Links

Wednesday, October 28, 2020

Bóng Ngoại



 ________________

TRẦN BANG THẠCH

1.

Khi chiếc xe buýt ra khỏi khuôn viên nhà thờ thì trời bắt đầu tối. Chiều Thứ Năm, xe buýt khởi hành hơi trễ nên xa lộ 45 đi về hướng Dallas không bị kẹt xe. May mà suốt ngày hôm nay trời nắng tốt. Những hôm trước thì mưa cả ngày. Nghe ra dô nói có cơn bão khác ở ngoài khơi vùng biển xa, đang thổi vào đất liền, sức gió rất mạnh. Chuyến hành hương nầy sẽ làm ông bà An  vắng nhà mấy hôm. Bão thì bà An không sợ vì nhà ở cách biển gần năm mươi dặm; mấy lần bão lớn trước, vùng Tây Bắc của Houston này chỉ bị bão liếm sơ sơ một chút. Nhưng nếu mưa nhiều quá nước vô nhà thì nguy lắm...Giông bão sẽ làm thiệt hại khu vườn rau quả của bà. Nhưng điều làm bà An lo nhứt là lo cái dây bầu sau vườn. Mưa to, gió lớn biết dây bầu có chịu thấu hay không. Công lao của thằng cháu ngoại Tony từ mấy tháng nay đó. Tony làm cỏ, dọn đất rồi ương hột. Một cái hột nhỏ xíu bằng móng tay út của nó; dẹp lép, khô khốc vậy mà từ đâu dưới lớp đất chui lên mầm xanh, rồi lá xanh, rồi nụ, rồi bông, rồi trái…

Từ lúc thấy cái lá đầu tiên nhú lên, thằng Tony vui quá quên ăn, quên chơi. Nó nói đó là magical! Hơn 9 tuổi rồi mà có khi nào nó thấy hiện tượng này đâu. Hình như Tony lớn theo độ lớn như thổi của dây bầu. Mỗi ngày sau khi làm bài xong nó ra vườn săn sóc dây bầu, nhổ cỏ, tưới nước. Nắng che, mưa đậy. Nó không cho ai rớ tới dây bầu của nó. Nó muốn tự  chăm lo sản phẩm xanh của nó vươn lên từ đất và từ công khó của nó.

Nó đếm từ cái lá xanh. Đếm từ cái bông trắng. Trái bầu xanh non đầu tiên thòng xuống lỗ mắt cáo của cái giàn. Trắng xanh, nõn nà. Tony khoe với mọi người. Mỗi chiều, trước khi lên xe theo mẹ về nhà Tony không quên chạy ra vườn xoa xoa trái bầu từ giã. Nhìn cháu vui với thành quả của nó ông bà ngoại cũng thấy lòng mình rộn ràng vui theo.

Không biết có phải vì Tony cứ tới lui chăm sóc hoài nên dây bầu làm nũng,

 

không chịu sanh thêm trái nào nữa. Trái bầu duy nhứt càng ngày càng bự, bụng phình, thân dài. Tony vui lắm. Nó coi đây như là một công trình vĩ đại mà nó chưa từng nghĩ là nó sẽ làm được. Thằng cháu vui bao nhiêu thì ông bà ngoại vui gấp chục lần.

Bà An nhớ lại câu chuyện giữa hai bà cháu mấy tháng trước. Đó là vài ngày sau khi bãi trường.

-Ngoại ơi, hè nầy ba đi làm xa, mẹ không dẫn con đi đâu hết. Ở nhà hoài, buồn chết! Chơi game thì ông ngoại không cho. Tối ngày biết làm gì đâu.

-Để ngoại tính cho con nghe. Con có muốn gởi tặng cô giáo Linda của con một tấm hình thật đẹp hông?

-Thì năm nào đi nghỉ hè xa con cũng đều gởi về cô giáo những ảnh chụp  nơi con đã đi qua. Ảnh nào cũng đẹp hết.

