Links

Thursday, April 4, 2019

Mắt Kẽm Gai Chương 16

CHƯƠNG 16 -

ừa bước vào cổng Thùy Dung và Khôi nghe trong nhà vang tiếng cười nói. Thùy Dung reo nhỏ:
- Anh Khiêm...
Thùy Dung ôm chầm lấy người anh trai lớn nhất đồng thời cũng là người hùng của nàng. Khiêm bắt tay Khôi. Là lính nhất là dân biệt động với nhau nên cả hai rất tương đắc.
- Dũng nó chạy đi mua rượu...
Khiêm trả lời khi nghe em gái hỏi. Khôi vào nhà bếp chào hỏi ba má vợ. Ông bà rất vui mừng khi gặp lại người con rể hiền hậu và dễ thương. Bé Thùy Trâm vui nhất nhà. Có cậu lại thêm ba má nó tha hồ nhỏng nhẽo. Ba má của Thùy Dung đặt tên cho con rất đúng. Khiêm hòa nhã và khiêm cung còn Dũng thời tính tình bộc trực và năng động hơn. Gia đình này đúng là một gia đình chiến sĩ. Cha là lính giải ngũ còn con ruột và con rể là lính đang tại ngũ do đó cả nhà quây quần bên nhau bàn tán về tình hình chính trị và chiến sự nhiều hơn những chuyện khác.
- Anh Khiêm... Khôi đàn hát hay lắm...
Thùy Dung cười nói với anh hai của mình.
- Vậy hả... Tối nay mình làm một đêm văn nghệ bỏ túi đi Khôi... Mấy tháng nay anh bận bù đầu không có thời giờ đụng tới cây đàn...
- Dạ... Nghe Thùy Dung nói anh văn nghệ một cây mà cũng đào hoa nhất...
Khiêm cười lớn.
- Có gì đâu... Đó là cái số của mình em ơi. Bởi đào hoa nên đành ở vậy... Nhiều cô quá mình không biết chọn cô nào rốt cuộc ở giá...
- Anh Khôi còn biết ca vọng cổ nữa. Lính của em khen ảnh ca mùi còn hơn Hùng Cường và Thành Được...
Vừa mua rượu về tới nghe Thùy Dung nói Dũng cười ha hả.
- Hồi mới về sư đoàn 7 anh chúa ghét vọng cổ nhưng sau đó nghe riết rồi cũng thấy hay hay... Đại đội của anh có ông trung sĩ đàn sáu câu nghe mùi rụng rún luôn...
Khiêm nhìn Thùy Dung.
- Cô Vân bạn em nhà ở đầu hẻm có chồng chưa?
- Vân nào... Vân tóc dài hay Vân áo trắng? Em có hai con bạn trùng tên...
- Vân tóc dài là cô ốm và mặt buồn buồn phải không?
- Ừ... Nghe nói nó có bồ rồi sau đó không biết vì lý do gì lại đổ vỡ...
- Em có mời cô ta dự đám cưới em không?
- Chưa...
Khiêm cười cười nháy mắt với em gái.
- Một hồi em đi mời hai cô Vân tối nay tới nhà mình chơi đi. Văn nghệ mà không có bóng hồng thời không xôm tụ...
Dũng phụ hoạ.
- Em mời hết bạn của em đi. Vân tóc dài, tóc ngắn, áo trắng, áo tím gì gì...
Thùy Dung hiểu tính tình của hai anh.
- Để em đi mời liền bây giờ...
Nhìn theo em gái nắm tay cháu đi ra sân Khiêm hỏi Khôi.
- Sao Khôi thấy nó thế nào?
Hớp ngụm bia Khôi cười nhẹ.
- Tuy có một vài bất đồng nho nhỏ nhưng tụi này yêu nhau. Như thế đủ rồi phải không anh?
Khẽ thở dài Khiêm bật lửa đốt điếu thuốc.
