Links

Sunday, December 20, 2020

Hai Vì Sao Hội Tụ


_________


Thành kính tưởng niệm nhà văn, nhà thơ Trần Nhất Hoan


 

ĐIỆP MỸ LINH

 

Như mọi buổi sáng, tôi vừa dùng điểm tâm vừa xem tin tức trên Internet. Sau đó, tôi vào Inbox để xem emails của bạn hữu. Khi thấy youtube tình khúc Hai Vì Sao Lạc – do ông Trần Nắng Phụng chuyển – cũng là lúc tôi chợt nhớ trái avocado để quên nơi bếp. Tôi “bấm” vào youtube rồi rời phòng computer, đi xuống lầu, với dụng ý khi tôi trở lên thì phần nhạc dạo đầu sẽ chấm dút.

 

Vừa bưng chén đựng trái avocado, tôi chợt nghe tiếng nhạc dập dìu một tình khúc xưa, rất quen – mà tôi từng đàn và hát trên đài phát thanh Nha Trang, tại sân khấu của các rạp xi-nê ở Nha Trang và những khi thơ thẩn nơi sân sau – vào thập niên 60. Tôi vội đi nhanh đến cầu thang để trở lên phòng computer. Bước chân của tôi vừa đến chân cầu thang thì tiếng hát bắt đầu:

 

Người về, một mùa Thu gió heo may.

Về đâu có nhớ chăng những vì sao long lanh

Đưa tiễn người một đêm không trăng

Nói sao nên lời, lòng buồn như chiều rơi…

 

Âm hưởng thiết tha của dòng nhạc, lời ca ướt lệ cùng sự rung cảm dạc dào trong lòng như một mãnh lực vô hình đưa hồn tôi trở về khung trời cũ. Tôi cảm thấy nặng nơi lồng ngực rồi chân tôi cũng nặng, như không thể bước lên cầu thang!

 

Đứng nơi chân cầu thang, nhìn qua khung cửa kính, tôi tưởng như có thể thấy lại được  đứa bé gái – khoảng 14, 15 tuổi – đang thơ thẩn nơi sân sau, nhìn về phương xa như muốn tìm điều gì rất xa vời, rất thánh thiện đang phiêu bạc cuối trời!

 

Tôi nhớ rất rõ, thời điểm đó tôi chưa biết yêu là gì. Nhưng, mỗi khi thơ thẩn nơi sân sau hoặc âm thầm đi trên cát, dọc bờ biển, lòng tôi cứ bâng khuâng, ray rức về một hình bóng mà tôi thường tưởng tượng và ấp ủ. Trong khối óc còn non nớt, nhưng giàu tưởng tượng của tôi, chỉ có hai bóng hình tương phản nhau. Đó là thanh niên trong quân phục và thanh niên với cây đàn.

 

Thanh niên với cây đàn, tôi…không thể tìm được; vì các Bác, Chú, Anh trong ban ca nhạc Bình Minh đều gọi tôi là “con nhỏ”. Thanh niên đến nhà tôi vào cuối tuần để nghe ban Bình Minh tập dượt có hai “ông” sinh viên Y Khoa – sau chuyển sang Quân Y; còn các vị khác là dân sự và giáo sư trung học; không có vị nào là nhà binh chính gốc.

 

Một trong các vị giáo sư thường đến nhà thăm tôi vào mùa Hạ là thầy Trần Đình Hoàn. Thầy Hoàn dạy tại trường trung học Cường Để, Quy Nhơn. Mùa Hè thầy thường vào Nha Trang chấm thi.

 

Lần đầu tiên thầy Hoàn thấy tôi là lúc tôi cùng Xuân Diệu – con của giáo sư Lượng dạy Pháp văn tại trường Thống Nhất và trường Tương Lai, ngụ tại ngôi nhà lầu gần góc đường Nguyễn Huệ và Yersin, Nha Trang – đang ngồi trên cây trứng cá, hái trái, ăn.

