đi loanh quanh ...
với TRẦN BANG THẠCH
CAO VỊ KHANH
Bắt đầu bằng một
chuyện-trên-trời, cái chuyện vấn-đáp giữa cậu bé Hạng Thác và ông
vạn thế sư biểu họ Khổng. Cái thứ chuyện để dạy đời thì hổng là
trên-trời thì là gì ?
... Khi Hạng Thác hỏi vậy chớ lông
mày có mấy sợi thì Khổng Tử bí. Dù đó là một câu hỏi lảng nhách
về một thứ lảng òm và thiệt tình là lảng xẹt vì chẳng ăn nhằm gì
tới đạo lớn là thứ chuyên trị của người đối diện. Lại là thứ hiển
nhiên tới nỗi chẳng làm ai bận tâm dù là mọc ngay boong trên mặt
người.
Ờ có những chuyện ngay trước mắt sát
bên tai mà chừng hỏi lại thì ai cũng chưng hửng. Không nghe không thấy
không hay không biết. Đúng ra là tại vô tình, tại hổng-để-ý, tại xem
thường hay tại ... hay tại ... bị ... bởi ... vì ... ( ở đời có hàng
triệu thứ tại-bởi-vì khi người ta ... bí ! )
Có hôm nào ngồi buồn kiểu
vọc-nước-giỡn-trăng mà rảo mắt quanh mình, nhẩn nha ngó bộ bàn ăn
với mấy cái ghế bọc da ( mấy cái ghế ? ), cái bàn thờ vốn là cái
tủ kiến kiểu tây có chưng mấy chai rượu ( mấy chai ? ), mấy bức tranh
của Monet treo trên tường vẽ nội cái góc vườn ở Giverny nhìn dưới nhiều thời khắc khác
nhau ( mấy bức tranh ? ) ... Nhìn ra xa một chút, mà nói đâu cho xa xôi,
quanh đây thôi, ngay trong ngôi nhà mình đang sống, sớm hôm ra vô từng
bữa ... thử hỏi coi nhà mình có bao nhiêu cửa sổ, cửa cái trổ ra
hướng nào, đông tây nam bắc ? Còn cái cửa sổ phòng ngủ nữa quay về
đâu mà con trăng sáng đầu hôm cứ xui ta thao thức, bâng khuâng nhớ lại
một chốn nào ... Giả sử vậy, câu hỏi về những đồ vật quen thuộc
nhất, gần gủi nhất đó có phải đôi khi lại làm mình ngơ ngẩn. Ngơ
ngẩn không phải vì xa lạ. Ngơ ngẩn vì quá gần gủi. Ngơ ngẩn vì quá
quen thuộc. Quen vì thấy hoài thấy hủy. Thuộc vì vốn của mình chớ
có phải của ai đâu !
