___________________
Chuyển đến từ NVC
Rất cám ơn
TH
Đàm Trung Pháp
Diễn-văn
chủ-đề của tác giả trong Lễ khai-giảng khóa huấn-luyện và tu-nghiệp sư-phạm các
trung-tâm Việt-ngữ Nam California ngày 28-7-2017 tại Little Saigon.
Giáo sư Đàm Trung Pháp |
Đau
lòng phải giã biệt miền Nam khi cộng quân miền Bắc xâm chiếm cuối tháng 4 năm
1975, chúng ta mang theo được gì? Của cải, danh vọng, bà con thân thuộc, bạn bè
thì không, nhưng chúng ta mang theo được văn hóa và ngôn ngữ Việt Nam truyền thống
ra hải ngoại với chúng ta. Sau hơn 40 năm tỵ nạn tại hải ngoại, chúng ta vẫn
duy trì được văn hóa và ngôn ngữ đáng trân quý ấy. Các truyền thống văn hóa Việt
thể hiện qua các lễ lạc như Tết Nguyên Đán, Giỗ Quốc Tổ Hùng Vương, Giỗ Hai Bà
Trưng, Tết Trung Thu; các tập tục như quan, hôn, tang, tế, tinh thần tôn sư trọng
đạo vẫn được thiết tha duy trì trong các cộng đồng Việt hải ngoại. Và tiếng Việt
truyền thống – nơi lưu giữ cái linh hồn, cái tinh hoa, cái bản sắc, cái tình tự
dân tộc thắm thiết của chúng ta – vẫn còn nguyên vẹn.
Tiếng Việt chúng ta mang theo là thứ tiếng Việt đẹp đẽ, thanh lịch, trong sáng.
Đó là thứ tiếng Việt của Truyện Kiều mà học giả Phạm Quỳnh hãnh diện gọi
là tiếng ta. Đó cũng là thứ tiếng Việt của Tự Lực Văn Đoàn, của Vũ
Hoàng Chương, của Đinh Hùng, của các hệ thống giáo dục, văn học, báo chí, chính
trị, kinh tế thời Việt Nam Cộng Hòa trước 1975.
Điều
rất đáng lo ngại là ngày nay, trong khi tiếng Việt truyền thống được chúng ta
gìn vàng giữ ngọc với niềm tự hào ở hải ngoại, thì ở quê nhà nó đang bị thái
hóa trầm trọng để phù hợp với lối sống vô liêm xỉ, thiếu đạo đức, mất hết tự ái
dân tộc, gây ra bởi một chế độ phi nhân tàn bạo lấy súng đạn mà áp bức người
dân bất hạnh.
Những
đồng nghiệp tại trường Đại-Học Sư-Phạm Saigon của tôi bị kẹt lại
sau 30-4-1975 kể lại chuyện đau lòng đầu tiên của họ khi “bên thắng cuộc” cho một
“cán bộ giáo dục” và đoàn tùy tùng đến “tiếp quản” ngôi trường khả kính đã đào
tạo nhiều ngàn giáo sư trung học đầy đủ khả năng và tư cách để phục vụ nền giáo
dục nhân bản và khai phóng của Việt Nam Cộng Hòa. Lối xưng hô thô lỗ và cách đối
xử kiêu căng hằn học của họ làm các cựu nhân viên giảng huấn (từ giảng viên cho
đến giáo sư thực thụ) choáng váng. Tất cả bị gọi bằng “anh” hay “chị” và tất cả
bị gọi là “giáo viên”. Vị giáo sư khoa trưởng bị đẩy ra khỏi văn phòng làm việc;
câu châm ngôn Lương Sư Hưng Quốc sơn bằng chữ lớn trên bức tường
gần cổng trường bị một lớp sơn mới quệt lên trên xóa hết tung tích.
Sau
hơn 40 năm thái hóa, tiếng Việt bên quê nhà đã có thêm rất nhiều từ vựng mà
chúng ta thấy thật “chướng tai” khi nghe nói và “gai mắt” khi thấy trong sách vở
báo chí – với ý nghĩa chẳng trong sáng chút nào như được tuyên truyền. Từ vựng
truyền thống đứng đắn chân phương bị thay thế bằng một thứ từ vựng ngô nghê,
thô tục, cọc cằn, như nhà hộ sinh trở thành “xưởng đẻ”; nữ quân nhân trở thành
“lính gái”; lạp xưởng trở thành “con sâu mỡ”.
Một
số người thiện chí trong cộng đồng tỵ nạn chúng ta (như hai ông Đào Văn Bình và
Trần Văn Giang) đã thu thập được khá nhiều từ vựng quái dị này và cảnh báo đồng
hương hải ngoại. Tác giả Đào Văn Bình đã cho lên Internet cuốn Tự Điển
Tiếng Việt Đổi Đời rất hữu ích cho giáo giới chúng ta muốn bảo vệ tiếng
Việt truyền thống tinh tuyền tại hải ngoại. Đó là những từ vựng, từ ngữ đã nhiễm
độc mà chúng ta phải tránh, không thể truyền bá trong cộng đồng hải ngoại, nhất
là trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống từ mẫu giáo cho đến trung học và đại
học. Đây là vài từ vựng và câu nói “đổi đời” tiêu biểu tôi tìm thấy trong
TĐTVĐĐ: “động vật hoang dã” (dã thú), “lao động nữ” (nữ công nhân), “động não”
(suy nghĩ), “vô tư” (thản nhiên), “anh muốn khẩn trương quản lý đời em” (anh muốn
cưới em ngay), và “lối chụp hình tự sướng” (cách chụp hình selfie).
