vào túi quần, rồi với cái vẻ mặt đầy hân hoan ông Phát cầm ly bia lên cụng Ly với Dũng lần nữa , cả hai hớp cạn không còn một giọt bia nào trong ly với dụng ý là để thể hiện dốc hết lòng hết sức với nhau trong câu chuyện này, đặt cái ly xuống bàn ông Phát nói:

  - Dũng nói vậy thôi thì anh cầm tạm cho em vui, chớ thật ra anh chỉ muốn giúp cho em thôi, bây bày đặt quá chừng, mai mốt đừng vầy nữa nhe .

  Thấy ông Phát đồng ý nhận vái bao lì xì, thằng Dũng nó thở hắt ra như trút được gánh nặng ngàn cân trên vai xuống đất, nó vui vẻ nói:

  -Dạ anh ba thương tình mà dặn dò như vậy thì em hiểu rồi, thôi em xin phép anh chị cho em lui gót, kẻo la cà lâu quá cô vợ già nhà em nó lại không vui .

 Ông Phát thấy thằng Dũng rút lui đúng lúc nên ông cũng nói theo:

 - Ừ thôi chú em mầy về đi, có tin gì mới từ thằng Tám anh sẽ cho chú em mầy hay liền, nhưng yên chí đi anh Ba này ra tay thì ăn chắc bây ơi.

                        ***

  Quả thật đúng y như câu phán của ông Phát với thằng Dũng cái hôm mà hai thầy trò nâng ly tại nhà ông, có hôm ông Tám lái chiếc xe Toyota Camry của xí nghiệp ghé lại nhà ông phát, sở dĩ ông Tám đích thân cầm lái là vì không muốn cho thằng Tư tài xế để ý công việc của ông , vì nghe đâu tay Tư này cũng là đệ tử ruột của anh Bảy gì trên Sở, hắn được gửi gắm vô lái xe cho Giám đốc Tám thay cho ông Hai tài xế cũ của ông Phát, họ nại rằng ông Hai đau bệnh đề rà không đủ sức khỏe để đi công tác xa và khuyến khích ông nghỉ trước tuổi kèm theo mớ trợ cấp nghỉ việc với một lần lảnh tiền, ông Tám nghĩ nếu để thằng Tư đưa mình đến nhà ông Phát, nó đồn đãi ra dư luận thì không tốt cho con đường hoạn lộ của mình, vì ông Phát bị kỷ luật nên dính líu đến thì thật phiền phức, nhưng kẹt một nỗi là ông Phát là người ơn nghĩa của mình, dẫu sao đi nữa có gì gì thì cũng tìm cách trả ơn lại cho ông Phát như vậy mới trọn đạo lý làm người.

  Sau một hồi đàm đạo cùng nhau tại cái bàn hôm ông Phát tiếp thằng Dũng tại nhà mình, ông Phát nói :

  - Nãy giờ anh nói hết tình hết lý rồi đó, thôi Tám mầy nhắm được cho thằng Dũng như gợi ý của anh thì anh mừng, còn như khó quá thì thôi coi như anh Ba này chưa nói ra vậy , đừng áy náy.

  Ông Tám nghe ông Phát có ý gửi gấm mình cất nhắc thằng Dũng lên chiếc ghế phó trong xí nghiệp, một chút ưu tư, rồi ông lưỡng lự phân bua với ông Phát :

 - Anh Ba này, ơn nghĩa anh đối với thằng Tám em nó "nặng" lắm, em thầm nghĩ bấy lâu nếu có dịp nào đó em sẽ giúp lại cho anh Ba, riêng việc cậu Dũng em không biết anh Ba thấy có nên không, vì em nghe râm ran mọi người đồn đãi tư cách cậu này không tốt cho lắm, nhưng nếu anh Ba nhất quyết thì em sẽ cố gắng.