 

Sau đó, mỗi năm thầy Hoàn vào Nha Trang chấm thi, Xuân Diệu thường đưa thầy Hoàn đến nhà Ba Má tôi thăm tôi và nghe tôi đàn. Từ đó, tôi không hiểu tại sao mỗi khi tôi gặp thầy Hoàn tại nhà thầy cô Lượng thì cô Lượng lại cười, bảo:

 

-Hoàn! Gửi gạo vô Cô nuôi Thanh Điệp cho.

 

Tôi vẫn vô tư leo lên cây trứng cá, hái trái, ăn trong khi thầy Hoàn chỉ nhìn tôi, cười hoặc nói vài câu bâng quơ theo kiểu người lớn nói với trẻ em.

 

Dòng ý tưởng trong tôi vừa đến đây, tiếng hát trong youtube cũng vừa đến đoạn cuối:

 

“… Ɓước đi âm thầm lòng buồn như chiều rơi
Ɲghe chăng thu ơi để lá rơi chi hoài
Gợi lòng thương nhớ ai nhiều!”

 

Lên đến phòng computer tự dưng tôi hết muốn ăn. Ngồi vào bàn computer, nhìn ra cửa sổ, tôi tưởng như tôi có thể thấy lại tôi bên bờ biển xưa vào một chiều cuối tuần. Thầy Hoàn đi với một “ông” Hải Quân và chị Thúy Minh – thành viên trong ban ca nhạc Bình Minh. Thấy tôi, chị Thúy Minh gọi tôi đến. Tôi chào thầy Hoàn, và chị Thúy Minh. Lúc quay sang chào “ông” Hải Quân tôi mới thấy bảng tên Hồ Quang Minh. Thầy Hoàn giới thiệu “ông” Minh là bạn cùng lớp với thầy từ khi cả hai còn học tại trường Quốc Học. “Ông” Minh cũng nói tiếng Huế như Thầy Hoàn.

 

Sau lần gặp gỡ đó, thầy Hoàn, “ông” Minh và nhiều “ông” Hải Quân bạn của “ông” Minh, thường đến nhà tôi nghe tôi đàn vào những hôm ban Bình Minh không tập dượt.

 

Một lần, bất ngờ nghe Minh nói tiếng Nam, tôi hỏi tại sao Minh đổi giọng nói? Minh chỉ cười, không đáp. Lúc gặp chị Thúy Minh trong trường Võ Tánh – chị học trước tôi vài lớp – tôi cho chị biết Minh không còn nói tiếng Huế nữa. Chị Thúy Minh cười ngất:

 

-Ui chao, “cái ông” Minh ni! Chắc ổng “mết” mi rồi!

 

-Chị nói gì em không hiểu?

 

-Anh Minh hỏi tau: Bác gái và bà Ngoại của mi là người Huế, chắc thích có rể người Huế? Tau đáp: Vì là người Huế cho nên bà Ngoại và Bác gái không muốn mi lấy người Huế. Anh Minh hỏi lý do? Tau đáp: Vì Ngoại và Bác gái ngại cảnh Mẹ chồng và mấy “ông chú mụ o” nhọn mồm!

 

Thời điểm này, trong khi Ba Má tôi bắt đầu nghiêm khắc đối với tôi – vì nhận ra tôi có vẻ đang “trổ mã” để trở thành thiếu nữ – thì tim tôi cũng vẫn chưa bị “lỗi nhịp” vì nhân vật nào cả.

 

Một buổi chiều, từ bờ biển nhìn ra khơi, thấy chiến hạm mang số 327, tôi chợt nghĩ đến Minh; vì trước đó không lâu, Minh ghé nhà cho tôi biết Minh vừa tốt nghiệp khóa 8 sĩ quan Hải Quân và sẽ tòng sự trên Giang Pháo Hạm Long Đạo, HQ 327.

