CAO VỊ KHANH
Từ
lần hẹn mà không gặp đến lần không hẹn mà gặp lại, giữa hai người là một khoảng
cách hai mươi lăm năm. Hai mươi lăm năm nói nghe gọn bâng như một hơi thở rướn.
Mà thật ra, hai mươi lăm năm dài lắm, dài dằng dặc như một tiếc nuối muộn màng.
Quanh đi quẩn lại, đời sống chẳng qua chỉ là một cuộc rượt bắt hạnh phúc mà trí
nhớ là tên bạn đồng hành hay bỏ cuộc, con người lại là kẻ săn đuổi rất vụng về,
cho nên hai mươi lăm năm bất trắc đến nỗi thành ra vô vọng để nói đến một cuộc
trùng phùng. Vậy mà họ gặp lại nhau, kể ra cũng lạ.
Ngày
hôm đó, cơn bão rớt đã cầm giữ người đàn ông lại một phi trường ở miền trung
nước Mỹ. Chuyến bay từ một thành phố cực bắc đến đó khoảng 10 giờ sáng để đổi
phi cơ sang vùng vịnh phía tây thì có tin phải hoãn lại vì cơn bão bất ngờ đổi
hướng. Người đàn ông trên dưới năm mươi, dáng vẻ buồn phiền lơ đãng đâu đâu.
Ông ta cởi bớt chiếc áo khoác ngoài, ghé sạp báo lựa mua vài tờ tạp chí rồi tấp
vào gọi cà-phê ở một tiệm ăn nằm ngay giao điểm của mấy dãy hành lang rộn
rịp. Hành khách qua lại nhốn nháo đông đến muốn chóng mặt. Người nào cũng kè
kè túi xách, va-li, đồ lạnh xùng xình. Giống như cô gái mới lớn ương ngạnh, mùa
xuân dậy thì từ hơn nửa tháng nay mà vẫn còn lạnh, ẩm ướt và cứ đổ tuyết bất
thường. Ông ta ngồi trong một góc khuất, hết đọc báo lại ngó quanh quất ra
ngoài. Thời gian qua chậm như không muốn động đậy. Có lúc như sốt ruột, ông ta
thay cặp kiếng đen dựa đầu vào thành ghế như để dỗ một giấc ngủ nhưng tiếng ồn
ào xung quanh kéo ông ta về lại chỗ ngồi. Cả một thế giới lạ lẫm lao xao làm
như không biết mệt. Ông ta muốn đốt một điếu thuốc nhưng rồi phải nhịn, chắc lưỡi
nhớ cái giang sơn nhỏ bé của mình, căn phòng hẹp té ngó ra khu vườn cũng nhỏ
nhưng có đủ núi non sông nước mà ông đã bỏ công tạo nên. Ở đó ông có đủ hết,
sách vở, giấy mực, những suy nghĩ thả lang thang như một bầy thú hoang và nhất
là nỗi cô đơn dịu dàng, thân thiết như người bạn cuối đời. Mười mấy năm nay, từ
khi cùng vợ con đi vượt biên và định cư ở một thành phố vùng đông bắc, ông vẫn
thường trốn vào đó sau những giờ lao động thật lực để mưu sinh. Ông làm thơ viết
văn, đôi khi nguệch ngoạc bỏ quên trên những manh giấy cong queo, đôi khi nắn
nót chép lại nhưng rồi cũng chỉ xếp xó trong những hộc tủ quến bụi. Thơ văn thật
ra cũng chỉ là một cách để ông dàn xếp với những hục hặc của chính mình nhưng rồi
những độc thoại đó càng lúc càng làm ông trở nên buồn bã. Ông thấy càng lúc
ông càng xa cách với cuộc đời chung quanh. Trong ông như có một tủi hờn nào đó
lớn lắm làm ông chỉ thấy lạ lùng những hoa lệ của xứ người. Sao ông cứ thấy nhớ
cha nhớ mẹ mà ông đã bỏ lại đó, mỏi mòn cho đến chết mà không gặp lại lần nào.
Cũng như cái đất nước nghèo nàn ngập lún tai ương vậy mà bây giờ ông cũng thấy
nhớ, nhớ đến thê thiết. Bởi vậy mà ông cứ buồn hoài. Cuộc đời ở bên ngoài thì
đưa đẩy không ngừng, con cái vẫn tiếp tục lớn lên, còn ông, sao ông thấy mình
như đã dừng lại. Dừng lại để chờ đợi một cái gì đó cũng không biết nữa. Mãi cho
đến năm ngoái, một người bạn cũ đâu từ ba mươi năm trước ghé thăm, lục được chồng
thơ ám bụi rồi cứ khăng khăng đòi đem in. Chiều bạn, ông để họ tự ý. Đến khi
xong lại cứ khăng khăng đòi ông sang để tổ chức buổi ra mắt sách. Ban đầu do dự,
riết rồi nghe cằn nhằn mãi ông cũng đành phải đi. Chuyến bay dự định sẽ tới đó
lúc xế chiều trong ngày, vậy mà bây giờ bị kẹt lại không biết tới lúc nào đi được.
