Links

Friday, August 21, 2020

Từ lục bát dỗ em đến lục bát sa môn và lục bát hoàng phái

 ________________________

CAO VỊ KHANH

Không biết tôi thích lục bát từ hồi nào ?

Có điều chắc là không phải đợi đến lúc mon men bước lên bậc trung học mới học lóm được mấy câu thiệu kiểu yêu-nhau-mới-tặng-ảnh-này xin-đừng-giận-lẫy-và-đừng-xé-đôi. Ờ... sao cái tuổi đó ngây ngô đến độ bạ đâu cũng tưởng là thơ ráo trọi. Mà rồi cũng không phải đợi đến khi gặp thơ thứ thiệt cỡ những câu lục bát tuyệt vời của Huy Cận nai-cao-gót-lẫn-trong-mù-xuống-rừng-nẻo-thuộc-nhìn-thu-mới-về rồi mới đem lòng mê thích. Mà không mê sao được. Ai biểu lục bát cũ rích đâu không biết. Chớ lục bát của ông họ Cù này làm đâu từ những năm 30 mà vài chục năm sau đọc lại còn như thấy mới nguyên.

Đọc thử một bài lục bát tuyệt vời khác của Cao Thị Vạn Giả những năm 60 coi. Tuyệt cú.

Tiễn anh ra tận phi trường.

Lỗi đi. Lỗi ở. Mười phương lỗi về.

Mù sương phi cảng não nề.

Thôi anh. Ở lại buồn về em mang...

 

(Chỗ này thì phải chấm phết xuống hàng cẩn thận mới thấy đuợc cái điên đảo của chữ nghĩa trong lục bát Cao thị...)

Rồi Cung Trầm Tưởng mình-tôi-với-phố-giăng-cao-với-cồn-tuyết-tịnh-buốt-vào-thịt-da


Rồi Viên Linh. Rồi Hoài Khanh. Rồi... Toàn là thi thánh với thơ thần...

 

Tôi mê lục bát lâu hơn vậy nữa, hình như ngay đâu từ lúc còn đèo bồng với má, và cũng từ má mà mê, bắt đầu bằng những câu sáu tám "nhà quê" lắm, cỡ như là ví-dầu-tình-bậu-muốn-thôi-bậu-gieo-tiếng-dữ-cho-rời-bậu-ra-bậu-ra-bậu-lấy-ông-câu-bậu-câu-cá-bóng-chặt-đầu-kho-tiêu-kho-tiêu-bỏ-ớt-bỏ- hành-bỏ-ba-lượng-thịt-để-dành (cho) em-ăn... ầu ơ... ớ... ơ... Ờ từ cái thuở còn lẩn quẩn bên chân má, nghe má nằm võng, hát (ngâm? hò ? ) đưa cháu ngoại ngủ khi chị tôi phải ra trường dạy học. Tôi thì bị cho ra rìa, nằm trên bộ ván gõ kê sát bên. Thử tưởng lại một buổi trưa nào đó, một buổi-trưa-nhè-nhẹ-như-ca-dao, ở một thành phố nhỏ nằm lấp lửng trên mấy giồng đất phù sa của miệt sông Tiền sông Hậu, nắng lấp lóe chập chờn trên đầu cây đứng gió, tiếng võng đưa kẽo kẹt đều đều, và tiếng ầu ơ buồn buồn đưa cái ngủ đậu vật vờ lên hai con mắt... ầu ơ ... ví-dầu-cầu-ván-đóng-đinh-cầu-tre- lắt-lẻo-gập-ghình-khó-đi-khó-đi-mượn-chén-ăn-cơm-mượn-ly-uống-rượu -mượn-đàn-kéo-chơi... ầu ơ... ví-dầu-cậu-giận-mợ-hờn-cháu-theo-cùng-cậu –kéo-đờn (cho) cậu-nghe ầu..ơ... ớ... Câu này nối theo câu nọ, lê thê... không dứt, mà câu sau thì không ăn nhằm gì với câu trước, cứ ầu ơ với lại ví dầu tràng giang đại hải, hết má-ơi-đừng-gả-con-xa nghe tới chảy nước mắt rồi nhảy qua cái chuyện đèn-Sài-gòn-ngọn-xanh-ngọn-đỏ với đèn Mỹ-Tho-ngọn-tỏ-ngọn-lu thiệt tình là chẳng ăn nhằm gì với nhau ráo trọi. Vậy mà đứa nhỏ cứ ngủ ngon lành, thằng bé nghe ké cũng ngủ lê mê... và đôi khi người ru cũng ngủ chập chờn theo luôn, ngủ mà miệng cứ ầu ơ và tay cứ nắm sợi giây kéo tới kéo lui cho võng đưa qua đưa lại... ầu ơ... một-mai- thiếp-có-xa-chàng-(chớ) đôi-bông-(thì)-thiếp-trả-(mà)-đôi-vàng-(thì)-thiếp xin... à...ơ... ớ... ví-dầu-ví-dẩu-ví-dâu... làm như người ru cũng chẳng cần để ý tới cái lô-gíc của mấy lời thốt ra nữa. Nói như cho có nói. Không đầu không đuôi. Bạ đâu nói đó. Mấy tiếng ầu ơ thì như thể đưa hơi bắt giọng mà cũng như còn để lấy trớn bắt quàng qua một chuyện khác. Mà điều sáu tám nối liền sáu tám liên tu bất tận không thua chút nào cái trò nhả ngọc phun châu của đám thần đồng thất-bộ-liên-hoa hồi xưa hồi xửa...