Ờ , ở đời vậy đó. Có những cái vốn
của mình như tứ đại ngũ uẩn - mà Phật đã lỡ một lần nêu lên nghi
vấn về quyển sở hữu, còn nhiều cái khi không mình quơ quào nhận đại
là của mình, thí dụ như là cái nhà của tôi, chiếc xe của tôi, hàng
xóm của tôi, thậm chí đến con vợ của tôi ... mà lắm khi nghe hỏi tới
mới giựt mình ... coi lại ! À xe mình mang bản số gì há ? Nhớ không
? ... Con vợ tui cao mấy thước ? -ủa nói lộn nói lại vợ tui cao thước
mấy ?. Biết không, dù vẫn nói là ... đầu gối tay ấp ? Còn mấy cái
vòng số một số hai số ba nữa, sức mấy mà có người thứ hai biết
được ngoại trừ ông Đông Hồ mua-áo-cho-người-yêu mà khỏi phải xách
thước đo trước ? ) ... Còn bà lão người Trung Hoa hay bắt ghế ngồi
trước hàng ba, im ỉm và xa vắng như một cung nữ về chiều bị đày vào
lãnh cung, sáng qua gật đầu chào, chiều về gật đầu chào, bà ta gục
gặc chào lại khi mình qua sáng, gục gặc chào khi mình về qua chiều
... Lâu ngày rồi thành một hình ảnh quen thuộc, quen thuộc đến
độ làm quên bẵng có một người
ngồi hôm sớm, buồn hiu ở một góc hiên ... Sau một mùa đông dài và
khắc nghiệt, mùa xuân tới rồi mà chưa thấy lại cái ghế và người
ngồi đó. Sáng đi qua, chiều về lại, có một cái gì thiêu thiếu, đâu
đây ... Rồi mùa xuân qua, mùa hè tới vẫn chưa thấy lại, hàng ba vẫn
bỏ trống ... một hôm nghe trẻ nít hàng xóm dọa nhau về một bóng ma
tàu ... giựt mình hỏi lại. À thì ra, người đàn bà tàu đã chết
giữa mùa đông năm ngoái, ngay khi cơn bão tuyết thứ nhất vừa đổ
xuống. À là như vậy, chỗ đó đã có một người đàn bà nhỏ thó hay
ngồi lặng lẽ ngó trời ngó đất, lặng lẽ tới đỗi làm mình tưởng
đến một thứ quí phi thất sủng ngồi nhớ tiếng vua đòi ... Người đàn
bà đó mấy tuổi, tên gì, con cháu ra sao ? Suốt một đời ( bao nhiêu năm
? ) theo cha mẹ bỏ Trùng Khánh ? Hàng Châu ?... gồng gánh nhau qua Việt
Nam rồi năm 75 ? hay 76 ? hay 80 ... theo con cái cỏng bồng nhau lội biển
qua tuốt bên này, cái cuộc đời nạn phụ dằng dặc đó lao khồ có thua
gì cuộc vạn lý trường chinh của Mao-xếnh-xáng đâu mà không nghe ai
nói tới ... Không hay ! Không biết ! Vậy mà người đàn bà đó trong mấy
năm nay đã là láng giềng trong cái khu phố không nhiều lắm cái màu da
vàng sẫm này. Tại thói đời cứ hay nhìn lên, hay nhìn xa hơn cái tầm con
mắt mình, ngóng cao hơn cái cần cổ mình ... cho ra vẻ nhìn xa trông
rộng theo kiểu con-mắt-nhìn-ra-tám-cõi !
Kể ra quanh quẩn đây còn có bao nhiêu
thứ dẫu “nhìn” mà không “thấy”, có thấy cũng không thông. Mà có thông
cũng không đủ lòng nghĩ đến.
Vậy mà rồi có người nhìn và thấy,
thấy rồi lại mang lòng nghĩ đến, mà lại nghĩ miên man tới nơi tới
chốn ... về những cái vụn vặt, lẻ tẻ, không đâu ra đâu. Những cái
thứ ở ngay sát bên mình, lẩn lút, loay hoay, lặng lẽ xoay trở quanh
quanh, mờ mờ nhạt nhạt, tưởng như không mà có, có thật. Những mẫu
chuyện đời không có quá một chi tiết hiếu kỳ đủ để khêu gợi sự tò
mò của người bên cạnh. Thứ chuyện đời mà người nghe đã có sẵn câu
phản ứng ... ối-hơi-đâu-mà-nghe !
Mà thật ra nếu chịu lắng lòng mà
nghe thì dường như có nhiều điều để nghe lắm. Niệm-thiên-địa-chi-du-du
...
Ông Trần Bang Thạch là một trong những
người hay lắng nghe những tiếng đời không lấy gì làm huyên náo đó.