Ông ngán ngẩm ngó đồng hồ, hơn một giờ rồi mà không nghe tin tức gì của chuyến
bay. Đám khách ở mấy bàn kế cũng bắt đầu bỏ ra ngoài đi tới đi lui. Không khí
chộn rộn lúc đầu đã trở nên uể oải. Mấy đứa trẻ bực bội chạy nhảy la hét om
sòm khiến mấy bà mẹ cứ phải dỗ dành. Ông cũng cảm thấy mệt mỏi, sự chờ đợi trì
nặng thân xác và trí óc. Biết vậy phải đừng đi là xong. Đã lâu rồi ông không chịu
đi xa nữa. Có đáng gì sông nước của người khi sông nước trong lòng ông đã cạn.
Lại còn thêm cái chuyện làm xáo trộn nếp sống đã quen. Ly cà-phê buổi sáng, điếu
thuốc đầu ngày, vài ba dòng chữ cho một tập sách viết dở dang, rồi là cái việc
kiếm ăn thường lệ. Cứ như vậy mà gần hai chục năm nay, cuộc sống trì trệ riết rồi
thành những nếp gấp tuy nhàm chán nhưng bình an hết sức. Ông sống thu mình như
con ốc lười biếng và nhút nhát. Làm như ông không còn muốn động đậy nữa sau cơn
chuyển động kinh hoàng của lịch sử. Ông sống thừa như một tờ giấy nháp, dùng
xong rồi mà lại quên vứt bỏ thành ra có đó mà như không.
Ngồi
mỏi, ly cà-phê cũng lạnh, ông tính bỏ ra ngoài đi tới lui cho giãn gân cốt.
Đang loay hoay thu dọn mấy tờ báo với lại áo xống bỗng đâu có một tiếng gọi nhỏ,
rất nhẹ mà nghe lao xao như một tiếng reo bất ngờ. Thầy… Tiếng gọi gần kề lại
nghe chừng xa lắm. Giật mình ngó lên ông thấy gương mặt một người nữ đang nhìn
ông đăm đăm, gương mặt phân vân như lạ mà ngờ ngợ như quen. Người đàn bà đứng
ở bàn bên cạnh không biết đến từ lúc nào tay còn đang kéo ghế chưa kịp ngồi
thì đã sựng lại. Cái dáng nửa ngồi nửa đứng cùng với tiếng kêu nửa chừng làm
ông chưng hửng. Gương mặt tiếng kêu như chợt hiện ra từ một cõi nào xa lắm đã
vuột ngoài tầm nhớ. Trong một chốc ông thấy lao đao. Một thoáng thôi. Rồi rất
nhanh ông nhớ lại. À… X… Vậy đó hai người gặp lại, người thầy và cô học trò cũ.
Tròm trèm cũng đã hai mươi lăm năm. Người đàn bà mảnh khảnh bỏ cái bàn đã chọn,
cầm ly nước quay qua nhẹ nhàng ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, dáng điệu vẫn
khép nép, đằm thắm như lúc nào. Lâu lắm, chắc chừng năm bảy phút, không ai lên
tiếng. Có một cái gì đó trùng trình giữa hai người, đầy ắp kỷ niệm, làm cái bất
ngờ trở nên nặng trĩu những hình với bóng đến nỗi ngẩn ngơ cả hiện tại. Làm
sao ngờ được, người ta đã quên lâu rồi. Lâu lắm rồi. Lâu tới đỗi nhớ quên trùng
điệp thành ra không biết bắt đầu từ đâu nữa cho phải. Ly nước cam thấm lạnh ướt
rịn ra mặt bàn, ngón tay thon nhỏ có móng nhọn tô hồng vẽ vẽ lên mặt bàn mấy
vòng tròn dính vào nhau bối rối. Con mắt vào tuổi thiếu phụ đã buồn mà tia
nhìn thì vẫn chấp chới như một cánh bướm xốn xang. Cặp mắt là nỗi hờn mát lặng
thinh đã có thời làm người ta ray rứt lắm mà lại như phát ra những lời thăm hỏi
rất ân cần làm người ta áy náy thêm. Cặp mắt đã có lần tự dưng rướm rướm ngay
giữa lớp học. Năm nào? Dường như trước mùa hè 72 đang giờ giảng cổ văn. Phải rồi.
Năm đó chiến tranh nổ lớn, học trò trai bị động viên nhiều quá. Người thầy trẻ
xúc động lắm, lấy mấy câu thơ của Lê Thị Ý mào đầu cho khúc ngâm Chinh Phụ.
