Huy Phương
Trong
một cuộc họp mặt của một trường trung học tại hải ngoại gần đây, bất ngờ tôi gặp
lại một thằng bạn cũ của thời gian gần bảy mươi năm về trước. Cả hai đứa mừng
quá, ôm chầm lấy nhau, quên cả quan khách bên cạnh, và cùng rộn rã những tiếng
“mày mày tao tao”! Cái sướng của tha hương ngộ cố tri mà, nhất là hai thằng bạn
học cùng lớp, ngồi chung bàn của hơn nửa thế kỷ về trước, bây giờ nhìn nhau tóc
đã bạc và khuôn mặt có thể đã đổi khác với những vết tàn phá của thời gian. Phải
chờ khi người MC buổi lễ giới thiệu những người tham dự ở các tiểu bang xa về,
nghe tên, trông mặt “nó” tôi mới nhận ra.
Có
nơi gọi “mày- tao,” có chỗ gọi “mi- tau,” và cũng có vùng kêu “tớ với cậu” hay
có một thời “toi với moi!”(toa-moa).
Một
dịp khác, một buổi trưa ở cái vùng đất Little Saigon này, sau một buổi giới thiệu
sách mới, ra xe đang loay hoay tra chìa khóa mở máy xe, thì có tiếng gõ lên cửa
xe, bên tay trái của tôi. Ngẩng đầu lên, tay xuống cửa xe, trong đầu óc vốn tối
tăm, như có một tia chớp, miệng tôi bỗng thốt lên:
–
Mi! Hậu. Nguyễn Hy Hậu phải không?
Một
thoáng rất nhanh, tôi nhớ ra cả ngôi nhà, và tên đường và cả khuôn mặt của người
bạn ngày xửa ngày xưa trong cái thành phố nhỏ thật thà, êm đềm ấy. Tôi bước ra
xe, ôm lấy bạn. Đây là một người bạn thời tiểu học ở Huế, gia thế khá giả, được
du học từ sau trung học, lưu lạc sang tới Pháp đã hơn nửa thế kỷ nay, học hành
thành công, lấy bằng tiến sĩ hoá học, ở luôn xứ người không về nước. Trong suốt
thời gian này, trong bạn bè tôi cũng chẳng bao giờ nhắc tên bạn, cũng không còn
nhớ đến bạn. Thì ra thằng này, thường khi vẫn có dịp sang Mỹ chơi, biết tôi và
vẫn thường “theo dõi” tôi, nhưng ở trong hội trường đông đúc, nó thấy bất tiện
khi phải gặp lại một thằng bạn cũ mà không biết nó có nhớ mình hay không?
Hậu
đi theo tôi ra xe, chờ khi tôi vào xe xong, sắp mở khóa chạy đi mới gõ cửa xe.
Tôi
có một trí nhớ rất tồi, nhất là ở cái phần não thùy có chứa tên người, nên nhiều
khi gặp người cũ mà ngớ ra, ấp úng một hồi rồi mới giả lả, quanh quẩn mà cũng
không nhớ nổi cái tên. Cách đây hai năm, hồi nằm ở bệnh viện, có một bà bạn đến
thăm tôi, lại mang quà cho, vậy mà mới tuần trước, trong một đám tang ở Bolsa,
gặp lại chị, có lẽ thấy mặt tôi nghệch ra không vồn vã chào chị, chị vui vẻ hỏi:
–
“Anh có nhớ tôi không?”
Tôi
xin lỗi là hoàn toàn không nhớ, vì lấy lý do là nằm bệnh viện, thuốc mê nhiều
quá, bây giờ “bộ nhớ” hư rồi.
Vậy
mà trường hợp một thằng bạn thời thơ ấu, sau 70 năm, chỉ một thoáng, mà tôi nhớ
ra tất cả. Nếu hôm đó, sau khi bạn cất công đi tìm tôi, mà tôi không nhớ ra, hẳn
bạn buồn biết bao nhiêu! Trong khi bạn sống bình yên ở Pháp, không bao giờ nghe
tiếng bom đạn, cũng như chẳng biết ánh sáng hỏa châu là gì, thì bạn bè một thời
thơ ấu đều bị cuốn hút vào chiến tranh, nhiều đứa chết, đi tù, hay lưu lạc cùng
khắp trái đất.
Từ
nguồn ra, một dòng sông chia đi trăm ngã. Số phận không ai giống ai, mỗi người
một hoàn cảnh, tâm tính đổi thay, người quên kẻ nhớ.
Tìm
gặp lại được một thằng bạn cũ từ thời thơ ấu hay thiếu niên là món quà quý nhất!
Cả một thời xưa hiện ra, tưởng chừng như mới hôm qua đây thôi.
Trong
ba mươi cái “chẳng sướng ư!” của Kim Thánh Thán, có cái sướng mười năm gặp lại
bạn cũ, trong khi trước đó mấy nghìn năm, ông Khổng Tử cũng nghĩ như vậy: “Có bạn
từ phương xa đến thăm, chẳng phải là điều vui mừng hay sao?” (Hữu bằng
tự viễn phương lai, bất diệc lạc hồ!)
