Links

Sunday, July 19, 2020

Phan Nhật Nam – Hè vẫn còn đỏ lửa


_________________________
Nguồn Sáng Tạo

ĐỖ TRƯỜNG
Nhà Văn Phan Nhật Nam

Nếu buộc phải chọn hai gương mặt tiểu biểu nhất cho thơ văn chiến tranh của nền Văn học miền Nam, thì có lẽ, tôi nghĩ ngay đến nhà thơ Tô Thùy Yên và nhà văn Phan Nhật Nam. Tuy khác nhau về hoàn cảnh, xuất thân, song hai bác này có những nét khá tương đồng, kể từ khi mặc áo lính, cho đến những năm tháng tù đày (dài lê thê) sau chiến tranh. Nhìn lại văn học sử Việt Nam có ba người lính cầm bút tài năng: Cao Xuân Huy, Nguyễn Bắc Sơn, và Phan Nhật Nam đều có người cha ở bên kia của chiến tuyến. Tuy nhiên, cũng như Cao Xuân Huy, nhà văn Phan Nhật Nam đã phân định trách nhiệm rạch ròi của người lính, không hề có sự mâu thuẫn nội tâm, do dự trên đầu súng và cây viết như Nguyễn Bắc Sơn. Có thể nói, nếu không có cuộc chiến này, thì chưa chắc chúng ta đã có một Phan Nhật Nam nhà văn của ngày hôm nay. Thật vậy, chính chiến trường đạn bom, khói lửa, chết chóc và tù đày đã đưa ông đến với những trang văn. Và chỉ có đối diện với những trang giấy, Phan Nhật Nam mới giải tỏa được tâm lý cũng như cứu rỗi linh hồn người lính trận. Món nợ với đồng đội với đất nước, cùng cái trớ trêu của cuộc chiến này, ngay từ những ngày đầu cầm bút cho đến nay luôn ám ảnh và xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của Phan Nhật Nam. Do vậy, nếu đọc một cách có hệ thống, ta có thể nhận thấy những đặc điểm nổi bật trong văn thơ, cũng như con người Phan Nhật Nam: Chiến tranh đưa đến tan vỡ tâm hồn, và lẽ sống của người lính. Sự tàn khốc của cuộc chiến ấy dưới ngòi bút sắc sảo của Phan Nhật Nam hiện lên một cách trung thực, sinh động. Và không chỉ trên chiến trường, mà trong tăm tối ngục tù cũng vậy, ta luôn thấy sự giải thoát. Thật vậy, lời dự báo, hay sự phản kháng là con đường giải thoát của ông đôi khi có tính tiêu cực, nhưng nó bật lên cái chí khí, tính nhân đạo cao cả. Chính bởi những đặc điểm này, đã làm nên tên tuổi nhà văn thật vạm vỡ Phan Nhật Nam.

Phan Nhật Nam sinh năm 1943, tại Thừa Thiên – Huế. Sau khi đậu tú tài, ông vào lính và tốt nghiệp Trường võ bị Đà Lạt năm 1963. Với mười bốn năm khoác áo lính, và 14 năm tù cải tạo sau 1975. Hiện ông sống và viết văn tại Cali- Hoa kỳ.