Ngày mai đi nhận xác chồng. Say đi mà tưởng mình không là mình… Đang nói thao
thao bỗng nhìn xuống giữa lớp thấy cô học trò đầu bàn, vẫn nhỏ nhắn và thành khẩn
như bao giờ, đưa tay giụi mắt. Rồi từ đó suốt giờ dạy cứ thấy đôi mắt đen láy
len lén những giọt nước mắt mơ hồ. Chắc cô ta liên cảm đời xưa với đời nay. Sao
mà nhạy cảm quá không biết. Tại vậy đó. Cô ta mười bảy tuổi hay trả lời ngang
ngược mỗi khi bị bạn bè chọc ghẹo vì cặp mắt là lạ đó. Cặp mắt như thương hết
thảy mọi người. Mà có ai thương em đâu. Tự dưng mấy câu nói vớ vẩn bỗng nhớ lại
y nguyên như mới hôm qua còn ở tại một thành phố ven biển có rất nhiều chim nhạn
trắng, nơi người thầy trẻ đã tới sống và dạy học những năm 70. Nghĩ tới vậy bỗng
nhiên ông bật cười. Ờ, cái thời đi dạy học sao mà vui quá chừng. Nụ cười bất
chợt của ông làm người học trò cười theo, cũng vẫn nụ cười phơn phớt nửa vời cứ
như níu lại sợ làm đau một cánh môi. Bỗng đâu vẻ trầm trọng của phút ban đầu
tan đâu mất. Hai người như giũ bỏ được cái mắc míu của mớ dây rối rắm nào đó.
Và trở lại thân thiện hết sức dễ dàng làm như không có cả cái khoảng cách hai
mươi lăm năm bóng chim tăm cá. Rồi là những thăm hỏi mưa nắng bâng quơ chẳng ăn
nhập gì hết với những thắc mắc đã có lần làm khổ họ. Sáng nay lúc tôi lên phi
cơ trời trong xanh. Dạ bên em đã có hoa anh đào nở. Cái lục địa này lớn quá,
khí hậu thay liền liền từ đông sang tây. Dạ. Mà trời gì kỳ quá, đã tháng tư rồi
mà chưa chịu sang xuân. Dạ. Tiếng dạ nhẹ như tiếng thở. Đã có lần những tiếng
“dạ” thay cho câu trả lời dứt khoát cứ làm bứt rứt người nghe. Không biết dạ chịu
hay dạ không chịu nữa. Chỉ thấy cái đầu hơi nghiêng, mái tóc nuôi dài rẽ đường
ngôi giữa, buông xuống che nghiêng nửa mặt như lẩn khuất điều gì. Sao còn nhớ
nhiều những chi tiết không đâu. Dạ em lập gia đình năm 77, sau khi sang Mỹ được
hai năm. Anh ấy người Sài gòn. Tụi em ở Seattle từ đó đến nay. Ở đó có những
cơn mưa phùn cứ làm nhớ… Em đi Boston dự lễ tốt nghiệp của đứa con trai duy nhất.
Nó học giỏi hơn em đó thầy, chắc ít khi bị hỏi bài đến bí như em hồi trước. Lại
cười, môi cong lên thách thức. Giống y như hồi đó. Hai đứa con của tôi đã ra
trường từ năm ngoái. Một trai một gái. Vùng tôi ở trời lạnh gần như suốt năm.
Mùa đông tuyết đổ mịt mù. Cứ tưởng mình chịu không nổi. Vậy mà riết rồi cũng
quen… Những câu hỏi đáp cứ đong đưa qua lại. Bên ngoài cửa kiếng trời chưa
thôi gió. Hột tuyết to như lông ngỗng bay quợn từng luồng. Điệu này không biết
bao giờ máy bay mới… Nói chưa dứt câu bỗng ngưng ngang làm như thấy có một cái
gì vô tình lắm. Đã thực sự muốn từ giã chưa? Có một lúc hai người ngừng nói,
hai ánh mắt bất ngờ chạm nhau rồi như thấy ngại ngùng lại quay nhìn sang chỗ
khác. X. vụt đứng dậy nói nhanh để em đi mua cho thầy ly cà-phê mới. Người thầy
chặn không kịp, bối rối đưa tay vào túi áo khoác tìm gói thuốc lá rồi sực nhớ lại
rút tay ra ngó theo. Vạt áo xanh lẫn vào đám khách trẻ đang ồn ào kéo vào, miệng
cãi nhau chí choé về trận hockey coi đêm qua. Màu xanh quen lắm như đã thấy lâu
rồi. Thầy dạy em hát bài gì đó của Đoàn Chuẩn Từ Linh đi. Bữa đó học trò tụ lại
