Links

Friday, October 20, 2017

Lộng giả thành chân (kỳ 2)

_______________

LANH NGUYỄN



Hôm đó là ngày tôi được tuyên thệ với phái đoàn Hoa Kỳ để đi Mỹ nên tôi ăn mặc chỉnh tề, đầu tóc cắt ngắn trông có vẻ như một nhà "phạm mô" vì vậy mà từ đàng xa Hồng Hạnh đã nhận ra tôi rồi, còn tôi thì không tài nào nhận ra cái bà bầu mặt mày lem luốt, đầu tóc rối bời, áo quần bèo nhèo đang đứng nép theo sau một anh chàng lùn tịt ú nu. Phải đến khi mặt đối mặt với câu hỏi như trách móc:
- Anh Long không nhận ra em à? Hồng Hạnh ở gần nhà anh nè.
Đến lúc đó thì tôi mới nhận ra nàng.
- Xin lỗi Hồng Hạnh nha, tại đông quá mà mọi người đều nhìn giống nhau nên tôi không nhận ra cô.
Thăm hỏi nhau một lúc thì tôi được biết Hồng Hạnh đã lấy chồng là con trai út của một gia đình đang làm chủ 3 chiếc ghe cào. 

Đại gia đình bên chồng của nàng tổ chức vượt biên một lượt trên 3 chiếc tàu cùng lúc ra đi ở 3 ngả khác nhau. Chiếc của nàng đi với gia đình 2 bà chị chồng và khoảng non trăm khách vượt biên, nhưng mà thời điểm đầu thập niên 80 cướp biển thái lan lộng hành không xem trời đất ra gì, đã cướp của còn hảm hiếp phụ nữ, buồn buồn bọn khốn nạn đó còn giết người đâm chìm tàu vượt biên để phi tang. Chiếc của nàng đi bị 3 chiếc tàu cướp thái lan đua nhau lục soát lấy của và hảm hiếp phụ nữ. Hồng Hạnh đang mang bầu nên tránh được cái thảm họa xác thịt nhưng vàng bạc mang theo đã không cánh mà bay. Thấy tình cảnh thảm thương như vậy nên tôi đề nghị:
- Tôi có 2 căn nhà trống nếu 2 ông bà không chê trên núi vắng vẻ thì tôi tặng cho một căn ở tạm bao giờ tìm mua được nhà dưới nầy thì dời xuống.

Đầu năm 1980 trại tị nạn Poulau Bidong đã thưa người giá nhà rẻ rề không như đầu năm 1979. Khu G nơi tôi ở phải leo lên dốc cao cho nên bây giờ vắng tanh như chùa Bà Đanh. Hai căn nhà của Ý Sáu và Mỹ Ngọc không có ai hỏi mua, mà tháo ra làm củi nấu cơm thì tôi không nở cho nên từ khi họ đi định cư cho  đến lúc đó nó vẫn còn bỏ không để cho tôi nhìn cảnh cũ mà nhớ người xưa....
Nghe có nhà tặng không 2 vợ chồng Hồng Hạnh mừng rân nhưng khi biết ở trên núi thì Tồn (chồng của Hạnh) dần dừ một lúc rồi từ chối khéo.
- Cám ơn anh nhưng mà bà xã tôi có bầu sợ leo lên, leo xuống bất tiện. Thôi để tôi tìm xem coi có người quen nào ở gần đây dư nhà rồi xin họ một căn ở tạm. 
Tôi cười cười định cho anh ta biết:
- Cái khu chợ gần cao ủy nầy nhà trống người ta bán đắc như tôm tươi làm gì có dư ra được để mà cho. 
Nhưng tôi không muốn làm cho hai người thất vọng nên lặng thinh và chúc may mắn rồi đi về nhà mình leo lên võng nằm mơ tới những giờ phút tươi đẹp khi qua Mỹ định cư...