Vậy là tôi mê lục bát từ hồi đó lận. Và chính bằng những câu lục bát quê mùa đó mà tôi lọt vào mê hồn trận của lục bát lúc nào không hay. Mê tới nhập tâm... rồi lớn lên có lúc mượn đỡ xài luôn cũng tiện... Mà không mê sao được. Coi nè. Một cặp luc bát 14 chữ. Bằng bằng trắc trắc bằng bằng. Bằng bằng trắc trắc bằng bằng trắc bằng. Có vậy thôi, dễ ợt. Vậy mà thiên biến vạn hóa. Nói chuyện gì cũng được. Mà nói chuyện gì cũng hay. Không- tin-dở-nắp-ra-coi...

Khác với mọi loại thơ khác, mỗi loại chuyên trị một thứ, lục bát thì có thể trị bá chứng. Từ tỏ tình đến thất tình, từ chung thủy đến phụ bạc, từ vui đến buồn, từ giởn hớt chọc phá đến nghiêm trang răn dạy... cái gì lục bát cũng làm được hết. Mà làm tới nơi tới chốn, đâu ra đó mới là kỳ. Nghiệm lại thì hình như chính cái luật mà không lấy gì làm nghiêm nhặt của nó đã thả lỏng ý tưởng thành ngựa không cương. Chữ nghĩa và vần điệu cứ mặc tình dong ruổi nên ý tứ cứ mặt tình mà phô trương. Thử coi.

Cái hồi tóc còn mượt, chân cẳng còn dịu nhĩu và trái tim còn lăng xăng như con lật đật, cứ xách mấy "bài tủ" đó ra xài là dễ ăn khách lắm. Không biết cái anh con trai đi tát nước giả bộ bỏ-quên-cái-áo có kết quả gì không hay là mất tiêu luôn cái cớ-sứt-chỉ-đường-tà đó chớ còn tôi mỗi khi hát bài sáu tám anh-đi-lục-tỉnh-giáp-vòng-tới-đây-trời-khiến-xui-lòng-thương-em là mười tuồng đã ăn khách tới tám chín. Còn lời tỏ tình nào thiết thực, chắc mẽm như thể dang tay ra mà đo được lòng người bằng chính cái dặm đường lòng vòng sáu tỉnh đó nữa. Tơ tình nào mà không động đậy trước sự chân thành tới độ lấy thước mà đo được đó. Phải không?

Còn cái lúc bị tình phụ, cứ giở cái giọng âu sầu kiểu tai-nghe-bạn-cũ-có-đôi- trong-lòng-bối-rối-như-vôi-mới-hầm thì dẫu cho gan đồng dạ sắt đi nữa mà lỡ để lọt tai thì cũng chảy thành nước chớ đừng nói đến nhi nữ thường tình. Cái lòng bối rối của người bị tình phụ mà đem so sánh với vôi mới hầm thì còn gì tượng hình cho bằng. Nó âm âm i ỉ, reo réo eo xèo, nổi bọt li ti, sôi không ra sôi mà nguội cũng không ra nguội, giống hệt cái kiểu ngồi không được mà đứng cũng không yên, lăng xăng lích xích như đau không ra đau, bệnh không ra bệnh... Nó thật còn hơn cái có thật nữa. Tài hoa của người làm thơ cộng với tài hoa của lục bát làm thơ như trở thành đồ thiệt, có thể đem ra cân đo đong đếm được vậy.

