Links

Tuesday, November 3, 2020

Nhạc sĩ Hoàng Quý và 'cô láng giềng' bị tiếng oan phụ bạc

 


Trong ca khúc "Cô láng giềng" của nhạc sĩ Hoàng Quý có lời hát: "Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo.. Chân bước phân vân lòng ngập ngừng. Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao. Tôi biết người ta đón em tưng bừng… Cô láng giềng ơi/ Nay mối duyên thơ đành đã lỡ rồi/ Chân bước xa xa dần miền quê/ Ai biết cho bao giờ tôi về…"



Nhiều thế hệ nghe nhạc vẫn ngỡ rằng, "cô láng giềng" đã phụ tình chàng trai lãng mạn. Thực tế, "Cô láng giềng" có một mối tình rất đẹp!

Nhạc sĩ Hoàng Quý (1920-1946) là thủ lĩnh của nhóm nhạc Đồng Vọng nức tiếng ở Hải Phòng một thời. Thân phụ của nhạc sĩ Hoàng Quý vốn là một thầy lang từ Quốc Oai - Hà Tây ra đất cảng lập nghiệp, nên tuổi thơ Hoàng Quý gắn với những địa danh Hàng Kênh, Cầu Đất, Tam Bạc…

Khi phong trào tân nhạc bắt đầu bùng nổ, nhạc sĩ Hoàng Quý cùng với các nhạc sĩ Canh Thân, Văn Cao, Tô Vũ, Phạm Ngữ… lập nên nhóm Đồng Vọng và làm nên một dấu son trong dòng âm thanh tiền chiến.

Nhạc sĩ Hoàng Quý là học trò của nhạc sĩ Lê Thương ở Trường trung học Lê Lợi - Hải Phòng. Khi biết ý định ra mắt nhóm Đồng Vọng của nhạc sĩ Hoàng Quý, nhạc sĩ Lê Thương với tư cách ân sư đã đứng ra làm cố vấn về chuyên môn.

Sau này, trong các cuộc trò chuyện về nghệ thuật, nhạc sĩ Lê Thương gọi nhóm Đồng Vọng bằng cái tên thân mật là "nhóm hip=pi tiền chiến", đồng thời bộc bạch chính sức trẻ và tinh thần dân tộc của nhóm Đồng Vọng đã thôi thúc ông viết bản trường ca bất hủ "Hòn vọng phu". Mùa hè năm 1939, nhóm Đồng Vọng có buổi biểu diễn chào sân tại Nhà hát Hải Phòng.


Nhạc sĩ Hoàng Quý tham gia cách mạng và nổi lên với những bản nhạc hùng tráng như"Bên sông Bạch Đằng", "Nước non Lam Sơn", "Bóng cờ lau", "Tiếng chim gọi đàn"…

Ngoài ra, nhạc sĩ Hoàng Quý còn theo đuổi dòng nhạc trữ tình mang âm hưởng dân ca, mà tiêu biểu là bài "Chiều quê" được viết vào năm 1941, với mơ ước thanh bình: "Sáo diều êm nào khác lời thơ/ Lúa vàng reo ngàn muôn sóng nhấp nhô/ Ôi chiều quê chiều sao xiết êm đềm/ Nhìn xem tơ khói vương chờ giây phút mến thương/ Trông người ra ngồi hay đứng bên thềm/ Chuyện trò chung với nhau đời sống thần tiên…".

Nói về nhạc sĩ Hoàng Quý và nhóm Đồng Vọng, nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng: "Đánh giá Hoàng Quý không nên chỉ thu hẹp vào những sáng tác của ông, bởi vì sự hoạt động cho nền nhạc hùng còn là một điều khiến chúng ta phải ghi nhớ và ghi ơn. Ông là linh hồn của đám nhạc sĩ trẻ ở Hải Phòng, thúc đẩy mọi người sáng tác và ông làm cho những sáng tác đó có một đời sống hẳn hoi, nghĩa là in ra, hát lên trong những sinh hoạt hướng đạo hay học sinh của ông".

