3
Bảy giờ sáng. Chút sương mù giăng giăng trên vách núi sừng sững.
Không gian im vắng. Ngồi tựa lưng vào thân cây Hoàng uống từng ngụm cà phê đen.
Đốt điếu thuốc, hít hơi dài anh lơ đểnh nhìn cảnh vật của làng Sa Huỳnh. Đúng
như lời Bung nói, ngôi làng nhỏ bé và vô danh này không còn lại bao nhiêu người
cư ngụ. Thanh niên thời đi lính. Đi lính đây có nghĩa, theo bên này hoặc bên
kia. Bên này là đi lính quốc gia còn theo bên kia là đi lính cộng sản. Con gái
cũng chẳng có mấy người. Đa số đã có chồng hoặc vào tận Phù Cát, Qui Nhơn hay
Chu Lai để làm việc. Chuyện đánh cá hay làm muối biển chỉ dành cho người đứng
tuổi và ông già bà lão. Sau khi đánh bật một trung đội Việt Cộng ra khỏi Sa Huỳnh,
Hoàng và binh sĩ được lệnh giữ an ninh cho tới khi nào có lệnh mới. Không có
chuyện gì làm, anh và trung đội lân la vào nhà dân làm quen. Ba ngày qua anh chỉ
có việc đọc sách, ăn ngủ hay tắm biển.
Nắng lên mang chút ấm áp. Sương mù cũng tan dần. Hớp ngụm cà phê
cuối cùng, hít hơi thuốc rồi nhả khói ra từ từ Hoàng nhìn lên đỉnh đồi. Thấp
thoáng trong cây và chút sương mù giăng anh thấy mái nhà rêu mốc.
– Nhà ai trên đó vậy Há?
Hoàng đưa tay chỉ về hướng đỉnh đồi. Ngước lên Há cười ha hả.
– Chùa… Ông thầy… Dân họ nói có một ngôi chùa ở trên đó…
– Mày có lên đó lần nào chưa?
Há lắc đầu. Liếc nhanh cấp chỉ huy. nó cười chúm chiếm.
– Không… Trung úy đã dặn cấm xâm phạm vào các nơi linh thiêng
nên tụi này đâu có lên. Vả lại bộ đi tu sao mà lên đó trung úy…
Bỏ tàn thuốc rơi xuống đất xong lấy giày dẫm lên, Hoàng cười
đùa.
– Cỡ mày mà đi tu gì…
Há cười hả hả.
– Ông thầy nói đúng đó… Hay là ông thầy lên thăm chùa đi. Em thấy
ông thầy có căn tu…
Biết thằng em xỏ mình nhưng Hoàng không giận. Anh cười cười.
– Ừ để tao lên… Biết đâu tao lại có duyên…
Cười sặc sụa, Há nhìn theo bóng cấp chỉ huy đang bước trên con
đường mòn dẫn lên đỉnh đồi. Hoàng thở dài nhè nhẹ khi nhìn khung cảnh hoang vắng
và tiêu điều. Mấy cây cổ thụ trơ vơ. Nhiều cành nhánh bị gãy vì bom đạn. Cỏ
cháy vàng có thể do ảnh hưởng của thuốc khai quang. Tới đỉnh đồi anh dừng lại
trước cái cổng xiêu vẹo với tấm biển đề ba chữ ” Chùa Sa Huỳnh ”
loang lổ sơn và lem luốc bùn đất. Gọi là chùa nhưng thực ra là một cái am thời
đúng hơn bởi vì nó nhỏ xíu, cũ xưa và trông giống như một ngôi nhà nhỏ. Anh mỉm
cười nghĩ thầm đây là một thảo am và anh thích thú với danh từ này. Đứng nhìn
nhìn bao quát cảnh chùa, anh cảm thấy trong không khí man mát hơi sương có cái
gì bình yên, êm ả song nhuốm chút tịch mịch, quạnh hiu và thê lương. Mái chùa
rêu mốc. Cỏ mọc lan gần như phủ lên con đường mòn dường như lâu lắm không có
người lui tới. Ngần ngừ giây lát, anh xô nhẹ chiếc cổng xiêu vẹo rồi thong thả
bước vào sân. Những cây cột, dù còn đứng vững nhưng lớp vỏ bên ngoài đã bong
đi. Cỏ tranh mục nát nằm đầy trên sân. Cửa chính của ngôi thảo am đóng im ỉm.