Vã lại cái âm điệu của lục bát nghe hay lắm. Lúc thì lê thê như chèo chống mỏi mê. Lúc thì ào ào cứ như lên thác xuống ghềnh. Nó uyển chuyển thay đổi theo tâm theo ý theo chữ theo nghĩa mà lên bổng xuống trầm cùng với kiểu ngắt nhịp bất định làm lòng người vụt hăng lên hay trìu trĩu xuống. Làm trai cho đáng nên trai. Xuống đông, đông tỉnh, lên đoài đoài tan. Chừng mạnh thì cũng đủ sức hô hào. Mà nhẹ thì cứ như tiếng thở dài khuya khoắt. Anh buồn còn chốn thở than. Em buồn như ngọn nhang tàn thắp khuya... Trời ơi nghe mà như thấy cả đêm cô phụ bay lả lả theo sợi khói ủ ê... Ai mà làm thơ như chọc gan chọc ruột vậy...

 

Cũng tại vậy đó mà tôi mê lục bát...

Mê lắm...

 

Rồi đến một lúc, khoảng giữa những năm 60-70, ở miền Nam bỗng nổi lên những câu lục bát êm ru như tiếng dỗ em thuở nhỏ, mà ý tứ thì nồng nả nhưmấy điệu huê tình trai  gái dỗ nhau. Lẩm nhẩm vài ba câu bất chợt là đã thấy khoái cả ngày. Vai nghiêng nghiêng suối tơ huyền. Đôi gò đào nở trên miền tuyết thơm... (*)

Không đã sao được. Sư môn nói chuyện văn nghệ đã lạ. Mà nói ra hoa bướm lại càng lạ hơn. Lạ tới mê mẩn tâm thần. Lời đồn về một nhà sư làm thơ tình... Phạm Thiên Thư. Yêu nhau từ độ bao giờ. Gặp đây giả bộ hững hờ khói bay. Trời ơi cứ tưởng tới cái đám con trai con gái mới lớn, chập chửng đòi yêu mà đọc tới cái câu lửng-lơ-con-cá-vàng đó là sướng tới xanh dờn cả mặt. Ông ta giam mình trong cửa thiền thăm thẳm mà rành tâm-lý-ái-tình không kém gì bà Tùng Long như vậy thì không biết đường tu hành của ông tới đâu chớ còn đường tình thì phải tôn ông ta là sư phụ... Tại sao trong tự điển có đủ thứ sư mà không có chữ tình sư vậy hả ?

 

Thôi thì em chẳng yêu tôi. Leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng... (*)

 

Phải là người đi sớm về trưa mê mỏi với tình mới có thể nói lời đường mật tới vậy.

Đã tình như vậy thì kinh kệ có làm xa tục lụy không nhỉ ?

 

Cũng đã có nhiều lời bàn về thơ của ông sư họ Phạm. Rằng tình rằng em rằng hoa rằng bướm cũng chỉ là mấy ngón-tay-chỉ-trăng. Thấy trăng rồi thì quên tay đi chớ nấn níu làm chi mà mang tội...

Tôi thì tôi không tin vậy. Trong cái đầu rất hay mơ mộng của tôi thuở đó, nếu đã có một Tiêu Sơn tráng sĩ, đầu cạo trọc, tay bưng rượu tay múa kiếm mà tâm tưởng vẫn phiêu bồng ở cõi Quỳnh Như thì tại sao không thể có thiền sư tay gỏ mỏ tay làm thơ yêu em như cái Lão Ngoan Đồng tay vẻ vòng tròn tay vẻ ô vuông theo thế Song thủ hổ bác... Có cái gì là rặt trắng rặt đen đâu. Chỉ có trắng trắng đen đen thôi. Vả lại trắng ra trắng đen ra đen thì có cái gì mà đáng nói. Hễ yêu ra yêu ghét ra ghét thì cái cõi đời này làm gì còn mộng với mơ nữa. Và làm gì còn những động hoa vàng ở chỗ hang sâu rừng thẳm để chui vô mà nấn níu... nhớ nhau. Vào hang núi, nhập niết bàn. Tình anh nở đóa hoa vàng cửa khe...(*)

 

Lục bát làm tới vậy thì đến Nguyễn Du chắc cũng vừa ý. Vừa nhẹ nhàng mà thâm thúy. Vừa chắc mẽm mà hồ như. Vừa vần điệu mà bay bổng. Có điều dưa muối tương chao mà thơ thì mặn lắm. Sáu tám ỏm ờ cái điệu làm bộ làm tịch, chạy chối quanh co đổ thừa này nọ mà lòng thì vốn đã chẳng-nọ-thời-kia. Giọng thơ lơ lửng, lưng chừng theo kiểu tay nào nghiêng nón thơ che. Tay nào lần chuổi bồ đề xanh xao.(*)

