CAO VI KHANH
Đọc thơ Tô Thùy Yên
Edvard Munch
Tô Thùy Yên-Tôi giựt giành đổ máu với tôi
Từng chữ một.
Tôi đọc truyện ngắn của Tô Thùy Yên khi còn đâu ở
trung học, những năm sáu mươi. Lớp mấy cũng chẳng nhớ. Truyện có tựa
gì cũng đã quên luôn. Cái điều chưa quên là lúc đó, cuộc chiến tranh
khốn nạn do những người cộng sản phát động chỉ mới vừa manh nha dù
đã âm ỉ từ lâu ở Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh ... Nay có tin một ông xả
trưởng ở làng xa đêm qua vừa bị ám sát. Mai báo đăng quốc lộ số 4
bị đắp mô đâu ở khoảng Cai lậy, Cái bè. Mốt nghe tin một đồn dân vệ
ven biên vừa bị mấy tên du kích vác oảnh-tầm-xào bắn phá lốc chốc
mấy phát rồi bỏ chạy. Còn nhớ chắc thêm một điều, truyện được đăng
trên tạp chí Hiện Đại của Nguyên Sa, vừa bỏ Paris với khói sóng sông
Seine trở về Sài-gòn, đem hương thơ và hơi văn mới thổi phà vào sinh
hoạt văn học của miền Nam thuở đó. Mười mấy tuổi chớ gì. Cái tuổi
ăn chưa no lo chưa tới. Vậy mà ngay lúc đó, truyện đã nhéo vào cái
bộ nảo non xèo của tôi một cái nhéo đau nhói. Rồi nhớ hoài.
Đâu như là ...
... trên một chuyến xe đò liên tỉnh miền đông chạy
xuyên qua những cánh rừng lá im ỉm, hành khách bị nhốt kín trong
lòng chiếc xe ọp ẹp hẵn không có chuyện gì làm ngoài chuyện ngủ gà
ngủ gật vì tiếng máy chạy rì rì ( hoặc là vì chuyến xe đi quá sớm
hay về quá trễ ? ), có thể cộng thêm một nỗi lo lắng vu vơ nào
đó ... thì bị một đám du kích nhào ra chặn lại xét hỏi để hoạch họe
tuyên truyền. Hành khách nam nữ lão ấu gái trai già trẻ lớn bé gì
cũng bị lôi tuốt xuống xe, sắp thành hàng lối, để cho
quí-vị-núp-trong-quần-chúng ... ló mặt ra xăn quần, xắn áo, lận dao
găm hay xách mã tấu hoặc dậm thêm vài khẩu súng xưa mốc thếch vốn
đã được chôn giấu ngay từ khi có lệnh tập kết ... điểm mặt xem tên.
Rồi, y như ba đời đã là cán-bộ-chính-trị-viên-có-ba-tăng dấm dẳn lên
lớp để dọ dẫm dụ dỗ dày vò ... thả dàn cái đám con dân hiền lành
ngu ngơ, gồng gánh đi buôn hàng bán lẻ kiếm ăn hay đi thăm bà con chòm
xóm. Kiểm soát như vậy nghĩa là ai nấy phải xuất trình tấm thẻ căn
cước. À, tấm thẻ căn cước ! Thuở đó, người ta từ mười tám tuổi trở
lên, bất kể nam nữ, ai nấy đều lận trong người một tấm thẻ căn cước,
ghi rõ tên tuổi, năm sanh tháng đẻ, số nhà, nghề nghiệp ... như một
minh chứng cho sự có mặt hợp pháp của mình trong một đất nước mới
được yên ổn mấy năm đang rục rịch ... trở lại bất ổn. Chính phủ hợp
pháp đòi như vậy. Mà cái đám làm loạn với súng ống và dao găm lăm
lăm trong tay cũng đòi hỏi như vậy. Dĩ nhiên với hai mục đích khác
nhau. Nếu đối với phía thứ nhất, tấm căn cước là một bảo đảm cho
sự lương thiện và tin cậy của người cầm thẻ, thì đối với phía đối
nghịch, miếng giấy cứng có bọc nhựa đó có thể sẽ là bản cáo
trạng hùng hồn để họ hùng hổ lôi đương sự vào rừng, vào bưng hoặc
để giam giữ hoặc để đâm, chém, bắn giết hay bỏ vô bao bố thả trôi
sông, tùy ý. Ờ thời buổi đó, tấm thẻ căn cước quan trọng sinh tử
đến vậy.
Và cũng vì vậy, để bảo đảm an ninh cho những
người làm việc dưới quyền mình, chính quyền thuở đó còn cấp thêm
cho họ một loại thẻ căn cước thứ hai, thẻ căn cước dân sự. Nhất là
đối với những người phục vụ đất nước trong những phạm vi liên quan
đến hành chánh và quân sự. Tấm thẻ căn cước dân sự đó như một chiếc
mộc che đỡ cho họ những nguy hiểm chực chờ như buổi sáng hôm đó hay
buổi chiều hôm đó ...
Và như vậy, truyện kể ...
Đám hành khách khốn khổ đó bị lùa xuống xe, xếp
hàng ... để chờ khám xét. Mọi người nhốn nháo. Lo lắng. Bồn chồn.
Mỗi người một bộ mặt, một con tim, một bộ quần áo, một gia đình cha
mẹ vợ con anh chị em, một người tình ... mỗi người một thân phận,
một hoàn cảnh, một đắn đo ... và ... một tấm thẻ căn cước.
Nhưng chắc chắn chỉ có duy nhất một nỗi lo. Lọt vào tay cái đám sát
nhân giả dạng người yêu nước.
Truyện kể tiếp ...
Vậy rồi từng người một bị xét hỏi, từng người
một phải trình ra tấm thẻ căn cước, với hình ảnh, tên tuổi, ngày
sinh, tháng đẻ, nghề nghiệp ... dưới những mũi súng hung hăng đang
chỉa vào họ và chực chờ lảy cò. Người thứ nhất, người thứ hai,
người thứ ba ... Mọi việc diễn ra suông sẻ. Không có ai là ngụy quân
ngụy quyền, ác ôn ba đầu sáu tay, không có ai là tay-sai-mỹ-ngụy. Từ
cụ ông đến người trai trẻ. Từ con gái đến đàn bà. Ai nấy đều không
có tội-tổ-tông. Mẻ lưới tung ra như lọt vào chỗ không. Lúc đó, mặt
trời đang mọc hay mặt trời đang lặn, thú thật, loay hoay qua cái chằng
chịt của mớ trí nhớ rối mù, tôi không chắc, nhưng hề chi, mặt trời
mọc hay mặt trời lặn, bởi vì rạng đông hay tà dương, thì những tia
sáng chói lòa đó vẫn bung ra từ một cõi mênh mông, vượt khỏi cõi
người trần thế.
