Links

Tuesday, January 22, 2019

Sa Huỳnh chương 15


Related image

15
Chiếc ghe đánh cá chầm chậm lướt sóng. Bốn ngày trôi qua. Nhờ hồi nhỏ đã đi đánh cá nên Bền khá thông thạo chuyện đi biển. Ghe lớn nhưng lại phải chở nặng thành ra không chạy nhanh được. Vả lại vì không thuộc đường do đó Bền phải cho ghe chạy rất gần bờ để khỏi bị lạc đường.
– Phan Rang đó đại úy…
Bền giơ tay chỉ một khu sáng mờ xa xa trong bờ. Ánh sao lóng lánh trên nền trời đen thẳm. Nước biển lấp lánh. Mở ba lô Hoàng lấy ống dòm nhìn vào bờ. Ánh lửa chớp tắt. Dường như có tiếng ì ầm vọng lại.
– Chinh…
– Đại úy gọi tôi…
– Tôi nghe như có tiếng nổ…
Lắng nghe hồi lâu Chinh lên tiếng.
– Tiếng đại bác… Có lẽ trong đó đánh nhau dữ lắm…
Dinh, Hân và Vũ cũng đều nghe được tiếng đại bác nổ ì ầm xen lẫn với tiếng phi cơ gầm thét. Tất cả lính biệt động trên ghe thấy đèn máy bay nhấp nháy trên trời đêm.
– Chinh nhìn thử…
Hoàng đưa ống dòm cho người đại đội phó của mình. Chinh rê ống dòm quan sát thật lâu rồi từ từ lên tiếng.
– Đang đánh nhau ở trong đó…
Nói xong anh nhìn cấp chỉ huy của mình. Hoàng hỏi nhỏ.
– Hôm nay mùng mấy rồi?
Liếc nhanh đồng hồ đeo tay của mình Chinh trả lời.
– Mồng 8 thưa đại úy…
Nhìn mấy chục người lính quần áo xác xơ, súng ống dơ bẩn, đạn dược không có, cộng thêm vẻ mệt mỏi hiện ra trên khuôn mặt hốc hác thất thần Hoàng khẽ thở dài. Anh không thể dẫn những người lính như thế này để tham gia một trận đánh nào nữa. Họ cần phải được nghỉ ngơi và trang bị đầy đủ trước khi ra trận địa.
– Mình về Vũng Tàu… Sau đó tôi sẽ liên lạc với tiểu đoàn hoặc bộ chỉ huy trung ương…
Lính reo hò khi biết tin vui này. Hoàng dấu kín niềm vui của mình. Cầm lấy ly cà phê đen và điếu thuốc của Đăng cho, anh lặng lẽ tới ngồi nơi mũi tàu. Anh muốn được yên tịnh để suy nghĩ. Anh mừng vui vì biết mình sẽ gặp lại Sa Huỳnh. Tuy nhiên bên cạnh đó anh lại có một ưu tư khác. Chiến trận đang tới hồi khốc liệt và địch quân đang có nhiều ưu thế. Quân số đông hơn, vũ khí nhiều hơn, tinh thần chiến đấu tăng cao vì liên tiếp thắng trận, địch quân đang và sẽ tung toàn lực để giải quyết chiến tranh. Sau khi vùng 2 và vùng 1 xụp đổ là tới phiên vùng 3 và nhất là Sài Gòn phải trực tiếp đối diện với lửa đạn. Hàng chục sư đoàn chính qui trang bị đầy đủ vũ khí sẽ tấn công vào Bà Rịa, Long Khánh, Bình Dương và Biên Hòa để mở đường vào Sài Gòn. Sau những cuộc rút lui hổn loạn, vô trật tự Hoàng biết quân lực của anh đã mất đi cái thế mạnh để có thể ngăn chận địch quân. Vị đại úy trẻ tuổi lắc đầu thở dài không muốn suy nghĩ thêm một vấn đề mà anh biết vượt qua khỏi tầm tay của mình. Anh muốn tâm hồn được thư thả. Hình ảnh của Sa Huỳnh hiện ra nhạt mờ lung linh. Nụ cười ngời sáng tình yêu. Giọng nói có chút gì âu yếm và tình tứ. Người ni cô đang từ từ trở về con người với mơ mộng, lãng mạn. Đó là con người thực, con người của tục lụy. Đốt thêm một điếu thuốc, uống cạn ly cà phê xong Hoàng nằm lăn ra sàn ghe dơ bẩn và hôi hám. Tuy nhiên dường như anh không ngửi được mùi hôi hám này vì đang từ từ chìm vào trong giấc ngủ thật bình yên.