Tuy gian nan với khói lửa binh đao như vậy, nhưng có thể nói, Phan Nhật Nam viết đều, và khỏe, tập truyện nào của ông cũng hừng hực mang không khí, hơi thở của thời cuộc. Dấu Binh Lửa, Dọc Đường Số 1, Ải Trần Gian, Dựa Lưng Nỗi Chết, Mùa Hè Đỏ Lửa, Tù Binh và Hoà Bình được viết trước 1975 là những tác phẩm toàn bích, được nhiều người đọc, và yêu mến nhất. Với tôi, ở thể ký sự chiến trường này, không chỉ ở thời điểm đó, mà cả đến ngày nay, có lẽ chưa có tác giả, tác phẩm nào (kể cả hai phía) vượt qua được Phan Nhật Nam. Sau 1975 dù trong hoàn cảnh tù đày, hay khi đã định cư ở nước ngoài, bút lực của ông còn dồi dào và mãnh liệt lắm. Vẫn dòng chảy của mạch bút ký hàng loạt các tác phẩm mới được ra đời có tính chiêm nghiệm sâu sắc: Chuyện Cần Được Kể Lại, Đường Trường Xa Xăm, Đêm Tận Thất Thanh, Những Cột Trụ Chống Giữ Quê Hương, Mùa Đông Giữ Lửa, Chuyện Dọc Đường, Phận Người Vận Nước…
Thế nhưng, có một điều làm cho người quan tâm, nghiên cứu đến văn học nước nhà luôn phải trăn trở. Bởi, thời gian này, những tác phẩm trước đây của Phan Nhật Nam đã bị khai tử, và những tác phẩm mới này của ông cũng bị cấm (tiệt) ở trong nước. Người đọc ở nước ngoài rất ít, dẫn đến nhiều hạn chế và thiệt thòi cho độc giả, cũng như cho nền Văn học Việt Nam. Tuy vậy, nếu phải đưa ra một tác phẩm tiêu biểu nhất của Phan Nhật Nam, thì với tôi chắc chắn là bút ký: Dấu binh lửa. Một tác phẩm đầu tay, được in ấn và phát hành năm 1969. Có thể nói, ngoài tính chân thực, giá trị nghệ thuật, và nhân đạo, Dấu binh lửa (còn) như một liều thuốc làm thức tỉnh người đọc đang gà gật trước cuộc chiến tang thương nhất của dân tộc.
Nói bút ký, hồi ký là thể loại văn học mang tính chân thực. Song nếu không có sự sáng tạo mang tính nghệ thuật cao, với sự quan sát tỉ mỉ, cùng tài năng miêu tả cảnh vật, tâm lý nhân vật, sự kiện được thông qua lăng kính, tư tưởng của tác giả, thì tác phẩm đó sẽ khô và rời như cơm nguội vậy. Điều này đã được minh chứng qua những tác phẩm tuyên truyền nhạt phèo: Bất Khuất về Nguyễn Đức Thuận của Trần Đĩnh trước đây, và Hồi ký của Võ Nguyên giáp do Hữu Mai chấp bút gần đây. Tuy nhiên, đọc tùy bút, hồi ký của Phan Nhật Nam, ta thấy khác hoàn toàn. Bởi, người đọc không chỉ thấy tài năng, sự sáng tạo, mà dường như thể loại văn học này đã được ông nâng lên một nấc cao mới về cả giá trị nội dung lẫn hình thức nghệ thuật.
Chiến tranh – sự đổ vỡ tâm hồn, và lẽ sống
Cùng lớn lên vào giai đoạn (đầu) khốc liệt của cuộc chiến, không như nhà văn Trần Hoài Thư cầm súng mặc áo lính là nghĩa vụ bắt buộc, với Phan Nhật Nam đó là sự tự nguyện, trách nhiệm của tuổi trẻ. Sự vô tư trong sáng đã mở cho người lính Phan Nhật Nam những ước mơ với chân lý, hiện thực. Tôi không dám nghĩ đây là lý tưởng, song chắc chắn đó là tâm lý chung, không chỉ riêng của Phan Nhật Nam ở cái buổi đầu đời ấy: “Tôi đi lính năm mười tám tuổi … tôi tự động hăng hái, hãnh diện để trở thành một sinh viên sĩ quan với ý nghĩ đã chọn đúng cho mình hướng đi, một chỗ đứng dưới ánh mặt trời. Tôi có những rung động thật thành thực khi đi trong rừng thông, hương nhựa thông toả đặc cả một vùng đồi, sung sướng vì thấy đã đưa tuổi trẻ vào trong một thế giới có đủ mơ mộng và cứng