-Ậy, tấm ảnh nầy sẽ là tấm ảnh đẹp nhứt. Ảnh chụp con đứng bên cạnh trái bầu do con trồng. Chắc chắn cô giáo con sẽ vô cùng ngạc nhiên và thán phục. Không biết chừng có người sẽ đem tấm ảnh đăng báo nữa đó con!

-Trái bầu? Trái bầu ra làm sao hả ngoại ?

 -Ừ, trái bầu là như vầy, như vầy nè.

Bà An dùng 2 ngón tay trỏ vẽ trong không gian trước mắt Tony hình dáng của trái bầu. Rồi bà An chậm rãi phác họa một tấm ảnh độc đáo bằng lời: Tony đứng dưới giàn bầu xanh tươi, tay nó ôm trái bầu dài cả thước, tròn, mập cỡ bắp vế của nó. Thằng Tony nghe mà chưa hình dung được hình ảnh nầy. Nó chưa thấy trái bầu lần nào. Nhưng nó lờ mờ hiểu: bà nó muốn tự nó làm ra thức ăn. Tony từng thấy bà nó đã tạo ra cả một vườn rau tươi tốt sau nhà. Nó cũng nhớ là năm ngoái bà nó trồng những dây bí rợ bò trên cỏ ở vườn sau, lá to như cái quạt, xám xanh. Chỉ qua đêm nó đã thấy những bông màu vàng, chen giữa lá, chạy dọc theo dây bí, giống như một hàng sao trời rớt xuống từ đêm qua. Rồi những trái bí màu cam xậm xuất hiện như một phép lạ. Nó biết đôi tay của bà đã làm ra những bí, những khổ qua, những cà chua, những rau, ớt, bạc hà…Các bữa ăn ở nhà ngoại lúc nào cũng có rau tươi từ khu vườn rau của ngoại. Tony ăn riết rồi thành quen. Những ngày cuối tuần ở nhà ba mẹ, có lúc Tony bỗng thèm một tô canh chua bạc hà nấu với rau muống, rải lên những lát nhỏ rau ngò om, rau cần dày lá và ngò gai. Thơm ngon không chịu được! Còn canh rau đay nhơn nhớt thì lúc đầu Tony không ăn được, sau rồi cũng thèm, đâm ra ghiền.

-Ngoại ơi, con sẽ làm được. Con sẽ trồng bầu. Bầu sẽ ra trái. Con sẽ ôm trái bầu chụp hình rồi gởi cho cô Linda.

Thế là dự án bắt đầu. Bà An cũng bắt đầu dự tính những công việc sắp tới của mình. Bà tính trong những tháng hè, ông bà sẽ dạy thằng cháu học toán và tiếp tục học chữ Việt. Chữ nghĩa ông bà không nhiều nhưng cũng đủ trình độ toán lớp bốn, lớp năm. Dạy chữ Việt thì chính là nghề tay trái của bà. Mẹ thằng Tony và các cậu của nó ai cũng biết đọc và viết suông sẻ chữ Việt từ lúc mới sáu, bảy tuổi. Bà An còn tính dạy nó thuộc lòng thêm vài trăm câu ca dao tục ngữ nữa. Lại còn những bài hát tuổi thơ, phải dạy nó mới được. Hôm trước ông bà tìm mua được tập Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp đồng ấu, ông bà sẽ dạy thằng cháu đọc từng bài. Chắc  chắn thằng cháu ngoại của bà sẽ bận rộn lắm. Ba tháng nghỉ hè tuy dài, nhưng bà An không biết có đủ để ông bà thực hiện hết những dự tính không. Nhứt là dự tính về tấm ảnh thằng Tony đứng bên trái bầu của nó.