- Lính như mình sống nay chết mai mà có tình yêu là hạnh phúc rồi... Em nên khuyên con Dung về Sài Gòn ở đi. Cái đồn ở Bảy Hạp không phải là chỗ của nó. Chiến tranh tàn nhẫn lắm. Không thương ai. Thiên vị ai. Phân biệt ai...
Khôi cười nhẹ.
- Thùy Dung không nỡ bỏ những người lính đã cùng sống chết với mình... Vả lại...
Dũng góp lời.
- Con Dung nên bàn giao chức vụ lại cho người nào rồi về Sài Gòn sống nuôi con... Để anh Khiêm và anh sẽ khuyên nó...
Ngừng nói hớp ngụm bia rồi Dũng nhìn anh hai của mình.
- Con Dung nó bướng lắm... Tuy nó không cải lại mình nhưng nó làm theo ý của nó...
Khiêm cười nói với Khôi.
- Em cứ nói với nó đi. Nếu yêu em thời nó sẽ nghe lời em... Nó phải nghĩ tới con cái...
Khôi im lặng khi nghe hai người anh vợ nói chuyện. Tuy nhiên anh nghĩ vấn đề không giản dị như vậy. Dù có chút bướng bỉnh Thùy Dung cũng là một người biết suy nghĩ cặn kẻ. Sở dĩ nàng không muốn rời căn cứ Bảy Hạp chỉ vì lòng kiêu hãnh và trách nhiệm. Đó là trách nhiệm của một cấp chỉ huy đối với mấy chục binh sĩ và luôn cả gia đình của họ nữa. Ngoài ra nàng còn mang nặng lòng kiêu hãnh đối với kẻ địch. Bỏ đi cũng đồng nghĩa với sự sợ hãi, trốn chạy hoặc đầu hàng. Thùy Dung không chấp nhận chuyện đó. Ngay cả Khôi cũng đồng ý với vợ dù biết hai vợ chồng sẽ phải đương đầu với nhiều khó khăn và sự bất trắc có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Thùy Dung cùng bé Thùy Trâm trở về. Hai mẹ con ôm một bịch giấy dầu khá nặng.
- Em mua cái này cho anh...
Nàng mở bọc giấy lấy đưa cho chồng một ổ bánh mì thịt.
- Anh ăn cho no... Để bụng đói uống rượu mau say lắm...
Quay sang Khiêm và Dũng Thùy Dung vui vẻ nói.
- Em mời rồi... Hai nhỏ Vân và một nhỏ bạn nữa sẽ qua khoảng tám giờ. Ba đứa sẽ ngủ lại nhà mình để dự đám cưới của em ngày mai... Hai anh chịu cô nào nói em làm mai cho...
Đặt mấy ổ bánh mì thịt lên bàn rồi ngồi xuống cạnh Khôi Thùy Dung hỏi.
- Anh Khiêm... Mình cần căng dù che rạp không?
Liếc nhanh đồng hồ Khiêm cười nhẹ.
- Ăn bánh mì xong tụi anh sẽ làm... Mới hơn năm giờ mà...
Tuy nói vậy nhưng Khiêm với Dũng và Khôi cũng ăn thật nhanh xong kéo ra sân căng dù và dựng rạp. Khoảng sáu giờ chiều hai vợ chồng anh Hữu và chị Quỳnh từ Nha Trang về tới thăm Khôi xong hẹn sáng mai sẽ trở lại. Khoảng bảy giờ Khôi và hai ông anh vợ đã xong việc dựng rạp, căng dù và xếp bàn ghế. Cả ba cũng trải hai chiếc chiếu thật lớn nơi chính giữa sân để dành cho buổi văn nghệ đêm nay.
