4
Giao khoán cho thượng sĩ Bảnh lo chuyện đóng quân của trung đội,
Hoàng theo con đường mòn lên chùa. Anh bước chậm mà nghe xôn xao trong lòng. Dù
hơn tám giờ nhưng vì mùa hè nên trời vẫn chưa tối. Đi xuyên qua sân trước anh
có cảm tưởng ngôi chùa vắng lặng quá. Gần tới hậu liêu anh nghe tiếng tụng kinh
và tiếng mỏ vang nho nhỏ. Bước qua cửa hông anh thấy đèn thắp lù mù. Mùi hương
thoang thoảng. Tiếng kinh mỏ chợt dừng lại cùng với giọng nói thanh thanh vang
lên trong vùng khói nhang mờ ảo.
Ni cô hiện ra với bộ nâu sòng. Hoàng cảm thấy mọi nhọc mệt, gian
truân, hiểm nguy mà anh đã trải qua hơn tuần lễ bỗng dưng tan biến khi nhìn vào
khuôn mặt từ bi và ánh mắt long lanh của người đối diện.
– Tôi tưởng ông không bao giờ trở lại…
Thu hết nghị lực và sự can đảm của một người lính từng hiên
ngang đối diện với quân địch, Hoàng hỏi nhỏ.
– Nếu tôi không trở lại thời ni cô nghĩ sao?
Cúi xuống nhìn bàn chân của mình, ni cô trả lời.
– Tôi buồn lắm. Sẽ không có người xách nước, bửa củi… Tôi sẽ
không được nghe ông kể chuyện đời lính…
Hoàng mỉm cười.
– Tôi sẽ trở lại và phải trở lại đây. Ni cô biết tại sao không?
Ngước đầu lên, ni cô nhìn vào khuôn mặt bơ phờ và mệt mỏi của
người lính. Những nếp nhăn trên trán. Làn da xạm nắng. Chỉ có ánh mắt sáng ngời
chút hạnh phúc mong manh.
– Tại sao ông sẽ và phải trở lại đây…
Hoàng cười đùa.
– Tôi vụng tu lắm nên phải trở lại đây để ni cô dạy cho tôi tu…
Dạy cho tôi tu thành phật…
Ni cô nhẹ lắc đầu.
– Ông đâu cần phải tu… Chỉ cần thấy được cái tâm của mình là
giác ngộ, là thành phật rồi…
Hoàng nhìn ni cô với cái nhìn chỉ có người nhìn và bị nhìn hay
được nhìn mới hiểu mà thôi.
– Ni cô làm ơn chỉ cho tôi thấy cái ” tâm ” của
tôi đang ở đâu?
Ni cô hơi đỏ mặt vì hiểu được cái ý xa xôi và bóng gió trong câu
nói của Hoàng.
– Điều đó tôi chịu thôi. Ông phải tự mình tìm kiếm…
Nhìn quanh quất giây lát, Hoàng thì thầm.
– Sư cụ khỏe không. Tôi không thấy người…
Ni cô thở hơi dài.
– Người không được khỏe lắm…
Ngừng lại nhìn Hoàng, ni cô ngập ngừng.
– Ông ăn cơm chưa. Tôi dọn cơm cho ông ăn…
– Nếu ni cô không ngại…
– Tôi không ngại… Ông đã giúp cho chùa nhiều lắm thời tôi đâu có
ngại dọn cơm cho ông ăn… Ông ngồi xuống đi…
Ni cô bỏ vào bếp. Hoàng ngồi xuống ghế. Anh đã chọn cái ghế mà
khi ngồi xuống có thể trông thấy ni cô đang lui cui bỏ thêm củi vào lò để hâm
nóng thức ăn.
– Ni cô có cần tôi giúp gì không?