Hoàng nhẹ bước về phía bên hông. Đất và cỏ ẩm ướt dưới đôi giày trận của người
lính biệt động. Dừng lại nơi giếng nước trong anh cúi nhìn xuống. Giếng sâu. Nước
trong. Hơi mỉm cười, anh chầm chậm thả dây xuống rồi lát sau kéo lên. Vốc nước
rửa mặt anh cảm thấy nước mát lạnh. Leo từ dưới lên tận đỉnh đồi anh khát khô cả
cổ nên nâng gào lên uống một hơi thật dài.
– Mô Phật… Xin ông lính đừng uống nước đó. Tôi mời ông vào chùa
uống tách trà nóng…
Nghe giọng nói thanh thanh, Hoàng ngước lên nhìn. Cách thành giếng
chừng mươi bước là khuôn mặt đẹp tuyệt vời. Đẹp vô cùng. Đẹp không bút mực nào
có thể diễn tả được. Khuôn mặt của một người con gái. Không. Một ni cô. Với bộ
nâu sòng và cái đầu cạo trọc lóc. Tuy nhiên dù không có tóc, vẻ đẹp của khuôn mặt
của ni cô không giảm đi mà đầy nét từ bi và nhân hậu.
– Cô… Ni cô… Cô…
Hoàng ú ớ. Người con gái. Không. Ni cô mỉm cười. Người lính chiến
cảm thấy tâm hồn hụt hẫng, lao chao vì nụ cười của ni cô. Anh cảm thấy từ đôi mắt
của ni cô toát ra một cái gì thăm thẳm. Một cuốn hút. Một âm vang của mời gọi từ
thủa nào xa xưa vọng lại.
– Mô Phật… Bần ni kính mời ông lính vào chùa uống tách trà nóng
và hàn huyên đôi câu với sư cụ…
– Dạ… Cám ơn cô… ni cô…
Ni cô đi trước dẫn đường. Hoàng im lặng theo sau. Đầu óc anh vẫn
còn bàng hoàng và chưa tỉnh táo vì sự kiện vừa xảy ra. Đất dưới chân giao động.
Mây trên trời cao run rẩy. Người lính đang bước đi những bước bềnh bồng, trôi dạt
vào phương trời lạ xa có hoa, có lá, có tiếng cười xôn xao mật ngọt. Phương trời
của mơ. Của mộng. Của tưởng tượng…
Ni cô dừng lại nơi khung cửa như nhường cho khách vào trước.
Hoàng lí nhí.
– Cám ơn cô… ni cô…
Hoàng vẫn còn lọng cọng trong cách xưng hô. Dường như trong tiềm
thức của anh, vẫn còn có chút gì phản kháng hay không chấp nhận ni cô là một
người thực sự đã sống trong một thế giới khác biệt mà anh đang sống.
– Mời ông vào…
– Cám ơn cô… ni cô…
Dường như hiểu được sự bối rối của khách, ni cô từ tốn thốt.
– Mời ông ngồi tạm xuống ghế… Bần ni đi mời sư cụ ra đây gặp
ông…
Hoàng ngồi xuống ghế trong trạng thái vô thức. Mấy phút sau có
tiếng giày khẽ vang rồi một vị sư già bước ra.
– Mô Phật… Bần tăng pháp danh là Huyền Ẩn…
Hoàng đứng lên vái chào sư Huyền Ẩn.
– Kính thưa sư cụ. Tôi là lính đóng dưới chân đồi. Vì tò mò nên
tôi đường đột lên đây làm phiền sư cụ…
Sư Huyền Ẩn cười nhẹ.
