Links

Sunday, November 8, 2020

Tiếng Chim Thiên Di BayQua Mùa Thu

 ________________

Nguồn Việt Báo

Tác giả Phan cắt bánh trong Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ.
Tác giả Phan cắt bánh trong Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ.
1.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ… rồi cúi mặt, lầm lũi chui vô những cái xe đã cũ kỹ lại còn móp méo nữa thì mới đủ tiền mua để đi hoc, đi làm thêm kiếm sống khi còn đang học. Cuộc đời tiếp nối sau khi ra trường là lập gia đình. Từ đó nợ học, nợ nhà, nợ xe, con cái còn nhỏ… sẽ lấy hết thời gian và sức lực của tuổi sung mãn. Ai may mắn lắm mới mua được cái xe mới cho vợ, dĩ nhiên là loại xe thường thôi; anh chồng đi xe cũ của vợ thải ra như luật bất thành văn ở Mỹ. Đến con cái trưởng thành, sống đời sống riêng của chúng, không nhờ cậy cha mẹ nữa thì căn nhà cũng mới dứt nợ ba mươi năm. Nó cũ kỹ cách mấy thì người chủ cũng không còn thời gian để trả nợ căn nhà mới khác thêm ba mươi năm nữa nên đành ở vậy. Dọn dẹp những căn phòng con cái không ở nữa. Cái gì cũng muốn bỏ vì không gì còn giá trị với thời gian, hết nhu cầu sử dụng. Nhưng lại không bỏ được thứ gì ngoài việc bỏ ra thời gian để lau chùi những báu vật cũ nát. Bởi khi thở dốc phải ngồi nghỉ mệt thì nghe cái bàn học của con thỏ thẻ… con thương cha lắm, nên làm sao bỏ được! Cây gậy chơi dã cầu của thằng con trai là tiền thưởng cuối năm của cha ở hãng cũ, nó không ngờ được quà trong mơ còn hơn cha nó không ngờ được tiền thưởng thay vì mất việc năm đó! Con thú nhồi bông của đứa con gái đã như miếng giẻ rách không đáng để lau nhà, nhưng là người bạn nhỏ trung thành nhất của con mình thì sao vứt đi cho được khi nó đã già nua và lỗi thời, hư hao như bệnh tật chỉ người già mới biết!

Thôi thì sửa sang, sơn phết lại trong ngoài căn nhà bỏ thì thương mà vương thì tội để chuẩn bị cho một giai đoạn mới của cuộc đời là về hưu. Không mua nhà mới là điều kiện huy hoàng để mua xe Cadillac bóng loáng, máy mạnh như động cơ máy bay… thì mắt đã mờ, tay chân chậm chạp. Nên hầu như những chiếc Cadillac trên đường đều chạy làn xe sát với lề đường, tốc độ thường dưới cả tốc độ cho phép. Nếu người lái khác có bực mình thì cũng sẽ nguôi ngay khi qua mặt được thì y như rằng trong xe thổ mộ đó là một ông cụ hay một bà cụ.

Căn nhà cuối phố chìm khuất dưới tàn cây rộng với ngõ vắng lơ thơ lá vàng bay. Bà cụ Mỹ trắng thỉnh thoảng xuất hiện với tay trồng, tay nhổ những cụm hoa theo mùa và cỏ dại. Ông cụ ngồi sửa máy cắt cỏ nhẩn nha như sợ hết việc! Cái máy cắt cỏ cũng thuộc hàng đồ cổ như ông cụ vì nó không giống bất kỳ cái máy cắt cỏ nào bên những nhà hàng xóm. Nó chỉ còn đó như để gợi nhớ về dĩ vãng hơn là trình diễn sự mạnh mẽ và linh hoạt của những cái máy cắt cỏ hiện đại. Nó còn đó để ông cụ có việc làm là sửa máy cắt cỏ mỗi tuần, từ sáng tới chiều… rồi kêu mấy anh Mễ tới cắt vì nó có chịu nổ máy cho đâu? Hôm nó nghĩ tình ông cụ người Mỹ và nó là máy Mỹ nên cuối chiều mới nổ cho ông cụ vui thì ông cụ đã hết hơi; còn sức đâu mà cắt cỏ nữa.  