Chữ nghĩa cũng hư hư thực thực, mơ mơ màng màng, hiểu sao cũng được... vuông cũng được mà tròn cũng được. Thơ ở đó mà tình cũng ở đó. Vạc rằng thưa bác Thiên Thư. Mặc chi cái áo thiền sư ỏm ờ.(*)

 

Ờ mặc chi cái áo thiền sư ỏm ờ . Mà hỏi làm chi. Áo nào mà chẳng ỏm ờ, chẳng qua chỉ để che đở mấy cái hình dong tạm bợ mà lại giống hệt như nhau. Không phải đã có ai nói thân xác chỉ là cái giá để móc quần áo đấy thôi. Giá áo thì có cái nào khác cái nào đâu. Cũng là tứ đại với ngũ uẩn. Cũng là lục dục thất tình. Diệt Tuyệt sư thái mà vẫn còn ham hố đánh đấm hàm hồ. Nói chi cái đám thế nhân lục lục thường thường lội qua suối rồi mà còn đèo bồng cái chuyện bên kia suối...

Ta về niệm Phật đại bi.

Phật xa xôi quá, em thì gần hơn

Ngày xưa dâng Phật nửa hồn

Chiều nay em tới... ta còn góc tư ! (**)

 

Tới đây thì phải nói tấm lòng sân si của tôi chỉ còn có góc tám trước cái ảo hóa của thi ca. Chuyện đời chuyện đạo mà miệng lưỡi trơn lu lại tròng tréo như cái hình âm dương lộn lạo thì quả là tài hoa hết mức. Lục bát nghe ra nặng trì như một tấm lòng hệ lụy mà lại nhẹ tênh như một cánh hạc bay qua. Đôi ba mươi năm sau ông sư ỏm ờ họ Phạm, lục bát có thêm ông sư lấp lửng Toại Khanh thì quả là trời xanh có mắt. Cái nòi tình chủng còn có cơ bám rễ lâu dài...

 

Cuối năm 2001, khi trở về từ một chuyến đi xa, tôi được người quen nhét vội vào xách tay, tập sách mỏng vừa "thỉnh" được ở đâu đó, để đọc đi đường. Lòng cuối năm chừng đâu cũng lạnh và cứ chông chênh như chuyến bay ngày trở gió. Tập thơ có tựa Nụ cười Tuyết Lãnh và tên người lạ hoắc Toại Khanh. Từ mấy dòng đầu tiên, tôi đã thấy mây ở đâu mà như ùa vào cửa kiếng và chuyến bay sau đó cứ lênh đênh như một cuộc vân du... Ba nghìn thế giới vo tròn. Nhỏ lên giọt mực chỉ còn trang thơ.(**) Ô hay thơ ở đâu mà bỗng về nhiều vô số kể. Mà bay bổng. Mà trầm uất. Mà tươi rói. Mà chín mùi. Mà xả láng. Mà đắn đo. Mà ngộ thiền. Mà lụy tục. Mà... ba mươi năm một nỗi buồn. Nghìn lo toan, một vô thường tro bay. Muốn về đánh giấc hiên mây. Chợt nghe bến tục tiếng ai gọi đò.(**)

Lục bát suông như tiếng cười ấm ran trong cổ họng, mà thắc thỏm như tiếng gọi đò ơi ới giữa đêm khuya. Lục bát êm ru như tiếng dỗ em mà dằn vặt như một nỗi nghi ngại.

 

Cỏ hoang ngỡ cọng cải trời. Hái bỏ vô nồi, ta khóc mình ngu. Mươi năm rồi, mặc áo tu. Đạo đi nhầm mãi...mịt mù bước đi...(**) Đọc mà thương hết sức. Cũng lại một giống tài-tình-thiên-cổ-lụy!