Mưa rơi trắng xóa trên cánh đồng trơ trọi phía bên kia dòng sông Bảy Hạp. Những giọt nước mưa bị gió thổi kéo thành luồng trải dài trên mặt cỏ non mới nhú lên màu lấm tấm xanh. Nghìn vạn giọt nước mưa rơi trên mặt sông rộng. Gió vật vã tàng cây khẳng khiu. Gió lùa đám cỏ xanh mọc ven bờ sông. Gió thổi mạnh hắt nước mưa vào tận chỗ của Sinh ngồi khiến cho anh càu nhàu đứng lên mặc vội chiếc poncho. Khôi đi phép và anh phải thay thế để trông coi hai chiếc tàu. Công việc không có gì nhiều nhưng trách nhiệm nặng, nhất là đối với một người như Sinh và đặc biệt là hai chiếc tàu đang ở trong vùng kém an ninh. Địch pháo kích lai rai khiến cho lính trên đồn và anh em thủy thủ không khi nào được yên ổn. Một đêm họ phải dời tàu ba hoặc bốn lần. Bây giờ Sinh mới thấy sự có mặt của Khôi thật cần thiết. Chỉ có Khôi mới nghĩ ra cách đối phó với đám du kích chuyên đánh lén. Lính trên đồn đã có một người chết và hai người bị thương vì đạn 82. Ba giang đỉnh cũng không dám đậu tàu trước cổng đồn ban đêm vì sợ bị pháo kích. Ngay cả việc đi chợ mua thức ăn hàng ngày cũng bị hạn chế. Hồi trước họ còn lê la cà phê cà pháo hay tán dóc nhưng bây giờ phải hấp tấp vì sợ bị pháo kích hoặc phải về ngủ bù để ban đêm thức gác tàu. Hôm qua thượng sĩ Bang có xuống tàu nói cho Sinh biết là tình báo của tiểu khu đã ghi nhận nhiều dấu hiệu chuyển quân của địch về khu vực quận Cái Nước nhất là vùng Bảy Hạp. Điều đó khiến cho lính trên đồn và thủy thủ đoàn của ba chiếc tàu sống trong tình trạng căng thẳng. Họ biết địch sẽ đánh đồn nhưng không biết lúc nào.
Bảo, thuyền phó của Sinh bước ra hỏi.
- Anh không ngủ hả?
Đốt điếu thuốc hít một hơi Sinh hỏi lại.
- Mày ngủ được không?
- Nóng quá nhưng mệt nên tôi thiếp đi một chút. Anh vào ngủ đi để tôi coi chừng cho. Ban ngày chắc tụi nó không dám đánh đâu...
Sinh ngáp dài đứng lên.
- Ừ mày coi chừng cho tao nhắm mắt một chút. Cơm nấu rồi mày đói cứ việc ăn trước...
Bảo kéo thùng đạn đại liên vào sát hầm máy để tránh cho mưa khỏi tạt vào rồi ngồi xuống. Nhìn đám cỏ khô trôi từ từ anh biết nước bắt đầu ròng. Nguồn không xa, sông lại hẹp nên lưu lượng nước của Bảy Hạp không lớn lắm. Nước lớn hay nước ròng đều không khác biệt nhiều so với sông Hậu và nhất là sông Tiền. Vào mùa nước lũ từ Vĩnh Long đi Chợ Mới tàu bò cả tiếng đồng hồ vẫn thấy ở chỗ cũ trong lúc xuôi dòng thời không cần nổ máy tàu cũng trôi.