 

Về đến nhà, tôi rất ngạc nhiên khi thấy Minh đang ngồi nơi phòng khách, dáng vẻ rất bồn chồn. Chỉ thăm hỏi được vài câu, Minh vội từ giã tôi để kịp chuyến xe lửa ra Quy Nhơn trình diện – Hải Quân đại úy Vũ Trọng Đệ – Ham Trưởng HQ 327.

 

Hôm sau tôi nhận được điện tín của Minh – do anh Quân Cảnh chuyển giùm – báo tin rằng Minh đang bị Quân Cảnh áp giải về Tổng Tam Mưu để ra Tòa Án quân sự về tội đào ngũ, bỏ tàu, đi từ giã “cô bạn”. Tôi khóc và tim tôi bị “lỗi nhịp”!

 

Từ hôm đó, mỗi chiều tôi thường ra sân sau, nhìn về phương xa như chờ đợi, như mong ngóng bóng dáng một người; rồi, từ tâm thức thơ dại của tôi tiếng hát của bài Hai Vì Sao Lạc ngân lên âm thầm:

 

…Ɲgười về, đường đi kết gió trăng sao
Ɲgười đi có biết chăng tôi chiều naу bơ vơ
Ɲghe lá thu vàng rơi bâng khuâng…

 

Không hiểu tại sao tôi lại thầm ví cuộc đời thầm lặng của tôi và cuộc đời trôi nổi của Minh như “hai vì sao lạc”!

 

Sau khi trở thành vợ của Minh, tôi nhận ra – ngoài cá tính “ba gai”, không biết sợ ai – Minh lại là một người bạn tốt, rất xứng đáng để bạn hữu tin cậy.

 

Chiều cuối tuần, Minh và tôi đi dạo biển, đẩy chiếc xe có con gái đầu lòng của chúng tôi nằm bên trong. Bất chợt chúng tôi thấy thầy Hoàn vừa bước vội về phía chúng tôi vừa gọi: “Minh! Minh!”

 

Minh mời thầy Hoàn vào quán uống nước, hàn huyên. Tính tôi ít nói, lại ngoại giao không khéo, cho nên chỉ chào thầy rồi ngồi im. Thầy Hoàn lấy từ cặp-táp tập truyện Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ – tác phẩm đầu tay của thầy, bút hiệu Trần Nhất Hoan – viết vội vài dòng rồi trao cho Minh. Minh đọc dòng chữ tác giả viết tặng rồi trao cuốn sách cho tôi. Tôi mở tập truyện và thấy thầy Hoàn viết: “Tặng Minh ‘sún’ và Thanh Điệp với những kỷ niệm ấu thơ còn đó”. Lật tiếp vài trang, đọc qua, bất ngờ tôi thấy câu: “…Thanh Điệp, con ông Ngữ ở Nha Trang. Điệp có nụ cười rất đầm và cái cằm chẻ đôi…” Ngữ là tên của Ba tôi. Lòng tôi chợt chùng thấp, không thể đọc tiếp! Vừa khi đó thầy Hoàn đứng lên, bắt tay từ giã Minh. Minh nói:

 

-“Cái thằng”! Mới gặp, chưa thăm hỏi được chi cả thì đòi đi; đi mô mà gấp rứa?

 

-Tau đi bắt…con giã tràng!

 

Minh và tôi tròn mắt nhìn nhau!

 

Năm 1968, Minh chỉ huy Giang Đoàn 30 Xung Phong, chịu trách nhiệm an ninh dài hạn vùng Bình Điền, Chợ Lớn. Trong lần về hậu cứ họp hành quân, Minh ghé nhà,  hỏi:

 

-Biết anh gặp lại ai không?

 

-Ai vậy?

 

-“Thầy” Hoàn “của cô” chứ ai!

 

-Anh gặp thầy ở đâu?

 

-Ở Bình Điền. “Nó” đến với phái đoàn quay phim, dường như để quay phim tài liệu.