  Nghe ông Tám cảnh giác mình về tánh khí của thằng Dũng, nhưng hình ảnh cách đây vài hôm giữa ông và thằng Dũng hiện về, ông thấy nó chân tình lắm, thái độ vẫn tôn kính mình mặc dù biết mình không còn "làm quan", người như vậy không giúp thì giúp ai bây giờ, còn lời đồn đãi của bàn dân thiên hạ cũng chỉ là đồn đãi thôi chưa có gì chứng minh hết, ông Phát đưa mắt nhìn ông Tám rồi bằng giọng tha thiết ông nói:

  -Tám à, anh biết chứ trước đây thầy Năm đã cho anh xem lá số tử vi của thằng Dũng, anh xem nhưng mù tịt có biết ất giáp gì đâu, thấy vậy thầy Năm mới giải thích cho anh nghe, thẫy nói tay này tính lòn cúi bợ đỡ và nhất là hay " đá giò láy" , phản phúc không đáng tin, nhưng anh về hưu lâu rồi mà Dũng nó vẫn thăm anh thường xuyên , rồi quà cáp " động viên" tinh thần anh và chị nhà nữa , vậy đó nên bói toán anh chỉ xem cho vui thôi, tin nó có ngày bán lúa giống , ha ha ha.

  Biết dù có bàn ra, có can ngăn thế nào cũng khó lay chuyển ý nghĩ của ông Phát, ông Tám bấm bụng hứa với ông Phát:

  - Dạ thôi được, nếu anh Ba nói vậy thì để em lo, nhưng nói thiệt anh Ba đừng buồn vì có nhiều khi câu chuyện này sẽ khiến anh không vui về sau này thôi.

  Sau một vài tách trà đối ẩm hai ông chia tay nhau, ông Phát thì vui trong bụng vì thấy được lòng trung thành và đầy ơn nghĩa của ông Tám đối với mình, riêng ông Tám không vui mà cũng chẳng buồn vì ông nhủ lòng mình đã sống có trước có sau với ân nhân mình, còn nếu như sau này thằng Dũng có gây ra điều gì trong xí nghiệp thì đó là cái duyên cái nghiệp đành chịu thôi.
                            ***
    Từ lúc lên chức vụ mới theo đề bạt của ông Tám, phó giám đốc Dũng tỏ vẻ oai vệ ra phết, từ ông bảo vệ đến bà lao công trong xí nghiệp không ai ưa bắn cả, nhưng đang nắm quyền lực trong tay thì Dũng nhà ta đâu dễ gì biết được những cái huýt cái ngó xéo khinh bỉ ra mặt với vị phó giám đỗ kia, mỗi lần tụm năm tụ ba ở quán cà phê bên kia đường cạnh xí nghiệp thì họ có dịp bàn tán:

  - Ối cái thứ ốc mượn hồn này làm được cái giống gì mà phách lối, thằng ôn dịch này nó dữ phá banh "cái nồi cơm" của mình thôi.

 Quả vậy sau một thời gian dưới sự quản lý của Dũng, xí nghiệp từ chỗ ăn nên làm ra nay phải mang nợ ngập đầu. Việc gì đến phải đến xí nghiệp phá sản đời sống mọi người bắt đầu thê thảm, ông Tám bị quy trách nhiệm để đơn vị làm ăn thua lỗ, những ngày này tên Dũng lặn không sủi tăm, bao nhiêu khó khăn đỗ dồn lên ông Tám, như đã biết được trước ngày này ông Tám không hề trách ông Phát một tiếng vì cũng từ ông Phát nên ông Tám phải " Dưỡng Hổ di họa"...

                         ***
  Biết được tình trạng đáng buồn của xí nghiệp của mình làm thủ lĩnh ngày nào đang đến hồi mạc vận, ông Phát đâm lo, ông lo vì nguyên nhân có trách nhiệm của ông một phần trong đó, ông lẩm nhẩm :

  -Dũng ơi là Dũng! , mầy hại tao, hại thằng Tám, hại cả xí nghiệp rồi, trời ơi là trời.

