______________
LƯƠNG NGỌC THÀNH
Nếu không có sự dạy dỗ và tiến
cử của thầy tôi, Thầy Chu Sĩ Lương, chắc chắn tôi đã phải là một người rất tệ
so với tôi bây giờ.
Sau khi nghe giới thiệu nhiều lần, tôi đã
đến học ké lớp thầy đang dạy cho một nhóm cán bộ ngành truyền thông báo chí.
Vốn là người tự ti, tôi ngồi dạy bàn cuối lớp. Thầy Lương đang dạy đến unit 43
trong quyển Streamlines- Departure. Tôi được
học ở Nông Lâm Súc Cần Thơ, Bảo Lộc những bài học Anh Văn nhưng đến khi
đó tôi chỉ hiểu rất lờ mờ và không đọc trúng được một từ nào. Giống như nhiều
học trò khác, dù có bằng đại học, tôi đã phải học lại từ đầu. Tôi cũng lập lại
những từ vựng của bài học. Tôi ngoan ngoãn như cậu học sinh đệ nhị cấp, con nhà
có giáo dục. Tôi đắm mình vào bài học như một người ca sĩ đắm mình trong bài
hát y đang biểu diễn, như một nhạc công đang cố trình diễn một khúc solo được
soạn riêng biệt, một cầu thủ lao theo trái bóng trong một pha quyết định. Tất
cả tập trung của tôi chỉ nhằm vào việc làm thế nào để học giỏi nhất. Tôi muốn
biến mình thành một người học trò vừa chăm ngoan vừa giỏi để làm thầy Lương vui
lòng, để lớp tiếp tục chấp nhận cho tôi học ké.
Dường như cùng lứa tuổi, vóc dáng, gốc Bắc
di cư, thầy Lương có vài điểm giống Thầy
Định người đã dạy tôi môn toán trên trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc. Cả hai thầy
đều hút thuốc đen, đều nghiện uống cà phê đen khi dạy học. Cả hai ông thầy tôi
đều nói nổi gân cổ khi giảng bài. Cả hai người thầy ấy đều rất yêu nghề. Cả hai
thầy cũng ngồi uống với một nhóm các thầy trong trường và cả hai thầy đều mê
thịt cầy, lai rai một ít rượu bia với các thầy cô giáo khác vào ngày cuối tuần.
Tuy nhiên, khác với Thầy Định, Thầy Chu Sĩ Lương chỉ có một nỗi khao khát là
làm sao cho trung tâm Ngoại Ngữ Phó Điều thị xã
Rạch Giá phát triển lên ở mức nổi tiếng ở miền tây này. Thầy cổ xúy việc
tự học và việc làm gương cho các học viên. Thầy từng tuyên bố:
“Người giáo viên
như một con tầm. Nếu con tầm không ăn nhiều lá dâu tốt, nó không thể cho ra các
sợi tơ tốt được.”
Chính thầy là người tập nghe
đài VOA Special English trước và động viên nhiều người làm theo. Thầy đã chọn
các đoạn hay ra để dạy chúng tôi. Tôi là người duy nhất trong toàn trung tâm
theo phương pháp đó và đã thành công. Thầy luôn cười rất tươi khi tôi đưa bài
tôi viết ra từ các bản tin của VOA tôi để nhờ thầy sửa lỗi. Thầy vui lòng thu
các băng cassette hay hoặc các bài học hay cho bất cứ ai. Khi thầy khoe với tôi
rằng thầy vừa có 2 băng cassette mới, tôi lập tức cố mua cho được 2 cuộn băng
trắng để thầy thu lại cho và để không phụ lòng thầy đã giới thiệu. Thầy đề nghị
trung tâm mở nhạc Anh Văn từ rất sớm- 45 phút trước giờ học chính thức và bật
nhạc lên thay vì đổ một tiếng chuông điện báo hết giờ. Thầy cười híp mắt khi
thấy tôi ôm đàn ghita dạy hát một bài nổi tiếng trong lớp rất đông học trò.
Trong khi ít nghe các giáo viên khác nói tiếng Anh, thầy thật tự hào khi thấy
tôi dắt khách tây ba lô đến trung tâm Phó Điều. Thầy Lương đã đặt tên tôi là
“foreigner-hunter” “Tay săn lùng khách nước ngoài”. Tình cờ ghé ngang nhà tôi
vào một sáng mồng hai tết, nhìn thấy tôi đang nghe để học Anh Văn, thầy lại gọi
tôi là “listening maniac.”- “Điên vì nghe”.
Thầy có những niềm vui lớn từ
tôi. Khi tôi thực hiện một show “Children Quiz” trên truyền hình, thầy đi khoe
mọi người. Khi tôi đậu với số điểm cao hơn thầy trong một kỳ thi PET tháng 6
năm 1993, chính thầy đạp xe đến nhà để báo tin và thầy cũng thản nhiên, vui vẻ
khi khoe với nhiều người rằng,
“Học trò giỏi có
thể hơn thầy đấy chớ.”
Thầy rất thích cái
design của tôi vẽ quảng cáo cho khóa đầu tiên. Tôi được thầy giao kẻ lại các
chi tiết hoặc nội dung của mỗi khoá học của trung tâm như một tay chuyên trách.