*****
– Mô phật… Tôi vui mừng gặp lại thiếu úy…
Sa Huỳnh vui vẻ lên tiếng chào khi thấy Quốc. Người trung đội trưởng cười nói thân mật.
– Thưa ni cô… Tôi tới thăm ni cô và cũng từ giã để về Sài Gòn…
– Mô phật… Tôi cầu xin đức Phật từ bi sẽ che chở cho ông…
– Cám ơn ni cô… Ni cô có cần gì không xin vui lòng cho tôi biết…
– Mô phật… Tôi chỉ xin hỏi thăm về đại úy Hoàng… Chắc ông có nghe biết một vài tin tức về đại úy Hoàng…
Liếc nhanh ni cô Sa Huỳnh, Quốc lắc đầu thở dài.
– Thưa ni cô… Tình hình của đất nước bây giờ lộn xộn lắm. Tôi đã hỏi thăm mà cũng không nghe tin tức gì về đại úy của tôi. Những vùng mà đại úy của tôi đi qua đều bị Việt Cộng chiếm đóng cho nên…
Sa Huỳnh cố giấu tiếng thở dài. Hai người đều im lặng rồi lát sau Quốc lên tiếng.
– Thưa ni cô… Tôi xin được từ giã…
– Mô phật… Tôi sẽ cầu nguyện cho ông…
Đứng nơi hàng hiên ni cô Sa Huỳnh nhìn theo bóng người lính biệt động quân cúi đầu đi trên con đường tráng nhựa cho tới khi mất hút.
– Hoàng ơi…
Sa Huỳnh lẩm bẩm hai tiếng mà ni cô thường xuyên gọi thầm từ mấy ngày nay. Không có chuyện gì để làm cho qua thời giờ Sa Huỳnh chỉ còn biết đọc kinh, lần tràng hạt và chiều chiều ra biển ngóng tìm một chiếc ghe, chiếc tàu nào đó chở Hoàng về gặp lại mình. Tuy nhiên biển vẫn vô tình. Trời xanh thản nhiên và gió vẫn làm ngơ.
Nắng tháng tư ấm dịu. Gió biển mằn mặn mang mùi rong rêu thổi về. Những cụm hoa hồng đã đơm bông. Sa Huỳnh thong thả dạo bước trong sân chùa sau khi đọc kinh. Ngước nhìn bầu trời xanh trong vắt người ni cô khe khẽ thở dài. Ông đại úy Hoàng si tình vẫn biệt tăm như cánh nhạn chìm. Đêm đêm mở radio nghe tin tức người ni cô cũng hiểu là đất nước đang ở trong tình trạng hổn loạn. Những kẻ vô thần đang tiến dần về phương nam mà Hoàng cùng đồng đội phải hối hả rút lui trước sức mạnh của địch quân. Sa Huỳnh cầu nguyện cho Hoàng nhiều lần hơn; mỗi lần cầu nguyện lại lâu hơn để cầu xin Phật tổ từ bi che chở cho người mình yêu thương.
– Sa Huỳnh…
Người ni cô nghẹn ngào không nói được lời nào. Nàng không cần nói và cũng không thể nói vì quên hết. Khuôn mặt nhiều mệt mỏi nhưng cũng nhiều quyến rũ. Nụ cười tươi vui. Ánh mắt nhìn thăm thẳm. Hoàng. Người lính chiến si tình của Sa Huỳnh đang đứng trước mặt với bộ chiến y dơ dáy, nhầu nát.
– Ông không tắm mấy ngày rồi?
– Lâu lắm…
Đưa tay bịt mũi Sa Huỳnh cười đùa.
– Bởi vậy mà tôi không dám ôm ông dù tôi muốn…
Hoàng cười.
