___________________
NGUYỄN NGỌC HOÀNG
Khoảng
gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra
sông Cần Thơ. Trời hanh nóng và đứng gió. Giấc ngủ trưa dài sau bữa ăn nhẹ, khiến
tôi tỉnh táo và phấn chấn hẳn lên. Hãy còn sớm, hai giờ nữa tôi mới có hẹn với
bà xã đi gặp gia đình người bạn thân thiết của bà ấy ở nhà hàng Hoa Sứ. Thời
gian đủ để tôi dạo chơi và ghé chợ Cần Thơ tìm mua một vài thứ đồ lưu niệm. Bà
xã thì trưa nay đã theo mấy đứa cháu gái đi “làm đẹp”: làm tóc gội đầu, móng
tay và cả massage. Nghe nói những loại dịch vụ này gần đây rất phổ biến và giá
cả rất phải chăng, các bà tha hồ mà chăm sóc mặt mày, tóc da… Vài cơn gió nhẹ
mang theo hơi nước từ dòng sông thổi dọc theo công viên thật dễ chịu. Bến Ninh
Kiều ngày nay thật khang trang và đẹp. Đi dọc mé sông, từ đây tôi có thể nhìn
thấy chiếc cầu treo Cần Thơ sừng sững, hiện đại. Phía trước khách sạn là nhà hàng
nổi và không xa là chiếc du thuyền nhà hàng lộng lẫy về đêm. Du khách vừa ăn tối
vừa dạo cảnh quanh sông và có cả chương trình văn nghệ thật đặc sắc của miền Tây
sông nước. Bến nước Ninh Kiều còn có một đội ngũ đò máy cho khách du lịch thăm
viếng chợ nổi Cái Răng, những khu sinh thái nhà vườn và các cù lao, cồn vùng
lân cận... Trong tiếng động của nhịp sống chung quanh tôi thấy thật gần gũi,
quen thuộc nhưng cũng có chút gì đó ngập ngừng, bỡ ngỡ. Trên đường ồn ào xe
máy, dưới sông rộn ràng ghe đò tạo khu công viên bến Ninh Kiều mang hình ảnh đặc
trưng của một thành phố đô thị miền Tây.
Loáng thoáng đã gần bốn
mươi năm, tôi trở lại nơi này. Trưa ngày mùng bốn Tết năm 1978 là lần đầu tiên
tôi ghé Tây đô. Mùi hương khói tỏa, màu vàng của những chậu cúc và mai vàng vẫn
còn cùng khắp những con đường. Bến đò Ninh Kiều thưa thớt, trống vắng vào mấy
ngày mùng. Không khí Tết tuy trầm mặc nhưng vẫn phảng phất đâu đó cuộc sống đời
thường đang trỗi dậy chung quanh. Tôi tìm đến bến đò đi về thị xã Vị Thanh, để
gặp người anh thứ Ba của nàng. Như đúng lời hẹn ước, anh ấy đón tôi xuôi dòng
kinh xáng Xà-No để gặp cô em gái mình trên mảnh đất mà họ đã cùng nhau lớn lên.
Khu gia binh ngày nào bây giờ đã giải tỏa chỉ
Hình ảnh bến Ninh Kiều ngày xưa
còn khoảng đất trống, lau sậy mọc hoang “giậu
đổ bìm leo”. Hai anh em K.H đưa tôi đi qua căn nhà bên dòng kinh xáng, mấy quán
cà-phê dọc theo hồ sen nằm giữa lòng thị xã, chợt ngậm ngùi tiếc nuối cho ngày
tháng thoáng trôi.
*** *** ***
-“Ông
anh đi xe ôm hông?... Tui lấy giá thiệt hữu nghị…”
Tiếng mời hỏi quanh
đây, kéo tôi trở về thực tại. Tôi quay lại, người đàn ông khắc khổ đội chiếc
nón vải, cười nhe cả hàng răng cái mất cái còn. Tôi chưa kịp lắc đầu từ chối,
người đàn ông nói vội:
-“Cả
ngày ế ẩm… ông anh đi một cuốc giúp tui nghen”.
