Links

Friday, September 28, 2018

Đồng hương

Nguồn Sáng Tạo
_________________

Hồ Đình Nghiêm




Một chiều hè chẳng oi bức vào năm 2011 xa xưa, tôi đi bộ dọc con phố chính của Montréal, đường Saint Catherine. Đợi đèn chuyển màu ở một ngã tư, tôi ngó thấy bìa một cuốn sách mỏng nằm khiêm nhượng, chẳng bắt mắt dựng đặt đằng sau cửa gương một hiệu sách. Đèn xanh, bộ hành lần lượt đặt chân xuống những vạch sơn trắng ám trên mặt lộ để tiếp tục sải bước nhàn du (không mục đích?). Riêng tôi, nhàn cư vi có việc, không toan tính, tôi đi lại mở cánh cửa để lách thân vào một không gian bao giờ cũng nhốt chật một bầu khí quyển thơm tho luôn thu hút, luôn gợi mời, luôn hấp dẫn. Và tôi đã mó tay tới “RU”.

Chẳng tuân thủ chuyện nhập gia tuỳ tục, tên tác giả in đủ, không đành lòng đánh rơi dấu sắc. Kim Thuý hẳn hoi. Đích thị là người Việt. Mặc dầu trong trí tôi vừa mọc lên sự tiếc uổng về cách trình bày bìa. Quá khiêm nhượng, từ màu sắc cho đến tên tác giả. Chữ Kim Thuý (tên hay mà, hay hơn Thuý Kiều là chị em là Thuý Vân) giá mà nó lấn “đất”, lớn bằng một phần mười cái tựa đề ấy thì đẹp biết bao. Nhà sách vắng người, không có cảnh sắp hàng, tôi đặt cuốn Ru lên quầy và việc mua bán diễn ra chẳng quá ba mươi giây, êm thắm. Bonjour. Merci. Bye.

Toàn bộ bề dày cuốn sách là 146 trang, được viết bằng Pháp văn, mặc dù vậy tác giả giữ nguyên động từ “Ru”, giữ thứ chữ “độc cô” Việt ngữ nầy làm nhan truyện. Dân nói tiếng Pháp thôi hiếu kỳ, họ sẽ được đả thông ở trang 7: Tiếng Việt nghĩa là “berceuse” hoặc “bercer”. Khi đó, tôi không khỏi nhớ tới cuốn truyện dài thành công của nhà văn Duyên Anh năm xưa: Điệu Ru Nước Mắt. “Ru” tôi đang nắm trong tay có chan nước mắt chăng? Không biết mình tiếp cận nó có dễ dàng? Bởi tác giả là người đồng hương tị nạn giống tôi mà lại viết bằng ngôn ngữ thứ hai, thứ tiếng mà người di dân đang cực lòng thích nghi, học hỏi, trau dồi lời ăn tiếng nói để mưu sinh. Không có một băng giấy nhỏ bao quanh in đôi dòng quảng cáo, chẳng có lời rào đầu của một nhà văn bản xứ giới thiệu như chúng ta thường thấy ở ngoại hình các cuốn sách khác. “Ru” trần trụi. “Ru” có vẻ lẻ loi. Thú thật, tôi mua “Ru” vì hai lẽ: Kim Thuý cũng vượt biển như tôi và Kim Thuý đang sống đâu đó ở Québec hoặc Montréal. Thấy gần gũi, nghe thân cận. Trước tiên là vậy. Và chỉ có bấy nhiêu. Mọi thứ khác hẳn hạ hồi phân giải.
Tác giả sinh ở Sài Gòn vào năm Mậu Thân 1968. Cùng gia đình vượt biển từ Rạch Giá năm 1978, có nghĩa là mang phận thuyền nhân khi lên 10 tuổi. Định cư ở Québec, kiếm sống bằng đủ nghề và tốt nghiệp về ngành Luật. Bản thảo “Ru” do một người bạn mang đi ký gửi ở những nhà xuất bản, để không lâu sau, năm 2009 cơ sở Libre Expression ở Québec chấp thuận và nhận in vào tháng 7 năm 2010.
Có thể xem RU là một tự truyện, liên khởi những hồi ức khi phải sống xa đất mẹ. Những manh động chằng chéo, một sợi chỉ đứt đoạn đang ra công ngồi nối lại độ dài nối kết từ Canada lần tới Việt Nam. Ngay dòng chữ khởi đầu, tác giả viết như một bản tự khai nhằm giới thiệu về mình. Ngày chào đời, bỏ xứ ra đi, nói tới những thành viên thân cận trong gia đình. Những khó khăn phút đầu hội nhập… Tất cả được viết bằng giọng văn trong sáng gần như đơn giản, mạch lạc nhờ vào một nhãn quan mang đầy tính hồn nhiên, cố giữ sự trung thực khi thuật chuyện, không trau chuốt. Không cường điệu, chẳng đẩy tình huống đi vào ngõ bí, không chú tâm làm cho căng thẳng hoặc rắc rối. Và như vậy “Ru” cách xa với thể loại hư cấu, hiện thực huyền ảo, không đào bới tới sự tưởng tượng phi hiện thực. Một người có cách thức kể chuyện hay mà lôi cuốn, người đó chẳng cần phải thêm mắm dặm muối. Kim Thuý chú trọng tới sự đơn sơ và cô thích chứng minh cho người xem: Một vẻ đẹp tự tại chả cần tới phấn son, cầu kỳ. Điều này, vô tình hoặc có chủ ý, trên suốt những trang chữ, thứ bi kịch của cái gọi là thảm trạng thuyền nhân, mặc cảm các thứ vẫn quá nhẹ so với những mưu cầu cốt hoàn thiện về một cuộc sống mới, gặt nhiều cơ hội khi được hoà mình vào trong xứ sở tự do.