– Mô Phật… Thí chủ dạy quá lời… Bần tăng và toàn thể tăng ni sư
sãi trong chùa rất cám ơn thí chủ cùng anh em lính tráng đã giải thoát cho chùa
khỏi sự kềm kẹp của những kẻ vô thần…. Kính mời thí chủ ngồi…
Sư Huyền Ẩn ân cần mời khách ngồi vào bàn. Ni cô lặng lẽ rót trà
cho sư cụ và khách. Hai bên vừa uống trà vừa trò chuyện. Ni cô ngồi trong góc hầu
trà. Dù không quay lại, Hoàng vẫn có cảm tưởng đôi mắt long lanh của ni cô đang
nhìn sau lưng của mình. Đàm đạo giây lát anh xin phép cáo từ. Không lưu khách,
sư Huyền Ẩn thân đưa Hoàng ra tới cửa xong mới cất giọng từ hòa.
– Bần tăng kính mời thí chủ trở lại chiều nay dùng bữa cơm chay…
– Cám ơn sư cụ… Tôi xin đúng hẹn…
Đợi cho cánh cửa đóng lại Hoàng mới chậm rãi bước đi. Ngoái
trông, anh hy vọng nhìn thấy khuôn mặt đẹp tuyệt vời và ánh mắt long lanh của
ni cô. Nhưng anh thất vọng. Sân thảo am trống vắng. Giếng nước đìu hiu. Thở dài
anh cúi đầu lầm lủi bước xuống đồi.
Năm giờ chiều. Khi Hoàng bước vào cổng, ni cô đã đợi sẵn.
– Mô Phật… Ông lính…
Nhìn thẳng vào mặt ni cô Hoàng nói nhỏ. Giọng nói của người lính
chiến gần như năn nỉ.
– Thưa ni cô… Tôi tên Hoàng…
Hiểu ý của người khách mới quen ni cô cười nhẹ. Lần nữa Hoàng cảm
thấy tim mình đập thình thịch vì nụ cười của ni cô
– Mô Phật… Ông Hoàng… Sư cụ đang đợi ông…
Nói xong ni cô đi trước dẫn đường. Bước theo sau, Hoàng cảm thấy
hồi hộp và run rẩy. Dù dưới lớp áo nâu sòng rộng thùng thình, anh cũng cảm nhận
được thân vóc dịu dàng, uyển chuyển của ni cô đang thầm lặng bước. Khói nhang
thoang thoảng. Đèn nến chập chờn. Đâu đó trong không khí tĩnh lặng của ngôi thảo
am cổ kính hay trong tưởng tượng của một tâm hồn nhiều mộng mơ, anh ngửi được
mùi hương kỳ lạ, nửa như thực, nửa như không có thực bàng bạc trong không gian.
Sư Huyền Ẩn đón tiếp và ân cần mời khách ngồi nơi chiếc bàn dài
uống trà nói chuyện trong lúc chờ ni cô dọn cơm. Hai kẻ tu hành và một người
khách ngồi quây quần quanh chiếc bàn nhỏ ăn bữa cơm chay. Dưới ánh đèn dầu lù
mù, Hoàng thong thả kể cho sư cụ nghe về đời sống gian truân và nhiều nguy hiểm
của người lính chiến. Dù không nhìn, anh vẫn có cảm tưởng ni cô chăm chú lắng
nghe câu chuyện của mình. Thỉnh thoảng ni cô lại kín đáo mỉm cười vì những lời
pha trò của khách. Riêng sư cụ, mặc dù là kẻ tu hành lại tỏ ra cởi mở và phóng
khoáng khi đàm đạo với kẻ thế tục và nhất là một người lính chiến như Hoàng.
– Xin hỏi quý thảo am thuộc thiền phái nào?
Sư Huyền Ẩn cười hỏi lại câu hỏi của khách.
– Mô Phật… Thí chủ đoán tệ am thuộc phái nào?
– Thưa sư cụ. Má tôi là một phật tử nhưng ba tôi lại là người
không có đạo. Bản thân tôi cũng là kẻ không có đạo song tôi biết chút ít về đạo
Phật…
Sư Huyền Ẩn và ni cô đều mỉm cười khi nghe Hoàng nói.
– Mô Phật… Thí chủ khiêm tốn quá. Bần tăng hân hạnh được nghe
thí chủ nói đôi lời về phật…
Hoàng liếc nhanh ni cô đang ngồi im lặng.