rắn, một thế giới pha trộn những ước mơ lãng mạn hào hùng.” (Dấu binh lửa). Tuy nhiên, những ước mơ lãng mạng và hào hùng ấy của người sĩ quan trẻ Phan Nhật Nam đã bị dập tắt ngay từ những trận chiến đầu. Chiến tranh không những giết chết thể xác, mà còn giết chết nhân phẩm, lòng tin của con người. Với thi pháp tự sự, nỗi thất vọng ấy đã được Phan Nhật Nam trải lên trang sách. Đọc lên ai cũng phải chạnh lòng, chua xót. Truyện Người chết dưới chân Chúa (Dấu binh lửa) có những đoạn văn miêu tả cảm động, diễn biến tâm lý sâu sắc, và thấm đẫm tình người như vậy của ông. Và cái tính chân thực, hồn nhiên của người lính, khi đọc Dấu binh lửa cứ làm cho tôi vẩn vơ suy nghĩ đến tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh và tác phẩm Vô đề của Dương Thu Hương. Có lẽ, khi viết những tác phẩm này, Bảo Ninh cũng như Dương Thu Hương chưa được đọc Dấu binh lửa. Nếu đã đọc, tôi nghĩ hành động của những người lính thám kích đối với các nữ bộ đội có lẽ, sẽ khác đi nhiều lắm trên những trang văn của họ. Dù là tiểu thuyết, một thể loại được phép hư cấu. Và đoạn trích dưới đây gợi lên nỗi buồn thất vọng (ban đầu) của nhà văn, nhưng phần nào nó cũng làm sáng tỏ thêm nhân cách, và sự cảm thông của người lính:
… Chị không hiểu được lời nói của tôi, một người Việt Nam ở cùng trên một mảnh đất. Chị tưởng tôi thèm muốn thân xác và đòi hiếp dâm! Tội nghiệp cho tôi biết bao nhiêu, một tên sĩ quan hai mươi mốt tuổi làm sao có thể biết đời sống đầy máu lửa và đớn đau tủi hổ đến ngần này. Tôi đi lính chỉ với một ý nghĩ: Đi cho cùng quê hương và chấm dứt chiến tranh bằng cách góp mặt. Thê thảm biết bao nhiêu cho tôi với ngộ nhận tủi hổ này. Tôi muốn đưa tay lên gài những chiếc nút áo bật tung, muốn lau nước mắt trên mặt chị, nhưng chân tay cứng ngắc, hổ thẹn. Và chị nữa, người đàn bà quê thật tội nghiệp. Cảnh sống nào đã đưa chị vào cơn sợ hãi mê muội để dẫn dắt những ngón tay cởi tung hàng nút áo, sẵn sàng hiến thân cho một tên lính trẻ, tuổi chỉ bằng em út, trong khi nước mắt chan hòa trên khuôn mặt đôn hậu tràn kinh hãi.” (Dấu Binh Lửa).
Không chỉ giật mình, trước cái chết phơi thây giữa đồng của những du kích quân tuổi mới mười bốn, mười lăm, mà người lính trẻ Phan Nhật Nam còn đau xót, thẫn thờ và thất vọng trước cái chết quá bi thảm cô gái trẻ vô tội. Những cái chết này như ngọn roi quất vào hồn nhà văn, người lính vậy. Đi sâu vào đọc ta có thể thấy, Phan Nhật Nam là một trong những nhà văn có tài miêu tả, mượn cảnh vật thiên nhiên để bộc lộ tư tưởng, giãi bày cảm xúc của mình. Ta hãy đọc lại đoạn trích dưới đây để thấy rõ tâm trạng của nhà văn trước cái chết bi thảm của đồng loại, cũng như tài năng sử dụng hình ảnh so sánh ẩn dụ của Phan Nhật Nam:
Khi tôi bước ra đàng sau nhà thờ, qua khu nhà ở của những người chết, một chiếc áo tím chắc hẳn của cô gái còn phơi phới bay trong gió… Nhìn ra xa, xác cô gái nằm thẳng trên sàn gạch, nắng thật sáng rọi lên rực rỡ. Người tôi ai cắm một lưỡi dao oan nghiệt vào tim, thật buồn. Tôi loay hoay đốt một điếu thuốc. Cái chết qủa bi thảm, nhưng hình ảnh của cô gái nằm chết khi chiếc áo còn bay trong gió vang vang nơi trí não tôi như một tiếng kêu thê thảm không dứt âm” (Dấu binh lửa).