làm tiệc nhỏ đưa thầy về quê ăn tết. Vui lắm. Đến khi buổi họp mặt sắp tàn cả
đám kéo nhau ra ngồi ngoài hàng ba. Chiều mới bỏ đi còn để vướng vài sợi nắng
nhẹ trên bãi cỏ trước nhà trọ. Hai hàng cây khuynh diệp trồng dọc theo lối sỏi
cứ theo gió chụm đầu vào nhau từng chặp. Cô học trò ngồi thu mình như con sóc
nhỏ. Đôi má đỏ au vì hơi chiều cuối năm gây gây lạnh. Người thầy tính vào nhà
kiếm cho cái áo khoác nhưng nghĩ sao lại thôi. Cả hai ngồi trên bực thềm, vây
quanh có thêm năm ba người bạn cùng lớp nữa. Cả nhóm nhau nhau lên phải rồi thầy
hát đi thầy. Ông thầy cười cười hát gì mà hát, tôi hát cả ngày trong lớp cho
các em nghe rồi. Cả nhóm đùn qua đùn lại vui như tết. Có một lúc người thầy chợt
thấy có một tia nắng rớt, rất nhanh, lướt qua làm xanh mướt vai áo bà ba của cô
học trò. Màu xanh tươi lên như màu lá nõn. À, chiếc áo xanh của bài tình ca nổi
tiếng. Có màu nào không phai như màu xanh… X. trở lại trên tay cầm ly cà-phê bốc
khói. Cho đến bây giờ em vẫn chưa uống được cà-phê mặc dầu thấy thơm thơm… Mấy
bà đầm cùng sở uống cà-phê như uống nưóc vậy đó. À, mà thầy còn uống cà-phê
phin như độ trước không. Không em. Cà-phê ở xứ này thì cứ như là nước lã vậy
thôi. Cứ uống theo thói quen chớ mình có còn giữ được cái gì của mình đâu em. Cặp
mắt thiếu phụ chớp nhẹ như có hạt bụi bay ngang. Hồi trước cứ nghe thầy kể chuyện
thời sinh viên đi uống cà-phê nghe nhạc TCS mà mê. Có lần về nhà em bắt chước
lén uống cà-phê của ba đắng nghét. Câu chuyện chuyển dần sang những kỷ niệm của
thời đi dạy và đi học. Người nói người lắng nghe lòng cứ bồi hồi theo mấy hình ảnh
vụt tới vụt đi. Mà hồi đó sao thầy khó quá trời. Lần nào bị gọi trả bài là cứ
như đứng tim. Nhiều lúc em tức hết sức vậy đó. Mấy bài thơ của ông Nguyễn Công
Trứ ở nhà đọc làu làu mà bị gọi lên là bay đâu mất tiêu. Rồi bây giờ còn nhớ
câu nào không? Dạ nhớ chớ, nhiều bữa lái xe đi làm ngang qua mấy dãy đồi thấp
là tự nhiên em nhớ cảnh núi non thầy giảng trong bài Chinh Phụ. Cái gì nè… ờ…
Hình khe thế núi gần xa. Đứt thôi lại nối thấp đà lại cao. Ra tới biển là nhớ
buồn trông cửa biển chiều hôm thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa. Thầy thấy
em có giỏi không? Cô học trò nói một thôi dài rồi nín bặt, đôi môi mỏng dính tô
son tím hồng mím lại. Những lằn gân đỏ trên gò má chạy loanh quanh dưới lớp phấn
nhạt như cũng rung rung theo hai cánh mũi phập phồng. Làm như mấy câu Kiều nhắc
cho cô ta một cái gì cảm động lắm. Nàng nói tiếp, mắt ngó lơ qua bàn bên cạnh
có mấy ly nước bỏ không. Thầy có nhớ giữa năm lớp đệ nhị, có lần thầy nói truyện
Kiều thầy chỉ thích có hai câu thôi. Biết thân đến bước lạc loài. Nhụy đào thà
bẻ cho người tình chung. Rồi giảng cho tụi em cả giờ có hai câu đó thôi. Tới giờ
tôi vẫn còn thích đó em. Mấy năm đầu sống dưới chế độ cộng sản, nghĩ tới sự thờ
ơ của mình với đất nước rồi thấy hối tiếc, tôi mới thấy ông Nguyễn Du thiệt
tài. Ông ta nói giùm mình từ mấy trăm năm trước. Mắt cô học trò như sẫm lại.
Ổng nói giùm em luôn đó thầy. Câu nói vớt bất ngờ của người học trò, giọng điệu
vừa nhẹ nhàng vừa xắn xả làm người thầy bàng hoàng. Vâng, làm sao ông không biết.
