Links

Monday, December 11, 2017

Nhớ Cả Khung Trời Mây Trắng Bay

_________________

Trần Ngọc Nguyên Vũ

Chuyển TH bởi Đào Minh Quang

Cám ơn BS Uyên đã cho đọc "Nhớ Cả Khung Trời Mây Trắng Bay",  để cho tôi được hảnh  diện với những thành tích oai hùng , dũng cảm , coi cái chết nhẹ tựa lông hồng của các phi công quân chủng không quân nói riêng và quân lực VNCH nói chung mà tôi may mắn được làm một người lính trong đó.
Nhưng bị chính phủ Hoa Kỳ bỏ rơi và một số người Mỹ đánh giá là không có tinh thần chiến đấu. Buồn thay.

Đào Minh Quang, Cựu quân nhân KQ








(Những đoản khúc mùa Đông. Thân kính gởi về “Thần Phong Nguyễn Ngọc-Khoa”, Trung-Tá Lê Bá-Định, Đại-Tá Nguyễn Văn-Bá, cùng những người mà tên tuổi đã đi vào huyền-thoại trong quân-sử.)




Chiều nay, một buổi chiều Đông buốt giá. Những cơn bão tuyết cuối mùa kéo về phủ kín cả bầu trời phố núi. Ngồi bên lò sưởi nhìn ngọn lửa hồng bập bùng nhẩy múa, như những bước luân vũ dìu tôi về một vùng dĩ vãng xa xăm nào đó… Rồi những hình ảnh nhạt nhòa của ngày xưa, cứ ẩn hiện trong đầu tôi như những bông hoa tuyết đang quay cuồng theo từng cơn gió giật bên ngoài. Hình ảnh hào-hùng của những người bạn đồng-minh, đồng ngũ chợt đến, chợt đi qua đời tôi như bóng mây, nhưng tất cả đều để lại trong tôi những kỷ-niệm sâu đậm không bao giờ phai nhạt. Mà kỷ-niệm thì bao giờ cũng bắt đầu từ một khoảng thời-gian và trong một khoảng không-gian nào đó của con người, và trong cuộc đời của chúng ta, trải qua suốt một thời chinh chiến, đã có biết bao nhiêu là dấu vết được ghi khắc trong lòng, biết chọn một dấu vết nào để dàn trải tâm-tình… Thôi thì cứ chọn cái thủa ban đầu của lần nhập cuộc, để góp thêm một dòng điệp-khúc cho “bản trường ca” trong chiến sử…


Đơn vị đầu đời:

… Cầm tờ sự-vụ-lệnh trong tay, tôi chạy vào căn cứ Tân-Sơn-Nhất. Tới chiếc cổng có rào cản quấn bằng giây kẽm gai chắn ngang, tôi dừng xe lại. Một người lính từ trong chiếc chòi canh cũ kỹ thò đầu ra hỏi: “Thiếu Úy muốn gặp ai.” Tôi nói với anh ta là tôi vào trình diện đơn-vị trưởng. Anh lính gác bước vội ra, đứng thẳng người nện gót giầy đinh kêu đánh cốp một cái, dơ tay chào tôi, rồi chạy lại kéo rào cản cười nói: “Dạ Thiếu Uý cứ đi thẳng, văn phòng ổng ở trong hangar phía tay trái.” Tôi cám ơn người lính trẻ rồi từ từ chạy xe vào. Dọc đường, nhìn về phía tay mặt, tôi thấy rải rác những chiếc AD6, hai bên cánh nặng chĩu bom và hỏa tiễn, nằm phơi mình trong ánh nắng. Tôi dừng xe lại, ngắm nhìn những “con chiến mã” mà tôi sắp sửa được cưỡi nó, mà như ngửi thấy mùi vị của chiến tranh phảng phất đâu đây. Nhìn đồng hồ

tay thấy chỉ 11:15, tôi sợ mình đến trễ, nên vội phóng xe vào hangar. Vừa dựng xe xong, còn đang ngơ ngáo nhìn quanh không biết phòng của Xếp ở đâu, thì một ông Đại-Úy trông trẻ măng, mặc bộ đồ bay đen, trên ngực áo đeo tấm huy-hiệu “Thần Phong”, bên tay áo thêm một cái “badge” nhỏ thêu hình chiếc AD6, dưới có đề chữ “83 SAG”, cùng khẩu “P38” đeo xệ bên hông, trông thật “gồ ghề, oai-phong lẫm-liệt” từ trong bước ra. Tôi đứng nghiêm dơ tay chào. Ông không chào lại mà khoác tay nói:

