Links

Sunday, April 8, 2018

TUỔI THƠ và CUỘC ĐỜI - kỳ 4




T
ự truyện của Hình Toàn

HÁT XIỆC SƠN ĐÔNG

       Thời xưa lâu lâu có gánh hát xiệc sơn đông về hát ở đầu cầu sông kiên gần nhà thờ tạm, mấy bà đi chợ về nói với nhau tụi tui nghe được thì mừng quá đứa này rủ đứa kia 5, 6 đứa xúm nhau mà chạy đi coi, mới quẹo cua góc đường có tiệm nước mắm Lý thanh Hưng thì nghe tiếng phèn la tiếng trống ỏm tỏi, thấy người ta vây quanh vòng tròn để mà coi con nít người lớn có hết, tụi tui mạnh ai nấy chen.

 Chị và Hình Toàn


          


 
Thấy múa đao múa thương kêu vùn vụt, rồi có cô gái nhỏ mặc áo xẩm dắt con khỉ chạy vòng vòng hát xiệc cho thiên hạ cười, cuối cùng cầm cái mâm thiếc chìa trước mặt mọi người, thấy có người cho có người không.


... Người ta bu quanh một góc nhỏ có chú bán thuốc dán, dán mụt nhọt 
loại này tui có dán qua rồi (miếng giấy màu đỏ sậm hình vuông chính giữa có vòng tròn đen sệt sệt là thuốc). Khi nổi mụn nhọt thì má tui dán lên đó một miếng, vài ngày sau mụn nhọt mùi bể ra... ÔI... máu mủ chảy thấy mà ghê xong má tui còn đè bóp cho ra cái còi, nói làm vậy nó mới
tiệt...


       ... Tui 5,6 tuổi có biết làm gì đâu, chỉ ăn no rồi đi chơi ba má đi bán đâu có ở nhà, cơm nước giặt đồ thì có chế hai chế ba lo, vã lại hai chế còn phải đi học nữa (2 chế lớn hơn tui 6, 7 tuổi) giờ nghĩ lại thấy thương hai chế. Con nhà nghèo mười mấy tuổi phải phụ cha phụ mẹ, sáng giặt thau đồ xong cho heo ăn rồi tắm heo, tắm rửa sơ sài rồi thay đồ đi học... ôi hai người chị thân thương của tôi.

       Lúc đó nhà chụm củi, củi người ta bán bằng thước (nghĩa là cây củi cưa dài khoảng hai ba tấc, khi bán thì lấy hai thanh cây dài đóng xuống đất cách nhau một thước, xong chất các cây củi vào cho cao lên cũng đo đúng một  thước).
Nhà tui gần trại cưa nên tui có phận sự đi hốt mạc cưa về cho chế hai nhồi vô lò để đốt thay củi tiết kiệm được chút tiền mua củi... tui nói là lò vì nó khác cà ràng, lò để đốt bằng than có cái vĩ ở trên. Chế tui lấy cái vĩ ra để chai lade không, hiệu con cọp vào chính giữa lò, phía dưới miệng lò cũng thêm một chai nằm ngang rồi từ từ đổ mạc cưa vào ém cho thật chật, đến gần đầy lò thì lấy hai cái chai ra có hai cái lỗ tròn. Cái phía dưới miệng lò để đốt củi đưa vào lửa sẽ cháy lên trên xung quanh có mạc cưa bao bọc, kiểu này ít hao củi mạc cưa giử hơi nóng rất lâu... Tội nghiệp nhà nghèo nên nghĩ cách tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy... ÔI người chị tội nghiệp của  tôi!!!

       … Hồi nhỏ áo quần của tui thường là được thừa hưởng từ chị, con nít may đồ mới làm gì! Mau lớn lẹ chật, nên tui được may đồ mới vào dịp tết mà thôi, mà cũng trừ hao vì sợ lớn lẹ bỏ uổng vì hỏng có em gái thừa kế, tuy là đồ mới nhưng mặc cũng hỏng được đẹp lắm vì rộng và dài,ống quần phải lận lên vài tua.

       ... Thế mà tui mong tết lắm vì được ăn ngon được tiền lì xì, có tiền tụi tui thường đi xe lam vô rạch sỏi đi vòng vòng rồi lên xe về rạch giá (tại sao hỏng đi vòng vòng rạch giá na vô rạch sỏi chi cho tốn tiền xe) chắc muốn được ngồi xe lam, rồi táp vô quán Đào Ký ăn mì có bữa người ta đắt quá hết thịt phải chờ, tụi tui nói mì không cũng được (TRỜI... sao dễ dzậy con).

... Ăn xong táp qua chiếc xe chiếu phim hình diễu (loại này người ta có cái thùng hình chữ nhựt xung quanh ba mặt phía trên khoét mấy cái lỗ tròn ở trên có che tấm vải dầy màu đen, khi coi tụi tui chui đầu vô tấm vải, nhắm một con mắt mở một con mắt dòm vô cái lỗ thì thấy phim hình ảnh trong đó nghe tiếng máy chạy rè...rè... (người chiếu phim bằng cách quay như lên dây thiều, ông thợ quay nhanh thì phim đi lẹ, quay chậm thì nó chiếu... từ...từ. Coi phim kiểu này mặt mấy đứa đâu hỏng thấy chỉ thấy xung quanh cái thùng mấy cái đít đưa ra...


