Links

Saturday, July 6, 2019

Mỗi người Việt là một nhạc sĩ


__________________
Nguồn: Sáng Tạo

Lê Hữu 

Mỗi người Việt là một thi sĩ, câu ấy ta vẫn nghe. Có đúng, nhưng mà chưa đủ. Người Việt bây giờ không chỉ thích làm thơ mà còn thích viết nhạc. Nói cách khác, người Việt không chỉ là thi sĩ mà còn là nhạc sĩ.
Sáng tác nhạc, khó hay dễ?
Nhạc sĩ ở đây được hiểu là nhạc sĩ sáng tác hơn là nhạc sĩ trình diễn, nghĩa là soạn nhạc hơn là chơi nhạc. Nhạc sĩ trình diễn cần sử dụng thuần thục ít nhất một hai nhạc cụ nào đó đủ để mê hoặc lòng người hoặc sinh sống bằng nghề đàn địch, cũng tựa ca sĩ với nghề hát xướng. Nhạc sĩ sáng tác thì không nhất thiết phải chơi đàn giỏi, chỉ cần am hiểu về nhạc lý căn bản, về kỹ thuật sáng tác bài nhạc và thêm cây đàn thùng guitar nữa là đủ mang đến cho đời những ca khúc chạm ít chạm nhiều trái tim người yêu nhạc.


Ngày trước, trong những hoạt động về âm nhạc, số người sáng tác nhạc không nhiều lắm và người ta có thể dễ dàng kể tên các nhạc sĩ là tác giả các nhạc phẩm phổ biến. Còn ngày nay thì chịu vì… nhiều quá đếm không xuể, cả trong nước lẫn ngoài nước, cả những nhạc sĩ tên tuổi lẫn không tên. Trăm hoa đua nở làm tươi thắm khu vườn âm nhạc Việt.