Thiền môn chắc cũng giống như quyền môn thăm thẳm giam khóa người tình của Trương Tịch vậy. Vào trong đó rồi cứ như cá mắc câu, lúng ta lúng túng, bỏ-thì-thương-mà-vương-thì-tội nên thơ nghe ra đau đến đoạn đành. Ta về biê ̉n chẳng thấy em. Bỏ về non lại một phen mất người. Về sông cánh nhạn lưng trời. Vào phòng đóng cửa thấy người trong tranh.(**)

 

Ông Toại Khanh ơi, nghe đâu ông lánh bụi trần đằng sau cánh cửa tùng dầy cộm mà thơ của ông thì cứ lấp ló mấy dấu chân quên lại ngoài cõi ta bà. Em viễn phố. Ta giang hà. Mình cùng lỗi hẹn. Thế là mất nhau. (**) Mà hổng chừng cũng tại cái tâm vô định mà lại cứ muốn định nên thơ đâm ra lửng tha lửng thửng. Chữ nghĩa cứ như có khói có sương vờn quanh, lênh đênh lãng đãng đến vô chừng. Em về trẩy lá nương dâu. Ta đi thương hải cơ cầu Vũ môn. Một đêm chân mõi gối chùn. Mới hay từ bấy mình chung nỗi khờ.(**) Nỗi khờ nào vậy. Hay chỉ là nỗi tiếc nuối vô vàn cho lần trễ hẹn với định mạng. Sẩy có một khúc quành mà trệt hẳn đi nhau, thành ra lạc mất nhau luôn như hai mảng tinh cầu vào trật một quỹ đạo... lạc mất nhau luôn trong khoảng tối tuyệt cùng...

 

Tự thân lục bát thiệt là giản dị, giản dị tới độ làm thơ quảng cáo thuốc sơn đông cũng được. Cứ bốn-câu-ba-vần là ra ngay. Nghĩ mà tội cho thể thơ đã phát sinh từ nết tài hoa của một dân tộc sính thơ. Được lắm kẻ ưa người thích thành ra nhiều lúc cũng lấm lem bụi đất. Bởi vậy mà lâu lâu đọc được mấy câu lục-bát-mai-cốt-cách-tuyết-tinh-thần lòng cứ ngơ ngơ ngẩn ngẩn phiêu diêu như chợt thấy bóng hạc về một buổi thu phân.

Tên ta là lãng

Em tên nguyệt

Cuộc đời tên giang

Cho trăng nước tương phùng

Ta làm thân sóng dặm trùng Em rơi trên đấy

Mình cùng trầm luân (**)

 

Trầm luân hay thăng hoa làm sao biện biệt. Đời là nước cuốn, ta là gió, em là trăng, thơ là mộng ảo cho gió trăng sông nước tụ họp một lần thì dẫu thiên thu cũng phải sựng lại làm chứng cho cuộc phối ngẫu tuyệt cùng. Một lần thôi đã đủ. Thì trầm luân hay thăng hoa có đáng kể gì đâu.

 

Làm thơ lục bát mà nghe như xua cho nước chảy, thổi cho mây bay, chữ nghĩa thong dong không rán không cố, không o không ép, không cưỡng không cầu, suông sẻ trơn lu mà tình thì đầy ứ như con nước rong lênh láng. Làm thơ như vậy, đạo thì không biết lúc nào mới "đắc" chớ tình thì hẵn là "đắc" phải biết. Lục bát như vậy làm sáng danh cửa thiền không kém gì kinh kệ. Mấy ông sư nhà Lý hành tàng như rồng thấy đầu mà không thấy đuôi. Còn mấy ông sư thời nay đầu đuôi gì cũng lấp ló. Thành ra đạo đời nhập cục gần ơi là gần. Lục bát là cánh tay chỉ trăng. Mà nếu là tay ngà thì sao chỉ thấy trăng mà không thấy tay. Uổng vậy.

Ông Toại Khanh ơi xin ông thứ lỗi. Ông đã cẩn thận dặn dò cả những tiếng Ta Em Thương Nhớ , rải rác đây kia cũng chẳng qua một chỗ neo thuyền bên bờ cỏ. Qua sông rồi thuyền còn bỏ lại, nói gì chỗ buộc dây.

Ờ thì chỗ buộc dây không nói tới. Nhưng còn những dấu hài ? Bây giờ hải giác thiên nhai. Lối mòn là một dấu hài cuối sông.(**) Người xưa kẻ đã ném nón qua sông, người đã cởi trâu xanh đi vào núi biếc thì nhắc làm chi những dấu hài để lại. Mà có sá chi một dấu hài. Dẫu hằng hà vô số dấu đi nữa thì cũng là không. Mười năm sau giữa tịch liêu. Vết người... là một mái lều vắng không.(**) Vậy chớ cuộc lữ này chẳng phải một chuyến đi không về sao? One-way ticket. Ta cầm chiếc vé one-way. Theo em mấy buổi lội về rả chân. Tình trôi về phố mù tăm. Trái tim lộng gió đêm nằm phát run. Làm thơ gởi cõi vô cùng. Em vô trụ xứ tình không chốn về.(**)

Vậy thì dặn dò làm chi nữa cho mắc công. Ta Em Thương Nhớ... Ông... Tôi... hay gì gì đi nữa... lục bát cũng chở hết... cũng đưa cho qua sông rồi đi biệt ... Cái còn lại là mấy dòng lục bát... còn lại là mấy dòng lục bát ngất ngưởng trên con sông đời bát ngát, vô thủy vô chung.

