Links

Wednesday, May 8, 2019

Đoàn Phú Tứ và Màu Thời Gian

____________

·      Sáng nay nhân đọc bài “Bể dâu cảm tác” của thầy Phạm Khắc Trí, tôi lượm lặt một vài thông tin rất tốt về Đoàn Phú Tứ và bài thơ Màu Thời Gian. Đây có lẽ là bài thơ tôi yêu thích nhất và đã viết về nó trong bài biên khảo: “Mỹ học hiện đại: vai trò và nghi vấn” của mình._

Một Fan của TH


_



___________

   Đoàn Phú Tứ (1910 - 1989)
là một nhà soạn kịch, nhà thơ, dịch giả Việt Nam nổi danh từ thời tiền chiến.

Bài thơ Màu Thời Gian với lời chú thích và bình của Hoài Thanh - Hoài Chân trong tác phẩm “Thi Nhân Việt Nam” – (Thi nhân Việt Nam viết năm 1941, hoàn thành năm 1942, in lần đầu năm 1942 tại nhà in tư nhân Nguyễn Đức Phiên, và cho đến nay 2019 cuốn sách đã được tái bản rất nhiều lần).

Màu Thời Gian  (1)

Sớm nay tiếng chim thanh
Trong gió xanh
Dìu vương hương (2) ấm thoảng xuân tình
*
Ngàn xưa không lạnh nữa, Tần Phi (3)
Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian (4)
*
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát (5)
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh (6)
*
Tóc mây một món chiếc dao vàng (7)
Nghìn trùng e lệ phụng (8) quân vương
Trăm năm tình cũ lìa không hận
Thà nép mày hoa thiếp phụ chàng (9)
*
Duyên trăm năm dứt đoạn
Tình một thuở còn hương
Hương thời gian thanh thanh
Mầu thời gian tím ngát (10)

CHÚ: 
 (1) Không ai ngờ một cái đầu đề có tính cách triết học như thế lại dùng để nói một câu chuyện tâm tình.
(2) Hãy để ý cái âm điệu vương vấn của mấy chữ này
(3)Thi nhân mượn sự tích người xưa để giữ vẻ kín đáo cho câu chuyện. Xưa có người cung phi, nàng Lý phu nhân, lúc gần mất nhất định không cho vua Hán Võ-đế xem mặt, sợ trông thấy nét mặt tiều tụy vua sẽ hết yêu. Cái tên Tần Phi thi nhân đặt ra vì một lẽ riêng.
Ngàn xưa không lạnh nữa: Chuyện xưa đã hầu quên nay nhớ lại lòng thấy nôn nao.
(4) Thi nhân muốn nói dâng hồn mình cho người yêu. Song nói như thế sẽ sỗ sàng quá. Vả người thấy mình không có quyền nói thế, vì tình yêu ở đây chưa từng được san sẻ. Nên phải mượn cái hình ảnh "Trời mây phảng phất nhuốm thời gian" để chỉ hồn mình. Chữ "nhuốm" có vẻ nhẹ nhàng không nặng nề như chữ "nhuộm". Chữ "dâng" hơi kiểu cách.
(5) Người Pháp thường bảo thời gian màu xanh. Nhưng thi nhân nhớ lại thời xưa, hồi người đương yêu, cứ thấy màu thời gian tím ngát vì người riêng thích một thứ hoa tím, và màu hoa lẫn với màu yêu.
(6) Hương thời gian là hương thứ hoa kia mà cũng là hương yêu, một thứ tình yêu qua đã lâu rồi, nên chỉ thấy thanh sạch, nhẹ nhàng.
(7) Nàng Dương Quý Phi lúc mới vào cung, tính hay ghen, bị Đường Minh Hoàng đưa giam một nơi. Nhưng nhà vua nhớ quá sai Cao lực sĩ ra thăm. Dương Quý Phi cắt tóc gửi vào dâng vua. Vua trông thấy tóc, thương quá, lại vời nàng vào cung.
Đoàn Phú Tứ hợp chuyện này và chuyện Lý phu nhân làm một và tưởng tượng một người cung phi lúc gần mất không chịu để vua xem mặt chỉ cắt tóc dâng, gọi là đáp lại trong muôn một mối tình trìu mến của đấng quân vương.
Ở đây không có chuyện cắt tóc nhưng có chuyện khác cũng tương tự như vậy.
(8) Chữ "phụng" rất kín đáo, chữ "dâng" sẽ quá xa vời, chữ "tặng" quá suồng sã.
(9) Ý nói: thà phụ lòng mong mỏi của chàng, còn hơn gặp chàng trong lúc dung nhan tiều tụy để di hận về sau.
(10) Tím ngát tả đúng mối tình dìu dịu. "Tím ngắt" sẽ đau đớn quá.
Bình
Nói về toàn thể nên chú ý đến điệu thơ. Bài thơ bắt đầu bằng những câu dài ngắn không đều: âm điệu hoàn toàn mới. Kế đến bốn câu ngũ ngôn cổ phong, một lối thơ cũ mà thi nhân gần đây thường dùng. Bỗng chuyển sang thất ngôn; điệu thơ hoàn toàn xưa. Lời thơ cũng xưa, với những chữ "phụng quân vương" và những chữ lấy lại ở câu Kiều "tóc mây một món, dao vàng chia hai". Nhưng với hai câu thất ngôn ở câu dưới thi nhân đã từ chuyện người xưa trở về chuyện mình. Những chữ "thiếp phụ chàng" đưa dần về hiện tại. Rồi điệu thơ lại trở lại ngũ ngôn với hương màu trên kia.
Thành ra ý thơ, lời thơ, điệu thơ cùng với hồn thi nhân đi từ hiện tại về quá khứ, từ quá khứ gần đến quá khứ xa, rồi dần dần trở về hiện tại. Hiện tại chỉ mờ mờ nhạt nhạt, nhưng càng đi xa về quá khứ, câu thơ càng thiết tha, càng rực rỡ. Nhất là từ chỗ ngũ ngôn chuyển sang thất ngôn, câu thơ đẹp vô cùng. Tôi tưởng dầu không hiểu ý nghĩa bài thơ người ta cũng không thể không nhận thấy cái vẻ huy hoàng, trang trọng của câu thơ. (Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát có phổ bài thơ này vào đàn. Ðoạn đầu bài nhạc đi rất mau rồi chậm dần. Ðến đoạn thất ngôn nhạc lên giọng majestuoso. Cuối cùng còn thêm một đoạn láy lại âm điệu mấy câu đầu).
Trong thơ ta, có lẽ không có bài nào khác tinh tế và kín đáo như thế.

No comments:

Post a Comment