Vâng, ngay lúc đó, khi những tia sáng đầu tiên - hay
cuối cùng - của mặt trời vừa hắt lên thì bỗng một tiếng hét vuột
ra khỏi cửa miệng của tên trưởng toán gian hiểm. Nghiêm. Một tiếng hô
“nghiêm” bỗng dội ngược vào tai đám đông đang còn đứng lố nhố như một
bầy tử tội khi không rồi được ân xá. Ngay bon lúc đó, hay một
tích tắc sau đó, có tiếng đôi giày da của ai đó chập vào nhau, sắc
và gọn. Như tiếng giày saut chập vào nhau khi ... người lính nghe quân
lệnh của thượng cấp. Cái thế đứng nghiêm, hai tay buông thỏng ép sát
vào thân, hai chân chập lại, mặt ngẩng lên, cằm giương thẳng ... vừa
như tuân thủ mà vừa như biểu lộ một sự tự chủ tuyệt đối. Cái thế
“nghiêm” trong bài thao diễn cơ bản mà người lính đã học và tập bao
nhiêu lần từ khi khoác vào đời trai bộ quân phục. “Nghĩ “. “Nghiêm“. Ôi
cái huấn lệnh nghe đi nghe lại đến nhập tâm. Và trở thành cái phản
xạ của bất cứ một người trai nào đã mang nghiệp lính vào thân.
Vâng, buổi sáng đó -hay buổi chiều đó -, bên bìa
một khu rừng hiểm hóc, một người trai miền Nam, một người lính miền
Nam, trên chuyến xe về phép, thăm cha thăm mẹ, hẹn hò người yêu ... ,
người lính trẻ mặc bộ đồ dân sự, cầm tấm thẻ căn cước dân sự ...
đã đối mặt với định mạng, trực diện, rồi ngang nhiên chấp nhận cái
số phận như một chọn lựa của ý thức, đánh đu tính mạng mình lên
sợi giây sinh tử. Trong cái giây phút bất ngờ, bất chợt, bất định đó
... anh đã sống đúng phốc cái bản chất của người lính với tất cả
vinh quang và tủi nhục của nó, với mọi bất trắc của một người con
trai đi gánh vác chuyện nước non. Và ... chuyện phải đến đã đến.
Toán du kích hí hửng như bắt được vàng, chỉa súng xúm lại ...
Mấy chục năm đã qua, làm sao tôi còn nhớ được lời
văn, câu chữ ... Vậy mà tôi vẫn nhớ, cái tình huống mà tác giả đã
dựng lên khi người con trai bị bắt trói bởi đám người cuồng tính.
Lạnh như tiền. Vững như đồng. Khi đã biết chắc số phận mình, nhân
vật chính, người con trai, người lính trẻ vẫn ngẩng cao mặt, thân
thẳng, vai ngang, mắt quắc ... Ngay lúc đó, chính lúc đó, mặt trời,
chính mặt trời với chùm sáng ngạo nghễ hắt lên mặt anh vừng hào
quang lóng lánh nhất. Tôi nhớ, ngay lúc đó, tôi đã rùng mình. Ngay
lúc đó hình ảnh con chó sói của Alfred de Vigny bỗng chồm lên trong
trí. (*) Người thanh niên, dáng thẳng, mặt lạnh, lời câm. Cái hình
ảnh mà tác giả dựng lên khốc liệt đến làm há hốc miệng mà không
kêu ra lời.
Mãi nhiều năm sau, tôi mới tìm ra được chữ để gọi
cái giây phút kết thúc đó. Bi tráng. Quả tình bi tráng. Bi đát một
cách hùng tráng. Có mâu thuẩn không. Không. Đó là một bi kịch với
một kết thúc táo bạo đến rùng mình. Và đẹp lẫm liệt như một thần
thoại Hy Lạp.
Vậy rồi, đến chừng lên đại học, lại được đọc
thêm thơ của ông. Những bài thơ tự do, thơ năm chữ, bảy chữ ... Chữ
nghĩa vạm vỡ. Ẩn dụ minh mông. Hình tượng lẫm liệt. Đọc xong cứ như
vừa chạy băng đồng. Thở dốc. Hụt hơi ... Mà rồi lại muốn bắt đầu
một cuộc băng đồng mới. Đọc rồi như có điều gì muốn nói. Mà rồi
lại ngậm câm. Chữ của ông như tẩm thuốc mê. Đọc xong rồi ú ớ. Có
điều mãi mãi tôi vẫn muốn viết về thơ của ông. Thơ Tô Thùy Yên. Mà
viết về cái gì. Chữ Nghĩa của ông ? Thứ chữ nghĩa tự nó đã biện
minh cho sự hiện hữu phi thường của nó. Mỗi chữ đã là một giá trị
tự thân. Tự nó. Chính nó. Nói gì thêm cũng chỉ là phù phiếm. Ý
tưởng của ông ? Thứ ý tưởng lồng lộng như mây giông đầu hạ, giậm
giựt bao nhiêu là sấm sét chỉ chờ dịp cựa mình. Như vậy thì viết
làm sao cho ráo, bắt làm sao cho kịp những tia chớp, nháng lên từ
những liên tưởng xảo diệu và ẩn mật đến sững sờ. Vậy mà sao
tôi lại dại dột loay hoay hoài với những bài thơ, những câu thơ, những
vần những điệu, những chữ mà ý nghĩa của từng chữ từng câu cứ
chực trào ra khỏi cái khuôn đang cầm giữ nó. Câu hỏi cứ lẩn quẩn
trong cái đầu rối mịt của tôi. Đã lâu, lâu lắm ! Rồi bây giờ, mấy
mươi năm sau. Sao vẫn cứ ý nguyên cái thắc thỏm như chính mình đã để
lỡ một hẹn thề.
Từ những năm 60, 70, 80, 90 ... của thế kỷ trước,
rồi vụt sang thế kỷ khác, những năm 2000, khi thân xác đã có chừng
mệt mõi mà trí óc thì vẫn lùng bùng y nguyên thời còn trẻ, mỗi khi
đọc lại thơ ông.
Thi sĩ Bắc Nam đều chết rạp
Ba trăm năm lịch sử làm thinh
Đủ chưa, hai câu thơ đó. Hai câu thơ đọc lúc trai
trẻ đã muốn rùng mình. Bây giờ, vài mươi năm sau, đọc lại vẫn nguyên
cái cảm giác choáng ngộp của Trần Tử Ngang khi leo lên chót đỉnh U
Châu đài mà ngẫm nghĩ chuyện nhân sinh. Niệm thiên địa chi du du. Độc
thương nhiên nhi lệ hạ. Thi sĩ có phải là bậc tiên tri thấu thị. Thơ
làm từ năm 72. Vậy sao đọc lên lại thêm cái cảm giác hãi hùng khi
nghĩ tới bước chân của lịch sữ đã và đang dẫm lên số phận của
người Việt, nhất là từ khi người cộng sản dẫm đạp bằng những bước
chân thô bạo lên cái dòng sinh mệnh của dân tộc. Hai câu thơ, 14 chữ,
gọn bâng mà sao nghe rổn rảng tiếng trì chiết rủa xả, lời đay
nghiến, giọng kêu thương của lớp lớp biển dâu, của trùng trùng oan
khuất, của núi xương vô định, của mồ mã vô danh ...