Dù không khéo tay lắm, thầy tự tay kẻ vẽ các slogan trên giấy bìa cứng để treo
trên tường. Thầy mở câu lạc bộ nói tiếng Anh. Hàng tháng, sau cuộc họp chuyên
môn, thầy tổ chức bữa ăn trưa cho tất cả giáo viên trong trung tâm kể cả ai
không đến dự họp được. Thầy trình bày quan điểm riêng:
“Xá gì tốn kém cho
một bữa cơm, mà cả trường kết thân với nhau. Người này có thể thân thiện hơn
với kẻ khác. Chúng ta như đang ở chung một nhà- một nhà dạy Anh Văn.”
Thầy như đã đặc quả tim của thầy vào đó
như một người cha chăm lo cho gia đình của ông ta vậy. Cái chất sống linh hoạt,
nhiệt tình, cái máu tài tử nhưng chuyên nghiệp hoà trộn trong cách thầy sống và
làm việc. Thầy tếu với con cái, nịnh đầm với bà xã, vui vẻ lịch sự với đồng
nghiệp và hết lòng với các học trò. Với tôi thì có vẻ như thầy xem tôi như một
cá biệt, một đồng nghiệp trẻ, một học trò giỏi của thầy. Thầy đạp xe đạp mini
cũ kỹ nhưng trên gương mặt luôn có vẻ rạng rỡ như đang lái trên một chiếc xe
hơi đời mới. Thầy ngồi trong một quán nhậu bình dân với đồng nghiệp, ăn thịt
cầy, uống bia lên men rẻ tiền trong cái phong thái như thể thầy đang trong một
nhà hàng sang trọng với nhiều món cao lương mỹ vị. Thầy rất thường mặc Jean dẫu
cho cái co của thầy không hợp cho lắm. Áo sơ mi thầy chọn mặc rất là bắt mắt.
Thật ra thầy thích mang giầy nhưng thầy giải thích:
“Đi dạy Anh Văn
phải ăn mặc đẹp, phải mang giày, đeo cravat nhưng vì ngại mang tiếng là “chơi
nổi” nên ta đành phải như thế này vậy.”
Có lần tôi nhận được
một thùng quà từ chị tôi bên Úc, tôi chọn tặng thầy hai cái sơ mi rất đẹp. Thầy
chọn mặc một cái còn cái áo kia thầy tặng lại cho cô gái cả. Thầy vừa cười vừa
bảo cô gái lớn:
“Thỉnh thoảng đổi
áo cho nhau nhé! Cái nào cũng đẹp cả.”
Thầy có hai cô con gái và một cậu con trai.
Cả ba đều thân thích với tôi. Cô con gái cả của thầy trở thành đồng nghiệp với
thầy trò tôi sau khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm Anh Văn trên Sài Gòn. Thầy
Lương có cách suy nghĩ vừa dân chủ vừa Tây phương. Thầy đối xử bình đẳng với
mọi người. Thầy không bênh vực ai hoặc thiên vị ai cả. Thầy thẳng thắn tự nhận
lỗi và phê phán những ai có lỗi. Khi chọn tôi đi dạy, thầy hứa với giám đốc là sẽ
dạy cho tôi những kinh nghiệm sư phạm thầy vốn có. Khi được yêu cầu giới thiệu
người đi dạy một lớp bác sĩ bên bệnh viện, thầy cân nhắc giữa cô con gái- vừa
mới ra trường- và tôi- vừa mới dạy một khoá cho trung tâm. Vừa chọn tôi, thầy
cũng vừa bảo đảm với cả lớp ấy rằng tôi có đủ khả năng để dạy họ.
Có một lần tôi vì quá bận việc phải vắng
một buổi học, tôi đã viết một bức thư và bảo vợ tôi mang đến tận nhà thầy để
xin phép nghỉ- lần duy nhất trong 3 khoá học với thầy. Tôi- ngồi bàn đầu- là
người học trò duy nhất không màng đến ghi chép kỹ lưỡng bài giảng nhưng cố nghe
hết các câu thầy nói để phúc đáp với thầy. Tôi là người học trò- có thể là duy
nhất- gửi thư bằng tiếng Anh để thăm thầy nhân những ngày nhà giáo, giáng sinh
và tết kể từ năm 1994 đến nay.
Cổ nhân có câu, “Kính thầy mới được làm
thầy.” Thầy Lương và tôi cùng hạnh phúc có lẽ vì sự kính trọng và học hỏi lẫn
nhau. Thầy và tôi cùng vui thích nghề dạy học không phải vì thu nhập cao hay
cái tên gọi “nghe cao sang ấy”. Thầy cười híp mắt khi nhận ra điều gì hay trong
sách này tài liệu nọ. Thầy cười rất hài lòng mỗi khi tôi đưa bài cho thầy sửa.
Thầy cười chào tôi khi thấy tôi mặc một bộ đồ hợp tông màu. Thầy thích cái kiểu
tôi thỉnh thoảng mang đàn ghi ta hoặc một chồng tạp chí có nhiều hình ảnh vào
lớp để minh họa, để dạy.
Ước gì còn có nhiều “Thầy Lương” như thế
trong các trung tâm, các lớp học ngoại ngữ. Ước gì Thầy Lương cũng có nhiều học
trò như tôi.
Rạch
Giá 24- 9-2013
Lương Ngọc Thành
Hồi đó trước năm 75 tui và mấy người bạn có học thêm cua anh văn của Thầy Hà dạy ở trường Phó Điều,sẽ ghé thăm nếu có dịp về lại quê nhà...
ReplyDeleteNgười xa xứ