Thật là khó đoán tuổi
của người chạy xe ôm. Không trẻ hơn và cũng không quá già hơn tuổi tôi, dù trên
khuôn mặt anh in hằn nhiều vết nắng gió bụi đường. Mấy món đồ lưu niệm để chập
tối hoặc mai mua cũng còn kịp. Nhưng nhớ lời “căn dặn” nhiều lần của bà xã, “đi
đâu phải bằng taxi, nhất định không được đi xe ôm. Rất nguy hiểm”. Nếu biết tôi
liều mạng, không “nghe lời” chắc chắn là bà ấy sẽ giam lỏng tôi suốt chuyến đi
còn lại. Nhìn ánh mắt, khuôn mặt người đàn ông chạy xe ôm, lòng tôi lại thương
cảm. Thôi đành dối vợ lần này, nhưng bây giờ thì tôi chưa biết phải đi đâu? Tôi
ngập ngừng, nói thật:
-“Muốn
đi giúp anh… Nhưng thiệt tình tui hổng biết đi đâu?”
-“À…
nhìn là biết ông anh là khách du lịch. Để tui chở ông anh đi vòng quanh Cần Thơ
cho biết. Tui lấy rẻ 110 thôi”.
Mắc
hay rẻ tôi nào biết, chỉ gật đầu cười. Thoáng ánh vui mừng trong mắt, anh đưa
tôi chiếc mũ bảo hiểm. Cũng như anh, chiếc xe không mới cũng không cũ. Người và
xe cứ như hai đôi bạn dạn dày mưa nắng của thời gian.
-“Tui
chở ông anh đi đại lộ Hòa Bình, qua tòa nhà ủy ban nhân dân tỉnh, công viên Lưu
Hữu Phước. Lòng vòng đường Lý Tự Trọng, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Đình Chiểu… rồi
mình qua khu dân cư Hưng Phú, nam đô thị mới của thành phố Cần Thơ… cho biết”.
-“Dạ…
Anh cứ chạy tới chỗ nào đẹp, nổi tiếng của Cần Thơ là được… Anh chạy xe ôm lâu
chưa dzậy? Vợ con, gia đình anh ở đâu?”. Tôi bắt chuyện, khi chiếc xe ôm rời khỏi
bến Ninh Kiều.
-“Chạy
xe ôm cũng tầm 10 năm rồi ông anh. Nhà cửa tui ở bên kia Xóm Chài. Hai vợ chồng
tui có ba đứa, hai gái một trai. Tụi nó lớn hết rồi…”
Rồi anh chuyển qua giới
thiệu cảnh quang hai bên đường. Thành phố Cần Thơ như khoắc lên người chiếc áo
mới, vừa lộng lẫy lại vừa vừa lem nhem đến lạ lùng. Những con đường chen chúc
con người, xe cộ ngột ngạt mà hầu hết là thế hệ trẻ, dưới tuổi bốn mươi. Chạy
lòng vòng một lúc, khi qua khỏi công viên Lưu Hữu Phước, hướng về ty bưu điện
thì trời đang nắng bỗng lất phất mưa. Anh hỏi tôi có cần áo mưa không, sẽ dừng
lại. Tôi nói không cần, nhưng cảm thấy chừng như anh run nhè nhẹ và sôi bụng.
Anh đang đói hoặc ăn quá ít bữa trưa? Nói anh ghé vào quán ăn nào đó dọc đường,
tôi làm như mình cũng đói và tìm chút gì lót dạ. Anh liền cho xe vào con đường
nhỏ (hình như là Ngô Văn Sở) có nhiều hàng quán dọc bên đường. Tôi mời anh vào ăn
chung cho vui, có bạn.