Thiện tai. Thiện tai.

 

Tản mạn như vậy chắc đã vừa đủ lan man. Nhưng sao còn thấy ấm ức. Dường như gần đây đâu phải lục bát chỉ rặt một điệu êm ru, ru đưa người ta vào cơn trường mộng. Không, lục bát còn có cái giọng sắc lẻm, lý lẻ bén ngót như lưu cầu, nhọn hoắc như mũi trủy thủ, cắt đâm tùng xẻo, lôi kéo xềnh xệch người ta về cõi thực. Thơ phóng ra như xô đẩy, vây đuổi, thanh âm dày xéo, cắn đắng, giằng co, trì kéo như cứa vào tâm não, rờn rợn như tiếng mã vĩ cọ vào giây đồng ... bắt người ta đối diện với mình, với quá khứ mình, với hiện tại và cả với tương lai là cái chưa từng có. Bắt người ta ngó trừng trừng vào thân phận, vào định mạng, vào hư vô, vào cái còn, vào cái mất, vào thế giới bên ngoài trống trơn, vào thế giới bên trong trống hoác... Lục bát không còn êm đềm, lục bát trở nên dằn vật, khắc khoải, rêm nhức như cái thời đại của nó.

 

Thời đại của chia lìa khốn đốn, của tan rã thất lạc, của mất tăm biệt tích, của ngộ nhận làm thinh, của đui mù câm điếc, của Tôn Tẩn giả điên, của Bàng Quyên hống hách... Lục bát của Hoàng Xuân Sơn.

Mỗi lần đi

một hỏi đường

tôi chậm lụt giữa nộ cuồng thế gian

giữa trăm khốc liệt giăng hàng

tìm đâu

tôi ?

ở ngổn ngang sự tình (***)

 

Thơ của ông họ Hoàng này dữ dội lắm. Lục bát không còn hiền khô ngún nguẩy làm bộ làm tịch ra cái-điều-em-chả nữa. Lục bát nói thẳng thừng huỵt toẹt ngay bon đúng phóc. Ai trúng tim đau ráng chịu. Lục bát của cái thời khói sương đã ô nhiễm, mùa màng đã điên đảo, trái đất đang hấp hối và nhân loại sắp điêu tàn. Lục bát của cái thời ngôn ngữ đã không còn là nhịp cầu thân ái mà đã trở thành bẫy sập, là lũ âm binh trong tay phù thủy đi gieo rắc tai ương. Lục bát cũng phải hoá thân để chui vào địa phủ.

Đêm =

tiếng thét hoảng kinh

ngày +

thêm nỗi dị hình cưu mang (***)

 

Lục bát không thèm lẫn tránh cái sự thật hiện tiền nữa, không chịu quanh co tránh né nữa. Nó làm cái công việc chứng nhân thiệt thà bằng cung cách rất chững chạc về cuộc trầm luân của thập loại chúng sinh. Chững chạc đến lạnh người.

Mặt đất quanh ta đã co lại. Trăng lầy dấu phàm phu. Hoa lấm lem tục tử. Suối róc rách chỉ còn lại trong nhạc Văn Cao. Và mơ và mộng sẩy non. Và tình yêu và nhân nghĩa chết yểu.

Buồn cho nên đã không còn buồn vơ buồn vẩn buồn thiu buồn thỉu. Buồn là buồn. Chấm hết. Không có buồn buồn. Chỉ có buồn bực. Âm trắc khô khốc như tiếng đóng cửa. Bít lối. Buồn là hết thuốc chửa. Buồn là buồn. Vậy đó. Ngoại cảnh không còn ăn nhằm gì với tâm cảnh. Không còn cái này nâng đỡ hoặc san sẻ cái kia cho nhẹ bớt. Không còn buồn-trông-cửa-bể-chiều-hôm-thuyền-ai-thấp-thoáng-cánh-bườm-xa-xa nữa. Không còn cái buồn-vọc-nước-giỡn-trăng-nước-xao-trăng-lặn-buồn-ơi-là-buồn nữa. Buồn vậy phong nhã lắm. Buồn vậy lãng mạn lắm. Bây giờ buồn là buồn. Vậy thôi. Cái buồn đặc cứng như một khối vật chất ù lì, độc lập, kiêu ngạo, xoi không thủng, xô không ngã, không sang không nhượng. Cái buồn tự thân đã là một lý do ắt-có-và-đủ.