Bom đạn, khói lửa chiến trường chưa phải là điều đáng sợ, và nó không thể giết chết niềm tin, và lẽ sống của người lính trận. Nhưng chính cái khối ung nhọt ở nơi hậu phương kia mới giết chết linh hồn, và khát vọng của họ. Thật ra, vào thời điểm đó, không phải riêng Phan Nhật Nam đã nhận ra điều này, mà trên những trang văn của mình, Trần Hoài Thư cũng chọc thẳng vào cái khối ung nhọt này. Khi ông đã nhận ra, sự hy sinh cả một thế hệ để phục vụ cho những kẻ lãnh đạo không lương thiện, thiếu tài năng. Và hơn thế nữa, gần đây nhất bút ký Sau Cơn Binh Lửa của Trung tá, nhà văn Song Vũ cũng chỉ ra, những con sâu ở giới lãnh đạo thượng tầng, hay những ông vua tôn giáo này, góp phần không nhỏ dẫn đến sụp đổ của chế độ Việt Nam Cộng Hòa. Thật vậy, đây cũng là một trong những nguyên nhân chính làm sụp đổ tâm hồn, phá vỡ niềm tin dẫn đến sự chán chường cho người lính Phan Nhật Nam:
Chúng tôi rời Sài Gòn trong thở dài nhẹ nhõm, một tháng ở Thủ Đô đủ để tạo thành sụp đổ tan hoang trong lòng, đủ thấy rõ sự phản bội của hậu phương, một hậu phương lừa đảo trên máu và nước mắt của người lính. Một tháng đủ để chúng tôi hiểu ti tiện hèn mọn của loại lãnh tụ ngã tắt, những anh hùng đường phố, những ông vua biểu tình theo ngẫu hứng, vua tôn giáo đầy thù hận và dục vọng… Một tháng “vỡ mặt” lính non cũng như lính già. Chúng tôi bây giờ biết rõ: Máu và đời sống của mình đã đổ ra cho một xã hội lừa lọc.” (Dấu binh lửa)
Tôi không dám nói, sự đổ vỡ tâm hồn, lẽ sống của nhà văn Phan Nhật Nam là tâm trạng chung của những người lính trẻ lúc đó. Tuy nhiên, chiến tranh đã biến sự trong sáng, nhiệt huyết của một bộ phận giới trẻ trở nên hoài nghi và chán nản. Dù miền Nam khá cởi mở về suy nghĩ, và tư tưởng, nhưng trong lúc nước sôi lửa bỏng đó, viết thẳng tưng ra những điều này, quả thực phải nói đến dũng khí của nhà văn Phan Nhật Nam vậy.
Sự tàn khốc của chiến tranh, với nỗi ám ảnh của con người
Nếu ta đã đọc truyện ngắn, bút ký chiến trường của Trần Hoài Thư, hay Số Phận Con Người của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov, thì có lẽ giảm đi được nỗi ám ảnh, khi đọc bút ký, văn xuôi của Phan Nhật Nam. Bởi, sự chết chóc về thể xác, và linh hồn ấy qua bút pháp hiện thực, với những hình ảnh so sánh sinh động, sắc như lưỡi dao cứa vào lòng người đọc vậy. Phải nói, Phan Nhật Nam có cái nhìn, quan sát rất sâu sắc và tỉ mỉ, khi miêu tả, hay trần thuật. Và Những Ngày Gãy Vụn là một trong những bút ký như vậy của ông. Đây là những trang văn rùng rợn nhất mà tôi đã được đọc. Đoạn trích dưới đây một lần nữa sẽ chứng minh nghệ thuật, tài năng lồng tâm trạng của mình vào cảnh vật, thiên nhiên của Phan Nhật Nam. Và thi pháp, thủ thuật này đã xuyên suốt sự nghiệp sáng tạo của ông:
Thoạt đầu còn e ngại nhưng đến xác thứ tư thứ năm lớp thịt nhũn của xác chết tiếp xúc với bàn tay hóa thành quen. Đi từ nơi để xác trở vào rừng, tôi không dám nhìn vào hai bàn tay của mình, thịt da người chết đã phết một lớp dầy trên da tay. Hai giờ chiều, xác chết đã nhặt được hết, tôi chà tay xuống mặt đất như muốn bóc hẳn lớp da. Thèm điếu thuốc lá nhưng không dám đưa bàn tay lên môi …trời miền Nam bắt đầu vào mùa mưa, đất đỏ từ lối đi vào đến nơi chứa xác lầy lội tưởng như có pha máu người. Thân nhân người chết than khóc, lăn lộn trên lớp bùn non, áo sô trắng lấm đất đỏ như dấy máu. Hơi đất, hơi người sống, người chết, mùi hương đèn lẫn lộn ngây ngấy nồng nặc, choáng váng…
