___________
Hoàng Thị Tố Lang
* viết theo lời kể của một người bạn tại trại tị
nạn Cheratin, Mã Lai- Nguyễn thị Kim Hợi *
Thân ái tặng bạn tôi ....
HTTL
Thân ái tặng bạn tôi ....
HTTL
Tôi tên là Hợi. Sở dĩ ba mẹ tôi đặt cho tôi cái tên
nầy cũng rất dễ hiểu thôi vì tôi chào đời vào năm Hợi. Mẹ tôi sinh tôi vào
những ngày cuối tháng chạp. Nghĩa là chỉ còn vài ngày nữa đã sang xuân. Nghe mẹ
kể tôi ấm ức lắm, phàn nàn “Phải mẹ ráng chờ thêm vài ngày nữa sinh thì đỡ cho
con biết chừng nào. Con gái mà tuổi con heo nó kỳ làm sao đó”. Mẹ xoa đầu tôi,dịu
dàng ôn tồn bảo “Tuổi con heo mới là tuổi sung sướng. Người xưa thường nói : tuổi Hợi nằm đợi mà ăn. Con không nghe sao”. Nghe Mẹ
nói thì cũng an ủi phần nào. Nhưng thực tình tôi rất sợ khi bị ai hỏi tôi
tuổi con gì ? Mà chẳng biết sao bao nhiêu cái xấu xa đều trút lên đầu lên cổ
con heo. Người nào mập quá cũng bị chọc ghẹo “mập như heo”. Ai mà ở dơ thì con
heo cũng là hình ảnh được đem ra để mắng mỏ “Đồ ở dơ như heo”. Thậm chí
đến ăn uống mà cắm đầu cắm cổ ăn hùng hục cũng nghe bạn bè xỉa xói “Ăn tạp như
heo”. Khổ thân cho con heo biết mấy. Nghĩ cho cùng miệng lưỡi con người cũng
bất công lắm.Chẳng biết nó có tội tình chi mà bao nhiêu cái xấu xa đều bị người
ta trút lên đầu lên cổ của nó.
Bây giờ thì xin trở về với cái tên Hợi của
tôi. Ba mẹ tôi cũng văn chương chữ nghĩa lắm chứ bộ. Thay vì Nguyễn thị Hợi
suông thì ông bà lại thêm chữ lót vào cho có hoa lá cành một chút. Thành ra tên
tôi là Nguyễn thị Kim Hợi. Đó là cái tên trên khai sinh của tôi có dấu mộc đỏ
và chữ ký của Chánh án Lục bộ tòa án tỉnh Long Xuyên đàng hoàng. Sở
dĩ có thêm chữ Kim là như thế nầy. Ba tôi là một ông giáo. Một ông đồ làng. Ông
rất thích nghiên cứu về tử vi bói toán. Số là mẹ tôi đã sinh cho ông bốn trự
con trai. Đến tôi may mắn thay là con gái. Ba tôi mừng lắm. Ông sung sướng bảo
Mẹ "Thế là nhà mình đã có tứ quí rồi đấy". Sau khi giở sách xem xong
ngày sinh tháng đẻ của tôi ba tôi gật gù ra vẻ đắc chí lắm "Nhà ta
sẽ khá đấy bà ạ. Con gái mình nó mạng Kim mà lại là Thoa xuyến Kim nghĩa là
vàng quí. Hiếm lắm. Sang lắm. Không dễ gì có được. Để rồi bà coi nhà ta sẽ ăn
nên làm ra cho mà xem". Thế là ba mẹ lấy chữ Kim đệm vào tên Hợi do đó tôi
mới có cái tên là Kim Hợi.
Hình như cái tên cái tuổi nó vận vào người
mang nó hay sao mà Kim Hợi càng lớn càng tròn trịa, bụ bẫm. Mẹ yêu, ba cưng.
