Links

Thursday, November 12, 2020

Rừng Đất Khách Bạt Ngàn Màu Áo Trận

 


Rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận! Trong chiến sử của loài người xưa giờ, dù là chiến tranh vệ quốc chống quân xâm lược hay cuộc nội chiến giữa những thế lực phong kiến để thâu tóm thiên hạ về một mối thì chịu biết bao đau thương thống khổ là toàn dân tộc, đa số là người dân thường không một tấc sắt trong tay.

Dĩ nhiên người lính là người phải hi sinh nhiều nhứt! Hi sinh cả cuộc đời đang tuổi xuân phơi phới với biết bao nhiêu là ước vọng chưa thành bỗng chợt vỡ tan! Tàn chiến trận, có thể là "Anh về hòm gỗ cài hoa. Hay anh trở về trên đôi nạng gỗ, anh trở về bại tướng cụt chân!" Kế phải kể đến sự hi sinh của vợ con, cha mẹ, anh em hay người yêu của lính! Hồi thời Trung học, chắc anh chị em mình đều có học những đoạn thơ não lòng trong Chinh Phụ Ngâm (Lời than vãn của người phụ nữ có chồng đi đánh trận), của Đặng Trần Côn, ra đời trong khoảng năm 1741."Vì chàng lệ thiếp nhỏ đôi.Vì chàng thân thiếp lẻ loi một bề!". Trước đó khoảng ngàn năm, Trương Tịch (768-830) bên Tàu, cũng khóc thương cho người chinh phụ có chồng bỏ thây nơi chiến trận! "Tháng chín Hung Nô giết biên tướng/ Quân Hán tiêu tan dưới Liêu Hà Xương phơi muôn dặm không người nhặt/ Trăm họ đầu thành cất đám ma Thân gái xưa nay nhớ chồng con/ Nghèo hèn có nhau, hả dạ hơn Chồng chết chiến trường, con trong bụng/ Như ngọn nến ngày thiếp mỏi mòn!" Trương Tịch cũng có một người anh ra trận, rồi thất tung, mất tích, không thấy trở về; không biết sống chết ra sao bằng những vần thơ đẫm đầy nước mất mà cả ngàn năm sau, mình đọc lại vẫn còn thấy bùi ngùi thương cảm! "Đánh Nhục Chi theo quân năm trước/ Toàn đạo binh bị diệt trên thành Hán, Phiên vắng bặt tin anh/ Cho dù sống chết cũng đành xa nhau Màn trướng nát không ai thu lượm/ Ngựa trở về cờ phướn rách tan Cúng anh, nghi vẫn sống còn/ Chân trời xa tắp, khóc trông quê nhà

" *** Từ năm 1960, khi Mặt trận dân tộc giải phóng, tức VC được thành lập! Cứ 4 năm một lần (trong kế hoạch ngũ niên), CS Bắc Việt và VC tay sai ở miền Nam lại bắt đầu những trận đánh lớn. Năm 1964, trận Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giả, những quận lỵ heo hút của miền Nam. Năm 1968, 44 tỉnh thành trên toàn cõi VNCH bị CS, không từ một thủ đoạn đê hèn nào, bất ngờ tấn công; dù đã cam kết hưu chiến! Gần trăm ngàn người bị giết! Máu chảy thành sông; thây phơi đầy nội xảy ra đúng 50 năm trước, tức đã nửa thế kỷ, một khoảng thời gian quá dài trong đời người mà cứ tưởng như nó mới vừa mới hôm qua vì tánh cách khốc liệt của nó. Rồi cũng 4 năm sau, năm 1972, còn gọi là mùa hè đỏ lửa, Cộng quân dốc toàn lực tấn công vào Quảng Trị ở Quân khu Một, Kon Tum ở Quân khu Hai và Bình Long ở Quân khu Ba. Người ta sanh ra không ai muốn mình cầm súng cả; mà chỉ muốn đất thanh bình ba trăm năm cũ. Nhưng không làm lính, không nẻo binh lửa cũng không được! CS Bắc Việt, tuân lịnh quan thầy Nga Hoa, ồ ạt đưa quân tiến chiếm Miền Nam thì làm trai khi đất nước hưng vong thất phu hữu trách, giã nhà đeo bức chiến bào là để bảo vệ tổ quốc chớ đâu phải muốn làm anh hùng. Vì muốn hòa bình là phải chuẩn bị chiến tranh. Từng lớp lớp thanh niên nối tiếp nhau lên đường ra mặt trận theo lịnh Tổng động viên của Bộ Quốc Phòng. Đang trên giảng đường đại học, năm thứ nhứt, năm thứ hai, chúng tôi xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi của non sông



