Links

Thursday, January 17, 2019

Sa Huỳnh chương 13


Related image

13
– Bần tăng vui mừng gặp lại thí chủ?
Sư Huyền Ẩn nói với Hoàng.
– Thưa sư cụ… Tôi và sư cụ có duyên với nhau…
Người lính chiến nói đùa. Gượng ngồi dậy dựa lưng vào thành ghe đánh cá sư cụ cười nhẹ.
– Duyên của bần tăng với thí chủ do nhân quả mà thành…
Hoàng cười.
– Tôi có cháo cá sư cụ ăn không?
Nhẹ gật đầu sư Huyền Ẩn thong thả cất tiếng.
– Thí chủ có lòng thành bần tăng xin nhận…
– Sư cụ không kiêng cữ đồ mặn ư…
Hoàng đùa. Sư Huyền Ẩn cười.
– Mặn cũng như không mặn. Cá cũng như không cá…
Hoàng gật đầu.
– Tôi cũng nghĩ như thế…
Sa Huỳnh đưa cho thầy tô cháo nóng nhưng thấy thầy còn yếu quá ni cô phải vừa thổi vừa đút. Ăn hết tô cháo cá, uống chén nước nóng sư cụ cảm thấy khoẻ khoắn.
– Cám ơn thí chủ. Chúng ta đang ở đâu?
Nhìn trời nước mênh mông Hoàng không biết mình đang ở đâu. Cuối cùng Sa Huỳnh xen vào trả lời.
– Bạch thầy… Chúng ta đang ở trên biển…
Thấy sư cụ lim dim Hoàng lặng lẽ đi ra trước mũi tàu. Sa Huỳnh nhìn theo với ánh mắt buồn u uẩn.
Ngồi trước mũi tàu Hoàng im lặng nhìn mặt trời từ từ xuống nơi chân trời. Một vòng tròn màu đỏ rực lóng lánh như viên kim cương phản chiếu muôn màu vạn sắc chậm chạp, từ từ đi xuống khỏi mặt nước xanh thẳm.
– Ông thích nhìn mặt trời lặn trên biển?
Hoàng quay lại cười khi nghe tiếng Sa Huỳnh vang lên sau lưng của mình.
– Đẹp vô cùng… Ni cô chắc quen rồi phải không?
Liếc một vòng quanh quất không thấy ai Hoàng thì thầm.
– Sa Huỳnh…
– Dạ…
Hoàng cảm thấy lòng mình lao đao chết ngợp vì tiếng ” dạ “ ngoan hiền.
– Tôi nhớ Sa Huỳnh…
– Tôi cũng nhớ ông… Ông chỉ nhớ tôi thôi ư…
Thấy người lính nhìn mình dò hỏi Sa Huỳnh cười.
– Ông chỉ nhớ chứ không có gì khác hả?
Hoàng cười.
– Còn nhiều thứ lắm không nói ra được…
Bóng tối đổ xuống làm thành biển đen. Gió thổi mạnh. Giọng nói nhỏ, trầm ấm của người ni cô như tan loãng trong gió.
– Ông cứ nói ra đi. Mình có rất nhiều thời giờ…
– Sa Huỳnh không sợ?
– Sợ gì?
– Sợ người ta dị nghị…
– Tôi không ngại điều đó…
Ngừng lại giây lát giọng nói vang lên chậm và nhuốm chút buồn rầu.
– Tôi chỉ sợ khi đối diện với phật hay với cái tâm của chính mình…
– Tôi yêu Sa Huỳnh… Anh yêu em… Đó là điều tôi muốn nói…
Vì trong bóng tối nên Hoàng không thấy được Sa Huỳnh ứa nước mắt.
– Tôi biết… bởi vì… bởi vì tôi cũng như ông…
Im lặng thật lâu rồi giọng nói của người ni cô nhẹ vang lên như tiếng thở dài.
– Tại sao ông trở lại Sa Huỳnh?
– Tôi lo cho Sa Huỳnh… Tôi biết nếu không trở lại làng Sa Huỳnh tôi sẽ không còn có dịp nào để gặp lại Sa Huỳnh nữa. Sư cụ bảo tôi cái duyên là do nhân quả. Duyên giữa tôi và Sa Huỳnh sẽ bị đứt đoạn nếu không có hành động của chúng ta để tạo ra nhân quả…
Sa Huỳnh cười thánh thót.
