Links

Friday, August 16, 2019

Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân Đầy Xúc Động: Ôn Lại Chuyện Vượt Biển Và Cảm Ơn Tấm Lòng Thế Giới

______________________

Nguồn Việt Báo
Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (1)
Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (2)

Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (3)Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (4)Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (5)Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (6)Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (7)Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (8)Dem 40 Nam Quoc Te Cuu Thuyen Nhan (9)
Hình ảnh trong đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân.

“Xin cảm ơn tấm lòng thế giới 
đã cho tôi một cuộc sống mới
Xin cảm ơn những người nhân ái 
đã cho tôi có một ngày mai…”

Khi những lời này trong nhạc phẩm Cảm Ơn Tấm Lòng Thế Giới của nhạc sĩ Trần Chí Phúc được Lâm Dung, Đoàn Cẩn, Ngọc Quỳnh và Ái Liên hát lên để mở đầu Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân, đã làm sống dậy bao nhiêu ký ức tưởng chừng đã chìm sâu vào quá khứ về một thời điêu linh của đất nước và thân phận đau thương nghiệt ngã của người tị nạn Việt Nam sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975. 

“Tôi đến đây hai bàn tay trắng
Cố quên đi những ngày cay đắng
Bỏ quê hương băng ngàn sóng gió
Kiếp tha phương đất khách bơ vơ…”

Tâm trạng này đã được hàng trăm người Việt tị nạn đồng cảm trong Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân được tổ chức tại Hội Trường Việt Báo, trên Đường Moran, Thành Phố Westminster vào đêm Thứ Bảy, ngày 20 tháng 7 năm 2019. Có lẽ vì thế mà trên hai trăm đồng hương Việt đã đến tham dự làm hội trường Việt Báo không còn chỗ để sắp ghế ngồi, nhiều người phải đứng.

Chương trình, được 2 MC duyên dáng Nhã Lan và Thanh Vũ, bắt đầu với nghi thức chào quốc kỳ và hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa, Hoa Kỳ và phút mặc niệm tưởng nhớ đến những người đã nằm xuống trên đường vượt biển và vượt biên. 

Trong lời phát biểu khai mạc, nhạc sĩ Trần Chí Phúc, Trưởng Ban Tổ Chức, nói rằng, “Đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân là dịp để bày tỏ sự biết ơn tấm lòng nhân ái thế giới, để những thuyền nhân năm xưa hội ngộ ôn lại chuyện vượt biển và nhắc nhở con cháu biết gốc gác, biết chuyện gian nan của cha anh chúng thuở ban đầu tị nạn.”

Trần Chí Phúc cho biết thêm rằng cũng vào ngày nay cách nay 40 năm, “vào ngày 20 tháng 7 năm 1979, tại thành phố Geneva nước Thụy Sĩ, 65 quốc gia đã họp bàn tìm cách cứu giúp thuyền nhân Việt Nam đang lênh đênh trên biển cả khốn khó trong các trại tị nạn Đông Nam Á.

“Kết qủa là nhiều quốc gia tự do đã đồng ý nhận định cư số lượng lớn thuyền nhân tị nạn Việt Nam và đóng góp thêm tài chánh cho các trại tị nạn.

“Kết quả là các trại tị nạn ở Đông Nam Á đã mở rộng vòng tay đón tiếp thuyền nhân Việt Nam, không còn cảnh xua đuổi hoặc kéo thuyền tị nạn ra khơi như hải quân Mã Lai đã làm.”

Nhạc sĩ Trần Chí Phúc nhấn mạnh đến trang sử bi thảm của đất nước, “Lịch sử thuyền nhân Việt Nam mà thế giới gọi là boat people, ghi dấu một thời bi hùng biển cả, sự cai trị độc ác của CSVN đã khiến hàng triệu người liều chết vượt biển, bỏ nước ra đi.”

Khi người dân phải còng lưng gánh chịu sự thống khổ mà sức người không thể chịu được thì họ không còn chọn lựa nào khác ngoài việc bỏ nước ra đi tìm tự do và đất sống.

Vượt biển đi tìm tự do và đất sống là bi kịch chưa từng thấy xảy ra trước đó của dân tộc Việt Nam mà cũng là của cả nhân loại trong hậu bán thế kỷ 20. Cuộc hành trình đầy máu xương chết chóc và mất mát tan thương này đã được nhiều người, nhiều nhân chứng thuật lại qua nhiều hình thức trong suốt mấy chục năm qua. 

Nhưng trong đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân mọi người có mặt đều trực tiếp lắng nghe lời kể bằng nước mắt và niềm cảm xúc của 2 nhân chứng và cũng là nạn nhân bi thảm nhất trên đường vượt biển là ca sĩ Ái Liên và nhà truyền thông Phan Trung Kiên. 