 Ông Phát đỗ bệnh ra từ đó, giờ thì chẳng có thằng em út nào đến thăm ông bà nữa, còn thằng Dũng thì nó "bặt vô âm tín" vì mỗi lần ông bấm điện thoại cho nó ông chỉ nghe âm thanh ò í e, ò í e trong ống nghe...

  Một hôm ông đang bưng chén thuốc Nam mà bà Phát mới sắc cho ông, vừa dợm đưa lên miệng uống thì chuông điện thoại đỗ dồn khiến ông giật mình vội chụp ống nghe:

 - A lô,  a lô. Tui nghe

  Bên kia đầu dây không trả lời, thình thoảng ông nghe tiếng cười của mấy cô gái bên kia đầu dây, rồi bổng đâu tiếng thằng Dũng vang lên như nó đang nói chuyện với ai đó trong quán nhậu :

  - Anh nói gì ? Lão Phát ấy à, ối giời lão già rồi mà ngu đáo để, thằng em này đưa lão chút tiền mà lão đã gắn cho tớ đôi cánh bay xa, bay cao trên trời danh vọng. Khà khà khà 

  Biết là thằng Dũng trời đánh vô tình để cấn máy điện thoại gọi ngay số nhà ông mà hắn chẳng hay, nghe xong ông Phát giận xanh mặt ông đập ống nghe xuống đất vỡ tan từng mảnh như trong lòng ông cũng đang nát tan từng mảnh.

                           ***
   Đứt mạch máu não do giận dữ sau khi nghe lời bình phẩm về mình của thằng " Đệ tử ruột". Ông Phát "cưỡi Hạt qui tiên", ngày tiễn ông về nơi cuối trời quên lãng, có một gã đàn ông mang kính đen đi lặng lẽ theo đoàn đưa tang, quan tài ông Phát vừa khuất sau cánh cửa của chiếc xe tang, người đàn ông nọ giở cặp kính ra khỏi mắt, rồi lấy chiếc khăn mù soa lau vội đôi dòng lệ của cặp mắt đỏ hoe của hắn, bà lao công và ông bảo vệ thấy vậy họ che miệng nói với nhau:

 " Nước mắt cá Sấu rơi kìa "

              Viết xong 26.6.2017

3 comments:

  1. Cám ơn anh Hai Hùng dù bận công việc , dù tinh thần không được an ổn nhưng vẫn đóng góp văn thơ chia xẻ cho cả nhà TH , thành thật cám ơn anh
    Chúc anh nhiều sức khỏe để vượt qua mọi khó khăn và giữ vững tinh thần , mọi việc rồi cũng sẽ qua
    Chào anh

    ReplyDelete
  2. " Dò sông dò biển dể dò ..." (Ca dao)
    Lòng người nham hiểm khó đo cho cùng

    Từ xưa đến nay thời nào cũng vậy . Chuyện Thạch Sanh Lý Thông , chuyện Tôn Tẩn Bàng Quyên ...., nhất là thời Cộng Sản sau ngày 30-4-1975 , gia đình liệt sĩ , các bà mẹ quê nghèo nàn che dấu nuôi sống chúng còn bị bạc đải thay huống chi nhân dân đồng bào . Chuyện xảy ra nhan nhản , hàng ngày hà rầm như cơm bửa , không bút mực nào nói hết trong Xếp Hàng Cả Ngày
    Nhung " cùng tắc biến , biến tắn thông " rồi sẽ có một ngà họ cũng bị sụp đổ thôi , trả lại quê hương Việt Nam tươi đẹp ngàn đời

    ReplyDelete
  3. Chuyện hay lắm.Từ trước tới nay chuyệnphản trắc ,ăn cháo đábát xãy ra hà rầm.Thời CS còn tệ hơn nhiều.Thậm chí họ thanh toán lẫn nhau,tặng cho nhau vài giọt hầu theo ông theo bà sớm.ha ha...

    ReplyDelete