– Cám ơn ông… Ông cứ ngồi uống trà đi… Chắc bình trà còn nóng…
Ni cô nói vọng ra từ trong bếp. Nhấc lấy bình trà Hoàng rót vào
cái chén nho nhỏ, cũ kỹ và đã đổi màu. Nước trà nóng màu vàng tươi bốc mùi
thoang thoảng. Ngồi nhìn ni cô loay hoay hâm thức ăn, Hoàng cảm thấy chút buồn
rầu dâng lên trong lòng. Anh nhớ tới mẹ của mình. Đã lâu lắm. Dường như hơn một
năm anh không có dịp về thăm nhà. Nói đúng hơn anh có nhiều dịp lắm. Nhưng anh
lại ham vui chơi với bạn bè thành ra không còn thời giờ để trở về thăm lại người
mẹ hiền đang sống một mình. Tuy có nhiều khác biệt, nhưng nhìn ni cô lui cui
trong bếp anh liên tưởng đến mẹ của mình.
Đặt cái khay đựng một tô cơm, dĩa rau luộc, chén nước tương, một
cái chén và đôi đũa lên bàn, ni cô cười gượng.
– Chùa nghèo quá nên không có cao lương mỹ vị để đãi ông…
Hoàng cười nhẹ.
– Chùa nghèo nhưng mà giàu…
Thấy ni cô hơi cau mày có lẽ vì không hiểu, Hoàng giải
thích thêm cho rõ nghĩa câu nói của mình.
– Chùa và ni cô nghèo tiền bạc nhưng mà giàu tình thương người…
Ni cô chầm chậm gật đầu.
– Ông nói đúng. Phật dạy tu không phải lên niết bàn mà để làm
vơi bớt phiền não của chúng sinh, xoa dịu khổ đau của những người chung quanh
mình…
Hoàng nói với giọng nghiêm trang.
– Tôi cần ni cô làm vơi bớt phiền não, xoa dịu khổ đau của tôi…
Cúi đầu xuống thật thấp rồi lát sau ni cô mới ngước lên nhìn người
lính chiến đang ngồi đối diện với mình.
– Ông hãy lấy phiền não, khổ đau của ông đưa tôi giữ dùm cho…
Hoàng ấp bàn tay mặt vào bên ngực trái của mình ngay chỗ trái
tim đang đập với nhịp không được bình thường giây lát đoạn xòe bàn tay ra. Nhìn
đăm đăm bàn tay đen đũi, chai đá của người lính chiến, ni cô nhẹ đưa bàn tay
ra. Năm đầu ngón tay xinh xinh, trắng muốt của ni cô chạm nhẹ vào lòng bàn tay
của Hoàng rồi rụt trở lại.
– Tôi đã lấy, đã cất giùm ông phiền não và khổ đau rồi…
Hoàng nhìn đăm đăm vào mặt người đang ngồi đối diện với mình. Ni
cô cũng nhìn Hoàng. Một ánh mắt thầm lặng mà cũng nói thật nhiều. Một ánh mắt gửi
trao và đắm say dịu nhẹ. Ni cô cúi mặt xuống nhưng Hoàng cũng thấy được nụ cười.
Dù chỉ là nụ cười vu vơ nhưng cũng đủ làm ấm lòng người lính chiến.
– Mấy ngày qua ông đi đâu, ông Hoàng?
Uống ngụm nước trà Hoàng trả lời.
– Ni cô biết An Lão không?
Ni cô nhẹ gật đầu. Anh thấy nét buồn thoáng qua trên khuôn mặt từ
bi của ni cô.
– Tôi biết…
Hoàng nhìn ra ngoài trời. Cảnh vật nhòa trong bóng tối thâm u.
Tiếng gió rì rào cành cây cổ thụ bên hông chùa. Không khí thật tĩnh lặng tới độ
anh có cảm tưởng mình nghe được tiếng thở và nhịp tim đập của ni cô đang ngồi đối
diện với mình qua chiếc bàn nhỏ hẹp. Ngọn đèn leo lét hầu như đã cạn dầu tỏa
chút ánh sáng vàng vọt soi mờ mờ khuôn mặt thấp thoáng nét buồn u uất lẫn khuất
trong đôi mắt đen long lanh. Anh có nhiều câu hỏi. Nhiều điều muốn biết về ni
cô. Lý do gì một thiếu nữ trẻ tuổi lại lánh xa trần tục? Nguyên nhân nào khiến
cho một cô gái không có một chút gì quê mùa lại bằng lòng giam mình trong ngôi
làng vô danh và nhỏ bé này? Không có giọng nói của dân địa phương, như vậy ni
cô là người ở đâu tới đây? Anh muốn biết mà lại không dám hỏi. Anh si tình ni cô
nhưng đồng thời cũng kính trọng và ngưỡng mộ. Do đó anh cố dằn lòng không đả động
tới quá khứ của người.
