2
Hoàng mở mắt vì cái giật của chiếc C130 khi bánh xe chạm phi đạo.
Đèn mờ mờ trong lòng chiếc phi cơ chật hẹp và nồng nặc mùi hôi. Đó là cái mùi đặc
biệt chỉ có trên những chiếc phi cơ chở lính đánh giặc. Mùi mồ hôi, mùi thuốc
lá, mùi quần áo dơ bẩn, mùi thân thể của người lính chiến năm ba bữa hay tuần lễ
chưa được tắm giặt.
– Phi trường Phù Cát đó ông thầy…
Thượng sĩ Bảnh cười nói với Hoàng. Vị sĩ quan trẻ tuổi mới lên
chức thiếu úy được hơn một năm gật đầu. Chiếc C130 dừng lại. Cánh cửa nặng nề từ
từ mở ra. Lính tranh nhau nhảy xuống. Xốc lại giây ba chạc và khẩu Colt 45,
mang ba lô lên vai, Hoàng đứng nhìn phi trường Phù Cát. Cũng có chút khác biệt
so với phi trường Biên Hòa. Đèn sáng mờ mờ. Cũng lều trại. Phi đạo thẳng tắp.
Ăng ten trời cao ngất. Phi cơ trực thăng bay vòng vòng. Đèn nhấp nháy trên trời.
Theo lệnh của Bảnh, trung đội phó, lính tập họp thành hai hàng rồi sau đó nhập
với ba trung đội khác thành đại đội đứng chờ lệnh của bộ chỉ huy tiểu đoàn. Mười
lăm phút sau đoàn công voa xuất hiện. Lính leo lên xe. Một người lính ngồi bên
cạnh hỏi.
Cấp bậc của Hoàng là thiếu úy nhưng lính lại gọi là trung úy. Hỏi
thời họ nhăn răng cười trả lời mai mốt ông thầy lên trung úy mấy hồi.
– Gần một giờ…
– Mình đi đâu vậy trung úy?
– Đi Đức Phổ…
Hoàng trả lời gọn. Xe từ từ lăn bánh.
– Em biết Đức Phổ không?
Hoàng hỏi nhỏ người lính vừa hỏi mình.
– Ở đâu vậy trung úy?
– Đức Phổ là một quận của tỉnh Quảng Ngải, sát với quận Tam Quan
của tỉnh Bình Định…
Há, người lính truyền tin ngồi cạnh Hoàng bên tay mặt góp chuyện.
– Trung úy tôi biết… Nó cũng giáp ranh với quận An Lão…
Thượng sĩ Bảnh xen vào.
– Ngoài đó đang đụng lớn… Bởi vậy mình mới ra đây…
Tuy cấp bậc chỉ là thượng sĩ, nhưng với mười mấy năm lính Bảnh
quen biết nhiều người ở bộ chỉ huy tiểu đoàn, do đó tin tức mà ông ta nói ra rất
chính xác.
– Ê… Tụi bây thằng nào quê ở Quảng Ngải?
– Tôi…
Bung, xạ thủ đại liên lên tiếng. Bảnh hỏi gọn.
– Mày biết Sa Huỳnh không?
– Biết… Chết mẹ rồi… Vậy là mình đánh vào Sa Huỳnh hả ông thầy?
Bung hỏi dồn. Thượng sĩ Bảnh cười cười.
– Tao không biết… Nhưng tao nghe ông Tính nói tiểu đoàn của mình
sẽ giải tỏa quốc lộ 1 từ đèo Bình Đê dài ra tới Đức Phổ… Thôi tụi bây ráng ngủ
đi. Không ngủ là không có sức để lội đâu…
Đốt điếu thuốc Hoàng im lặng nhìn ra ngoài trời đêm. Con đường
xuyên Việt trắng mờ uốn lượn theo khúc quanh. Xa thật xa dãy trường sơn như vệt
đen thẳm chạy dài. Nhà cửa mờ mờ. Chập chờn ánh đèn mù mù. Tiếng máy xe rì rầm
hòa lẫn trong tiếng ngáy, tiếng thở đều đều của những người lính ngủ ngồi trong
xe. Hoàng chợt nhớ tới Sài Gòn. Dù không có người yêu anh vẫn nhớ tới Sài Gòn.