Làm thinh. Chữ nôm na mà nghĩa trầm thống. Chữ
tĩnh mà nghĩa động thốn tâm. Thử đọc lên hai chữ làm thinh, làm thinh
là làm thinh, là ngậm miệng, là nuốt tiếng ... nhưng sao như nghe
vọng lại từ đó bao nhiêu tiếng kêu gào rên siết, tắt nghẹn trong cổ
họng ... của đám dân đen mỗi lần thay ngôi đổi chúa, của sông Gianh
cắt lìa ruột thịt, của Bến Hải nước tẻ hai dòng, của đường 13 pháo
chùm pháo chụp, của đường số 1 con bú xác mẹ, của đảo Ko Kra trinh
tiết dập vùi, ... của từng đám tù nhân không-danh-số lê lết qua những
trại giam ngụy trá. Lịch sử làm thinh hay chính lòng người ngoảnh
mặt làm ngơ, bịt tai bịt mắt trước những lộng hành của cái ác. Từ
khi nào thơ không còn là hoa trái của cuộc đời và người làm thơ bị
coi là đồ thừa thải, bị giam cầm hay bắn giết, mặt đất này chỉ còn
là sa mạc, thứ sa mạc làm khô khốc lòng người. Rồi ra, thơ chỉ còn
là tiếng dội của vô vọng, là lời của vô ngôn, là mặt thật của vô
cùng để lần cuối biểu dương cùng tận cái vinh dự lầm than của kiếp
người ...
Vinh dự lầm than của kiếp người ?
Cái nghĩa nghịch lý của câu thơ đã đủ để biểu
lộ cho con-mắt-trông-thấu-cả-sáu-cõi-tấm-lòng-nghĩ-suốt-cả-nghìn-đời (**) của
bậc-vương-tôn miền-trí-tuệ chưa ! Lời thơ như sóng cuộn ì ầm mà dội
lại tiếng vô thanh, vô thanh của vô cùng vô tận, như vẽ ra rồi lại xóa
đi từng bức tranh vân cẩu, như mở ra rồi đóng lại cái vòng lẩn quẩn
loay hoay của cuộc lữ miên trường. Mỗi câu thơ là một vấn nạn. Nhưng
... Thiên hà ngôn tai . Trời đất có nói gì đâu .
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai ?!
Rồi tất cả sẽ nguôi ngoai ...
Đã có lúc, làm thơ như dấn thân vào một cuộc
đuổi bắt với vô vọng ... Mọi thắc mắc siêu hình vốn dĩ là cách
thức ngạo mạn của kẻ chơi đùa với chữ nghĩa. Nhưng khác với lối đua
đòi làm dáng, Tô Thùy Yên đã xua thơ mình chạy mút tới tận cùng để
giáp mặt cái Cùng Tận đó, cái Vô Hạn đó, cái Hư Không ! Thơ sung mãn
như cái hùng tâm truy lùng chân lý. Và vì vậy, ông đã gặp, tôi tin
vậy. Bạn có nghe, này bạn có nghe. Vũ trụ miên man chuyển động đều.
Chim đã bay quanh từ vạn cỗ. Gió thật xưa, mây thật già nua. Nên với
một đời, bao biến đổi. Mà trong vô hạn có gì đâu. Bài thơ, những bài
thơ làm trong giai đoạn này không ghi ngày tháng –mà thật sự có cần
ghi ngày tháng không. Cái điều rõ ràng là người làm thơ chưa già mà
thơ đã cỗi, cỗi như cả cái vũ trụ vô sở vô trú, cả cái dòng thời
gian vô thủy vô chung, trùng trùng, điệp điệp ... Và tôi hiểu tại sao
Trần Tử Ngang chảy nước mắt, tại sao Tô Thùy Yên sau khi đã mòn gót
chân sương nắng tháng năm đã có lúc cũng phất phơ chéo áo đường thiên
cổ, nước mắt hồng tuôn đến đá mòn.
Rồi sao nữa ? Rồi là ... đáo bỉ ngạn !
Từ đó là thái độ tri kỷ tri bỉ, biết điều như
mọi kẻ biết-điều nhất trần gian. Vạn vật giai bị ư ngã, phản thân
nhi thành, lạc mạc đại yên. Hề, ta trở lại gian nhà cỏ. ... Ở
đây ta có dăm người bạn. Phúc tự tâm, không lý đến đời. Ở đây ta có
dăm pho sách. Và một dòng sông, mấy cụm mây. Hạnh phúc ở đâu mà lặn
lội dang thân. Hạnh phúc trần gian ở đâu hay ở chính lòng ta đó. Dòng
sông u hiển trôi vô lượng. Dòng sông hiền triết chảy vô tâm. Mà ta
ngưỡng vọng như sư phụ. Mà ta thân thiết tựa tri âm ... Quên quên, nhớ
nhớ tiền sinh kiếp. Thiên cổ mang mang thế sự nhòa. Trận lốc cười
tròn trên quá vãng. Ta làm lại cả tâm hồn ta ... Ờ vậy thì còn tiếc
gì mà không về ...
Tưởng tượng ta về nơi bản trạch ! Còn gì vui bằng
khi mọi điên đảo của thế sự quanh quanh không còn đảo điên giữa lòng
ta. Đó có phải là quê-nhà
của mọi gã đãng tử sau cuộc tuần du bất tận.
Với khám phá diệu kỳ : rồi tất cả sẽ nguôi ngoai
Rồi tất cả sẽ nguôi ngoai !
Nhưng rồi có thật sự tất cả sẽ nguôi ngoai hay
vẫn bất tận nỗi đời hung hãn đó như chính ông đã mường tượng, một
ngày.
Những năm 70, chiến tranh bùng lên dữ dội. Súng
đạn hung hăng, lòng người hung bạo. Qua sông. Đò nghẹn đoàn quân xa
tiếp viện. Mưa lâu, trời mốc, buồn hôi xưa. Con đường đáo nhậm xa như
nhớ
Xa như nhớ. Trời ơi làm sao đo được cái khoảng
cách ở hai đầu một nỗi nhớ mơ hồ. Xa như nhớ. Hoán dụ đến nỗi không
còn tính được bằng cây số bởi dặm trường có ở đâu xa. Dặm trường ở
ngay chính lòng ta đó. Tuyệt.
Bộ mặt chiến tranh được vẽ ra bằng đường nét tự
tại. Không lớn lối cũng chẳng e dè. Không thêm không bớt. Mà nghe ra
như đã sầu đâu từ thiên cổ hận... Nao nao mường tượng bóng mình. Mịt
mùng cõi tới, u minh tiếng rền. Xuống đò, đời đã bỏ quên. Một sông
nước lớn trào lên mắt ngời.