 

-Ủa, thầy hết viết văn rồi hay sao mà làm phim?

 

-Anh không biết. “Nó” gửi lời thăm em.

 

Trong bữa cơm chiều, vừa bưng chén cơm, tự dưng Minh cười, hỏi:

 

-Em biết gì không?

 

Tôi nhìn Minh, lắc đầu. Minh tiếp:

 

-Hồi đó cô Lượng bảo “thằng” Hoàn gửi gạo vô cô nuôi Thanh Điệp cho mà “nó” gửi ít quá cho nên…

 

Minh chưa dứt câu tôi vội nghiêm nét mặt, cắt ngang:

 

-Ông không nên đùa với thầy Hoàn như vậy!

 

-Biết rồi, “cô nương”! Đùa với cô thôi chứ ai “cà chớn” đi đùa với “nó”. “Nó” là “thằng” bạn “nối khố” của “tui” mà.

 

Từ đó về sau Minh không nhắc đến thầy Hoàn và tôi cũng không được gặp lại hoặc nghe tin gì về thầy nữa.

 

Đầu thâp niên 80, đang nấu cơm chiều, nghe điện thoại reng, tôi nhờ Minh trả lời. Không biết ai ở đầu giây bên kia, tôi chỉ nghe giọng Minh rộn ràng vui rồi cứ “tau tau, mi mi” liên hồi. Minh là vậy. Khi nói chuyện với vợ con hoặc người Nam, Minh nói tiếng Nam; khi nói chuyện với người Huế, Minh nói tiếng Huế. Vì vậy, tôi đoán Minh đang nói chuyện với người bạn Huế nào đó vừa vượt biển đến Mã Lai. Một chốc sau, tôi nghe Minh hỏi:

 

-Mi muốn nói chuyện với bả không?

 

Tôi tròn mắt nhìn minh, hỏi nhỏ:

 

-Ai vậy?

 

Minh chỉ cười, trao điện thoại cho tôi. Sau khi nhận ra thầy Hoàn, tôi hỏi:

 

-Làm thế nào thầy biết được số điện thoại của tụi em?

 

-Hỏi mấy người Hải Quân thì ra chứ có chi mô.

 

Thầy cho biết thầy chỉ vượt biển một mình; vợ con kẹt lại. Thăm hỏi nhau được vài câu, thầy chợt hỏi:

 

-Bà còn đàn, còn viết không?

 

-Dạ, đàn thì em “dẹp” từ hồi còn ở Việt Nam lận!

 

-Tại răng rứa?

 

-Thầy hỏi “ông bạn của thầy”; đừng hỏi em.

 

-Còn viết thì răng?

 

-Dạ, cũng chưa biết. Khi nào ổng vui, ổng để yên cho em viết thì em viết; khi ổng “quạu”, ổng “cự” thì em “dẹp”. Còn thầy thì sao?

 

-Để lo bảo lãnh bả với mấy đứa nhỏ sang rồi tính.

 

Lâu lắm, tôi không nhớ mấy năm, điện thoại reng. Tôi nhất ống nghe, “Allo”. Không ai trả lời mà tôi chỉ nghe tiếng Piano thánh thót cùng tiếng hát nồng nàn trong tình khúc Longer của Dan Fogelberg. Trong khi tôi còn ngẩn ngơ, chưa biết ai nghịch một cách dễ thương đến như vậy thì dòng nhạc Việt vang lên rồi tiếng hát ngọt ngào diễn đạt được tất cả nỗi niềm của nhạc sĩ Ngọc Bích qua ca khúc Ngày Nào Một Giấc Mơ. Sau đó thầy Hoàn cho biết, sau khi gia đình đoàn tụ, đời sống bớt vất vả, thầy học Piano và Saxophone. Tôi mừng cho thầy và tủi thân tôi!

