Năm giờ sáng thứ hai chuông điện thoại từ front desk gọi tới để đánh thức chúng tôi. Mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng từ hôm qua, mọi thứ cần mang theo được cho vào những cái valise nhỏ, quần áo mặc ngày hôm đó được bà xã móc trước cửa nhà tắm cho nên tui chỉ cần ít phút là xong phần mình. Bà xã tui hằng ngày hay "nướng bánh trên giường" nhưng có việc gì cần vẫn thức đúng giờ quy định. Chuông điện thoại vừa reng là nàng đã tốc mền ngồi dậy rồi. Hay thiệt nha.
Chúng tôi gặp nhau năm giờ rưởi ở lobby khách sạn để check-out. Check-in khách sạn chưa đầy 5 phút 1 người, check-out còn lẹ hơn 3 phòng chưa đầy 5 phút. Tui định qua bên phòng ăn khách sạn để tìm một chút gì lót dạ nhưng mà 6 giờ sáng người ta mới bắt đầu phục vụ còn gần nửa giờ mới có đồ ăn. Tui bước qua đó chỉ thấy bà Mỹ già đang lui cui sửa soạn nên "good morning" một cái rồi theo mọi người ra xe để đến nhà Đông Hương nhập bọn...
Chúng tôi đến đó còn trước giờ hẹn những 15 phút đồng hồ, Vừa bước xuống xe chưa kịp bấm chuông cửa thì xe của thầy Thạch cũng thắng trước sân nhà. Đúng là người Mỹ có khác.
Tui lâu nay nghe ở đâu đó 2 vế đối:
- Không ăn đậu, không phải người Mễ
- Không đi trễ, không phải Việt Nam.
Hôm nay hơi quởn nè vậy xin phép quý vị cho tui lạm bàn qua cái câu đối trên một tí nghen.
Thông thường thì bất cứ vấn đề gì được đưa ra công luận thì cũng có người binh kẻ chống, huống hồ chi là nói tới những thói quen của cả một dân tộc để người ta nhìn vào mà đánh giá thấp hay cao cả một dân tộc đó.
Chuyện người Mễ Tây Cơ có thích ăn đậu hay là dùng đậu để thay gạo hay không thì tui không biết mà cũng không bàn tới làm gì. Đó là chuyện của họ. Nói tầm phào người ta chọi cho một nắm ớt bị phỏng mặt thì đừng có than trời. Tui chỉ "bình loạn" cái vụ đi trể của người Việt mình để mua vui thôi chứ thật ra đối với tui nó không có gì là quan trọng hết, bởi vì chổ hội họp đông người tui ít có tới lui, đám cưới đám hỏi thì cũng năm khi mười họa mới có người mời, còn nhậu nhẹt thì giả từ vũ khí lâu rồi thế cho nên:
Lâu lâu đi dự một lần
Một lần đi dự chờ gần hụt hơi
Sáu giờ tui đến chổ mời
Chờ hơn tám rưởi rả rời tay chân
Đón người xa, đợi kẻ gần
Lần sần một bóng biết mần gì đây???
Nói thì nói vậy chứ cái chuyện "bình loạn" nầy thì em chả dám. Nói lạng quạng sẽ có người mắng "Thứ đồ cà chớn gió" biết cái gì mà bày đặt làm tàng. Người ta đi trể là tại vì người ta có lý do chánh đáng phải đến trể. Thường thì tại vì hôm ấy bận đi làm, đường xa, kẹt xe, vợ đẻ con đau nhà ngập nước nên buộc lòng phải tới trể thôi vậy mà cũng bắt bẻ. Nhưng cái lý do thầm kín họ dấu trong lòng thì không ai chịu nói ra hết. Hôm nay tui khui thử xem có bao nhiêu người chửi nghen.
Người ta mời đám cưới cái thiệp gởi tới ít nhất là hơn tháng rồi, hội ngộ bạn bè thì cũng hay tin trước cả mấy tháng trời còn reunion mấy năm mới có 1 lần tại sao không sắp đặt thời gian để chuyện đi làm khỏi bị ảnh hưởng? Nếu làm hảng xưởng ta lấy ngày bệnh, lấy vacation hay là đổi ngày với người làm chung..Còn tự làm chủ thì đóng cửa nghỉ 1ngày cho thư thả, nếu tiếc của thì mở cửa nửa ngày thôi có ai cấm mình đâu? Đường xa thì hỏi Google để biết có bị kẹt xe hay không nếu kẹt thì dự trù giờ khởi hành sớm hơn một tí như vậy thì làm sao có trở ngại được? Không có cách gì đến trể hơn 2 tiếng đồng hồ được. Chỉ một lý do duy nhất là muốn đi trể để thiên hạ chờ mình chơi. Cái nầy là căn bệnh bất trị của các "tai to mặt bự" họ tự phong cho mình là cái rún của vũ trụ, là nhân vật số 1 thiếu họ thì tất cả phải đình trệ.