Một dĩa cơm thịt nướng
bì trứng và chén canh cải ngọt cho anh, tô bún nước lèo cho tôi. Lúc này thì
không còn e ngại nữa, anh ăn thật ngon lành. Tôi nhìn anh rõ hơn, ốm cao và ngoài
hàm răng chiếc còn chiếc mất, khuôn mặt anh rắn rỏi đường nét. Tóc nhiều cứng dợn
cao, đôi mắt sâu dù có mờ sương gió vẫn còn đó nét sáng rạng chập chùng. Tôi
nghĩ, lúc còn trẻ chắc chắn anh rất sáng sủa, đẹp trai.
-“Rồi
vợ con anh làm gì? Mấy cháu có gia đình con cái gì chưa anh?”
-“Vợ
tui trước làm phụ nấu cho nhà hàng, lương cũng khá lắm. Có lần qua phà vấp té,
bể xương hông chậu, nay bả đi đướng khó khăn nên nghỉ làm”!
Bên ngoài trời đổ cơn
mưa lớn… Anh xuất thân con nhà nghèo ở
Xóm Chài, năm lớp 10 phải nghỉ học đi làm phụ giúp gia đình. Gặp chị, vừa đẹp vừa là con gái nhà buôn bán
khá giả ở Phụng Hiệp. Hai người yêu nhau thắm thiết. Ba má chị ngăn cấm vì thấy
anh nghèo, không tương lai. Nhưng chị quyết tâm một lòng yêu thương anh, về làm
dâu Xóm Chài mặc cho gia đình quay lưng từ bỏ… Giọng anh kể ngập ngừng, khó nhọc.
-“Tui
làm mọi nghề, đụng đâu làm đó. Đến nay vẫn chưa lo cho bả được một lần ăn ngon
mặc đẹp. Nói thiệt với ông anh, nhiều khi tui hổng dám về nhà nhìn mặt vợ con”.
Tôi thấy đôi mắt anh
đượm buồn, sũng nước. Ly trà đá trong tay anh cũng run nhẹ. “Thấy tui làm quần
quật, bả đòi đi làm nhưng cả nhà đều cản. Sợ có chuyện lần nữa, tiền đâu lo thuốc
thang… Tháng trước bả nhận đan giỏ bện lục-bình tại nhà. Hổng bao nhiêu tiền
nhưng cũng đở tù túng tay chân…”, mắt anh Nhân (tên anh) dù buồn nhưng tràn ngập
yêu thương mỗi lần nhắc đến vợ. Không hiểu sao, tôi muốn được nắm tay và ôm anh
với lòng ngưỡng mộ. Có lẽ đã lâu lắm rồi tôi mới nhìn thấy được ánh mắt, được tấm
chân tình của tình yêu. Tình yêu thật đẹp và quý giá có thật, đang hiệu hữu trước
mặt tôi, của người chạy xe ôm ở bến Ninh Kiều.
-“Thằng
con trai lớn làm thợ hồ chánh công trường, lương hướng rất khá. Mấy năm trước bị
đá đè, gãy một chân mặt. May mà người ta thương, vẫn còn cho nó làm bảo vệ.
Lương ít ỏi nhưng vẫn hơn thất nghiệp nằm nhà”.
Sợ anh chạnh lòng nhiều
hơn, tôi hỏi lãng sang chuyện khác: “mỗi ngày chạy xe ôm anh kiếm được bao
nhiêu?”. “Thời taxi đầy đường, trừ xăng dầu tiền bến kiếm được sáu, bảy chục là
mừng. Nhằm bữa ế ẩm, chạy xe không còn lỗ cả tiền xăng…”, anh cho biết. Lúc trước
anh còn ráng chạy thêm ban đêm, nhưng mấy tháng trở lại đây hổng dám nữa vì nạn
cướp bóc hoành hành. Nhiều bạn chạy xe ôm ban đêm, mất tiền mất xe và đôi khi mất
cả luôn mạng. Rồi anh tâm sự tiếp về hoàn cảnh gia đình mình:
-“Đứa
con gái kế làm công nhân ở Bình Dương, đủ ăn đủ mặc. Lâu lâu cũng gửi dzề vợ chồng
tụi chút đỉnh. Còn con út tui thì lấy chồng xa… Được cái, mấy đứa nó thương vợ
chồng tui lắm…”
Bên ngoài trời cũng bớt
mưa, tôi hỏi anh thức ăn ở đây có ngon không? Anh cười, “cơm chỗ này là nhứt rồi”!