– Ông tính đem luật nhân quả ra để bào chữa cho sự si tình của ông phải không?
Hoàng cười im lặng vì câu nói đùa của Sa Huỳnh. Anh cảm thấy sung sướng và vui mừng vì sự thay đổi trong cách ăn nói cũng như cử chỉ thân mật của Sa Huỳnh. Nó chứng tỏ là nàng nghiêng về anh một cách từ từ và chậm chạp. Tuy vẫn còn nhiều xa cách nhưng với thời gian anh hy vọng hai người sẽ xích lại gần nhau hơn.
– Nếu tôi không đem cây si tổ bố trồng ngay trước cổng chùa thời mình đâu có ngày hôm nay…
Sa Huỳnh bụm miệng để cho tiếng cười không phát ra.
– Tôi biết… Cây si của ông đơm bông, trổ trái và mọc rễ trong lòng tôi, làm cho tôi không thể quên ông được… Tôi bắt thường ông…
– Sa Huỳnh muốn tôi làm gì?
– Không biết… Tôi chưa nghĩ ra…
– Tự dưng tôi muốn đi tu…
Biết Hoàng nói đùa, Sa Huỳnh cũng đùa lại.
– Ông mà tu gì… Ông chưa tu mà tôi đã muốn hoàn tục. Nếu ông vô chùa tu chắc tôi phải…
– Phải cái gì Sa Huỳnh?
Nín cười hồi lâu Sa Huỳnh mới trả lời câu hỏi. Dù vậy Hoàng cũng nghe giọng nói của Sa Huỳnh còn pha tiếng cười.
– Tôi phải khăn gói theo ông đi xây tổ uyên ương…
– Cám ơn Sa Huỳnh…
– Thôi tôi đi ngủ… Ông cũng nên ngủ để lấy sức mà đưa tôi về Sài Gòn…
Sa Huỳnh bỏ về chỗ nằm của mình bên cạnh sư cụ. Hoàng vẫn còn ngồi im lìm tại chỗ cũ. Sa Huỳnh biết Hoàng chưa ngủ bởi đầu thuốc lá vẫn thỉnh thoảng cháy đỏ trong đêm tối mông lung.
Hoàng thức giấc vì mùi cà phê bay vào mũi của mình. Mở mắt anh thấy Đăng, thằng em mang máy đang đặt ly cà phê bên cạnh chỗ mình nằm. Nhỏm người dậy hớp ngụm cà phê xong anh đốt điếu thuốc. Mùi khói thuốc hăng hăng. Trời nắng chang chang. Gió thổi nhè nhẹ. Tiếng sóng vỗ vào mạn thuyền ì ầm. Biển thật êm. Hoàng đã dành cho sư cụ và Sa Huỳnh chỗ ngủ bên trái cạnh phòng lái. Phía bên mặt dành cho lính bị thương cần phải tịnh dưỡng. Bao nhiêu người còn lại đều phải ngủ ngoài trời.
– Sa Huỳnh ngủ ngon không?
Hoàng hỏi. Cúi mặt xuống Sa Huỳnh trả lời nhỏ.
– Không…
– Sao vậy?
– Tôi chăn êm nệm ấm còn ông ngủ ngoài kia thời làm sao tôi ngủ yên được…
Hoàng cười nhẹ.
– Tôi lính tráng ngủ đâu cũng được. Có một chỗ ngủ bình yên là sướng rồi…
Liếc nhanh vào chỗ sư cụ nằm Hoàng hỏi nhỏ.
– Sư cụ ra sao?
– Khỏe hơn… Bị say sóng nên người ngủ li bì…
– Sa Huỳnh không say sóng à?
– Không… Tôi thấy khoẻ nhiều lắm…
– Như vậy là Sa Huỳnh hết bịnh rồi phải không?
– Bịnh gì… Tôi đâu có bịnh gì đâu?
Hoàng cười cười.