Bảo móc túi lấy ra gói thuốc Bastos xanh. Rút một điếu, bật cái zippo anh thong thả đốt thuốc hít hơi dài rồi từ từ nhả khói. Đưa cái bật lửa lên ngắm nghía anh mỉm cười khi thấy mấy chữ " Nha Trang- 8- 9- 1965 ". Đó là ngày đáng ghi nhớ bởi vì cũng là ngày anh gặp Bích trong một tiệm bán hàng kỷ niệm ở phố Nha Trang. Tuy không đẹp nhưng cô gái Nha Thành có nét thùy mị, dễ thương và mặn mà của một thiếu nữ sinh ra và lớn lên nơi miền biển mặn. Hai đứa quen nhau gần ba tháng, đi chơi với nhau nhiều lần rồi Bảo mãn khóa tân binh. Cuộc tình tưởng chừng như đứt đoạn khi Bảo lên tàu về Sài Gòn. Ngày chia tay hai đứa không nói nhiều vì buồn. Tuy nhiên cả hai không ngờ cuộc tình của họ lại thành tựu như họ mong đợi. Tám tháng sau đang giúp má bán hàng Bích ngạc nhiên và mừng rỡ khi thấy người con trai mà nàng trông đợi lại xuất hiện. Hỏi lý do mới biết là Bảo trở ra đây để học khóa chuyên nghiệp. Một tháng trước ngày Bảo mãn khóa chuyên nghiệp đám cưới được tổ chức đơn sơ và giản dị. Bên đàng trai không có ai ngoại trừ các bạn đồng khóa. Trên chuyến trở về Sài Gòn lần này Bảo đèo thêm hai người là vợ và cái bào thai một tháng. Sau đó để vợ và con ở với ba má của mình tại Long An, Bảo bắt đầu sống đời một người lính hải quân trên sông nước. Hai vợ chồng không thấy mặt nhau nhiều nhưng tình yêu vẫn mặn nồng và thắm thiết vì cô gái Nha Thành của Bảo vẫn dễ thương, thùy mị và mặn mà. Bảo là một người chồng chung thủy và biết lo lắng cho gia đình. Anh không lăng nhăng và không rượu chè, bài bạc còn hút thuốc thời cũng chẳng tốn bao nhiêu tiền. Tháng tháng vợ anh vào bộ chỉ huy giang đoàn lãnh lương cũng như hỏi thăm về tin tức của chồng.
Có tiếng lục đục rồi mọi người trên tàu lần lượt thức dậy. Bảo nhìn đồng hồ. Năm giờ chiều. Tất cả phải ăn cơm xong rồi xem xét lại súng đạn và máy móc trước khi trời tối.
Vừa nhai An, hạ sĩ vận chuyển hỏi Sinh.
- Anh Khôi chừng nào mới trở lại hả anh Sinh?
- Mốt...
Sinh trả lời gọn một tiếng. Đưa chén cho Bảo bới thêm cơm Sinh tiếp.
- Chiều mốt chiếc Alpha 9 sẽ ra Đầm Cùn đón ảnh. Tao ráng gồng hai đêm nữa thôi... Ảnh dìa là tao giao cái chức trưởng toán khốn nạn lại cho ảnh. Ai nói làm xếp sướng chứ tao thấy làm xếp cực như trâu...
Bảo cười cười.
- Tại anh làm xếp nhỏ chứ làm xếp bự vừa ở chỗ an ninh lại còn có tiền rủng rỉnh thêm ăn nhậu đều đều...
Sinh chắt lưỡi.
- Có lẽ vậy... Làm xếp mà chui vào cái chỗ khỉ ho cò gáy, chó ăn than đước này thời còn khổ hơn thằng lính kiểng ở thành thị... Đứa nào gác ca đầu?
Bảo lên tiếng.
- Tôi... Anh ngủ hả?
Bỏ đủa, ực cạn ly nước lạnh Sinh bật lửa đốt thuốc.
- Ngủ gì giờ này mậy... Tao ráng thức đêm nay... Mấy đứa tụi bay đã coi lại súng chưa. Việt Cộng nó đánh mà súng không nổ là khốn nạn...
Chuẩn bị súng đạn vừa xong trời nhá nhem tối. Mưa vẫn rơi rả rích. Gió thổi mạnh hơn. Cảnh vật thê lương và ảm đạm. Tiếng ếch nhái hòa với tiếng côn trùng thành thứ âm thanh ru ngủ lính gác vốn đã mệt mỏi vì thức đêm và thần kinh căng thẳng. Mưa vẫn rơi. Gió vẫn thổi. Đây là giờ phút thuận lợi nhất cho địch. Mưa gió khiến cho lính canh không thấy xa và không nghe được tiếng động để khám phá ra kẻ địch bò vào. Tới lúc họ biết thời quá chậm.