Dường như khi đi xa khỏi thành phố thân yêu anh mới nhớ, mới mong được trở về để
biết Sài Gòn vẫn còn đó. Đêm Giáng Sinh cùng lũ bạn thân chạy rong ngoài đường.
Đó cũng là đêm giáng sinh cuối cùng trước khi chia tay. Mỗi đứa một nơi. Mỗi thằng
một phương trời. Mỗi binh chủng. Mỗi màu áo. Năm thằng bạn thân nhất lớp rủ
nhau đi lính một lượt. Ra trường Tiến về sư đoàn 21. Cương về quân cụ. Toản đi
thủy quân lục chiến. Hà về tiểu khu Bình Thuận. Hoàng về biệt động. Biết khó gặp
lại nhau, năm thằng tận hưởng mấy ngày phép còn lại trước khi trình diện đơn vị.
Mới đó mà tưởng như đã lâu lắm. Hoàng nhớ lần đầu tiên trình diện tiểu đoàn trưởng,
thiếu tá L. Ông ta lắc đầu cười nói với đại úy Tính, sĩ quan ban 3.
– Trời ơi… Tại sao họ giao cho mình ông chuẩn úy không những sữa
mà còn có vóc dáng thư sinh trói gà không chặt. Như thế mà đánh đấm cái gì…
Liếc nhanh ông chuẩn úy sữa mới toanh, đại úy Tính cười cười.
– Tiểu đoàn trưởng đừng lo… Em này coi vậy chứ sạch nước cản lắm…
Mình chỉ cần nhờ thượng sĩ Bảnh rèn chừng nửa năm thôi là tiểu đoàn trưởng coi…
Thiếu tá L. gật đầu tin vào lời nói của vị đại úy coi ban 3.
– Cũng được… Gọi thượng sĩ Bảnh lên lãnh xếp mới của ổng về…
Nước da trắng như con gái, vóc dáng thư sinh, nụ cười khả ái với
chiếc răng khểnh, tính tình hiền lành và trầm lặng; chuẩn úy Hoàng được lính
thương mến và dạy dỗ mọi điều. Anh học từ ông trung đội phó cho tới người lính
binh nhì đủ mọi cách thức, mánh khóe và đòn phép giang hồ để trở thành một người
lính chiến thực thụ, hay đúng hơn một trung đội trưởng chỉ huy ba mươi bảy người.
Trời bắt đầu rựng sáng khi đoàn công voa dừng lại ở Phù Mỹ. Gió
man mát. Hoàng im lặng ngắm cảnh mặt trời từ từ nhô lên trên biển. Sinh ra và lớn
lên nơi Mỹ Tho nên lần đầu tiên ra miền trung anh cảm thấy rất thích thú. Mọi
thứ đều lạ mắt. Cảnh núi non hùng vĩ. Một đỉnh núi vươn lên nền trời xanh về hướng
đông. Anh thấy miền trung thật nghèo so với miền nam. Nhà cửa xác xơ. Nhà lá
nhiều hơn nhà ngói. Lính nhảy xuống xe đi đi lại lại cho giản gân cốt. Nửa tiếng
sau đoàn công voa lại lên đường. Trời sáng nên xe chạy nhanh hơn. Anh ngủ gà ngủ
gật khi xe qua cầu bắc ngang sông Lại Giang mới thức dậy. Đoàn công voa chạy tới
Tam Quan rồi dừng lại lúc xế chiều.
Lính được lệnh xuống xe. Đại đội 1 đi đầu. Trung đội 1 do Hoàng
chỉ huy được lãnh vinh dự mở đường. Lính xì xầm.
– Chết mẹ rồi… Mở đường là mình đụng trước…
Như để cho lính an tâm, Hoàng nói với thượng sĩ Bảnh.