 - Lần sau khỏi chào nghe, tôi là Thành, mới về hả?
- Dạ
Ông vỗ vai tôi thân mật nói:
- Ở đây mọi người gọi tôi là “Thành Cóc”, “nick name” của cậu là gì?
- Dạ “Cà Chớn”.
Ông phì cười để lộ ra hàm răng khểnh trông thật có duyên:
- Hì hì… trông cậu đẹp trai hiền lành thế này sao lại lấy cái tên dữ dằn ấy.
- Dạ, tại “mấy thằng bạn cà chớn” dưới miệt Biên-Hòa thấy em đẹp trai hơn tụi nó, nên tụi nó ganh, và đặt cho em cái “nick” này để ém tài.
- Hà hà… cậu đấu nghe cũng được lắm. Để mai mốt có dịp, tôi giới thiệu cậu với “Không quân tứ quái”. Mà cậu biết họ là những ai không?

- Dạ em mới về nước, chỉ mới nghe đại danh: “Nhất Luyến, nhì Phiên, tam An, tứ Hợi”, nhưng chưa được hân hạnh diện kiến.

Ông lại cười hì… hì… giục tôi lên xe:
- Thôi được rồi, lên xe đi, mình đi ăn trưa.
 Tôi ngập ngừng nói với ông là tôi chưa trình ký SVL thuyên chuyển. Ông cười nói:
- Đi bay hết cả rồi. Ăn trưa về tôi dẫn cậu vào gặp Xếp, và đi lãnh đồ trang bị cá nhân.
 Tôi leo lên chiếc xe “Jeep” mui trần, theo ông đi ăn trưa, quên luôn vụ gặp đơn vị trưởng. Khi chạy ngang qua cổng, ông ngừng xe ngoắc một anh lính phòng thủ lại hỏi:
- Ăn uống gì chưa?
- Dạ rồi Đại-Úy. Em vừa xuống ca trực.
- Tốt, vậy cậu đi theo coi dùm cái xe cho tụi này ăn trưa.
Anh lính trẻ cười toe toét nhẩy lên ngồi băng sau. Ông chạy xe thẳng ra cổng Phi-Long, hai người lính quân cảnh đứng nghiêm dơ tay chào theo đúng “quân phong quân kỷ”. Tôi liếc nhìn ông bằng tia mắt thán phục, rồi ngả người gác chân lên thành xe, và cảm thấy hãnh-diện mỗi khi có người quay qua nhìn chúng tôi. Buổi trưa hôm ấy, ông bao tôi một chầu ăn trưa tại nhà hàng Maxim, trên đường Tự-Do.
Đó là kỷ-niệm đầu đời một người lính của tôi, sau khi trải qua những ngày tháng rèn luyện ở quân trường, rồi trường bay, để được lột xác từ một anh “bạch diện thư sinh” thành một “người lính chiến.” Tôi quen ông “Thành Cóc” cũng kể từ ngày đó… Những ngày tháng sau này, cuộc đời bay bổng của tôi dính liền với ông, cùng những nhân vật của huyền-thoại như: Lưu Kim-Cương (Khểnh), Nguyễn Ngọc-Khoa (Đen), Nguyễn Văn-Tường (Mực), Nguyễn Huy-Cương (Khào), Huỳnh Văn Vui, Nguyễn Ngọc-Thức, Nguyễn Quý Chấn, Lê Mộng-Hoan, Cung, Việt, Thái Phương-Thủy, Huỳnh Thanh-Minh, Trần Mạnh-Khôi, Tạ Thượng-Tứ, Trần Thanh-Liêm, và một người không phải là dân không-quân nhưng lại rất gắn bó với KQ, đó là ông “Cò Quận 5 Tr/Tá Lê Ngọc Trụ”, theo với định-mệnh thăng trầm trong cuộc chiến, cho đến ngày Biệt-Đoàn giải tán… Sau này mỗi khi cầm khúc bánh mì leo lên chiếc phi cơ chất đầy bom đạn, nghĩ đến bữa ăn trưa thịnh-soạn tại nhà hàng Maxim ngày nào (mặc dù là ông ký sổ), tôi lại thấy bâng khuâng… Tôi ngửa mặt nhìn trời, như muốn gởi theo những đám mây trắng đang lững lờ trôi, một lời cám ơn đến ông “Thành Cóc”. 


