Links

Saturday, September 9, 2017

“Mùa xuân trên đường phố buồn vắng tanh thê lương.”

_________________

NGÔ QUANG HÒA




Khi tôi ra đời thì đất nước vừa bị chia cắt bằng con sông Bến Hải. Rồi từng ngày lớn lên, tôi chỉ học được hai chữ “chiến tranh” qua các trang báo và đài phát thanh. Cho đến một đêm xuân, tiếng pháo giao thừa mở đầu cuộc vui, bỗng đâu lại gây nên bao cảnh tóc tang ghê rợn. Chiến tranh đã nổ ra ngay trên đường phố. Xác người nằm rải rác ngoài đường, trên balcon trong thị xã. “Mùa xuân trên đường phố buồn vắng tanh thê lương.”
BIẾN ĐỘNG THỜI CUỘC
Từ năm 1967, Tư Tho lại hùn vốn với một người quen mở thêm một đại lý xe Honda nơi căn phố mặt tiền. Ông mời được chú Tư Teo, một người thợ lành nghề về xe gắn máy đến hợp tác. Chú Tư thường biểu diễn ngồi trên chiếc ghế gỗ nắm lấy sợi dây điện “bugi” cho người ta đạp máy xe. Chú thòng ngón chân cái xuống gần mặt đất cho tia lửa điện phóng xuống đất nghe chát chát. Nhờ chú mà tiệm xe Honda của Tư Tho ăn nên làm ra.

