Xóm Cù-Là, một tên đất ít ai biết, ở phía Nam chợ Rạch-Giá,
tỉnh Kiên-Giang, là tiền trạm về kinh tế của lớp dân nghèo đi khẩn hoang phía
U-Minh, ven biển vịnh Xiêm-La ăn xuống Cà-Mau. Xóm nhỏ, chợ nhỏ nhưng ở vị trí
ngã ba kênh rạch nên mọc lên khu phố, quán càfê. Theo mé song nhiều quán bán
bánh tét, bánh lá dừa suốt đêm, dĩ nhiên là có tiệm hớt tóc, tiệm bán thuốc phiện.
Lúc rảnh rang, mấy anh thợ hớt tóc đờn ca Vọng-Cổ, chẳng ai cần biết mấy anh thợ
này từ đâu tới.
Xin kể chuyện hồi tôi học chương trình thời Pháp (
như lớp 3 bây giờ ), khoảng năm 1936. Ký ức hồi 60 năm trước có thể là chuyện
không thú vị đối với đa số người trung niên khoảng 50 tuổi ngày nay. Lớp người
này đã thấy chiến tranh và đang thấy cuộc sống rộn rịp với hàng tiêu dùng tinh
xảo, tyrẻ con thì xem truyền hình, chơi trò chơi điện tử, quần áo tương đối sạch
sẽ nhờ bột giặt bán rẻ. Sau đình chiến 1954, tôi lên Sài-Gòn, tôi ngạc nhiên
khi thấy kiểu xe mô-bi-lết mỏng manh có gắn máy, chạy khá nhanh, trước kia muốn
gắn máy phải là xe mô-tô to, gọi là xe máy dầu. Nhớ mãi xứ Cù-Là, giồng đất cát
pha gần biển, nước mặn nhưng đào giếng gặp nước ngọt, con rạch nhỏ chạy quanh
co với rặng cây dừa nhỏ bé. Người dân tộc Khờ-me định cư từ lâu đời, bám đất,
giử chùa. Vài người Hoa lưu lạc đến xóm Cù Là mở tiệm tạp hóa, bán càfê, gốc
nông dân Triều-Châu, đánh cờ tướng giỏi, nhưng họ chẳng bao giờ biết đến Khổng-Tử,
Tứ-Thư hoặc Lý-Bạch, Đổ-Phủ.
Cù-Là phải chăng là người Miến-Điện ( My-an-ma ) từ
xưa đến bán thứ dầu gọi là cù-là ? Người Xiêm ( Thái-lan ) đã đến gần xóm này,
nay còn tên xóm Xà-Xiêm, tức là ruộng do người Xiêm lưu lạc đến canh tác, sau
khi lưu lạc thời Rạch Gầm-Nguyễn Huệ ? Suy luận thêm là quá lãng mạn, xa vời.
Chợ Cù-Là nhỏ bé, nhưng là nơi được các công tử Rạch-Giá chọn làm nơi giải trí,
có sòng bạc công khai, thêm đá gà.
Các cậu công tử nhà sẳn ô-tô nhưng thích đến Cù-Là,
xa hơn 10 kí-lô-mét với phương tiện xe kéo. Những “ ngựa người “ chạy bộ một mạch,
bụng không no, khác nước mà không dám dừng lại, trong khi các cậu ngắm nhìn hai
bên lộ trải đá, đồng ruộng của cha mẹ các cậu trưng khẩn.
Cù-Là thuộc làng Cù-Hóa, trong địa bộ thời Minh-Mạng
đã có mặt. Ở đây mở trường làng như cấp 1 ngày nay, ngày học hai buổi, sang từ
7 giờ rưỡi đến 10 giờ rưỡi, chiều từ 2 giờ rưỡi đến 5 giờ, nhờ đó học trò tham
dự nhiều tiết mục hơn. Về ăn cơm trưa rồi phải trở lại trường, đường khá xa,
qua cầu khỉ. Tôi ở trọ nhà người bác ruột, vì nơi quê nhà tận U-Minh chưa cất
trường học. Bạn bè ngồi gần tôi trong lớp mang tên như Sánh, Thách, Mí, Ná,
Khung, Tỷ người Hoa lai Khơ-me, lai Việt. Anh Tỷ là người Khơ-me lại Hoa học giỏi
hơn hết. Nơi “ khỉ ho cò gáy “, nhưng ông bà ta nói “ ở đâu nước chảy cũng tới
“, thầy giáo dạy tôi là Nguyễn-Văn-Truyện, từ Cao-Lãnh đến. Sau nầy, năm 1945 mới
được hiểu thầy đã tham gia cách mạng từ năm 1930, tránh tập nã, xuống Rạch-Giá
xin làm giáo viên trường làng, dạy kiểu hợp đồng ở trường làng là chuyện nhỏ,
nơi đất rộng người thưa.
