Links

Friday, March 9, 2018

Duyên nghiệp


Chuyễn từ anh Quang Đào




Thức chờ chủ nhà, trong lúc chuyện trò với bà chủ, anh cố hình dung người chồng. Là một nhà giáo, lại dạy Đại học, có lẽ là một người có vóc dáng bệ vệ, gương mặt mập mạp sung túc và tự mãn bởi những gì đạt được trong đời… Khi người đàn ông hiện ra nơi cánh cửa, mọi hình dung cuả anh tan biến, trước mặt anh là một người đàn ông vừa người, có vẻ hơi gầy, cao và gương mặt thì hiền hâu với nụ cười cởi mở.
- Chào anh, đợi có lâu lắm không?
- Không Thầy ạ. Tôi cũng vừa đến thôi.
Bỏ cái cặp da cũ lên chiếc ghế, chủ nhà quay qua người vợ:
- Em làm nước uống nhé, anh không bận gì chứ?
- Vâng,
- Có lẽ chúng ta nên anh em cho tiện, tôi sáu mươi, vừa xong thủ tục hưu, còn anh?
Thức vui vì sự cởi mở thân tình của chủ nhà:
- Vậy là tôi thua anh ba tuổi.

Anh đã xem nhà, giá cả cũng đã thỏa thuận. Nhưng cả hai lần đều không gặp ông Trung, chủ nhà thực sự. Việc chủ nhà yêu cầu gặp và nói chuyện với anh trước khi bán làm anh cứ băn khoăn không biết có gì đó khuất tất về quyền sở hữu hay là một mắc mướu gì đó về thủ tục…
Ngồi vào bàn, Thức xoay nhẹ ly nước, im lặng nhìn ông Trung như chờ đợi. Ngồi nhích vào cho bà vợ cùng ngồi, ông Trung nói:
- Hôm xem nhà, anh có thấy căn phòng nhỏ nằm phía cuối hàng cau không?
Thức có nhớ mang máng, căn phòng nhỏ nằm cuối khoảng đất chừng bốn mét bên hông nhà, nhờ khoảng đất này mà căn nhà thêm giá trị, anh cho căn phòng có lẽ là nhà kho hay bỏ trống nên không yêu cầu xem bên trong, giờ ông Trung nhắc đến làm anh hơi bở ngỡ.
- Có anh, nhưng thế nào ạ?
- Diện tích nó là 4mx3m, mấy năm nay tôi cho hai cha con một người bạn ở, bây giờ bán nhà, không biết họ sẽ thế nào?!
Thức hơi ngập ngừng:
- Ông ấy không cùng ông lên Di Linh sao?
- Bạn tôi thì có thể nhưng cháu nhỏ đang đi học nên khó. Vì thế tôi không biết anh có sẵn lòng giúp cho đến hết năm học này không, từ đây đến đó còn khá lâu?!
Thức hơi ngập ngừng:
- Nhà tôi cũng chỉ ba người, hai vợ chồng và đứa con gái vừa mới đi làm, cháu đầu lập gia đình, vợ chồng cùng đi dạy ở Nha Trang… Nhưng tôi cũng bàn lại với nhà tôi rồi sẽ báo lại với anh. Anh ấy làm gì hả anh?
- Anh ta bị mù, ăn xin quanh Sài gòn với cô con gái.
Thức ồ lên một tiếng nhỏ, thoáng chút ngỡ ngàng. Một người mù, ăn xin, lại là “bạn” của một thầy dạy Đại học!
oOo
Ông Trung làm thủ tục chuyển nhựơng và giao nhà thật nhanh chóng, có lẽ do ông khỏi phải mua nhà ở Di Linh, cùng với sự nôn nóng của bà vợ, họ muốn lên trên ấy càng sớm càng tốt.… Song thân của bà ấy đang phải sống những ngày già cả với nỗi buồn quạnh vắng từ ngày cậu con trai đột ngột từ trần ở tuổi ba mươi chín. Không vợ con. Hai tháng nay phải nhờ người cô cũng đã luống tuổi chăm nom.