 

Trời bây giờ đã tối hẳn rồi. Trong xe, những câu chuyện đã thưa dần. Ông bạn hăng say kể chuyện khắp thế giới biểu tình theo hành trình rước đuốc của thế vận hội Bắc Kinh ngồi sau lưng bà An chắc đã ngủ. Nhiều người trong xe đã bắt đầu nhắm mắt. Bên cạnh bà, ông An cũng đang lim dim. Ông tài xế nhìn phía trước, chăm chú lái, không nói một lời. Xe đi vào vùng tối trước mặt. Bà An cố ngủ một chút nhưng tự nhiên trước mắt bà hiện ra hình ảnh trái bầu xanh non treo lủng lẳng trên giàn. Rồi liền đó cơn bão ụp tới, trái bầu lắc lư trong cơn gió mạnh, oằn oại dưới mưa bão. Rồi hình ảnh giàn bầu gãy cụp, nát vụn nằm yên trên cỏ, trái bầu thì đã bay đâu mất. Bà An thấy ánh mắt buồn hiu của thằng cháu ngoại đứng một mình giữa khoản đất trống không, dưới chân là nước ngập, trôi lềnh bềnh những cành cây gẫy, lá vụn và rác rưởi. Bà An cố nhắm mắt để xua đuổi hình ảnh ấy. Nhưng không biết sao mắt bà ráo hoảnh. Bà An biết những ngày Đại Hội Thánh Mẫu sắp tới tại Carthage sẽ rất bận rộn, nhộn nhịp, không ai có thể ngủ được. Đây không biết là lần thứ mấy ông bà An tham dự chuyến hành hương về Missouri này. Những năm trước, khi ông An còn khỏe mạnh, ông bà tự lái xe đi. Từ 3 năm nay, ông An không còn lái xe được do chứng bịnh run rẩy chân tay nên ông bà cùng đi chung xe buýt với nhiều người khác, hầu hết là già cả. Ai không biết chớ mỗi năm ông bà An nôn nóng chờ  ngày hành hương này, mọi chuyện khác đều phải gác lại. Chuyến hành hương nào cũng đông vui và thật nhiều ý nghĩa.

Vui nhưng bà An không khỏi nhớ thằng cháu ngoại khi phải xa nó vài ngày. Nhớ nó rồi nhớ cơn bão sắp tới, nhớ trái bầu đong đưa trước gió. Mưa sa, bão táp có làm mất đi nỗi vui và niềm hy vọng của thằng cháu ? Nói dại, một ngày nào thằng Tony rời khỏi vòng tay ông bà, những cơn mưa bão nào của dòng đời, của xã hội sẽ làm cho nó đi xa, sai đường, mất hướng ? Đúng là hết lo cho con, giờ lo tới cháu ! Lo cho tới chết vẫn còn lo !

Đến đây thì bà An không còn muốn suy nghĩ gì nữa, bà muốn giữ trọn niềm tin và niềm vui suốt chuyến đi. Biết mình không ngủ được nhưng bà An cũng nhắm mắt để tịnh dưỡng.

2.

Có người trong xe nghe một tiếng nổ thật to. Sau đó người ta thấy một chiếc buýt nằm nghiêng trên mép bờ con lạch dưới cầu. Hàng đoàn máy bay trực thăng và xe cấp cứu đổ tới hiện trường. Tiếng chong chóng trực thăng bành bạch. Tiếng còi cấp cứu inh ỏi. Tiếng la. Tiếng khóc. Tiếng khóc. Và tiếng khóc...

 

 

3.

 

Buổi học đầu tiên chấm dứt. Thằng bé thật khó khăn lắm mới tìm được chiếc buýt của nó. Từ ngày vào lớp Pre-K đến nay, đây là ngày đầu tiên nó đi học bằng school bus. Suốt bốn năm qua thì bà ngoại lái xe đưa đón nó hàng ngày. Đi học xong là về nhà ngoại, ăn uống, tắm rửa, làm bài...đợi chiều tối mẹ rước về nhà. Mọi chuyện có ngoại lo hết. Ngoại xem bài bé làm trong lớp, ngoại kiểm soát điểm hạnh kiểm, ngoại nhắc bé làm bài, nhắc bé học. Hai ngày cuối tuần thì bé không đến nhà ngoại, nó đến sân tập đá banh hay đến nhà thờ tập võ ; nhiều lúc ông bà ngoại cũng đến xem, các cậu, các chú cũng đến. Sau đó cùng nhau đi nhà hàng ăn cơm tối. Gia đình vui hết sức.