– Tôi cũng không dám để cho Sa Huỳnh ôm tôi…
– Tại sao?
– Nếu Sa Huỳnh mà ôm tôi là tôi sẽ ở lại đây để thành một nhà sư…
Sa Huỳnh bật lên tiếng cười ngắn. Hoàng nhìn Sa Huỳnh với cái nhìn tắm đẵm yêu thương đồng thời giọng nói cất lên buồn.
– Tôi tới thăm Sa Huỳnh giây lát rồi tôi đi…
Sa Huỳnh kêu với giọng thảng thốt.
– Ông đi… Ông đi đâu…?
Hoàng nói chậm và nghiêm nghị.
– Tôi đã liên lạc được với bộ chỉ huy biệt động quân của tôi. Tôi sẽ về Sài Gòn để cùng với anh em tham dự một trận đánh cuối cùng…
Sa Huỳnh rưng rưng nước mắt. Nghe giọng nói nàng lờ mờ hiểu một điều khiến cho nàng sợ hãi.
– Tôi còn gặp lại ông không?
Hoàng nói với giọng quả quyết.
– Gặp chứ… Chúng ta sẽ gặp nhau… dưới trần thế này hay trên cõi niết bàn. Tôi thấy Sa Huỳnh từng sát na…
Nhìn người ni cô với cái nhìn âu yếm như muốn thu lấy hình ảnh mà mình yêu thương; người lính chiến nói nhỏ với giọng buồn, rắn rỏi.
– Sa Huỳnh… Tôi phải đi… Anh em đang chờ tôi…
Sa Huỳnh không nói được tiếng nào dù là một tiếng, một lời, một câu từ biệt. Tiếng bước chân vang động. Bóng người lính chiến nhập nhòa rồi từ từ xa dần chỉ còn lại người ni cô đứng bơ vơ và đơn độc. Tự dưng Sa Huỳnh ước ao nàng không phải là ni cô để theo Hoàng, ở bên cạnh người mà mình yêu thương. Nhưng trễ rồi. Muộn màng rồi. Hoàng đã đi theo tiếng gọi của nước non để hoàn thành nhiệm vụ của người lính chiến. Nàng chỉ còn biết đêm đêm cầu nguyện cho người đi còn có lần trở lại.

*****
Sau khi trình diện xong thiếu tá M. tiểu đoàn trưởng thân mật bắt tay Hoàng.
– Anh sẽ để em nắm đại đội 2. Sau khi ở Chơn Thành về đại đội cần được một đại đội trưởng như em rèn lại cho cứng cựa…
– Cám ơn tiểu đoàn trưởng…
Từ giã cấp chỉ huy của mình Hoàng đi như chạy về đại đội. Anh có cảm tưởng là mình trở về mái nhà xưa gặp lại anh em bạn bè thân thương đã lâu không gặp.
– Đại úy… Đại úy tụi bây ơi…
Há la om xòm trong lúc nhảy cà tưng vì mừng rỡ. Tín chảy nước mắt ôm chầm lấy cấp chỉ huy. Thượng sĩ Bảnh bước vào đưa tay chào Hoàng.
– Ông thầy về Sài Gòn hồi nào vậy?
– Cách đây mấy ngày. Tôi trình diện bộ chỉ huy trung ương rồi được đưa về liên đoàn 31. Trình diện đại tá Biết xong ổng cho tôi về lại tiểu đoàn cũ…
Ôm Hoàng như một người anh gặp lại đứa em lâu ngày mới gặp lại ông thượng sĩ thường vụ đại đội cười ha hả.
– Số dách… Có ông thầy coi đại đội tôi mừng hết lớn. Đại đội mẻ bộn sau trận Chơn Thành… Tiểu đoàn phó có nói là mình sẽ ra Phan Rang…
Hoàng cười nhẹ.
– Phan Rang còn nặng hơn Chơn Thành nữa…
Quay sang Há, Hoàng vỗ vai thằng em mang máy.
