Links

Thursday, October 1, 2020

Dâu

 

_____________________



Lâu rồi không còn thèm thuồng trái dâu chín mọng, trái dâu một thuở Đà Lạt êm đềm. Ngày ấy dâu là món đắt tiền phải vào dịp đặc biệt mới dám mua, chẳng nhớ dâu được trồng ở xó xỉnh nào trên Đà Lạt, chỉ nhớ mận Trại Hầm, những trái mận chua chua màu xanh, khó lắm mới có cây cho vị ngòn ngọt, gần đến hạt trái có vị đắng làm mất cả ngon, sau này các cô gái Đà Lạt tỉ mỉ dùng dao lam khứa mỏng trái mận làm mứt, mứt mận ngon và đẹp vì công ngồi cắt vòng, ngâm cho ra hết vị chua vị đắng, để tẩm đường vào, trái mận màu xanh vàng biến thành màu đỏ hổ phách thơm tho. Khu đập Đa Thiện – ấp Thái Phiên người ta trồng cà rốt, đến mùa thu hoạch, trước khi đem ra chợ bán, dân buôn mang cà rốt xuống bờ hồ, gần cầu Ông Đạo rửa cho sạch đất cát trước khi đóng hàng gởi về Sài Gòn bán. Khu Nha Địa Dư, chuyên trồng rau xà lách, loại lá lụa từng búp để ăn với thịt bò xào, loại cứng lá nhúng nhai giòn sần sật thuở ấy được người Đà Lạt ăn kèm với phở thay giá, bông cải cũng được trồng ở khu này. Ấp Du Sinh hình như trồng khoai tây, cà rốt và đủ mọi thứ.

Sang được Mỹ những năm đầu mê man ăn dâu, mùa hè đội nón đi hái dâu trong vườn vui tở mở, bao nhiêu người sang Mỹ từ 1975 khởi đầu sự nghiệp bằng nghề hái dâu, hái mận, hái đào theo thời vụ, sau này không ai thèm thuồng các thứ trái cây mình phải còng lưng hái tính công theo từng thùng, từng sô người chủ định giá. Người sang sau, không khởi đầu bằng những nghề khó nhọc ấy, nhờ vào các bạn đi trước hướng dẫn, chỉ nghe kể là chính. Những lần đi chơi xa, ghé vào các sạp hàng dựng bên đường mua trái cây, nhìn những người Mễ hái dâu dưới nắng gắt mà thương.
Nhớ trái dâu ngày xưa nhỏ bằng ngón tay cái, trái không mọng như dâu nơi này, mùi thơm ngào ngạt, về Sài Gòn chơi món quà được thích là trái dâu và trái hồng, ngồi xe đò chật như nêm hai tay ôm hộp dâu, hộp hồng vào lòng như nâng trứng, nhiều khi trời nóng quá, về đến nơi trái bị dập thật tội. Kể lể thế này ai không sống thời 1970 sẽ thấy lạ, họ không sao nghĩ ra kiểu xe con cóc, con heo chạy chậm chạp, không có máy lạnh, nắng nóng người đông, đường dài 400 km, ngồi trên xe một ngày đường là thường, có khi đi từ sáng sớm tối mịt mới đến được cầu Bình Triệu.
Trái dâu tây được pha chế thành trăm ngàn thứ để ăn, từ kem đến bánh đến kẹo, trộn rau sống người ta cũng cho dâu vào, dâu đẹp thơm sang trọng từ Việt Nam, sang đến Mỹ chỉ là món trái cây bình dân mùa hè.

Các bà mẹ chồng thường nói chuyện về dâu chua dâu ngọt, dâu thơm dâu xú, dâu đẹp dâu đèo, các câu chuyện tưởng như không ngưng để cân bằng với các câu chuyện con dâu kể lể về các bà. Chẳng có gì lạ khi sống trong một quốc gia mà nền nông nghiệp là cội rễ, thì con dâu con rể là nguồn năng lực tạo thành của cải, con trai nhà nghèo phải đi ở rể nhà phú hộ, con gái nhà nghèo bị gả bán trừ nợ lúa cho phú ông. Người bắt nạt người, kẻ giàu có chèn ép kẻ nghèo hèn. Sự giáo dục chịu đựng câm nín, “nhất nam viết hữu – thập nữ viết vô!” đàn bà tính một đàn ông tính mười, nhất là nền tảng gia đình chấp nhận trai năm thê bảy thiếp khiến phụ nữ quen nuốt bồ hòn làm ngọt.
Từ những cay đắng ngày tuổi trẻ, đến khi lớn tuổi con trai lập gia đình, nỗi cay đắng tuôn ra lập lại trên các nàng dâu vì sống chung theo kiểu đại gia đình.
Bài hát trào phúng của Duy Nhượng do ban AVT trình diễn – Ba Bà Mẹ Chồng có đoạn mở đầu

Tôi nghĩ đến chuyện đời dang-dở kể tự thời ông Bành Tổ về sau,
Con người ta ăn ở với nhau khác nào như thể nàng dâu với mẹ chồng.
Nàng dâu hay kể xấu mẹ chồng, như Nga với Mỹ rõ một lòng thương nhau.