Tôi có anh bạn hát hay đàn giỏi. Hát mãi, đàn mãi cũng chán, anh bèn chuyển hướng sang sáng tác ca khúc như một thú chơi tao nhã và cũng để tìm nguồn cảm hứng mới. Sau một quá trình sáng tác được ít bài bản và được bạn bè khuyến khích, anh miệt mài trên con đường âm nhạc nghệ thuật đầy tính sáng tạo này. Có lần tôi được anh cho làm khán giả thưởng thức một bản tình ca, là sáng tác mới nhất của anh.
“Anh thấy thế nào?” anh ta hỏi khi dứt tiếng đàn và thấy tôi trầm ngâm.
“Anh muốn tôi trả lời cho anh vui hay là nói thật?” tôi hỏi lại.
“Nói thật chứ,” anh ta khựng lại một chút, “chỗ bạn bè mà.”
“Theo nhận xét của tôi thì bài này ‘ba không’,” tôi nói. “Không hay, không dở và không dễ hát.”
Thấy anh lộ vẻ không vui, tôi phải lên dây cót tinh thần để không làm mất đi nguồn nhạc hứng trong anh.
“Có một chỗ hơi cao, e khó cho người hát. Tôi tin là anh có thể làm cho hay hơn nữa.”
Nói đúng hơn, ca khúc anh bạn tôi sáng tác phải là “bốn không”, vì có thêm một “không” nữa là không cho cảm xúc nào cả.
Kể câu chuyện người bạn này để thưa rằng chẳng may phần lớn những bài nhạc sáng tác mà tôi được nghe bây giờ đều như vậy cả. Về lời nhạc, trong nước gọi là “ca từ”, thì chẳng có gì mới lạ, hầu hết chỉ lặp lại những ý, những câu, chữ từ những nhạc sĩ đi trước. Về giai điệu thì chỗ này nghe giông giống bài nhạc này, chỗ kia nghe từa tựa bài nhạc kia và người nghe không mấy hứng thú khi được giới thiệu để làm quen với những ca khúc mới mà không mới ấy.
Quả thực chưa bao giờ người Việt mình có nhiều nhạc sĩ sáng tác đến như thế, cho dù chỉ sáng tác được những ca khúc ngăn ngắn đủ để khoác danh xưng “nhạc sĩ”. Sáng tác nhạc xem ra cũng không khó hơn sáng tác thơ, nếu khó quá thì chẳng ai theo đuổi làm gì. Những ai tự tin mình có năng khiếu về sáng tác nhạc đều có cơ hội để học hỏi và thử sức, chỉ cần biết đàn, biết hát chút chút cộng thêm chút kiến thức về nhạc lý. Trong nước hiện nay còn có nhiều trường lớp, trung tâm giảng dạy, hướng dẫn về sáng tác nhạc, gồm cả những lớp học cấp tốc, thậm chí không cần biết nhiều về nhạc lý, nhạc thuật lỉnh kỉnh. Đơn giản hơn, có thể tự học qua sách báo, qua online, qua những Youtube khá phổ biến. Sáng tác ca khúc được khuyến khích và lan rộng như một phong trào thời thượng, không chỉ ở trong giới ca, nhạc sĩ mà mọi đối tượng, mọi ngành nghề.
Trong nước, ngoài nước người ta bắt đầu làm quen với những danh xưng là lạ như “nhà văn/nhạc sĩ”, “nhà thơ/nhạc sĩ”, “họa sĩ/nhạc sĩ”, “bác sĩ/nhạc sĩ”, “nha sĩ/nhạc sĩ”… nghe ngồ ngộ và khá hợp thời trang. (Đúng ra nên gọi “văn nhạc sĩ”, “thi nhạc sĩ”, “bác nhạc sĩ”, “nha nhạc sĩ”…, theo cách gọi “ca nhạc sĩ”). Tay cầm cọ, tay cầm đàn, hoặc tay cầm ống nghe, tay cầm đàn, có sao đâu! Hoạt động âm nhạc càng thêm khởi sắc, đời sống tinh thần của con người càng thêm phong phú và ý nghĩa.
Một anh bạn nhạc sĩ nói với tôi là nghe qua một bài nhạc anh có thể biết được rằng người nhạc sĩ đã sử dụng nhạc cụ nào để sáng tác bài ấy. Tuy không hẳn lúc nào cũng đúng, phần lớn những bài nhạc thể điệu slow, slow rock, boléro người Việt mình yêu thích đều được sáng tác với cây đàn guitar. Do nhiều nhạc sĩ sáng tác ngày nay không cần đàn hay, nhạc giỏi, hầu hết những ca khúc dễ dãi với nhạc điệu, tiết tấu đơn giản cũng từ nhạc cụ phổ biến là cây đàn guitar mà ra.
Thỉnh thoảng tôi vẫn được các nhạc sĩ cho nghe những sáng tác mới hoặc gửi cho các CD nhạc gồm những ca khúc mới sáng tác thực hiện từ những phòng thu âm hiện đại, hòa âm phối khí chuyên nghiệp với những giọng ca sĩ quen thuộc. Thường thì tôi nghe trong lúc lái xe và chọn ra những bài nào mình thích để nói cho nhạc sĩ biết. Tôi chắc người nhạc sĩ sáng tác nào cũng muốn nghe, muốn biết.