Miếng ngon vật lạ gì cũng đút cho Bé. Cả nhà ai cũng gọi tôi là bé Ỉn. Bé Ỉn
càng ú ì bao nhiêu thì ba mẹ tôi càng ngày càng phát đạt bấy nhiêu. Quán ăn của
Mẹ mỗi lúc một đông khách thêm và mẹ đã sang được một căn phố hai tầng rất là
khang trang, lịch sự. Tầng trên làm chỗ ở cho gia đình và tầng dưới là quán ăn.
Mỗi lần Ngoại từ trong quê ra chơi Ngoại hay bẹo má tôi và bảo "Không dè
thằng cha bây làm thầy bói rùa gẫm gẫm mà trúng phoóc". Riêng tôi càng lớn
càng sợ ai hỏi tuổi mình. Tôi cứ tức tối và tự hỏi “Tại sao người ta bỏ con heo
vào 12 con giáp làm chi vậy cho tôi khổ tâm như thế nầy". Nhớ hồi đi học
vỡ lòng ở nhà một cô giáo trong làng. Sau khi học hết vần xuôi, bắt đầu qua vần
ngược để ráp vần. Cô giáo cứ bắt đọc đi đọc lại cái câu “con heo mập ú”. Tôi sợ
gần chết. Tôi mặc cảm với cái tên cái tuổi của tôi gì đâu. Nhưng có lẽ cầm tinh
con heo nên tôi nhu mì nhủ mỹ lắm. Lớn lên bị tụi con trai trong xóm chọc ghẹo.
Tôi vẫn nín thinh. Chỉ biết về nhà đêm đêm ôm gối tủi thân khóc thầm một mình.
Có lần tôi thỏ thẻ với Ngoại. Kim thì có biết bao nhiêu là Kim để ba mẹ
đặt như Kim Loan là con chim quí hay Kim cúc Kim Lan là tên gọi của
các loài hoa đẹp biết chừng nào hoặc cải lương hơn là Kim Tuyến cũng được. Cớ
chi phải đặt con là Kim Hợi. Con heo có cái gì đặc biệt đâu Ngoại. Tụi nó bảo
nhau “ Con Hợi nó mập như con heo nái” rồi cả bọn cười khoái chí lắm. Ngoại
cười thật dễ thương. Xoa đầu tôi khẽ bảo “Thây kệ tụi nó con. Tụi nó thấy ba mẹ
con có tiền nó ghét. Con có nghe ông bà ta thuở xưa nói không ? "Trông
mặt mà bắt hình dong. Con lợn có béo thì lòng mới ngon”. Rồi bà vừa têm trầu vừa nói
“Đàn bà con gái phải có da có thịt, cái tướng mới phúc hậu và chồng con sau nầy
mới ăn nên làm ra con à”
Thời gian thắm thoát trôi qua thật nhanh. Mới
ngày nào bé Ỉn lúc thúc bên Ngoại, bên Mẹ, bên cha mà bây giờ Ỉn đã trở thành
cô giáo. Cả cái quận Chợ Mới ai mà không biết cô Giáo Hợi con gái cưng của ông
bà giáo Mại - một cô giáo trẻ dễ thương hiền hậu được trò yêu bạn mến. Cái
chuyện tuổi Hợi của tôi dần dà cũng chìm dần vào quên lãng. Tôi sống hạnh phúc
trong tình thương của gia đình, học trò và bè bạn, chưa một lần nghĩ đến chuyện
yêu ai.Nhưng rồi như một định mênh. Tình cờ tôi đã gặp chàng trên một chuyến
tàu Hải quân ghé thăm An Thới. Chúmg tôi đã yêu nhau từ phút đầu gặp gỡ và vài
tháng sau cô giáo Hợi đã lên xe hoa về nhà chồng ở tận Bến Tre.