Còn mẹ chồng thì sao?

Còn mẹ-chồng lại tố-khổ nàng dâu, như hai cô ca-sĩ có khen nhau bao giờ.

Câu chuyện mẹ chồng nàng dâu bây giờ nhắc lại có vẻ không còn hợp thời nữa, nhân loại tiến bộ, con người được giải thoát ra khỏi mọi giáo điều ngày xưa có vẻ như thực tế, nay trở thành mơ hồ, phụ nữ đã tự tháo cũi sổ lồng từ năm 1970, ngang ngửa với đàn ông về mọi mặt.
Thanh niên thời nay nghe danh từ “mother in law” chẳng có gì để sợ hãi, phải thì liên lạc không phải thì gởi thiệp mỗi mùa lễ là xong, có cháu ngoại nội mỗi Giáng Sinh gởi hình cho ông bà biết mặt, con trai con gái khi lập gia đình rồi cha mẹ đôi bên thành hai vị khách, các cô có kiến thức rộng có khả năng lèo lái cuộc đời có gì phải sợ hãi cảnh nuôi con một mình vì chồng bỏ rơi, ngay cả lập lại gia đình mới cũng không có gì là “kinh khủng khiếp!”

Bây giờ các bà dâu xồn xồn vào tuổi quá xuân thì, có bà lên ngai nội – ngoại bỗng dưng giật mình lâu nay tại sao mình dại dột quá, phải chịu đựng mẹ chồng, không ít mẹ chồng mẹ vợ hồi nào giờ dâu rể chỉ nghe kể, gởi tiền biếu ăn quà, nay được bảo lãnh sang Mỹ đoàn tụ vào ra thấy mặt, không ở chung thì phải thăm nom chăm sóc. Mẹ chồng mẹ vợ bản tính xưa còn nguyên, thích nhắc nhở dạy dỗ dâu rể bằng những kiến thức cổ lỗ, đôi khi có phần ghen với con trai, binh vực con gái nên trái dâu ngọt thành chua, thức ăn ngon quí thành đắng. Mẹ vợ ngại không nói thẳng với con rể, nói nhỏ với con gái để con gái “sửa” chồng, mẹ chồng thì mạnh miệng hơn bắt ne bắt nét con dâu thế là sóng ngầm, gió dấu, tình yêu vợ chồng không còn đủ để gắn bó chịu đựng nhau thế là chén ngọc bao năm bị rạn vỡ từ từ.

Nghe lời anh bạn đến tuổi về hưu than thở, vì mẹ mà gia đình tan vỡ, người vợ tự thuở hàn vi bỗng một ngày xách va li ra đi, sau khi hai con đã lớn vào đại học. Các ông bị mang tiếng ham chua, thích gà, mê man cam bưởi gì không biết nhưng khi tuổi xế phần đông chung tình chỉ mong một mái gia đình yên ấm, có một số phụ nữ muốn níu kéo thuở xưa đã mất không ngại tay phá bỏ chiếc kén gia đình, bước ra khỏi đám đất vướng víu bao năm thử xem trời cao đất rộng đến dường bao?

Phong thổ ảnh hưởng đến con người hay con người chuyển lay phong thổ! Những nhánh dâu tây trồng trên đất Việt, những nàng dâu ngự trị trời Tây cả hai cùng mang nỗi niềm như nhau, mận chua đất Việt khéo léo tỉa ngâm thành mứt đẹp thơm. Dâu Việt đất Tây khéo léo hòa trộn kiến thức, đối xử hài hòa hẳn đắng cay chua chát cũng loãng dần đi, đọng lại là mái ấm khói lam chiều ra vào đôi mái đầu cùng bạc.
Ly dâu ướp đường đá làm dịu cơn nóng hơn trăm độ ngoài sân, đóa hồng cháy cong vẫn còn nét đẹp tuần rồi

No comments:

Post a Comment