Ông chỉ giả bộ làm lơ đó thôi. Một chút im lặng như để cho cơn đau vừa khuấy
lên có cơ lắng xuống. Lần này thì nhìn thẳng mặt thầy, không trốn chạy nữa. Rồi
hỏi, rất đột ngột. Mà lần đó thầy về quê rồi sao không trở qua? Rồi cũng phải
tới chỗ đó. Cái chỗ hai người đã tránh né từ nãy giờ giống như không muốn làm
khó nhau vậy đó. Cái khúc ngoặc đã làm mất tăm tung tích mấy chục năm trời. Có
chớ, nhưng tới ba năm sau lận. Vừa lúc có tiếng nói trên máy phóng thanh vang
lên oang oang. Giọng đàn bà Mỹ nghe eo éo tiếng được tiếng mất. Cả quán bỗng
nhiên im bặt rồi đồng thanh ồ lên khi máy dứt tiếng. Họ báo cho hay phi trường
có thể được giải tỏa trong vòng một giờ nữa. Thời gian như giục gấp rút. Có một
khúc mắc nào cần được giải tỏa gấp hơn đống tuyết cao nghều ngoài kia. Mà biết
bắt đầu từ đâu đây. Những ngõ ngách rối rắm của lòng. Bởi vì thật ra có gì rõ
ràng đâu, mối liên hệ của hai người. Chẳng qua cũng chỉ giống như sương như
khói vậy thôi, biết rằng lẩn quẩn đâu đó, trên chòm cây trên lá cỏ mà có ai nắm
bắt được chút gì. Người thầy cười cười như để chống chế, uống một ngụm cà-phê rồi
ngó quanh quất. Người học trò sau khi hỏi được câu quyết liệt làm như trở nên
thanh thản hơn. Mà có còn cần thiết không, một lời giải thích. Tất cả đã qua rồi,
cùng với tuổi thanh xuân. Người ta có trở lại được đâu nơi bến xe cũ, ánh mắt
dặn dò, cái vẫy tay nấn níu, chiếc xe liên tỉnh rồ máy chạy đi, ngoái lại nhìn
còn thấy cái áo xanh lẩn thẩn dưới hàng cây điệp đầu phố… Vậy đó rồi mất hết. Vậy
đó rồi xa thôi. Không tại ai hết. Người ta có sống lại được đâu cái không gian
có giăng những sợi tơ mịn của trời, những sợi tơ cứ làm vướng víu một cách rất
dễ chịu những bước qua lại hờ hững. Người ta có còn bắt gặp lại được đâu cái
hơi thở gấp rút, những sợi tóc cuống quýt khi vô tình người thầy đưa tay gỡ
cái lá me nhỏ vướng trên đỉnh đầu, đôi mắt thắc thỏm chờ đợi một lời đã không
được nói ra và không bao giờ còn có dịp nói ra nữa. Vâng, có ai nói gì đâu. Cái
chuyện hai mươi mấy năm trước khi hoa trái vừa tới lứa. Một người cứ chờ. Một
người cứ đợi. Tình thì đầy như con nước lớn. Mà có thể gọi đó là một cuộc tình
sao? Dường như đã thân thiết hơn quan hệ thầy trò. Một câu nói bông lơn, những
cái ngoái nhìn đưa đẩy. Nhưng đâu đã có những hẹn hò. Đâu đã có những gặp gỡ
riêng tư. Không, giữa hai người còn một bức tường rêu cao lắm chưa vượt qua. Cô
học trò thì biết thân biết phận con gái kín cổng cao tường, biết yêu thương
nhưng không dám đòi hỏi. Người thầy thì cũng vậy, vốn cao ngạo nên cố giữ đúng
cái nguyên tắc của xã hội và của cả chính mình. Một phần chắc tại cái gốc gia
đình đã làm nghề giáo từ nhiều đời, phần khác lại tự phụ vào cái quá khứ rất mực
hào hoa nhất định không thèm lợi dụng vị thế làm thầy của mình. Ông đã tự đặt
ra cho mình một ranh giới và nhùng nhằng không chịu bước qua. Cá tính ương ngạnh,
kiêu kỳ và nhất là cái lý tưởng ông đã chọn níu kéo ông ở lại bên này lằn
ranh mong manh đó. Sự im lặng kéo dài chỉ cốt để xoa dịu tự ái cũng như thái độ
lấp lửng chỉ để đánh lừa lòng mình. Chớ lắm khi chính ông cũng có thấy xót xa.
Nhưng mà như vậy có phải là đạo đức giả như thiên hạ thường giễu cợt hay không?
Không. Không phải. Chính ông đã chọn thái độ đó để bảo vệ cho cả hai người, giữ
cái khoảng cách tế nhị đó là để che chở cho sự trong trắng của một linh hồn
còn trẻ. Ông không muốn cho miệng đời xỉa xói nhất là cái giọng điệu theo kiểu
“hạnh xuất tường lai”. Ông có thể xem thường nhiều thứ nhưng có một thứ mà ông
không thể xem thường, đó là danh dự của nghề nghiệp, của cô gái và của cả chính
ông nữa. Đời sống của những người thầy tỉnh lẻ thời đó giống như mấy món đồ xưa
chưng trong tủ kiếng, đẹp và dễ bể, mặc tình cho mọi người dòm ngó khen chê.
Còn cái xã hội mà họ sống cho đến những năm 70 vẫn kín mít như một cái nồi hầm
đậy nắp với những ước lệ không thành văn bắt mọi người phải luôn luôn giữ kẽ.