Ông “Thành Cóc” ơi! Khi đọc được những dòng tâm-tình này, ông có nhớ gì không??? Còn tôi, tôi nhớ rất rõ những lần theo ông đi biệt phái “Nakhon Phanom” trên Bắc Thái… Những buổi chiều ngồi trong chiếc quán lá bên gềnh đá, cạnh bờ sông Mekong, bên kia bờ là buôn Takhet của vương quốc Lào, với những cuộn khói ảo huyền lan tỏa trong không-gian như đưa hồn tráng-sĩ về nhập thể cùng với Phù-Dung Tiên-Tử… Tôi thấy ông ném tia nhìn khinh bạc xuống dòng sông, nơi có những tấm thân trần nõn nà của các cô “Nòong Sảo” đang nô đùa trong lòng nước bạc, để chia xẻ cùng anh em những nỗi âu lo về chuyến vượt biên ban đêm… Và những đêm trăng mờ huyền hoặc, chúng mình cùng xuyên mây vượt đỉnh Trường-Sơn Tây, qua thung lũng Trường-Sơn Đông, bay sâu vào vùng đất địch… Từ trên cao độ, nhìn những tia đạn lửa vút lên như những “ngôi sao băng ngược” mà thấy lạnh người, để khi về đáp, còn mang theo những hình ảnh hãi hùng vào trong giấc ngủ liêu-trai…

Tôi cũng không thể nào quên được những giây phút lâng lâng, cùng ông, và Khôi (Công Tử) ngồi dưới ánh đèn mầu bên ly rượu, thả hồn vào tiếng nhạc, rồi đưa bước chân bồng bềnh theo tấm thân mềm mại của kiều-nữ giai-nhân, để quên đi những nỗi nhọc-nhằn, nguy-hiểm trong những chuyến bay đùa dỡn với tử-thần… Nửa khuya trước khi ra về, ông gọi chị “Tài-Pán” đem quyển sổ dầy cộm cho chúng mình ký tên, và dành cái vinh dự được trả tiền cho anh Khoa (Đen) và “Ông Cò Quận 5” dạo ấy.


Rồi một buổi trưa nào buồn hiu hắt, với những đám mây nặng chĩu tâm-tình của vùng núi đồi trầm lặng, trên sân bay Cam-Ly. Chúng ta cùng ghé vai khiêng chiếc quan tài của người trai anh dũng đã hy-sinh, Tr/Úy Trương Văn Đồng, vừa được thiên táng giữa vòm trời lửa đạn, để trả lại những kỷ vật của anh về với vòng tay ấp ủ ngàn đời của Mẹ Việt Nam yêu dấu…


… Tôi cũng còn nhớ “những kiện hàng bất đắc dĩ” được bí mật đem vào phi-trường NKP…Nửa đêm hôm ấy, Huỳnh Thanh-Minh cùng “Cung củ đậu”, Việt, dựng anh em dậy để “luận truyện giang-hồ...” Rồi trên đường về, khi bay ngang Savanakhet để vào “in bound” không phận nhà, bốn chiếc khu-trục AD5 sơn mầu rằn-ri, không cờ hiệu, bị một phi-tuần 2 chiếc F102 Delta Wing của người bạn đồng-minh, không biết cất cánh từ đâu, bay lên nghênh cản. Dẫn độ phe ta một đoạn đường… Và những lời xin lỗi của “Trung-Tâm Kiểm-Báo Tiger” cho sự nhầm lẫn “chết người” này.


… Tôi vẫn còn nhớ đến cái chết tức tưởi của Tr/Tá Tuấn, khi chiếc xe jeep của ông đậu trước nhà bị gài lựu đạn nổ tung. Mang theo những bí ẩn không bao giờ được bạch hóa trên trang quân sử…



