_____________________
NGUYỄN NGỌC HOÀNG
Ngôi chùa nằm sâu trong con
đường nhỏ, ngoại ô thành phố Raleigh, bang North Carolina. Chùa mang tên Vạn Hạnh,
cách nhà tôi khoảng 1 giờ lái xe. Thiền sư Vạn Hạnh, người đã phò Lý Công Uẩn
lên ngôi hoàng đế (Lý Thái Tổ), tạo dựng triều đại nhà Lý kéo dài cả 216 năm;
và đã để lại bài kệ nổi tiếng Thị Đệ Tử:
“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
“Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
“Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
“Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Ngô
Tất Tố dịch thơ:
“Thân như bóng chớp, có rồi không
“Cây cối xuân tươi, thu não nùng
“Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi
“Kia kìa ngọn cỏ giọt sương đông
Hàng năm bà xã và tôi đi chùa chỉ đôi ba lần, đêm Giao thừa,
lễ Phật Đản và Vu-lan. Phần ở xa, phần bà xã dựng một bàn thờ Phật ở góc, ngay
trong phòng khách, nên thường lễ tại nhà. Lần này thì ngoại lệ, K. Hoa muốn đến
chùa thỉnh một cái phong linh để treo phía sau nhà. Thứ bảy, cuối tuần bãi xe
không còn chỗ, tôi phải đậu xe dọc ven đường phía ngoài chùa. Khuôn viên chính
điện thật đông người, mùi hương khói ngào ngạt từ xa. Những người quen cười, vẫy
chào nhau, tay bắt mặt mừng. Nhìn khung cảnh chùa, tôi chợt nhớ đến bài thơ “Nhớ
Chùa” của thi sĩ, hòa thượng Thích Mãn Giác:
“... Biết đến bao giờ trở lại
quê
“Phân vân lòng gửi nhớ nhung
về
“Tang thương dẫu có bao
nhiêu nữa
“Cũng nguyện cho chùa khỏi
tái tê
“Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ
lùng
“Ra đi ai chẳng nhớ chùa
chung
“Mái chùa che chở hồn dân tộc
“Nếp sống muôn đời của tổ
tông.
Ngày xưa tôi hay theo bà nội đi chùa, gần như một hai lần
trong tuần. Ngôi chùa ở đầu làng, nằm ẩn trong khoảng sân đầy cây kiểng và tượng
Phật rất đẹp. Tôi thích nhất là tượng Phật Quan Âm với nét thanh thoát, diệu hiền
và trang nhã đứng giữa hồ sen nhỏ. Tuy chưa hiểu những lời kinh kệ, nhưng tôi
thích nghe tiếng tụng niệm vang dìu dặt theo tiếng mõ. Cho đến bây giờ, tôi vẫn
chưa hiểu hết những lời kinh kệ, nhưng mùi hương khói trầm tỏa quyện trong tiếng
niệm vang theo tiếng mõ như đưa tâm hồn ta thoát khỏi mọi bận phiền tục lụy vây
quanh.
Chùa
Vạn Hạnh - Raleigh, North Carolina
Sau khi cùng bà xã thắp hương trong chính điện, tôi hay
đi loanh quanh vãng cảnh chùa và gặp gỡ vài người bạn đồng hương cùng thành phố.
Nhìn nét mặt trang nghiêm của bà xã ngồi niệm Phật trong chính điện, tôi chợt
chạnh lòng. Chừng như suốt cuộc đời, bà ấy có nhiều niềm tin để… khổ. Niềm tin
chồng, tin vào mọi niềm ước vọng của chồng. K. Hoa đã hy sinh một đời làm vợ,
cho mọi mơ ước của tôi được thành hiện thực. Rồi niềm tin vào con, đem tất cả
nghị lực, lòng hy sinh để đưa con tới những tầm với cao nhất mà chúng có thể.
Riêng mình, bà xã tin số phận, tin vào định mệnh đã dành sẵn cho mình. Nhiều lần
tôi nói với K. Hoa, bây giờ đến phiên em tuy muộn, nhưng em muốn làm gì, đi đâu
hay có điều gì muốn thực hiện, hãy làm ngay đi, anh và các con sẽ ủng hộ hết
mình. “Làm gì nữa bây giờ. Tất cả đã trở thành nếp, thành thói quen. Em sẽ
không biết phải làm gì, đi đâu nếu không có anh và con”, bà xã thường nói như vậy.