Vợ Thức không khó khăn gì với yêu cầu cho “người ăn xin” và cô con gái lưu lại một thời gian trong nhà. Nhưng hơi tò mò về “người bạn” của ông Trung và tình cảm của họ với nhau thế nào!
Chiếc xe mướn chất đồ đạc lên xong thì cũng đã chín giờ tối, phần nhiều những đồ đạc gia dụng để lại cho chủ mới, chi mang đi những gì cần thiết, thế mà cũng gần một chiếc xe tải trung. Phải dành một góc xe cho chú chó giống Phú Quốc, không biết sáng mai khi lên xe chú có chịu nằm yên không, hai ngày nay chú đã không chịu ăn, cứ nằm nơi cửa phòng ngủ của ông bà mà rên ư ử! Bà Trung tuy nôn nóng nhưng không muốn chạy đêm. Tài xế cho xe nép sát vào cổng nhà rồi đóng cửa cabin nằm ngủ, bà cũng lên phòng mình, khi đi ngang qua hai người, bà nhìn ông Trung với đôi mắt đỏ hoe !
Còn lại hai người. Phòng khách giờ trống trải hẳn đi vì thiếu những cuốn sách trên giá, những bức tranh trên tường…  Chiếc bàn và bộ sa lon vẫn còn nguyên nhưng mất đi mấy tấm hình của các đứa con ông Trung chụp hồi nhỏ và tấm hình lớn ông Trung chụp cùng các thầy cô hồi dạy ở Đại Học Đà Lạt.
Thức cười vu vơ khi nghỉ: Một vài bức ảnh, vài cuốn sách, đôi khi lại là cái gì đó làm nên không gian và sự sống một căn nhà. Anh lại liên tưởng đến đôi mắt đỏ hoe của bà chủ nhà, lúc này chắc đang nhìn căn phòng thân quen với bao hoài niệm…
Ông Trung đứng lên, đến bên chiếc bàn nhỏ kê sát tường, cầm chai rượu đưa ngang tầm mắt, nhìn Thức cười:
- Chúng ta làm vài ly chứ? Hai mươi mốt năm ở nhà tập thể, hai chúng tôi dành dụm lắm mới tạo dựng được cáinhà này gọi là cơ ngơi… Giờ xa nó cũng buồn !
Thức ái ngại đứng lên:
- Nên lắm, nhưng anh để tôi đi kiếm chút gì đưa cay.
- Nhà tôi có mấy con mực… Nhờ bà ấy bật lò nướng chút là xong.
- Thôi, khỏi phiền cô. Với Sài gòn thì giờ này còn sớm mà anh.
Thức đứng dậy, dắt xe ra ngõ. Khi tiếng máy xe nhỏ dần, ông Trung lên phòng ngủ, vợ ông ngồi dậy, ông đến bên bà ôm lấy đôi vai, nhìn lên trần nhà nói thật nhỏ:
- Anh nhớ hồi mua được đám đất này, anh mừng đến độ gặp ai cũng khoe, viễn cảnh thoát được nhà tập thể như rất gần, vậy mà mười hai năm ki cóp nó mới thành hiện thực! Hôm dọn nhà mới là sinh nhật lần thứ bốn mươi hai của em. Ôi, đúng là một sinh nhật tưng bừng…  Tưởng sẽ sống những ngày an nhàn sau hưu trì, ai dè…
- Em có buồn nhưng không tiếc đâu anh, lên cùng bố mẹ cũng vui mà. Dù sao, nơi ấy cũng đã cho em những tháng ngày thơ ấu và thanh xuân thật tuyệt diệu… Anh không nhớ những khóm dã quỳ và hai cây trạng nguyên ở cổng nhà sao?
- Có, anh xin lỗi em, Nụ hôn đầu tiên của chúng ta cũng nơi ấy, khóm trạng nguyên tuyệt vời!
Anh lại ôm chi, lâu lắm rồi, cả hai tìm môi nhau, họ hôn nhau vụng về, nồng nàn…  như thủa ban đầu, ở tuổi sáu mươi…  và như thế cho đến khi nghe tiếng xe máy vào ngõ.
oOo
Thức vào nhà, như đã là chủ nhà chính thức, anh trải ra bàn nào thịt gà, sò và thịt dê nướng…
Ông Trung vụng về mở chai rượu, loại Rhemy Martin bình thường, rót đầy hai chiếc cốc trà:
- Nào, chúc mừng cho cả hai nhé.