– Phật giáo hay nói đúng hơn thiền, được chính thức truyền giảng
ở nước ta bắt đầu từ thiền sư Đa Lưu Chi ở chùa Pháp Vân…
Hoàng ngừng lại khi thấy sư cụ quay nhìn ni cô và cả hai đồng mỉm
cười.
– Thưa sư cụ…
Hiểu ý của khách, vị sư già cười nhẹ.
– Mô Phật… Thí chủ quả có đọc sách Phật…
– Mô Phật… Thưa thầy sự hiểu biết của ông Hoàng có lẽ còn hơn
con nữa…
Lần đầu tiên ni cô góp lời. Mỉm cười, Hoàng thong thả tiếp.
– Cám ơn sư cụ… Cám ơn ni cô… Tôi không biết chùa này thuộc thiền
phái nào nhưng chắc không ra ngoài bốn phái của nước ta là thiền phái Tỳ Ni Đa
Lưu Chi, Kiến Sơ, Thảo Đường và Trúc Lâm…
Ngừng lại giây lát, Hoàng nở nụ cười nhìn sư cụ và ni cô.
– Tôi thấy nơi vách chùa ngoài sân có ghi bốn câu.
Pháp huyễn đều là huyễn,
Tu huyễn cũng là huyễn,
Chẳng là hai huyễn ấy,
Tức trừ được mọi huyễn.
Bốn câu này là của sư Huyền Quang. Như vậy quý tự phải thuộc thiền
phái Kiến Sơ…
Sư Huyền Ẩn nhìn ni cô cười không nói gì hết. Lát sau ni cô mới
lên tiếng.
– Bốn câu đó do sa di ni này viết… Ông Hoàng đọc sách nói về Phật
nhiều lắm…
– Dạ… Cám ơn ni cô. Tôi ham đọc sách mà nhà của tôi có ít kinh
sách. Xin hỏi ni cô pháp danh là gì?
Liếc nhanh sư cụ, ni cô trả lời.
– Tôi chưa thực sự quy y nên chưa được sư cụ ban cho pháp danh…
Nhìn ra ngoài xuyên qua khung cửa sổ thấy trời đã tối, Hoàng cười
nói.
– Trời đã tối… Chắc sư cụ và ni cô sắp tới giờ tụng niệm. Tôi
cũng phải trở về…
Nhìn sư cụ, anh nói nhỏ bằng giọng thành khẩn.
– Tôi thấy thảo am có nhiều kinh sách lắm. Xin phép sư cụ cho
tôi được lên đây nghiền ngẫm…
Dường như có cảm tình với Hoàng nên sư Huyền Ẩn cười từ hòa.
– Mô Phật… Cửa chùa lúc nào cũng rộng mở cho thí chủ đọc kinh
sách…
– Cám ơn sư cụ…
Hoàng đứng dậy. Sư Huyền Ẩn chợt nói với ni cô.
– Trời đã tối… Con hãy cầm đèn đưa thí chủ ra tới cổng…
Cầm lấy đèn cầy, ni cô nói nhỏ.
– Mô Phật… Mời ông Hoàng đi trước…
Hai người im lặng ra cửa hông. Đêm tĩnh lặng trừ tiếng côn trùng
rĩ rã và tiếng gió xào xạc. Hoàng chậm bước, dường như đợi cho ni cô bước song
song với mình. Qua ánh nến lây lất, anh liếc thấy một khuôn mặt mờ mờ, một bàn
tay trắng muốt xinh xinh cầm chặt cây nến cháy leo lét. Từng bước băn khoăn. Từng
bước ngập ngừng. Như muốn kéo dài thời gian ở bên cạnh ni cô. Trên trời lấm tấm
sao. Cỏ dưới chân mềm mát vì ngậm chút sương đêm. Anh muốn nói chuyện nhưng
không biết mở đầu như thế nào. Không biết phải nói chuyện gì với ni cô. Một
tăng. Một tục. Hai người xa lạ. Một người lính sống đời hiểm nguy. Uống rượu.