Bây
giờ dự những buổi tiệc tùng, cưới hỏi, lễ lược với những khách phải bắt tay,
cúi đầu, giới thiệu ông này bà nọ, với chức tước, danh xưng, làm sao vui, thoải
mái bằng những cuộc gặp gỡ những đứa bạn thời xưa, ríu rít những tiếng “mày
tao”, khỏi phải giữ gìn, khách sáo gì. Bạn thân thời thơ ấu, gọi là đã biết
nhau, nhiều khi đấm vào ngực, vỗ vào vai hay chửi thề một câu cho đã miệng lúc
mới gặp lại nhau. Nó không phải là điều bất nhã, mà là thứ ngôn ngữ cho biết
hai người đã biết nhau lâu, phải có một thời gần gũi. Họ có những trò chơi
chung, đã từng đi với nhau cùng một con đường, có thói quen giống nhau, có những
người bạn chung và có những lỗi lầm thuở nhỏ mà chỉ riêng bạn mình biết!
Thế
mà một người bạn của tôi đã gặp một trường hợp sượng sùng, khi anh cũng gặp lại
một thằng bạn thời niên thiếu bất ngờ, đang “mày mày tao tao” thả dàn, thì bà vợ
bạn ra chiều bất ý, lại nói thẳng:
–
“Các anh bây giờ già đầu cả rồi, con đàn cháu đống, tôi không muốn anh gọi nhà
tôi mày mày tao tao nữa!”
Thật
ra, gặp lại một thằng bạn cũ, muốn giữ thể diện, kiểu cách với nhau cũng buồn,
nhưng bỗng dưng như bị dội vào đầu một gáo nước lạnh, thôi thì cứ coi như chẳng
hề quen biết nhau. Bạn bè ngày xưa còn mài đũng quần trên ghế nhà trường, bây
giờ đổi giọng ông ông, bà bà thấy ngượng nghịu làm sao ấy!
Chúng
ta đã có cái dịp nào trong đời khi gặp một người bạn thân thiết ngày xưa, bây
giờ là thượng tọa, gặp nhau trong một trai phòng, không “Bạch Thầy” mà gọi nó bằng
“mày,” hay lính trơn gặp thằng bạn cũ nay là một đại tá chỉ huy trưởng ở chỗ
nhà riêng mà thốt ra lời: “Không ngờ lại gặp mi ở đây!”
Cho
đến lúc về già như hôm nay, vui khi còn được vài thằng bạn có thể xưng hô mấy
tiếng “mày tao” để thấy mình không có tuổi, thời gian đứng lại. Những người
không có bạn “mày tao” là những người không có tuổi thơ và cũng không có luôn
dĩ vãng!
Huy Phương
Bạn là người KG đang tha hương, bài viết của bạn nói về cái vụ "mày, tao" trg tình cảm bạn bè. Tôi kể cho bạn nghe một câu chuyện về thầy Trần Thanh Vân. mà dân RG ai cũng biết. Số là trước năm a975 tôi thường hay lên xuống SG công tác, trong một lần may mắn tôi gặp cụ Trần văn Hương, lúc đó là phó Tổng Thống, nghe tôi nói là dân RG, cụ liền viết một là thơ rồi bảo tôi mang về cho thầy Vân. Khi tôi về trao thơ lại cho thầy, ông mở ra đọc, đọc xong ông chép miệng nói (gần như nói vớ cụ Hương, chớ khg phải với tôi):
ReplyDelete- Cái thằng, danh khg ham, lợi khg muốn mà chui đầu vô cái chốn đó để làm gi?"
Tôi nói thầm trong bụng " Thầy mình gan thật ổng dám gọi cụ Phó TT bằng thằng.
Một lúc sau thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, thầy nói:
- Nó với thầy là bạn học, chơi rất thân khi học ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Đông Dương, từ bấy đến giớ khi gặp nhau thì cứ mà mày tao suốt. Đôi lúc thầy tỏ vẻ khách sáo vì cái chức vụ to đùng của nó. Nó giận lắm nói " tao với mày là bạn bè bao nhiêu năm, mà mày khách sáo thế thì mày có còn là bạn của tao khg?" Nó đúng,thầy sai rồi. Mai mốt các con già các con mới thấy gặp lại bạn bè cũ mà mày mày, tao nó sướng còn hơn lên trời. Các con học chắc các cũng biết, dù khg ai dạy, khi nói chuyện xưng hô mày tao với người khác nó biểu hiện cho rất nhiều thái độ khác nhau, trong đó có thài độ thể hiện sự chân tinh. Vì vậy khi con nghe thầy kêu cụ Phó TT của con bằng nó, bằng thằng hay khi gặp nhau thì tao, mày thì con đừng lấy làm lạ.
Qua entry của bạn, tôi hiểu bạn bị hụt hẩng như thế nào khi gặp lại người xa cách lâu bổng trở thành người cao đạo.