Nếu ta thấy cái tĩnh khi đọc truyện ngắn, bút ký của Phạm Tín Anh Ninh, thì ta sẽ tìm được cái động trong bút ký của Phan Nhật Nam. Thật vậy, với lối hành văn phóng khoáng, dứt khoát nhưng truyền cảm, cùng khẩu ngữ trong sáng đơn giản, đọc lên tưởng chừng như có lửa vậy. Nó không chỉ sáng rực lên trên trang sách Phan Nhật Nam, mà còn cháy trong lòng người đọc. Cho nên, đã cầm sách của ông lên, thì thật khó mà bỏ xuống, khi chưa đọc đến trang cuối cùng. Và đến với Mùa hè đỏ lửa thì chiến tranh, nỗi đau, sự tàn nhẫn đã đến tận cùng, vượt qua sức tưởng tượng của con người. Vẫn với thủ pháp hình ảnh so sánh, Phan Nhật Nam cho ta thấy rõ, chiến trận với những cái chết, xác người ở Quảng trị dài dằng dặc, rùng rợn, tàn nhẫn gấp bội lần so với lò sát sinh, giết người tập thể của phát xít ở Auschwitz. Thật vậy, đọc mùa hè đỏ lửa, tôi không rõ đây là nỗi kinh hãi hay bản cáo trạng của Phan Nhật Nam:
Làm được gì bây giờ? Bịt mũi, che mồm, nhưng tất cả vô ích, hơi chết đọng trên da, chui vào mũi, bám trên áo, hơi chết hít vào phổi trôi theo máu. Tôi đang đứng trong lòng của sự chết. Tránh làm sao được, ai có thể ra khỏi khối không khí của nơi sống? Những cảnh chết tập thể của người Do Thái ở các trại tập trung gây nên niềm bàng hoàng xúc động vì người chứng kiến thấy được “xác người,” xác chồng chồng lớp lớp có thứ tự, gọn ghẽ nguyên vẹn…  9 cây số đường chết của Quảng Trị không còn được quyền dùng danh từ “xác chết” nữa, vì đây chết tan nát, chết tung tóe, chết vỡ bùng…” (Mùa hè đỏ lửa)
Đọc Những Ngày Gãy Vụn được Phan Nhật Nam được viết sau thất bại đau đớn ở Đồng Xoài (1965), buộc tôi phải liên tưởng đến truyện ký Thế Hệ Chiến Tranh của Trần Hoài Thư. Ở cùng thời điểm, với hai mặt trận khác nhau, nhưng những người lính ấy có cùng chung một số phận. Bởi, họ phải thi hành mệnh lệnh của những người lãnh đạo quan liêu, và dốt nát. Cũng như Thế Hệ Chiến Tranh, đọc Những Ngày Gãy Vụn ngoài tính bi hài, ta còn thấy được tính cái tính quân kỷ của người lính giữa sự sống và cái chết, dù trong lòng tràn đầy mâu thuẫn, uất hận. Ta hãy đọc lại đoạn trích với ngôn ngữ, lời thoại mang đậm chất điện ảnh dưới đây để thấy rõ điều đó. Và đây cũng là một trong những đặc điểm tạo nên những câu văn sinh động trong văn xuôi Phan Nhật Nam:
Riêng chúng tôi ở đầu hàng quân đều nhận thấy rõ rằng: Địch đang dụ chúng tôi vào bẫy. Nhưng nhà binh là tuân lệnh, nguyên lý cứng nhắc đó không đủ để dẹp hết e ngại.
– Báo cáo không thể tiến thêm được nữa, địch quá đông, xin pháo binh. Tôi gọi về đại đội nói như hét.
– Không bắn pháo binh được, khu đồn điền có dân và có nhà thờ.
– Dân con mẹ gì! Tôi la muốn vỡ phổi để phản đối: Không phải dân đâu, toàn là Việt cộng thôi…
– Bộ chỉ huy hành quân quyết định không cho bắn, anh về đó mà kiện…
Và may mắn người lính ấy còn sống sót trở về, và nỗi ám ảnh, hoảng loạn chìm trong những cơn say. Và rượu là liều thuốc an thần tốt nhất cho người lính trận. Chập chờn ký ức hiện về, cùng những tình tiết hiện thực đan xen, buộc người lính Phan Nhật Nam phải độc thoại nội tâm, tự thú trên trang giấy trước mặt. Sự ám ảnh đó tạo nên những hình ảnh so sánh có tính kịch trường sân khấu, làm cho người đọc phải chờn chờn, rợn rợn.
