Links

Saturday, January 12, 2019

Ngày Còn Lại! Một Thoáng Có Là Bao…

________________

Face book Ấu tím
Image result for em xÆ°a

Nếu chỉ còn hai mươi bốn tiếng là chấm dứt cuộc sống tạm này, anh sẽ làm gì – chị sẽ làm gì – em sẽ làm gì?
Người được hỏi, nhìn người hỏi, ánh mắt tròn xoe ra vẻ ngạc nhiên, cùng với chút lúng túng, trả lời hay không trả lời!
Người có câu hỏi “kỳ cục” ấy nhìn lại người được hỏi với ánh mắt chân thành, ra vẻ hỏi thật lòng đó không đùa đâu!
Anh chàng tuổi trẻ, 25 – 26 chi đó, vừa học xong đại học tại Mỹ, chuẩn bị vào trường nha khoa, cười tươi rói trả lời:
- A tôi sẽ đi câu cá bên dòng sông nếu là mùa hạ hay thu, có tuyết thì tôi đi trượt tuyết, còn đúng một ngày mình phải thật sảng khoái chứ, tội gì ngồi nhà ru rú! 





Chị hơn 60 tuổi, người Mỹ ánh mắt long lanh muốn khóc:
- Tôi ư, tôi sẽ ôm từng người trong gia đình, nói cho họ biết tôi yêu họ lắm, và xin lỗi về những điều tôi vô tình làm cho họ buồn.
Anh khoảng tuổi trên 50, sự nghiệp vững chắc, thành công trên đường đời, dù đường tình không hoàn hảo, thanh thản trả lời:
- Tôi sẽ nói cho mọi người thân biết, tôi đã sống một đời sống tuyệt vời, không tiếc nuối không ân hận, nên họ không cần than khóc tiếc nuối chi cho tôi cả, thoải mái sống tiếp đời của họ khi vắng tôi...
Có lẽ tất cả mọi người được hỏi sẽ có cách trả lời giông giống thế, vì câu hỏi chỉ là một tỉ dụ trong trăm ngàn câu hỏi giả định đại loại là vô lý, vì nếu có thật thì tuyệt vời quá, ai cũng có thể vội vã làm xong ít nhất cho riêng mình một điều chi đó, thí dụ trang điểm khuôn mặt cho tươi, cười một cái với riêng mình trong kính, và tìm bộ quần áo mình thích trước khi nằm xuôi tay nhắm mắt đi về nơi vô định.
Đọc đến đây, hẳn bạn thầm nghĩ: "Bà ta điệu quá, ngay cả trước khi chết cũng điệu!”
Tôi đọc nhiều lắm về những giả định thế này thế khác, những điều khuyên nhủ như thánh phán trên các bài báo, các phương tiện truyền tin chớp nhoáng Facebook với cái tựa thật dài: Bạn sẽ làm gì nếu chỉ còn 24 giờ để sống! Người viết khuyên nhủ cách sống chan hòa, yêu thương gia đình, yêu thương tha nhân, tất cả những điều thật đơn giản đương nhiên phải như thế từ tạo thiên lập địa. Nhưng có lẽ theo đà tiến hóa của xã hội, theo những phát minh ngày càng thông minh sáng tạo của con người, nhân loại bị cuốn theo nó mà quên đi mất, đến nỗi bây giờ phải khuyên nhủ lẫn nhau, sống sao cho càng về gần với thuở hồng hoang xưa càng tốt, trở về với gia đình, trở về với xóm làng giúp đỡ lẫn nhau, lá lành đùm lá rách, đừng thờ ơ với những điều xảy ra chung quanh, đừng mũ ni che tai, đừng giả vờ không thấy nỗi đau của bao người sống trong cảnh khốn cùng – cảnh khốn cùng không một ai muốn chịu.
Tôi quen biết nhiều, việc làm mỗi ngày tiếp xúc nhiều người, nên gặp – thấy – theo dõi những cuộc ly trần hầu như mỗi ba tháng một lần, chưa lần nào giả thiết 24 giờ đúng cả. Người già được đoán khoảng vài tháng, có vị sống thêm được vài năm, di chúc viết ký thay đổi vài lần vẫn chưa vừa ý, ngay cả sau khi nằm xuống, con cái cùng người phối ngẫu còn lại, cũng chẳng buồn làm theo di chúc, thí dụ bảo đừng làm đám ma tốn kém – họ vẫn làm vì đám ma không cho người chết, mà để người còn sống mát mặt mát mày với danh xưng người con hiếu đễ, người vợ ân cần. 