Còn nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thuỵ Kha chia sẻ: "Từ cuối năm 1943 đến tháng 2-1945, Hoàng Quý đã tập hợp được ngót 100 bài hát tươi sáng, khởi động lịch sử và dựa vào NXB Lửa Hồng cho in, phổ biến nhiều tập nhạc Đồng Vọng.

Nhiều bài hát của Hoàng Quý cũng như Văn Cao, Hoàng Phú, Phạm Ngữ đã được biết đến ở Hải Phòng rồi loang rộng ra khắp đất nước. Có người đã ví Hoàng Quý trong nhạc như Nguyễn Nhược Pháp trong thơ. Cả hai đều tươi sáng, hồn nhiên rũ sạch ủy mị lãng mạn và buồn nản.

Tuy nhiên, nhắc đến nhạc sĩ Hoàng Quý hôm nay thì công chúng ưu ái nhắc đến ca khúc "Cô láng giềng".. "Cô láng giềng" có phải một sản phẩm tưởng tượng không?

Không, nhân vật trong bài hát có nguyên mẫu thực sự ngoài đời. Đó là thiếu nữ tên Oanh quê gốc Thủy Nguyên - Hải Phòng, vừa xinh đẹp vừa hát hay. Hầu hết những ca khúc của nhóm Đồng Vọng đều do cô Oanh hát thử lần đầu tiên. Trong nhóm Đồng Vọng có đến ba người cùng ngưỡng mộ Oanh là nhạc sĩ Hoàng Quý, nhạc sĩ Văn Cao và ca sĩ Kim Tiêu.

Cô Oanh từng là cảm hứng để nhạc sĩ Văn Cao viết ca khúc "Bến xuân" dạt dào: "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/ em đến tôi một lần…/ Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân/ Mắt em như dáng thuyền soi nước. Tà áo em rung theo gió nhẹ thẹn thùng ngoài bến xuân…".

Chính nhạc sĩ Văn Cao trong bộ phim chân dung "Văn Cao - Giấc mơ đời người" do Hãng phim Trẻ sản xuất năm 1995, đã thừa nhận: "Ngày xưa tôi có thầm yêu một người con gái mà không dám nói ra. Nhưng người ấy hiểu lòng tôi và đến với tôi. Vì thế nên mới có câu hát "Em đến tôi một lần" và có bài hát này!". Vì sao "em đến tôi một lần"? Vì sao đó trái tim Oanh đã gửi trao cho nhạc sĩ Hoàng Quý.

Cho nên, dù ca khúc "Bến xuân" nao nức "nghe réo rắt tiếng Oanh ca" thì chỉ còn dư âm xao xuyến: "Nhà tôi sao vẫn còn ngơ ngác? Em vắng tôi một chiều/ Bến nước tiêu điều còn hằn in nét đáng yêu/ Từng đôi chim trong nắng khe khẽ ru/ Lệ mùa rơi lá chan hòa…/ Người đi theo mưa gió xa muôn trùng/ Lần bước phiêu du về chốn cũ/ Tới đây mây núi đồi chập chùng/ Liễu dương tơ tóc vàng trong nắng/ Gột áo phong sương du khách còn ngại ngùng nhìn bến xưa".

Ca khúc "Bến xuân" được nhạc sĩ Văn Cao viết năm 1942, có thể là mốc thời gian để xác định mối tình nhạc sĩ Hoàng Quý dành cho cô Oanh cũng đã nảy nở từ lúc này. Năm 1943, nhạc sĩ Hoàng Quý lên Sơn Tây làm quản lý trang trại bò cho một người bà con.