– Bịnh đó đó… Cái bịnh mà khi gặp nhau ở bãi biển Qui Nhơn Sa Huỳnh nói nó khó chữa lắm…
Mặt của Sa Huỳnh chợt đỏ bừng lên vì mắc cỡ. Ni cô biết Hoàng vừa nhắc lại lúc mới gặp nhau trên bãi biển ở Qui Nhơn vì vui mừng nàng đã nói là mình bị bệnh tương tư.
– Ơ… ơ… Ở gần ông bịnh đó không cần phải chữa cũng hết…
Hoàng muốn cười thật lớn nhưng không cười được nên cố dằn rút điếu thuốc rồi quẹt diêm đốt thuốc. Tiếng máy ghe đang nổ đều đều đột nhiên kêu lên một tràng âm thanh là lạ rồi sau đó im hẳn.
– Đại úy… đại úy… Ghe hư rồi…
Người lính đang lái tàu lên tiếng. Hoàng nói lớn.
– Tôi nghe rồi… Bảo Đăng gọi cho Chinh Chiến biết…
Lát sau chiếc ghe thứ nhì cập vào. Ảnh và Chinh bước sang. Sau khi đề máy hai lần không nổ Ảnh lui cui tháo ống dầu ra thử xong lắc đầu thở dài. Loay hoay hơn nửa tiếng đồng hồ máy ghe vẫn không nổ Ảnh nói với Hoàng.
– Không phải hết dầu… Chắc hư cái gì khác rồi đại úy ơi…
Hoàng hỏi nhanh.
– Mình sửa được không?
Như đã quen với tình trạng ghe đánh cá bị hư máy nên Ảnh lắc đầu cười.
– Hai chiếc phải cặp nhau chạy tới Tuy Hòa mới sửa được. Mình đang ở ngang hòn Mái Nhà của quận Tuy An. Bây giờ khoảng 1 giờ chiều như vậy tối mới tới Tuy Hòa. Chắc mình phải ngủ đêm ở Tuy Hòa…
Hoàng gật đầu không nói nhưng thái độ lại trầm ngâm. Cuối cùng anh hỏi Ảnh.
– Hai ghe cặp nhau như vầy chạy tới Vũng Tàu không?
Ảnh lắc đầu trả lời.
– Chạy như vầy nguy hiểm lắm đại úy. Gặp bão hay sóng lớn là cả hai chiếc ghe sẽ bị chìm liền…
Hoàng im lặng suy nghĩ. Dù không muốn ghé Tuy Hòa nhưng anh không còn chọn lựa nào khác hơn. Vẩy Đăng đang đứng tán dóc nơi mũi ghe Hoàng ra lệnh.
– Em mở máy 25 dò tìm tất cả tần số thử xem mình có nghe được tin tức hay liên lạc với bất cứ đơn vị bạn nào ở Tuy Hòa hoặc các vùng lân cận…
Trong lúc Đăng cắm đầu vào máy truyền tin Hoàng đốt thuốc xong đưa thuốc mời Chinh.
– Chinh nghĩ sao về tình hình ở vùng 2?
Hít hơi thuốc rồi nhả khói vị đại đội phó trả lời với giọng bi quan.
– Qui Nhơn đã thất thủ thời địa điểm kế tiếp sẽ là Tuy Hòa. Cộng sản không bỏ lỡ cơ hội để chiếm lấy vùng đồng bằng ven biển trù phú và đông dân cư này. Sau Tuy Hòa sẽ tới Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Vũng Tàu và Sài Gòn. Tôi không biết Bộ Tổng Tham Mưu và Dinh Độc Lập đã có kế hoạch gì để ngăn chận bộ đội Bắc Việt chưa nhưng…
Quay sang nhìn cấp chỉ huy của mình Chinh thấy được một khuôn mặt nhiều ưu tư và lo nghĩ. Hoàng gật gù.
– Những điều Chinh nói cũng là mối lo âu của tôi. Tôi không muốn ghé Tuy Hòa bởi vì tôi sợ mình sẽ bị kẹt ở đó. Nếu máy ghe không sửa được thời tôi sẽ dẫn một số anh em lên Tuy Hòa rồi tìm cách về Nha Trang hay Vũng Tàu bằng đường bộ. Chinh chỉ huy số anh em còn lại đi ghe về Sài Gòn…
– Tôi muốn đi với anh…
– Ta cần người chỉ huy ở trên ghe…
Chinh kèo nài.