. "Quang Trung vào ai nỡ gọt đầu tôi?" Tóc cắt ngắn ba phân. Quân trang, quân dụng, hai chiếc thẻ bài, khắc họ tên, số quân và loại máu, đeo tòn teng trên cổ. Rồi Chứng chỉ tại ngũ. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Bộ Quốc Phòng. Số... Họ và Tên. Cấp bậc. Số quân. Đơn vị. KBC (Khu Bưu Chính của đơn vị) Thẻ căn cước quân nhân, cũng y như vậy, nhưng có hình chụp chân dung, được bọc nhựa. Sau nầy mất nước, nhà thơ Cao Tần di tản qua Hoa Kỳ năm 1975, vẫn còn cảm khái bằng những lời thơ trác tuyệt: "Trong ví ta này chứng chỉ tại ngũ/ Mất nước rồi còn hiệu lực hơi lâu? Chiều lưu lạc chợt thương tờ giấy cũ/ Tái tê cười: giờ gia hạn nơi đâu?" "Trong ví ta này một thẻ căn cước/ Hình chụp ngây ngô rất mực cù lần! ...Tên chụp hình làm ta xấu như ma /Thằng khốn nạn làm sao mà nó biết? Ta sẽ thành dân mất nước tan nhà! Hình căn cước anh nào mà chẳng xấu/ Tên chụp hình như một lão tiên tri Triệu mặt ngây ngô bàng hoàng xớn xác/ Cùng đến một ngày gẫy đổ phân ly ...Ngàn lẫm liệt tan trong chiều rã ngũ/ Muôn anh hùng phút chốc hóa lang thang!" Nhà thơ Cao Tần may mắn vượt thoát trong những ngày VNCH hấp hối; còn những người, đồng đội, đồng ngũ bạn lính của ông, còn kẹt lại phải đi tù CS. "Có thằng bạn nào tàn đời học tập/ Cõng gông xiềng lê lết một thân đau! Còn kiên cường sống sót ra tù CS rồi tìm đường vượt biển! Đau đớn thay lại bỏ mình trong cơn sóng dữ! "Này biển chiều sóng xô ào lớp lớp/ Những tiếng đời tan nát khóc thương nhau..." *** Bọn chúng tôi là lớp 'Mùa hè đỏ lửa'! Gần 800 đứa từ giảng đường đại học vào Tiểu đoàn 2 của Trường Bộ Binh Thủ Đức, tháng Tám, năm 1972, khóa 4/72/SQTB TĐ. Ngày 27, tháng Giêng, năm 1973, các SVSQ tiểu đoàn 2 đi chiến dịch Hiệp định Paris. Mỗi đợt 2 tháng, sau 4 tháng, trở về trường Bộ Binh, ra Vũ đình trường làm lễ mãn khóa! “Quỳ xuống các Sinh viên Sĩ quan! Xin thề! Đứng dậy các tân Sĩ quan!” "Ân tình theo gót chân, bọn đi xa đánh trận, gặp gỡ trong cơn lốc! Xưng tao gọi mày thương quá gần. Bốn vùng mang lưu luyến bước bâng khuâng của vạn người thân!" Thế hệ thanh niên miền Nam Việt Nam mình, trong đó có chúng tôi, sanh từ 1945 đến 1955, thời điểm ác liệt nhứt của cuộc chiến tranh bởi CS Bắc Việt xâm lược miền Nam nên thế hệ nầy hi sinh nhiều hơn hết thảy. Cuộc chiến tranh đã tàn gần 43 năm qua! Thân phận là lính; chúng ta không ai đem thành bại để luận anh hùng! *** Ra Footscray, Melbourne, Victoria, Úc Châu thảng hoặc gặp bất cứ ông nào đầu bạc, muối nhiều hơn tiêu, những nếp nhăn hằn trên trán, đôi mắt màu khói như còn vương lửa của chiến trường thì chắc chắn rằng họ đã có một thời giầy sô, áo trận đó thôi! Chiều cuối năm, rừng đất khách bạt ngàn màu áo trận. Nhưng Tiểu đoàn 2 năm xưa đó, nằm gần Khu Gia Binh Thiết Giáp, tuyến B, gồm 4 đại đội gom lại chỉ còn được có 5 thằng lưu lạc tới tận phương trời nầy! Nguyễn Văn Rạng (222), Trinh sát Dù; Nguyễn Văn Luyến (231), Thiết Giáp; Phùng Ngọc Thái (224), Thiết Giáp; Trương Ngọc Đông (242), ông Địa, Mộc Hóa, Kiến Tường và Đoàn Xuân Thu (242). (Sydney cũng được vài ba đứa: Đặng Hữu Hiếu (242), Nguyên (223), Địa phương quân ; Thanh (224); Há (223), Không quân; Lại văn Bính, Thủy Quân Lục Chiến và Nguyễn Bằng Dương, Sư đoàn 23!) Chúng