…Và làm sao tôi quên được lần ông Tường (Mực) dẫn anh em ra “nằm valy”, trải nệm tại phi-trường Đà-Nẵng, vào thời kỳ biến động miền Trung. Tôi bay số hai cho Tr/Úy Việt, trong phi-vụ “tuần phòng võ trang” trên bầu trời Đà-Nẵng. Đang bay thì bị hai chiếc phản lực F8 Crusader của Thủy-Quân Lục-Chiến Hoa-Kỳ bay lên nghênh cản, ép chúng tôi phải bay ra biển…Việt nhất định đòi ăn thua đủ, ông thần này thuộc dân “Pensacola”, trông lầm lỳ và rất “Hot”Nhưng chưa đầy 30 giây sau đó, chúng tôi được Panama chuyển một mật lệnh kêu chúng tôi phải đáp gấp. Sau khi đáp, tôi thay bộ đồ bay định ra phố ăn tô “bún bò xóm mả” cho ấm bụng, nhưng phi-trường ở trong tình trạng “cấm trại” nên không ra cổng được. Còn đang đứng xớ rớ thi gặp Tr/Úy Dục, trưởng phòng An-Ninh KQ Đà Nẵng, tôi dựa hơi, khều Dục chở ra phố. Khi trở về, vừa vào đến căn cứ, tôi thấy cả biệt đội đang quay máy sửa soạn cất cánh. Tôi hoảng hồn phóng lên chiếc phi-cơ còn lại, mặc nguyên bộ đồ dân sự, chân đi dép cao xu, để đầu trần, bay theo ông Tường về Tân-Sơn-Nhất. Khi vào cận-phi bên cánh phải, ông quay qua nhìn tôi, cặp mắt trợn trừng như muốn tóe lửa. Lần đó tưởng thế nào cũng bị lãnh củ, nhưng thấy ông không nói gì tôi mừng húm. Ông Tường ơi! Có phải vì muốn phạt tôi, mà trong lúc bay về SàiGòn ông đã cho phi-tuần bình phi ở cao độ 12,000 bộ, làm tôi lạnh teo…



Và còn nhiều lắm, làm sao kể hết… Cho đến cái phút quay lưng, tôi thấy ông cùng ông Hưng (phệ) quắc mắt, thốt lên một lời thề cho ngày trở lại… Ông “Thành Cóc” và ông Hưng ơi, lời thề đó có còn vang vọng trong lòng hay đã phôi pha…



Tết Mậu-Thân! Vùng trời hỏa tuyến:

… Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, lòng tôi lại dấy lên những kỷ-niệm bi thảm của ngày đầu Xuân năm ấy, ngày đầu Xuân của cái Tết Mậu-Thân với tiếng bom đạn nổ vang trời thay cho tiếng pháo…

… 6 giờ sáng ngày Mồng Một Tết, tôi cùng Nguyễn-Du thi-hành phi-vụ tuần-thám võ-trang "Đà-Nẵng Quảng-Ngãi Đà-Nẵng". Chúng tôi cất cánh sớm hơn giờ dự trù, hy-vọng về đáp sớm để còn bay một phi-vụ không-hành về Sài-Gòn ăn Tết với gia-đình. Khi vừa lên cao độ bình-phi thì chúng tôi phát hiện một đoàn người từ hướng núi tiến ra bờ sông Hàn, và như đang định bơi qua sông để vào Đà-Nẵng. Mới đầu chúng tôi tưởng là dân chúng đi trẩy hội Tết, nên bay xuống thật thấp để làm một cú "bay thấp" chúc Tết mừng Xuân. Nhưng vừa xuống khoảng 100 thước thì ở dưới bắn lên tới tấp. Chúng tôi hoảng hồn phóng vút lên lấy cao độ, rồi báo cáo về Panama là có một đoàn quân Cộng-Sản đang vượt sông Hàn để vào Đà-Nẵng. Panama không dám quyết định, yêu cầu chúng tôi làm vòng chờ trên cao độ đợi xin lệnh quân-đoàn I. Đoàn người ở dưới biết là đã bị lộ nên ào hết xuống sông để qua bờ bên kia. Nguyễn Du tính nóng như lửa, hối thúc tôi phải hành động ngay, vì nếu để đám quân này qua được bờ sông thì chúng sẽ lẩn vào nhà dân chúng, và tình thế sẽ trở nên rất nguy-hiểm.


Hai chiếc khu-trục A1 cùng song hành lao xuống thật thấp, oanh-kích trực xạ vào đoàn quân Cộng-Sản... Từng chùm hỏa tiễn từ hai chiếc khu-trục cơ phóng vụt ra, cầy tan mặt đất... Xác người vỡ nát, thịt xương bắn tung lên. Những viên đại-bác 20ly công phá, xuyên thủng những tấm bia thịt đang ngụp lặn giữa dòng sông... Xác địch nổi lềnh bềnh như xác quân Mãn-Thanh, mặt nước đỏ ngầu như nước sông Hồng mùa Xuân năm Kỷ-Dậu... Chỉ trong khoảng thời-gian chưa đầy 15 phút, hai chiếc khu-trục A1 đã trút hết hoả-tiễn và đại-bác 20ly, tiêu diệt gần một nửa số người trong đoàn quân xung-kích của địch. Đám người còn lại quay đầu chạy ngược vào phía núi... Lúc đó thì Panama mới liên-lạc cho biết lệnh Quân-Đoàn là phải ngăn chặn đoàn quân này bằng mọi giá. Chúng tôi cho Panama biết là phi-vụ đã hoàn tất. Trên vùng cũng vừa có Thiên-Phong 11 của PĐ 110 tiếp-tục công việc theo dõi, và một phi-tuần Phi-Hổ của Đoàn-Toại và Trịnh Đức-Tự cũng vừa lên kịp để thay thế cho chúng tôi về đáp...


