Links

Friday, December 13, 2019

Tiếng Gà Gáy Nỗi Nhớ Quê Hương





Gà trong vườn tại một vùng đồng quê, miền Bắc nước Pháp. (Hình: Getty Images)
HUY PHƯƠNG
Giữa trưa nghe vọng tiếng gà,

Bỗng dưng nhớ quá quê nhà xa xôi.”

(Khiếu Long)


Maurice là tên một con gà trống đang sống trên một hòn đảo mang tên Oléron, ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Pháp. Maurice bị ra trước “vành móng ngựa” vì tội cất tiếng gáy mỗi buổi sáng, làm phiền đến một đôi vợ chồng già mới dọn đến nghỉ hưu ở đây, nên họ đã đâm đơn “thưa kiện.”

Corinne Fesseau, chủ của gà trống Maurice, đã trình bày tại phiên tòa rằng từ lâu nay, không một ai phàn nàn về tiếng gáy của con gà trên hòn đảo, trừ một đôi vợ chồng khó tính này. Nếu tòa ra phán quyết chống lại Maurice, chủ của con gà sẽ có 15 ngày để chuyển con gà trống đi nơi khác hoặc phải tìm cách làm cho nó im lặng.
Chủ nhân đã làm đủ mọi cách để cho Maurice ngưng tiếng gáy, nhưng làm sao để cho một con gà trống thôi gáy khi mặt trời bắt đầu ló dạng ở phương Đông được?
Để bảo vệ cho quyền được gáy của nhũng con gà trống, khoảng 140,000 người dân trên đảo Oleron đã ký vào đơn thỉnh nguyện “Cứu lấy Maurice.” Rồi, một phụ nữ ở khu chăn nuôi vịt tại Landes đã bị kiện ra tòa khi hàng xóm than phiền về tiếng vịt cạp cạp mỗi ngày. Kế hoạch “Ủng hộ vịt Hardy” sau đó cũng được đưa ra và nhận được khoảng 5,000 chữ ký ủng hộ quyền được kêu của vịt.
Những vụ kiện này không phải từ nông dân từ ngàn xưa đã lớn lên ở vùng nông thôn mà do những cư dân thành thị đến sinh sống nơi đây. Địa phương làm thế nào để bảo vệ những âm thanh đã có từ nghìn đời trước mà giờ đây bắt đầu bị than phiền bởi những cư dân nơi khác đến đây, như tiếng chuông nhà thờ, tiếng cừu, tiếng dê kêu và tiếng lục lạc của những đàn bò trên đường làng…
Chúng ta đã bao giờ sống ở nông thôn chưa, để buổi bình minh nghe tiếng gà gáy, tiếng chuông chùa buổi sáng, tiếng nghé ngọ của đàn trâu ra chuồng và cả tiếng ríu rít của đàn chim sẻ vừa sà xuống nhặt thóc trên sân. Ở những vùng núi Việt Bắc, qua những ngày lưu lạc, buổi sáng thức giấc, chúng tôi còn nghe được những tiếng chim kêu thánh thót trên cây vông bên ngọn suối ở đầu nhà. Cũng có khi chúng ta nghe được tiếng còi tàu, vẳng lại từ đâu đó, qua những dòng sông, những cánh rừng.
Ngày xưa trước năm 1975 ở trong Nam, khi nghe lời hát “trâu bò về giục mõ xa xôi, hỡi chiều!” trong nhạc khúc “Nương Chiều” của Phạm Duy, tôi cứ tưởng buổi chiều, người ta đánh mõ ra hiệu để lùa trâu bò về chuồng. Nhưng không, khi ra ở tù vùng Việt Bắc, tôi mới biết, để khỏi thất lạc, người ta cho trâu bò mang dưới cổ, những chiếc mõ nhỏ, khi di chuyển hoặc ăn cỏ,  cái đầu bò chuyển động, tạo nên những tiếng mõ nghe lốc cốc, đều đặn. Buổi chiều khi người ta lùa trâu bò về bản làng, trâu bò nhập bọn, tiếng kêu nghe lớn và đều đặn hơn.