– Ông coi thằng 3 và 4… Để tôi lãnh tiểu đội 1 và 2 đi trước…
Bảnh nhắc chừng.
– Ông thầy cẩn thận…
Gật đầu Hoàng nói với hạ sĩ nhất Tín, tiểu đội trưởng tiểu đội
1.
– Đi em… Anh với em đi khinh binh…
Nở nụ cười toe tét, Tín đùa.
– Chà bữa nay trung úy chịu chơi à nghen… Khinh binh thời khinh
binh… Ẩn mày đi bên trái, tao bên phải, để trung úy đi chính giữa…
Đường nhựa lồi lõm vì bị đào mìn hay đấp mô. Nhà dân chúng thưa
thớt. Sau tết Mậu Thân và tổng công kích đợt 2 của Việt Cộng, vùng này trở nên
tiêu điều, vắng vẻ. Dân tản cư có ít người trở lại quê cũ của họ vì tìm được việc
làm mới có tiền nhiều hơn và nhàn hạ hơn ở Chu Lai hay Phù Cát. Chỉ còn một số
ít người lớn tuổi luyến tiếc với quê cha đất tổ mới trở về để tiếp tục đời sống
cũ. Dựng tạm một căn nhà lụp xụp dọc theo quốc lộ, họ mở quán bán đủ thứ cho
lính và cho đám người đi làm sở Mỹ. Những người khác có ghe thuyền thời làm nghề
đánh cá hay làm muối biển.
Hoàng đưa tay áo lau mồ hôi chảy thành dòng trên mặt của mình. Mồ
hôi thấm vào mắt cay xè, chảy xuống môi mặn chát. Anh chợt nhớ tới bản nhạc của
Trần Thiện Thanh trong đó có câu ” Mồ hôi thành biển mặn trên môi “.
Bây giờ anh mới biết sự ví von và cảm giác của nhạc sĩ họ Trần không sai sự thực
mấy. Mồ hôi ứa ra hai bên nách, chảy thành dòng trên lưng xuống tới lưng quần,
thấm vào mắt cay xè và thấm vào miệng mặn chát. Nắng tháng 8 chói chang dù đã xế
chiều. Đưa bi đông lên hớp ngụm nước nhỏ anh nhìn Tín. Người tiểu đội trưởng tiểu
đội 1 cúi đầu đi từng bước chậm và đều. Khẩu M16 chỉa mũi về trước. Đôi giày bố
đế mòn hơn phân nửa. Bộ quân phục rằn ri rách tả tơi lòi cả chiếc quần xà lỏn
màu xanh bên trong. Đột nhiên Hoàng thở dài. Hình ảnh của Tín là hình ảnh thực
của lính. Nó không phải là hình ảnh mà người ta thấy trên tivi hay xuyên qua
các bản nhạc của một số nhạc sĩ. Hoàng nhớ tới Kính, thằng em bà con của mình.
Tuy gọi là em nhưng Kính lớn hơn anh tới bảy tuổi. Nó đi lính hải quân từ lâu lắm,
từ lúc mà Hoàng còn học lớp đệ ngũ. Một lần nó mời anh đi uống cà phê nghe nhạc.
Khi nghe tới đoạn ” chiều nay ra khơi áo trắng bay trong nắng tà “nó
chợt bật cười ha ha rồi nói nhỏ nhưng đủ cho mấy người ngồi bàn lân cận nghe:
” Anh biết không… Tôi đi lính hải quân chín năm rồi. Tôi đi tàu biển
có, tàu sông có mà chưa bao giờ thấy cái cảnh ” chiều nay ra
khơi áo trắng bay trong nắng tà ” Thằng cha nhạc sĩ viết bản nhạc
này xạo tổ mẹ…” Hoàng cười bênh vực: ” Tại mày không có bồ. Nếu
mày có bồ thời chắc cũng có người đưa… ”
– Trung úy… Trung úy…
Tiếng Há, người lính mang máy truyền tin đi đàng sau vang lên.
Hoàng quay lại đứng chờ.