Làm như một kẻ nhàn du trong một cuộc đời rất là chộn rộn, ông ta đi
tới đi lui, lẩn tha lẩn thẩn, đôi khi lúc tha lúc thúc một mình ( chớ
ai mà rảnh rổi đi cùng ), ông ta qua lại nhẹ nhàng, nói năng chậm
rãi, từ tốn như sợ làm kinh động cái nhịp sống vốn dĩ rất trầm kha
... như một người khách bàng quang chẳng mắc mớ gì hết với cái dòng
đời rộn rịp xuôi ngược quanh quanh. Mà thật ra cái vẻ nhàn lãm đó
không giấu được chút nào cái nhìn rất tinh tế, cái soi mói rất mắc
mỏ ngay tới những cái không ra gì -mà có cái gì ra cái gì chớ của
cái cõi ba-vạn-sáu-ngàn-ngày-là-mấy này.
Độc-sảng-nhiên-nhi-thế-hạ.
Nội cái chuyện mua nhà ( căn nhà thì
nhỏ như cái hộp quẹt mà cái chuyện mua nhà thì xưa chỉ ít hơn trái
đất xưa có chút đỉnh thôi mà ông cũng thấy và nghe ra trong đó bao
nhiêu là chuyện đáng nói làm người nghe theo cũng thấy bụng dạ dàu
dàu ). Căn nhà ở đường Bush. Mà đường Bush nào nhỉ ? Phải đường Bush
ở Houston ? Mà sao nghe ra cũng hao hao cái chuyện mua nhà đâu đó ở New
Jersey, ở Dallas, ở Toronto, ở Montréal ... mà lại cũng y chang cái
chuyện mua nhà ở bên tây bên úc ... trong những chương đầu của cuốn
truyện dài ngàn chương tỵ nạn. Cũng là ... nhà nhỏ, cũ, hai phòng ngủ ... nhà thuộc loại frame house nên
giá rẻ ... Cái chuyện mua nhà của đám người bừng-con-mắt-dậy
thấy mình thân sơ thất sở với mớ điều kiện ắt-có-mà-chưa-đủ : nhỏ,
cũ, rẻ tiền. Thật ra có một điều kiện khác không có giá trị gì
hết trên thị trường mà dường như ở đây lại là điều làm cho cái
ắt-có thành đủ. Hai ông bà T gì đó ( gọi là ông bà A, ông bà B, ông
bà C hay ông bà Danh ... cũng được vậy ) đã quyết định chọn mua căn
nhà trên đường Bush đó chỉ vì ... hai
hàng me keo. Hai hàng me keo ! Đúng là lãng nhách. Cái loại cây
mọc đầy, hoang dại, thừa thải trên đất cát miền Nam, chẳng ít lợi
gì ngoài cái việc chụm củi, chỉ được mớ bóng lá giao đầu phả chút
hơi mát dịu dàng xuống những buổi trưa miền Nam nóng hổi, cho đám con
nít đánh trỏng, bắn cu-li, hay mấy chị vú em ẳm con chủ ra ngồi nói
chuyện tào lao hoặc có giá hơn chút là trân mình chịu trận mấy cái
màn tình tự trai gái thiếu chỗ tự tình... Vậy đó cái thứ me keo
chẳng làm nên tích sự gì.
Nhưng bỗng dưng, khi đi xa rồi, thì mấy
hàng me kéo đó lại đâm
ra đầy sự tích. Sự tích về một Châu
đốc, Rạch giá, Cần thơ, Vĩnh long, Sa đéc, Nha Trang, Phan Thiết ... cả
Sài gòn hay cả miền-nam-miền trung-cao-nguyên-đồng-tháp ... với những
con đường lớn nhỏ dài ngắn, cong queo hay thẳng tắp rợp toàn một
bóng me keo. Sự tích về những ngôi trường làng, trường tỉnh với vuông
sân chơi mát rượi, những góc đường góc phố với hàng xe bán nước
đá-bào-đậu-đỏ-bánh-lọt-em-tan-trường-về-anh-theo-Ngọ-về ... đã hơn
một lần đụt nắng che mưa dưới cái tàn lá lưa thưa xanh mướt. Sự tích
về chính một quê hương lưu đày trong lòng người đi, thứ quê hương bỏ
thì thương mà vương thì tội. Ờ hai hàng me keo nối liền bến đò chợ Cái Dầu với thị trấn Hòa Hảo đã là
máu là thịt là xương là da của anh chị.