Dĩ nhiên giấy bút làm sao tả cho hết cái bi kịch
mà mỗi vai trò chỉ thoáng hiện thoáng mất như những chiếc bóng vật
vờ, nhân vật chỉ còn là cái cớ. Diễn trường chính yếu là cái
khoảng không còn lại, cái khoảng trống không sau khi vai diễn đã biến
mất, mọi tiếng động đã bặt im. Cái còn lại là cái không-còn-gì,
không-có-gì. Cái còn lại sau những cuộc tranh giành, dù thắng dù
thua, cái còn lại chính là cái im ỉm của thiên địa trơ trơ, của
thánh thần lánh mặt, của mất còn còn mất chỉ là hai mặt sấp ngửa
của đồng tiền quay tít rồi ... bật ngửa ra, bất kể. Em chạy tìm anh
ngoài cõi gió. Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn. Tiếng kêu đá lở long
thiên cổ. Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn
Trên bối cảnh của một cuộc vật lộn giữa tử sinh
không hồi ngưng nghỉ, thơ như một cầu cơ giáng bút. Điều gì khiến ông
làm Trường Sa Hành. Trường Sa hay Hoàng Sa ? Ai biết ! Đọc thử hết
trọn một bài của Tô Thùy Yên để thấy cái điên đảo của chữ nghĩa,
cái lồng lộng của ý tưởng ...
Trường Sa Hành
Toujours il y eut cette clameur,
Toujours il y eut cette fureur...
Saint-John Perse
Toujours il y eut cette fureur...
Saint-John Perse
Trường Sa ! Trường Sa ! Ðảo chuếnh choáng
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi
Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề
Lính thú mươi người lạ sóng nước
Ðêm nằm còn tưởng đảo trôi đi
Mùa Ðông Bắc, gió miên man thổi
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Khiến cả lòng ta cũng rách tưa
Ta hỏi han, hề, Hiu Quạnh Lớn
Mà Hiu Quạnh Lớn vẫn làm ngơ
Ðảo hoang, vắng cả hồn ma quỷ
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
Thảo mộc thời nguyên thủy lạ tên
Mỗi ngày mỗi đắp xanh rờn lạnh
Lên xác thân người mãi đứng yên
Bốn trăm hải lý nhớ không tới
Ta khóc cười như tự bạo hành
Ta khóc cười như tự bạo hành
Dập giận, vác khòm lưng nhẫn nhục
Ðường thân thế lỡ, cố đi nhanh
Ðường thân thế lỡ, cố đi nhanh
Sóng thiên cổ khóc, biển tang chế
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi ?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Hữu hạn nào không tủi nhỏ nhoi ?
Tiếc ta chẳng được bao nhiêu lệ
Nên tưởng trùng dương khóc trắng trời
Mùa gió xoay chiều, gió khốc liệt
Bãi Ðông lỡ mất, bãi Tây bồi
Ðám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ?
Bãi Ðông lỡ mất, bãi Tây bồi
Ðám cây bật gốc chờ tan xác,
Có hối ra đời chẳng chọn nơi ?
Trong làn nước vịnh xanh lơ mộng
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
Những cụm rong óng ả bập bềnh
Như những tầng buồn lay động mãi
Dưới hồn ta tịch mịch long lanh
Mặt trời chiều rã rưng rưng biển
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân
Vầng khói chim đen thảng thốt quần
Kinh động đất trời như cháy đảo
Ta nghe chừng phỏng khắp châu thân
Ta ngồi bên đống lửa man rợ
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi
Hong tóc râu, chờ chín miếng mồi
Nghe cây dừa ngất gió trùng điệp
Suốt kiếp đau dài nỗi tả tơi
Chú em hãy hát, hát thật lớn
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.
Những điệu vui, bất kể điệu nào
Cho ấm bữa cơm chiều viễn xứ
Cho mái đầu ta chớ cúi sâu.
Ai hét trong lòng ta mỗi lúc
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.
Như người bị bức tử canh khuya
Xé toang từng mảng đời tê điếng
Mà gửi cùng mây, đỏ thảm thê.
Ta nói với từng tinh tú một
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Hằng đêm tất cả chuyện trong lòng
Bãi lân tinh thức âm u sáng.
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng
Ta thấy đầu ta cũng sáng trưng
Ðất liền, ta gọi, nghe ta không ?
Ðập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn
Ðập hoảng vô biên, tín hiệu trùng
Mở, mở giùm ta khoảng cách đặc
Con chim động giấc gào cô đơn
Ngày. Ngày trắng chói chang như giũa
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên
Ánh sáng vang lừng điệu múa điên
Mái tóc sầu nung từng sợi đỏ
Kêu dòn như tiếng nứt hoa niên
Ôi lũ cây gầy ven bãi sụp
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh
Rễ bung còn gượng cuộc tồn sinh
Gắng tươi cho đến ngày trôi ngã
Hay đến ngày bờ tái tạo xanh
San hô mọc tủa thêm cành nhánh
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người
Những nỗi niềm kia cũng mãn khai
Thời gian kết đá mốc u tịch
Ta lấy làm bia tưởng niệm Người
Đọc lên thành tiếng. Trường Sa ! Trường Sa ! Đảo
chuếch choáng. Thăm thẳm sầu vây trắng bốn bề ... Mùa Đông Bắc, gió
miên man thổi. Khiến cả lòng ta cũng rách tưa. Ta hỏi han, hề, Hiu
Quạnh lớn. Mà Hiu Quạnh lớn vẫn làm ngơ ...
Tôi sẽ nói gì thêm. Đã hỏi rồi. Đã nói rồi. Hiu
Quạnh Lớn có nói gì đâu. Thiên địa bất nhân dĩ vạn vật như sô cẩu.
Trời đất bất nhân coi vạn vật như chó rơm. Đã vậy thì còn gì để
nói thêm ?
Còn. Còn rất nhiều điều để kể.
Đầu tiên ta kể về im lặng
Mà ý chừng kể để Hư Không nghe
Hư không, hư không có nghe không ? Có nghe Mùa hạn
rên siết. Ở đây địa ngục chín tầng sâu. Cả giống nòi câm lặng gục
đầu. Cắn chết hàm răng, ứa máu mắt. Chung xiềng nhưng chẳng dám nhìn
nhau. Không nhìn nhau nhưng không phải không có gì để nói với nhau. Hay
lắm khi im lặng còn nói được triệu lần hơn điều được nói.
Thơ Tô Thùy Yên có triệu điều để nói. Tuy nhiên
giọt nước mắt ứa ra ít mặn hơn giọt nước mắt nuốt ngược vào lòng.
Thơ Tô Thùy Yên đọc thầm hay đọc ra rả cho át
tiếng sóng vỗ ngoài biển lớn đều như nhau. Cả hai cách đều dội
ngược vào người đến nghe đau mềm phế phủ.
Thơ của ông như vậy là như vậy. Y như Hiu Quạnh
Lớn. Còn nói nỗi gì. Còn viết thêm chi. Có làm rộn tai. Có làm xốn
mắt. Mà sao vẫn cứng đầu cứng cổ mà run tay muốn nhắc muốn nói
muốn viết. Mà viết cái chi. Khi mọi sự đã an bày. Hiu Quạnh Lớn có
nói gì đâu. Có gì để nói đâu. Hay tại lớn đến choáng ngộp nên làm
miệng ú ớ, tay cứng, chữ cùn ... Hay nói đại, nói bất kể, thơ Tô
Thùy Yên ... Nói về chuyến Tàu đêm chở tù chạy như một cơn giông lửa
ròng rã từ Nam ra Bắc, qua trùng trùng oan khuất. Tàu đi như một cơn
điên đảo. Sắt thép kinh hoàng va đập nhau. Ta tưởng chừng nghe thời
đại động. Xô đi ầm ỉ một cơn đau ... Con tàu chạy ngược, suốt con
đường sắt xuyên Việt như trở ngược giòng lịch sử, từ văn minh trở
lại man rợ, từ yêu thương trở lại thù hằn, từ khoan dung trở lại hẹp
hòi, từ chân thành trở lại gian trá.