Chú Tư Teo đã từng khiến mọi người kinh ngạc khi chú làm cho chiếc xe gắn máy hai thì (xe hiệu “Sát”, máy “Gô ben”) biết chạy “de”. Chú mở “vô lăng”, chỉnh sửa vít lửa thế nào đó rồi cho máy nổ. Sau đó, chú nhấn “décompresseur” tắt máy. Khi máy sắp ngưng nổ thì chú lại buông cái “décompresseur” ra, máy tiếp tục nổ. Bóp “embrayage” vô số thì chiếc xe bắt đầu chạy lui.
Được hơn một năm chú bị bịnh nhiều phải nghỉ sửa xe. Có người nói tại chú “chơi” với điện “bugi”, nguồn điện cả chục ngàn “vôn”. Đệ tử của chú là anh Ba Lộc, cũng khá giỏi tay nghề thay chú ở tiệm Honda của Tư Tho.
Cuối năm 1967, báo chí đăng tin hưu chiến vào dịp Tết Mậu Thân. Người dân vui mừng sẽ được ăn một cái Tết bình yên. Hãng nước đá của Tư Tho hoạt động ổn định dần, nợ ngân hàng vơi bớt. Cuộc sống gia đình được khấm khá. Mùa xuân năm Mậu Thân, Sáu Nụ, vợ Tư Tho vui vẻ chuẩn bị ăn Tết lớn. Năm nay bà quyết định đón giao thừa bằng một nồi pháo lớn chứ không đốt từng phong pháo như mọi năm. Lần đầu tiên bà đặt mua một nồi pháo lớn. Bánh mứt được sắm sửa chu đáo. Mấy ngày trước Tết bà còn cẩn thận cho đem pháo ra phơi. Đêm giao thừa, nồi pháo nổ dòn dã chỉ sau một lần châm ngòi. Bà hớn hở nói với mọi người: năm nay làm ăn phát đạt. Chưa ai biết trong tiếng pháo đón giao thừa đã có xen lẫn tiếng súng. Rạng sáng, cả nhà mới biết tin “thiết quân luật” trên toàn quốc qua đài phát thanh Sài Gòn. Một số công chức từ Sài Gòn về quê ăn Tết lo lắng đón già đón non: chắc lại đảo chánh nữa rồi. Sáng ra, có lịnh giới nghiêm hai mươi bốn trên hai mươi bốn tại chợ Rạch Giá.
Nhân dân phải mắc nghẹn cái Tết trong cổ họng. Người qua lại thưa thớt, phố xá vắng tanh. Thỉnh thoảng một vài chiếc xe jeep chạy quanh thị xã hú còi in ỏi. Không khí chết chóc của chiến tranh bao trùm khắp nơi. Sau đó, người ta mới biết có biến động lớn trong những ngày đầu năm: “Tồng công kích Tết Mậu Thân”. Người ta nhận dạng được một số những xác chết rải rác trên đường phố, hay vắt vẻo trên lang cang khách sạn gần Ty Cảnh Sát. Nhiều cái xác chỉ mặc vỏn vẹn chiếc quần xà lỏn đen. Lại có những khuôn mặt non choẹt không quá tuổi đôi mươi. Tất cả bọn họ đến từ phía bên trong. Có một vài người từng sống ở chợ Rạch Giá trước đó, rồi bặt tâm mấy tháng, nay quay trở lại đưa đường dẫn lối cho những người phía bên trong.
Cuối tháng tư đầu tháng năm năm 1968, lễ Phục Sinh đi liền với lễ Lao Động, trường nội trú Lasan Mossard cho nghỉ nhiều ngày. Hai đứa con trai của Tư Tho có dịp về quê. Một buổi chiều, Bình, thằng con trai nhỏ lấy xe đạp chạy qua chợ tìm mua sách vở. Khi trở về nhà, ngang qua cây cầu đúc Nguyễn Trung Trực, Bình chạy chậm lại hứng gió mát từ cửa biển thổi vào. Qua cầu, cách khoảng một trăm mét nó định ghé vào nhà nhưng rồi chạy thẳng đến quán cà phê ở ngả tư cách nhà cũng khoảng trăm thước. Bình dựng xe đạp, gọi một tô cháo gà nơi vỉa hè. Bước vào quán ông Ba Tiệm, nó chọn một góc ngồi chờ. Bỗng đâu từ phía cầu đúc, một tiếng ầm nổ ra làm kinh động cả khu vực. Mọi người đổ xô ra đường xôn xao nhìn phía chiếc cầu đúc, cũng là phía nhà nó. Nó cũng lật đật chạy ra nhìn về hướng tiếng nổ. Nước bắn tung tóe lên cao, rất cao, chưa kịp rớt xuống bay lơ lửng trên không như một đám bụi mù. Nó vội vàng nhảy lên xe đạp chạy một mạch về nhà bỏ luôn tô cháo vừa mới bưng vào. Hai bên đường, mọi nhà vội vã khép kín cửa lại. Một lúc sau, vài cái đầu ló ra ngơ ngác thăm dò tình hình. Về đến nhà, nó bắt gặp nét mặt vô cùng lo lắng của ba mẹ nó. Cất xe xong, nó lại bước ra nhìn về phía chiếc cầu. Chiếc cầu đã không còn nữa. Nơi đó giờ đây chỉ còn là một khoảng không trống rỗng đáng sợ. Nước dưới sông vẫn cuồn cuộn đổ ra biển. Nơi đầu cầu, vài người đang lê lết trên đường. Viên cảnh sát áo trắng cũng nằm bất động cạnh chốt gác. Người dân xôn xao hướng mắt về nơi vừa xảy ra thảm họa. Chiếc cầu gãy làm hai, gục xuống giữa dòng sông. Thân cầu lộ ra những cốt sắt tòn ten trong lớp bê tông trộn với đá cuội trắng tinh.