Thức cụng thật kêu, có lẽ về khoản nhậu thì anh hơn hẳn chủ nhà, anh nhận thấy thế khi thấy ông Trung loay hoay với cái nút chai. Rối cạn ly rượu trong khi ông Trung chỉ nhấp một ngụm quá nửa cốc!
- Cái khoản này thì anh cứ tùy nhé, coi bộ anh không “chuyên nghiệp” rồi.
- Ừ, mình ngồi nhấp với anh em thì khá bền nhưng uống thì chỉ vài ly! Nếu hôm nay uống không hết, vài hôm bạn tôi về, chú Thức nhâm nhi cùng anh ấy nhé. Anh ấy tên Khả.
- Tiện anh Trung nhắc đến người bạn, tôi hỏi một chút, vì sao mà anh quen và đưa anh ấy về ở cùng?
Ông Trung nâng ly rượu, nhấp môi, ông đã ngồi cùng Khả nhiều lần, thường thì từ tối đến nửa đêm…  Những mẩu chuyện đời Khả đan xen những bản nhạc mà Khả cất lên tùy hứng… Giọng Khả ấm, trầm, khi lên cao thì tha thiết nồng nàn, pha chút ray rứt, bâng khuâng… Ông Trung ngồi nghe mà tâm hồn xao xuyến với những tang thương trong đời Khả…
-  Khả cùng tuổi với tôi. Nhưng cuộc đời anh ta thì gian nan lắm! Trước đây, đang đi học thì bị đôn quân, anh cưới vợ sau khi đăng lính, trong một lần về phép, cô bạn học ngày nào đùa cợt vô tư cùng nhau, nay bỗng duyên dáng hẳn ra trong mắt anh, đôi nhũ hoa ngày ấy ép sát sau chiếc áo dài trắng muốt, nay nhô lên gợi cảm sau làn áo xoa màu huyết, đôi cánh tay tròn lẫn với hai bàn tay mum múp đan vào nhau…  nhất là đôi mắt nhìn anh vừa lạ lẫm vừa trìu mến! Anh biết những ngày tháng trong quân ngũ đã giúp anh trưởng thành. Những ngày chủ nhật ở quân trường, lang thang cùng các bạn ở Nha Trang, sau những tảng đá, những vùng cát trắng mịn ở Đồng Đế… đã biến anh thành đàn ông…
Anh đã cùng cô bạn học cho nhau hết những nồng nàn rạo rực và hoan lạc… và rồi đám cưới vội vã đơn sơ diễn ra, như bao đám cưới trong thời chiến.
Năm 75, vào những ngày giao tranh cuối cùng, cả nhà anh chết khi cùng nhau chen chúc trong hầm vì một trái pháo, vợ anh sống sót bởi ở cùng bên ngoại, lúc này cô ấy đang mang thai. Anh trở về, trơ trọi với nỗi lòng xót xa tuyệt vọng, bàng hoàng, không muốn tin đó là sự thật! Khi nỗi đau tạm lắng xuống, anh tự an ủi mình là từ nay thoát được cảnh lính tráng xa nhà, luôn cận kề cái chết.
Anh về ở với vợ bên nhà ngoại, chưa bao ngày thì được gọi đi trình diện học tập. Chỉ cấp bậc Trung sĩ mà anh cải tạo gần hai năm tận Tuy Hòa. Thời gian này chị vợ sinh một cháu trai, nỗi mừng chưa nguôi thì đứa con chết khi tròn tuổi vì bị sốt xuất huyết. Nghe tin, anh khóc lóc vật vã, ý tưởng quyên sinh chập chờn trong đầu anh nhưng rồi anh nghĩ đến người vợ, cũng đang đau khổ, cô đơn nơi quê nhà…
Dường như định mệnh muốn anh phải sống để cợt đùa thêm cho trọn trò nghiệt ngã ! Một buổi sáng anh được nghỉ đi lao động, đang nằm trên chiếc sạp nứa, được gọi lên Ban Quản Giáo, họ cho biết đã mãn hạn học tập, trả về địa phương. Anh mừng rỡ, hét lên như một gã điên.