Vậy đó hai hàng me keo ở đây ( hay
hàng còng ở đó, hay hàng bả đậu trong này, hay hai hàng sầu đâu
ngoài nớ cũng vậy, mà hai hàng khuynh diệp góc phố, hai hàng sua đủa
dưới quê, hay hai hàng phượng đỏ
đã-nhỏ-xuống-lòng-tôi-những-giọt-châu ... ) cũng chỉ là những đắp
đổi qua ngày đoạn tháng cho những mắc mớ trong lòng, giữa khi mình ngó
đâu cũng thấy lạ hoắc lạ huơ. Nhớ lại mà bồi hồi, cái thời buổi
gì kỳ cục. Thời đó, người ta cứ hay quơ quào chụp bắt bất cứ cái
gì đang-có-trước-mắt mà lại mang mang hơi hướm cái-đã-khuất-mắt như
để ... thu ngắn lại mấy tấc lòng cố quận. Thời đó ai nấy cũng thấy
như mình đang phụ rẫy một cái gì, một cái gì đang lầm than quá đỗi
... Bởi vậy rồi cái hàng me keo đó, cái cọng rau húng lủi đó, giàn
bầu giàn bí đó, cái cầu gổ bắt xéo cong cong đó ... trong những
ngày lạc lõng bơ vơ đó, đã có giá trị như những chiếc phao thấp
thoáng trên dòng đời lơ ngơ, người ta vói chụp níu nó lại với mình
như cố níu lại chút xíu quê-nhà một sớm một chiều dưng không mà xa
mù xa mịt. Nói cách khác, tìm cho mình một hình ảnh rồi vỗ về
mình là quen thuộc chỉ cốt để trấn áp sức phản kháng vô thức của
cái mầm chùm gởi trước khi đành chịu tháp mình vào một thân cây
khác giống lạ nòi.
Chút xíu đó thôi, cái hàng me keo đó,
bỗng làm người ta thấy gần lại, cái quê hương khốn khổ. Và ... người
ta yên chí làm lại ... cuộc đời ! Cái hàng me keo đó ( hay cọng rau
muống mắc dàn trời, hay đòn bánh tét gói bằng miếng plastic nhuộm
xanh, hay nhánh forsythia nở hoa vàng giữa mùa tuyết trắng ... ) đã gở
giùm nhiều người lắm, những sợi chỉ nhện mắc mớ, những ngày ai nấy
mới bỏ quê ... Cử đầu vọng minh nguyệt. Đê đầu tư cố hương.
Cái ông Trần Bang Thạch này, lẩm rẩm
vậy mà thâm lắm. Lý do gì mua nhà thì không biết chứ tại cái
hàng-me-keo mà mua nhà thì biết ý nhau quá mạng. Cái lý do không văn
tự nào chứng giám ( kể cả giấy tờ bằng khoán nhà đất ) mà nó lại
có giá trị của một sự thề nguyền rằng ... dẫu có xa nhà mà không
xa quê. Dĩ nhiên lời thề có sắt son hay không thì hồi sau phân giải.
Nhưng mà hồi đó vậy đó. Ai cũng có một nỗi lòng !