Cho nên ở mỗi địa phương, mỗi vùng lại có những âm thanh khác hẳn nhau, như tiếng rao hàng rong, ở mỗi địa phương mỗi khác.
Ở thành phố Sài Gòn, buổi sáng chúng ta được nghe tiếng xích lô máy nổ dòn tan dưới đường, tiếng còi xe đâu đó. Ở những vùng ngoại ô, ban sáng, nhiều khi còn nghe được cả xe thổ mộ, với tiếng chân ngựa gõ trên đường, chở hoa tươi hay rau quả về thành phố. Mỗi ngày, trong xóm, chúng nghe tiếng rao hàng ngọt lịm như “sương sa, hột lựu” hay “nước dừa, đường cát,” tiếng chuông xe kem leng keng hay tiếng loảng xoảng của một xâu kim loại trong tay của một người mù tẩm quất!
Có một đêm nào, nơi lạ nhà, khó ngủ, bạn nghe không tiếng ru con của một bà mẹ bên nhà, tiếng ru não nuột, lời ru xót xa mang tâm sự của người ru, hơn là những tiếng dỗ dành cho đứa bé trong nôi.
Còn nhớ đến trang sách giáo khoa thư nói về những âm thanh của một đêm khó ngủ: “Ở dưới giường, con mọt nghiến gỗ kèn kẹt như người đưa võng. Ở đầu giường, cạnh cái tủ, chuột chạy sột sạt, bên cạnh mình, muỗi kêu vo ve. Thỉnh thoảng lại nghe tiếng con thằn lằn bắt muỗi. Con nắc nẻ bay xè xè bên vách.
Không những trong nhà, mà bên ngoài cũng có tiếng động. Cạnh nhà, gió thổi vào những tàu lá chuối, nghe như mưa; ngoài vườn, tiếng dế kêu ri rỉ. Trời mới mưa, các chỗ trũng đầy nước cả, nên cóc và ếch, nhái đều kêu inh ỏi. Xa xa thì nghe tiếng chó sủa trăng.”
Ưu thời, mẫn thế như nhà nho Nguyễn Khuyến, đêm khó ngủ, nghe tiếng: “Con trẻ u ơ chừng muốn dậy, ông già khúng khắng vẫn còn ho!” Nhớ nước, thương nòi như Trần Tế Xương: “Đêm nghe tiếng ếch bên tai, giật mình cứ tưởng tiếng ai gọi đò?”
Sau vụ thảm sát Mậu Thân năm 1968, khi trở về Huế, mỗi buổi tinh mơ, khi mặt trời chưa mọc, chừng bốn năm giờ sáng, trong vùng thành nội đổ nát, tôi đã luôn bị đánh thức tiếng chuông mõ và tiếng tụng kinh râm ran, khắp cùng từ những gia đình trong xóm. Không khí tang tóc bao trùm lên cả một thành phố oan khuất!
Bây giờ dù là ở đất khách, trên gác trọ, không còn được nghe tiếng pháo đón Xuân sang. Nơi này, có những đêm khó ngủ, có khi nửa khuya, gần thì nghe tiếng nước tự động tưới trong vườn, xa xa có tiếng còi của xe cấp cứu hay tiếng trực thăng ầm ì đâu đó trên bầu trời.
Bây giờ là thời đại mới, người ta có thể bực mình và có quyền khiếu nại vì một tiếng gà gáy hay tiếng một con chó sủa ban đêm, khi nghĩ tự do và an toàn của mình đang bị xâm phạm. Bây giờ là thời của những ngôi chùa không bao giờ có tiếng chuông chiều, chúng ta ít khi còn nghe được tiếng chim hót, trông thấy ánh đèn lập lòe của những xe phở về khuya, và những tiếng rao hàng từ đâu vẳng lại.
Nhưng trên tất cả âm thanh ngày cũ, tiếng gà gáy sáng hay chúng ta được nghe đâu đó vào một buổi trưa hè vắng lặng, như tác động đến tâm can, khơi lại cho chúng ta bao nhiêu nỗi nhớ.
Cả một đời đi xa lưu lạc quê hương, trưa nay lòng bỗng dưng bâng khuâng bởi một tiếng gà! (Huy Phương)


No comments:

Post a Comment