Một lần tôi “đẩy” bà ấy đi Seattle thăm người bạn gái thân thiết thời “áo trắng”,
hai tuần lễ. Vừa đúng một tuần là bà xã đã đáp chuyến bay về sớm, dù phải tốn
thêm tiền thay đổi chuyến bay! “Tâm sự, đi chơi, ăn uống một tuần là hết chuyện.
Mỗi người đã một cảnh, một góc đời, một cuộc sống. Chỉ còn lại với nhau là ký ức,
là kỷ niệm”, bà xã bùi ngùi...
Trời bắt đầu hanh nắng, hoa cảnh chung quanh chùa rộ nở,
hoa hồng leo, hoa mười giờ, hoa hiên, hoa cúc Thái, hoa ngọc hân.. . sắc màu thắm
tươi, rực rỡ. Đi quanh đã thấy nhiều khuôn mặt lạ, nhiều gia đình thế hệ trung
niên đang dần dà thay đổi đám đông của cộng đồng người Việt ở đây. Hỏi ra, biết
được các anh, các bác phần lớn thời gian đến chùa đều ở phía sau “hậu liêu”, phòng
ăn dưới căn bếp. Đã lui vào hậu trường, cả một thế hệ “tiền phong”, gầy dựng
ngôi chùa thuở chỉ là một mảnh đất trống. Nay thật khang trang, xứng đáng để lại
thế hệ mai sau như một thành quả văn hóa tinh thần như hai câu thơ của hòa thượng
Thích Mãn Giác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc / Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
2.
Chừng như gió và tôi là cả một
duyên nợ. Từ thuở nhỏ, tôi đã yêu những cơn gió đổi mùa mỗi năm. Bên dòng sông
nhà nội, mùa gió đổi mang theo thật nhiều ký ức. Mùa gió đổi của mùa nước nổi.
Nước ngập tràn vào sân nhà trước, lúp xúp mí của căn nhà dưới. Có thể ngồi câu
cá ngay bên cạnh sàn nước hông nhà. Mùa gió đổi của những ngày hè oi ả, nghỉ học
theo đám bạn trong làng đi ruộng cắm câu hay bắt cá lia-thia. Mùa của ngày nước
cạn, có thể đi qua bên kia sông mà không cần phải biết bơi. Mùa của cây trái vườn
sau, từng liếp chôm-chôm sặc sỡ màu, quằng cành ăn trừ cơm. Rồi mùa gió đổi cuối
năm, đồng ngập lúa vàng, mùi thơm của nồi cơm gạo mới. Gió đã theo tôi, thì thầm
suốt quãng thời thơ ấu.. .
Những buổi chiều ngồi lặng lẽ, cặm cụi chấm bài trong lớp
học trống trải, chỉ có lũ ghế bàn và gió vọng phía sân ngoài. Gió hắt hiu của
vùng biển bùn, nặc nồng mùi muối mặn. Gió vẫn thì thầm với tôi, và nay tôi đã
là bạn gió. Có những điều tôi không biết nói với ai hay không thể nói, đành tỉ
tê cùng những cơn gió mùa trở ngọn. Có khi gió thổi từ cuối dãy sân trường. Có
khi gió bắt đầu từ ngoài cổng, thổi dạt dào vào những khe cửa những buổi học rộn
ràng. Trò áo mới mừng đầu năm học; thầy tâm hồn mới cho một đợt “khách qua
sông”! Gió đón người và gió tiễn đưa ai?
“Gió... gió về là về miền
xuôi
“Anh đưa em nước lớn nước
ròng
“Để em qua sông qua suối
thăm chồng
“Gió về miền xuôi qua bốn vịnh
năm vời
“Đò vẫn đưa đưa ngược xuôi
“Em ơi, em ơi!