Thế là mùa hè, mủa cỏ từ khi ông cụ mua nhà, mua máy cắt cỏ cứ lặng lẽ ra đi. Người đàn ông cơ bắp và siêng năng chăm sóc nhà cửa còn đó nhưng không còn năng nổ và sung mãn như xưa khi ống khói lò sưởi không còn được sơn mới, giăng đèn đón Giáng sinh nữa. Hôm nay mùa thu đã vàng lá như hai ông bà cụ ở căn nhà cuối phố. Lá rụng vàng lối đi, vàng thảm cỏ úa trước sân nhà. Ông cụ ngồi sửa cái máy thổi cỏ, chắc cụ định thổi lá vàng tập kết trước nhà cụ quá nhiều vì nhà cụ cuối phố. Nhưng cái máy thổi cũng thuộc hàng đồ cổ như cụ. Nó ho khục khặc vài tiếng, rồi phun ra ngụm khói đen như bắn súng đại bác thời Washington lập quốc Hoa Kỳ.

Ông cụ hết kiên nhẫn, lừ đừ đi lấy thơ ngoài ngõ, nhưng lủi thủi quay vào vì thùng thơ trống không từ khi ông về hưu, “những hẹn hò từ nay khép lại / thân nhẹ nhàng như mây…”  Ông cụ ngồi xuống cái ghế chân cung trước sân nhà, đong đưa một lát rồi ngủ ngon. Những chiếc lá vàng rơi nhẹ tễnh trước sân nhà, gió mùa thu không giận giữ lao xao, tiếng chim di khoan nhặt trên bầu trời trong vắt. Chiều lơ thơ tóc trắng, bà cụ đứng nhìn ông ngủ. Chắc cụ bà đang chuẩn bị lễ tiệc trong nhà. Tuần sau hãng xưởng đã bắt đầu nghỉ lễ Tạ ơn. Bà cụ ra garage lấy đồ vật gì đó để trang hoàng nhà cửa, thấy ông cụ ngủ ngon nên không đánh thức, chỉ cởi áo khoác của bà để đắp hờ lên ngực ông cụ, rồi bà quay vào nhà. Mỗi lần thoáng thấy bà, tôi hay tưởng tượng ra hồi trẻ chắc bà đẹp kiêu sa lắm; vì già rồi, tóc đã trắng phau nhưng phong cách vẫn sang cả như người quyền qúy, nụ cười của bà ấm áp, bao dung khi hàng xóm chào nhau độ lượng. Một bà cụ phúc hậu kiểu Mỹ.


Người hàng xóm tôi bên đây ngõ hẹp rẽ vào nhà ông bà cụ. Bỗng đưa tay lên làm dấu thánh giá như một lời tạ ơn trên vì tôi vừa thấy ơn trên ban phước cho thấy bình an dưới thế cho người thiện tâm khi tôi mới rời mắt khỏi màn hình tội lỗi. Súng lại nổ trong trường học bên Calif, hung thủ mới mười lăm tuổi đầu mà máu đã lạnh đến thế sao? Cả gia đình kia đã chết năm người cũng vì súng khi cảnh sát tới hiện trường, nạn nhân nhỏ nhất mới ba tuổi đầu, làm sao hiểu được vì sao? Chính trường Mỹ đang luận tội tổng thống rối bời, hèn hạ. Đồng nghiệp nhắn tin qua điện thoại: Phe ăn mắm đang âm mưu chơi sếp mình đó. Tuần tới tôi bị buộc nghỉ ở nhà vì ngày phép quá nhiều, không cho để dành. Ông đi làm phải hết sức cẩn thận vạ lây đó nha…

Trong bóng đêm đương đại. Tôi nhìn ông cụ ngủ ngày dưới cái áo khoác tình nhân như ánh sáng cuối đường hầm, tới tia nắng cuối ngày khuất tán hai cây sồi cổ thụ.

2.
Căn nhà cuối phố sẽ sáng trưng đèn đuốc một vài hôm như năm ngoái. Rồi lại âm thầm như cũ khi không còn những chiếc xe xuyên bang vội vã đến và vội vã đi… để lại lề đường một quãng trống huơ như nỗi lòng người gia chủ sau khi tiễn bà con về, con đi. Còn bao lâu nữa cho ông bà cụ, còn bao lâu nữa có người hàng xóm mới, dọn vào căn nhà cuối phố… để ngồi trông ông cụ-tôi bên đây ngõ hẹp lẩm cà lẩm cẩm như ông cụ ở căn nhà cuối phố năm nay đã quá già; đã có lần tôi trò chuyện với ông cụ và nghe ông kể, ông sinh ra nơi đây, lớn lên cùng với đàn chó săn của cha ông. Ông thích theo cha ông đi săn heo rừng, chèo xuồng đi câu cá trong đầm lầy và đi bắn vịt trời trên những cánh đồng sau mùa gặt lúa mì… Tôi nhớ ông thở dài - như chuyện mới hôm qua.