– Em gọi bốn ông trung đội trưởng lên đây gặp anh…
Lát sau Trường, đại đội phó lên trung úy sau trận An Lộc cùng với thiếu úy Danh, trung đội trưởng trung đội 1 và thiếu úy Hưng, trung đội trưởng trung đội 4. Hai ông chuẩn úy, trung đội trưởng 2 và 3 mới về nắm trung đội sau khi Hoàng thuyên chuyển ra vùng 1. Mạnh, chỉ huy trung đội 2 giơ tay chào Hoàng xong cười nói.
– Tôi nghe anh em nói về đại úy nhiều lắm…
Bách, coi trung đội 3 cũng lên tiếng.
– Lính trung đội 3 mừng lắm khi nghe tin đại úy trở lại…
Nhìn một vòng những người lính thân cận Hoàng nghiêm giọng.
– Mình sẽ ra Phan Rang ngày mai hoặc mốt. Bốn trung đội trưởng bảo lính sửa soạn cẩn thận. Ông Bảnh dặn lính mang đạn cho nhiều. Có bao nhiêu cũng mang hết…
Sau khi mọi người đi lo chuyện của họ, Hoàng thong thả kể sơ lại cuộc trốn thoát của mình ở vùng 1. Trường thở dài sườn sượt.
– Tình hình bết lắm đại úy… Mình như con cọp bị thương…
Hoàng gật đầu im lìm nhìn ra ngoài trời. Nắng tháng tư úa vàng bệnh hoạn. Mây trắng đọng từng mảng nhỏ trên nền trời Biên Hòa. Anh tưởng tới Sa Huỳnh. Nếu mình thua là cộng quân sẽ tràn xuống Phan Thiết rồi Vũng Tàu. Anh không thể để cho Vũng Tàu bị giặc chiếm đóng. Sa Huỳnh thương yêu của anh sẽ chết dần, chết mòn trong ngục tù của cộng sản. Người ni cô hiền lành phải được sống tự do. Anh phải chận đứng làn sóng đỏ hung bạo để cho Sa Huỳnh an tâm tu hành dù có phải hy sinh mạng sống của mình.

*****
Chiếc C130 từ từ ngừng lại. Hoàng là người đầu tiên nhảy xuống. Phan Rang. Không có mùi rong rêu và muối mặn trong gió biển mà chỉ có mùi khét của lửa, của thuốc súng, của thây người chết không được chôn cất. Không ai có thời giờ chôn cất cho người chết của cả hai bên. Họ mãi lo đào hầm hố cho sâu, cho chắc chắn để tránh pháo. Thứ vũ khí khốn kiếp và đốn mạt này bây giờ trở thành một ưu thế của kẻ địch, gây chết chóc và khó khăn cho Hoàng và đồng đội. Quân ta không có đại bác tương đương để phản pháo mà nếu có súng cũng không có đạn để bắn. Người lính chiến như Hoàng và đồng đội chiến đấu trong cô đơn chỉ biết đem thân xác để cản bước kẻ địch đông gấp mười hay hai chục lần.
Sau khi trình diện liên đoàn trưởng để nhận lệnh xong tiểu đoàn trưởng cho bộ chỉ huy tiểu đoàn và bốn đại đội di chuyển. Tiểu đoàn chia làm ba cánh. Thứ nhất là bộ chỉ huy tiểu đoàn và hai đại đội tới đóng ở đồn Đại Hàn nằm ngoài vòng đai phi trường về hướng bắc. Hai đại đội còn lại được lệnh án ngữ hai vị trí là Bà Tháp và Bà Râu. Hoàng và đại đội đóng ở Bà Râu.
Vừa vào vị trí lính hì hục đào hố. Cái lỗ tròn và sâu này được người lính nâng niu và tin tưởng vì nó chính là vật bảo vệ họ hữu hiệu nhất. Trung đội trưởng, đại đội trưởng cũng phải tự tay đào cái hố cho mình. Hoàng phụ với Há đào cái hố lớn đủ cho hai thầy trò ngồi. Vùng này ít mưa đất khô cằn và cứng như đá đào ê cả tay. Chiếc xuổng cùn bây giờ lại cùn thêm. Đưa tay áo lau mồ hôi trán Hoàng hỏi thượng sĩ Bảnh đang lom khom ở hố bên cạnh.
– Ông Bảnh… Mình có bao nhiêu M72?