Kể chuyện mua nhà thật ra là để kể
chuyện đời-ta-ở-xứ-người. Mà đường vào đời ta ở xứ người thì cũng
giống như đường-vào-tình-yêu của Trúc Phương vậy, chỉ có trăm-lần-vui
mà có tới vạn-lần-buồn. Ông tẳn mẳn tỉ mỉ vòng vo từ hàng me keo
quê người tới cái vườn nhỏ xíu trồng đủ thứ rau quê mình, chính là
để nói tới cái giấc mộng thiệt lớn trong cái nhà thiệt nhỏ của
một người Việt Nam ở xứ người mà cứ tưởng ở xứ mình. Ông bà T mua
nhà vì muốn dựng nên một cảnh sống quê-nhà ở quê-người. Có điều,
cây cỏ ép uổng còn tàm tạm chớ con người thì đã có cái khuôn phép
của xả hội quanh nó. Người Việt ở nước ngoài là tháp cái đời mình
vào đời người chớ làm sao mà ngược lại. Cho nên ông T mua nhà với bao
nhiêu là mộng lớn với mộng con mà chừng con lớn rồi thì con cũng
mông lung như mộng. Đó là một sự thật rất ... thật. Ông T tính mở
lớn nhà thêm khi con cái lớn lên, che thêm mái dựng thêm phòng khi có
dâu có rể y chang cái tính toán của một người-việt-trăm-phần-cốt-y.
Nhưng mà đâu có vuông tròn như vậy, đường vào đời ta ! Cách nói loanh
quanh của Trần Bang Thạch là dẫn mình đi qua những căn phòng bề bộn
đồ đạc ăm ắp tiếng cười rồi dẫn mình quày trở lại cũng chính căn
phòng đó khi đồ đạc đã dọn hết đi, mọi âm thanh đã tắt hết vì
người ở đó chỉ là khách trọ, đến rồi đi, bỏ lại đó cái trống trơn
làm bằng cho chứng phù du của sự thế. Ông ta đi loanh quanh mà rồi
tới ngay boong cốt lõi. Làm gì thì làm, mua nhà mua block, mua đất
cất nhà hay xây kim tỉnh hay mua gì gì đi nữa thì nhà đất hay gì gì
đó cũng là của người chớ không phải của mình. Nhà với đất thì
tiếng mình làm chủ mà mấy ông chủ ngân hàng thì cứ đứng xớ rớ kề
bên. Con cái lớn lên ở xứ này thì theo điệu của xứ này mà bung ra
tứ xứ. Chùm gởi có quấn cây trăm vòng thì cây cứ là cây và chùm
gởi thì cứ lặc lìa lặc lọi mớ rễ lá lạc loài. Ông Trần Bang Thạch
viết chuyện mua nhà mà như viết cả hành trình của một người Việt
Nam ở xứ người, mà như viết cả hành trình của một CON NGƯỜI qua
suốt một cuộc lữ. Đọc Căn nhà trên đường Bush là theo ông loanh quanh
những nẻo đời bất tận, vòng tới vòng lui, xoay qua trở lại, giống
như trò chơi rồng rắn, đi đâu rồi cũng trở lại chỗ bắt đầu,
chỗ-khởi-đi cũng là chỗ- trở-về của một đời người đó thôi. Đã bắt
đầu từ một số không, thì chấm hết bằng cái chấm than cũng là phải
phải. Họa may như bà T, ngày tính sổ cuối đời chỉ còn một nhúm tro than của người ba sinh hương lửa để mang
theo đã phải kể là vạn hạnh. Chấm than.
Vậy đó, ông Trần Bang Thạch có nói
chuyện gì cao xa đâu, toàn là ba cái chuyện-đầu-trên-xóm-dưới,
từ-thành-đến-tỉnh, đăng lên báo thì cũng chỉ ở trang ba trang tư.