Ngồi bên cửa

lọt ưu phiền

ldễ chừng năm tháng

đã quên lòng người

một vòng dang rộng xa khơi

một ôm hụt hẩng

phiên trời thâm căn

ngồi nghe thương thế lịm dần

với mốc meo nắng

với tần ngần

mưa (***)

 

Nghe chưa mày, tên đãng tử cùng đường. Trước mặt sau lưng bên phải bên trái đã là tuyệt lộ. Dĩ vãng là huyệt tối. Tương lai là kim tỉnh. Bó chân lại mà ngồi. Ngồi như đá thâm căn. Ngồi như rêu trầm tích. Ngồi thu lu như một khối buồn tự tại.

với mưa

                                                                                                      với mưa

                                                                                         với mưa

với môi bằn bặt âm thừa khổ sai (***)

 

Thấy những sợi mưa vô tình bay nghiêng nghiêng chưa? Bay như loạn đao. Bay như xạ tiển. Bay bất kể sống chết bởi có nghe gì đâu tiếng kêu thương trễ tràng đó. Còn lời nào nữa những âm đã thừa thải, người đã xa và ta và nỗi nhớ khổ sai. Bằn bặt, môi run mà không ra tiếng, ý tụ mà không thành lời, trời ơi ông làm thơ hay ông tạc tượng, mà chữ của ông cứ như mũi dao xoáy khoáy vào tim.

 

Hoàng phủ thiếu gia ơi, ông vốn người nho nhả, ăn nói nhỏ nhẹ mà sao thơ ông nghe ra tiếng-sắt-tiếng-vàng-chạm-nhau. Chữ nghĩa như dao kéo cắt khứa ruột rà người ta ra từng khúc cho đành. Chữ nghĩa của ông không còn là đồ chơi cho người ta ngắm nghía nữa. Hay là đã tới cái thời interactif nên chữ nghĩa cũng đổi đi. Nó không nằm ỳ đó chịu trận. Nó động đậy, lung lăng tới độ lôi kéo người ta tới cái chỗ mà nó muốn. Bắt người ta thấy tận mắt, nghe tận tai, đau tận tim cái thực tại chính thị. Không hiệu đính. Chẳng tu chỉnh. Viết cho người bạn tù cải tạo về, ông làm tôi "buồn " quá đỗi khi thấy lại cái trống không đến nhòe nhoẹt còn đó sau cuộc bể dâu 

ta về

như gợn gió âm

Ớ lâu vết buốt

ngực trầm tích kia

giọt mưa

giọt lệ đầm đìa

thất phu

nhòe buổi ta về

trống

không.(***)

 

Cái chữ nhòe của ông "tới"quá đỗi. Nước mắt nhòe hay chính cái lộn lạo của bức tranh vân cẩu nhòe nhoẹt vì dơ dáng dại hình. Thôi thì ai nghĩ sao thì nghĩ. Mà điều thơ của ông cũng độc tài lắm. Nó bắt người ta nghĩ thế này mà không thế nọ. Tại cái chữ của ông có gai có góc nghĩ ngợi lan man nó đâm nó chích cũng rướm máu như chơi. Đã trống lại không thì làm sao mà không nghĩ đến nhạt nhòe khi lòng đã lạnh. Nghĩ khác đi thì nghĩ làm sao?

 

Dường như có lúc ông làm lục bát nghe êm như tiếng Huế rù rì. Giọng có buồn thì cũng còn chốn thở than. Cái buồn như vốn bẩm sinh của Huế lắt lay dưới mấy tàn cây rong rêu lịch sử. Còn đàng này, lục bát của ông bây giờ nghe buồn đến nín thở. Buồn đặc. Buồn cứng. Buồn nặng. Buồn hết nói. Chắc tại miệng lưỡi nhà quan có gang có thép hay sao mà chữ nghĩa của ông càng lúc càng nặng trì.

