Links

Tuesday, November 24, 2020

Nhân Ngày Nhà Giáo Nghĩ về Tinh Thần Tôn Sư Trọng Đạo Ngày Xưa

 

*********************

Lê Nguyễn

Nhân ngày Nhà giáo

NGHĨ VỀ TINH THẦN TÔN SƯ TRỌNG ĐẠO NGÀY XƯA
Quan niệm Quân-Sư-Phụ luôn chi phối mối quan hệ giữa các thành viên trong xã hội xưa, ở đó, sau địa vị của ông vua, người gần như có mọi quyền lực tuyệt đối trong nước, là đến người thầy, sau nữa mới đến người cha trong gia đình. Vị trí của người thầy luôn được tôn trọng, đề cao trong suốt chiều dài của thời đại phong kiến, và bên cạnh những bất cập của một xã hội đang trong tiến trình hoàn thiện dần, người ta vẫn tìm thấy những giá trị tinh thần còn tồn tại đến ngày nay, trong đó có tinh thần tôn sư trọng đạo
***
Trong xã hội xưa, thường có sự phân biệt hai hạng hiển nho và ẩn nho. Hiển nho là những kẻ sĩ thành đạt, bước chân vào hoạn lộ gập ghềnh, thấp cũng chức tri châu, tri huyện, cao ngất ngưỡng có thể lên đến Tổng đốc, Thượng thư. Còn ẩn nho là những kẻ sĩ hoặc đỗ đạt cao nhưng không thích ra làm quan, hoặc không gặp may mắn trên đường khoa cử, năm lần bảy lượt lều chõng đi thi mà vận may vẫn không chịu mỉm cười. Thường những bậc ẩn nho này chỉ thích sống ẩn dật, vui thú cùng túi thơ, bầu rượu, nước biếc non xanh, và phần đông vẫn lấy nghề dạy học vừa làm kế sinh nhai, vừa để truyền bá đạo lý thánh hiền.
Thông thường việc giáo dục ở các làng xã xưa do chính các thầy đồ đảm trách. Nhà thầy có thể không to lớn, khang trang, nhưng phần lớn nhà cửa ở các làng quê đều có sân trước, sân sau, một vuông sân cũng có thể trở thành “trường học”. Với những người có óc giang hồ rày đây mai đó thì chỉ cần quảy một gánh sách thánh hiền đến nương náu tại nhà một điền chủ hay phú hộ nào đó để vừa dạy dỗ đám quý tử của gia chủ, vừa thu nạp thêm học trò ở làng trên xóm dưới. Nhưng cho dù trong hoàn cảnh nào thì địa vị người thầy trong xã hội xưa cũng được tôn trọng đúng mực, điều này thể hiện qua câu “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ cũng thầy, nửa chữ cũng thấy, hay nôm na hơn, như “không thầy đố mày làm nên”.
Trong không khí bàng bạc lễ nghĩa thánh hiền, người học trò ngày xưa phải trải qua những phép tắc lễ nghi tưởng như gò bó, lạc hậu, nhưng thực ra đó là những nhân tố giúp hình thành nhân cách một con người có ích trong xã hội mai sau. Nghi thức đầu tiên mà cậu học trò tóc còn để chỏm sẽ trải qua là lễ nhập môn. Môn là cửa, mà “cửa” đây chính là cửa Khổng sân Trình, nơi gắn chặt với cuộc đời một con người sẽ lấy sở học mà phụng sự xã hội, mang lại hạnh phúc cho mọi người. Lễ nhập môn diễn ra vào một ngày lành tháng tốt nào đó, khi người cha hay người mẹ đưa cậu con trai 6-7 tuổi đến nhà thầy xin thọ giáo. Lễ vật thường là mâm xôi, con gà, be rượu, và cha mẹ cậu học trỏ thường được thầy (và gia chủ) mời ở lại nhâm nhi, nhân tiện bàn về tướng mạo, tính tình của cậu học trò mới.
Trong xã hội xưa, người thầy thực hiện đúng quan niệm “tiên học lễ, hậu học văn”; trong mấy tháng đầu, cậu học trò chỉ được học cách cư xử sao cho hợp với lễ nghi, phong cách như khoanh tay, cúi đầu, chào hỏi, bẩm thưa…đồng thời làm những việc lặt vặt trong trường như quét sân, quét lớp, mài mực cho thầy….Sau giai đoạn học lễ, cậu học trò mới bắt đầu học chữ thánh hiền.