Chuyện của ông ta gần xịt, quanh quất đâu đây. Nhưng trong cái quanh
quất chòm xóm có cái hun hút của thiên địa du du. Ông ta nói chuyện
hàng ngày, nhản tiền. Mà trong cái nhản tiền đó có cái biến thiên
của trời đất thường hằng. Chuyện của tôi, của anh, của chị, của
người hàng xóm, của ông giáo già về hưu lỡ một kỳ hẹn chót với môn
sinh, của anh tài xế xe hàng tan tành hạnh phúc từ sẩy tay của định
mệnh, của chị lao công da đen hy sinh cho chồng con tới hết đời, của
anh chàng A-Phú-Hản ( hay Việt hay Miên hay Lèo ... ? ) lưu vong và buồn
rầu cứ hay ra bờ sông ngó mấy ống khói tàu vật vờ mà thả hồn theo
nước lớn nước ròng về cố xứ, của người đàn ông già hết thời đi
lượm lon nhỏ làm việc lớn, của ông kép hát cả đời góp vui cho thiên
hạ đến giờ chót có chút vui riêng mà cũng chẳng kịp vui ... nghĩa
là của những con người bình thường với mơ ước vui buồn hạnh phúc
khổ đau cũng bình thường như chính cái cuộc sống rất đỗi bình
thường không-có-gì-để-nói của họ. Cái để nói ở đây chính là tấm
lòng mẩn cảm của ông đã nhìn ra, nghe được từ những sự việc rất
bình thường đó cái lớn lao trong nhỏ nhoi, cái phổ quát từ những
riêng tư, cái không thường giữa những việc quá thường. Nhân vật của
ông – mà có gọi là nhân vật được không, những ông bà T, anh Benito
Vasquez, chị Rosa, bà Carol ... hay ai ai nữa ... mà nếu không gọi là
nhân vật thì gọi là gì trong cái vở tuồng ba hồi sáu cảnh mười tám
cái linh đinh đó ? Họ không sắm tuồng, múa may cười khóc theo một
kịch bản nào hết, nếu không nói là chỉ theo có cái sắp xếp của ông
đạo diễn ở tuốt trên ... trời. Cái quay búng sẵn ... Nhân vật của ông
sống cái đời của họ, vậy thôi. Mà qua đó cũng không thông điệp chẳng
tuyên ngôn gì ráo trọi. Họ chỉ làm cái chuyện như anh, như tôi, như
chị đã đang và sẽ làm, chẳng anh
hùng cũng không tiên tiến, không vĩ đại mà cũng không ti tiện, họ làm
cái chuyện họ phải làm, không cao cả mà cũng không thấp hèn. Họ làm
cái chuyện cần làm. Vậy thôi. Chấm và hết. Dẫu vậy, nói vậy mà
rồi không phải vậy. Bởi vì, để làm một việc xem ra tầm thường, lắm
khi không dễ chút nào ... đôi khi để làm một việc ngó bộ nhỏ nhoi
lại phải cần một tấm lòng vô cùng quảng đại ...
Cho nên đọc truyện của Trần Bang Thạch
nghe kể toàn chuyện lụn vụn lặt vặt, thứ chuyện mới nghe qua thấy
đơn giản làm sao. Vậy mà chừng nghĩ lại không đơn giản chút nào. Mà
làm sao đơn giản cho được. Cuộc đời vốn trăm mặt. Mà ông Trần Bang
Thạch này còn muốn lôi ra cái mặt thứ một trăm lẻ một nữa là khác.
Theo Trần Bang Thạch đi loanh quanh vào
một thế giới rất thực là khép lại con mắt mộng mị để nhìn ngó
cuộc đời như chính nó là nó. Thứ cuộc đời rất quen thuộc với tất
cả những kỳ quặc đã quay ta mòng mòng. Thứ cuộc đời rất vô nghĩa
với tất cả những nghĩa lý đã làm ta chóng mặt. Cũng như thứ cuộc
đời với tất cả những nhỏ nhoi rất
phi thường của nó vậy. Ông ta phanh phui rất ân cần. Ông ta soi mói tới
hết dạ. Ông ta lật tới lật lui những mảnh đời, ngắm nghía so đo cân
nhắc để tìm cái chỗ-thương-cho-được ( mà thật ra có cuộc đời nào
mà không đáng thương giữa cái cõi đời rất đáng ghét này ). Cho nên
ông ta nghe thấy được những điều mà mọi người không nghe thấy. Cả đến
một điều chưa kịp nói giữa hai
cha con sau khi đã tử biệt. Cả đến nụ cười mãn nguyện của mẹ từ trên mây, nhiều năm sau, khi
bầy con mồ côi vừa thành đạt. Ông cảm được hết, kể cả những hạnh
phúc rất trái cựa, những đau khổ rất lặng lẽ, những oái ăm ẩn nấp
đằng sau cái vẻ nhởn nhơ của những nếp đời rất mực phẳng phiu. Có
điều khác với cái lối bi quan cố hữu của đa số, Trần Bang Thạch luôn
tìm được từ trong nghịch cảnh một sự thỏa hiệp nào đó với bi kịch.