Gia đình chồng tôi ruộng vườn cò bay thẳng
cánh. Cái cơ ngơi của gia đình chồng ở không ăn cả đời cũng không hết. Mỗi lần
từ Bến Tre về thăm nhà là có xe hơi đưa rước bóng lộn. Xóm giềng ai cũng
trầm trồ bảo là nhà tôi có phúc đức cho nên ba mẹ mới có rể giàu
sang như thế. Ngoại tôi vừa nhai trầu bỏm bẻm vừa nói “Đó con thấy không
? Người xưa nói có sai chạy đâu “Tuổi Hợi nằm đợi mà ăn”. Bây giờ bây còn cằn
nhằn còn buồn ba mẹ bây nữa không ?”
Thế mà Hợi lấy chồng cũng được một năm. Nàng
vẫn tiếp tục cuộc đời cô giáo mỗi ngày đến trường đến lớp. Ngoài những giờ đi
dạy. Hợi phụ với ba má Hưng - Chồng nàng - trông coi cơ sở kinh doanh của gia
đình cho khuây khỏa. Cuộc đời quân ngũ của Hưng rày đây mai đó có bao giờ cho
phép vợ chồng nàng mãi mãi bên nhau. Đêm đêm một mình trong căn phòng
trống trải. Nghe tiếng súng từ xa vọng lại. Nhớ tới chồng, Hợi sợ lắm.
Mỗi lần về phép. Những đêm đôi vợ chồng trẻ bên nhau Hưng hay đùa với vợ “Em
đừng lo anh cao số lắm. Thầy bói bảo thế”. Rồi chàng tiếp theo “ Em biết không
anh tuổi Tý mạng của anh là Mạng Hỏa mà là Tích Lịch Hỏa nghĩa là lửa Sấm Sét.Thấy
anh là quân địch hoảng hồn chạy hết. Rồi Hợi tiếp theo nũng nịu với chồng “Em
ghét Tử vi lắm. Cũng tại ba cái tử vi mà em mới có cái tên Kim Hợi
nầy”. Chàng cười, ôm vợ vào lòng và âu yếm bảo vợ “Có sao đâu em. Vậy chừng nào
cho anh mấy con heo con đây cưng”. Rồi chàng thủ thỉ vào tai vợ : Em ơi
Chuột kêu rúc rích trong rương
Em đi cho khéo đụng giường Mẹ hay
Rồi những ngày phép qua đi. Những ngày ấm nồng bên
nhau đã hết. Hưng trở về đơn vị. Hợi lại vò võ một mình. Đêm đêm phòng không
chiếc bóng.Ngày còn đi học nàng yêu những áng thơ của Chinh phụ ngâm bao nhiêu
thì bây giờ trong cảnh nầy nàng mới thấm thía nỗi sầu chinh phụ bấy nhiêu:
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
Thiếp thì về buồng cũ chiếu chăn
Đoái trông theo đã cách ngăn
Tuôn màu mây biếc trải ngần núi xanh
Chốn Hàm Dương chàng còn ngoảnh lại
Bến Tiêu Tương thiếp hãy trông sang
Khói Tiêu Tương cách Hàm Dương
Cây Hàm Dương cách Tiêu Tương mấy trùng
Cùng trông lại mà cùng chẳng thấy
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu
Ngàn dâu xanh ngắt một màu
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ?