Tôi gọi thêm 3 phần cơm để anh mang về. Anh ngại ngùng từ chối, rồi cũng nhận với
lời lúng túng cám ơn.
-“Chắc
ông anh là Việt kiều phải hông?”
-“Hông…
tui là dân buôn bán trà ở Đà Lạt”, tôi đành phải nói dối anh cho qua chuyện. Điện
thoại di động của tôi rung liên hồi trong túi. Chắc bà xã đang gọi, gần năm giờ
rồi. Tôi nói anh Nhân chở tôi trở lại bến Ninh Kiều. Trên đường về anh trầm ngâm
và ít nói hơn. Sau cơn mưa không khí những đường phố Cần Thơ trở nên dễ chịu và
thơm mùi đất mới. Có lẽ cũng như tôi, anh đang cố sắp xếp lại câu chuyện anh và
tôi gặp gỡ, để về kể lại cho vợ con nghe. Rồi chừng như tôi cũng ngồi im lặng
phía sau không biết nói gì thêm. Chiếc xe ôm chạy rong ruổi trên những mặt đường,
còn tôi và anh đang bên nhau chạy mênh mông trên những mặt đời nghiệt ngã.
Hình ảnh bến Ninh Kiều
ngày nay
Tôi nhắc anh để tôi
xuống hơi xa khách sạn, phòng khi bà xã bất ngờ bắt gặp. “Ông anh cho bao nhiêu
cũng được… Hổng cần trả cũng hổng sao…”, anh nói lí nhí khi tôi đưa lại chiếc
mũ bảo hiểm. Tôi nhìn anh cười nhẹ, rồi móc túi quần gom hết món tiền bà xã đưa
tôi dằn túi nhét trọn vào tay anh, “anh Nhân nhớ lấy tiền mua cho chị nhà vài bộ
đồ mới cho đẹp nghen”! Anh nhìn tôi ngẩn người. Không để anh khó xữ, tôi định quay
đi, thì nghe anh nói nhanh:
-“Dạ, cảm ơn ông anh
thiệt nhiều. Nhưng chắc hổng dám lấy tiền mua quần áo đẹp cho bả được đâu..!”. Giọng
anh nghèn nghẹn, xót xa: “Đứa con gái
út, tui nói nó lấy chồng xa… Thiệt ra nó đi lấy chồng Đài Loan, rồi chết vì tai
nạn giao thông bên đó. Vợ chồng tui phải chắt mót dành dụm, để trả nợ số tiền
mang hài cốt nó về nhà mấy tháng trước…”
Tôi khựng người, chợt
nghe trái tim mình như đang bị ai bóp nghẹn. Không dám quay lại nhìn anh, tôi cố
bước chân đi thẳng và thấy lòa nhòa công viên màu nắng tắt. Số phận đời người
sao cứ như cơn gió thoảng vô tình...
Rồi anh sẽ qua chiếc
phà về bên kia Xóm Chài, với cuộc đời mỏi mòn còn lại. Rồi tôi sẽ trở về bên
kia xứ lạ, một đời đầy vơi kiếp sống tha hương. Anh có thể quên tôi, một người
khách trên chuyến xe ôm giữa muôn vàn dòng người tất bật. Nhưng chắc chắn tôi sẽ
không thể quên anh, chuyến xe chở cả một trái tim sâu thẳm, một cuộc đời có thật
của người đàn ông chạy xe ôm ở bến Ninh Kiều. Buổi chiều như một nốt nhạc trầm
buồn, chảy vàng vọt trên dòng sông quê hương tôi muôn thuở…
Durham, North Carolina
Nguyễn Ngọc Hoàng
Dạ xin hỏi bài này là phóng tác hay truyện thật..
ReplyDelete