Làm sao biết ca khúc mình sáng tác có được đón nhận và yêu thích? Dễ thôi, trong những cuộc họp mặt có hát hỏng đàn địch, những bài nào không được ai chọn để hát, để nghe là những bài không gây hứng thú cho người yêu nhạc.
Nếu không ai chịu hát, chẳng ai chịu nghe thì cũng chả sao, nhạc sĩ vẫn nghêu ngao “hát cho tôi nghe” cùng với tiếng đàn guitar phừng phừng, như thế cũng đủ để yêu người yêu đời và thăng hoa cuộc sống.
Phổ nhạc vào thơ, khó hay dễ?
Không chỉ sáng tác ca khúc thôi, nhiều nhạc sĩ lại còn cao hứng phổ nhạc vào thơ nữa cho lời thơ tiếng nhạc dặt dìu. Nhạc quyện vào thơ, thơ quấn lấy nhạc, chưa bao giờ nhạc phổ thơ “được mùa” hơn lúc này.
Người Việt vốn yêu thơ, yêu nhạc, vì vậy không thể nào chỉ sáng tác nhạc mà không phổ nhạc vào thơ. Phổ thơ là phổ thơ nào, phổ thơ ai? Đơn giản, cứ bài nào ta thích hoặc được nhiều người thích là ta phổ thôi (hoặc mình phổ… thơ mình cũng tốt và dễ tạo nguồn cảm hứng). Nhiều bài thơ hay phổ biến, nhiều thi sĩ tên tuổi được nhiều nhạc sĩ xúm vào phổ nhạc để mong có được bài nhạc phổ thơ hay.
Tôi nhớ có một dạo nhiều nhạc sĩ xúm nhau phổ nhạc bài thơ “Đất nước mình ngộ quá phải không anh?” của một cô giáo nào ở trong nước. Lại còn có báo, đài trong, ngoài nước tổ chức cuộc thi phổ nhạc bài thơ ấy và trao giải thưởng Nhất, Nhì, Ba… Có đến mấy chục nhạc sĩ đua tài, tranh giải. Mỗi bài mỗi vẻ, bài nào nghe cũng… ngộ. Kết quả, theo Ban tổ chức cuộc thi, “Các bài hát dự thi chưa kịp trau chuốt, gọt giũa về ý và tứ, về nhịp và điệu, lại cũng vì cố gắng giữ nguyên vẹn các câu thơ nên nhiều từ có bị gượng ép ít nhiều về thanh âm,” và kết luận rằng “Bài thơ có rất nhiều lời khó đưa vào nhạc để tạo được giai điệu hay.” Sau cùng chẳng có bài phổ nhạc nào đến được với người yêu nhạc và người ta vẫn quay về với bài thơ được yêu thích. Bài thơ, là một thử thách khó vượt qua nổi cho những ai muốn phổ nhạc.
Phổ nhạc, như thế không khó, bài thơ nào mà chẳng phổ nhạc được. Nếu có khó chỉ là phổ sao để nghe ra nhạc chứ không nghe ra thơ hoặc nửa nhạc nửa thơ, chưa nói là phổ sao để nghe được tình ý của bài thơ.
Phổ một bài thơ lục bát chẳng hạn, cái khó là phổ thế nào để không thành bài… nhạc lục bát. Ít ai biết Thuyền Viễn Xứ của Phạm Duy là bài phổ nhạc vào thơ lục bát của Huyền Chi, vì không nghe lục bát chút nào.
Trả lời câu hỏi “Phổ nhạc cho thơ lục bát thường khó thoát ra khỏi nhịp điệu sẵn có của thể thơ này, làm thế nào để vượt qua được cái khó ấy?” nhạc sĩ Phạm Duy cho biết:
“Nếu phổ thơ mà cứ theo tiết tấu có sẵn của thơ lục bát thì vô duyên quá, phải sửa lại thôi. Mỗi bài tôi sửa theo một cách khác nhau và dùng ‘thủ pháp’ riêng để thổi vào đó một hơi thở mới. Ví dụ như bài Tiếng Sáo Thiên Thai mà tôi soạn vào năm 1952, khi phổ nhạc bài này tôi bắt thơ phải chạy theo nhạc, nghĩa là đặt quy tắc nhạc lên trên thơ. Những câu thơ của Thế Lữ không còn là lục bát nữa mà được sắp xếp lại để cho âm điệu thích hợp hơn.” (*)
Bài thơ như được lột xác để “hóa thân” thành bài nhạc hay. Nói cách khác, phổ nhạc bài thơ là mang đến cho bài thơ một đời sống khác.
Nhiều bài thơ hay gần như không thể phổ nhạc để thành bài nhạc hay. “Thi trung hữu nhạc”, nhiều người vẫn nói vậy và cho là phổ thơ cũng dễ thôi vì trong thơ đã có sẵn nhạc. Thực sự, nhạc ngữ ở trong thơ và trong nhạc có khác nhau. Các bài thơ đầy khẩu khí như “Hồ trường” của Nguyễn Bá Trác, “Tống biệt hành” của Thâm Tâm, “Tây tiến” của Quang Dũng, “Hành phương Nam” của Nguyễn Bính hay “Ta về” của Tô Thùy Yên… đều là những bài “thi trung hữu nhạc” cả, và “nhạc” ấy cũng réo rắt, cũng lên bổng xuống trầm, thế nhưng rất khó để mà chuyển thể bài thơ hay thành bài nhạc hay. Âm điệu bi tráng và giọng thơ đầy hào khí ấy là “nhạc thơ” và chỉ có ở trong thơ.