– Ni cô ngủ một mình không sợ ma à?
Hoàng cười hỏi một câu như để phá tan bầu không khí yên lặng. Ni
cô ngước mặt lên.
– Mô Phật… Tôi không sợ ma bên ngoài mà tôi sợ ma ở trong lòng
mình hơn…
– Ni cô đưa con ma ở trong lòng của ni cô tôi giữ giùm cho…
Ni cô bật thành tiếng cười vui vẻ khi nghe Hoàng đã mượn câu nói
của mình…
– Mô Phật… Con ma này dữ lắm ông không sợ sao?
– Có ni cô bên cạnh thời tôi không sợ…
Hai người. Một đàn ông và một đàn bà. Một lính và một kẻ tu
hành. Họ ngồi đối diện nhau qua cái bàn nói chuyện lan man, hết chuyện này sang
chuyện nọ.
– Mấy giờ rồi ông Hoàng?
– Dạ 12 giờ…
– Mô Phật… Tôi phải đi ngủ để mai sáng thức sớm…
– Thôi tôi về để cho ni cô ngủ…
Chần chừ giây lát Hoàng mới chịu đứng lên. Dường như anh muốn
nói điều gì. Ni cô cũng ngồi yên trên ghế như chờ nghe. Cuối cùng Hoàng thở dài
nhè nhẹ.
– Ni cô không cần phải cầm đèn cho tôi… Tôi biết đường…
– Mô Phật… Chúc ông ngủ ngon…
Hoàng lặng lẽ ra cửa hông. Đợi cho tiếng chân xa dần dần rồi mất
hẳn, ni cô mới gục đầu xuống bàn. Như có tiếng tức rưởi. Như có tiếng khóc âm
thầm. Như bờ vai thon run nhè nhẹ. Ngọn đèn chợt tắt vì cạn dầu. Bóng tối chụp
xuống song cũng không xóa nhòa được hình bóng của ni cô đang gục đầu lên bàn.
Hoàng như một người mất hồn sau khi điện đàm với đại úy Bá, đại
đội trưởng của mình. Sáng mai trung đội sẽ rời Sa Huỳnh để gặp đại đội ở Tam
Quan. Lính reo hò vui vẻ. Chỉ riêng Hoàng sầu héo trong lòng song ngoài mặt cố
làm ra vẻ thản nhiên. Ăn vội tô mì gói xong anh tất tả lên chùa. Trời nắng ấm.
Mây trắng bay cao. Cỏ khô vàng úa dưới chân. Cỏ mọc xanh xanh. Bông hoa dại màu
vàng tươi. Tất cả đều nhuốm một màu ủ ê và buồn bã. Khói thuốc cay nồng xông
lên làm chảy nước mắt. Phải chăng người lính chiến được ba tuổi đã khóc.
Những bước chân do dự. Những bước chân ngập ngừng. Những bước
chân bần thần. Hoàng đi như một kẻ mộng du giữa ban ngày. Gần tới hậu liêu anh
nghe tiếng bửa củi vang lên. Nhẹ bước vài bước, anh dừng lại. Khăn màu xám tro
quấn trên đầu chắc để che nắng. Tay áo xắn cao lên tới cùi chỏ. Quần xắn lên gần
đầu gối, ni cô đang ngồi bửa củi. Bàn chân trắng muốt, mủm mỉm, xinh xinh. Các
ngón chân hồng. Chiếc cổ trắng. Ni cô ngồi bửa củi mà dường như không chú tâm
vào việc làm. Nhiều lúc ni cô cầm chiếc búa nhỏ lên rồi cuối cùng để xuống.