Ông thấy ra trong sự nhẫn nại chịu đựng khó khăn là bài học rốt ráo
của mọi sự lầm than, trong tận cùng của mọi oan khiên đều có những
thăng hoa rất là luân-lý-giáo-khoa-thư. Ông luôn tìm cách nhìn đời qua
hai mặt của một đồng tiền.
Đó có phải là một cái nhìn ngây thơ
vô tội va. Một cái nhìn ... rất ư là ba phải. Không, cái nhìn đó
thật ra xuất phát từ một tâm địa rất lành. Lành như văn chương của
ông vậy.
Lành như câu viết rất giản dị, gần
gũi với văn nói, đặc biệt là lối nói miền Nam. Nhưng là một miền
Nam kẻ-chợ. Lâu lâu lại chêm vào đôi ba chữ đặc sệt miệt-vườn làm
điếng người như cái miệng cô ba cười nháng nháng cái răng “dàng”.
Mạch văn suông sẻ, lưu loát, chắc-tại-vì-bỏ-nước-đi-lâu-rồi, đọc lên
nghe khoái tai, nghe như dễ-ợt-ai-viết- cũng-được mà thật ra cái kỳ
khu thì đã nằm sẵn trong sự chọn lựa và sắp xếp chữ nghĩa theo một
luật lệ âm thanh nào đó của riêng ông.
Văn của ông vì vậy nghe nhẹ hều, chữ
nghĩa êm ru bà rù, lại lẩn tha lẩn thẩn giông giống điệu mấy ngón
tay rờ rẩm đâu đâu ... vậy rồi giữa lúc đang u u mê mê, ông nhéo một
cái, móng tay sắc lẻm, làm ai nấy nhói đau mà không kịp kêu “ ái “
... vì cái đau đã thấm sâu, sâu lắm, thấu tuột vào tới ruột gan ... thức ăn dư thừa ( của bà mẹ già
nấu sẵn “ dụ “ mấy đứa con về ăn mà nó ...không về ) bà còn có thể đổ đi, còn nỗi buồn của người mẹ già nua ...
bà biết đổ đi đâu ! Trời ơi nỗi buồn biết “đổ” đi đâu ! Chữ “ đổ
”của ông quả là hết ý. Có thua gì chữ “ đổ ” trong
múc-ánh-trăng-vàng-đổ-đi. Có điều múc buồn “đổ ” đi còn có cái vẻ
giận-lẫy-dễ-thương-hết-sức của mấy bà mẹ già móm xọm thương con
đứt ruột, muốn đem đổ-hết-cho-rồi-mà-sợ-rủi-nó-về-nó-đói-bụng.
Chữ hết nghĩa ông ơi. Còn nữa nè ... sáng
sáng vừa đi bách bộ vừa nghe chim hót trên ngọn me keo, vừa thấy lòng
mình đang mọc cánh bay về một thỏi cù lao bên bờ sông Hậu. Sao tui
khoái cái chữ “ thỏi ” của ông lắm vậy. Làm cho nỗi thiết tha với
khoảng cù lao nhỏ xíu của ông bỗng lớn vọt lên, tỉ lệ nghịch với
tầm vóc được thu nhỏ lại thành thỏi bỏ-lọt-túi-áo, kiểu như thỏi
kẹo thỏi đường hay “ thỏi ” tình của mấy anh si hồi xưa
thương-em-không-biết-để-đâu-để-trong-túi-áo-lâu-lâu-lại-dòm vậy đó.