Muốn nín nhưng đọc thơ lòng như lửa đốt. Có gì
cháy âm ỉ giữa lòng ta. Có gì cháy hừng hực giữa đầu ta. Lửa bắt
từ xác chữ dị thường, cháy lan theo đường gân sớ thịt, nung đốt ý
tưởng rồi làm tro than mọi ý tưởng. Vậy mà vẫn níu chữ chạy theo
trối chết, để được tới nơi, cùng lúc với ông. Bởi vậy vẫn viết cho
cố xác mà rồi cũng chẳng biết sẽ tới đâu. Vẫn muốn viết về thơ ông
như lúc còn tưởng tay vói tới trời. Đến lúc biết trời cao tay không
vói tới mà cứ vẫn loay hoay điều bất khả. Viết thêm. Viết thêm nữa.
Điều bất khả. Làm sao, làm sao nói hết được cái hạo khí hừng hực
bốc lên từ chữ nghĩa ông.
Cho nên ...
- Giảng
! Bình ! Phê ! Luận ! Tán !
- Nhảm
!!!!
-
Khổ nỗi ! Ý bốc lửa. Chữ cuống cuồng. Những
trang giấy trắng. Trắng minh mông. Trắng lạnh ngắt mà lại kêu đòi.
Viết về thơ Tô Thùy Yên có phải là vẽ cái vòng tròn mà điểm cuối
không bao giờ nối lại được điểm khởi đầu. Viết về thơ Tô Thùy Yên có
phải là tả cái minh mông không cột mốc, không điểm tới cũng chẳng có
điểm đứng. Cái dập dềnh của sóng, của gió, của mây, của nước mà
mọi hình thù bị phá vở từ mỗi sát sa. Có phải là tung tóe theo cơn
nổ hồng hoang. Hay là ngộp chìm theo cơn hồng thủy. Cái chết tru rân
giờ nguyệt tận. Máu bung từ mỗi lỗ chân lông... Như tên phù thủy già
điên loạn.
Lịch sử lên cơn dữ bất thường. Viết về thơ Tô
Thùy Yên có phải là vẽ rắn thêm chân khi rắn đâu có chân mà vẫn bò
vun vút, là châm nước thêm vào lòng biển lớn, là vùi thêm củi vào
miệng hỏa diệm sơn. Người mẹ trẻ buồn đôi mắt trũng. Thân gầy
nhom, tóc cháy, da cằn. Địu con, một dúm thịt nhăn nhúm. Ra ruộng khê
tìm mót cái ăn. Còn nói được gì thêm về tội ác ngút trời của loại
hà-chính-mãnh-ư-hổ đã và đang cắn xé mảnh đất vốn đã gầy
còm ở bên kia biển lớn. Thơ của ông dữ dội lắm. Thơ của ông là bản
cáo trạng không lời buộc tội dù được viết bằng máu và nước mắt
chảy ngược của chính bản thân, thay mặt cho cả một thành phần dân
tộc bị án tử oan tình. Vì mỗi hình ảnh ông kê ra đã là một bản án
tự thân cho đám sát nhân tội đồ của nhân loại. Thơ ông là một bản
J’accuse của Émile Zola để đòi lại sự thật cho sự thật. Đọc thơ ông,
sống lại ngày dài trong trại-lán-cải-tạo, trong hầm kiên giam, dưới
chòi canh hầm hừ, giữa lon cơm mốc thếch, trên bàn tay trần bươi đất,
hay quằn đôi vai kéo cày thay trâu, trong mảnh vải bố nát che thân khi
rừng núi lập đông. Ta khóc lẻ loi, cười một mình. Thu hình ẩn náu
dưới tâm linh. Mắt chong kinh hãi đêm hư sử. Thân lõa lồ đau cháy khổ
hình. Nguyễn Du xưa viết Kiều khiến người đời cứ tưởng nhỏ máu ra
năm đầu ngón tay mà viết. Nay đọc thơ Tô Thùy Yên cứ tưởng ông đã mài
đá ra mà làm mực. Thứ mực không bao giờ phai vì đã và sẽ trầm tích
trong nảo cân, trong huyết quản của người đọc, đời này và cả đời
sau.
Mà còn tuyệt vời hơn nữa, điều đó còn để xác
nhận thơ và người thơ đã không bao giờ và sẽ không bao giờ bị thắt
cổ bởi lòi tói xiềng gông. Bởi vì, nghĩ cho cùng, cái được gọi là
trại cải tạo trong dãy quần đảo ngục tù mênh mông ở Việt Nam sau năm
75 chỉ nhằm một mục đích duy nhất là triệt hạ nhân phẩm của người
tù, triệt tiêu mọi ý thức phản kháng, biến họ thành súc vật. Trại
tù nằm bên bờ sông Mã ở Thanh Hóa mà tù nhân không được đi thẳng
người, phải bò như con thú bốn chân là một điển hình.
Nhưng dù vậy, ác tâm hèn hạ đó đã và sẽ không
bao giờ thành tựu được. Chẳng những vậy, con người, sinh vật thượng
đẳng vẫn mãi là con người dù có bị đòn tra ép uổng tới tận tầng
cuối của địa ngục. Hơn vậy nữa, người làm thơ, kẻ chịu khổ nạn
nhất trong kiếp đọa đày đó vẫn mãi mãi là sinh vật tối thượng vượt
hẵn lên trên lũ cầm thú giả dạng làm người. Ta về. Ta về-một bóng
trên đường lớn. Thơ chẳng ai đề vạt áo phai ... Ta về cúi mái đầu
sương điểm. Nghe nặng từ tâm lượng đất trời. Cám ơn hoa đã vì ta nở.
Thế giới vui vì mỗi lẻ loi ... Ta vể như lá rơi về cội. Bếp lửa nhân
quần ấm tối nay. Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống. Giải oan cho
cuộc biển dâu nầy.