Chẳng vậy ông còn chơi nghiệt. Ông cắt, ông ghép, ông uốn, ông ép cho lục bát đổi hình đổi dạng như người ta chơi kiểng. Ý thôi chưa đủ, còn phải có hình có dạng ông mới thỏa lòng. Làm như ông muốn đắp da đắp thịt cho một nhan-sắc-mộng-mị vậy. Chữ, câu là cái hữu hình, ý tứ là cái vô hình. Mượn cái có hình đưa tới cái vô hình không phải là một cách tiếp cận sát rạt đó sao ? Cách sắp xếp trình bày vì vậy chính là một phần của tổng thể. Hình thức bài thơ là họa đồ cho đường đi của tình ý. Hình thơ vặn vẹo đập vào mắt, ý thơ ngặt nghèo xoáy vào não. Ông mạnh tay lắm, bẻ gãy cái cấu trúc đã ngàn năm cái một. Bằng trắc thì vẫn là bằng trắc mà sáu tám thì không còn là sáu tám nữa. Đã tới lúc tìm một tên gọi mới chưa cho cái thể thơ mà ông rất sính và rất sành.

 

Có một điều tôi thích lắm là ông nghịch ngợm phá phách vậy mà vẫn giữ y nguyên cái điệu trầm thống của lục bát. Vần thì vẫn bằng trắc như thường mà câu cú thì ông để mặc theo sự tình đưa đẩy. Lúc thì lồng lên giựt ngược như ngựa sút cương, lúc thì nhịp nhàng như lỏng buông tay khấu. Mà cũng không phải vô ý vô tứ gì đâu. Ông ý tứ lắm.

 

Câu một chữ, hai chữ, ba chữ... bảy tám chữ đều có lý của nó. Lúc thì gọn như cắt ngọt xớt, lúc thì cù cưa như cứa, như nghiến cho đau thấu mây xanh. Ông làm thơ như vẻ tranh. Đọc thơ của ông sao cứ tưởng như ông đang oằn người trước khung vải trắng. Dao cọ vung ném tới tắp kéo gò vổ đắp bôi trét từng tảng màu nóng lạnh như từng mảng đời nóng lạnh.

ngàn năm

bản mặt dàu dàu

trái tim vô ý

qua cầu

gió

bay

ra đường thấy nắng hây hây

quay về ngộ gió

thổi đầy

phòng không.(***)

 

Có thấy không, cái tà áo dài bay lả lả như chọc ghẹo trai non...khi qua cầu gió thổi.

tôitôiemem mơ màng

tưởng dăm phút

sống

tào khang nghĩa tình

giậngì giậngì

làm thinh

nói đi. nói

chút rung rinh

miệng

lời (***)

 

Thấy không cặp môi mím chặt, lưỡi líu lại lắp ba lắp bắp, giận lắm đó, cơn khủng hoảng thường nhật của cái đời sống đã tẻ lạnh đến bất thường. Còn chỗ nào để chen vô nói một lời cảm khái.

Chữ, nghĩa, ý, hình, tiết tấu thay đổi dồn dập, dồn dập đẩy lục bát xưa lại gần nay, nhịp theo kịp cái nhịp hổn hển bứt hơi của đời thực. Thơ không nói về cuộc đời. Thơ chính là cuộc đời. Gẫy gập. Trặc trẹo. Tê buốt. Y như cái hình người ôm đàn tây ban cầm của Picasso, ngồi xếp chân, đầu nghẹo tới sát đất, tay khẳng khiu quơ quào như nhánh tre khô và cây đàn, cây đàn thì đâm thẳng lên như một tiếng kêu trời, đứt ruột.

 

Tôi phục ông sát đất ông Hoàng ơi. Ông làm mới một điều đã cũ. Ông kỳ khu gọt giủa mà có thấy công phu đâu. Vậy mới hay. Ông làm thơ bất cứ ở đâu. Trên hè phố. Bên giàn máy. Giữa đám cốt đột ông phải phục vụ hằng ngày. Vậy mà thơ của ông cứ lừng lững ngang nhiên ra vô cõi nhân sinh như vào chỗ không người. Khi bay bổng. Khi trầm trọng. Mà thăng hay giáng gì tôi thấy cũng phảng phất cái điệu con vua cháu chúa, kiêu hãnh ngay cả khi đã bụi lầm. Có vậy thì cô đơn cũng là điều không thể tránh.

 

Tôi phục ông như phục mấy ông "thầy" lúc nãy, như phục mấy ông dân giả lúc trước. Mỗi người một cách mà mười phân vẹn mười.

 

Thơ có điều muốn nói. Nói sao cũng được. Miễn là nói thơ.

 

Cao vị khanh

 

(*) Động hoa vàng của Phạm Thiên Thư

(**) Nụ cười Tuyết Lãnh của Toại Khanh

(***) thơ chưa in của Hoàng Xuân Sơn

 

No comments:

Post a Comment