Đêm lặng lẻ trôi. 2 giờ rưởi sáng. Ngồi trên mui ủ mình trong chiếc poncho Sinh đưa starlight scope lên quan sát. Anh không thấy được gì ngoài màu trắng đục của nước mưa. Lẩm bẩm mấy tiếng Sinh quay qua nói với An đang ngồi nơi phòng lái.
- Lạnh quá... Mày coi chừng để tao đi hít một điếu...
Chưa kịp rời chỗ ngồi anh nghe một tiếng " bum " liền theo đó là tiếng hú của 82 ly qua đầu mình. Ầm... Ánh lửa nháng lên cùng với đất cát bay rào rào.
- Pháo... De... De tàu...
Sinh hét vào tai của An. Tiếng máy tàu nổ. Ba chiếc giang đỉnh từ từ lui ra giữa sông. Hàng chục tiếng bum bum nổi lên. Tiếng đạn mọt chê hú qua đầu. Ánh lửa nháng lên trong vòng doanh trại của đồn địa phương quân.
- 9 đây 11...
- 9 nghe 11...
- Anh coi chừng bên phải còn tôi coi bên trái... nghe rõ trả lời...
- 9 nghe 11...
Pháo địch rơi tới tấp vào đồn. Tiếng nổ ầm ầm vang lên không ngớt. Đứng nhìn ánh lửa nháng lên từng chập Sinh nhớ tới lời căn dặn của Khôi.
- Tiền pháo hậu xung...
Bụp... Trái sáng vọt lên cao chiếu chút ánh sáng vàng vọt xuống cánh đồng nơi hướng nam của đồn. Dù bị mưa rơi nhưng Sinh cũng thấy được cái mà anh cần thấy. Những bóng đen chạy lúp xúp dưới màn mưa trắng xóa.
Sinh nhấc máy 25. Đây là chiếc máy 25 mà Khôi dùng để liên lạc với Bà Bùi hay ông thượng sĩ Bang mỗi khi có việc cần thiết.
- Bình An đây Alpha 11... Bình An đây Alpha 11...
Giọng nói khàn đặc của thượng sĩ Bang vang lên lẫn trong tiếng 82 ly nổ ầm ầm.
- Bình An tôi nghe 11...
- Tụi nó ở hướng nam của anh đông lắm... Nghe rõ trả lời...
- Bình An tôi nghe 11... Tụi nó đánh vào mặt tây của tôi dữ lắm...
Tiếng nói của Bình An đứt đoạn rồi lát sau lại nổi lên.
- 11 bắn che dùm tôi mặt nam... Nghe rõ trả lời...
- 11 tôi nghe Bình An...
Buông ống liên hợp Sinh chụp lấy ống nghe nội bộ:
- 9 đây 11...
- 9 nghe 11...
- Hướng tác xạ của mình là hướng tây... Coi chừng bắn vào đồn... Nghe rõ trả lời...
- 9 tôi nghe 11...
Buông máy Sinh dọng liền một lúc hai trái hoả châu. Dưới ánh sáng vàng vọt của hoả châu anh thấy địch chỉ còn cách hàng rào phòng thủ của đồn không xa lắm.
- Bắn...
Sinh la trong ống nghe. Hai khẩu đại bác 20 chạm nổ, sáu khẩu 12 ly 7, hai khẩu M79 tự động và M60 cùng lượt khai hỏa. Đạn đại liên phòng không kéo thành dây lửa dài lê thê. Tiếng nổ của hai khẩu M79 tự động hòa với tiếng đại bác 20 và 12 ly 7 làm thành chuỗi âm thanh man dại. Sinh thấy mờ mờ những bóng đen tung lên cao, ngã gục chết nơi vòng hàng rào kẽm gai ngoài cùng. Sau mười lăm phút khai hỏa Sinh ra lệnh ngưng bắn. Đạn súng cối của địch cũng từ từ giảm dần rồi chỉ còn rơi cầm chừng. Địch ngưng bắn để tái phối trí và chuẩn bị cho đợt tấn công sắp tới. Thủy thủ đoàn của hai chiếc tàu cũng bận rộn nối thêm dây đạn. Dù trời vẫn còn mưa và gió vẫn thổi mạnh nhưng họ không cảm thấy lạnh lẽo.