 

Bẳng đi một thời gian dài, thầy Hoàn lại điện thoại. Minh nói chuyện với thầy một chốc rồi trao điện thoại cho tôi. Sau vài câu thăm hỏi, thầy Hoàn đổi đề tài:

 

-Bà quen với Phụng Hồng khi mô?

 

-Ủa, tại sao thầy biết em quen với ông Phụng Hồng? Mà thầy biết Phụng Hồng là ai hay không?

 

-Chao! Cũng “dân’ Khải Định Quốc Học với nhau chứ chi mà không biết. Phụng Hồng sáng tác thơ tặng “cô bé tóc dài Thanh Điệp/ĐML”, đăng trên báo Ngày Nay và đặc san Khải Định mà không phải tặng cho bà thì tặng cho ai?

 

-Thảo nào ông Phụng Hồng bảo ổng biết thầy.

 

-Mần răng bà biết Phụng Hồng biết tôi?

 

-Dạ, thỉnh thoảng ông Phụng Hồng điện thoại thăm em; em hỏi ông ấy biết thầy hay không. Ông ấy đùa, bảo, Trần Nhất Hoan là Hoan Nhất Trần, “dân” Quốc Học ai mà không biết.

 

-Rứa bà với Phụng Hồng thường liên lạc với nhau bằng điện thoại à?

 

-Da, không. Ông Phụng Hồng – sau khi viết bài điểm sách tập truyện Tưởng Như Trở Về của Điệp Mỹ Linh, gửi đến báo Ngày Nay của ông Nguyễn Ngọc Linh đăng – xin số điện thoại của em từ báo Ngày Nay. Chưa bao giờ em gọi cho ông ấy cả.

 

-Rứa bà có biết “khi xưa” Phụng Hồng có bút hiệu khác hay không?

 

-Dạ, biết. “Khi xưa” bút hiệu của ông Phụng Hồng là Hoàng Việt Sơn; bây giờ ông ấy có bút hiệu Hoàng Vũ Bảo nữa.

 

-Rứa là bà quen Phụng Hồng lâu lắm rồi đó, hỉ?

 

-Dạ không! Ông Phụng Hồng chỉ thấy em hai lần. Lần đầu tiên, khi anh Nguyễn Bá Liên – về sau bị tử trận tại Ben Hét, được phong cố chuẩn tướng – mời ban ca nhac Bình Minh giúp vui, ủy lạo đơn vị Thủy Quân Lục Chiến tại Nha Trang, vào dịp Trung Thu. Sau đó, anh Nguyễn Bá Liên trao cho em bài thơ Tiếng Đàn Đêm Trung Thu, tác giả là Hoàng Việt Sơn, gửi tặng “cô bé tóc dài” Thanh Điệp. Lần thứ hai ông Phụng Hồng thấy em trong buổi hội ngộ Phượng Vỹ của trường Quốc Học Đồng Khánh khi em “bị” mời lên sân khấu. Sau đó, ông Phụng Hồng không những đăng thơ trên báo tặng em mà ông ấy còn xuất bản tập thơ Nửa Đời Thương Đau để tặng em. Chi tiết này em đã viết trong bài Tạ Lỗi với Người Thơ khi được tin ông Phụng Hồng qua đời.

-Gan dữ rứa! Rứa mà “thằng” Minh để yên à?

 

-Thầy ơi! Ông Phụng Hồng chỉ sáng tác thơ tặng em chứ ông ấy đâu có làm gì tội lỗi và em cũng đâu có tình ý gì với ông Phụng Hồng. Cho đến khi chết, ông Phụng Hồng cũng vẫn chưa hề gặp em. Anh Minh biết rõ điều đó mà.

 

Sau cuộc điện đàm với thầy Hoàn, Minh cho tôi hay rằng thầy Hoàn đã cho Minh biết vợ chồng thầy không còn chung sống với nhau nữa.