Người trung niên, bất ngờ bị tai biến mạch máu não, bất ngờ tim ngưng đập, tai nạn xe cộ ra đi trong vài giờ, chẳng kịp biết mình ra đi, hay bỗng dưng bị bác sĩ cho biết trong người có mầm bệnh nan y – ung thư bộc phát, phải chiến đấu cùng tật bệnh thuốc thang, công danh sự nghiệp vợ đẹp con khôn hay chồng hiền con giỏi lúc ấy chẳng còn quan trọng, chỉ níu kéo sự sống mong mỏi sức khỏe trở lại như xưa. Lý do tại sao người ta cần bám víu vào những loại thuốc lá thuốc cỏ thay cho thuốc bán cần toa bác sĩ, lý do tại sao người ta cần tựa nương vào thần thánh thay cho tôn giáo họ đã mang tự thuở lọt lòng. Thuốc cần toa bác sĩ không được xem là thần dược; tôn giáo chính thống bỗng bị bỏ lơi vì đã phụ lòng người bệnh. 

Niềm tin biến mất vì nỗi lo sợ quá lớn, chiếc phao hy vọng xẹp dần theo tóc rụng, xác thân mỏi mòn khi bị hóa trị xạ trị, và nếu có được phán quyết chắc nịch sẽ ra đi trong vòng một ngày, hẳn người bệnh sẽ bối rối chẳng biết phải chuẩn bị gì, còn tùy theo gia cảnh thân thế tôn giáo để nói lên ước muốn sau cùng nữa chứ! Cả trăm ngàn câu trả lời được viết xuống cũng chẳng thể nào đủ.
Vừa mới đây, báo chí ở Mỹ đã tốn không ít ý kiến về việc người bệnh có quyền quyết định sống tiếp để chịu thuốc thang mổ xẻ, cùng với đau đây đau kia, hay buông xuôi thôi không sống nữa? Tiểu bang California đang chuẩn bị bàn cãi có nên hợp thức quyền được chết cho những người bệnh trầm kha hay không. Không muốn sống tiếp có thể bị buộc tội “tự tử”, tội danh không tôn giáo nào chấp nhận, ngay cả chính quyền cũng không để nó xảy ra, người có ý định này nếu muốn thực hiện công khai trước thanh thiên bạch nhật sẽ bị cảnh sát ngăn cản và cứu cho bằng được để họ phải sống tiếp cho hết kiếp người.
Tôi đã bị kẹt trong dòng xe cộ chựng lại giữa con đường cao tốc vài tiếng đồng hồ không lối thoát, vì có người leo lên thành cầu đòi nhảy xuống, cảnh sát đóng đường không cho xe qua lại. Một nhân viên tâm lý đến gần người chán sống, năn nỉ ỉ ôi gì không ai biết, một nhóm khác đứng xa xa theo dõi, xe cứu thương cùng xe chữa lửa trang bị nhiều thứ trong đó để sẵn sàng ra tay giúp đỡ. Sự việc người chán sống làm phiền người còn sống được theo dõi trên ti vi, được truyền đi trên điện thoại, người tội nghiệp kẻ giận dữ, vì “nó” mà đi làm trễ, đón con không đúng giờ, về nhà không đúng lúc, chưa kể nếu có sự gì xảy ra như động đất, bão tố ngay lúc ấy thật khủng khiếp, không có lối mà ra, bao nhiêu người liên lụy vì anh chàng hay cô nàng chán sống.
Vậy câu trả lời của tôi cho câu hỏi: “Bạn sẽ làm gì khi biết mình chỉ còn sống có một ngày!”
Là: trống không!
Trống không như tờ giấy trắng tinh chưa từng bị viết lăng nhăng lên nó, trắng tinh như cánh hoa quỳnh nở giữa đêm. Mỗi ngày của tôi là một món quà thượng đế đã ban tặng từ ngày tôi được sinh thành, mỗi ngày của tôi là một sự trân quý hơi thở vào ra, trái tim tôi tràn ngập nguồn yêu thương từ hạt cát đến bầu trời, tôi yêu hết mọi sự chung quanh, vừa ý hay không tôi cũng yêu nó, buồn hay vui tôi cũng cảm nhận sự sống luân chuyển khắp châu thân – có chi phải suy nghĩ nếu ngày mai tôi phải xa cõi đời này kia chứ! Các bạn đã bỏ tôi ra đi, tôi khóc vì nhớ bạn ngày đến viếng, nhưng chẳng vì thế mà tôi nghĩ: “Sẽ làm gì nếu tôi là người nằm trong ván trông ra!”
À, tôi nghĩ ra một điều, có thể điều này tôi sẽ viết xuống trang giấy trắng, ký tên cẩn thận rằng: Tôi thích được ra đi âm thầm không kèn không trống, chỉ những người thân yêu chung quanh, không cần ai biết tôi đã ra đi, chẳng cần ghi năm sinh năm mất, nắm tro tàn thả vào biển cùng những đóa hoa vật vờ theo sóng nước mênh mông – mênh mông như cuộc đời từ trong trứng.
Đâu ai quyết định được ngày mình sẽ ra đi, như ngạn ngữ Tây Tạng có câu: “Ngày mai sẽ tới sau kiếp sau của bạn”.
Ấu Tím

No comments:

Post a Comment