Links

Wednesday, February 5, 2020

Đem Theo Bài Vọng Cổ




________________

TRẦN BANG THẠCH

Image result for tết tha hương


Gần cuối năm 1980 trong cái lạnh cắt da, gia đình chúng tôi vừa chân ướt chân ráo rời trại tị nạn Bataan, tỉnh Morong, xứ Philippines đặt chân đến thành phố Houston, xứ cao bồi Texas. Chỗ ăn ở chưa yên thì nói chi đến cái tâm lý an bần lạc đạo. Âu lo và nhớ nhà vô kể. Cái Tết Âm Lịch lại sắp đến, càng thấy nhớ đủ mọi điều. Bây giờ không nhớ năm ấy là năm con Tí hay con Sữu, hay con gì; chỉ nhớ mình là con chim ly xứ, một loại thiên di đi trốn lạnh.
Image result for tình anh bán chiếu


Quê nhà vùng nhiệt đới thì dĩ nhiên không lạnh, nhưng 5 năm ở lại làm mình lạnh cẳng, lạnh chưn giữa cái oi bức của những ngày ngột ngạt dưới một chế độ đỏ như than hồng. Tết đầu tiên năm ấy trên xứ người, trong cái tâm trạng u ẩn buồn lo cho số phần và cho những ngày sắp tới, tôi đã nghe “Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra…chào. Cửa vườn cô đã khóa kín tự hôm nào. Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm rẫy, chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi…” tại một buổi họp mặt tất niên của một hội đồng hương tại thành phố mới Houston. Bài hát là bài ca vọng cổ Tình anh bán chiếu của soạn giả Viễn Châu. Người hát là một anh bạn độ ấy chắc chỉ tròm trèm ba mươi. Giọng ca thật truyền cảm, ngọt ngào. Thật “mùi”! Có thể nói niềm thích thú đầu tiên của tôi trên xứ Mỹ nầy là được nghe lại bài ca vọng cổ hôm ấy. Tôi đã vừa sững sốt, ngỡ ngàng, vừa ngạc nhiên thích thú như người đi trên mây. Tiếng hát không có đờn, nhưng cần gì, âm thanh bổng trầm đã xoắn vào từng lời, từng tiếng và trong từng hơi thở của ca sĩ. Và cả trong từng mạch máu, từng nhịp tim thổn thức của người nghe. Cái Hồn Cố Thổ có phải là đây? Có phải là đây những gì tôi vừa bỏ lại? Có phải là đây khóm tre mái lá, là cây cầu khỉ đong đưa của một xóm thôn nhỏ xíu nằm trên hai bờ rạch Bà Vèn của nhánh sông Cái Răng tuổi nhỏ? Ngả Bảy, Phụng Hiệp tôi đã từng nhiều lần đi ngang qua. Thuở ấy sao tôi đâu có chú ý, và đâu có thấy yêu mến như bây giờ. Kể cả cái anh bán chiếu cục mịch tình si, lúc ở quê nhà tôi cũng mặc kệ để anh tự do si tình. Sao bây giờ tôi thấy thương cảm cho anh quá vậy? Tưởng đã bỏ cây cầu Phụng Hiệp cho con kinh Ngả Bảy, tưởng đã bỏ anh chàng si tình cho chiếc chiếu miệt Cà Mau. Kỳ diệu thay, hôm ấy tất cả đã theo tôi, anh bán chiếu và cây cầu Phụng Hiệp đã vượt đại dương bằng mấy câu vọng cổ của quê mình nghèo khó. Người ca sĩ tài tử ấy nào tôi có quen khi ở quê nhà, cớ sao tôi dễ dàng đặt cảm tình của mình lên giọng hát ngọt như mía lùi của anh vậy?




Sau nầy tôi có nhiều dịp nghe anh hát tại những nơi họp đồng hương hay những sinh hoạt văn hóa. Bao giờ cũng là 6 câu vọng cổ. Nhiều khi không đờn, không máy vi âm, không ánh đèn màu. Nhưng bao giờ cũng “mùi”. Bao giờ tiếng vỗ tay cũng đầy hội trường. Nếu bây giờ có Giải Thanh Tâm Hải Ngoại, nhiều người sẽ đề nghị tên anh.

Tuổi nhỏ của tôi là những trưa, những chiều treo lơ lững trên nhánh sầu riêng, măng cụt của vườn nhà với những điệu Xàng Xê, Thủ Phong Nguyệt, Đão Ngủ Cung, Hướng Mã Hồi Thành, Bình Bán Vắn…bắt chước từ những tập bài ca 50 xu mỏng dánh, nhỏ như bàn tay, hình bìa lòe loẹt. Đặc biệt là 6 câu vọng cổ nhịp 16 thằng bé miệt vườn 10 tuổi là tôi cũng ca mùi rệu như ai để rót vào tai nhỏ bạn kẹp tóc kế nhà. Biết nhỏ mít ướt, thằng bé cứ Mã Chiếm Sơn, Sầu Vương Biên Ải, Tôn Tẩn Giả Điên, Đời Cô Lựu… mà gân cổ ca cho kẹp tóc chảy nước mắt chơi. “Úy trời đất ơi! Nỗi đoạn…trường…Cũng vì quá tin thằng Bàng Quyên là bạn thiết của tôi…”. Thằng bé cứ ử ư, còn con bé thì cứ sụt sùi làm ướt tay áo bà ba. Rồi lớn lên làm sinh viên Sài Thành, học đòi văn minh, bỏ rớt văn minh miệt vườn bên kia bờ sông Bassac, và tự nhiên bỏ quên cổ nhạc, chỉ thích nghe The Beattles hay Elvis Presley, Sylvie Vartan… Chỉ ghé Arc-En-Ciel nghe Joe Marcel, Mary Linh, Bích Chiêu... chớ nào có để mắt tới rạp Hưng Đạo xéo bên kia đường Trần Hưng Đạo với Thanh Nga, Ngọc Giàu, Thành Được.