CHINH PHỤ NGÂM (Đoàn thị Điểm)
Hợi cũng yêu biết bao nhiêu những vần thơ
mượt mà của thầy NH
Sớm mai tôi thức dậy
Chợt nghe tin em gục ngã nơi chiến trường
Nhưng trong khu vườn nhà tôi
Vô tình khóm tường vi đã nở thêm một đóa
Tôi vẫn sống
Vẫn ăn
Và vẫn thở
Nhưng biết đến bao giờ tôi mới nói hết được những
điều tôi ước mơ
Nhưng rồi tiếng súng đã ngừng nổ. Hòa bình đã
đến. Nhưng không phải là hòa bình như niềm mong đợi của mọi người. Đất nước là
cả một trời tang tóc. Giông tố đã phủ kín quê hương tôi sau tháng tư đen 1975.Sau
những đợt đổi tiền, những đợt đánh tư sản mại bản. Gia đình tôi cả hai bên đều
trắng tay. Căn nhà lầu ba tầng ở Bến Tre đã được Uỷ ban Quân Quản Cách Mạng xử
lý. Ba má Hưng bị đưa đi vùng kinh tế mới. Con Hợi mập mạp ngày nào bây giờ đen
đúa tiều tụy lặn lội gánh gồng vượt núi băng rừng nuôi chồng cải tạo. Còn đâu
những ngày hoa mộng năm xưa ? Còn đâu hình ảnh kiêu hùng của chàng
lính biển một thuở nào vẫy vùng trên sóng nước quê hương. Ôi cái thân phận kẻ
thua cuộc như cá chậu chim lồng. Những buổi thăm nuôi tủi hờn nghẹn ngào. Sũng
đầy nước mắt. Chàng đau xót nắm tay tôi khẽ bảo “Em tiều tuy quá” Tôi bặm môi
nói trong tiếng nấc “Cả một đất nước nầy tiều tụy chứ đâu phải riêng em”. Và
lần gặp nhau lần đó cũng là lần vĩnh biệt. Chàng đã vĩnh viễn ra đi. Một mình.
Gửi thân nơi núi rừng hoang vu của đất Bắc. Không một lời trối trăn cho người ở
lại.
Ba mẹ chồng tôi khuyên tôi trở về An Giang tìm lại niềm an ủi bên Mẹ bên cha. Bên làng xưa xóm cũ. Quê xưa đìu hiu như nỗi lòng người trở lại. Mẹ tôi đầu tắt mặt tối cũng không kiếm đủ miếng cơm cho gia đình đắp đổi qua ngày. Đời sống của người dân cơ cực bần hàn như lùi về thuở khai thiên lập đia. Tội cho em tôi thèm miếng thịt heo từ ngày đất nước thanh bình mà thịt ở đâu có mà ăn. Một hôm phường khóm phát loa thông báo “Ngày mai mỗi hộ được nhà nước bán 200 gam thịt nợn (lợn)”. Em tôi nghe xong mừng quá bảo tôi "Mình sướng rồi chị hở ? Mai chị mua thịt, cho em ăn chị nhá". Nghe em nói mà rớt nước mắt. Tôi nắm bàn tay gầy guộc của em khẽ bảo “ờ mai chị sắp hàng mua thịt về kho tàu cho Út ăn nha”. Thế là tờ mờ sáng hôm sau tôi đã có mặt trong hàng người chờ chực ở cửa hàng thịt quốc doanh để mua thịt cho em tôi. Mua 200 g thịt mà phaỉ chen chúc nhau sắp hàng từ 4, 5 giờ sáng. Đến nỗi nhà thơ Nguyễn chí Thiện đã phải kêu lên “Miếng thịt lợn chao ơi mà vĩ đại”. Sau 2 tiếng đồng hồ sắp hàng, nhớ ánh mắt của em nhìn tôi chiều hôm qua tôi không còn biết mệt. Đến lượt tôi. Tôi đưa sổ hộ khẩu ra thì than ôi thịt trong cửa hàng đã hết. Trời đất như sụp đổ. Mắt tôi như hoa lên. Làm sao tôi nói với em đây. Mọi người thất vọng lủi thủi ra về. Tôi đi thật chậm. Nhưng rồi cũng phải về nhà. Em đứng đón tôi ở đầu ngõ. Thấy trên tay tôi không có cái gói thịt. Chừng như em đã hiểu. Tôi ôm em vào lòng nói trong tiếng khóc “Chị xin lỗi Út. Thịt hết rồi em ạ”. Trời ơi sao miếng ăn trong XHCN nhục nhằn, tức tưởi ê chề đến ngần ấy ? Tôi vỗ về em.Tôi hứa với em "Ráng chờ nha em. Đừng buồn. Vài ngày nữa chị có thịt heo cho em. Chị sẽ kho tàu nè giống như Ngoại hay kho cho chị em mình ăn hồi Ngoại còn sống. Út nhớ không". Em tôi nhoẻn miệng cười sung sướng ôm tôi nũng nịu “Thiệt nha chị”. Trong lúc nầy tôi nhớ Hưng chồng tôi làm sao. Có lẽ đến giây phút sắp từ giã cõi đời chàng cũng thèm một miếng thịt như em tôi trong lúc nầy.Nước mắt tôi ứa ra từ lúc nào tôi cũng không hay.