Su cách ngăn làm nhớ nhung dâng đầy, và nhạc sĩ Hoàng Quý đã viết ca khúc "Cô láng giềng" để tặng cô Oanh: "Hôm nay trời xuân bao tươi thắm/ Dừng bước phiêu du về thăm nhà/ Chân bước trên đường đầy hoa đào rơi, tôi đã hình dung nét ai đang cười… / Tôi mơ trời xuân đôi môi thắm/ Đôi mắt nhung đen màu hạt huyền/ Làn tóc mây cùng gió ngàn dâng song/ Xao xuyến nỗi niềm yêu…/ Cô láng giềng ơi/ Tuy cách xa phương trời tôi không hề, quên bóng ai bên bờ đường quê/ Đôi mắt đăm đăm chờ tôi về…".

Nhạc sĩ Tô Vũ - em ruột của nhạc sĩ Hoàng Quý, lúc sinh thời đã kể rằng: "Anh Hoàng Quý có vóc dáng dong dỏng cao, rất khôi ngô. Xung quanh anh Hoàng Quý luôn có rất nhiều bóng hồng, nhưng anh Hoàng Quý chỉ say đắm mỗi cô Oanh! Mọi người trong gia đình tôi đều ra sức vun đắp cho họ!".

Nhạc sĩ Hoàng Quý chỉ ở Sơn Tây có 6 tháng, rồi nằng nặc đòi về vì không thể sống xa cô Oanh. Trên hành trình từ Sơn Tây quay lại Hải Phòng, nhạc sĩ Hoàng Quý đã ghé thăm nhạc sĩ Tô Vũ ở Hà Nội, và đưa cho em trai xem ca khúc "Cô láng giềng".

Nhạc sĩ Tô Vũ rất thích giai điệu của "Cô láng giềng" nên xin phép anh trai cho viết thêm lời 2 của ca khúc. Tất nhiên, nhạc sĩ Hoàng Quý không có gì phải ích kỷ với em trai.

Vì vậy, ca khúc "Cô láng giềng" có thêm lời hát: "Trước ngõ vào sân vang tiếng pháo/ Chân bước phân vân lòng ngập ngừng/ Tai lắng nghe tiếng người nói cười xôn xao/ Tôi biết người ta đón em tưng bừng… / Đành lòng nay tôi bước chân ra đi/ Giơ tay buồn hái bông hoa tường vi/ Ghi chút tình em nói chờ đợi tôi/ Đừng nói đến phân ly… / Cô láng giềng ơi/ Nay mối duyên thơ đành lỡ rồi/ Chân bước xa xa dần miền quê/ Ai biết cho bao giờ tôi về?".

Với lời 2 của nhạc sĩ Tô Vũ thì nhiều người hình dung "Cô láng giềng" đã bỏ rơi người thương để lên xe hoa theo cuộc hôn nhân khác..

Nhạc sĩ Tô Vũ trình bày tường tận: "Thật ra lời 2 này không phải là tâm tư của Hoàng Quý mà do tôi hư cấu và Hoàng Quý đã đồng ý. Xem như là một tác phẩm nghệ thuật chứ không phải là sự miêu tả một mối tình có thật, vì thực tế Hoàng Quý không có một bi kịch về tình yêu như nội dung của lời 2!".

Thực tế, sau khi cầm ca khúc "Cô láng giềng" về Hải Phòng, thì nhạc sĩ Hoàng Quý đã làm đám cưới với cô Oanh. Nhạc sĩ Tô Vũ cho biết, trong đám cưới ấy, chính nhạc sĩ Hoàng Quý đã đệm đàn cho vợ mình hát "Cô láng giềng" rất ấm áp, rất ngọt ngào.

Đáng tiếc, hạnh phúc của nhạc sĩ Hoàng Quý và "cô láng giềng" Oanh hơi ngắn ngủi. Năm 1946, nhạc sĩ Hoàng Quý qua đời vì căn bạo bệnh, để lại "cô láng giềng" Oanh goá bụa cùng "đôi mắt nhung đen màu hạt huyền".

No comments:

Post a Comment