CÁI... ÁO ĐẦM

       Nhớ một năm gần tết má tui mua số đề trúng được xấp vải màu cam bông tròn xôi nước mướn thợ may, may cho tui và bà chị kế “áo đầm” thợ nói áo đầm không trừ hao nhiều nếu không mặc hỏng đẹp, muốn trừ hao thì bả may bên trong hai lằn chỉ chừng nào chật thì nới ra tháo bỏ một lằn, còn bây giờ may rộng một chút, bên hông áo thêm hai cọng dây bằng vải áo khi mặc thì cột siết lại cho vừa nhìn áo đầm mới đẹp,còn chiều dài áo cũng trừ hao nhưng lên lai lớn chừng nào nó cao thì thả lai xuống bàn tới bàn lui mấy bữa, rồi cuối cùng hai đứa cũng được mặc áo đầm đó là chiếc áo đầm đầu tiên và duy nhất của tui.
... Tới chừng qua mùng (còn tết) cả nhà sửa soạn đi tiệm Tân Tiến chụp hình (gần rạp hát Đồng Thinh) sữa soạn xong tui hỏng chịu đi vì mặc áo đầm.
Mà hỏng có “sì líp” nên má nói mượn đỡ quần sà lỏn của thằng em trai, sao hỏng may cho hai cái quần đùi (vì thời đó con nít người ta hỏng có bán sì líp).
... Ý (dì) nhà kế bên có hai đứa con trai hỏng có con gái nên thấy tui dễ thương quá con mắt tròn xoe miệng thì móm xọm, thích lắm nên đi chợ đi uốn tóc cũng qua xin dẫn tui theo (chắc để khoe).
Đi chợ thì tui khoái dì có mua bánh cho ăn, còn đi uốn tóc chờ mấy tiếng đồng hồ, trong tiệm thì hôi mùi nước đái ngựa quá (Vì nước thuốc uốn tóc thời xưa khai quá).

Lúc sau này tụi tui sang hơn một chút không chổng mông chui đầu vô coi phim chiếu thùng nữa, mà đi coi rạp gần nhà thì có rạp Hoà Lạc xa xa một chút rạp Châu Văn. Dì tôi mà ở xóm mấy đứa nhỏ thường gọi là Ý Sáu, bả dễ lắm, nhà thì nghèo thiệt nhưng tánh tình rộng rãi đứa nào đói chạy qua nhà thấy đang ăn cơm thì lấy chén nói ý sáu cho con ăn được không? ... ăn đi... ăn đi.
Nên tụi tui thường tụ tập chơi ở trước nhà dì nhiều hơn không sợ bị là rầy vì la um sùm, có hôm dì đi coi chớp bóng ở rạp Châu Văn (không hiểu tại sao chiếu phim mà thời ấy kêu là chớp bóng) tụi tui 5, 6 đứa chạy qua xin:

- Ý Sáu, Ý Sáu cho con đi với
- Ờ đi chiều qua đi luôn.

Thế  là chiều ăn cơm xong tụi tui tụ họp trước nhà dì mặt mày hớn hở, rồi dì cháu kéo nhau đi, tới rạp xếp hàng vô cửa tụi tui vô trước dì đi sau, người soát vé chặn lại hỏi vé, dì đưa vé TRỜI ĐẤT:

- Bà có một vé mà dẫn tới 6 đứa.

... Dì nói thôi cho tụi nó vô đi tui đưa thêm tiền, vã lại tụi nó đâu có ngồi ghế (nghĩa là tụi tui đứng hoặc ngồi dưới đất). Có lần người ta chịu cho vô có lần không. Những lần không tụi tui ra ngoài đứng xin mấy người lớn có vé xin dắt vô, thấy ai đi mình không có dắt con cháu thì hỏi:

- Dì dì dắt con vô. - Chú chú dắt con vô.

Gặp ai khó tánh nạt thì tránh ra tìm người khác, có khi hỏi mà thấy người ta không trả lời cũng hỏng nạt thì đi theo sau gần tới nơi soát thì niú chéo áo để đi theo vào (hỏng dám níu tay vì sợ người ta hỏng chịu).

Lần đầu không biết đi tới phía trước gần sát màn bạc tới chừng chiếu phim trời ơi chóng mặt quá trời, nên đi ra sau đứng dựa tường bên hông rạp, mạnh ai nấy đứng riêng vì nếu bị đuổi không bị đuổi cả đám.
Thời ấy trước khi chiếu phim chưa tắt đèn nổi hình ông TỔNG THỐNG lên tất cả không ai bảo ai đều đứng lên chào cờ, hát quốc ca rồi mới ngồi xuống, kế chiếu quảng cáo xong tắt đèn bắt đầu chiếu phim chính.