Khả trở về. Hạnh phúc bên người vợ chưa bao lâu thì chị ấy nhuốm bệnh, da mặt ngày càng tái xanh, mệt mỏi… những lần khám bệnh ở trạm xá với những viên thuốc nam không giúp gì cho chị…  Cuối cùng, chị bỏ anh ra đi sau hai ngày đau đớn vật vã, những hạch bằng những viên bi mọc quanh cổ chị, những lời cuối cùng chỉ là những tiếng ú ớ không rõ ràng, chỉ cái bóp tay anh là có ý nghĩa! Chị mất vì chứng ung thư đường huyết!
Anh như tê liệt hết cảm xúc, ngồi bên mộ vợ như một tấm bia bất động mấy ngày…
Đám tang xong, anh đau liệt gần một tháng. Khi trở dậy thì đôi mắt mờ dần rồi mù hẳn!
Anh xem, bấy nhiêu khốn khổ đổ lên một con người, tai ương này chưa nguôi thì họa khác ập đến, dồn dập… nếu là tôi, chắc tôi không sống nổi!
Không biết làm gì mưu sinh trong những ngày tháng sắp tới với đôi mắt mù lòa, cũng không còn gì níu kéo nơi quê hương đắng xót… Khả đi xin ăn nơi này qua nơi khác với cây đàn Guitar, nó là kỷ vật còn lại của thời trai tráng vô tư… rồi trôi dạt tận Sài gòn.
Khổ đau đến với anh ấy quá nhiều, nhiều đến dộ anh trở nên trầm tư, u uất… Nhiều lúc tôi thở dài, tỏ ra xót xa cho những gì mà anh từng phải gánh chịu, anh chỉ nói một câu, trong tiếng thở dài:
- Mọi sự theo duyên mà đến, mọi sự theo duyên mà đi…
Bốn năm trước, một người phụ nữ, ngồi nghe anh hát suốt ngày với đứa bé gái. Tối đến, khi anh quờ quạng chiếc gậy đi về hàng hiên một ngôi nhà lớn mà lâu nay Khả nương nhờ, chị theo anh rồi dịu dàng trải cho anh tấm chiếu. Những lời đổi trao ít ỏi cho anh biết chị cũng thất cơ trở thành vô gia cư…
Chị trải một chiếc chiếu khác bên cạnh anh, nằm với cháu bé. Không có gì đáng để mất mát mà đề phòng… anh ngủ đến sáng. Tiếng khóc nức nở của cháu bé làm anh thức dậy, người phụ nữ không còn, chỉ có cháu bé và một túi xách! Mắt không thấy nên anh không biết làm gì hơn là vỗ về cháu, luôn miệng nói; “mẹ sắp về con ạ, mẹ đi mua dồ ăn sáng cho con thôi mà… ”
Bà bán xôi đem xôi đến cho anh như mọi sáng, nghe chuyện, bà gói cho cháu một gói, nói với anh với giọng nghi ngại:
- Kiểu này là đem con bỏ chợ rồi, coi trong túi xách là biết liền,
Một vài người tò mò ghé lại. Chiếc túi khá đẹp. Hai bộ áo quần nguyên vẹn với một chiếc đầm màu trắng tinh, vài cái áo cũ… Bên một ngăn kéo, bà bán xôi lôi ra một cái ví nhỏ, hai tấm hình. một chụp toàn thân cháu, vào lúc chừng bốn tuổi với chiếc đầm, một tấm chụp người đàn bà với người đàn ông, cả hai còn rất trẻ, tay bồng cháu bé đứng trước một căn nhà lá, sau lưng là một con kênh um tùm chuối và cây mỳ. Hai trăm năm chục ngàn kèm theo, ngoài ra không có gì nữa!
- Chắc là anh ấy phải nhận cháu bé?