Tôi nhớ có lần hỏi nhạc sĩ Phạm Duy “Đã có ai phổ nhạc bài thơ ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm?” và ông trả lời, “Có chứ, tôi đã phổ bài ấy rồi.” Sau đó ông gửi cho tôi bản nhạc (music sheet) phổ bài thơ ấy. Tôi có hơi ngạc nhiên vì chưa nghe ai hát bao giờ cả. Về sau này tôi biết thêm là “Tống biệt hành” cũng được vài nhạc sĩ khác phổ nhạc như Trầm Tử Thiêng, Song Ngọc, Thanh Trang, Trần Quan Long… và ít được phổ biến. Tôi có nghe qua những bài phổ nhạc này và thành thực mà nói, nghe bài thơ ấy qua những giọng đọc hay, giọng ngâm hay vẫn thích hơn và nhiều cảm xúc hơn là nghe bài phổ nhạc.
Lại có lần tôi “mách” nhạc sĩ Phạm Duy là có một bài thơ tình tiền chiến hay lắm mà ông quên sót, chưa phổ nhạc. “Bài gì?” ông hỏi. Tôi nói “Tình Sầu của Huyền Kiêu.” Ít hôm sau ông gửi tôi nghe bài hát mới toanh được ông đặt tên là Ngày Xưa, Một Chuyện Tình Sầu, với giọng Duy Quang. Cũng thành thực mà nói, không như tôi mong đợi, bài hát không cho tôi cảm xúc nào cả.
Phạm Duy vẫn được xem là “chuyên trị” nhạc phổ thơ, nhưng không hẳn bài thơ nào vào tay ông cũng hóa thành bài nhạc phổ thơ hay mà chỉ vì ông là người nhạc sĩ có số lượng nhạc phổ thơ nhiều hơn hết trong số các nhạc sĩ cùng thời, và trong số ấy có nhiều bài hay. Có thể ví ông như cầu thủ xuất sắc “ghi bàn” nhiều nhất, tuy rằng vẫn có những… cú sút không thành công.
Kể mẩu chuyện trên để những người bạn nhạc sĩ tôi vẫn quý mến hiểu cho rằng, nếu tôi có nhận xét là bài nhạc phổ thơ của bạn “không cho được cảm xúc nào cả” thì xin… đừng buồn, vì phổ nhạc một bài thơ không thành công là chuyện thường, chỉ khi nào phổ thành công mới là… tài. Nếu phổ nhạc vào thơ mà dễ ăn thì bao nhiêu nhạc sĩ chả cần phải sáng tác làm gì, cứ chọn bài thơ nào hay hay mà phổ nhạc cho… khỏe và tiện.
Nói chung, một bài nhạc sáng tác hoặc phổ thơ không hay là bài nhạc mà người nghe không thấy hứng thú, người hát ít ai chịu hát, tất nhiên ngoài tác giả và những ca sĩ mà tác giả có lời yêu cầu.
***
Mỗi người Việt là một nhạc sĩ, rồi sao nữa? Người ta vẫn chờ đợi ở những nhạc sĩ này những sáng tác có hồn có lửa, có những tình tự dân tộc đưa con người lại gần với nhau hơn là những tình khúc, tình ca bốn mùa trong những buổi trình diễn văn nghệ vui chơi hay trong những CD làm quà tặng bạn bè.
Một người bạn tôi nói rằng, người Việt mình đến nay vẫn thiếu những bài hát sinh hoạt cộng đồng cho những cuộc xuống đường, biểu tình để bày tỏ nguyện vọng, quan điểm, lập trường hoặc những mục tiêu đấu tranh. Vẫn thiếu những bài hát mang tính thời sự, có ý nghĩa và dễ hát, dễ thuộc lòng để mọi người cùng hát chung với nhau cho nhịp nhàng, cho có khí thế và tỏ sức mạnh đoàn kết một lòng.
Thảng hoặc vẫn có những ca khúc đấu tranh được yêu thích, nhưng lại không dễ hát và khó nhớ, thường chỉ dành cho ca sĩ hoặc trình diễn trên sân khấu nhiều hơn là “hát với nhau”. Quần chúng, vì thế cứ mạnh ai nấy hát, tùy tiện, và cứ phải hát đi hát lại mãi những bài hát xưa cũ, những bài hát không còn tính thời sự, không tạo được hưng phấn để nâng dậy tâm hồn người.
Những trăn trở của người bạn không phải là không có lý, thế nhưng tôi vẫn cứ lạc quan. Nhất định phải có, thế nào cũng phải có thôi. Bao nhiêu là nhạc sĩ sáng tác, bao nhiêu là nghệ sĩ với cây đàn. Mỗi người Việt là một nhạc sĩ mà, lo gì.

Lê Hữu
(*) Phạm Duy, trả lời phỏng vấn, Dân Việt, 1/6/2011
Nguồn: Tác giả gửi bài và ảnh

No comments:

Post a Comment