Chẳng còn bao lâu nữa
Tết sắp đến. Cả tuần lễ nay nhà nước phát động phong trào tăng gia sản xuất
“Người người nuôi heo, nhà nhà nuôi heo”. Mọi nhà lúc nầy ai cũng nuôi
heo. Heo nằm ngay trong gian nhà trước. Ngay cạnh bếp ăn. Con heo trong XHCN
quí lắm. Cột ở ngoài chuồng hoặc sau hè là sáng dậy con heo không cánh mà
bay. Mẹ tôi cũng vay tiền mua con heo con về nuôi. Nhà đã nhỏ hẹp mà mùi
phân heo nồng nặc thật là khổ sở vô cùng. Tôi nói nhỏ với Mẹ “Mẹ mua heo làm gì.
Mình còn không đủ ăn lấy gì mà nuôi heo. Mà nuôi lớn biết còn là của mình
không?". Cuộc sống làm tôi khôn ngoan hơn. Những cái mất mát sau cuộc đổi
đời đã dạy cho tôi những bài học quí giá.Tôi đã mất chồng. Mất cả nhà cửa, tiền
bạc. Con heo phải thuộc về tôi. Về gia đình tôi mà thôi. Tôi đã hứa với em tôi.
Bằng cách nào tôi cũng phải có miếng thịt cho em tôi trong ngày đầu xuân. Đêm
nay mẹ về quê để kiếm chút gạo về ăn Tết. Đợi Mẹ ra khỏi nhà tôi đổ xị rượu đế
của Ba vào nồi cám heo. Vài giờ sau con heo say rượu nằm lăn ra ngủ ngáy
phì phò. Con heo sữa còn bé lắm tôi nhanh tay cột chân nó lại. Tay tôi
run rẩy … Tôi thấy ánh mắt sung sướng của em. Tôi thấy nụ cười của em. Tôi nghe
mùi thịt kho tàu thơm phức và thu hết can đảm …cuối cùng sau những tiếng kêu
đau thương con heo đà nằm yên trên sàn gạch bên cạnh lưỡi dao oan
nghiệt còn rỉ máu. Tôi nghe có tiếng thở dài của ai đâu đây. Hình
như là Ba. Đặt tay lên bờ vai tôi Ba khẽ nói “ Tội nghiệp con tôi. Để mẹ về ba
liệu nói với Mẹ”. Ngước mắt nhìn Ba, cổ tôi nghẹn đi,không nói được nên lời.Tôi
gục đầu vào lòng Ba khóc nức nở ….
Mùa xuân năm ấy cũng là mùa
xuân sau cùng của Hợi ở quê hương. Chuyến đi định mệnh gần 20 ngày mới
đến Mã Lai. Hợi là một trong mươi người còn sống sót sau những ngày lênh đênh
trên biển cả. Những người thân yêu của Hợi đã bỏ thây trên biển đông không còn một
ai. Mới đó mà đã gần 30 năm. Đêm nay. Đêm cuối năm. Bên trời viễn xứ, ngoài
trời tuyết phủ bốn bề.Trên bàn thờ mâm cơm chiều 30 Tết vẫn còn đó.
Có đĩa thịt kho hột vịt, dưa giá và tô canh khổ qua hầm thịt
cho chồng. Có món
thịt kho tàu cho em. Có tô canh gà hầm hạt sen cho Mẹ. Có dĩa thịt đông cho Ba.
Cho các anh. Có trách cá kèo kho tiêu cho Ngoại. Mâm cơm đã nguội lạnh từ lâu.