Với nghệ thuật độc thoại nội tâm mang tính tự thú này, đã được Bảo Ninh làm xương sống dựng nên tiểu thuyết Nỗi Buồn Chiến Tranh của mình. Thật vậy, sự ám ảnh, la hét đập phá của người lính Phan Nhật Nam trong Dấu binh lửa, mấy chục năm sau ta bắt gặp lại hình ảnh đó từ Kiên (Bảo Ninh) trong Nỗi Buồn Chiến Tranh. Có lẽ, cũng như khoa học tự nhiên, bằng cách này hay cách khác có sự kế thừa của văn học ở đây chăng (?):
Đưa quan tài của Dũng lên máy bay, chào trước mộ của Kỳ và Đỗ lần cuối, sau một tuần lăn lộn với người chết, người tôi tan đi trong một cơn mê nồng nặc đầy hơi chết và lòng tràn giông bão. Những xác chết ám ảnh tôi đến kỳ quái, ngay trong giấc ngủ, sự yên lành cũng không có, tôi la hét, khóc lóc đập phá trong cơn mê. Và nỗi tỉnh thì không còn nữa, rượu uống vào hoài hoài, chưa bao giờ thấy rượu ngon và cần thiết đến thế — Một khỏang đời đã đổi tôi thành kẻ lạ rồi… Một tên hung bạo, trí não căm hờn và thù hận. Tôi chết một phần người trong tôi.” (Dấu binh lửa)
Có thể nói, cuộc chiến tàn khốc vừa qua sản sinh ra nhiều nhà văn tài năng, ở cả hai phía. Số phận, cây viết của họ gắn liền với những tang thương, và vận mệnh của đất nước. Bỏ qua định kiến tư tưởng, chính trị, ta có thể thấy những người lính phía Bắc viết ký sự chiến trường tài năng như: Chu Cẩm Phong, hay Dương Thị Xuân Qúy…, nhưng rất tiếc, họ đã tử trận khi còn quá trẻ. Những người lính phương Nam: Phan Nhật Nam, Trần Hoài Thư… may mắn còn sống sót. Tù đày và nỗi ám ảnh sẽ đi đến hết cuộc đời họ. Tuy nhiên, các tác phẩm xương máu của họ vẫn còn đó trong lòng người. Âu cũng còn một chút may mắn cho nền Văn học Việt vậy.
Ngục tù- sự phản kháng, hay giải thoát bế tắc
Cũng như những người lính, nhà văn khác, sau 1975 Phan Nhật Nam buộc phải vào tù cải tạo. Tôi có tìm đọc được một số truyện ngắn của ông về thời gian này. Vẫn bút pháp hiện thực, với khẩu ngữ dân dã góc cạnh, do vậy những trang viết của ông được mọi tầng lớp đón nhận, và đi sâu vào lòng người đọc. Do hoàn cảnh tù đày, với độ lùi của thời gian, Phan Nhật Nam đi sâu vào thi ca có tính chiêm nghiệm: “Bóng tối cóc ngồi gục./ Ừ thì Tâm có Phật!/ Sao trong ta cuồng lưu,/ Chẳng lẽ trời sinh người,/ Ðể chịu đời khốn khổ?/ Không thể dựng Ngôi Lời,/ Trần thế ngập gian dối./ Tôi đây ! Chúa trông đây!/ Tận đáy sâu khổ nhục/ Trần trụi ngỡ ma trơi/ Hỡi nào ra nhân dạng?!” (Vào một buổi nào đó). Hay những câu thơ giãi bày tâm trạng u uất của kẻ trên đường bị đi lưu đày: “Chen chúc lũ tù ngồi lăn lóc… /Ðầu gối đầu/ Xe lắc từng cơn/ Nhướng cao mắt, mở trợn trừng,/ Chung quanh núi đá, mịt mù đồng hoang./ Ðây là đâu? Mênh mang đất dữ,/ Trên quê hương chịu chữ đi đầy…” (Nhập Lam Sơn). Tuy nhiên, với tôi Chuyện Công Cắn là truyện ngắn hay, và đặc trưng nhất của Phan Nhật Nam viết về những năm tháng tù tội, lưu đày. Đọc nó, ta thấy được tận cùng của sự khốn nạn. Nhân phẩm con người không bằng loài súc vật. Những hình ảnh dưới đây, cho ta thấy thân phận tủi nhục của người tù trốn trại, bị bắt nhốt vào cùm biệt giam sáu tháng:
Sáu tháng sau, Công được tháo cùm cho về buồng. Nó bò với hai tay, hai gối, nhích tới từng khoảng ngắn, xong nằm bẹp lên đất.. Quản giáo Chuyên đi theo, dùng chân đè lên lưng, đầu, đá vào hai chân lê lết, cong queo của nó nói lời khinh bỉ.. Mầy có thành con dòi cũng không trốn khỏi đây được. Tao có thể bắn chết mầy ngay bây giờ nhưng cho mầy sống để ăn cứt! Thằng Công lết chậm im lặng, mắt ráo hoảnh, không cảm giác, tròng đen khô như hòn than.