Bấy giờ báo chí Sài Gòn “ tiếp thị “ theo kiểu độc
đáo. Gởi báo đến đọc giả xem trước, rồi đôi ba tháng sau, Ty-quản-lý của báo sẽ
cho người mang chức vụ gọi là “ phái viên “ đến đòi tiền. Người phái viên này
được đăng ảnh trên báo trước khi đi công tác, đề phòng trường hợp kẻ mạo danh
nghĩa. Thấy phái viên mặc áo vét, thắt cà vạt, xách cặp da đến nhà “ con nợ “ ,
với bản kê khai những số báo đã gởi theo bưu điện. Người mua báo vui mừng, xem
vị phái viên như thượng-khách, hãnh diện với chòm xóm. Thông thường, hể người
thôn quê tình cờ gặp tờ báo lạ ở nhà người bạn nào đó thì cứ gởi thư đến Ty-quản-lý
của báo để xin mua, chưa trả tiền cũng đã thấy báo lien tục gởi đến. Đời sống của
phái-viên gẩm lại sung sướng, nơi ăn chốn ở miễn phí, chủ nhà trả nợ bao nhiêu
cũng tạm được vì thiết đãi thầy phái-viên cũng là kiểu trả tiền tượng trưng rồi.
Bác tôi thuộc vào hàng điền chủ nhỏ, nên đăng ký mua vài tờ báo, mua chứ ít đọc.
Tôi còn bé bỏng, mới mười tuổi, nhưng thấy chữ thì ham, thích nhất là báo Điện-Tín.
Người anh em chú bác ruột của tôi ở chung nhà đã học trường tỉnh ( nếu còn sống
nay hơn 80 tuổi ), thích văn chương, thử viết một truyện ngắn gởi đăng báo Điện-Tín
nầy, truyện Anh Ba Khổ, mở đầu :
Trên giưởng bằng vạt tre, một người đàn bà nằm
thiêm thiếp, đó là vợ của anh Ba Khổ
Đại khái, vợ anh Ba đau nặng, không tiền mua thuốc,
đành chờ chết. Anh Ba chỉ biết ngồi thức kế bên để an ủi, nhưng chị Ba lắc đầu,
ngỏ ý muốn chết, vì sống chỉ làm phiền chồng. Câu kết ngắn gọn :
Trong nhà, chị Ba nhắm mắt, anh Ba vuốt mắt vợ mà
bên ngoài, giọt mưa tí tách hảy còn
Người anh của tôi cắt bài báo, dán trong quyển tập,
như là kỷ niệm quý giá của tuổi thanh niên. Rồi anh thức đêm thử làm vài bài
thơ tình, viết vài bài về thời sự, nhưng chẳng thấy báo đăng. Đành bỏ nghề.
Năm ấy, năm 1936, báo Xuân Bính Tý của Điện-Tín
phát hành sớm, mới nữa tháng Chạp năm Hợi là đã đến xóm Cù-Là. Tôi đọc tới lui,
nào chuyện ăn Tết ở xứ người, hội hoa Anh-Đào bên Nhật, nào quảng bá thương mãi
dầu cù-là, thuốc trị bịnh đàn ông, đàn bà do nhà thuốc Ông Tiên ở Phú-Nhuận bào
chế. Một trang báo đập vào mắt tôi vì đề tài gần gũi, dân trong xóm thường nhắc
đến chuyện “ Ăn Ong “ , tức là khai thác ong mật, loại ong rừng làm ổ trên cây,
trong rừng tram bạt ngàn. Thuở ấy, rừng tràm vùng đất phèn và mặn còn nguyên
sinh, trải dài khắp con đường từ Rạch-Giá lên Hà-Tiên suốt năm sáu mươi
kí-lô-mét, nơi thưa, nơi rậm, là hang ổ của bệnh sốt rét do thần rừng, thần núi
ngự trị. Lại có chuyện đi gặt mướn ở Ngã-Năm nay thuộc tỉnh Cần-Thơ. (Bài của
nhà văn Sơn-Nam)
*Trích trong blog Trang Về Người Miền Tây.
Cuối năm nói chuyện quê mình.
ReplyDeleteCù lao, xóm chợ, miếu đình mến thương.
Cho người lưu lạc bốn phương,
Tình lên trải mộng dễ thường khó quên.