Hoàng nín thở không dám động đậy. Anh muốn thu trọn hình ảnh của ni cô. Muốn
ghi lấy hình ảnh mà anh biết sẽ theo mình suốt cuộc đời. Hình ảnh đó được nâng
niu và gìn giữ vì chắc còn lâu lắm, hoặc sẽ không bao giờ thấy lại lần nữa.
Dường như linh cảm có người đang nhìn mình, ni cô chợt quay lại.
Nụ cười. Nụ cười của ni cô làm xôn xao từng sớ thịt đường gân, làm rung động từng
tế bào cảm giác, làm bật cháy đam mê trong tâm hồn của người lính trẻ đã yêu,
đang yêu và sẽ yêu thương suốt cuộc đời còn lại của mình.
– Ông Hoàng…
Tiếng gọi nhỏ như từ cõi hư vô mù xa.
– Có chuyện gì làm ông buồn…
Giọng nói của người lính chiến như nghèn nghẹn.
– Sáng mai… Tôi sẽ rời Sa Huỳnh…
Ánh mắt. Của từ bi. Hỉ xả. Yêu thương. Quan hoài. Buồn rầu. Nhìn
Hoàng như muốn nói lên một điều gì không thể nói.
– Tụ rồi tan… Tan rồi tụ… Ông với tôi… Hai mảnh đời xa lạ. Khác
biệt. Gặp nhau để xa nhau…
– Tôi không muốn đi…
Hoàng nói nhỏ. Ni cô lặng lẽ gật đầu.
– Tôi cũng không muốn ông đi… Ông đi rồi thời ai xách nước, bửa
củi cho tôi. Ai kể chuyện lính cho tôi nghe. Tuy nhiên ông phải đi để làm tròn
nhiệm vụ của người lính chiến. Ông phải đi đánh giặc để cho tôi được tự do tu
hành. Ông lên gặp sư cụ đi… Người mong gặp ông lắm… Còn tôi lo đi làm bữa cơm
chay để đãi ông…
Sư Huyền Ẩn tỏ ra buồn rầu khi nghe Hoàng nói sẽ rời Sa Huỳnh
sáng mai. Nhìn người lính trẻ, vị sư già từ tốn cất lời.
– Bần tăng sẽ tụng kinh xin Phật Tổ từ bi phù hộ cho thí chủ được
bình an trên bước đường gian nguy khổ sở…
– Đa tạ sư cụ… Tôi xin phép sư cụ cho tôi được trở lại thăm chùa
nếu có dịp may…
– Cửa phật sân chùa lúc nào cũng rộng mở. Nếu có duyên chúng ta
sẽ gặp lại…
Hai người đàm đạo giây lát, ni cô lên mời xuống hậu liêu dùng cơm
tối. Có lẽ buồn và bận tâm suy nghĩ chuyện gì nên Hoàng với ni cô ít nói chuyện.
Sau khi ăn xong, uống cạn chén nước trà nhỏ, viện cớ không được khỏe sư cụ cáo
từ lui về phòng riêng, để Hoàng và ni cô ngồi lại vừa ăn vừa nói chuyện.
– Chắc ông về Sài Gòn?
Ngừng ăn ni cô hỏi Hoàng. Hơi lắc đầu Hoàng đáp.
– Tôi không biết… Chỉ biết sáng mai tôi sẽ đi Tam Quan…
– Ông đi tôi buồn lắm…
Lần đầu tiên ni cô tỏ lộ chút tình cảm của mình bằng câu nói năm
tiếng. Ánh mắt của ni cô nhìn người đối diện thăm thẳm.
– Tôi cũng vậy. Tôi cũng buồn khi xa ni cô…
– Ông nhớ giữ gìn sức khỏe. Tôi sẽ cầu phật tổ phù hộ cho ông…
Nhìn Hoàng, ni cô nói như lời khuyên nhủ hay dặn dò.
– Ông cũng đừng hút thuốc nhiều quá có hại cho sức khỏe…
Hoàng mỉm cười. Anh có cảm tưởng đó là lời dặn dò âu yếm của người
vợ trước khi chồng lên đường chinh chiến.
– Tôi sẽ gắng làm theo lời ni cô dạy…
Hoàng nói đùa. Ni cô cười đùa theo.