Hút thuốc. Quen chửi thề. Biết nói gì với một kẻ tu hành vốn đã lánh xa sự thế
và chỉ biết câu kinh tiếng kệ. Một người thường ngửi mùi thuốc lá. Mùi khói
súng. Còn một người quen với mùi nhang khói. Cả hai thật xa. Thật lạ. Thật cách
ngăn. Chỉ có một điều mà Hoàng biết là mình bị thu hút bởi ni cô. Có tiếng sét
ái tình nổ ra thầm lặng phá vỡ tâm hồn anh.
– Thưa ni cô…
Hoàng ngập ngừng liếc sang người đang đi bên cạnh. Qua bóng tối
mờ mờ anh thấy ni cô dường như đang cười mà không cười. Cuối cùng ni cô lên tiếng.
– Mô Phật… Ông Hoàng có điều gì muốn nói…
Hoàng nuốt nước miếng. Anh cảm thấy khó khăn khi mở lời.
– Tôi lên thăm chùa chắc không làm phiền ni cô…
– Mô Phật… Sư cụ đã nói cửa chùa lúc nào cũng rộng mở… nhất là đối
với ông… một người mà…
– Thưa ni cô… Tôi muốn biết về phần ni cô…
Im lặng. Hai người vẫn bước đều trên cỏ. Hoàng dừng lại nơi cổng
như muốn chờ nghe câu trả lời của ni cô.
– Mô Phật… Tôi thích nghe chuyện lính của ông lắm. Tôi hân hạnh
được nấu cho ông bữa cơm chay ngày mai…
Người lính chiến thầm thở dài nhẹ nhỏm. Giọng nói của anh vang
lên như một thì thầm dịu nhẹ.
– Cám ơn ni cô… Chúc ni cô ngủ ngon…
Nói xong anh cúi đầu theo con đường mòn xuống đồi. Anh không
nghe được tiếng thở dài của ni cô vẫn còn đứng tại cổng nhìn vào bóng đêm mịt
mùng. Anh cũng không thấy được ni cô chân bước chậm trong lúc tay lần tràng hạt
và lẩm bẩm.
– Xin Phật tổ giúp con…
9 giờ đêm. Cảnh vật thật yên lặng trừ tiếng sóng vổ ì ầm quen
thuộc. Hoàng nằm yên nhưng mắt mở thao láo. Chuỗi ý tưởng hiện ra trong trí
anh. Khuôn mặt. Đôi mắt. Nụ cười im lặng. Tia nhìn chiếu rọi. Giọng nói dịu ấm
ngọt mềm. Người ni cô. Vóc thân uyển chuyển trong bộ nâu sòng đơn sơ thanh bần.
Trong ánh mắt của người lính chiến lần đầu tiên biết rung động, hình ảnh của ni
cô rực rỡ và chói sáng. Hoàng cảm thấy tâm hồn rẩy run vì ước ao thầm lặng. Được
nhìn vào đôi mắt. Được nghe giọng nói thanh thanh. Nụ cười làm cháy lên trong
lòng mình nỗi khát khao vô hạn. Anh chợt nhớ tới hai câu thơ ” Người
đâu gặp gỡ làm chi. Trăm năm biết có duyên gì hay không “. Tiếng thở
dài hiu hắt muộn phiền thoát ra. Duyên gì. Duyên nào có thể xảy ra giữa hai người
với hai mảnh đời khác biệt và lạ xa. Duyên gì giữa một người lính chiến nay đây
mai đó và một kẻ tu hành nguyện hiến dâng đời mình cho phật pháp nhiệm mầu.
Duyên nợ gì đâu trong đời sống bọt bèo của một người lính chiến. Thuốc cháy đỏ
trong bóng đêm soi rõ nỗi cô đơn và buồn rầu của người lính si tình.
Buổi sáng thức dậy người ngầy ngật vì thâu đêm chập chờn mộng mị,
Hoàng vốc nước rửa mặt. Nhấp ngụm cà phê, hít hơi thuốc lá đầu tiên của một
ngày, anh nhìn lên con đường mòn dẫn lên đỉnh đồi với ngôi chùa rêu mốc.
– Ông thầy có lên chùa nữa không ông thầy?