Cả hội trường lặng thinh và xúc động khi nghe Ái Liên kể về những gì mà cô đã trải qua trên hành trình vượt biển của cô. Cô kể rằng lúc đó cô 18 tuổi, trên đường vượt biển tàu của cô đã gặp hải tặc bạo hành, rồi khi đến vùng biển Mã Lai thì bị lính Mã Lai nhiều lần xua đuổi không cho vào. Khi chứng kiến những người đồng hành chết vì đói khát, cô không còn có ý chí muốn sống nữa. Một hôm cô lội ra biển, cô kể tiếp, mặt biển hôm đó thật là bình yên, chỉ gợn một tí sóng. Rồi cô cứ tiếp tục lội ra xa, ra xa, xa mãi... Cho đến một lúc cô nhìn xuống chỉ thấy một màu đen kịt, nhưng cô lại cảm thấy rất an bình. Lúc đó cô quyết định cứ đi mãi, đi mãi cho đến khi nào không còn đi được nữa thì thôi. Cô buông xuôi và không còn muốn sống nữa. Cô tự tử. Cô kể tiếp trong tiếng nấc rằng thật là kỳ lạ, ngay lúc đó cô cảm thấy như nước biển động lên, rồi cô bị hất tung vào vùng nước cạn. Cô chỉ có thể kịp nhìn thấy 2 cánh của một con cá đuổi lớn. Nó biến mất. Cô lội vào bờ. Tỉnh lại. Cô nhận ra mình đã có hành động thật quá ngốc nghếch và từ đó cô bỏ ý định tự tử. Cô nghĩ mình còn nhiều cái được gởi gấm bởi cha mẹ và gia đình nên cô phải mạnh mẽ để sống. 

Một điều may mắn bất ngờ khác mà Ái Liên có được là vào năm 1980, lúc đến Ý trị bị bệnh, cô được hội kiến Đức Giáo Hoàng John Paul II. Nhạc sĩ Trần Chí Phúc đã đưa tấm hình cô Ái Liên chụp với Đức Giáo Hoàng lên cho mọi người xem. 

Người kể chuyện vượt biển khác trong đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân là anh Phan Trung Kiên. Kiên kể rằng vào ngày 3 tháng 7 năm 1981, gia đình anh gồm 5 cha con đã vượt biển tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ghe của anh được báo là đang có bão ngoài khơi, nhưng tất cả đều quyết chí tiếp tục ra đi. Kiên kể tiếp rằng sau khi đi khỏi Cù Lao Chàm khoảng 3 giờ, ghe bắt đầu lọt vào vùng ảnh hưởng bão Kelly từ khoảng 10 giờ sáng ngày 3 tháng 7 và phải liên tục cầm cự trên vùng biển sóng gió. Cơn bão lúc đó đang hoành hành trên biển và di chuyển về hướng đảo Hải Nam.

Đến khoảng 5 giờ chiều cùng ngày thì tất cả đều đuối sức và đành buông xuôi cho số phận. Mọi người đã dùng các can nhựa trống buộc vào tay dính liền nhau, để khi ghe chìm thì vẫn còn chút hy vọng được nổi lên một lúc và nếu có chết thì cũng được chết chung. Lúc đó Kiên vô cùng xúc động nghẹn ngào khi phải cột tay hai đứa em trai vào chung một can nhựa trống với mình và mọi người. Sau đó, mọi người chỉ còn biết cầu nguyện theo niềm tin của mình, kẻ niệm Phật, người cầu Chúa, ai ai cũng chỉ còn biết trông mong vào phép lạ mới có thể cứu được mình. Khi ấy, ba của Kiên và Kiên đều hết lòng khấn vái cầu nguyện đức Bồ Tát Quán Thế Âm cứu nạn. Và phép lạ hay kỳ tích (miracle) đã thực sự xuất hiện ngay sau đó, khi ghe tưởng như sắp chìm xuống giữa biển thì bỗng nhiên có chuyển động rất mạnh và một bóng đen ập tới dưới lòng ghe. Lúc đó Kiên vẫn còn đang tát nước và đã chạm tay vào lưng cá voi. Mọi người nhìn xuống biển mới thấy cá voi vừa xuất hiện. Những người lớn trên ghe vẫn còn nhớ rõ lúc đó nhìn thấy được hai con cá voi ở hai bên mạn ghe và phía trước ghe xuất hiện những con cá heo nhảy lượn và bơi trước như dẫn đường. Cá voi tiếp tục giúp giữ ghe đi an toàn trên sóng biển trong suốt một đêm và một ngày sau đó, cho đến khi sóng yên biển lặng hoàn toàn.