– Bốn ông trung đội trưởng ông nào chỉ huy cũng được…
Hoàng nhìn người đại đội phó của mình.
– Đi đường bộ mệt lắm…
Búng tàn thuốc xuống nước Chinh cười đùa.
– Tôi thích lội bộ hơn. Đi ghe tôi bị say sóng…
Gật đầu Hoàng nói với giọng trầm và khàn.
– Tôi sợ mình không tìm ra chỗ nào sửa máy ghe ở Tuy Hòa…
– Anh nói đúng… Khó mà sửa ghe trong tình trạng rối loạn này. Những người bị thương sẽ được ở lại ghe. Ngoài ra tôi sẽ để trung sĩ Ân và chuẩn úy Quốc ở lại. Cả hai đều có vợ con…
Hoàng gật đầu làm thinh dường như đang bận suy nghĩ chuyện gì. Biết tính của cấp chỉ huy Chinh đi tập họp lính. Sau khi nghe Chinh nói lính nhao nhao tình nguyện. Rốt cuộc tổng cộng lại có ba mươi lăm người tình nguyện lội bộ về Vũng Tàu còn hai mươi hai người với sư Huyền Ẩn và Sa Huỳnh đi ghe về Nha Trang hoặc Vũng Tàu.
Trời chập choạng tối. Hoàng và Sa Huỳnh đứng cạnh nhau sau lái ghe. Nước biển xanh ngắt tung bọt trắng xóa. Gió biển thổi mạnh. Hoàng nghe được mùi hương là lạ toát ra từ chiếc áo nâu sòng.
– Ông tính ghé Tuy Hòa?
Sa Huỳnh hỏi nhỏ. Hoàng gật đầu.
– Mình phải ghé để tìm chỗ sửa máy ghe bị hư…
– Nếu trường hợp không sửa được thời ông phải làm sao?
– Mình sẽ sửa được…
Hoàng đáp với giọng chắc chắn và tin tưởng. Sa Huỳnh quay nhìn Hoàng. Ánh mắt ni cô thăm thẳm như chiếu rọi vào tâm hồn người lính chiến.
– Ông không thành thật với tôi phải không?
Hoàng cười gượng. Anh không thể nào tự chủ khi nhìn vào đôi mắt của Sa Huỳnh.
– Tôi nghe mấy người lính nói với nhau là ông chuẩn bị dẫn họ đi bộ về Nha Trang…
Hút hơi thuốc xong Hoàng từ từ nhả khói ra. Khói thuốc tan thật nhanh trong cơn gió mạnh đủ để cho chiếc ghe đánh cá nhỏ phải chòng chành. Giọng nói trầm khàn của Hoàng vang vang.
– Theo tôi đoán thời thành phố Tuy Hòa có thể đã, đang hoặc sẽ bị Việt Cộng đánh. Nếu chuyện này xảy ra thời ta khó tìm được chỗ để sửa máy ghe. Một chiếc ghe không thể chở hết chúng ta về Vũng Tàu. Do đó tôi phải chỉ huy những người lính tình nguyện đi đường bộ về Nha Trang…
– Tại sao ông không đi ghe… Ông không muốn ở gần bên tôi?
Hoàng nở nụ cười buồn, thật buồn cùng với giọng nói nghèn nghẹn vang lên.
– Tôi luôn luôn muốn ở gần bên Sa Huỳnh. Đối với tôi, được nhìn ngắm Sa Huỳnh cũng như được nghe Sa Huỳnh cười nói là một diễm phúc ngàn đời không có được. Tuy nhiên tôi là một kẻ chỉ huy. Trách nhiệm và danh dự của một người lính nhất là kẻ chỉ huy không cho phép tôi ở bên cạnh Sa Huỳnh trong lúc lính lại phải đương đầu với nguy hiểm và chết chóc. Lương tâm của tôi sẽ không yên ổn. Tôi sẽ xấu hổ vì trở thành một cấp chỉ huy hèn nhát bỏ rơi binh sĩ của mình. Sa Huỳnh đâu muốn có một người yêu hèn nhát và sợ chết…
Ni cô nhìn Hoàng với cái nhìn chan chứa tình cảm.