Đầu năm dương lịch là thời gian "biển êm sóng lặng" cũng là lúc người dân thi nhau dùng đủ mọi phương tiện để vượt đại dương bất chấp cướp biển đang chực chờ hảm hại. Vì vậy mà ngày nào cũng có người mới nhập đảo. Mấy hôm sau tôi lại rảo bước xuống hàng dừa thân thuộc để chơi, tiện thể tìm người quen. Tôi giật mình khi thấy vợ chồng Hồng Hạnh vẫn còn trải cao su nằm tạm dưới gốc vừa mà ngâm thơ Lục Vân Tiên. Gặp tôi Tồn mừng rở:
- Chèn ơi ! Hai hôm nay đợi anh muốn chết mà không thấy anh đi ngang qua đây.
Tôi ngơ ngác hỏi lại:
- Đợi tui chi dzậy? Lâu lâu tui mới xuống núi thăm chợ chơi chứ có phải mỗi ngày mỗi đi đâu. Mà hai ông bà tìm tui để hỏi chuyện gì?
Tồn gãi đầu ngập ngừng hỏi lại:
- Hai căn nhà trống của anh còn không hay là đã cho người ta rồi??? 
Tôi định nói gạt phá chơi:
- Mấy ngày nay người mới tới nườm nượp như đi hội trăng rằm tui đã cho người ta rồi...
Nhưng thấy vợ chồng Hồng Hạnh đang nín thở chờ nghe câu trả lời nên tôi không nở:
- Tôi đâu có quen ai để mà cho, nó vẫn còn trống không. Hai ông bà muốn tu thì theo tôi lên núi.
Cái dốc ở đầu khu G sau nhiều ngày lên xuống đã lài đi khá nhiều không tới nổi khó leo cho lắm. Vợ chồng Hồng Hạnh chọn căn nhà của Ý Sáu đối diện với cái chòi của tôi mà tạm cư...