 

Tôi không nhớ năm nào, thầy Hoàn lại điện thoại, nói chuyện với Minh rồi nói chuyện với tôi. Giọng thầy rất vui:

 

-Mới xong bài thơ tối hôm qua, hôm nay điện thoại “khoe” với bà đây.

 

-Em đọc truyện của thầy chứ chưa được đọc thơ của thầy.

 

-Chừ tôi tặng bà đây.

 

Thầy hắng giọng, tiếp:

 

-Tôi đọc, bà ghi, hỉ! (Thời điểm đó chưa có Internet).

 

-Dạ.

 

-Tựa của bài thơ là Mây Trắng, của Trần Nhất Hoan, tặng Thanh Điệp/Điệp Mỹ Linh.

 

Gót ngọc hồng phai dáng Hạ về.
Ngày rưng rưng nắng bóng pha lê.
Áo trời mây trắng vươn thương nhớ.
Ôm trọn hoa niên hẹn đợi chờ.


Đường kim mối chỉ đơn sơ quá!
Thơ dại nằm yên giữa đôi ta!...

Buổi xưa chia cách sao vội vã?
Theo gió chiều lên áo bay xa.


Sông nước ngày thơ mây trắng xóa.
Áo em cánh bướm tự phương nhà.
Xin cho nhắm mắt, hình dung lại
Một người áo trắng ở trong ta!

 

Trong khi tôi viết, Minh đứng cạnh, đọc từng chữ. Tôi vừa viết vừa…run tay vì xúc động! Sau cuộc điện đàm, Minh cười:

 

-“Cái thằng”! Mấy mươi năm rồi mà cũng vẫn còn trách “Thơ dại nằm yên giữa đôi ta”!

 

Tôi giả vờ không hiểu bài thơ:

 

-Thầy viết về cô áo trắng nào đó chứ đâu có tên “tui”.

 

-Đồng phục của nữ sinh Võ Tánh không phải áo trắng là gì?

 

Im lặng! Minh tiếp:

 

-“Nó” tu tại gia, ăn chay trường được vài năm rồi.

 

-Ủa, sao thầy không nói gì với em về việc đó?

 

Im lặng. Một chốc sau, Minh bảo:

 

-“Cái thằng”! Đã tu, ăn chay trường mà còn “Xin cho nhắm mắt, hình dung lại,
Một người áo trắng ở trong ta”!

 

Vài tuần sau, chúng tôi nhận được tập thơ Tràng Phang Tiếp Dẫn và truyện dài Vùng Trời Quê Hương do Trần Nhất Hoan sáng tác, gửi “Tặng Minh ‘sún’ và con gái cụ Ngữ”. Tôi đọc và nhận ra tâm hồn của thầy Hoàn đã hoàn toàn xa lìa tục lụy.

 

Sau đó rất lâu, giữa Minh và tôi có quá nhiều bất đồng. Minh dời đến sống với vợ chồng con gái của chúng tôi.

 

Vào Mother’s Day, thầy Hoàn điện thoại. Sau khi chúc tôi Mother’s Day, thầy khuyên tôi nên cho Minh trở về. Tôi ngạc nhiên:

 

-Làm thế nào thầy biết được chuyện giữa ông Minh và em?

 

-“Hắn” điện thoại cho tôi, kể lể mọi điều rồi nhờ tôi nói với bà cho hắn về.

 

-Là bạn thân của ông Minh, thầy còn lạ gì tính của ổng.

 

-Biết rồi! Nhưng tôi khuyên bà, thôi, bà đã chịu đựng được “hắn” mấy mươi năm rồi; chừ có tuổi cả rồi, tha thứ cho nhau mà sống, chấp nê chi nữa?

 

-Thưa thầy, càng già em càng nghiệm được rằng: Mọi điều xảy ra trên vũ trụ này đều khởi từ Nhân, Duyên và Nghiệp.

 

-Ui chao! Tu khi mô mà nói nghe như ni cô thuyết giảng rứa, Trời!