– Tôi yêu ông… Tôi hãnh diện vì có một người yêu như ông. Như vậy ông hãy đi để làm tròn trách nhiệm của một người lính trong giây phút khó khăn của đất nước. Tôi sẽ cầu nguyện cho ông…
– Cám ơn Sa Huỳnh… Tôi đi mà tôi nhờ Sa Huỳnh giữ dùm trái tim…
Sa Huỳnh bật thành tiếng cười vui.
– Đâu… Ông đưa trái tim đây…
Hoàng cầm lấy bàn tay mềm ấm của Sa Huỳnh đặt lên ngực ngay chỗ vết sẹo. Bàn tay của ni cô run lên theo nhịp đập nhanh dần của trái tim si tình. Hai người im lặng thật lâu rồi Sa Huỳnh nhè nhẹ rút bàn tay của mình về. Bóng tối mông lung. Tiếng sóng vỗ ào ào. Tiếng gió gào. Đâu đó có đầu thuốc đỏ rực của người nào.
– Ông có dặn tôi điều gì trước khi ông xa tôi?
Hoàng cười nhỏ.
– Có… Tôi dặn Sa Huỳnh là phải ăn nhiều cá cho có đủ sức khỏe. Đừng có ăn cơm trắng với muối…
– Ông muốn tôi hoàn tục hay sao mà ông xúi tôi ăn cá…
– Sa Huỳnh mà hoàn tục là tôi giết heo mổ bò ăn mừng. Tôi sẽ xây chục ngôi chùa để tạ ơn Phật tổ…
Sa Huỳnh bụm miệng vì sợ tiếng cười phát ra.
– Nếu muốn tôi hoàn tục thời ông phải làm gì ông biết không?
– Tôi phải làm gì?
– Ông phải sống… Ông phải sống để gặp lại tôi… Ông cũng biết là nếu ông chết thời tôi cũng sẽ chết dần mòn vì đau khổ và thương nhớ ông…
– Sa Huỳnh đừng lo sợ. Tôi muốn sống… Sống cho tình yêu của chúng ta… Sống để lôi, để kéo Sa Huỳnh ra khỏi chùa đi về nhà của tôi làm vợ và làm mẹ…
Sa Huỳnh cảm thấy mặt của mình nóng bừng lên vì thẹn thò pha lẫn mừng vui. Từ khi gặp lại Hoàng ở Qui Nhơn nàng không còn có ý nghĩ chống trả lại tình cảm của mình nữa. Không phải nàng đầu hàng hay bỏ cuộc nhưng nàng để mặc cho nhân duyên. Cho dòng đời xô đẩy. Cho sự xếp đặt của định mệnh. Nàng linh cảm sẽ có một biến cố vĩ đại làm thay đổi đời mình và vâng chịu một cách bình thản. Tùy thuận… Nàng đã đọc đâu đó hai chữ này.
Hai chiếc ghe đánh cá từ từ chạy vào cửa sông Đà Rằng. Ầm… Ầm… Ầm… Nước bắn tung tóe. Đạn bay trong không khí. Đạn xói vào thân cây cầu gỗ mà hai chiếc ghe tính cặp vào.
Hoàng hét lớn.
– Lùi… lùi… lùi… ra biển…
Tiếng máy tàu rú lên. Hai chiếc ghe cặp nhau chậm chạp quay mũi. Đạn mọt chê của địch không ngớt rơi xuống dòng sông. Ầm… Ầm… Tiếng đạn AK rít trong không khí. Bị lọt vào tầm đạn của địch hai chiếc ghe chở đầy lính nặng nề chạy trốn. Hoàng và lính nằm trên thuyền chịu trận. Một tiếng nổ thật gần làm rung rinh hai chiếc ghe. Nước bắn lên cao rồi rơi xuống. Lồm cồm ngồi dậy Hoàng la lớn.
– Sa Huỳnh nằm xuống…
Không nghe tiếng trả lời Hoàng chạy ào ra sau lái. Sư Huyền Ẩn và Sa Huỳnh đang ngồi trong góc giường.
– Sư cụ và ni cô có bị gì không?
Tiếng Sa Huỳnh vang lên nhỏ và yếu ớt.