Người ta chưa sẵn sàng để chấp nhận những chuyện khác với lẽ thường. Người ta rất
dễ dàng xí xóa cho một ông sĩ quan, thư ký, thương gia hay gì gì đó yêu một cô
nữ sinh. Nhưng một ông thầy mà yêu thương một cô học trò hoặc ngược lại là một
thứ tội động trời. Những câu chuyện loại “Vòng tay học trò ” của Nguyễn Thị
Hoàng đã một thời bị phê phán là vô đạo đức. “Yêu ” của Chu Tử bị coi là loạn
luân. Đời như một cô gái già bị dồn nén trở nên khó tánh cứ ngồi canh cặp kính
lão chòng chọc vào những cặp tình nhân trẻ tuổi mà xỏ xiên. Làm ai nấy đều sợ đến
thành tê liệt, cứ chịu khó sắp vào hàng cho được việc. Biết làm sao hơn. Chúng
ta ở vào một thời đại đi chậm hơn mình. Vậy mà rồi đến chừng trở chứng, như
năm 75, thì lại đổi lẹ còn hơn lật ngửa bàn tay. Nắm tay xòe ra, tất cả vụt mất
sạch trơn. Tiền bạc, sự nghiệp, kể cả những món nợ tình nợ đời dai dẳng. Tháng
9, cô học trò ỉ ôi cha mẹ dành cho ông thầy một chỗ trên chiếc ghe vượt biên của
gia đình, hy vọng đó là giải pháp tuyệt diệu nhất cho chuyện của hai người,
bởi vì nếu đi thoát được, cho dù có tới đâu đi nữa cũng sẽ không còn những
ràng buộc như ở quê mình. Một tuần trước ngày đi, người thầy từ giã về quê để
thăm cha mẹ, hẹn với cô học trò sẽ trở lại kịp chuyến. Dường như đó là lần hẹn
hò thứ nhất. Và cũng là lần hẹn hò duy nhất. Bởi vì cho đến đêm trốn đi, mặc
dù là người cuối cùng xuống ghe, cô vẫn không thấy người thầy trẻ trở lại như
đã hứa. Cô bỏ quê hương và bỏ luôn mối tình đầu. Mười chín tuổi đã buồn như thiếu
phụ. Mối sầu như rêu, đóng dầy mịt tấm lòng để trống. Ba năm sau, khi ra tù tôi
có trở qua, có ghé lại xóm cũ nhưng nhà cửa đã đổi chủ gần hết… Suốt cuộc đời
tôi cứ trễ nải vậy đó em. Người thầy vừa nói vừa nhún vai ra điều thú nhận sự bất
lực của mình. Trong một thoáng, X. như hiểu ra cái gút mắc đã làm nàng buồn bã
nhiều năm liền. Bởi vì nàng biết chắc dù chưa lần nào thề thốt, người đàn ông
mà nàng đã đem lòng thương ở tuổi mới vào đời không thể là người bội tín. Nàng
đã hẹn, ông ta đã đồng ý. Nhưng rồi đã lỗi hẹn như trăm ngàn người khác đã lỗi
hẹn với vợ con, với cha mẹ, với người tình… Khi tôi sửa soạn trở qua thì má
tôi ngã bệnh. Tôi tính ở lại thêm một ngày để lo thuốc men thì đêm đó họ kéo tới
xét nhà lấy cớ là có người lạ. Tôi bị bắt với tội danh rất ngộ nghĩnh là trốn học
tập. Như vậy đó mà đi tù liền một lúc tới ba năm. Người thầy kể bằng một giọng
đều đều, cố giữ để đừng xúc động. Năm bảy ngày đầu ở trong tù tôi như điên,
nghĩ tới em và chuyến đi, có lúc muốn leo rào bỏ trốn. Nhưng rồi sợ liên lụy tới
cha mẹ nên thôi. Có một điều không biết có nên nhắc lại không… không đêm nào
tôi không vái van cho em đi lọt. Đôi mắt rướm đỏ, người thiếu phụ sửa soạn khóc
thành tiếng thì bàn tay của người thầy đã úp lên bàn tay nàng, siết nhẹ. Thôi
em. Hai bàn tay chạm nhau lần đầu, da thịt xót xa. Một thoáng thôi rồi lòng nhẹ
hẫng như vừa nghe được từ trong cơn đau dại có tiếng nào như lời ru dỗ ngọt
ngào. Bỗng nhiên người học trò thấy mình như cô bé con khóc vòi được xoa dịu.