Anh bạn làm rung động mãnh tim ly xứ của tôi vào cái tết con Thiên Di trốn “lạnh” năm ấy văn minh hơn chàng sinh viên Sài Thành năm xưa của tôi nhiều. Văn minh như vậy mà anh nào có quên bài ca vọng cổ! Tôi chỉ cách quê nhà một con sông nhỏ mà đã quên hết những cống, xự, xang, líu, hò. Có lúc trước mặt người đẹp trường Marie Curie còn làm bộ quên ai đã chặt chưn Tôn Tẩn! Còn anh thì cách quê hương cả một đại dương, xung quanh anh đầy những tóc vàng, tóc bạch kim, tóc đỏ.  Anh đi du học Hoa Kỳ trước 1975 và trở lại Hoa Kỳ ngay sau khi miền Nam đổi chủ. Ngoài cuộc sống nhiều năm trong cái văn minh tột đỉnh của nước ngoài, anh còn có học vị tiến sĩ trong ngành Hóa Học, đã từng giảng dạy tại Trung Tâm Kỹ Thuật Phú Thọ thuộc Viện Đại Học Sài Gòn; từ sau 1975 là chuyên viên cao cấp của City of Houston điều hành kỹ thuật hệ thống lọc nước dày như mạng nhện cho toàn vùng Houston với 2,144,491 dân theo thống kê vào cuối năm 2006.

Trước đây tại quê nhà người ta coi cổ nhạc được rộng rãi phổ biến và được ưa thích nhiều trong giới bình dân. Giới học thức lắm khi còn có cái nhìn thiếu trân trọng ngành cổ nhạc. Xưa nữa người ta còn có câu “Xướng ca vô loại”. Cái khó bước đầu là người có ăn học như anh đã chịu làm quen với những bài ca vọng cổ, rồi lần lần “thấm” mùi vọng cổ, thương yêu vọng cổ, say mê vọng cổ. Đến cái khó kế tiếp là đem vọng cổ đi theo mình suốt đời, đem khắp nơi, khắp chốn, nhứt là tại Hoa Kỳ. Chỗ nào có anh là có Tình Anh Bán Chiếu, có Thầy Tử Lộ Đội Gạo Nuôi Mẹ, có Bên Cầu Dệt Lụa, Lòng Mẹ…. Ba mươi mấy năm nay tiếng ca vọng cổ của anh đã bay khắp Houston và chắc cũng đã bay xa hơn nữa. Người trung niên năm ấy và người đang chớm lão niên bây giờ nào có khác gì đâu: Tình quê hương anh vẫn đeo mang trên người và vẫn ấp ủ trong lòng anh bài ca vọng cổ. Cái khó tột đỉnh là ý hướng đem tình quê hương vào lòng mọi người xa quê, nhứt là giới trẻ qua bộ môn cổ nhạc. Cho nên ngoài những nơi họp mặt công cộng, người ta còn nghe anh cùng các bạn trên làn sóng phát thanh hàng tuần. Các anh, các chị hát và mời thính giả nghe đài cùng hát. Hát hay, dở như thế nào cũng được. Hát hay không bằng hay hát. Có vọng cổ là có hơi hướm của quê hương, có hồn dân tộc, có tình quê, tình nước. Nghe những em bé năm bảy tuổi, nói tiếng Việt chưa thông mà xuống vọng cổ thì cũng như nghe giòng suối ngọt quê hương đang chảy êm đềm trong những con tim tuổi nhỏ. Có em còn độc tấu năm nam, sáu bắc bằng đàn độc huyền. Có em ngọng nghệu: “Từ là từ phu tướng. Bửu kiếm sắc phong lên đàng. Vào ra luống trông tình chàng. Đêm năm canh mơ màng. …”

Đẹp quá những con chim non soải cánh bay trong hồn dân tộc!


Năm nay tóc anh đã bạc nhiều, gánh càn khôn trên vai anh chứa đầy những cung thương, cung oán nghe chừng đã nặng. Nhưng bước đường anh đi hình như vẫn xanh màu lá cỏ.
Trân trọng cảm ơn anh, Giải Thanh Tâm Trọn Đời. Thân ái chúc anh thượng lộ bình an trên hành trình trở về vùng đồng cỏ quê nhà trên chiếc xuồng ba lá và trong tiếng nhạc ngũ cung trầm bổng.

Trần Bang Thạch
Tháng 3-2008


1 comment:

  1. Bài thơ "Sáu Câu" của tác giả Cao Vị Khanh do huynh TBT gởi đến, sư huynh còn bonus thêm bài "Đem theo bài vọng cổ" thiệt là cám ơn hết sức đó nghe sư huynh
    Bài vọng cổ Tình anh bán chiếu có một anh học trò Kiên giang hát cũng mùi tận mạng không thua gì Út Trà Ôn thuở nào, muốn nghe thử mời Sư huynh bấm vào mục Lebal với tên Lý Hữu Di ...
    mời huynh nghe thử coi có phê không?

    ReplyDelete