Cởi chiếc poncho, phải bật lửa ba lần Sinh mới đốt được điếu thuốc. Bập bập mấy hơi đỡ ghiền anh vất điếu thuốc xuống nước xong bốc máy 25.
- Bình An đây Alpha 11... Bình An đây 11... nghe rõ trả lời...
Không có tiếng trả lời của thượng sĩ Bang. Tuy hơi thắc mắc nhưng Sinh không có thời giờ nghĩ ngợi. Tiếng súng nơi hướng tây của đồn chợt nổi lên gấp rút lẫn trong tiếng reo hò của địch. Bắn liền hai trái sáng Sinh và thủy thủ đoàn không thấy bóng địch quân đánh vào hướng nam của đồn nữa. Biết không thể đương đầu với hỏa lực mạnh mẻ của hai chiến đỉnh nên chúng khôn ngoan dồn hết quân sĩ tấn công vào hướng tây của đồn.
- Bình An đây 11... Bình An đây 11... nghe rõ trả lời...
- Bình An nghe 11... Thẩm quyền của tụi tui đã đi phép ngắn hạn... Tụi nó đánh mạnh lắm...
- Bình An có cần tôi yểm trợ không?
- Tôi cần anh yểm trợ M79 thôi... Hãy bắn qua đầu tôi... Bắn qua đầu tôi nghe rõ trả lời...
- 11 tôi nghe Bình An 5/5...
Đứng nơi mũi tàu Sinh nhẩm tính. Muốn yểm trợ cho đồn anh chỉ có mỗi một cách là bắn M79 qua đầu và phải bắn làm sao để đạn nổ trúng địch chứ không rơi vào đầu của lính trong đồn. Sinh nói với Bảo về việc dùng khẩu M79 tự động bắn yểm trợ cho đồn.
- Mày nghĩ mình làm được không?
- Được chứ anh... Nghề của tôi mà... Tôi bắn thử ba trái trong lúc anh liên lạc với đồn để họ cho mình biết kết quả mà điều chỉnh...
Đi tới khẩu M79 đặt sau lái Bảo bắn từ từ ba trái trong lúc Sinh nói chuyện với lính trên đồn.
- Đó... đó... Họ nói bắn như vậy đó...
Bảo gật đầu miết cò. Những tiếng bụp bụp thoát ra từ khẩu M79 rồi hai ba giây đồng hồ sau tiếng lựu đạn nổ ầm ầm đều đều và liên tục. Tiếng lựu đạn nổ liên miên bất tận, át cả âm thanh của mọi thứ vũ khí kể cả tiếng reo hò của địch quân. Cánh đồng sũng nước bề ngang chừng hai cây số và bề dài năm bảy cây số chìm mất trong tiếng nổ ì ầm của mấy trăm quả lựu đạn. Lát sau tiếng súng im dần rồi dứt hẵn. Địch quân đã tháo chạy.
- 11 đây Bình An...
- Alpha 11 nghe Bình An...
- Cám ơn bạn rất nhiều... Tụi nó chuồn rồi...
Cúp máy Sinh ra lệnh cho hai chiếc tàu ủi bãi cạnh nhau trước cổng đồn. Thủy thủ chia nhau pha cà phê, nấu mì gói ăn uống và bàn chuyện tới sáng mới đi ngủ. Trưa thức dậy lên thăm đồn Sinh được lính cho biết địch rút lui bỏ lại hơn hai mươi xác và nhiều súng lắm. Lính trong đồn có ba chết và bảy bị thương nặng nhẹ. Trong số người bị thương có thượng sĩ Bang. Một trái 82 lọt vào hầm núp của ông ta nhưng may mắn ông ta không chết mà chỉ bị thương.

No comments:

Post a Comment