Nàng cố dằn rồi nói bằng một giọng giả vui. Em theo gia đình đi sớm quá, không
biết rõ chuyện nhà. Chỉ nghe người ta đồn đãi kể lể. Em vẫn nghĩ thầy không
quên lời hẹn. Những năm đầu em cứ nằm chiêm bao thấy lại chuyến vượt biên. Có lần
thấy cả thầy đi trên một chiếc tàu khác. Mà lại chạy ngược tàu em. Em kêu hoảng
mà không ai nghe hết. Tỉnh dậy nước mắt ướt mem gối xống… Lại im lặng. Rồi cười
cười, nhưng mà nụ cười không thành tiếng. Thành ra cũng chỉ như im lặng vậy
thôi. Dường như có một lúc hai người muốn ngừng nói để lắng nghe lại nhau bằng
chính tiếng lòng im ỉm đó. Vậy mà sao họ cảm thấy hiểu nhau không sót một điều
gì. Kể cả cái khoảng cách đòi đoạn hai mươi mấy năm bỏ trống. Ở chung quanh
người ta cứ qua lại lao xao. Kẻ ngồi lâu rồi bỏ đi. Người mới tới kéo vô trám
chỗ, nói cười lăng xăng. Đời sống có kể tới ai đâu. Ai vui buồn mặc ai, đời sống
cứ từ tốn qua đi, qua đi. Hai người quen cũ ngồi đó, trong góc, ngồi với hai
mươi mấy năm cũ. Cả hai, trong khoảnh khắc hiếm hoi, như thấy bằng lòng lắm cái
hiện thế đó. Cả hai như đám trẻ con nhà nghèo, rất biết điều, vui với món đồ
chơi cũ mà người ta đã vứt đi rồi mình lượm lại được. Vậy mà cái niềm vui
tội nghiệp đó đâu phải dễ tìm. Đâu phải dễ gì vớt vát lại được chút bọt bèo của
một cơn hồng thủy. Không nói mà chừng như hai người biết rằng trong cùng thẳm của
lòng, họ vẫn có nhau. Biết là có nhau dẫu cuộc đời đã không còn là của nhau nữa.
Họ vẫn thấy bằng lòng như đã bằng lòng với sự câm lặng khi còn son trẻ, khi người
thầy còn trên bục giảng và cô học trò còn ngồi ở giữa lớp. Họ vẫn thấy bằng
lòng như biết rằng, cuối cùng, trên đời này, ở một nơi nào đó, vào một lúc nào
đó, vẫn có người kia ở đó. Dẫu xa xôi nhưng có đó, có đó với từng chút
ngậm ngùi. Như vậy đã đủ lắm cho một lỡ làng. Bởi vì gặp lại rồi mới biết mối
tình của họ sâu đậm hơn họ tưởng mà lại còn nguyên như tờ giấy trắng và đẹp tới
não nùng như một bài thơ bỏ dở. Họ đã yêu trong quá khứ và họ còn yêu tới bây
giờ. Yêu tới độ sẵn sàng chấp nhận sự chia cách và chấp nhận cả hy sinh để bảo
vệ hạnh phúc riêng của mỗi người. Cũng giống như ngày nào đã chấp nhận sự câm lặng
để bảo vệ tai tiếng của nhau trước con mắt cú vọ của thế gian. Cơn đau vừa ngún
lên bỗng dưng tắt ngấm. Không nói mà trong mắt nhìn của nhau như đã có dặn thầm,
như đã nhiều lần dặn thầm trước đây, giữ riêng cơn đau đã quen để khỏi phiền lụy
tới người khác.
Ngày
hết tuyết mênh mông ngoài kia. Mấy người công nhân chạy tới lui ngoài bãi đậu.
Trời hé một chút nắng, hưng hửng vàng. Loa phóng thanh lại kêu ra rả. Mấy chuyến
bay về phía đông sẽ cất cánh trước. Người ta đọc giờ và số phi cơ từng chặp.
Hai người thu gọn đồ đạc rồi đưa nhau đi lần về phía cửa soát vé. Mười lăm phút
nữa chuyến bay của nàng sẽ cất cánh. Đứng sát nhau, lần đầu cũng là lần
cuối. Có một chút bồi hồi như khói bốc lên từ đôi mắt. Cả hai tìm lời để nói
mà rồi chỉ im lặng. Hành khách lần lượt đi hết vào cửa hành lang. Tới phiên
nàng, X. dợm bước thì bỗng nhiên ngừng lại, quay nhìn người thầy cũ rồi hỏi rất
nhanh mà thầy có gặp lại chị T. không? Có. Người học trò đưa tay nắm lấy cánh
tay người thầy cũ. Bàn tay lạnh và hơi thở nồng. Người thầy nói nhanh như sợ
không nói kịp. Em để tôi giữ món nợ này. Thôi em đi cho may mắn. Đến bây giờ
thì X. khóc thiệt. Giọt nước mắt không cầm giữ nữa chảy ra thay lời chào cuối.
Rồi nàng quay đi. Người thầy cũ đứng ngó theo, vẫy vẫy tay khi nàng nhìn ngoái
lại. Cái áo xanh sau cùng lạc mất giữa đám đông. Ông quay lưng bước đi chậm chậm
về hướng đường bay của mình, lòng trống trải đến thấy lạnh. Câu hỏi chót của cô
học trò cũ làm ông bỗng buồn đến thừ người ra. Ông mặc chiếc áo khoác vào người
rồi tấp vào ngồi trên chiếc ghế bành sát vách kiếng ngó ra phi đạo. Ngoài đó có
chiếc máy bay vừa cất cánh. Đường lên trời thẳng vút, hai lằn khói trắng bay
theo như gá đỡ cho đôi cánh tìm mây. Bỗng nhiên ông thấy mệt mỏi như mới vừa chạy
lên một dốc núi thiệt cao. Quả tình ông không ngờ mối tình câm đó bền như vậy.