Lại nữa, có lần theo ông về thăm mẹ ở miệt lục tỉnh, đang mơ mơ màng
màng trước cảnh cũ người xưa, bỗng ông giáng cho mấy chữ bên bờ kinh xáng thổi, tui muốn té
ngữa ông ơi ! Ờ mấy cái bờ kinh xáng thổi giữa một miền Nam sông
nước ngổn ngang làm cho cái xa xôi nó bỗng xích lại gần tận mặt,
gần tận mặt mà vẫn đoạn đành thiên lý nên giữa lòng ta bỗng quậy
chút ba đào.
Cái lối viết theo kiểu người dưng
nước lả, đứng nép bên đường, để mặc cho sự tình nối đuôi nhau liền
lạc như tính liên tục của dòng đời, đôi khi chuyện tới sau làm phản
đề cho chuyện tới trước khiến cho bố cục gây đột biến một cách tự
nhiên làm người đọc bị lôi cuốn một cách dễ chịu, buồn vui rồi hờn
giận theo lúc nào không biết mà buồn vui hờn giận gì cũng nhẹ nhàng
thanh thản ... đến nỗi có đôi khi lại thấy có chính mình ở trỏng ...
là một lối-viết-rất-trần-bang-thạch. Lối viết của một người tốt
bụng.
Ông Trần Bang Thạch ơi, ông làm văn
chương tuyệt cú lắm. Văn chương là loay hoay loanh quanh vậy đó ông. Đâu
cần phải gồng mình thở phì phò như kéo cây kéo gổ. Hay trân mình
trân mẩy mà la lối ba cái chuyện triết lý bí hiểm siêu hình siêu việt
trời ơi đất hởi mới là văn chương. Làm văn chương thì thủng thẳng mà
làm, thấy đâu nói đó, thấy gì nói nấy, thấy-sao-nói-vậy-người-ơi.
Nội cái cõi trước mặt sau lưng mà nói, nói hoài cũng không hết.
Khỏi làm bộ làm tịch, phồng mang trợn mắt làm chi cho thêm bí hiểm
cái sự đời. Ai thấy chuyện ngàn sao thì bay bổng nói chuyện trên
trời. Ai thấy chuyện xe cán chó hay chó đụng xe thì rà rà kể chuyện
dưới đất. Còn ai nghe được tiếng đời rủ rỉ như ông thì cứ rù rì mà
kể lể. Gió lớn có cái khoái-tai-phong-dã thì gió hiu hiu có cái êm
ái thầm thì.
Thầm thì thì thấm.
* Đọc lại tập truyện QUẨN QUANH
CHUYỆN ĐỜI của Trần Bang Thạch xuất bản năm 2006
ông CVK nầy có ngòi bút như cái phất trần của mụ phù thủy. Muôn hình vạn trạng, viết mà như nói, nói tầm tầm thường thường mà như xoáy từng câu chữ vào suy nghĩ của người đọc. Đọc không muốn ngừng mà vẫn phải dọc hết để đã thêm. Đọc nguyên tập sách thấy đã hơn: đọc hết 1 bài vẫn biết còn gặp 1 cái thích tiếp.
ReplyDeleteĐúng là cây viết khó gặp bây giờ với ý văn lời văn không giống ai
Rất cám ơn anh TBT cựu giáo sư Anh Văn của trường TH Thủ Khoa Nghĩa Châu đốc cũng là người điều hành trang web ptgdtdusa.com đã đem bài viết của nhà văn Cao Vị Khanh đến cho trang nhà Tha Hương
ReplyDeleteThành thật Cám ơn các anh
Thân chúc sức khỏe và mọi an vui