Nó y như một người đứng làm trong một cái hảng sản xuất dây chuyền. Một người chậm là cả cái line đó bị đình trệ theo. Nhưng mà làm cho Mỹ nếu làm chậm trể để cái line bị trì trệ thì người ta cho nghỉ việc ở nhà gở ghẻ rồi. Còn đi trể mà không báo trước cho dù có báo đi chăng nữa một vài lần đầu thì cảnh cáo sơ sơ đến lần thứ 3 thì nhận thơ cảnh cáo kèm theo vài ngày nghỉ không lương, bước sang lần thứ tư thì xách gói ra về "báy bay" ở nhà mặc tình muốn đi giờ nào đi. Còn đi xe, đi phà hay đi máy bay mà đến trể giờ thì ở lại ngáp gió chứ có ai chịu khó chờ mình đâu? Ai cũng biết như vậy hết cho nên với người Mỹ thì họ đi đúng giờ chỉ với Việt Nam thì họ lại bắt chờ chơi vậy mà. Cái chuyện đi trể có nhiều điều thú vị lắm nói hoài hỏng hết mà tui bị ngứa lổ tai rồi chắc là có ai đó rủa lầm bầm vậy thôi để tui sửa soạn lên xe đi Victoria không thôi anh Tiến bỏ lại thì khổ thân già.
Theo sự sắp xếp của ban tổ chức hôm qua thì xe 1 anh Đông lái có 6 người tất cả Đông, Hương. Thầy Nhựt, cô Đường Năm và anh chị Sanh, Nga. Xe 2 có 5 người. Thầy Thạch, cô Hoàng Khanh, em Yiễm, Xuân Hồng do Bé La lái. Xe 3 do đệ nhứt cao thủ lái xe Hồ Đức Tiến điều khiển cũng có 5 người Ngọc, Tiến, Kim Thanh cùng vợ chồng tui. Tính ra xe nào cũng rộng rinh, dư chổ không như lần trước đi Montreal chật cứng hổng có chổ chứa đồ.
Mọi người đã chuẩn bị đầy đủ kể cả đồ ăn sáng do đầu bếp Hồng & Nga mang theo. Nói nhỏ cho mọi người nghe nha đi đâu mà có chị Nga thì khỏi lo cái bụng biểu tình bây giờ có thêm Xuân Hồng nhập bọn nữa thì cánh đàn ông bọn tui lên cân là cái chắc rồi.
Đúng 6 giờ là Bé La vọt trước anh Tiến còn đang lui cui tìm Kim Thanh thì Hương Bóng Mát cho hay nàng Thanh đã theo xe Bé La để được ngồi kế tài xế rồi, bởi vì cô nàng không được lái xe nếu ngồi phía sau thì thường hay "cho chó ăn chè". Cái bịnh nầy giống y chang tui nên 2 người không thể đi chung một xe được. Chúng tui tức tốc vọt theo cho có bạn.
Phải công nhận một điều đó là đường xá của 2 tiểu bang Oregon và Washinton rất tốt, tốt gấp mấy lần California. Trong thành phố hay ngoài xa lộ đường đều láng vo tìm một cái ổ gà hay đường nứt đỏ con mắt cũng không thể nào có được.
Từ nhà Đông Hương chúng tui bắt xa lộ 205 chạy một đổi thì chuyễn sang Free way 5 rồi nhập vào 101. Cái xa lộ 101 nầy kéo dài xuống California chạy cặp bờ Thái Bình Dương qua khỏi Los Angeles phong cảnh rất là đẹp ai có đi qua cũng đều khen tuy con đường sau nầy có nhiều vết nứt và không êm ả như mấy mươi năm về trước. Còn cái đoạn phía trên Oregon và Washinton nầy thì được tu sửa nên rất mới, nhựa đường đen mun xe chạy êm đềm như đi trên thảm nhung...
Đi du lịch xa bằng xe nhà mà lại đi nhiều chiếc các nàng rất sợ lạc mất nhau. Nhưng chuyện lạc nhau là thuở xa xưa kìa còn bây giờ có đi một đoàn cả chục chiếc cũng không có cách nào lạc được.