Ông cảm thấy có một nỗi ân hận nào đó đùn lên như ổ mối ngay giữa lòng, mỗi lúc
một lan ra đến bít kín hết mọi lối thoát. Giống hệt như cái lần ông trở
lại khu nhà cũ, mọi người đã bỏ đi hết, chỉ gặp được T., cô bạn cũ mà trước khi
đi X. đã nhờ trả lại cho ông cuốn sách mượn từ hồi nào mà ông không còn nhớ nữa.
Cầm gói giấy dầu, ghé lại ngồi bên bờ sông khi chiều đã xuống hết bên kia hàng
cây xơ gió, lòng ê ẩm đau. Đến chừng mở quyển sách ra coi ông mới biết đó là
quyển Đoạn Tuyệt của Nhất Linh. Lật lật vô tình mấy trang sách, bỗng nhiên ông
thấy có một dòng mực đỏ khoanh dài. Chỗ đó kể lại buổi gặp cuối cùng của hai
nhân vật chánh và câu được khoanh đỏ là câu của cô Loan nói với Dũng khi hai
người sắp xa nhau. Chỉ có em là người khách nợ đến sau cùng là anh chưa
trả. Trời ơi câu nói nghe đến mủi lòng. Vâng có những món nợ mà dù người
ta có thiện chí cách mấy cũng không trả được nữa. Nợ cứ mang theo đến chết thì
thôi. Buổi chiều đó ông buồn tới bỏ luôn cả bữa cơm khách người bạn thân đã dặn
mời. Rồi xé vụn cuốn sách cũ ném xuống dòng sông cho trôi mất. Ông thả bộ đi
lang thang qua mấy con phố vắng, thấy lạ như đến một xứ không quen. Khu chợ tối
om, người ta đã bỏ đi không thương tiếc. Những con phố đã có một thời vui lắm.
Vui vì có đủ hết. Tuổi trẻ, nghề nghiệp, bạn bè, học trò và mối tình đẹp như
sương như khói. Mối tình ông đã chăm chút như đóa phù dung buổi sớm, không dám
chạm nhẹ dù chỉ một chút nâng niu vì sợ sao cánh hoa mong manh quá. Vậy mà rồi
cũng mất hết, giờ này chỉ còn trơ lại có mình ông, hồn xác dập đau như lá mục.
Câu văn viết đâu từ mấy chục năm trước bây giờ nghe sao ray rứt như ai nói bên
tai. Cô học trò giỏi quá. Chọn đúng phóc. Khổ một nỗi, lời trách móc mà không
nghe ra đay nghiến, chỉ nghe như tiếng rơi của một giọt nước mắt lẻ mọn. Ông
không nhớ được trong sách tác giả đã tả cô Loan nói năng thế nào chớ còn ở
đây, giữa buổi chiều sương xuống chập chùng, ông nghe lại câu nói đó sao chỉ giống
một tiếng thở dài, rất thầm, y hệt cái hình ảnh tủi hờn của “ngọn nhang tàn thắp
khuya” hắt hiu trong mấy câu ca dao cũ. Tội tình làm sao đến không một
tiếng trách. Chỉ than thôi nên lại càng đứt ruột hơn nữa. Ông đi qua công
viên, quán nước, chiếc cầu sắt rập rình… như để tìm lại chút dấu vết cũ. Nhưng
thật ra có một dấu vết nào đâu cho ông tìm lại. Bởi vì cuộc tình đó trái lẽ lắm,
ngay cả một hẹn hò vớ vẩn cũng không. Cuộc tình đó dị thường lắm, nó chỉ có thật
trong tâm tưởng mà thôi. Cho nên mất rồi người ta còn thấy tiếc nhiều hơn là
có mà rồi để mất. Có một lúc ông thấy ân hận vô cùng. Hồi đó… phải chi… Cô học
trò đã không dám trách. Chớ còn ông, ông có đáng trách hay không? Cái câu hỏi
oái oăm đó, bây giờ, trong buổi trưa lỡ đường giữa chừng một xứ lạ, lúc tuổi đời
đã không còn trẻ nữa, lại trở về làm ông thấy chới với. Ông có đáng trách
không ? Ông ngồi đó, ngơ ngẩn.
Mãi
cho đến khi chuyến bay đã đưa ông lên tới giữa lừng trời, mây đùn từng bụm trắng
lênh đênh, ông vẫn còn ngơ ngẩn. Ông có đáng trách không?
Ông
có đáng trách không?
Cao
Vị Khanh
Cuộc tình như gió như sương
ReplyDeleteTưởng bay đi mất mà dường trong tim
Tưởng đâu nằm ngủ im lìm
Nào ngờ sống dậy như nguyên đọa đày