Hôm nay thì mọi chuyện đã đổi khác. Thật sự thì đã có nhiều cái khác thường từ gần nửa tháng nay. Từ ngày bà ngoại bé không về nhà nữa.

Xe dừng trước nhà, thằng bé uể oải bước xuống chiếc buýt vàng. Ông ngoại ngồi đợi nó ở cửa. Tay chân ông vẫn run run như mọi ngày. Chiếc băng trắng quấn quanh đầu như vành khăn tang. Ông đón bé trong vòng tay. Ông không nói với nó lời nào. Ông và bé cùng mang một nỗi buồn như nhau. Nỗi buồn quá lớn. Ông nó đã cạn hết nước mắt. Nó cũng không còn nước mắt để khóc.

Bé bước vào nhà, dừng trước ảnh bà ngoại trên bàn thờ, dưới tượng Đức Mẹ, khoanh tay cúi đầu thật thấp. Nụ cười, ánh mắt của ngoại vẫn vui như ngày nào mỗi khi bé cúi đầu chào ngoại tại cửa trường trước khi lên xe ngoại về nhà. Bé thấy ngoại quanh quẩn đâu đây. Nơi phòng khách. Nơi nhà bếp. Đâu đâu cũng có bóng ngoại. Ngoại lái xe đưa bé đi học rồi đón bé về. Ngoại với cái kiếng xệ xuống sống mũi lật từng trang bài vở của bé. Ngoại dọn cơm, bắt bé phải ăn nhiều cơm, ăn nhiều rau cải. Thấy ống quần của bé cao khói mắt cá chân, ngoại cười vui nói bé lớn mau như thổi, rồi ngoại mang kim chỉ ra xuống từng cái lai quần cho bé. Có lúc mê đọc sách, tới chương trình hoạt họa The Simpsons trên TV ngoại phải nhắc bé. Ngoại, ngoại là cả cái nhà nầy. Ngoại là cả cái sân trước với những hoa những kiểng. Ngoại là cả cái sân sau với rau quả, cây trái. Ngoại là cả khung trời thơ ngây ngọt ngào của bé. Ngoại là vùng trời yêu thương của bé.

Vậy mà bây giờ ngoại đã đi đâu mất. Bé đã hoàn toàn mất ngoại rồi. Mất ngoại rồi. Người ta đã chở ông bà ngoại từ Sherman tới nhà thương Parkland Memorial ở Dallas, từ phòng cứu cấp tới phòng giải phẫu. Rồi ông ngoại được đưa tới lầu 5 của Orthopedics, Rehabilitation and High Risk Pregnancy. Bà ngoại thì được trực thăng tiếp chuyển tới Baylor ICU. Từ đó thì bà ngoại đã ra đi. Xuất viện, ông ngoại về nhà, thẫn thờ như người mất trí. Có bé ở đây mà ông coi như không. Ông hay ngồi bất động hàng giờ  trên sofa, mắt hướng về tượng Đức Mẹ trên vách nhà. Bé thương ông ngoại của bé quá. Càng nhìn ông ngoại, bé càng muốn khóc.

Bé bước ra vườn sau. Gần hai tuần nay bé đâu có dịp ghé đây. Bé theo cha mẹ tới các nhà thương thăm ngoại, rồi tới nhà quàn, tới thánh đường làm lễ an táng bà ngoại. Ô kìa, trước mặt bé bây giờ là một hình ảnh khó mà tưởng tượng nổi: trái bầu của bé thòng gần tới đất, da xanh màu ve chai với những đốm trắng. Bé nhớ tới tấm ảnh ngoại đã vẽ tưởng tượng trước mặt nó hôm nào: tấm ảnh bé ôm trái bầu to gởi tặng cô giáo Linda.