Tôi cũng thích theo cha tôi đi bắn cò trên những cánh đồng. Những hôm cha tôi rỗi việc quân, ông lái cái xe Vespa, chở tôi đứng trong lòng cha. Hai cha con rong ruổi theo đường hương lộ mà hai bên đường mênh mông những ruộng lúa bát ngát. Khi cha dừng xe, tắt máy xe, chống xe lên cho vững vàng, rồi gác cây súng săn lên yên xe… Sau cha con tôi là xe mấy chú lính đi hộ vệ, mấy chú sẽ lội ruộng để nhặt xác những con cò to như con vịt chân dài, cổ cao. Mấy chú đem về làm món nhậu. Cha tôi không thích ăn thịt cò nhưng mấy chú sẽ ép ông thầy cho được một đũa, một chai bia… để cha tôi chê bia lạt, không hợp món, thì cha tôi mở tủ rượu tây của cha để tặng mấy chú lính hết mình với cha một chai rượu ngon… Chuyện của tôi cũng như chuyện mới hôm qua của ông cụ ở căn nhà cuối phố. Nhưng cha ông đã theo Chúa gọi bình an, cha tôi theo vận nước đã lao xuống mồ; hệ lụy đàn con tứ tán nổi trôi. Con tôi ngày nào còn không chịu là người Việt vì niềm tin nó sinh ra ở Mỹ thì nó là người Mỹ. Cho tới một hôm ở đại học về nhà nghỉ lễ cuối năm. Giới thiệu với người bạn Mỹ cùng về nhà tôi nghỉ lễ vì người bạn trẻ không có gia đình để về. Con tôi nói với bạn: Tao là người Mỹ gốc Việt vì cha mẹ tao là người Việt. Chưa bao giờ tôi nhớ quê hơn lần nghe con mình nói nó là người Việt. Ôi những đứa trẻ hôm nào đã thành thanh niên, thiếu nữ. Tất bật đi về với cái xe riêng chứ không còn co ro ngoài cột đèn với gương mặt chưa tỉnh ngủ mà chờ xe bus học trò. Rồi chúng đi nhiều hơn về như con ông cụ ở căn nhà cuối phố. Cả năm mới thấy họ về thăm cha mẹ vào dịp lễ cuối năm; thì cũng cả năm con tôi mới ghé qua nhà để tặng quà Giáng sinh cho cha với nhiều hơn năm trước là những lời dặn dò bảo trọng sức khoẻ…

Thỉnh thoảng gặp vài đứa trẻ của hôm nào trong xóm cũng về nhà thăm cha mẹ chúng còn ở đây. Những người cha trẻ, mẹ trẻ, và mấy đứa trẻ con của họ giống tôi mươi năm trước ở nơi này. Những người trong xóm nhưng lớn tuổi hơn cả ông cụ thì đã vắng bóng. Nhà họ đồi chủ. Con cái họ không về đây nữa…

3.
Rồi sẽ đến một hôm hai cái xe Cadillac dán bảng For sale, ước mơ từ thuở thiếu thời của một đời người trên nước Mỹ sẽ khép lại lặng lẽ như cô cậu thanh niên lặng lẽ chui vào cái xe tàn khi còn trẻ để thực hiện ước mơ thành hiện thực… khi đã già. Căn nhà cuối phố sẽ cắm bảng: garage sale, estate sale, hay moving sale gì đó, rồi huose for sale... Mấy mươi năm chuyện gì đã diễn ra trong căn nhà ấy ở mãi trong những bức tường chờ người yêu thương nó nhất đã không còn nữa. Con gái của ông bà cụ sẽ về thu xếp lại một lần cho cha mẹ, cho cả bản thân cô sẽ không về căn nhà cuối phố này nữa… chỉ có những mùa thu vẫn về, lá vàng rơi nhẹ trên cỏ uá vì gió thu không giận giữ, sợ thổi bay cái áo khoác của bà cụ đã đắp hờ lên ngực ông cụ ngủ ngày. Mùa thu qua đây vẫn nhớ ông cụ người Việt tôi chứ, không biết khi ấy linh hồn tôi đã về quê cũ tắm sông, bắt dế, đá banh… hay còn lang thang đi tìm những mùa thu đã thất lạc trong đời, những mặt người còn mãi trong tôi…

Tiếng chim thiên di bay qua mùa thu, chở theo những linh hồn phiêu bạt…

Phan

No comments:

Post a Comment