– Không… Chỉ sợ thôi…
An tâm vì thấy sư cụ và Sa Huỳnh không có bị gì hết, Hoàng chạy trở ra mũi ghe.
– Lính có ai bị không?
Hoàng hỏi Chinh. Người đại đội phó lắc đầu cười.
– Không… May mà tụi nó bắn hơi sớm. Chứ nếu nó để mình vào sâu thời vô phương chạy…
Đứng bên cạnh Vũ chợt lên tiếng.
– Cái điệu này là khỏi sửa ghe rồi đại úy ơi… Tụi nó chiếm Tuy Hòa rồi. Mình phải kiếm chỗ nào vắng để lên bờ xong mau mau rời khỏi Tuy Hòa. Ở đây lâu là bị tụi nó tóm cổ…
Hoàng gật đầu.
– Em biết chỗ nào vắng vẻ để mình lên bờ không?
Vũ trả lời nhanh.
– Biết… Mình chạy tới Hòa Hiệp… Chỗ đó vắng… Cho ghe ủi bãi rồi mình lội vào…
Ngừng lại giây lát Vũ tiếp.
– Quê nội của tôi ở Ninh Hòa. Nó cách Tuy Hòa chừng trăm cây số. Hồi còn học trung học tôi lên Tuy Hòa chơi hoài. Má tôi quê ở Tuy Hòa…
Hoàng đưa gói thuốc mời Vũ. Không từ chối Vũ quẹt diêm mồi thuốc cho hai người.
– Từ đây về Ninh Hòa chỗ hiểm nhất là đèo Cả. Tụi nó chận ở đó là mình khó vượt qua lắm… Mình phải lội về Ninh Hòa thời may ra có ghe lớn mới chở mình về Vũng Tàu được…
Hoàng im lặng và Vũ tiếp.
– Đại úy để cho tôi chỉ huy trung đội đi đầu. Tôi biết đường nên…
Hoàng hít hơi thuốc thật dài.
– Hai đứa mình sẽ đi đầu… Quốc ở lại ghe nên Chinh sẽ thay Quốc coi trung đội 2. Trung đội của Hân còn có mười người mà Hân kinh nghiệm không bằng em và cũng không biết đường…
Hai giờ sáng. Hoàng ra lệnh cho lính cởi quân phục rằn ri rồi mặc quần áo của bộ đội vào. Đưa cho Vũ khẩu K54, Hoàng cười nói.
– Bây giờ chúng ta trở thành bộ đội Bắc Việt. Vũ là đại úy đại đội trưởng. Anh em nhớ cho kỹ đơn vị của mình là đại đội 4, tiểu đoàn 2 thuộc sư đoàn 320. Các đồng chí nhớ kỹ chưa?
Lính bật cười khi nghe câu hỏi của cấp chỉ huy.
– Trình đồng chí đại đội trưởng chúng em nhớ rồi…
Họ càng cười lớn hơn khi nghe câu trả lời của trung sĩ Miên, tiểu đội trưởng tiểu đội 2. Ra lệnh cho lính im lặng Hoàng và mọi người ngồi chờ. Vũ đang dùng ống dòm quan sát trong bờ rồi lát sau nói lớn.
– Ghé vào chỗ đó… Chỗ có đèn sáng đó…
Lát sau chiếc ghe đánh cá từ từ cắm mũi vào bờ. Hoàng nói nhỏ với Sa Huỳnh.
– Mình sẽ gặp lại…
Sa Huỳnh gật đầu rưng rưng nước mắt. Hoàng  bắt tay Quốc thật chặt.
– Em ráng đưa anh em về tới Vũng Tàu…
Liếc nhanh Sa Huỳnh, Hoàng nói với người trung đội trưởng của mình không như là mệnh lệnh mà là một nhắn nhủ.
– Coi chừng sư cụ và ni cô dùm anh…
Hiểu ý cấp chỉ huy Quốc gật đầu.
– Đại úy đừng lo. Tôi sẽ đích thân lo chuyện đó…
Vỗ vai Quốc Hoàng nhảy xuống bãi cát. Anh không dám quay đầu lại vì biết mình sẽ khóc cũng như Sa Huỳnh đang rưng rưng nước mắt nhìn bóng người lính xa dần mờ dần.


No comments:

Post a Comment