Khi về đến phi-đoàn chúng tôi thấy toàn bộ chỉ-huy của KĐ41 chiến-thuật cùng Phi-Đoàn-Trưởng, Phi-Đoàn Phó, Truởng Phòng Hành-Quân và các nhân-viên phi-hành của PĐ516 đều có mặt đầy đủ... Chỉ thiếu có mấy viên cố-vấn Hoa-Kỳ. Đặc biệt có quý phu-nhân của Trung-Tá Tư-Lệnh KĐ, Thiếu-Tá Liên-Đoàn-Trưởng LĐ41/Tác-Chiến cùng Đại-Uý Phi-Đoàn-Trưởng PĐ516 tíu tít sắp bánh chưng, giò chả và kẹo mứt trên bàn để mời những người lính chiến KQ ăn Tết tại chỗ. Tiếng chuông điện thoại reo tới tấp, và trên bảng phi-lệnh chi chít những phi-vụ chờ cất cánh. Lệnh cấm trại 100% được ban hành, lúc bấy giờ chúng tôi mới biết là Việt-Cộng tổng công-kích toàn lãnh thổ miền Nam Việt Nam…


Rồi đến ngày Mồng Ba Tết… Tôi còn nhớ rất rõ hình ảnh chiếc L19/PĐ110 của Th/Úy Dương Như Chót và Tr/Úy Nguyễn Tuấn-Dị từ trên cao lạng xuống như một chiếc lá rơi, đáp trên phi-đạo, lao về phía tôi, rồi một cánh tay thò ra chụp lấy tôi kéo thốc lên. Chiếc phi-cơ quay đầu 180 độ, hai bánh xe cà trên mặt nhựa đến tóe khói và muốn bốc lửa… Chiếc L19 phóng tới bốc mình lên, mang theo người phi-công khu-trục bị bắn gẫy cánh, vừa làm crashed ngay đầu sân bay của phi-trường Quảng-Ngãi, trước những con mắt lạc thần của đám quân cuồng khấu…



Những ngày đầu Xuân của cái Tết Mậu-Thân năm ấy, trong một hoàn cảnh rất tình cờ, mà Nguyễn Du và tôi đã cứu được thành phố Đà-Nẵng thoát khỏi thảm họa do đám người cuồng tín gây ra như ở Huế và các thành phố khác... Sau này khi đang ở PleiKu, tôi nghe tin Nguyễn Du cùng Trịnh Đức Tự đã hy-sinh, tôi chỉ biết cúi đầu thắp một nén nhang lòng, để tưởng nhớ đến những tri-kỷ không được cùng nhau đi trọn một đoạn đường.


Biên-Hòa! Vùng trời xứ Bưởi:
… Kể từ ngày rời Biệt-Đoàn 83, tôi bắt đầu dấn thân vào con “đường gió bụi”, với những lần thuyên chuyển như cánh chim di tới mùa, xoải cánh ngược xuôi khắp 4 vùng chiến-thuật.
 Còn nhớ sau Tết Mậu-Thân một thời gian, vào khoảng đầu năm 69, tôi gánh hai cái “chiến thương bội tinh”, khăn gói qủa mướp, giã từ miền hỏa-tuyến, lên đường xuôi Nam về vùng trời xứ Bưởi, trình diện Th/Tá Hoàng Thanh-Nhã. Ông Xếp mới của tôi gốc Đà-Lạt, khổ người mảnh mai, ăn nói nhỏ nhẹ, dáng điệu từ tốn như một tiểu thư khuê-các. Nếu ông không mặc bộ đồ bay cùng khẩu súng ngắn đeo xệ bên hông, thì người ta khó có thể ngờ ông là chỉ huy trưởng một đơn vị tác chiến lừng danh của KQVNCH… Phi-đoàn “Phượng-Hoàng 514”, vốn là thối thân của “Đệ Nhất Phi-Đoàn Khu-Trục” của không-lực, với những nhân vật mà mới chỉ nghe nhắc đến tên thôi, cũng đủ làm khiếp vía “giang hồ hai đạo Hắc Bạch”, như Phạm Long Sửu, Võ Xuân Lành, Nguyễn Quang Tri, Nguyễn Văn Long, Phạm Phú-Quốc, Nguyễn văn Cử, Lê Văn-Thảo…
Đổi về đây một thời gian, tôi thấy thương cái vùng đất hiền hòa mà phải chịu một định-mệnh khắt khe của cuộc chiến này. Biên Hòa! Vùng đất vừa chua vừa ngọt như những trái bưởi thanh bưởi ổi. Nơi có con sông bên lở bên bồi, cùng những chuyến đò ngang của các cô gái mặc áo bà ba, với đôi mắt buồn vời vợi như đám mây trời lờ lững, gánh nặng trên vai những “cuộc tình không trọn” của một thời ly loạn…