- Anh nhận. anh nhận và xem đó là một diễm phúc trời ban…  Hai cha con trở thành hành khách quen thuộc trên các tuyến xe buýt: Bến thành, Gò Vấp, Bình Triệu, Tân Bình… Đôi mắt mờ đục của anh và đôi mắt tròn ngơ ngác của cháu làm xúc động nhiều tấm lòng…
Hai năm sau, nghỉ đến tương lai cháu bé, muốn cho cháu được đi học, anh đến phường này xin làm khai sinh cho cháu. Hôm đó, vợ chồng tôi cũng có mặt để lo thủ tục nhận hưu tại địa phương cho nhà tôi. Nhân viên hộ tịch chỉ chấp nhận làm khai sinh khi có hộ khẩu hoặc ít ra là tạm trú, mà tạm trú thì phải có địa chỉ… Đôi mắt của bé gái và vẻ mặt thất vọng của Khả làm nhà tôi không thể làm ngơ. Cô ấy quyết định bảo lãnh hai cha con.
Chuyện đã mấy năm nay rồi, giờ anh ấy đang về ngoài miền Trung làm giỗ cho gia đình và vợ con…
Chiếc đồng hồ cổ lỗ trên tường thong thả buông tiếng. đêm đã khuya… Trong căn phòng im ắng, ngập tràn niềm thương cảm hoang mang, trong lòng hai người đàn ông dấy lên niềm xao xuyến băn khoăn cho thân phận con người, giữa cõi đời mong manh…
oOo
Cậu Quý, con trai út, là niềm vui của gia đình, là hạnh phúc của Bố mẹ vợ ông Trung. Trong gia đình bốn gái một trai. Ba người con khác đều yên ấm ở nước ngoài. Từ nhỏ, cậu hiền lành chăm chỉ, thích thẩn thơ trong vườn chè. đi câu cá… Nhưng từ ngày vào Sài gòn học Đại học, ban đầu còn ở nhà chị, sau dọn vào Ký Túc Xá, rồi nghe đâu mướn phòng riêng để ở cùng ai đó… Những năm về sau thì biệt tăm không ai biết cậu ở đâu!
Cả gia đình, nhất là hai ông bà già, sống trong lo âu và tuyệt vọng. Ông Trung tìm khắp các khu nhà trọ vẫn không có chút tin tức gì…
Mãi nhiều năm sau, một hôm, cậu đột ngột trở về làm ông bà mừng đến ngạt thở! Cũng ít nói, nhưng ngày xưa thì vui vẻ hồn nhiên, nay trong cái im lìm như chất chứa đều gì đắng cay, ray rứt.
Bà mẹ có gợi ý với cậu lập gia đình, sau khi cậu về nhà độ một năm, nhưng cậu lắc đầu. Thấy mẹ buồn rầu, cậu nói nho nhỏ:
-  Con không làm chồng được mẹ ạ!
Từ đó đến nay, bà không hề nhắc lại lần nào nhưng trong lòng, bà mong muốn một đứa cháu nội biết là bao!
Hai ngày bận rộn với việc thu xếp đồ đạc, hôm nay, bà Trung đi thăm mấy người bạn cũ. Ông Trung vào phòng của cậu em xem qua, tiện thể sắp xếp lại để có chỗ đưa số sách của ông vào. Kệ sách của cậu kê kín một khoảng tường, phần nhiều là sách giáo khoa của những năm học trung học, xếp ngay ngắn ở những ngăn dưới. nơi ngăn gần bản, ông Trung ngạc nhiên nhìn những cuốn sách viết về Phật Giáo, phần nhiều còn mới, chứng tỏ mua từ sau khi cậu trở về.
Cuốn kinh Bát Nhã với khổ nhỏ màu vàng, giấy láng thật đẹp, xuất bản ở Ấn quán Trúc Lâm, Paris, Chữ Việt và chữ Phạn, nằm trên bàn. Ông Trung lật xem, trang trong có hàng chữ ghi bằng bút bi:
“Con ạ, Duyên-  Nghiệp trùng trùng, chớ băn khoăn. Quá khứ thì đã qua… đừng vọng tưởng sinh phiền lụy. Con và vợ, con của con, chưa đủ duyên nên ly tán, khi đủ duyên ắt sẽ hợp. Nay con về phụng dưỡng cha mẹ là việc nên làm…”
Ở dưới có hai chữ: “Giác Viên.”