– Bắc Hải muốn nói chuyện với trung úy…
Bắc Hải là danh hiệu truyền tin của đại úy Bá, đại đội trưởng. Cầm
lấy ống liên hợp của chiếc máy 25, Hoàng nói mấy câu với đại đội trưởng của
mình xong quay qua bảo Tín.
– Mình nghỉ đêm ở đèo Bình Đê…
Tới dưới chân đèo Hoàng ra lệnh cho trung đội dừng lại. Lính la
cà vào nhà dân mua bán hoặc đổi thức ăn. Năm giờ chiều Bá họp bốn trung đội trưởng.
– Tối nay mình ngủ ở đây. Ngày mai đại đội phải giải tỏa
đoạn đường từ Bình Đê dài tới La Vân. Vậy trung đội 1 đánh Sa Huỳnh, trung đội
2 chiếm La Vân, trung đội 3 đánh Phổ Châu còn trung đội 4 giữ đèo Bình Đê…
Nhìn Hoàng, Bá cười thân mật.
– Dân báo tụi Bắc Việt có chừng trung đội ở Sa Huỳnh. Em nên cẩn
thận… Nếu đánh ban ngày không được em đợi đêm hãy đột kích vào…
Trong bốn trung đội trưởng, Hoàng là người trẻ tuổi nhất và ít
kinh nghiệm nhất do đó Bá phải dặn dò và chỉ vẽ nhiều hơn. Một điều nữa khiến
cho Bá biệt đãi Hoàng hơn là cả hai cùng quê với nhau và mê văn nghệ. Khi nào
rãnh rỗi Bá thường gọi Hoàng lên đại đội uống cà phê nói chuyện văn chương hay
đàn ca với nhau cả ngày.
– Trung úy muốn ăn cơm với cái gì?
Há cười cười hỏi cấp chỉ huy của mình. Nhìn nụ cười ranh mảnh của
thằng em mang máy, Hoàng vặn.
– Mày có cái gì?
– Gà rô ti được hông trung úy…
Hoàng cảm thấy nước miếng ứa ra trong miệng của mình khi nghe ba
tiếng gà rô ti.
– Ở đâu mà mày có… Đừng có bắt trộm gà của dân nghe. Họ thưa tiểu
đoàn trưởng ổng đục mày sặc gạch…
Há cười hà hà.
– Bốn đứa tụi tui hùn tiền mua con gà rô ti của bà già bán quán ở
gần Tam Quan… Tui ăn rồi còn để dành cho trung úy nè…
Hà chìa ra bịch lá chuối. Mở ra Hoàng thấy có một cái đùi với
cái cánh gà và gói cơm nếp.
– Đêm nay mình ngáo ở Bình Đê hả trung úy?
Há hỏi trong lúc nhìn Hoàng xé cái đùi gà. Vừa nhai vừa nuốt,
Hoàng vừa gật đầu.
– Ừ… Mình ngủ đây đêm nay… Sáng mai vào Sa Huỳnh…
– Mình đánh Sa Huỳnh hả trung úy?
– Ừ… Ông Bá nói dân báo có một trung đội Vẹm đang ở trong làng…
Há chép miệng.
– Tụi nó đóng chốt khó nhổ lắm trung úy ơi…
Đưa tay áo chùi miệng rồi quẹt diêm đốt điếu thuốc Bastos xanh,
Hoàng nói chậm.
– Tao biết… Nhưng khó cỡ nào mình cũng phải nhổ. Mình phải giải
tỏa quốc lộ 1 từ Tam Quan lên Đức Phổ để cho xe cộ lưu thông… Biệt động mà em…
Há cười thiểu não.
– Bởi vậy tôi mới ham làm lính mũ nâu… Tới chừng dô tròng rồi mới
bật ngữa… Mặc đồ rằn thời cũng oai, cũng le với em thật mà nhiều khi cũng són
đái trong quần…
Hoàng cười hà hà. Chỏi tay ngồi dậy, miệng phì phèo điếu thuốc,
anh nhấc lấy ba lô.