Bỗng đâu từ bên kia đường, hai người đàn ông dằn co nhau. Một người rút  khẩu súng trong mình ra hô lớn “giơ tay lên”. Mọi người hoảng hốt xô nhau chạy tán loạn. Sau một hồi to nhỏ, người đàn ông cất súng đi. Hai người tách ra hai ngả, lẫn vào đám đông. Thì ra họ là những công an “chìm” có mặt đúng lúc. Họ tìm xem có ai liên quan đến thảm họa. Phía gây nên thảm họa thường cho người đến “ăn kết” để báo cáo thắng lợi về bên trong.
Có tiếng còi cứu thương rú từ bệnh viện bên kia cầu đúc. Xe hồng thập tự phải đánh một vòng bọc qua chiếc cầu sắt bắc qua xóm bánh tằm, cách cây cầu sập chừng hai trăm thước, lại đảo ngả tư “Xã Mai” mới đến được nơi cấp cứu cho các  nạn nhân. Người dân tò mò bước đến bờ sông xem cái thảm hoạ vừa xảy ra.
Qua mấy ngày sau, một người lính xuất hiện nơi chiếc cầu gãy trên một chiếc xuồng công binh. Khi một xác người nổi lên, ông ta bơi xuồng ra, cột sợi dây vào chân hoặc tay của nạn nhân kéo vào, đặt lên mặt cầu. Trên bờ ồ lên những tiếng khóc thảm thiết. Thân nhân đến nhận diện xác rồi đưa về an táng. Rồi từng ngày, từng ngày qua các nạn nhân khác lại nổi lên trương phình, biến dạng không còn thấy rõ mặt mũi nữa. Xác vô thừa nhận nằm trên mặt cầu hai ba ngày mới được chuyển đến nhà xác bệnh viện. Vài người ngóng ra biển thở dài không còn trông mong tìm được  người thân.
Chiếc cầu đúc sập đi khiến việc làm ăn của gia đình Tư Tho bị thiệt hại gần như hoàn toàn. Đoạn đường chính dẫn vào chợ trước nhà Tư Tho hồi nào giờ tấp nập nay vắng teo. Xe cộ thưa thớt, người đi lác đác, phố nhà im vắng. Việc giao nước đá cho các tàu đánh cá bên chợ cũng không còn thuận lợi. Hãng nước đá và tiệm Honda của Tư Tho chỉ tiếp tục được nhờ cái trớn đã gầy dựng từ nhiều năm.
Cả tháng sau, toán công binh lại đem những thùng thuốc nổ đến. Họ lặn hụp thăm dò lòng sông rồi đưa thuốc nổ xuống đó. Các nhà gần đó được lịnh tìm chỗ trú ẩn an toàn. Chiếc cầu lại nổ tung lên một lần nữa trước khi mất dạng dưới dòng nước. Sau đó, những chiếc cột gỗ to, dài, đen thui được chở đến để xây lại cây cầu mới. Việc đóng cọc xây chiếc cầu mới diễn ra thật chậm chạp. Xác cầu cũ nằm dưới lòng sông gây khó khăn cho việc xây dựng cầu mới.
Mấy tháng sau nữa, cầu mới hoàn thành. Một chiếc cầu sắt rộng chỉ bằng một nửa chiếc cầu cũ, chỉ cho phép lưu thông có một chiều. Tại đầu cầu, người ta đặt một tấm bia tưởng niệm những người đã chết. Trên đó ghi rõ ngày giờ và năm tháng đã xảy ra thảm họa cùng con số bốn mươi hai nạn nhân vô tội. Sau ngày miền Nam giải phóng, tấm bia này biến đâu mất. Cầu mong những oan hồn kia sớm được siêu thoát.
Chiếc cầu sắt mới nối hai bờ sông vẫn chưa đem lại được sự bình yên cho người dân. Có đêm từ phía đầu doi, bên kia sông, vọng về thị xã vài ba tiếng cắc cùm cum. Một lúc sau đạn pháo nổ đùng đùng ngay trên đường phố. Không biết đạn pháo được nhắm vào mục tiêu nào, ngay giữa xóm bánh tằm, những người dân lao động nghèo cũng phải hứng chịu. Có nhà không còn một ai sống sót để mang vành khăn tang cho những người thân vô tội đã bỏ mạng.
Đây là lần đầu tiên trong đời thằng Bình trực tiếp chứng kiến một thảm họa của cuộc chiến.

Người dân Rạch Giá bắt đầu biết ứng phó với đạn pháo. Họ đào và xây ngay trong nhà một hầm trú ẩn. Những bao cát được dằn trên nóc và tấn xung quanh hầm. Mỗi đêm, khi có tiếng cắc cum vọng lại từ xa, họ kéo cả nhà vào trú ẩn. Ngay khi những quả đạn pháo nổ trong chợ, hai khẩu đại bác từ sân vận động sát bờ biển nhả đạn trả đũa. Những quả đạn pháo từ phía bên trong không phá được một công sở nào ở chợ. Còn những quả đạn pháo từ sân vận động không biết đã bay về đâu ?

No comments:

Post a Comment