Links

Wednesday, April 1, 2020

Quận Cam 'vắng như Sài Gòn tháng 4/1975' vì dịch Covid-19


______________

Theo VOA

What $625,000 buys right now in three Orange County cities - Los ...
California, tiểu bang đông dân nhất và cũng là một trong những tiểu bang giàu có nhất nước Mỹ, hiện giờ rất vắng vẻ vì lệnh ‘trú ẩn tại chỗ’ mà Thống đốc đưa ra để tránh lây lan dịch bệnh Covid-19, một số người Việt ở tiểu bang này nói với VOA.
Trước đà lây lan mạnh của virus corona chủng mới, cách nay đúng một tuần, Thống đốc bang California, ông Gavin Newsom, đã yêu cầu gần 40 triệu dân của bang ở trong nhà và chỉ đi ra ngoài nếu có nhu cầu cấp thiết.
Cho đến nay, California vẫn là một trong những tiểu bang bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ bởi dịch Covid-19. Tính tới ngày 26/3, tiểu bang này đã có trên 3.200 ca nhiễm và gần 70 người chết.


‘Cuộc sống xáo trộn’

Từ vùng Sài Gòn nhỏ thuộc Quận Cam ở miền Nam California, nơi được mệnh danh là ‘thủ đô người Việt tị nạn’, ông Phạm Công, 65 tuổi, chủ một tiệm chụp hình, nói với VOA rằng ‘tất cả cuộc sống ở đây đều bị xáo trộn’.
Ông cho biết sau khi có lệnh ‘trú ẩn tại chỗ’, ông đã đóng cửa tiệm và ở trong nhà. Ông nói nhiều khi ông muốn ra cửa tiệm ‘cho đỡ buồn’ nhưng ông lại ‘sợ gặp phải khách hàng không ý thức đến bắt tay’.
Ngoài lệnh trú ẩn trong nhà, chính quyền bang còn yêu cầu người dân ‘giữ khoảng cách xã hội’ với nhau ít nhất là 6 feet, tức khoảng 2 mét.
“Bây giờ tôi và bạn bè chỉ gọi điện cho nhau,” ông Công nói và cho biết đường sá ở khu Sài Gòn nhỏ ‘giờ rất vắng vẻ’.
Ông Công, vốn qua Mỹ định cư được gần 30 năm, nói ông ‘chưa từng chứng kiến cảnh này’.
“Những ai sống ở Sài Gòn trước năm 1975 vào những ngày tháng 4 sẽ thấy vắng vẻ như vậy,” ông so sánh. “Ở Sài Gòn lúc đó khi quân cộng sản lấn tới, dân bỏ chạy thì cũng hoang vắng y như vầy.”
Hiện giờ, các cơ sở tôn giáo như chùa chiền, nhà thờ, thánh thất của người Việt đã nhận được lệnh của chính quyền không cho tụ tập đông người nếu không sẽ bị phạt, ông nói.
“Sinh hoạt của hội đoàn cũng đã giảm lại rồi. Tôi có mấy cái hẹn của hội đoàn đi sinh hoạt kỷ niệm ngày 30/4 bây giờ phải bỏ hết,” ông nói thêm.
Theo lời ông thì đám cưới, đám tang ở Quận Cam ‘giờ là khổ nhất’.
“Đám cưới (phát thiệp mời hết từ trước) bây giờ đâu có ai đi nữa nên phải hủy,” ông nói nhưng cho biết các nhà hàng ‘cũng thông cảm’ nên cũng không tính tiền khách hàng dù bị thiệt hại.
“Còn đám tang, tôi có người bạn qua đời. Đưa đến nhà quàn họ bảo không nhận nữa mà phải chờ đến mấy tháng sau lúc dịch bệnh hết thì mới cho đến phúng viếng. Họ dùng phương pháp nào đó chẳng hạn như chích thuốc (để bảo quản thi hài),” ông Công kể.
“Còn nếu gia đình muốn tổ chức tang lễ thì chỉ cho phép thân nhân đến thôi. Lúc đó chỉ có mấy anh nhà quàn đưa quan tài đi chôn cất và có sự tham gia của các lãnh đạo tôn giáo thôi,” ông nói thêm.
“Cho nên rất là thiệt thòi cho những ai chết trong lúc này như ca sỹ Thái Thanh hay tướng Lê Minh Đảo.”

‘Cần bắt đeo khẩu trang’

Tuy nhiên, ông cho biết mặc dù khu Phước Lộc Thọ, khu thương xá nổi tiếng của người Việt ở quận Cam, đã đóng cửa, nhưng ‘vẫn có những người Việt đến tụ tập xung quanh bên ngoài uống cà phê, nói chuyện, đem đồ ăn ra ăn’.
Điều làm ông bức xúc nhất trong những ngày này là ‘vẫn có người không đeo khẩu trang’, ông nói và gọi những người này là ‘liều mạng’.
“Những người lớn tuổi như chúng tôi đều đeo khẩu trang khi đi ra ngoài, nhưng có những em người Việt trong độ tuổi 20-30 đến nhà hàng mua đồ ăn đem về mà không đeo khẩu trang.”
Theo lời ông kể lại thì trên bãi biển Huntington, nơi tụ tập vui chơi ưa thích của người dân địa phương vốn cách không xa nhà ông, có người đeo khẩu trang ra thì bị người Mỹ da trắng nói là ‘anh bệnh thì đi về đi chứ đừng ra chỗ này’.
“Trừ khi có lệnh bắt buộc phải đeo thì 100% người dân mới đeo.”
Ông cũng than phiền việc người Mỹ tụ tập đông đúc ở bãi biển Huntington dù đã có lệnh ‘trú ẩn trong nhà’.
“Người Mỹ tôi không hiểu họ không thấy sợ chết hay sao, trong khi đài báo cập nhật số người chết hàng ngày ở các tiểu bang, trong nước và quốc tế mà họ vẫn nhởn nhơ lắm,” ông nói và cho biết hiện giờ cảnh sát đã tăng cường phạt những người đậu xe ở gần bãi biển này.
“Tùy vào ý thức của người dân chứ không có lệnh nào yêu cầu cảnh sát phạt tiền đối với người nào đó đi ra đường hết. Ngay thời điểm này vẫn còn người ra đường sinh hoạt,” ông cho biết thêm.