Cuốn kinh sách và dòng chữ ghi như những lời khuyên dạy, làm dậy lên trong ông sự tò mò, ngạc nhiên.
Trong một ngăn khác, gồm nhiều xấp giấy rời, có cuốn sổ bằng giấy thường, đã vàng ố, ông Trung lật xem, đó là cuốn nhật ký. Xem ngày tháng, ông thấy được ghi vào thời gian Cậu ấy còn học Đại Học…
oOo
Ông Trung miệt mài suốt buổi với cuốn nhật ký. Khi vợ ông vào thì đã quá trưa. Ông đứng dậy dụi mắt…  trên tay cầm mấy tấm ảnh đã cũ. Ông nói với bà Trung, sắc mặt nghiêm nghị:
- Em ạ, thời gian chúng ta không biết gì về cậu ấy có thể nói gọn lại như thế này: Khoảng gần cuối năm thứ tư thì cậu yêu rồi có thai với một sinh viên. Hai người về sống ở Tây Ninh. Cả hai bên đều không nói với cha mẹ, gom hết những gì có thể bán được, họ làm một cái lều bằng lá, rồi đứa con gái chào đời… Hằng ngày, cậu ấy chạy xe ôm kiếm sống. Họ đã sống cùng nhau trong hạnh phúc…
Chừng bốn năm sau, cậu ấy bị một cơn bệnh nặng, chuẩn đoán viêm ruột thừa, bệnh viện phẩu thuật vụng về, bị nhiễm trùng, phải phẩu thuật nhiều lần… Sau khi hồi phục một thời gian… Cậu đau khổ vì thấy mình không thể làm công việc của người chồng, cậu ấy không còn là một người đàn ông theo đúng nghĩa của nó!
Một hôm chạy xe ôm trở về, câu không thấy vợ và dứa con gái ba tuổi. Nơi tờ giấy lịch đặt trên bàn, nghệch ngoạc mấy dòng ngắn ngủi, cô ấy nói là về với cha mẹ ở Kom Tum.
Cậu buồn và thất vọng, vào một ngôi chùa đâu đó gần biên giới Campuchia… Ở đó cho đến ngày về lại nhà. Cậu luôn nhớ con và ước ao được hôn nó một lần, đêm trước khi bị tai biến, câu mơ thấy con, bàng hoàng ngồi dậy khóc rồi viết suốt … nước mắt ướt cả cuốn nhật ký! Em xem mấy tấm hình này, có tấm anh thấy quen lắm mà không nhớ đã nhìn được ở đâu …
Bà cầm mấy tấm hình chăm chú… lát sau mới lắp bắp:
- Giống tấm hình… chỗ con gái…  anh Khả…  anh ạ. Đúng là bé ấy rồi ! Ôi em ơi, ôi cháu tôi! Chị tìm được con cho em đây Quý ơi!
Ông Trung cũng vừa nhận ra, đưa tay lên môi ra hiệu cho bà đừng khóc lớn. Trong hình Cậu em gầy và đen… nhưng cô bé thì rất dễ thương, người mẹ cũng đẹp dù ăn mặc đơn sơ.
- Anh gọi điện cho anh Khả đem cháu lên Di Linh đi, giờ này anh ấy chắc vào lại rồi, em hồi hộp quá. Ôi cháu gái tôi! Cha mẹ ơi, con ở bên cháu mấy năm nay mà nào biết đó là máu mủ của mình!
- Anh sẽ về đón, xin chuyển trường luôn. Vấn đề bây giờ là làm sao báo với ông bà Ngoại mà không bị sốc. Rất nguy hiểm đó em ạ!
Bà Trung ôm lấy chồng khóc rấm rức:
- Ôi cháu ơi, cô có biết đâu cơ sự này!
Ông Trung cũng nghẹn ngào:
- Giá mà trước khi mất, Cậu ấy ghé thăm chúng ta một lần thì đâu nên nỗi…
Im lặng một lát, ông buồn rầu nhìn ra ngoài vườn qua khung cửa sổ, lẩm bẫm:
- Ôi, duyên -  nghiệp…  Sao quá muộn màng!

Trạch An -  Trần Hữu Hội

No comments:

Post a Comment