 

4.

Tony đón cô giáo Linda tại chỗ đậu xe của các giáo viên. Nó cúi đầu thật thấp chào cô Linda rồi trao cho cô cái phong bì nói là tặng cô một tấm ảnh. Năm nay cô giáo Linda không dạy Tony, đứa học trò rất giỏi và rất ngoan của cô ở lớp Hai năm trước và ở lớp Ba năm rồi. Cô Linda có nghe tin về tai nạn thảm khốc ấy và đã gởi thư chia buồn với gia đình Tony. Thầy Hiệu Trưởng cũng đã đến thánh đường dự tang lễ chung của những người quá cố trong tai nạn ở Sherman. Cô Linda đã nhiều lần gặp bà Nguyễn tại trường. Lúc đầu nghe cô giáo gọi họ Nguyễn của mình hơi khó nên bà Nguyễn nói cô cứ gọi là bà An cho dễ. Nhưng lần hồi Cô Linda và vài giáo viên khác cũng phát âm tên bà rất trúng.

Mỗi khi có những cuộc họp giữa phụ huynh và nhà trường thì đều có mặt của bà Nguyễn. Bà không nói được nhiều tiếng Anh, nhưng mỗi lời nói của bà là một đề nghị xây dựng hữu ích cho nhà trường, mỗi lời khích lệ của bà là mỗi niềm vui cho thầy cô giáo. Những khi nhà trường có lễ lạc, bà Nguyễn là người tình nguyện đầu tiên. Bà có thể làm đủ thứ việc, từ lau bàn lau ghế đến việc xếp từ lá thư bỏ vào phong bì, dán từng con tem. Nhiều thầy cô giáo khi gặp bà Nguyễn tại trường, bà chỉ cúi đầu nhỏ nhẹ nói Thank you, một cử chỉ biết ơn và biết quí trọng thầy cô mà hiếm khi Linda thấy trong suốt hơn 10 năm dạy học của mình. Cô Linda còn nghe nói bà Nguyễn đã đề nghị với nhà trường từ niên khóa nầy cho bà tình nguyện làm người cầm bảng STOP đứng chận xe cộ trên con lộ phía trước trường vào mỗi buổi sáng trước giờ học sinh vào lớp. Người đàn bà nhỏ nhắn mà có tấm lòng thật rộng và vô cùng cao cả. Tiếc là bà đã vội vã ra đi, để lại bao nhiêu tiếc thương cho người ở lại.

 

 

 

Về đến nhà cô giáo Linda cẩn thận cắt phong bì, lấy ra một tấm ảnh: Ảnh chụp bé Tony đứng dưới một giàn lá xanh, hai tay ôm ngang một trái gì có hình dáng như một cái chai khổng lồ, da xanh như ngọc thạch. Kèm theo một tấm giấy ghi mấy dòng chữ: “Trái bầu nầy là thành quả trong mấy tháng hè của con. Bà ngoại con đã dạy con làm việc nầy. Trong ảnh cô sẽ không thấy bà ngoại con đâu, nhưng con biết bà con đang đứng sau lưng con đó, thưa cô”. Mấy chữ ngắn ngủi đã làm Linda rơi nước mắt. Phải, bà Nguyễn chắc chắn là đang đứng sau lưng Tony, bà sẽ suốt đời đứng sau lưng đứa cháu ngoại cưng của bà, đứng sau lưng suốt đời nó. Linh hồn trong sáng của bà sẽ nâng đỡ Tony, dìu nó đi suốt hành trình làm người của nó. Tự dưng cô Linda cảm thấy nơi nào trong khung viên trường Klein Elementary School nầy cũng có bóng dáng người đàn bà Việt Nam thiện nguyện tuyệt vời nầy. 

No comments:

Post a Comment