Con Hợi năm xưa giờ đây đã già lắm rồi, tóc đã bạc phơ. Đêm xuân xứ người. Hợi
nhớ lại quãng đời xa xưa mà nhạt nhòa nước mắt.Thắp thêm nén hương trên bàn thờ.
Hợi lâm râm khấn nguyện. Hợi nức nở gọi mẹ, gọi cha ….Những người thân yêu của
tôi giờ ở phương trời nào ? Hai mươi mấy năm đã qua mà tưởng chừng như mới
trong khoảnh khắc. Đêm nay Hợi nhớ quê nhà sao ơi là nhớ. Nhớ từ giếng nước, bờ
ao. Nhớ cây cầu tre lắc lẻo. Nhớ những buổi chiều bơi xuồng bên vàm kinh những
lần về quê thăm Ngoại. Nhớ những chiều An Thới bên chàng …Đồng hồ trên tường
thong thả ngân nga 12 tiếng như báo hiệu một năm đã qua. Giao thừa đã đến. Xuân
đã về đó sao. Lại thêm một mùa xuân tha hương nơi đất khách quê người. Gục đầu
bên bàn thờ Hợi ôm mặt rưng rức khóc….
Winnipeg Xuân Đinh Hợi 2007
HOÀNG THỊ TỐ LANG
|
Tôi thích nhất câu " Cả một đất nước này tiều tụy chứ đâu phải riêng em "
ReplyDeleteTruyện cảm động quá, thêm một nhân chứng lịch sử của nước VN trước và sau năm 1975 nè
ReplyDeleteAnh khiêm
ReplyDeleteCám ơn anh đã vào đọc bài
Truyệnviết lúc đó được pót trên Thời báo và được tiền nhuận bút ăn Tết
Lâu rồi có Blog không còn gởi gì cho Thời báo nữa
Anh ăn Tết vui không?
Trên đó có Hội Tết thì chắc là còn thấy Tết
Winipeg mấy hôm Tết lạnh quá nên tôi cũng chẳng đi chùa
Tết buồn hiu
Trúc em
ReplyDeleteCám ơn em đã vào đọc bài nè
Ăn Tết xong chưa em ?
Bánh Tét em vừa mới gói
Thì Tết như vẫn còn mà...
Có lần nào cô ghé bước
Để thưởng thúc bánh em nha
Dạ cô ơi em vừa vô TH vừa ăn bánh tét, đối với em vậy là ngon lắm rồi, ăn đã thèm, nếu có điều kiện xin đãi cô bánh tét của em và một chầu khác nữa theo ý cô đó.
ReplyDeleteKTP
Chào chị TL. Hương xuân, vị Tết ở thành phố tôi ở vẫn đậm đà, ngọt ngào. Đồng hương năm nào cũng đến để " Xuân nhớ cội, Tết gọi nguồn " dưới ngọn cờ " Căn cước tỵ nạn " Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi...Hy vọng năm tới hơi ấm Tết sẽ sưởi mọi người ở bên đó.
ReplyDeleteanh Khiêm
ReplyDeleteWinnipeg hội nhà thờ Công giáo năm nào cũng tổ chức họp mặt mừng xuân ăn Tết và vé bán vé mỗi phần hình như 50$ thì phải, tôi có đi dự mấy lần sòng cũng không rầm rộ và đại Qui mô như Tết Cali hay Toronto
Lúc ấy tôi có tờ báo "Người Việt Tha Hương" năm nào đến Tết cung/` phát hành hơn 500 số, làm báo xuân cũng vui song bây giờ đã không còn những giây phút đó nữa, đi xin quảng cáo để có tiền ra báo cũng mệt, báo không bán mà tặng Free mà thôi. Giao thừa bà con đi chùa ai cũng có tờ báo cầm tay trong ngày đầu năm cũng vui ghê..
Bây giờ thì mệt mỏi rồi, nhớ lại những ngày ấy thấy thương vô cùng anh ạ ...