– Tám khẩu ông thầy…
– Tám mà bắn cái gì… Tụi nó có cả ngàn T54…
– Tôi hỏi xin thêm thời tiểu đoàn bảo chỉ có bấy nhiêu thôi. Tôi gọi liên đoàn thời họ bảo chờ…
– Chờ… Mình ngủm mẹ rồi… Còn đạn?
– Lính có hai trăm viên và ba lựu đạn…
– Mẹ… Như thế mà đánh cái cứt gì…
Hoàng lầm bầm. Bảnh cười lắc đầu. Lần đầu tiên ông ta thấy Hoàng chửi thề. Ông hiểu và thông cảm khi thấy cấp chỉ huy giận dữ. Địch có quân số đông gấp mười lần, tăng cả ngàn chiếc, có đại bác tầm xa tầm gần, có hỏa tiễn tầm nhiệt nổ sâu nổ chậm, súng không giật, thượng liên, đại liên phòng không. Địch có đủ, có hết trong khi đại đội lèo tèo mấy chục người, súng có đạn không, hỏa tiển chống tăng vài trái, không chiến xa, không đại bác, không phi cơ. Như thế mà đánh cái gì. Không chết vì pháo dập thời cũng bị tăng cán nát như tương. Nếu may mắn không bị tăng đè, tăng cán thời cũng banh thây vì lựu đạn hay AK 47 của bộ đội tùng thiết.
Đào hố xong Hoàng họp bốn trung đội trưởng lại.
– Nếu bị địch tràn ngập hay bị tan hàng bốn ông hãy rút ngược về hướng tây…
Bốn trung đội trưởng nhìn cấp chỉ huy với chút thắc mắc. Đốt điếu thuốc Hoàng từ từ giải thích.
– Địch tiến theo hướng từ bắc xuống nam hoặc từ tây sang đông cốt ý dồn ta ra biển. Chạy ra biển mà không có tàu rước là ta sẽ bị chúng bắt. Trong tình thế rối loạn này tôi nghĩ tàu hải quân không rước mình đâu. Vì vậy chạy ngược về hướng tây tuy nguy hiểm hơn nhưng nếu vượt qua được thời ta sẽ thoát khỏi sự tấn công và truy lùng của chúng…
Bốn trung đội trưởng nhận lệnh về lại trung đội. Hoàng nói với Trường và Bảnh.
– Nếu tôi có bề gì thời Trường dẫn anh em rút về hướng tây rồi sau đó mới tìm đường về Bà Rịa. Địch tập trung hết lực lượng vào vùng ven biển cho nên bỏ trống các căn cứ trong rừng sâu. Vì vậy ta sẽ không gặp nguy hiểm khi đi sâu vào mật khu của chúng…
Nghe giọng nói của Hoàng vang lên ngậm ngùi và nghẹn ngào Bảnh thở dài u uất. Lời của cấp chỉ huy như là trối trăn. Người lính chưa bao giờ biết lùi, chưa bao giờ biết run sợ trước họng súng của kẻ địch; hôm nay lại phải tính đường chạy, phải nói những lời trối trăn như biết mình sắp chết. Trường cũng vậy. Dù thượng cấp không nói ra anh cũng biết mặt trận Phan Rang sẽ vỡ, vỡ nát như quân khu 1, 2, Khánh Dương, Tuy Hòa… Anh và đồng đội cũng phải chạy vì không chạy là chết. Dù can đảm, thiện chiến và giàu lòng hy sinh; người lính cũng chỉ là con người. Tới một lúc nào đó người lính chiến cũng phải nghĩ tới bản thân mình. Muốn sống. Huống chi muốn đánh nhau với địch họ phải có súng đạn và có thức ăn mà những thứ cần thiết đó đều thiếu hụt trầm trọng. Họ bị bỏ rơi. Họ chiến đấu trong cô đơn và chết âm thầm không ai biết.
Chiều xuống chầm chậm. Ăn xong nửa bịch gạo sấy và miếng thịt ba lát Hoàng dựa lưng  nhìn trời.
– Mình rút hả đại úy?