Giang-sơn nào anh hùng nấy… Ở Biên-Hòa cũng có đầy dẫy những “Kỳ-Nhân Quái-Kiệt” của KQ như Lê Văn-Thảo (Nâu), Hiệp-sĩ Say Nguyễn Văn Phong, Lê Như-Hoàn, Lê Quốc-Hùng, Phạm Đăng-Cường, Dan Hoài-Bửu, Nguyễn Tiến-Thành, Nguyễn Quan Vĩnh (Kều), Cao Minh Châu, Lê Thanh Hồng-Vân, Nguyễn Quốc-Hưng (Phệ), Đàm Thượng-Vũ, Nguyễn Đạm-Thuyên, Nguyễn Đình-Lộc, Kiếm Khách Lê-Hải, Phạm Bửu Quang (Quái-Khách PB.Quang được giới giang-hồ xưng tụng là Ông Vua Lỳ), Trương-Phùng, Ấn Đen, Sơn (Đị), Trần Thế-Vinh, Nguyễn Ngọc- Lành, Đào Văn-Lập, Ẩn Cọp, Tám Soi (một Quái-Kiệt từ Bộ Binh biệt phái qua KQ)… Còn nhiều nữa, và một Quái-Kiệt của PĐ518 là Đ/Úy Phạm Ngọc-Hà, người KQ mang “Đệ Ngũ đẳng huyền-đai Nhu-Đạo”, đã để lại cho tôi nhiều kỷ-niệm khó quên. Phạm Đại-Hiệp ngoài những chiến tích lẫy lừng được ghi trong quân-sử, còn có những hành tung cực kỳ bí-mật ngoài đời, biến hóa khôn lường, chẳng khác gì những câu truyện thần thoại trong “1001 đêm của Ả-Rập”. Tên của anh và tôi giống y chang, chỉ khác cái họ, nên anh thường gọi tôi bằng cái tên nghe thật thân thương: “Hà ta!” Ý chừng anh muốn dụ tôi nhập băng với anh chăng??? Mỗi lần nghe anh gọi như vậy thì tôi lại “né” anh.

… Nhưng dường như giữa tôi và anh đã có những sợi dây ràng buộc vô hình nào đó trong một phần của cuộc sống. Tất cả đều là những truyện thật tình cờ, coi như cái “duyên giang-hồ” trong tình đồng đội. Tôi còn nhớ một lần vì mải “binh”, xém chút nữa là trễ giờ TOT, nhìn đồng hồ chỉ còn 20 phút, tôi hoảng hồn vơ vội tấm bản đồ rồi kéo Tr/Úy Điền phóng ra ngoài bãi đậu. Vừa mở máy xong, tôi tống mạnh tay ga, chiếc phi cơ nhổm đít, quạt tung bình nước lạnh đổ vỡ tung toé, và thổi bay mấy người anh em cơ trưởng đứng gần đó. Cứ thế tôi phóng ra phi-đạo xin cất cánh. Lên trời gặp ông “FAC vui tính” vừa tìm ra một “Hot Target”. Sau khi đánh dấu mục-tiêu ông phán: “- Phượng-Hoàng 41, bạn cứ phang ngay vào ổ con chuồn chuồn đó cho tôi, coi chừng phòng không.” Tôi và Điền nhập cuộc, vào vòng bắn, nhào lộn, quay cuồng trong khói lửa một hồi, vừa “đi” rốc két vừa “táp-pi” bom nổ… FAC khen tới tấp. Kết quả ghi nhận có nhiều tiếng nổ phụ. Khi về đáp, vừa leo ra khỏi phi-cơ, tôi thấy anh em phi-đạo chạy tới vây lấy hai chiềc khu-trục. Tôi giật mình tưởng anh em ra “đòi nợ máu”. Nhưng khi nhìn thấy mọi người ngước mắt đếm những lỗ đạn quanh thân tầu, có người lấy tay xoa những vết đạn như đang ve vuốt “vết thương” của người tình, tôi thấy lòng mình chùng xuống. Tôi khoác vai một anh lính trẻ đứng cạnh nói:
- Hồi nãy bậy quá, cho tôi gởi lời xin lỗi anh em nghe. 
Anh lính cười nói:
- Đ/Uý và Tr/Uý đi hành quân bị lãnh đạn, mà còn về đáp an toàn là tụi này mừng rồi. Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó. Có điều bữa nay anh em không được uống nước lạnh. Hì…hì…
- Thôi để chiều nay tôi mời anh em ra quán thịt rừng Tân-Vạn để tạ lỗi. Mình uống “Ông già chống gậy” thay cho nước lạnh, chịu không.
Anh lính cười toe, rồi kể cho tôi nghe chuyện Đ/Uý Phạm Ngọc Hà “đổ vỏ ốc” cho tôi:
- Hồi nãy Đ/U đi khỏang 20 phút sau thì ông Hà bên 518 về đáp, chưa kịp về phi-đoàn đã bị Tr/Tá Hoài lôi lên văn phòng “xát xà bông” tối tăm mặt mũi. Tội nghiệp lúc ổng đi ra, trông xiêu vẹo như “gà mắc dây thung”.
Tôi cười bóp chặt vai anh nói:
- Chiều nay tôi sẽ mời ổng đi luôn để uống “ly rượu tạ lỗi”.
Về tới phi-đoàn, sau khi ghi “chiến tích” trên sổ trực của PĐ và cùng Tr/Uý Điền giải trình phi-vụ xong, tôi vào gặp “Xếp” trình bày tự sự, rồi xin ông “yểm trợ” chút đỉnh cho bữa nhậu sắp tới. Ông nghe xong ngồi ngả người ra ghế, nhìn tôi cười, trông “hiền như Bụt”:




- Anh em phi-đạo làm việc rất cực nhọc, cậu không nên làm như vậy. Thôi được rồi, bữa nhậu chiều nay để tôi lo, tôi sẽ kéo ông Hoài đi luôn thể.

Nghe ông nói mời “Ông Hoài” đi luôn thể, tôi giật mình… Nhưng cũng đành cám ơn ông, miệng nở một nụ cười như mếu…
… Tôi nằm nhà thương Cộng-Hòa được mấy ngày thì một ”biến cố” quan trọng xẩy đến với tôi. Nhà thương CH ngày ấy, đất hẹp người đông, nên sĩ-quan cấp uý cứ 4 ông “share” một phòng. Phòng tôi nằm thuộc hạng sang, khách hàng toàn thứ dữ. Tôi nằm giường dưới. Bên trên, một Đại-Hiệp Biệt-Động-Quân mang “Hồng Đai VoViNam” để lại cặp giò ngoài chiến địa. Giường đối diện, tầng trên một ông Trung Uý Dù trẻ măng, đầu quấn băng trắng xóa chằng chịt, đã hiên ngang hiến hai con mắt cho đại-cuộc, được giang-hồ phong tặng tước hiệu “Hiệp Sĩ Mù”. Tầng dưới là giang-sơn của ông Chuẩn Úy họ Tạ, vừa hạ san chưa đầy một tháng, dẫn trung-đội đi hành quân đạp phải mìn bẫy, không thiệt hại gì nhiều, chỉ mất có “hai hòn” nơi hạ bộ. Cô y-tá xinh đẹp mỗi khi đến thay băng, thường gọi ông là “Tạ Công Công” (*). Hôm tôi nhập phòng, mọi người trong phòng đón tôi bằng những cử chỉ ân tình làm ấm lòng người chiến sĩ. “Hiệp sĩ mù” nói với tôi:
- Hồi còn hai con mắt, tôi đọc Dương Hùng Cường, và thích nhất nhân vật “Pi Lốt Thái Bình”. Anh là dân KQ vậy tôi tặng anh cái mỹ hiệu này xin đừng từ chối.
Tôi cười nói với anh là tôi thì OK, chỉ sợ ông Dương H. Cường ông ấy kiện. “Hiệp-Sĩ Mù” cất giọng cười sảng khoái. Thế là trên giang-hồ tôi có thêm một cái tên mới. Một buổi trưa, tôi đang nằm mơ mơ màng màng nghĩ đến ngày xuất viện thì nghe tiếng “Tạ Công Công” khẽ gọi:
- Ê “Pi-Lốt Thái Bình”, có người đẹp tới thăm kìa.
Tôi còn ngái ngủ vẫn quay lưng ra ngoài. Tôi nghe giọng nói nhỏ nhẹ của người con gái:
- Dạ, xin lỗi đây có phải là phòng Đ/U Hà không ạ.
Tiếng “Tạ Công Công” thanh thoát cất lên:
- Ông nằm bên kia kìa.
 Tôi nhỏm người dậy nhìn ra ngoài. Một người con gái trẻ đẹp, tay xách gỉo trái cây, đứng bên khung cửa. Bốn mắt nhìn nhau sao thấy ngỡ ngàng. Thì ra cô lầm tôi với người bạn trai của cô là Đại-Úy Phạm Ngọc Hà. Nhìn bộ điệu lính quýnh của người con gái, tôi thấy mình phải làm một cái gì để gỡ cái thế rối này cho nàng. Tôi dơ tay chỉ chiếc ghế cạnh chiếc bàn bên đầu giường, rồi cười nói:
- Vâng, tôi là Hà PĐ514, bạn của Đ/U Hà bên 518. Mời cô ngồi chơi. Xin lỗi cô là…
Mặt người con gái hơi hồng lên, nàng ngập ngừng nói:
- Dạ em là Liên. Nghe các anh Lê Thanh Hồng-Vân và Phạm Văn-Thặng nói là anh Hà nằm Cộng-Hòa, em cứ tưởng là Hà bạn em, nên…
Hiệp-sĩ mù từ giường bên ngồi dậy nói chõ xuống:
- Thì Hà nào cũng là Hà cả. Tôi từng thấy nhiều cuộc gặp gỡ tình cờ, nhưng chưa nghe trường hợp nào kỳ thú như lần này. Cám ơn cô Liên đã đến thăm anh Hà và chúng tôi. Nằm ở đây hàng ngày nhìn ra ngoài hành lang, tuy không thấy gì, nhưng chỉ nghe giọng nói, tiếng cười vui tươi vọng tới, cũng đủ thấy ấm lòng. 