14 năm tù đày, cùm biệt giam trên đất Bắc chưa hẳn bởi can tội mặc áo lính, viết văn, hay Phan Nhật Nam từng là sĩ quan ở Ban liên hợp quân sự bốn bên, và đã ra nghị đàm ở Hà Nội, mà có lẽ còn do cái tính khí khái, thẳng tưng của ông. Có lẽ, ông đã đưa những đặc điểm, tính khí này vào những trang viết của mình. Do vậy, ta có thể thấy tính phản kháng luôn đậm nét trong truyện ngắn, văn xuôi của Phan Nhật Nam. Có thể nói, tôi đã đọc khá nhiều trang sách viết về cải tạo tù đày, nhưng ít thấy có sự phản kháng trực diện như Chuyện Công Cắn của Phan Nhật Nam. Có thể nói, ông luôn mở ra một lối thoát, và giải quyết bế tắc dù có mang tính tiêu cực. Đoạn trích rùng rợn dưới đây, vẫn trong truyện ngắn: Chuyện Công Cắn, sẽ chứng minh cho chúng ta thấy rõ điều đó:
Gã tù lê ống tre bươm trên sân cỏ, lúc lắc thân người rề rà hướng về phía hầm chứa phân khu kỹ luật.. Đổ vào đây.. Địt mẹ đổ vào đây!! Nhiền hét lớn chỉ vào hố chứa.. Mầy làm rơi vải tao bắt mầy phải ăn cho hết! Địt mẹ.. đồ ăn cứt!! Gã tù đã đến bên hố chứa phân, gã lóng cóng với ống bươm.. Phân, nước giải rơi vải tung toé.. Đổ xuống hố.. Địt mẹ thằng chó.. Nhiền xoay xoay chùm chìa khoá buồng giam tiến gần chực đánh.. Gã tù với một phản ứng nhanh nhẹn bất ngờ tạt ống bươm vào mặt Nhiền.. Tên nầy hét lớn hốt hoảng đưa tay vuốt những mảng phân thối, dòng nước dơ. Gã tù nhảy thoắt đến viên đá chận nắp hố phân. Nó nâng lên.. Đập mạnh xuống khuôn mặt lầy nhầy chất bẩn. Nhiền ngã quay quắt trên đất.
Thằng Công nhảy lên ngồi trên ngực Nhiền, thọc tay vào ổ mắt.. Móc ra!! Nó nuốt khối nhầy ươn ướt máu và cứt. Súng trên chòi canh nổ sắc, gọn, chính xác từng phát một. Lưng thằng Công ưỡn lên, nẫy nẫy…
Nếu nói giá trị cơ bản của văn học bao gồm giá trị hiện thực, và giá trị nhân đạo, thì  tôi cho rằng, những tác phẩm của Phan Nhật Nam không những hội đủ những đặc tính này, mà còn hơn thế nữa. Ngoài giá trị về văn học, những tác phẩm của ông còn ghi lại dấu ấn lịch sử thật rõ ràng. Cả cuộc đời Phan Nhật Nam lặn ngụp trong chiến tranh, kể cả thể xác lẫn tâm hồn. Có thể nói, chưa khi nào ông bước được ra khỏi cuộc chiến này. Thân phận, và linh hồn ông dường như cũng uống trọn nỗi khổ đau, oan trái của dân tộc vậy. Do đó, dù sức cùng lực kiệt Phan Nhật Nam vẫn cần mẫn đi tìm một lời giải, một lối thoát cho cuộc chiến, và con người…
Vâng! Và 45 năm hậu chiến, hè vẫn còn đỏ lửa trong ông là như vậy.
Leipzig ngày 15-7-2020
Đỗ Trường
Nguồn: Tác giả gửi



1 comment:

  1. Bài rất đáng được nhiều người đọc.

    ReplyDelete