Ngày xưa không có điện thoại cầm tay chỉ có car phone cho những chiếc xe xịn mà thôi còn dân đen một khi lên xe thì vô phương liên lạc với nhau. Cho nên đi du lịch bằng xe thì phải chạy theo đuôi trên xa lộ rất là nguy hiểm. Bây giờ thời buổi tân tiến trên xe mướn thì có GPS cày đặt sẵn để chỉ đường, đi xe nhà thì có Google Maps trong điện thoại cầm tay cho nên mạnh ai nấy chạy đến điểm hẹn mà không cần phải bám đuôi trên xa lộ. Chẳng những vậy mà ngồi trong xe y như là trong tổng hành dinh đang lo việc chỉ huy ngoài mặt trận. Học Trò Xưa hết 8 chuyện với Xuân Hồng ở xe số 2 thì quay qua xe số 1 đấu láo cùng Hương bóng mát. Câu chuyện Kim Trúc vừa có Passport là cái tin nóng hổi được các nàng bàn cải sôi nổi. Người thì đề nghị xúi Kim Trúc đến thẳng Victoria rồi gặp nhau ở đó, nhưng không biết cái phi trường ở Victoria như thể nào lại sợ Kim Trúc lớ ngớ một mình rồi bị anh chàng nào đó rinh mất thì rắc rối cho nên giải pháp để Châu Thị Bé lo đở vài hôm là ổn thỏa nhứt.
Theo chương trình đoàn xe đi chừng 2 giờ thì tìm trạm nghỉ ngơi giải quyết bầu tâm sự cũng như họp lại ăn sáng cho vui mà 3 chiếc xe đang trên freeway nên các nàng lia chia hỏi nhau:
- Xe mi tới đâu rồi? Có thấy cái rest area phía trước không? Vậy thì mình hẹn gặp nhau ở cái kế đó nghen...
Hẹn vậy mà sau 2 giờ lái xe bọn chúng tôi cũng đến đúng bon ở trạm dừng chân để nghỉ ngơi và ăn sáng.
Công nhận cái xứ Mỹ nầy có nhiều thứ đã thiệt nghen. Đi xa lộ xuyên bang lâu lâu người ta thiết lập một trạm nghỉ gọi là Rest Area nơi đó có cầu tiêu, bồn rửa mặt, băng ngồi.. đủ thứ nghỉ ngơi trên đời. Xung quanh thì cây cối mát mẻ chổ đậu xe rộng rải như một cái công viên để người ta thư giản sau nhiều giờ căng thẳng vì xe cộ trên đường. Chả bù ở Việt Nam mình đi xe về quê muốn tè thì cứ tấp vô lề đường tìm đại chổ nào vắng vắng rồi hè nhau xuống mà tưới cỏ cho lá nó vàng chơi. Còn mắc tè ngay khu chợ phải ráng nín đở chờ ra khúc trống mà không chờ nổi thì són ra quần hi..hi...
Ăn sáng nghỉ ngơi tán dóc một hồi thì chúng tôi lại tiếp tục lên đường. Lần nầy thì anh Đông hẹn gặp nhau ở trạm nghỉ sau cùng trước khi qua phà sang Cacada, ăn trưa ở đó rồi đổ xăng luôn cho nó rẻ chứ sang xứ cà na người ta tính giá tiền bằng lít mắc hơn bên mỹ nhiều..
Sau 11 AM 3 xe chúng tôi đều đến cảng Port Angeles của Washinton để chuẩn bị xuống phà qua Victoria British Columbia. Từ port Angeles phải đi bằng phà qua Victoria mất 90 phút. Chiếc Black Ball có lịch trình chạy mỗi ngày khác nhau tùy theo mùa, tùy theo tháng trong năm. Có lúc nó chỉ chạy 1 chuyến ngày có khi ngày 2 chuyến tăng dần đến 4 chuyến cũng có một khoảng thời gian nó không chạy chuyến nào cả đó là ngày Jannurary 14 - February 6 "Annual Dry Dock".
Vì thế muốn qua phà phải xem trước thử coi cái lịch trình của nó như thể nào. Đa số là 2 chuyến mỗi ngày từ tháng 9 tới tháng 11. Nó khởi hành chuyến sớm nhất là 8: 30Am và chuyến thứ nhì 2:00PM. Dù có mua vé phà qua online hay qua điện thoại cũng cần đến trước giờ khởi hành vì chiếc Black Ball đôi khi ra quy định ai tới trước thì đi trước hơn nữa nó rất đúng giờ mà cơ quan kiểm soát cũng cần có thời gian để làm thủ tục nhập cảnh ở cả 2 phía nước Mỹ và Canada.