– Lần sau gặp lại tôi sẽ…
Nói tới đó ni cô dừng lại. Mặt hơi đỏ, ni cô nhìn Hoàng cười.
– Thưa ni cô tôi có một yêu cầu…
– Tôi xin nghe…
Thu hết can đảm, Hoàng nói nhanh như sợ nếu không nói nhanh, anh
sẽ không có đủ sức để nói lên điều gì mình muốn nói.
– Tôi xin phép được cầm tay ni cô một lần…
Ni cô nhìn Hoàng đăm đăm. Ánh mắt thăm thẳm, diệu vợi và long
lanh. Hoàng cảm thấy như mình thu nhỏ lại rồi chìm mất trong đôi mắt của ni cô.
Thật lâu ni cô từ từ đưa bàn tay ra. Nắm lấy bàn tay trắng, mềm ấm với những
ngón tay xinh xinh; Hoàng cảm thấy lòng mình xuyến xao và run rẩy. Anh như ngửi
được mùi hương dịu dàng toát ra từ bàn tay, từ thân thể đang được bao phủ bởi lớp
áo tu hành. Bàn tay để yên không động đậy, nhưng anh cảm thấy nó đang từ từ
truyền sang thân thể mình chút ấm áp và chút tình cảm đang sinh sôi nảy nở
trong tâm hồn.
– Ông Hoàng…
Ni cô gọi nhỏ đồng thời rụt tay lại. Hoàng nhìn thấy ni cô đang
mỉm cười nhìn mình.
– Thưa ni cô… Tôi xin phép thỉnh thoảng được viết thư thăm ni
cô…
– Ông cứ viết nếu ông muốn. Còn tôi, không biết tôi có được phép
trả lời ông không…
Lấy trong túi áo ra mảnh giấy nhỏ, Hoàng trao cho ni cô.
– Đây là địa chỉ của tôi… Tôi hy vọng nhận được thư của ni cô…
– Cám ơn ông… Tuy nhiên chắc tôi không thể viết thư cho ông…
– Tôi biết… Tôi biết ni cô cần an tâm để tiếp tục đi nốt con đường
mà mình đã chọn lựa. Tôi chỉ xin…
Giọng nói nghẹn ngào của Hoàng khiến cho ni cô vội vã lên tiếng.
– Tôi sẽ cố gắng nhưng ông đừng hy vọng nhiều quá. Ông cũng biết
một kẻ tu hành như tôi…
Hoàng đột ngột đứng lên. Nhìn vào đôi mắt long lanh buồn, anh
nói nhanh.
– Thưa ni cô… Tôi xin từ giã…
Ni cô cũng đứng dậy. Hai người chầm chậm ra cửa. Bóng tối chập
chùng. Không hẹn hai người cùng bước tới chỗ giếng nước. Đây là nơi đầu tiên họ
gặp nhau. Tiếng côn trùng rĩ rã hòa với tiếng gió lùa cành cây. Buông tiếng thở
dài hắt hiu Hoàng cúi đầu bước. Ni cô đứng im nhìn theo. Dường như có vài giọt
nước mắt rơi xuống lòng giếng âm u.
Hai ngả Đạo Đời ngăn cách đôi
ReplyDeleteÔng người lính chiến, ni cô tôi
Đêm nay giả biệt còn duyên gặp?
Giây phút chia tay lắm ngậm ngùi
Hẹn Hò cùng viết cho nhau thơ
Biết nói làm sao kẻ đợi chờ
Chiếc áo nâu sòng cùng giới hạnh
Tu hành nghiêm luật dám thờ ơ
Đôi mắt long lanh dáng nhuốm buồn
Sóng tình nhè nhẹ dạt dào tuôn
Người đâu gặp gỡ làm chi nhỉ?
Biết có rồi đây pháo nhuộm đường?
Cả Hai chầm chậm bước song đôi
Kẻ ở người đi đã đến rồi
Rỉ rả côn trùng thêm tiếng gió
Tiển đưa từng giọt lệ rơi rơi
Có âm hưởng " Hồn bướm mơ tiên" của nhà văn Khái Hưng ?
ReplyDelete