Mức
nhiễm độc của tiếng Việt đổi đời ngày càng đáng sợ – nó đã tràn sang cả đại tác
phẩm Truyện Kiều của dân tộc Việt. Một báo động đỏ thực sự! Truyện Kiều mà học
giả Phạm Quỳnh –trong ngày giỗ cụ Nguyễn Du linh đình năm 1924 tại Hà Nội – đã
tôn vinh với câu nói trước anh linh tiền nhân rằng “Truyện Kiều còn, tiếng
ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn” đang bị phỉ báng và bức hại tại quê
nhà. Khai pháo bởi ông kỹ sư cơ khí Đỗ Minh Xuân khi ông ta phổ biến cuốn sách
có một tựa đề ngạo nghễ “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ
thông, đại chúng và trong sáng” trong một cuộc hội thảo về Truyện Kiều tổ chức
cuối năm 2012 tại khu di tích Nguyễn Du ở huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Trong
“công trình” ấy, ông đã “sửa” khoảng 1.000 chỗ trong tổng số 3.524 câu thơ Truyện
Kiều.
Tại
sao ông kỹ sư cơ khí lại làm chuyện động trời như vậy? Đây là lý do tại sao ông
quyết định sửa đại tác phẩm của thi hào Nguyễn Du: “Truyện Kiều không còn thịnh
như trước, do rào cản điển tích, chữ Hán, từ cổ, từ địa phương – chữ nghĩa Truyện
Kiều rườm rà, trùng lặp, không hay, thiếu logic, trái văn cảnh.” Một công việc
quái đản xưa nay chưa thấy như vậy mà lại được “anh hùng lao động” Vũ Khiêu – một
học giả từng làm viện trưởng Viện xã hội học – khuyến khích và tán dương, với lời
nói quả quyết rằng sách này “là một đóng góp đáng kể vào việc nghiên cứu Truyện
Kiều”.
Còn
nhớ xưa kia, vua Tự Đức rất giỏi văn thơ mà chỉ dám nhuận sắc vài
chỗ không đáng kể trong Truyện Kiều rồi cho in nó thành “bản kinh” phổ biến
trong dân gian. Chúng ta cùng xem vài thí dụ về nỗ lực sửa Truyện Kiều kỳ dị, lệch
lạc, ngớ ngẩn, đoán mò, làm tối ý nghĩa của ông Đỗ Minh Xuân [dựa vào bài viết
sắc bén có tựa đề “Cười té ghế hay đau thắt lòng với chữ sửa Truyện Kiều”
(khuyết danh tác giả) đăng tải trên Đời Sống Pháp Luật Online ngày 28-4-2014]:
“Lạ
gì bỉ sắc tư phong” sửa thành “Mỗi người thứ có thứ không” [lời văn cục súc,
quê mùa].
“Thời
trân thức thức sẵn bày” sửa thành “Quả ngon thức thức xách tay” [một hành động
thanh nhã, cao sang, dịu dàng trở thành một hành vi thô lỗ – như thể cô Kiều
hái trái cây nhà mình, bỏ vào giỏ, rồi xách tay sang đưa cho Kim Trọng ăn].
“Chưa
xong điều nghĩ đã dào mạch tương” sửa thành “Chưa xong điều nghĩ đã chào vừng
dương” [chứng tỏ sự dốt nát, đoán mò, không hiểu mạch tương nghĩa
là nước mắt và đã dào mạch tương nghĩa
là nước mắt đã dào dạt ra].
Theo
cái kiểu “sửa chữa” Truyện Kiều như hiện nay ở quê nhà thì chẳng bao lâu nữa
chúng ta sẽ không còn Truyện Kiều, dẫn đến chuyện không còn tiếng ta nữa, rồi
bước kế tiếp là không còn nước ta nữa! Thi hào Nguyễn Du và học giả Phạm Quỳnh
nơi cửu tuyền làm sao tránh khỏi nỗi đoạn trường khi biết đến điều đau đớn này?
Bằng
mọi giá, chúng ta phải biết rõ ranh giới giữa tiếng Việt truyền thống và tiếng
Việt “đổi đời” tới mức thoái hóa bên quê nhà. Thứ tiếng Việt tồi tệ ấy không thể
có chỗ đứng trong các lớp dạy tiếng Việt truyền thống tại hải ngoại ở mọi trình
độ.
Đàm Trung Pháp
Những phường vô lại nhố nhăng,
ReplyDeleteĐem đầu chỉnh sửa tưởng rằng đã hay.
Tiền nhân hổ thẹn, đắng cay,
Hậu sinh như vậy, buồn thay nước nhà.