Đi trể giờ thì nằm chờ qua hôm sau.
Hôm đó thì lịch trình của Black Ball gồm 2 chuyến khởi hành từ Port Angeles lúc 8:30 AM và 2: PM chúng tôi đến đó mới hơn 11 giờ tức là phải chờ hơn 2 giờ nửa thì mới tới chuyến kế. Vì vậy mà chúng tôi có thời giờ tản bộ để ngắm phong cảnh hữu tình của hải cảng Angeles. Đi lòng vòng một hồi mỏi chân chúng tui bèn vào tham quan cái trạm kiểm soát người nhập cư. Ở đây có những dãy ghế xếp như một cái hội trường để cho những người đi phà ngồi chờ nhân viên kiểm soát biên giới làm thủ tục vào Mỹ ngoài ra nó còn một cái bảo tàng nhỏ ghi lại lịch sữ của chiếc phà Black Ball nói chung cũng có khá nhiều cảnh để cho người du lịch chụp hình làm kỷ niệm.
Có bước vào cái bảo tàng viện của Black Ball mới biết được chiều dầy lịch sữ của nó dài tới 200 năm gần bằng lịch sữ thành lập của nước Mỹ. Kể từ năm 1818 do Captain Charles H. Marshall thành lập và chuyên chở từ New York đến Liverpool. Mãi đến năm 1959 thì tuyến đường Port Angeles tới Victoria mới ra đời. Hiện nay thì Black Ball Ferry Line do Oregon State University Foundation sở hữa chủ.
Khoảng 1 giờ hơn thì chuyến phà từ Victoria sắp trở lại Port Angeles từ đàng xa đã nghe tiếng còi nó hụ vang trời mọi người trở lại xe của mình ngồi chờ. Nhân viên trạm kiểm soát biên giới tới từng chiếc xe xem xét, sau đó 1 người đại diện cầm tất cả các giấy tờ vô bàn hải quan cho người ta đóng dấu.
Khoảng 1:30 PM thì xe cộ dưới phà bắt đầu lên, chừng 15 phút sau thì xe ở trên bờ bắt đầu đi xuống. Đúng bon 2 giờ chiều thì tàu rời bến.
Chiếc Black Ball rất lớn có chiều dài 104 mét rộng chừng 22 mét chứa hơn 1000 hành khách và chở được trên 115 chiếc xe mỗi lần. Vận tốc cũng khá nhanh ước độ hơn 17 miles một giờ.
Nhưng đi trên tàu tui vẫn còn thấy nó ngã nghiêng không vững. Chẳng biết mấy chiếc Cruise Ship có khá hơn không.
Trên tàu có đầy đủ tiện nghi từ ghế ngồi, bàn để chơi cờ, chơi bài hay domino lại có cả nhà vệ sinh, nhà hàng và shop duty free bán đồ lưu niệm trên đó...
Tàu ra khỏi cảng chạy trong vịnh thì tui mò ra ngoài hóng gió biển và đi vòng vòng để xem chơi. Tuy là đã hơn 2 giờ chiều nhưng trời lại có sương mù. Nước trên mặt biển từ đàng xa nhìn thì tưởng chừng không một cộng rác nhưng đứng trên boong tàu nhìn xuống thì nó cũng không mấy gì sạch sẽ cho lắm. Chim biển cũng tạm dừng chân khá nhiều trên những tản rác đang trôi. Phía bên kia bờ thì lờ mờ ẩn hiện sau lớp sương mù.
Tàu chạy hơn một giờ thì bắt đầu chuẩn bị vào cảng Victoria.
(Xin hẹn quý vị kỳ tới đi tham quan Vitoria nha )
Sh / LN viết vui ghê, KT thích đọc lắm , mờ cô 5 RG tui cũng không ngờ nhờ bị lộn PP kỳ rồi mà làm cho các nàng có chuyện để tám vui ghê hé hihi, bởi dị tui nhảy mũi muốn gần chết lúc đó ha ha
ReplyDeleteChuyến đi này có vợ chồng Thầy Long đi chung, dọc đường nghe thầy Long kể chuyện này kia cho nên ai cũng vui vẻ chuyện trò vui ghê !HTX
ReplyDelete