Há hỏi đùa, nhưng Hoàng trả lời một cách nghiêm trang và thành
thật.
– Có… Tao sẽ lên chùa mỗi ngày…
Há trợn mắt nhìn cấp chỉ huy của mình.
– Trung úy lên đó làm gì?
– Đọc sách… Làm công quả cho chùa…
Há cười hắc hắc.
– Trung úy đừng đi tu nghe trung úy… Trung úy còn trẻ mà… Trung
úy đâu có thất tình…
Hoàng lẩm bẩm cho riêng mình nghe.
– Tao mà thất tình gì… Si tình gần chết…
Nhìn thằng em thân tín, anh cười cười rít một hơi thuốc lá.
– Tao mà tu gì… Tu rượu hả… Hôm nay ông Bảnh giao cho mày làm
cái gì?
Há thở dài sườn sượt.
– Ổng dẫn tụi tui đi tạp dịch… Làm giúp dân làng nửa buổi xong mới
được đi chơi…
Hoàng cười cười im lặng. Nắng mùa hè cháy đổ trên đầu anh mới
thong thả leo lên đỉnh đồi. Cổng chùa khép hờ. Anh nhẹ bước trong sân đầy bóng
mát. Nghe tiếng động bên hông anh ngước nhìn thấy ni cô đang kéo nước.
– Thưa ni cô để tôi làm cho…
Ni cô mỉm cười.
– Tôi chờ ông lên để nhờ ông xách nước mà…
– Tôi xin lỗi ni cô… Tôi ngại…
Hoàng hạ thấp giọng xuống như không muốn tiếng nói của mình bay
xa để cho người thứ ba nghe.
– Ông ngại điều gì?
Ni cô vặn hỏi.
– Tôi cũng muốn lên sớm nhưng chỉ sợ làm phiền sư cụ… và… và… ni
cô…
Ni cô cũng nói nho nhỏ. Dường như ni cô chỉ muốn cho người đang
đối thoại nghe được câu nói của mình. Hoàng nghe tiếng nói của ni cô thoảng đưa
bên tai như tiếng thì thầm.
– Ông đọc sách thời đâu có làm phiền ai… Tôi vui…
Bỏ lửng câu nói chưa trọn nghĩa, ni cô xoay người đi trước.
Hoàng hai tay xách hai thùng nước theo sau.
– Ông biết bửa củi không ông Hoàng?
– Dạ tôi chưa từng làm nhưng nghĩ chắc không khó lắm…
– Ông có muốn tôi dạy ông bửa củi không…
Hoàng nói đùa trong lúc đổ nước vào lu.
– Tôi còn muốn ni cô dạy cho nhiều thứ lắm…
– Một kẻ tu hành như tôi thời đâu có biết gì mà dạy ông…
– Ni cô dạy tôi tu…
Hoàng nói trong tiếng cười nho nhỏ. Ni cô quay lại nhìn Hoàng
như không tin lời anh nói. Thấy ông lính đang nhìn mình đăm đăm, ni cô cúi gầm
mặt xuống như muốn che dấu điều gì.
– Ông là lính mà tu sao được…
Tay nhấc lấy thùng nước đầy, Hoàng nói nhỏ.
– Sao lại không được… Đức Phật có nói vạn vật đều tu được mà…
Ni cô cười lắc đầu vì câu nói của ông lính.
– Tôi muốn nói ông còn có nhiệm vụ cầm súng để chiến đấu cho tự
do của dân chúng. Chừng nào xong nhiệm vụ ông mới có thể đi tu, nếu ông muốn…
Thấy hai lu nước đã đầy tràn, Hoàng nói với ni cô để mình bửa củi.
Ni cô nhẹ gật đầu trao chiếc búa cho Hoàng. Không biết vô tình hay cố ý mà hai
bàn tay chạm nhau. Hoàng cảm thấy một chấn động mạnh hơn bị điện giật vì cái va
chạm nhẹ nhàng này. Mặt đỏ bừng, ni cô nói nhỏ.