Há hỏi. Nó ở gần ông thầy nên nghe và biết những lời Hoàng nói với bốn trung đội trưởng. Hít hơi thuốc dài Hoàng gật đầu xác nhận. Anh không muốn giấu diếm dù anh biết mình không nên cho lính biết vì khi biết tinh thần chiến đấu vốn đã lung lay sẽ bị lung lay nhiều hơn và ảnh hưởng tới sức chiến đấu của họ.
– Ừ… Ở lại đây cũng chết…
Ngừng lại hút thêm hơi thuốc Hoàng nói với giọng chậm và buồn.
– Mình không có súng đạn thời lấy gì đánh nhau với tụi nó. Lấy đá quăng nó bể đầu à…
Há cười sằng sặc vì lời pha trò của ông thầy. Đốt điếu thuốc hít hơi dài rồi ém hơi thật kỹ người lính mang máy truyền tin từ từ nhả khói ra. Giọng nói khàn đặc của Hoàng vang lên.
– Mày nhớ theo sát anh… Có gì mình sống chết có nhau…Thôi ngủ đi… Chừng nào tụi nó pháo hãy thức dậy…
Há gật đầu rưng rưng nước mắt. Hoàng cũng im lặng không nói nữa. Anh muốn có vài phút để suy nghĩ và mơ mộng. Tự dưng anh ứa nước mắt khi nhớ tới má của mình. Mấy hôm trước về Sài Gòn anh cũng chỉ về thăm nhà có một đêm. Hai má con thủ thỉ tâm tình. Hoàng kể cho má anh nghe về tình yêu của mình với Sa Huỳnh. Bà ước muốn được gặp nàng có lẽ vì tò mò muốn biết nàng đẹp như thế nào mà lại khiến cho đứa con hư của bà mê mệt. Sa Huỳnh. Đâu đó trong bóng tối thâm u, giữa trời đêm vàng vọt của ánh hỏa châu, trong tiếng nổ ì ầm của đại bác, khuôn mặt ni cô lung linh nhạt mờ. Giọng nói ngọt ngào. Ánh mắt nhìn thăm thẳm. Tiếng gọi Hoàng ơi thiết tha và âu yếm. Hình bóng của Sa Huỳnh mong manh như tánh mạng của người lính chiến đang ở tuyến đầu lửa đạn. Mệt nhọc và mòn mỏi chờ đợi đưa người lính vào giấc ngủ chập chờn, thức giấc hai ba lần vì tiếng pháo rơi gần.
Hoàng thức giấc vì tiếng cười nói của lính. Mới đầu họ còn sợ không dám đùa giỡn la lối nhưng riết rồi đâm ra lì.
– Nó muốn đánh thời đánh… Mình có im cái miệng nó cũng đánh thời tội vạ gì không nói…
Giơ tay xem đồng hồ anh thấy 9 giờ rưởi. Ngày 14. Bum… Bum… Bum… Cộng quân cho lính của Hoàng ăn điểm tâm bằng hàng trăm trái đại bác 130. Bốn mươi lăm người lính như những con sâu cuộn mình trong hố, vật vã trong chuỗi âm thanh giết người. Đất cát rơi rào rào. Tiếng người la hét. Có tiếng thét đứt nghẹn của người chết cố la lên tiếng cuối cùng trước khi nhắm mắt. Pháo trút xuống như mưa. Pháo dập xuống như chày giả gạo. Bà Râu. Cái làng vô danh nhỏ bé bị chìm trong tiếng nổ và ngập trong lửa cháy. Pháo dứt. Lính vừa ngóc đầu lên đã thấy từ xa chiếc T54 lù lù tiến tới theo sau lố nhố nón cối. Hoàng bóp chặt ống liên hợp trong tay của mình. Quai hàm bạnh ra, miệng mím chặt người lính biệt động im lìm chờ đợi. Trong phút chốc anh quên mất chữ ” rút chạy “ mà chỉ nghĩ tới một điều.
– Bắn…
Thượng sĩ Bảnh bấm cò. Trái M72 xẹt thẳng vào pháo tháp của chiếc tăng. Ánh lửa nháng lên. Ầm… Khối sắt nặng nề nhảy dựng lên. M60. M16. M79 trực xạ. Lựu đạn nổ ầm ầm. Đạn AK47 rít trong không khí. Đại liên phòng không xói vào không gian, xé da thịt con người.