Nhà văn Kim Thúy
Là một thuyền nhân vượt biển sau Kim Thuý hai năm, đã chất tuổi đời trên lưng nhiều gấp ba lần Kim Thuý, là một đứa tị nạn cộng sản không giỏi tiếng Pháp bằng cô, tôi đọc “Ru” mà mất đi khá nhiều lòng mong đợi, rằng lý ra tác giả phải làm đầy ắp cái “ba chìm bảy nổi” trong khi kể về cảnh ngộ một kẻ bị (hay được) khoác áo boat people. Và “Ru” trước tiên cũng như sau cùng, viết ra chỉ nhằm cho độc giả phương Tây đón đọc. Tôi tiếc uổng duy chỉ một điều: Kim Thuý là một thuyền nhân quá may mắn. Sau lưng Kim Thuý, cả một rừng người bất hạnh bị vùi thây dưới lòng biển cả, xiết bao đau thương hơn cả một “điệu ru nước mắt”. Được biết thêm, cô có trở về Việt Nam làm việc trong bốn năm, ở Hà Nội.
Mấy hôm gần đây, tên Kim Thuý được cộng đồng người Việt xa xứ nhắc nhở trong hân hoan bởi tên cô lọt vào trong 4 ứng viên trên tổng số 47 người được đề cử cho “Giải Thưởng Mới Trong Văn Chương” (the New Prize In Literature). Giải này tạm thời thay thế cho Nobel văn chương 2018 do bởi đã có những vết nhơ, scandal liên quan tới ban giám khảo- hàn lâm viện Thuỵ Điển vừa cho biết.
RU được dịch sang 27 thứ tiếng khác biệt. 27 quốc gia “cha căng chú kiết” có quyền đọc “Ru” nhưng tiếng Việt, quê hương tác giả, thì hổng có. Giải thích điều này, Kim Thuý nói: “Có lẽ vì tôi viết về đề tài vượt biển? Một chuyện “khó nói” ở trong nước”.
Trả lời báo National Post, tác giả “Ru” tâm sự: “Viết văn chỉ là một sự tình cờ. Tôi không chọn văn chương mà văn chương đã tự tìm đến tôi”. Bà cũng thẳng thắn: “Tôi không hy vọng thắng giải, vì đứng bên tôi có Neil Gaiman người Anh cũng như Haruki Murakami của Nhật, những nhà văn dày dặn kinh nghiệm trong khi tôi chỉ mới khởi đầu cuộc hành trình của mình”.
Kim Thuý có nhắc tới Haruki Murakami (nhà văn tôi yêu thích) làm nhớ lại một tác phẩm mới của ông nhà văn Nhật này. Tác phẩm Kishidancho Goroshi, được chuyển dịch thành Killing Commendatore. Cuốn tiểu thuyết bị xếp vào hạng 18+ khi vào thị trường Hong Kong vì những đoạn văn mô tả về tình dục quá sức bạo liệt, bị xem là ấn phẩm thô tục. Sách được bọc giấy kiếng ở hiệu sách, nếu muốn mượn ở thư viện người xem phải trình thẻ căn cước chứng minh trên 18 tuổi. Tuy nhiên, khi sách sang tới Trung quốc thì tình cảnh lại khác hẳn, chỉ trong những ngày đầu (từ 10/3/2018) cuốn sách “đồi truỵ” ấy được bán đi trên 700.000 cuốn. Ở Thượng Hải, một cửa hiệu sách giới thiệu tác phẩm đó đã có hơn 2.000 người sắp hàng vào mua, sẵn dịp để xin chữ ký của dịch giả. “Văn chương phải mở ra được những chân trời khác với cuộc đời nhàm chán này. Tôi không nghĩ là Haruki Murakami bị sa lầy, người đọc đã vô tình quên đi khía cạnh thơ mộng luôn tải đầy trong văn của ông ta”. Một độc giả đứng sắp hàng đã phát biểu cảm tưởng như trên.