“Đường về quê ta mấy bước,
đường về quê xa mấy ngõ
“Mà sao người nỡ bỏ quên đường... (Gió Về Miền Xuôi – Anh Việt Thu)
Bên ngoài trời đang trở gió. Tiếng chuông ngân nhịp ngắn
nối vài ba nhịp dài, âm thanh khoắc khoải, thiết tha. Chừng như gió mượn chiếc
phong linh để nói lên tiếng lòng của mình trong vô lượng đất trời, bát ngát. Chừng
như vạn vật đều có một linh hồn, một cuộc sống trong một cõi riêng của nó. Cuộc
sống thay đổi, vạn vật cũng không ngừng đổi thay. Gió phía đông có nhịp thở
không như gió phía tây? Tiếng gió của những buổi chiều bến Trống có còn không
khi những dãy nhà đã thay rừng cây mắn chạy dài theo bãi nước? Có còn không, tiếng
linh hồn gió thì thầm đêm chia tay Rạch Sỏi không thấy rõ mặt người? Gió mãi
theo tôi, mang theo bao nhiêu thao thức bến sông chiều. Có gió len lõi dọc theo
con nước, dãy nhà ven sông cúi bờ kinh Cụt hay chợt loay xoay giữa ngã ba sông
về phía An Hòa? Gió những đêm hè trống vắng
thổi dọc dãy hành lang ngôi trường nhỏ. Có bao nhiêu hình bóng chợt thoáng qua,
một đời người bắt gặp. Như thật, như không. Những linh hồn gió ngày đó đã
phương nào? Vẫn tất bật giữa đời rong ruổi hay đã biền biệt dấu này tiền kiếp?
Cho dù thế nào, gió một hôm trở về như câu chuyện kể.
Tiếng leng-keng ngắn dài chợt rộn rã hơn, linh hồn của gió
như trở về bên tôi “những ngày xưa thân ái”! Có bước chân của T.D, có tiếng cười
của lớp 12D khi nghe tiếng kẻng trường tan học. Đồng vọng đâu đây tiếng gọi
nhau ơi ới cũa thầy trò trong buổi lao động “đào ao” trồng bông súng hai bên
sân trường... Bao nhiêu khuôn mặt, bao nhiêu nụ cười và cả bao nhiêu đôi mắt ướt
long lanh dòng lệ đã qua đời tôi? Tất cả chợt đang về trong tiếng ngân vang
linh hồn của gió? Cảm ơn người, cảm ơn đời và cảm ơn em đã cho tôi những ngày
tháng một đời không tiếc:
“.. . Mang ơn em trao tình một
lần, là kỷ niệm dù không đầm ấm
“Mang ơn em đau khổ thật đầy,
là nắng vàng dù nhốt trong mây
“Mang ơn trên cho cuộc đời
ta, vài vạn ngày gió cuồng mưa lũ
“Trong cơn đau một vùng
hương khói, kéo ta về, về cõi hư vô...
(Tưởng Niệm – Trầm Tử
Thiêng)
Đêm chợt tĩnh lặng, sau vài cơn gió mùa trở nhẹ. Những tiếng
ngân của chiếc phong linh treo sau nhà cũng tắt lịm, thoáng qua. Tôi nằm thẳng,
cố giữ hai vành tai không vật cản, chờ đợi tiếng linh hồn gió sẽ đến bên ngoài.
Dù là một thoáng nhẹ, bạn có nghe, tiếng linh hồn gió của hôm qua. Huyễn hoặc,
vô cùng. Có những tiếng lung linh của linh hồn gió hôm nay? Không thể. Gió hôm nay không thể có linh hồn nếu không phải là
gió của hôm qua. Có lẽ ở một thang tuổi nào đó, chúng ta sẽ dễ ý thức hơn cái
nhỏ bé của hiện tại. Hãy nghiêng tai, lắng nghe lượng từ tâm đất trờI; những
linh hồn gió của bao tháng ngày trôi xuôi một dòng thoáng chợt:
“... Những người muôn năm cũ
“Hồn ở đâu bây giờ ? (Ông Đồ
- Vũ Đình Liên)
NNH
Gió có hồn, bài viết cũng có hồn.
ReplyDelete