– Xung phong…
Hoàng nhào lên khỏi miệng hố. M16 mở auto. Vị đại đội trưởng gan lì quét hết một băng đạn vào đám nón cối đang ào tới. Trái M26 bung ra kèm theo tiếng nổ chát chúa. Từng phần thân thể bay lên không. Máu tạt vào mặt. Tay súng tay lựu đạn, lính của đại đội 2 thuộc tiểu đoàn 36 biệt động lăn xả vào địch đông như kiến. Trận xáp là cà diễn ra ác liệt. Ba mươi phút sau địch rút lui không thèm lấy xác đồng đội. Nhảy tọt vào hầm núp Hoàng hét lớn.
– Ông Bảnh…
Tiếng ông thượng sĩ thường vụ vang lên mệt nhọc song bình thản.
– Tôi còn đây ông thầy…
Giọng nói của Há sũng nước mắt.
– Đại úy… Ông Danh đi đứt rồi đại úy… Hầm của ổng lãnh nguyên trái 130…
Ứa nước mắt Hoàng cảm thấy miệng của mình đắng nghét. Anh nhớ tới người sĩ quan trẻ tuổi hiền từ, vui vẻ, độc thân được lính đặt cho cái tên ngộ nghĩnh. ” Danh đàng hoàng “. Uống rượu thời uống chút chút mà nhậu nhẹt say sưa thời không. Hút thuốc cũng không. Chơi bời cũng không. Bởi vậy lính mới gọi là Danh đàng hoàng. Bây giờ Danh đã từ giã đồng đội, gia đình và bạn bè để rong chơi trong xứ vô cùng.
– Đại úy… Mình có năm chết và bảy bị thương… Mình cần thêm đạn… đại úy…
Hoàng thở dài. Đạn đâu mà có trong giờ phút này. Bum… Bum… Nghe tiếng départ của pháo địch Bảnh chữi thề.
– Đéo mẹ nó… Bắn gì mà bắn hoài…
Pháo lại dập xuống khiến cho lính vốn đã tả tơi lại thêm tơi tả. Người chết còn nằm đó chưa chôn bị trúng đạn chết thêm lần nữa. Há đưa cho Hoàng điếu thuốc Ruby quân tiếp vụ. Thong thả bật lửa rồi hít một hơi thật dài anh cảm thấy vị thuốc lá ngọt vô cùng và mùi thuốc lá thơm vô cùng.
– Anh uống cà phê cho tỉnh…
Há đưa cho Hoàng cái ly đựng cà phê. Hớp ngụm nhỏ Hoàng cảm thấy tuy cà phê nguội ngắt nhưng lại ngon vô cùng.
– Ông Bảnh qua đây uống cà phê…
Ông thượng sĩ thường vụ nhảy qua chiếc hố khá rộng nhưng lại biến thành chật vì có ba người. Hoàng đưa cho Bảnh ly cà phê. Nhấp một ngụm Bảnh chắt lưỡi đón lấy điếu thuốc của Há đưa cho. Đốt thuốc, hít hơi dài ém hơi ông ta lim dim mắt như muốn tận hưởng hương vị. Ba người lính không phân biệt cấp bực và chức vụ ngồi cạnh nhau im lặng hưởng thụ giây phút bình yên ngắn ngủi.
Suốt ngày 14 địch thôi tấn công mà chỉ dập pháo. Nằm trong hầm núp được lính cho biết thấy quân xa địch chạy đầy trên quốc lộ 1 về hướng phi trường và tỉnh lỵ Hoàng gọi máy báo cáo cho tiểu đoàn. Mười lăm phút sau mấy chiếc gunship xuất hiện bắn phá một lúc rồi biến dạng. Lính lại báo xe tăng và quân xa vẫn chạy ào ào và mở đèn pha sáng rực. Hoàng ra lệnh cho lính không được nổ súng trừ trường hợp bị tấn công. Suốt đêm 14 rạng 15 địch gia tăng pháo kích. Lính biệt động nằm im chịu trận. Họ hoàn toàn bất lực vì không có cái gì để phản pháo. Hoàng nghe Bảnh càu nhàu và chửi thề.


No comments:

Post a Comment