Ôi, tấm lòng thi sĩ, người run giùm thế nhân hơi
thu run rẩy, ấm giùm thế nhân tia ấm cuối đông, người đau giùm thế
nhân cơn bội bạc của thế sự mà cũng vui giùm thế nhân sự thuận thảo
của đất trời. Trên dưới trong ngoài đông tây nam bắc, có chỗ nào kềm
giữ được đôi cánh chim hồng hộc. Tấm lòng thi sĩ bay lượn vượt thoát
khỏi trói buộc của nhân thế, nhạy như tơ trời, nhịp cùng nhịp
với nhịp mùa, đập cùng đập với nhịp tim của thiên hạ. Tấm lòng đó,
bao dung đến vô lượng. Hãy nghe ông xẻ chia với người quen kẻ lạ nỗi-vui-nhục-nhằn
khi trở lại từ địa ngục trần gian. Ta về như hạt sương trên cỏ. Kết
tụ sầu nhân thế chuyển dời. Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt. Tội
tình chi lắm nữa người ơi ... Ta về như sợi tơ trời trắng. Chấp chới
trôi buồn với nắng hanh. Ai gọi ai đi ngoài quãng vắng ? Phải, ôi vàng
đá nhắn quan san ? Ta về như tứ thơ xiêu tán. Trong cõi hoang đường
trắng lãng quên. Nhà cũ, mừng còn nguyên mái vách. Nhện giăng, khói
ám, mối xông nền ... Ta về như tiếng kêu đồng vọng. Rau mác lên bờ đã
trổ bông. Cho dẫu ngàn năm em vẫn đứng. Chờ anh như biển vẫn chờ
sông... Ta về dẫu phải đi chân đất. Khắp thế gian này để gặp em. Đau
khổ riêng gì nơi gió cát. Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm... Ta về
như hạc vàng thương nhớ. Một thuở trần gian bay lướt qua. Ta tiếc đời
ta sao hữu hạn. Đành không trải hết được lòng ta.
Ta về như tứ thơ xiêu tán. Trong cõi hoang đường
trắng lãng quên. Tù về mà thơ phiêu hốt như hạc nội mây ngàn. Nghĩ ra
làm sao không khoái trá.
Đành không trải hết được lòng ta ? Ờ, làm sao nói
cạn được tấm lòng thi sĩ. Người đau cái đau của nạn nước, gấp bao
lần cái đau của nhân gian, người buồn cái buồn của thời vận, gấp bao
lần cái buồn của nhân gian. Vậy mà rồi, cuối cùng, vẫn phá chấp để
tìm lại bộ mặt tích cực của đời sống, để mở lòng yêu đời yêu
người dù đã quá độ đắng cay.
Mặc kệ trời bày cuộc bể dâu, nhấn chìm hết mọi
ước mơ, tắt lịm hết mọi dự phóng, vẫn nguyên si tấc dạ của đứa con
lưu lạc trở về nhà. Thương hờn oán giận rồi ra cũng chỉ là mấy nét
nhăn nhúm của bộ mặt trần gian khó ưa. Mặc kệ, vẫn còn đó, nụ hoa
nở trái mùa, trái chín muộn trên cây ... Cũng chẳng biết triết lý
nào đạo nghĩa nào đã nuôi hồn thi sĩ. Mà cũng chẳng cần biết. Vậy
chớ lẽ đời tính vậy chẳng là ... phải phải lắm sao ! Giáo điều chi
cho mệt. Đọc xong tôi cũng hả dạ lây. Ôi tâm hồn thi sĩ ấy !
Bởi vậy mà đọc lại thơ ông khi lòng đã lạnh mọi
hương nguyền, chuyện đời đã trơn tuột ngoài vòng tay mà sao vẫn thấy
xao xuyến như có gì muốn cà kê, muốn lải nhải, muốn trần tình, muốn
kể lể ... muốn ... muốn ... muốn ...
Vậy thì nhìn vào những khung giấy bỏ trống bên
dưới, có thấy không, chữ nối chữ, lời tiếp lời, đầy ắp ... những
điều không nói được, vừa thảng thốt mà lại vừa thống khoái trong lòng
khi đọc thơ ông. Thơ Tô Thùy Yên không có tính từ để ép uổng. Nói này
nói nọ thật ra chỉ là cưỡng cầu. Hãy đọc thôi. Đọc bằng tấm lòng
xích tử, khi ngôn ngữ chưa thành lời ...
_______________________________
Ở một chỗ
rất
gần sao...
Có lần người bạn thi sĩ ở bên này bờ Hudson, phía New
Jersey hứa mời tôi đi uống cà-phê ở một nơi rất gần với mấy vì sao. Những vì
sao xa tít vốn dĩ là quê hương rất đỗi ngây thơ của những "Ông Hoàng bé
". Thử cho anh coi lại điệu vũ của bầy sao đêm. Anh ta nói với tôi như vậy.
Mấy lần điện thoại rủ rê, cứ hẹn lần hẹn lượt tôi vẫn chưa uống được tách
cà-phê pha giữa trời sao đó lần nào.
Chỗ tôi đang ở cũng là một thành phố lớn, nằm chênh chếch
về phía đông bắc lục địa. Những con đường ngang dọc từ trên cao nhìn xuống cũng
y như mấy miệng vực hun hút giữa khu rừng cao ốc. Mỗi lần ra phố chỉ thấy từng
hẻm mây buồn rầu. Thuở mới đến, có bận nhớ nhà, tôi hay len lỏi đi tìm ngó
trăng sao. Và lần nào cũng buồn ngẩn buồn ngơ vì trăng sao cứ trốn đâu mất
biệt. Thay vào đó là ngàn ngàn con mắt đèn như bầy đom đóm đeo dính mấy tấm
vách thẳng băng ngước nhìn tới mỏi cổ. Hơn nữa chưa hết tầm nhìn đã chóa mắt giữa
hằng hà sa số ngọn néon xanh xanh đỏ đỏ. Riết rồi thua buồn cũng quên lửng luôn
những vì sao đã chắt chiu mang theo như để đánh dấu điểm đứng của quê hương.
Vâng, có ngôi sao chỉ mọc ở phương nam. Chắc quê hương tôi ở hướng đó.
Thuở mười một mười hai tuổi, mỗi lần được cho về quê nội,
cứ đợi chiều xuống là tôi trèo tuốt lên mấy đụn rơm cao ngất ngoài bìa ruộng,
dang tay nằm ngữa đợi trời tối. Ngó lên là trời vòi vọi cao, không một bợn mây
mà lại xanh mướt, xanh ngọt cả lòng. Thuở đó tôi đâu biết tả ra sao cái màu
ngan ngát của buổi chiều đương chuyển sang đêm. Chỉ thấy nó lâng lâng đến nổi hồn
nhỏ cũng muốn bay bổng. Rồi chiều lánh đi thư thả. Ðêm nhón chân tới, rất nhẹ.
Rồi con sao thứ nhất bắt đầu ló ra. Cũng êm ru như đã ở đó tự bao giờ. Chớp lia
chớp lịa như để nháy gọi nhau, một chút nhẻo thôi là không biết ở đâu mà sao đã
rải ra đầy trời. Ðêm trước mắt bỗng lộng lẫy như tấm nhung đen đính hàng triệu
kim cương hột mẳn đều như tấm, nhiều đến ngó không xuể. Có lần tính thử đếm
chơi nhưng rồi cứ vuột khỏi mấy lần bàn tay nên chán bỏ. Nhưng mà lần nào cũng
không quên ao ước hể thấy có một vệt sao băng. Mà rồi y như lần nào cũng trễ,
thành ra không kịp có một lời nguyện nào cho tròn. Cho đến một lúc thằng bé chỉ
chờ sao lên thôi cũng đủ. Mỗi vì sao như chiếc cầu vòng nhỏ xíu dắt nó vào một
thế giới khác, thần tiên. Rồi càng lúc đêm sao lại càng nở ra, trùng trùng điệp
điệp. Ðứa nhỏ, tấm lòng hả lớn đến hết cở như muốn hớp cả vào người cái cõi bao
la và bí nhiệm đó. Nhưng mà lòng nó nhỏ quá, vũ trụ thì quả thật mênh mông. Có
khi nó chảy nước mắt mà không biết vì sao.