– Tao kiếm chỗ ngáo tối nay… Mày có làm gì không?
Há cười hinh hích.
– Có… Thằng Chơn rủ tôi đi kiếm ghệ với nó…
Hít hơi thuốc, Hoàng dặn chừng thằng em thân tín.
– Mày coi chừng… Tao nghe nói con gái Bình Định giỏi võ lắm… Mày
lạng quạng nó bẻ ống quyển mày làm ống điếu…
Đưa chiếc máy 25 cho cấp chỉ huy, Há cười hí hí.
– Thiếu úy giữ dùm tôi cái của quỉ này nghe… Đi tán đào mà đem
cái của nợ này theo phiền quá…
Hoàng gật đầu.
– Ừ… Để tao giữ nó… Mày đừng có đi khuya quá… Sáng mai mình lội
xa lắm…
Nhìn theo bóng thằng em, Hoàng lắc đầu. Hít hơi thuốc cuối cùng
xong anh dụi tắt rồi nhìn quanh quất tìm một chỗ nào khuất gió để trải chiếc
poncho. Mặt trời từ từ khuất sau rừng cây xanh thẳm. Bóng tối chụp xuống thật
nhanh. Vùng này đồi núi vây quanh. Gió thổi mạnh mang theo cái khí âm u lạnh lẽo
của vùng trường sơn. Gối đầu lên ba lô, co ro trong cái mền mỏng Hoàng nằm nghĩ
ngợi lan man rồi thiếp dần vào giấc ngủ. Mười một giờ đêm Há trở về. Nó lắc đầu
thở dài khi thấy ông thầy quấn poncho nằm ngủ co ro.
Sáu giờ sáng. Hoàng thức giấc vì những tiếng động chung quanh.
Lính cười nói, văng tục, chửi thề cũng như lục đục nấu cơm để chuẩn bị lội từ
đèo Bình Đê tới Sa Huỳnh. Đường không dài lắm chỉ bảy tám cây số nhưng không phải
dễ đi vì địch đóng chốt khắp nơi.
Ăn uống xong trung đội bắt đầu di chuyển. Tiểu đội 1 đi đầu. Kế
đó tiểu đội 2 đi bên trái, tiểu đội 3 bên phải còn tiểu đội 4 đi sau cùng. Bên
trái núi cao với rừng cây lan ra tận đường. Bên phải bãi cát vàng và biển xanh
ngắt. Khung cảnh im vắng. Đường số 1 chập chùng. Lính thở dốc khi lên tới đỉnh
đèo. Cái đèo này không cao lắm so với các đèo nổi tiếng như Hải Vân, Cả, Cù
Mông, An Khê, Mang Giang, Mụ Già, Rù Rì nhưng nó vẫn là đèo. Lính leo đèo trong
lúc phải đèo trên lưng súng đạn, thức ăn, quần áo và đủ thứ lỉnh kỉnh. Mỗi thứ
một chút, làm nặng thêm trên lưng của người lính còm cõi và mỏi mệt vì tháng
năm dài đầy gian truân, vất vả.
– Ê Bung… Đây là đâu vậy?
Thượng sĩ Bảnh hỏi lớn trong lúc đưa tay áo lau mồ hôi trán. Vác
khẩu M60 trên vai, Bung nhìn quanh quất.
– Mình vừa xuống đèo thời đây là làng Vĩnh Tuy. Đi chừng năm sáu
cây số nữa mình sẽ tới Tấn Lộc rồi Sa Huỳnh. Sa Huỳnh là một cái làng nằm
sát bờ biển…
– Nó có đông dân không hả Bung?