‘Không thể phong tỏa’

Về tình hình nhu yếu phẩm, ông cho biết ‘mì gói hay những thứ cấp bách ăn hàng ngày như trứng bị thiếu hụt’.
“Người dân kéo đến các chợ mua hàng nhu yếu phẩm để tích trữ vì biết đâu tình hình sẽ kéo dài,” ông nói. “Lúc trước họ cho mua nhiều nhưng bây giờ đã áp đặt hạn mức chỉ cho phép mỗi người mua một số lượng nhất định.”
Ông nói bây giờ chủ đề chính trong cộng đồng người Việt khi nói chuyện với nhau là cập nhật tin tức số người nhiễm, người chết vì dịch bệnh. Tuy nhiên, ông nói ‘cũng không nhiều người hoảng sợ’.
“Cái này không phải dí súng vào đầu bắn chết ngay. Chúng ta không biết nó đến vào lúc nào, mình chết vào lúc nào,” ông giải thích. “Thôi thì cố gắng ở nhà làm này làm kia cho đỡ buồn chán, hay là cầu nguyện.”
Khi được hỏi trước tình trạng có người không tuân thủ khuyến cáo thì liệu có nên áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn không, ông nói: “Ở xứ sở tự do chỉ khi nào khẩn cấp lắm mới có chế tài.”
Do đó, ông nói rằng chính quyền ‘không thể áp dụng lệnh phong tỏa như ở Vũ Hán’ để chống dịch.
Tuy nhiên, ông cho rằng riêng vấn đề khẩu trang, chính quyền tiểu bang ‘nên có lệnh buộc người dân đeo’.
Ông nói ông có tiền tiết kiệm để trụ trong mùa dịch khi không có thu nhập và cho biết người chủ đất nơi ông thuê cửa tiệm ‘có thể sẽ có thông cảm về tiền thuê nhà’. Đồng thời, ông hy vọng Quốc hội sớm thông qua gói cứu trợ để giúp đỡ những người làm ăn nhỏ như ông sống được.

‘Hụt hẫng’

Cách Quận Cam hai tiếng lái xe, ở thành phố San Diego ở phía nam tiểu bang California, ông Chỉnh Nguyễn, 63 tuổi, cho biết trong vòng một tuần lễ vừa qua ông ‘ít khi bước ra khỏi cửa’.
“Tôi chỉ ở trong nhà thôi nên phải có sự chuẩn bị lương thực vì đi ra ngoài ăn uống sẽ khó khăn,” ông nói và cho biết ông đã dự trữ thức ăn ‘đủ cho 2 tuần’.
“Nếu ăn hết mà ở ngoài yên thì đi chợ mua tiếp. Còn nếu không thì nhờ đứa con gái hiện vẫn đi làm đi chợ giùm,” ông nói. Con gái ông hiện làm việc tại một nhà thuốc, một trong những cơ sở thiết yếu vẫn phải mở cửa hoạt động bên cạnh cây xăng, siêu thị và nhà băng.
Cũng giống như ở Quận Cam, ông nói ở San Diego những ngày này ‘ngoài đường vắng vẻ, chỉ rải rác có vài chiếc xe thôi’.
Tuy nhiên, vốn là một thành phố du lịch biển nổi tiếng, ông Chỉnh cho biết cuối tuần rồi ‘mọi người ra bãi biển tụ tập đông quá nên bây giờ họ cấm luôn’.
“Bây giờ cảnh sát ra phạt không cho người đi xe tới mà chỉ cho người đi bộ ra,” ông nói.
Ông Chỉnh làm việc cho một nhà hàng Việt Nam. Ông cho biết những ngày này ông phải nghỉ làm do nhà hàng chỉ còn phục vụ cho khách mua thức ăn mang về.
“Tôi cố gắng chịu đựng. Ăn uống ít lại hơn một tí. Chờ khi nào hết dịch bệnh đi làm lại thì mới có tiền,” ông nói.
Mặc dù đã trải qua những thời điểm khó khăn ở Việt Nam như Mùa hè đỏ lửa vào năm 1972, chiến cuộc 1975 và trận lụt ở Huế vào năm 2000, ông nói, nhưng dịch bệnh lần này xảy đến khiến ông ‘cảm thấy hụt hẫng’ vì ‘sau khi qua Mỹ định cư thì cuộc sống đã tương đối ổn định’.
Ông cho biết người con trai út của ông hiện đang làm việc ở bang Texas ‘thường xuyên gọi điện về hỏi thăm ba mẹ’ vì lo lắng tình hình dịch bệnh ở California.
Tuy nhiên, ông cho biết hai vợ chồng ông sẽ ‘không qua Texas tránh dịch vào lúc này’ vì ‘đi lại bằng máy bay rất rủi ro hai vợ chồng tôi không muốn đi đâu’.

2 comments:

  1. Không phái riêng người VN, mà tôi chưa bao giờ thấy người Mỹ thiếu kỹ luật như vậy. Ha ha Cali chưa là NY

    ReplyDelete
  2. Xin lối lại viết trật chính tả
    Tôi chỉ cầu mong bà con "mít" mình tại qua nạn khỏi
    LDCT

    ReplyDelete