... Tui thích nhứt là phim Ấn độ: phim có ông già lấy ống sáo ra thổi rồi có con rắn trong thùng từ từ lú đầu lên uốn éo phùn mang lè lưỡi, chút lại có màn mấy cô gái mặc áo để hở một khúc bụng vận đầm (tui không biết gọi là gì, đó là đồ truyền thống của ấn độ) trên đầu choàng cái khăn thế mõng và dài, trên trái có chấm chấm đỏ, đeo vòng vàng đỏ tay đeo luôn tới lỗ mũi múa ẹo qua ẹo lại rất đẹp. Có một phim ấn độ nói về chuyện tình yêu của đôi nam nữ, hai người chạy giỡn giữa rừng hoa chơi trò trốn tìm cô nữ diễn viên trốn dưới ngàn hoa nằm lấy hoa phủ khắp người chỉ chừa đôi mắt... ÔI... đôi mắt của cô nàng ấn độ đẹp làm sao, to và đen lai láy với hàng mi cong vút. Tụi tui chỉ coi hình và nghe tiếng nhạc thôi chớ có hiểu gì đâu, lâu lâu cũng có chiếu phim  tàu.
Phim Đường minh Hoàng du nguyệt điện gặp Dương Thái Chân vũ khúc nghê thường cô nàng nhảy múa nhảy lên từng nấc thang có tiếng chuông ngân thánh thoát (lúc nhỏ tôi không biết là Dương quí Phi đâu, chỉ biết ông đó là vua thôi) sau này lớn lên đi học biết được chút chữ lại mê truyện tàu rồi bước qua mê tiểu thuyết, cái gì cũng mê những sở thích này sẽ kể  sau.

Giờ trở lại vụ đi coi hát bóng, không tiền mà cứ thích đi coi có lần người cô cùng họ ở Rạch sỏi ra rủ đi coi xuất sau (kêu bằng cô vì theo vai vế chớ thật ra chỉ bằng tuổi chế hai tôi).

- Ê hai đứa bây muốn đi coi hát không?

Tui và chị kế tôi ra tới rạp chờ cho phim hát rồi, bả mới mua cho mỗi đứa một vắt đá bào rồi nói tao làm sao tụi bây làm dzậy, vừa đi vừa húp nước đá rồi đi từ đứa vô, không có đi một lượt, nếu có ai chặn hỏi thì nói mình ở trong rạp ra mua nước đá, vậy mà cũng vô lọt tuốt.
(Tui nghĩ chắc là xuất sau vã lại phim cũng hát một khúc rồi người ta làm ngơ cho vô giống như xã dàn vậy mà... thiệt là tình, sao ghiền phim quá vậy).

… Có một lần tụi tui hùn tiền mua một tấm vé hát ở rạp Hoà Lạc, rồi hai đứa cầm vé vô trước xong chờ tắt đèn một thằng vạch màn ngay cửa trước bên trái (Rạp có 2 cửa trước trái và phải, vô chỉ mở một cửa để soát vé, giản hát mới mở hai cửa). Tụi nó chuyền vé ra được hai lần, còn một lần cuối có người kiểm soát đứng ngay màn nên không chuyển được nữa, thằng còn lại ở ngoài tức quá đi mét. Người soát vé dẫn nó vô hỏi:

- Mày biết mặt tụi nó không?
- Biết chớ... bọn tui mà.

Rồi ổng dắt nó theo bấm đèn pin đi kiếm từng đứa biểu ra ngoài (vì thằng bạn mình biết chỗ tụi này thường đứng) chỉ có hai thằng có vé ngồi ghế là không bị đuổi... Đồ thằng bạn mắc dịch, nếu nó vô không được thì có mình ên nó thôi, giờ bị lôi đầu thêm hai đứa nữa... thiệt là đồ qủy sứ mà...

Thôi chào tạm biệt hẹn lần sau TÔI ĐI HỌC.

HÌNH TOÀN

3 comments:

  1. Hồi đó tui đi coi hát phim Ấn độ tới đoạn lâm ly bi đát thì có màn Út Bạch Lan ca vọng cổ tui thấy mấy bà già khóc mắt đỏ hoe thiệt là... tình mà...

    ReplyDelete
  2. Tui thì hay được má tui dẫn đi coi phim Ấn Độ, tới lúc lâm ly bị đát tự dưng có nàng Ấn tuyệt đẹp ra ẹo ẹo múa ... ịn ma ni ka mí la , múa dễ nhẽo à
    Hihihi
    Cô 5 RG

    ReplyDelete
  3. Ha ha anh LĐCT nói chí lý nghe, đúng là khi hát thì phải nhập vai, cả người hát và người nghe mới “ phê” , nhưng thực sự cô 5 tui hỏng hiểu để “ cuộc trong lòng” là mần sao, thôi ai biết xin chỉ giáo cho cô 5 tui nghen.

    ReplyDelete