Từ đó, bầy sao cứ lấp lánh theo tôi như những cặp mắt
dõi theo từ quê nội, nấn níu chờ tôi lớn lên ở thành phố, đợi có ngày yên ổn rủ
tôi trở về làng. Nhưng rồi cái ngày đó không có nữa. Tôi bỏ quê đi thật xa, xa
đến mất luôn một lúc cả trời sao trăng nước ở một xóm nhỏ bên bờ kinh Hòa
Nghĩa.
Bởi vậy mà chừng nghe lời bạn rủ rê đi ngó sao ở một chỗ
thật gần, tôi náo nức lắm. Vậy mà rồi không kịp. Cái chỗ rất gần sao đó không
còn nữa. Buổi sáng ngày11 tháng 9 năm 2001, lòng căm thù của con người đã làm
nó nổ tung. Hai tòa nhà cao cả trăm từng cùng với mấy ngàn sinh mạng nát ngứu
ra thành bụi. Mấy triệu tấn sắt thép và thủy tinh cộng với tim óc của con người
dựng đứng thẳng lên trời giữa lòng đảo Manhattan như một thách thức với thiên
nhiên bỗng vỡ tan như cám vụn. Nó đã chống chọi với gió cuồng bão dữ không suy
xuyển. Vậy mà lần này nó không chống nỗi với cơn bạo hành của ác tính. Phút chốc
cả một khối sống hừng hực bỗng hư vô chẳng đáng một mảy may. Phút chốc lòng tin
của tôi cũng thành ảo. Phút chốc cái có đó đã hóa không. Có. Không. Không. Có.
Không tưởng tượng nỗi. Cái đầu vốn vẫn thường nghĩ xa tới ngàn ngày, nghĩ rộng
tới ngàn dặm mà vẫn như không đủ tầm cỡ để chứa được cái chuyện vừa xảy ra. Làm
như cái việc vừa xảy ra trước mắt là không thể có được. Tôi sững sờ đến bất động.
Cả ngày tôi cứ ngồi dán mắt vào máy truyền hình, nhìn cảnh máy bay đâm thẳng
vào cái khối sắt thép lừng lững đó, rồi lửa khói bùng lên và sau hết cái nấm bụi
khổng lồ bùng ra như một cơn lốc dữ mà bàng hoàng đến ngớ ngẩn. Miệng tôi không
nói ra được một lời. Không có một lời nào nói ra được sự kinh khiếp đó. Sự hung
dữ đó. Sự mù quáng đó. Rồi cảnh người sống chạy chết. Cảnh gạch đá sắt thép
văng bay tứ tung. Còi xe cứu thương kêu rú in ỏi. Khói bụi bốc trắng mù mịt.
Tôi ngồi chết trân nhìn trực tiếp cảnh tàn phá điên dại từ bàn tay con người.
Con người. Tuyệt phẩm của thượng đế. Con người. Tuyệt phẩm của ma vương. Con
người. Quả tình tôi không hiểu nỗi. Tôi muốn tắt máy mà lại cứ để mở. Nhìn ngó
đến hãi hùng. Ống kính truyền hình thu không sót một góc. Nhưng có một cảnh mà
máy không thu được. Một cảnh thiếu mất thốt nhiên nghĩ tới làm tôi hốt hoảng,
chết điếng. Cùng một lúc, chớp mắt, mấy ngàn người tiêu ra tro bụi. Cùng một
lúc, mấy ngàn người mới đó bỗng hư không. Một người cha, một người mẹ, một người
con, một người tình... mới sáng đó còn hăm hở thức dậy sửa soạn ra đường, lái
xe, đi métro, xe bus tới sở làm. Một tiếng đồng hồ trước đó còn hăm hở bước vào
thang máy, cười với người quen này, nói đùa với người quen nọ. Nửa tiếng đồng hồ
trước đó còn hăm hở ngồi vào bàn giấy, vừa đưa tay mở máy com-pu-tơ vừa bấm điện
thoại gọi đến tiệm hoa nhắn gởi mấy cánh hồng cho người bạn gái. Năm phút trước
đó còn vừa mở xấp hồ sơ vừa nghĩ đến bữa cơm chiều với vợ và bầy con nhỏ. Một
phút trước đó còn vừa lau sàn nhà vừa nghĩ đến số tiền sẽ gởi cho bà mẹ ở một xứ
Á xa xôi... Vâng cái cảnh thiếu sót trong mấy bản tin quá đầy đủ đó nó chỉ có
trong đầu tôi thôi liền khi tòa nhà thứ nhất sụp xuống. Rồi tòa nhà thứ hai sụp
xuống. Bỗng chốc. Xương thịt. Tro than. Cái cảnh không ai thấy được mặc dù đã xảy
ra sờ sờ, cùng lúc với khi mũi phi cơ tiếp giáp với khung sắt thép, cùng lúc với
tiếng nổ của hàng trăm tấn dầu, cùng lúc với lòng thù hận biến con người thành
thú dữ. Cái cảnh không có trong phim ảnh bởi vì không có máy nào chụp được
nhưng nó thật sự có đó, có đó rõ ràng giữa hiện trường, càng lúc càng lớn ra,
càng lúc càng lớn ra, lớn đến khủng khiếp. Cái chỗ trống hoang bỏ lại của mấy
ngàn nhân mạng mất đi cùng một lúc. Cùng một lúc thất tung. Cùng một lúc biệt
tích. Cùng một lúc tan tành. Thịt xương. Niềm tin. Hy vọng. Cái khoảng trống im
ỉm của pháp trường sau khi bọn đao phủ đã bỏ đi. Cái khoảng trống điêu tàn của
mặt đất không còn người ở. Cái trống hoác ghê rợn nổi lên ngay sau khi lớp tro
than đã lắng xuống. Không còn gì nữa. Có còn lại chăng là cái Trống Không khủng
khiếp.
Có còn lại chăng, những ngày sau, là cái không vô cùng vô
tận trong lòng tôi, trong lòng mọi người.
Mấy ngày sau, tôi thấy lại cái khoảng trống đó trên đường
phố của một Nữu Ước thất thần, lơ láo trên những nến, hoa và nước mắt. Và đặc
biệt trong những tờ giấy viết tay nhắc một cái tên, những tấm hình nhắc một
khuôn mặt, những tiếng kêu thất thanh toát ra từ cặp mắt lặng lẽ của một người
vợ tìm chồng, trong tia nhìn lạc lõng của một đứa con tìm mẹ, trong hai bàn tay
bưng đầu bất lực của người lính cứu hỏa ngồi bệt xuống bên đường mếu máo, trong
tiếng kèn đồng sầu thảm của người da đen vừa thổi vừa khóc khi chiều xuống ở một
góc công viên... Cái khoảng trống lớn ra hoài không chặn lại được. Và sẽ còn lớn
ra nữa. Một tháng sau. Một năm sau. Nhiều năm sau nữa...