tôi như những mũi tên đã bật ra khỏi cánh cung, bay khắp bốn phương trời. Những địa danh trường cũ tưởng chừng như đã mù khơi trong tiềm thức bỗng chợt về lay động cánh rừng xưa. Nào đồi Tăng Nhơn Phú, Vũ đình trường, Trung Nghĩa đài, Cổng số 9, sân bắn Long Thạnh Mỹ, cầu Bến Nọc. Nào bãi Nhà sập, đồi 31, (đêm ngóng về Sài Gòn quầng sáng phía xa xa), đồi Bác sỹ Tín (ngang nghĩa trang Quân đội Biên Hòa). Rồi đêm hành quân dã trại, (để từ Tân Khóa sinh để sáng hôm sau thành Sinh viên sĩ quan) trời đổ trận mưa to, trùm poncho kín mít nhưng giày sô sũng nước. Về tới doanh trại, cởi giày, cởi vớ ra, thay quần áo lính ngồi hút thuốc với bạn bè... Ôi nó đã biết làm sao đâu?! Giờ đây, trên bàn rượu chỉ vỏn vẹn năm thằng nhưng có tới 6 cái ly. Ly thứ sáu dành cho những thằng bạn lính đã không về được nữa vì đã ngã xuống chiến trường năm ấy! Rót đầy ly rượu, chuyền tay nhau, người một hớp để uống cùng những oan hồn tử sĩ còn tức tưởi đâu đây. Nầy Khôn ngã xuống ở Cái Côn, quận Phong Thuận. Nầy Tuấn chuyển qua Cảnh sát, mang ngay lon Thiếu úy, làm trưởng cuộc, ngã xuống ở quận Thuận Nhơn, tỉnh Phong Dinh... Rồi Lưu, rồi Đa... và nhiều nhiều nữa! Tôi nhớ Nguyễn Quang Mẫn, cùng trung đội 242, gốc cố đô Huế, 18 tuổi, vừa đậu Tú tài Một là tình nguyện vào Thủ Đức. Ngày mãn khóa Thủ Đức, Mẫn tình nguyện về Biệt Cách 81 Dù. Chỉ đi lính trong vòng chưa tới 3 năm mà Nguyễn Quang Mẫn từ chuẩn úy sữa đã lên tới đại úy; vì lập được nhiều công trạng được đơn vị đưa về lại trường Bộ Binh để học khóa Tham mưu Trung cấp. Sau 75, tù CS, Mẫn giựt súng của bọn vệ binh, toan vượt trại nhưng bị bắn chết! Đúng là một anh hùng! "Rồi anh sẽ dìu em tìm thăm/ Mộ bia kín trong nghĩa địa buồn Bạn anh đó đang say ngủ yên/ Xin cám ơn, xin cám ơn người nằm xuống!" *** Lũ chúng tôi, người lính thuở ấy, đã từng mơ ước: "Rồi có một ngày, sẽ một ngày chinh chiến tàn... Xin trả lại đây, bỏ lại đây thép gai giăng với lũy hào sâu/ Lỗ châu mai với những địa lôi, đã bao phen máu anh tuôn..." Trả súng đạn này khi sạch nợ sông núi rồi? Anh trở về quê, trở về quê tìm tuổi thơ mất năm nao! Thiên đường này mơ ước bao lâu?" Nhưng mộng đẹp đã tan tành theo vận nước. "Mơ thấy cả một quê hương đổ vỡ/ Mình lên đường ngơ ngẩn, lang thang!" Chỉ mong là: “Hãy đem hết những đổi đời tan tác/ Gói giùm vào cơn mộng dữ đêm qua”. Chiều cuối năm quê người. Đứa nào cũng tha hương vì mất nước đều tự hỏi: "Hỡi thằng chiến binh một đời dũng cảm/ Mày lang thang đất lạ đến bao giờ?" *** Sân trước cửa nhà tôi, em yêu có trồng một cây bông giấy. Mùa hè hoa nở đỏ cả một góc sân vườn, gợi tình quê tha thiết! "Này cây bông giấy bên rào năm xưa.../ Chẳng qua trời đổ cơn mưa/ Thì thương cành mọn đong đưa một mình!" Đời chúng tôi, những người lính của mùa hè đỏ lửa năm đó, chìm trong màu lửa, màu máu như màu bông giấy quê nhà trong tiềm thức còn vương vấn đến màu bông giấy của quê người! Quê người chiều cuối năm! Những người lính thất trận, mất nước, rồi mất cả quê hương buồn lắm phải không? Năm thằng mặc đồ dân sự, ngồi uống rượu quê người nhưng trong tâm cảm đứa nào cũng còn là lính. Chỉ mong ước là "Ôi! Xóm xưa ơi, khi nào đổi kiếp? Ta về thành chim hót trước hiên nhà



No comments:

Post a Comment