Dòng thời gian đưa đẩy như là những đợt sóng cao ngoài bờ biển. Ban đầu nó cuốn phăng tôi từ trại tị nạn Poulau Bidong qua tới San Francisco sau đó nó lại đẩy tôi đi Ohio và cuối cùng nó lại rút tôi trở về San Francisco...
Năm 1979 là năm mà cướp biển thái lan lộng hành nhất. Nó cũng là năm mà người Việt Nam vượt biển bỏ mình trên đại dương nhiều nhất cho nên tháng 6 năm đó cao ủy liên hiệp quốc cũng như quốc hội Hoa Kỳ đã bắt đầu thảo luân để cho ra đời chương trình ra đi có trật tự mà tiếng Mỹ gọi là  "Orderly Departure Program". 
Để thực hiện chương trình nầy họ đã giải quyết nhanh gọn những người tị nạn còn kẹt trên đảo và bắt đầu đóng cửa các trại tị nạn. 
Những năm đầu của thập niên 80 San Francisco nhận một số lượng người tị nạn mới tới rất lớn. Các cơ quan từ thiện cũng như thân nhân người tị nạn bận bù đầu đi tìm chổ ở, xin đi học, xin tiền trợ cấp, đi khám sức khỏe tổng quát dùm cho những người mới tới.
Ba đứa em tào lao khác cha khác mẹ của tôi cũng bày đặt lo chuyện bao đồng giúp người mới tới, nhưng mấy thằng khỉ nầy đâu có làm việc gì đến nơi đến chốn. Chuyện gì chúng cũng chỉ làm nửa vời, ba mớ rồi réo tôi tới giúp chúng thu dọn tàn cuộc. 
Hôm đó là sáng chủ nhật tôi còn đang ngủ nướng sau 6 ngày nhừ tử với công việc trong hảng thì 3 thằng ma tới gỏ cửa nhà gấp rút y như là nhà cháy tới nơi không bằng. Tôi vừa mở cửa vừa cằn nhằn:
- Sáng chủ nhất tụi em không để cho người ta ngủ thêm, qua làm gì mà sớm dzậy?
Kiên cười cầu tài:
- Tụi em qua rủ anh đi ăn sáng chứ còn làm gì khác hơn nữa mà hỏi?
- Vậy thì vô bắt nồi nước nấu mì đi. Anh đánh răng súc miệng xong là ra liền. 
Hùng lên tiếng cướp lời:
- Hôm nay không ăn mì gói được. Thằng Kiên nó mời mình ra quán Mekong ăn hủ tiếu Bà Năm Sa-Đéc mà. 
Nghe Kiên mời đi ăn là tôi biết chắc 100% Kiên đang định nhờ tôi chuyện gì đó mà nó để tôi ăn xong rồi mới nói làm cho tôi kẹt cứng  không thể từ chối được. Thế nên lần nầy tôi lên tiếng liền tay:
- Muốn mượn làm dùm chuyện gì thì nói trước đi, xem thử coi nó dể hay khó chứ để ăn xong rồi mới nói thì kẹt lắm nghen.
Kiên phân bua:
- Hay quá ta. Sao biết trước dzậy? Anh làm thầy bói hay mở văn phòng thám tử tư được rồi đó. Nhưng mà chuyện em nhờ anh nó dể như ăn tô hủ tiếu Mỹ Tho chứ có khó khăn gì đâu mà anh lo.
Anh nhớ gia đình người bác bà con của em hông? Cái gia đình mà 2 tháng trước  tụi mình mướn nhà dùm ở gốc đường Geary với đường Blake đó? Chổ gần bên nhà thương Kaiser.
Nghe nó nói ở ngoài ngoại ô thì tôi nhớ liền:
- Phải hai ông bà đi chung với vợ chồng người con trai và 3 đứa cháu nội đó không? Sao rồi họ muốn đổi nhà phải hông? Cái nhà 3 phòng ngủ đó chưa đến 1 ngàn tiền nhà so với thời giá bây giờ thì đã là quá rẻ rồi. Không tìm được chổ khác rẻ hơn đâu. 
Phước chen vào:
- Không phải ba cái chuyện giá mướn mắc rẻ đâu. Gia đình đó tiền bạc thiếu gì đâu có nghèo như tụi mình mà anh lo dùm người ta. 
Kiên lườm Phước:
- Mầy biết cái gì mà chen vô phá đám. Cùng là tị nạn với nhau thì ai cũng đều tay trắng dựng lại cuộc đời mà thôi. 
Hùng cười giả lả phân đôi:
- Giàu nghèo là chuyện của người ta. Mình là người đến trước giúp được gì cho người đến sau thì giúp hơn thua suy nghĩ chi cho phiền lòng. 
Tôi thấy lạ lạ vì 3 đứa nầy thường ngày rất ăn ý với nhau ít có khi nào trống đáng xuôi mà kèn thổi ngược như hôm nay nên cười cười giảng hòa:
- Nói chơi thôi mà, 3 đứa chờ anh thay đồ một tí rồi mình đi liền...
Xem tiếp kỳ 3


3 comments:

  1. Nhìn Cảnh Nhớ Người

    Cầu suypply chia tay từ dạo ấy
    Tính đến nay cả thảy mấy mươi năm
    Đời Tha Hương vẫn mù mịt tối tăm
    Đêm mất ngủ, trở trăn em có nhớ?

    Đảo Bidong ngày xưa muôn hoa nở
    Bởi tình ta rực rở khác nào hoa
    Buổi tiễn đưa, mắt nai đẫm lệ nhòa
    Lúc chia cách tình bay xa vạn dậm

    Mấy mươi năm trên cỏi đời lận đận
    Cuộc tình buồn thương hận đã hết rồi
    Thế sự nầy như một áng mây trôi.
    Tan dần ở một phương trời vô định.

    ReplyDelete
  2. Cứ than thân trách phận quài khổ ghê ,tui thiệt là rầu cho sư huynh LN hết sức... Cứ vô nhà Phây mà tìm sẽ có ngày gặp lại em trên phây đó...kkk...HTX

    ReplyDelete
  3. Bao nhiêu kỷ niệm cũ góp vào đây
    Người xưa giờ mắt mõi dáng hao gầy
    Bước xuống thuyền ai biết (đời) thậm thượt
    Khen thay huynh nhớ được thật là hay
    Cô 5 RG

    ReplyDelete