Vậy thì, sự thưởng văn vốn là thứ bất khả tư nghì. Người khen kẻ chê, chuyện ấy xưa nay vẫn diễn ra, như kiểu vào nhà hàng ăn có người xuýt xoa hít hà lại có đứa ơ hờ tuồng không hợp khẩu vị. Mới hôm qua, trời chuyển sang Thu, tôi lại buồn chân “bát phố”. Đi ngang qua cửa hiệu sách ngày nào vớ được cuốn “Ru”, giờ phát hiện một đổi thay: Nhà sách vẫn còn đó nhưng hiện tại nó bị xắn làm đôi, thu bé lại; nửa kia đèn đuốc sáng loà chuyên trị nữ trang, hột xoàn, đồng hồ đắc tiền cỡ Rolex của cựu hoàng Bảo Đại và bút máy bơm mực giá tối thiểu 1.500 gia kim một cây. Đã bị lấn đất dành dân, giang sơn đã cắt làm đôi vậy mà nhìn vào cửa hiệu sách thì chỉ loe ngoe đôi ba mạng chắp tay lỗ đít đi thơ thẩn mặt mày coi bộ không ham đọc sách in trên giấy. Thời buổi lạ kỳ! Sách vở và vòng vàng kim cương, chúng nằm sánh đôi và xem chừng chúng không hề là thứ nằm trong ý nghĩ của nhà văn Trung quốc Mạc Ngôn khi viết nên tác phẩm nổi tiếng: “Báu Vật Của Đời”.
Tôi mang cùng ý nghĩ với Kim Thuý: “Không hy vọng được lãnh giải…”. Một nhà văn chân chính, thường họ chẳng màng tới sự vinh quang kia. Haruki Murakami là một bằng chứng, lần nào người ta cũng xướng tên ông lên, những là ứng cử viên sáng giá, để rồi sau đó chả ai thèm nhắc tới. Ông ấy vẫn chăm viết, vẫn chẳng lấy đó làm điều và đọc giả trung thành của ông thì nhiều biết cơ man nào mà đếm xuể
Là người Việt, tôi xin được chia vui cùng tác giả Kim Thuý. Khi thế giới đề cử bà là một trong 4 thành viên có cơ may đoạt giải, chỉ chừng ấy thôi là đã đủ hãnh diện rồi. Đã mát dạ mát gan rồi, đã đủ sức “ru” cộng đồng người Việt lưu vong đi vào một giấc mộng êm đềm, dù nhỡ hạ hồi câu chuyện không dẫn tới happy ending. “Ru em cho thét cho muồi, để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu…” Tôi ăn không được lá trầu có têm vôi bên trong, nghĩ là nó cay đắng vô cùng. Trầu cau cũng có sự tích chua chát đầy bi kịch của nó, mà tôi, tôi nào được tích sự gì đâu! Hồi nào “Ru” được nhà nước cởi mở thông thoáng cho in ấn bản tiếng Việt, lúc ấy tôi xin được cà kê dê ngỗng dài lời hơn. Trong khi chờ đợi, dù không ai ru, tôi cũng trùm chăn đi thét đây.
Hồ Đình Nghiêm
26/9/2018
Nguồn: Tác giả gửi

No comments:

Post a Comment