– Tui không biết rõ lắm thưa trung úy. Chắc hai ba ngàn gì đó. Họ
đánh cá và làm muối biển…
Lội một hơi tới Tấn Lộc, Hoàng dừng lại cho lính nghỉ. Mặt trời
lên cao. Nắng chói chang. Trời ít gió khiến không khí càng thêm oi bức. Đốt điếu
thuốc, Hoàng hít hơi thật dài xong nhả khói ra từ từ. Khói thuốc tan loãng
trong không khí. Bãi cát vàng chạy dài. Biển xanh mênh mông. Hút tàn điếu thuốc
anh ra lệnh di chuyển. Có lẽ ngửi được mùi nguy hiểm nên thượng sĩ Bảnh bảo
lính súng cầm tay và không được cười giỡn nữa. Tất cả phải đi vào đội hình. Ba
người lính khinh binh của tiểu đội 1 đi đầu. Họ vừa quẹo cua. Tạch… tạch… tạch…
Lính nhào vào lề. Tiếng súng AK 47 nhịp đều đặn. Tạch… tạch… tạch… Tạch… tạch…
tạch… Đạn cày trên mặt đường. Đạn xói vào không khí, vọng vào rừng cây vách núi
thành âm thanh kỳ cục.
Bảnh nói nhỏ với vị trung đội trưởng của mình.
– Tụi nó đóng chốt…
Hơi gật đầu Hoàng im lìm quan sát. Địa thế trống trải quá. Phía
bên phải con đường là bãi cát chạy dài. Chỉ có phía bên trái hơi rậm rạp với
vách núi cao đầy cây cối.
– Tôi dẫn thằng 1 trèo lên vách núi trong lúc ông dùng thằng 2,
3 và 4 dụ tụi nó…
Hiểu ý cấp chỉ huy, thượng sĩ Bảnh gật gù cười.
– Ông thầy cẩn thận…
Cười cười Hoàng nói với Tín.
– Mình kiếm đường bọc sau lưng tụi nó…
Tín cười hích hích.
– Trung úy để em đi trước dò đường…
Vẩy ba người lính dưới quyền Tín cùng họ biến mất trong rừng
cây. Lát sau Tín trở lại.
– Có đường rồi trung úy…
Tín dẫn đầu. Hoàng đi thứ nhì theo sau chín người lính. Họ len lỏi
trong rừng, men theo vách núi rồi ngừng lại.
– Tụi nó đóng chốt dưới đó…
Hoàng đưa ống dòm lên. Nằm trên vách núi cao anh có thể thấy
bóng kẻ địch núp sau tảng đá hay hầm hố được đào sẵn. Quan sát giây lát Hoàng
quay lại nói với Há.
– Bảo ông Bảnh mình sẵn sàng…
Há gọi máy cho thượng sĩ Bảnh. Nhận được lệnh ông thượng sĩ cho
lính nổ súng cốt ý dụ địch. Hoàng cùng lính của tiểu đội 1 theo đường mòn kéo
xuống đường. Bị đột kích bất thình lình bộ đội Bắc Việt phải rút lui sau vài
phút chạm súng ngắn ngủi. Nghe lính báo cáo địch ba chết, tịch thu hai súng còn
bên mình vô sự, thượng sĩ Bảnh cười nói với cấp chỉ huy của mình.
– Ông thầy giỏi quá… Từ nay…
Hiểu ý Hoàng cười nhẹ.
– Đó cũng do công lao ông chỉ dạy… Tôi học từ ông đó…
Cười vui vẻ khi được cấp chỉ huy khen, ông trung đội phó ra lệnh
di chuyển. Khoảng bốn giờ chiều trung đội dừng lại cách Sa Huỳnh non cây số. Tối
hôm đó người ta nghe súng nổ ran ran khắp nơi trong làng Sa Huỳnh. Gần tới sáng
tiếng súng mới im. Bị lính biệt động đột kích và phá vỡ hàng rào phòng thủ, địch
quân liều mạng vượt đường số 1 rút lui về thung lũng An Lão. (còn tiếp)
Đọc Sa Huỳnh để thấy thật thương nhừng ngày chiến đấu cuối cùng của các chiến sĩ can trường VN CH trong sự bỏ rơi của Đồng Minh, ...., trong sư thiếu thốn về súng đạn để ra trận... song họ vẫn can trường chiến đấu đến giây phút sau cùng ...
ReplyDelete