 

-Ông Minh và em vẫn là bạn, không thù hận gì cả; gặp nhau vẫn chào hỏi. Đôi khi – nếu biết được em sẽ tham dự bữa tiệc nào đó – ông Minh đứng nơi cửa để đón em, đưa em vào bàn rồi lấy nước uống cho em. Thầy hỏi bạn ông Minh ở đây xem có đúng không.

 

-Chừ hắn chỉ muốn trở về với bà thôi. Hắn nói hắn rất ân hận vì đã đẩy bà đến cuối đường.

 

-Thôi, thầy ơi! Đừng nói chuyện “cái ông ba gai” đó nữa. Thầy đàn và hát cho em nghe đi, thầy.

 

-Bà hứa cho hắn trở về thì bà muốn tôi đàn, hát cả trăm bài tôi cũng đàn, hát cho bà nghe.

 

-Nếu em không hứa thì sao, thưa thầy?

 

-Nếu bà không cho hắn trở về thì “nhiệm vụ” hắn giao cho tôi kể như…tiêu! Rứa thì tôi còn lòng dạ mô mà đàn, hát cho bà nghe?

 

-Em sorry, thưa thầy!

 

Khi Minh đột ngột qua đời – năm 2014 – tôi emailed và điện thoại thông báo cho bạn hữu của Minh. Lúc bấm số điện thoại của thầy Hoàn, nghe máy trả lời, tôi để lại lời nhắn:

 

-Thưa thầy, ông bạn của thầy “đi” rồi!

 

Sau đó thầy Hoàn gọi lại, an ủi tôi rồi hỏi:

 

-Bạn bè của hắn có đứa mô đến viếng hắn chưa? Tiếc là tôi có việc phải đi xa.

 

-Dạ, ngoài gia đình Hải Quân, bạn của ổng đến đông lắm.

 

-Hắn rất tốt với bạn cho nên ai cũng thương quý hắn.

 

-Dạ, hôm được tin ông Minh qua đời, anh Trần Đoàn – cũng “dân” Quốc Học – trên DC cũng emailed cho em một câu tương tự như câu thầy vừa nói. Trong email hồi đáp cho anh Đoàn, em đùa: “Ông Minh tốt với cả triệu người; còn Thanh Điệp là người thứ một triệu lẽ một… Đành chịu!”

 

-Bậy! “Thằng” Minh “hắn” thương bà lắm đó! Nhưng vì tính hắn “ba gai”, không biết sợ, không tự chế và không do lường được hậu quả mà ra “cớ sự”.

 

-Thôi, thầy ơi! Có lẽ ông Minh và em Duyên Nợ không còn!

 

-Thôi nha, để tôi vào niệm cho “thằng” Minh một hồi kinh.

 

Đó là lần sau cùng thầy Hoàn liên lạc với tôi.

 

Từ ngày có lệnh “không rời nhà” vì sự lan tràn của Covid-19, tôi bị tù quẩn trong nhà. Tôi tức giận vì Trung cộng lừa gạc thế giới từ khi dịch Coronavirus vừa bộc phát, rồi cố che giấu số nạn nhân tử vong. Tôi cũng thất vọng về sự “ngây thơ” của Hoa Kỳ và Âu châu trước mưu đồ quỹ quyệt của Trung cộng trong vấn nạn Covid-19. Tôi rất lo âu cho con cháu, bạn hữu của tôi. Tất cả những điều đó đều ngoài tầm tay của tôi cho nên tinh thần của tôi bị căn thẳng một cách đáng ngại. Tôi bị mất ngủ liên tục rồi cổ và vai của tôi đau thắt.

 

Một buổi trưa, đang ngủ chập chờn, tôi chợt choàng tĩnh vì cơn mộng dữ! Tôi sợ hãi, vội điện thoại, emailed hỏi thăm tình trạng của các con, cháu, bà con, bạn hữu, v.v...