Tại trường học, thầy thường ngồi trên chiếc giường có trải chiếu hoa, bày biện đủ tiện nghi dành cho một thầy đồ, nào là bút, nghiên, tráp, điếu….Học trò ngồi trên những chiếc phản kê sát nhau, có khi cúi người chép bài trên một chiếc chiếu trải lên nền đất. Để giúp thầy quán xuyền mọi việc, thầy phân công hai anh trưởng trường: trưởng trường nội phụ trách mọi việc trong phạm vi trường lớp, và trưởng trường ngoại phụ trách những việc từ cổng trường trở ra.
Việc đền đáp công ơn thầy dạy thường được thể hiện dưới hai hình thức, một là tiền học phí, mỗi năm cha mẹ học trò nộp làm một hay hai lần, cả thảy khoản 4 quan tiền. Nếu thầy dạy học ở một gia đình nào khác thì mỗi năm gia chủ may cho thầy hai quần, hai áo dài, ba áo cộc. Thứ đến là tiền tết thầy vào các kỳ nghỉ trong năm, thường là ba cái Tết: tết Đoan ngọ (mùng 5 tháng 5), nghỉ hơn một tháng để học trò có thời giờ phụ giúp cha mẹ gặt lúa; Tết cơm mới vào tháng 10, nghỉ khoảng một tháng cho vụ gặt, và Tết Nguyên Đán, nghỉ khoảng hai tháng. Trong những kỳ nghỉ này, nếu thầy dạy xa nhà thì tùy hảo tâm, cha mẹ học trò có tiền tết thầy để thầy mua sắm và về quê. Các học trò lớn thường kính cẩn tiễn chân thầy, có khi đưa thầy về đến quê nhà bình yên rồi mới quay trở lại.
Bên cạnh học phí, tiền tết thầy, học trò ngày xưa còn có nghĩa vụ đóng góp “tiền đồng môn” là khoản tiền góp khi cha mẹ thầy, vợ thầy, hay chính thầy qua đời. Người có trọng trách lập danh sách đóng góp khoản tiền này là cậu học trò ngày xưa được thầy phân công làm Trưởng trường nội. Danh sách lập xong, Trưởng trường ngoại thực hiện việc thu tiền và những học trò cũ của thầy, dù đã làm đến Thượng thư, Tổng đốc, cũng đều phải đóng góp sòng phẳng. Thời đó, trốn thuế triều đình còn được dư luận châm chước, chứ trốn tránh việc đóng góp tiền đồng môn bị xem là hành vi vi phạm đạo lý, vong ân bội nghĩa, không thể tha thứ được.
Dưới triều Nguyễn, ở các làng xã nghèo, nhiều người dân không có tiền đóng góp học phí, thầy đồ dạy học không đủ tiền để sống, triều đình đã đặt ra chề độ “học điền” hay còn gọi là ruộng hương học để lấy hoa lợi hỗ trợ đời sống người thầy. Sự chăm sóc đó, dù không phải là nhiều, nhưng chứng tỏ xã hội luôn coi trọng và nghĩ đến công lao đóng góp của người thầy trong việc giáo dục lớp người trẻ.
***
Trong lịch sử nước ta, nhiều kẻ sĩ khi làm quan luôn giữ lòng tự trọng, khi bất phùng thời, trở về làng quê, thì lấy nghề dạy học làm lạc thú cuối đời. Trong số những người như vậy, không thể không kể đến Chu Văn An (1292-1370). Cụ tên là Chu An, được phong tước Văn Trinh công nên người đời sau gọi là Chu Văn An, đỗ thái học sinh (tiến sĩ) nhưng không chịu ra làm quan, dựng nhà trên gò cao, đọc sách, dạy học trò. Vua Trần Minh tông (1314-1329) nghe tiếng, vời cụ ra làm Tư nghiệp trường Quốc tử giám, dạy Thái tử Trần Vượng (sau là vua Trần Hiến tông) học. Đến thời vua Trần Dụ tông (1341-1369), nhận thấy có nhiều quan lại ỷ thế gần gủi nhà vua coi thường phép nước, cụ dâng sớ xin vua chém đầu bảy kẻ nịnh thần (thất trảm sớ). Chờ không thấy sớ được xem xét, cụ trả ấn từ quan, về núi Chí Linh, dựng nhà tiếp tục dạy học, lấy tên hiệu là Tiều Ẩn.