Khi 2 câu chuyện bi tráng được kể xong, mọi người trong hội trường bàng hoàng như vừa ra khỏi một cơn ác mộng kinh hoàng tưởng như đã biến mất, nhưng đêm nay nó chập chờn trở lại từ vùng sâu ký ức của những thuyền nhân!

Thân phận người vượt biển bấp bênh vô định và bi đát thê lương nhất là hình ảnh  xác người chìm sâu dưới biển cả trong lời nhạc phẩm Xác Em Nay Ở Phương Nào, thơ Ngọc Khôi, nhạc Trần Chí Phúc, được ca sĩ Hương Thơ trình bày 

“Xác em nay ở phương nào
Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương…
Có khi xác vượt trùng dương 
Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu 
Biển lớn cuốn em đi 
Biển lớn cuốn em đi 
Rồi xa, rồi xa, rồi xa mãi…”

Tâm khảm của những người được may mắn sống sót và ở lại tại các trại tị nạn ở Đông Nam Á thì cũng buồn mênh mang không kém. Như lời nhạc phẩm Leamsing Chiều Tị Nạn do Trần Chí Phúc phổ thơ của Thế Trân mà ca nhạc sĩ Ngọc Trọng đã trình bày:

“Leamsing chiều gió lộng 
Người thiếu phụ ngó mong
Nhìn Biển Đông xa tít 
Nơi mất con mất chồng
Leamsing buổi hoàng hôn
Gã đàn ông cô đơn 
Ngồi nhớ người vợ trẻ
Qua bể nay không còn
Leamsing em gái thơ 
Lãnh đạm và thờ ơ 
Hận vì quân hải tặc
Mặc cảm đời nhuốc nhơ 
Leamsing buồn mênh mang….”

Đêm kỷ niệm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân được chuyên chở bằng sự trình diễn 16 nhạc phẩm của các nhạc sĩ Trần Chí Phúc, Bình Phương, Thủy Lâm Sinh, và Mai Phi Long, qua sự trình bày của các ca sĩ Phượng Mai, Ngọc Trọng, Hương Thơ, Trần Chí Phúc, Mai Phi Long, Lâm Dung, Đoàn Cẩn, Ngọc Quỳnh, Ái Liên, Đồng Thảo, Minh Tâm, Huy Hoàng, Thanh Vũ, Lan Hương, Xuân Thanh, với phần nhạc đệm của Trần Chí Phúc (Guitar) và Phạm Tú (Guitar và Keyboard).

Kết thúc đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân là hợp ca nhạc phẩm Cờ Vàng Bay Trên Thành Phố Ta Lưu Vong của nhạc sĩ Trần Chí Phúc. 

Khi mọi người cùng cất cao tiếng hát thì không khí trầm lắng chìm sâu trong những câu chuyện của cuộc hành trình vượt biển đầy đau thương uất hận bổng tươi vui và rộn ràng hẳn lên, như lá cờ Vàng Ba Sọc Đỏ tung bay trong gió lộng của niềm tin vào chánh nghĩa tự do, dân chủ và nhân quyền cho dân tộc Việt Nam.

“Đây Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ 
như ba miền tổ quốc thân yêu 
Cờ theo anh vượt qua biển lớn 
cờ theo cha đến miền đất mới 
cờ tung bay trên những phố lưu vong xứ người
Cờ bay mang khát vọng dân chủ tự do 
Cờ bay bao khốn khó, gian nan lướt qua. 
Cờ bay trong đêm linh thiêng, 
cờ bay buổi sáng tinh mơ, 
anh ơi, em ơi, vinh quang giống dân Lạc Hồng…”

Chương trình nhạc đêm 40 Năm  Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân đã kết thúc trong tiếng vỗ tay và reo vang cả hội trường. 

Ban Tổ Chức đã cảm ơn các nhà bảo trợ, các cơ quan truyền thông, các văn nghệ sĩ và đồng hương đến tham dự và hỗ trợ cho đêm 40 Năm Quốc Tế Cứu Thuyền Nhân được thành công mỹ mãn.

Khi ra về nhiều người nói nhau  rằng hy vọng sẽ còn có những đêm hội ngộ của các thuyền nhân để ôn lại chuyện vượt biển và cảm ơn tấm lòng thế giới đã cứu thuyền nhân như đêm nay. 

Lời kể của Phan Trung Kiên về chiếc ghe anh và gia đình đi gặp bão và được 2 cá voi áp hai bên mạn thuyền đưa vào bở xin đọc ở đây: 
Kể chuyện vượt biên trong cơn bão Kelly và cá voi cứu nạn (với video trọn buổi)
https://vietbao.com/p126a296706/ke-chuyen-vuot-bien-trong-con-bao-kelly-va-ca-voi-cuu-nan 


Bài viết của Huỳnh Kim Quang
Hình của Phan Tấn Hải và Nguyễn Thanh Huy
  

No comments:

Post a Comment