 

Khi điện thoại sang thầy Hoàn, tôi bàng hoàng khi người trả lời điện thoại – Chi Chi, con gái của thầy Hoàn –  cho tôi hay là thầy… không còn nữa! Tôi khóc nhiều,  cũng như tôi đã khóc vùi khi con tôi báo tin Minh “ra đi”! Chi Chi hỏi:

 

-Thưa, cô là bạn hay là học trò của Ba con?

 

-Tôi không là gì của thầy Hoàn cả.

 

-Vậy thì tại sao cô gọi Ba con bằng thầy?

 

-Tôi gọi thầy Hoàn bằng thầy từ lần đầu tiên tôi gặp thầy tại nhà thầy cô Lượng; vì thầy Hoàn là giáo sư, tôi là học trò – dù thầy không dạy tôi ngày nào cả.

 

-Dạ, vậy có phải cô là … người tình của Ba con hay không?

 

-Càng không phải nữa.

 

-Thế thì sao cô khóc? Cô có vẻ bị xúc động nhiều.

 

-Vâng. Tôi xúc động rất nhiều. Nhưng, sự xúc động trong tôi xuất phát từ mối tình cảm tinh khiết, thánh thiện chứ không phải từ tình cảm đời thường giữa nam và nữ.

 

Rồi tôi kể lại cho Chi Chi nghe câu chuyện giữa thầy Hoàn, Minh và tôi. Chi Chi bảo:

 

-Thưa cô, con nhớ câu “Thanh Điệp, con ông Ngữ ở Nha Trang. Điệp có nụ cười rất đầm và cái cằm chẻ đôi…” trong cuốn Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ của Ba con mà con không biết Thanh Điệp là ai; không ngờ bây giờ con được tiếp chuyện với cô Thanh Điệp.

 

-Chi Chi còn cuốn Nỗi Buồn Ngày Tháng Cũ hay không? Nếu có thể, Chi Chi copy trang có câu thầy Hoàn viết về cô, gửi sang cho cô, được không, Chi Chi?

 

-Dạ, bây giờ họ “cấm đường” và con cũng rất bận tại bệnh viện; vì nạn nhân Covid-19 nhiều quá! Hôm nào số bệnh nhân giảm, có thì giờ, con sẽ gửi cuốn Nỗi Buồn Ngày Thàng Cũ biếu cô.

 

-Cảm ơn Chi Chi nhiều.

 

-Bây giờ con chuyển sang cô youtube Ba con đàn và hát để cô thấy Ba con rất yêu đời.

 

Sau khi mở youtube, thấy ông cụ tóc bạc, chân mày cũng trắng, đang đàn, tôi mỉm cười. Chỉ một thoáng sau, nhận ra thầy đang đàn tình khúc Mùa Thu Chết của Phạm Duy, tôi tự hỏi tại sao thầy thường chọn những tình khúc lãng mạn, buồn thảm và đầy trách hờn? Và, tôi cũng không hiểu tại sao và bắt đầu từ lúc nào thầy Hoàn gọi tôi bằng “bà”! Lúc tiếng hát của thầy đến đoạn cuối, tôi thở dài, lòng xót xa vô vàn!

 

…Ôi ngát hương thời gian mùi thạch thảo.
Em nhớ cho rằng ta vẫn chờ em.
Vẫn chờ em, vẫn chờ em…
Vẫn chờ, vẫn chờ... đợi em!

 

Trong khi giọng của thầy Hoàn vút cao hẳn một bát trình – octave – ở hai tiếng “đợi em” và tiếng vỗ tay của bạn hữu vang lên thì tôi chấp hai tay, cúi đầu, khép mắt, thầm khấn: “Cuối cùng rồi thầy và ông Minh – hai người bạn tốt – cũng gặp lại nhau như Hai Vì Sao Hội Tụ”.

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh

No comments:

Post a Comment