Năm 1370, nghe tin vua Trần Nghệ tông lên ngôi, cụ lúc đó đã 78 tuổi, cũng chống gậy trúc đến chúc mừng, rồi kiếu từ trở về làng, nhà vua ngỏ ý muốn phong chức gì cũng không nhận. Vua Nghệ tông rất tôn kính, sai quần thần đưa về, không lâu sau, cụ mất. Học trò cụ có hàng trăm người, nhiều người làm quan to như Hành khiển Phạm Sư Mạnh và Lê Bá Quát, nhưng khi trở về làng thăm cụ cũng đều phải lạy dưới giường và đứng khoanh tay hầu chuyện cụ. Học trò cụ ai có điều không phải, cụ trách mắng ngay, có khi không cho bước vào nhà. Các đời vua sau nghĩ đến nhân cách của một kẻ sĩ, một người thầy mẫu mực, đã cho thờ cụ trong nhà Văn miếu.
Thời Nguyễn, cụ Võ Trường Toản cũng là một người thầy mẫu mực, sống ẩn dật, mở trường dạy học và học trò cụ nhiều người hiển đạt như Trịnh Hoài Đức, Ngô Nhơn Tịnh, Phạm Đăng Hưng….làm quan đến chức Thượng thư (Bộ trưởng ngày nay), cụ xứng đáng với danh hiệu “Gia Định xử sĩ sùng đức Võ tiên sinh” do chúa Nguyễn Ánh (sau là vua Gia Long) ban cho.
Thầy đã thế, học trò ngày xưa cũng có rất nhiều câu chuyện về tôn sư trọng đạo mà mỗi hành vi vẫn còn có giá trị của những tấm gương trong sáng cho thế hệ ngày nay noi theo. Cụ Phan Thanh Giản phẩm hàm đến Hiệp biện Đại học sĩ, nhất phẩm triều đình, nhưng mỗi khi đi kinh lý gần quê nhà thầy học cũ, cụ luôn kêu lính khiêng võng ghé lại thăm thầy. Võng còn ở cách nhà thầy một quãng khá xa, cụ đã bước xuống, thân hành đi bộ vào nhà thầy. Chỉ một cử chỉ nho nhỏ như thế đủ nói lên tấm lòng của người học trò tôn kính thấy học cũ đến nhường nào!
Đầu tháng 11 năm 1888, sau hơn ba năm sống gian khổ giữa rừng thiêng nước độc ở Quảng Bình để nêu cao ngọn cờ Cần vương, vua Hàm Nghi sa vào tay giặc Pháp. Trong những ngày bị áp giải về cửa Thuận An, ông nhất mực không chịu nhận mình là vua Hàm Nghi. Nhưng bữa nọ, trong đám đông đứng hai bên đường, vua Hàm Nghi nhác thấy bóng dáng người thầy học, liền vội vàng nghiêng mình kính cẩn cúi đầu chào, thà để lộ chân tướng cố tình giấu giếm hơn là thất lễ với thầy học cũ.
***
Lịch sử các dân tộc khác trên thế giới cũng chứng tỏ rằng tinh thần tôn sư trọng đạo là một tình cảm thiêng liêng vượt ra ngoài biên giới quốc gia, vượt lên trên các hàng rào chủng tộc. Những người thuộc thế hệ sinh ra từ thập niên 1940 trở về trước chắc không thể nào quên bài học trong sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư lớp Dự bị (nay là lớp 2) kể câu chuyện ông Carnot, người Pháp, làm quan to (sau là Tổng thống Pháp), khi về thăm quê nhà, đã ghé lại ngôi trường, nơi người thầy dạy ông năm xưa tóc bạc phơ vẫn còn đứng lớp. Ông đã “chạy ngay lại trước mặt thầy giáo, chào hỏi lễ phép mà nói rằng:”Tôi là Carnot đây, thầy còn nhớ tôi không?” Rồi ông ngoảnh lại khuyên bảo học trò rằng “Ta bình sinh, nhất là ơn cha, ơn mẹ, sau ơn thầy ta đây, vì nhờ có thầy chịu khó dạy bảo ta, ta mới làm nên sự nghiệp ngày nay” (trích)
Thế hệ những người từng học sách Quốc Văn Giáo Khoa Thư ngày xưa nay đều đã thuộc lớp tuổi 70, 80, và hơn nữa, nhiều người đã bạc trắng mái đầu, nhưng mỗi lần gặp lại thầy cô đã từng dạy dỗ mình, họ vẫn ngoan ngoãn, rụt rè, như thuở còn ngồi trên ghế nhà trường, vẫn luôn dành cho thấy cô từng dạy dỗ họ những tình cảm trân trọng, hàm ơn, một phần cũng nhờ ở những tấm gương tôn sư trọng đạo mà họ đã học được ngày nào. Nhân Ngày Nhà Giáo 20.11 năm nay, nhắc đến chuyện này cũng không phải là điều vô bổ.
Lê Nguyễn
20.11.2020

No comments:

Post a Comment