– Ông cứ từ từ để tôi vào nấu cơm chiều…
Nhìn theo dáng đi uyển chuyển ẩn trong chiếc áo màu nâu, tự dưng
Hoàng chảy nước mắt. Anh tự hỏi không lẽ mình khóc. Bữa cơm tối hôm đó chỉ có
Hoàng và sư cụ trò chuyện với nhau, còn ni cô im lặng ăn mà không góp chuyện
như ngày hôm qua. Sau bữa cơm cũng như lúc chào từ giã sư cụ, anh cũng không gặp
và không được ni cô cầm đèn đưa đường như tối ngày hôm qua. Suốt đêm đó anh chập
chờn trăn trở. Dù chỉ là cái đụng chạm tầm thường song cảm giác vẫn còn đó, tạo
thành âm hưởng trùng trùng trong tâm tưởng của người lính si tình nhiều mộng mơ
và lãng mạn. Nụ cười của ni cô rực sáng như sao trong đêm tối thâm u. Khuôn mặt
từ bi. Nụ cười. Ánh mắt. Giọng nói. Bàn tay. Những ngón chân trần xinh xắn dẫm
trên cỏ non và trên nền đất mịn.
Sáng thức dậy uống xong ly cà phê, Hoàng được lệnh về bộ chỉ huy
đại đội ở Tấn Lộc để hội họp xong hối hả trở lại Sa Huỳnh. Dù rất muốn lên chùa
gặp mặt ni cô song biết mình không có thời giờ. Ngày mai nguyên cả tiểu đoàn sẽ
tham dự cuộc hành quân hổn hợp với bộ binh để truy tìm dấu vết cũng như phá hủy
căn cứ hậu cần của trung đoàn 142 bộ đội cộng sản Bắc Việt nằm trong vùng An
Lão.
Phần hai của bài viết đã nói lên hoàn cảnh đất nước thời bấy gìờ, chiến tranh thảm khốc, khói lửa mịt mờ . nhất là trong vùng nông thôn , xôi đậu, ngày thì quốc gia, đêm thì Cộng Sản thay phiên kiểm soát. Thanh niên học sinh phải lo học và thi đậu mỗi năm , nếu rớt phải nhập ngủ tùng chinh , đi lưu linh ngoài đường Cảnh Sát bắt "...đi quân dịch là thương nòi giống..." ( bài hát của Lam Phương) . nhất là sau khi ký Hiệp Định Paris 1972 Mỹ rút quân Việt hoá chiến tranh, cần nhiều binh lính thay thế cho quân đội Mỹ. Riêng Không Quân, các vùng chiến thuật từ Không đoàn trở thành Sư Đoàn
ReplyDeleteSau tết Mậu Thân 1968 bắt lính ồ ạt .Trường Thủ Đức mỗi tháng có một khóa . Trước khi chuyển qua TĐ phải chịu huấn luyện 3 tháng ở Quang Trung và Trước khi mãn khóa .các SVSQ phải qua một thời gian thực tập nghĩa là được bổ vào các vùng xa xôi để làm quen với chiến sự. Tôi trong một nhóm khoảng 10 người được đưa về quận Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Mỗi ngày phải đi công tác ở vùng thật xa, trong những vùng xôi đậu, vào trong xóm mua thực phẩm nấu cơm trưa chiều họ không bán, đôi khi gặp các mô mà VC đấp, tối ngủ trong hầm (đồn ) với địa phương quân, sáng ra truyền đơn rải đầy chung quanh. Mỗi khóa đi nnhư vậy có vài anh bị VC bắn chết
Năm 1972mùa hè đỏ lửa tôi bị chuyển về Phi trường Phù Cát cách Phù Mỹ , Bồng Sơn, Tam Quan kkhông xa. Cách phi trường vài cây số là sư đoàn Mãnh Hổ của Đại Hàn
Tôi đi lạc đề rồi . Trở lại chuyện Sa Huỳnh ,
ngôi chùa trên đỉnh đồi,
Chàng chiến sĩ khôi ngô
một ni cô trẻ đẹp
Người tăng và kẻ tục
Tình cờ gặp gỡ nhau
Trò chuyện một vài câu
Nghe cõi lòng rung động
Nào biết có duyên gì