Có lẽ hình ảnh bi hùng của những người lính trước mắt, và câu nói như mũi dao nhọn xoáy vào tim của Hiệp-Sĩ Mù, đã làm mềm lòng người em gái hậu phương, nên Liên ngồi xuống sắp trái cây lên bàn mời chúng tôi. Rồi mỗi người góp một câu khiến bầu không khí trong phòng vui nhộn hẳn lên. Liên lấy lại sự vui tươi ban đầu, cười nói líu lo thăm hỏi từng người. Nhìn Liên tôi như thấy cả ngàn cánh hoa đào tung bay trong gió…

Rồi tôi xuất viện, Xếp cho nghỉ hai tuần dưỡng bệnh. Trong hai tuần lễ này, ngày nào Liên cũng về Sài-Gòn thăm tôi. Chúng tôi hưởng trọn vẹn những “ngày vui qua mau”.
Nhưng rồi hai tuần nghỉ phép cũng như cơn gió thoảng… Hết phép trở về Biên-Hòa, tôi lại tiếp tục cuộc đời của một “chinh nhân”, và tôi không còn gặp lại Liên nữa. Người con gái đã đến và đi qua đời tôi như một giấc liêu trai, nhưng đã để lại cho tôi những hương-vị tuyệt-vời của một cuộc tình thoáng qua trong thời chiến… Có những điều bí-ẩn trong cuộc sống mà chúng ta không hiểu nổi; người con gái mà tôi chọn làm người bạn đời của mình cho đến bây giờ cũng tên Liên.
Ngày tôi rời Biên-Hòa để đi “trấn thủ lưu đồn”, thì cái “duyên đồng-đội” của tôi và anh cũng chắp cánh bay xa. Anh Phạm Ngọc Hà ơi! Kể từ ngày đó, tôi không có dịp gặp lại anh, nhưng tôi vẫn theo dõi những chiến tích lẫy lừng của anh ngoài chiến trận. Bây giờ xin anh cho tôi được gọi anh bằng cái tên “Hà ta!” thân thương ngày nào nhé. Gọi nó để nhớ đến người bạn một thời tung hoành trong bão lửa.
... (Xin xem tiếp phần II)

2 comments:

  1. Hình phi cơ là Mig- 21, phi công Bắc Việt, không phải KQVNCH.
    Có một vài NT hy sinh trong muà hè 1972 Th/t Nguyễn Du (Quảng Trị) Th/t Thặng (Kontum), Trần Thế Vinh, thật buồn nhất là Th/t Nguyễn Du bị bắt và bị hành hình bằng chọi đá.
    Tác giả sau này về Bộ Tư lệnh.

    ReplyDelete
  2. Cám ơn Maytrangbonmua rất nhiều
    Đã post hình lại

    ReplyDelete