Bởi vì sau buổi sáng tàn khốc đó, tôi biết trong tôi sẽ
chỉ còn lại niềm tuyệt vọng.
Tôi bỏ xứ ra đi hai mươi năm, sống lây lất ở xứ người như
một thân chùm gởi. Tôi bỏ trời sao của tôi lại cho một lũ điên khùng chưa bao
giờ biết trời sao là ân huệ của thượng đế. Tôi xa xứ mà lòng cưu mang từng chuyện
thương tâm hai mươi mấy năm trước. Những chuyện thương tâm chưa bao giờ kể đủ về
những đọa đày gây ra bởi sự cuồng bạo của mê muội. Tôi đi mà cầu trời khẩn phật
cho có ngày đất nước tôi sáng lán, người ở quê tôi tìm lại được tình thương và
niềm tin cậy giữa người và người. Tôi chờ mà cứ sợ không còn dịp.
Giao thừa năm trước, cả hoàn cầu mở hội hoa đăng đón kỷ
nguyên mới. Người ta nắm tay nhảy múa ca hát, ôm nhau hôn mừng giữa trời đất mới
nguyên. Dường như có một lúc tôi thấy mọi người đều hớn hở, tin cậy, nhiệt
thành, lòng mở ra vượt quá biên cùng của lề thói hẹp hòi, của nhỏ nhoi và hèn mọn,
của thù oán và ghét bỏ, của hiềm khích và đuổi xua, của phân chia và chấp nhất,
của lừa đảo và phản trắc... Có lúc sao tôi thấy dường như ai nấy cũng thân ái,
nồng nàn, độ lượng, khoan dung... Ai nấy cũng sẵn sàng chín-bỏ-làm-mười. Mọi tiếng
nói đều cười tiếng cười giống nhau. Mọi màu da đều mừng nỗi mừng giống nhau. Và
như vậy nghĩa là mọi tiếng khóc cũng giống nhau như hệt, mặc kệ đen vàng trắng
đỏ, mặc kệ nam bắc đông tây, mặc kệ tư bản cộng sản, mặc kệ chúa, phật, hồi
giáo, bà la môn giáo, ấn độ giáo ... gì gì nữa cũng chỉ là một. Chỉ có một tiếng
khóc cho nên chỉ có một niềm vui. Cái này, cái kia, cái nọ chỉ có trong đầu óc
giặc giã của ta. Kẻ này, kẻ kia, kẻ nọ chỉ có trong cặp mắt loạn lạc của ta. Chớ
thật ra tất cả chỉ là MỘT. Cái một tròn trịa nguyên vẹn. Cái một hồng hào hạnh
phúc. Cái một lấy CON NGƯOI làm đấng cứu thế. Lấy con người làm đối tượng cho
cuộc cứu rỗi. Cho con người và vì con người. Không còn chủ nghĩa tôn giáo chỉ
còn con người. Không còn biên giới chủng tộc chỉ còn con người. Sẽ không còn diệt
chủng ở Rwanda. Sẽ không còn thảm sát ở Kosovo. Sẽ không còn chôn sống ở Huế...
Pháo bông bắn lên cao vút, lời nguyền bay lên cao vút, vụt khỏi mấy tầng mây,
sáng át cả mấy chòm sao sáng nhất. Tôi thấy tôi trẻ lại. Và hy vọng. Và hứng khởi.
Và tin tưởng. Kỷ nguyên mới. Kỷ nguyên của văn minh, của tiến bộ, của nhân ái.
Những vòng tay cứ mở ra, mở rộng ra đến vô chừng tưởng như ôm giáp cả vòng lưng
của địa cầu, ôm hết cả vòng eo của nhân loại. Tôi mừng như gặp lại tấm lòng
" con đỏ " mà Lão Ðam đã mơ ước một đời. Biết đâu đất nước tôi cũng
có cơ theo giòng vận hội mới... Tôi hào hứng đến nỗi làm được cả thơ vui...Tim
sẽ cùng tim nối nhịp liền. Mắt bồ câu thoáng hiện nhơn duyên. Em xiêm áo mới
quàng vai chị. Ðón gió ngàn năm kỷ mới nguyên.
Nhưng rồi xiêm áo đó rách bươm buổi sáng tháng chín này.
Cái vòng tay khít liền đó gãy vụn ra, tan nát. Người của thế kỷ hai mươi mốt giống
y như người của thế kỷ hai mươi, giống y như người của thế kỷ thứ nhứt, thứ mười,
thứ mười lăm, giống y như thời của pháp đình tôn giáo với giàn hỏa, giống y như
thời "thánh chiến " đẩm đầy máu Jésus và Allah. Lịch sử chỉ quay vòng
vòng như trò chơi rồng rắn. Và con người thì vẫn đắm chìm trong ngu tối, dốt
nát và thù hận. Ðã từ bao lâu, con người thôi ăn lông ở lỗ nhưng đâu thôi suy
nghĩ và hành động như cái thời còn ở trong hang động. Chúa, Phật, Allah chắc
cũng chỉ biết ngậm ngùi.
Hành động sát nhân một cách tỉnh táo của cái đám gọi là
" tử vì đạo " đó làm tôi bần thần dã dượi suốt mấy ngày. Ðúng ra ai
cũng có quyền dành cho mình một cái chết để phục vụ cho lý tưởng đã chọn. Nhưng
lý tưởng nào để biện hộ cho việc lạnh lùng kéo nhập cục cùng một lúc mấy trăm
người đồng hành và ngàn ngàn người vô tội khác vào chỗ chết một cách thảm khốc
như vậy. Nhân danh - lại nhân danh! - một chủ nghĩa một niềm tin của người này
để cướp lấy quyền sống của người khác có phải là phương thế để xây dựng một thế
giới hoà bình, công bằng và bền vững? Có thượng đế nào chứng nhận được việc
đó. Có cứu cánh nào biện minh được cho phương tiện cùng hung cực ác như vậy. Và
nếu việc làm đó để nhằm vinh danh một phần nhân loại thì chắc cũng phải vì nhân
loại mà phủ nhận sự vinh danh đó.
Nhiều ngàn năm rồi không đủ cải hóa con người. Thú tánh vẫn
còn đó. Những thông điệp kêu gọi cảm thông, vị tha, hòa đồng cứ bay lượn đầy trời
như những đàn bồ câu trắng. Và vẫn tiếp tục bay lượn hoài trong sự lãnh đạm trơ
lì. Con đường đi xuống địa ngục gần nhất vẫn còn là con đuờng đi qua lòng người.
Lời nguyện đêm giao thừa giữa hai thế kỷ có thay đổi được gì đâu. Con người vẫn
là kẻ thù nguy hiểm nhất của chủng loại. Có dấu hiệu nào đâu để tôi còn mơ ước
cho quê hương?
Những đêm như đêm nay, ở thành phố đó sao vẫn mọc đầy trời.
Nhưng còn chỗ nào gần nhất để tôi leo lên vói bắt ước mơ tôi.
Cao Vị Khanh
Comment của Thầy CDM
ReplyDeleteCao Vi Khanh viet ve To Thuy yen hay qua